Lưỡng Đô Ký Sự (Chuyện Hai Kinh Thành)

Chương 9: Hương thủy*

Phải chăng Mẫu hậu đang nghiêm túc?

(*): nước hoa, tựa dùng Hán Việt nghe cho thơ.

——

Đường Oanh không ngờ tên Đường Đại "lấy oán báo ơn" kia sẽ chủ động "biến chiến tranh thành tơ lụa" với mình.

"Này..." Đường Đại đưa một cây hồ lô ngào đường tới cho Đường Oanh, ngượng ngùng xoa xoa đôi bàn tay nhỏ, "Cho muội."

Năm nay Đường Đại bốn tuổi, từ nhỏ đã quen cẩm y ngọc thực[1], chưa từng nói lời tạ lỗi với ai, đương nhiên cũng sẽ không cúi đầu trước hoàng muội Đường Oanh này. Suy đi nghĩ lại, nghĩ bản thân mình ham ăn, mẫu thân càng ngăn cấm thì càng thích ăn món ngọt, vậy là, cũng liền cho rằng hồ lô ngào đường này là thứ thích hợp để an ủi hoàng muội nhất.

[1] Y phục bằng gấm, đồ ăn bằng ngọc, ý nói sống trong nhung lụa.

Cây hồ lô đường được bàn tay bé nhỏ nắm lấy, Đường Oanh nhìn, nói lời dịu dàng dễ nghe: "Cảm ơn Lục ca ca." Đường Đại đây là có ý tạ lỗi đấy, Đường Oanh hiểu, vốn cũng có cảm tình với Đường Đại mập mạp này hơn Đường Diễm.

Đường Đại là Trưởng tử của Tuyên Thành Quận vương, muội muội hắn vừa được sinh ra không bao lâu, hắn đã bị chọn để nhập cung. Một tiếng "ca ca" non nớt của Đường Oanh đã đủ để thỏa mãn ao ước làm huynh trưởng của hắn. Hé môi cười, gật đầu ngồi xuống trên thềm đá, lại nhìn cây hồ lô đang nghiêng ngả trong tay tiểu muội trước mắt, Đường Đại thẳng lưng thấp giọng: "Để ca ca cầm giúp muội, muội muốn ăn cứ nói với ca ca là được."

Đường Oanh chưa kịp trả lời đã lấy cây hồ lô trong tay mình bị lấy đi. Đường Đại như trầm ngâm một lúc, nghĩ tiểu muội đã ở trong cung lâu như vậy rồi, cớ gì vẫn trầm mặc thiếu tự nhiên như thế, vậy là hỏi: "Muội có nhớ nhà không?"

Nhớ nhà sao?

Nhớ, nhớ nơi ngoại thành Cô Tô um tùm cây cỏ, nhớ nơi phòng nhỏ ngói nứt những đêm tuyết tràn qua, nhớ người phụ thân chẳng mấy dụng tâm khi đặt tên cho nữ nhi của mình, nhớ mẫu thân ngày qua ngày than thở chuyện mắm muối. Đương nhiên là nhớ. Đến bây giờ Đường Oanh cũng còn nhớ rõ như in khoảnh khắc ấy khi nàng mở mắt ra, nghe thấy tiếng cha nương hân hoan vui cười. Đây là điều kiếp trước nàng không có may mắn trải nghiệm. Hiện tại thân ở nơi Hoàng cung Yến Kinh này, chỉ sợ rằng khó có thể bước chân ra. Cô Tô nơi ấy dường như đã trở thành cố hương nàng chẳng thể quay trở về. Đường Oanh ngẩng đầu nhìn cung tường bốn phía cao sâu, nàng nghĩ, dù sao cũng may mắn, nàng giúp phụ thân phục được tông tịch, như thế thân sinh của nàng cũng có thể sống một cuộc sống dễ chịu hơn.

"Ôi chao!" Nhũ mẫu bưng một chén cháo tới, than thở một tiếng, rồi ôm Đường Oanh lên, "Đêm qua tuyết đổ, sáng ra cung nhân vừa quét dọn, bây giờ vẫn còn lạnh như thế, sao tiểu điện hạ lại ngồi đây?" Nhũ mẫu phủi y phục của Đường Oanh, lại nhìn thấy cây hồ lô đang đứa trẻ đang cầm trong tay, vẫn còn một nửa, ngạc nhiên hỏi: "Hồ lô đường? Ai cho vậy?"

Cây hồ lô rơi xuống đất, Đường Oanh cúi đầu nhìn: "Lục ca ca..."

Đường Đại yêu hồ lô đường nhất, cầm trong tay rồi, sao còn có thể nhịn. Nếu không phải là do nhũ mẫu đi ra, e là tiểu muội Đường Oanh này cũng chẳng được để phần một miếng. Dáng người mập mạp, ấy vậy mà tay chân thật nhanh, thoáng một cái đã chạy đi không còn bóng dáng.

Nhũ mẫu cho Đường Oanh ăn xong chén cháo, cũng nhân lúc trời đẹp không tuyết, cầm tay đứa trẻ dắt đi vài vòng quanh đình viện.

Đình viện nơi này, giữa những hàng cây cỏ trân quý, ở phía bên kia cạnh, cách núi giả không xa có một cây Hải Đường, mỗi ngày Hoàng hậu đều tới đây vài lần.

Đường Oanh rời khỏi cái nắm tay của nhũ mẫu, tự mình bước từng bước xiêu vẹo về phía cây Hải Đường, tay nhỏ chỉ vào trên thân cây.

Nhũ mẫu cũng hiểu được đứa trẻ này đang hỏi mình những vết khắc trên thân cây này là từ đâu mà có, tuy rằng không biết trẻ nhỏ nghe có hiểu hay không, rốt cuộc vẫn là kiên nhẫn giải thích: "Tứ ca ca của tiểu điện hạ, là Thái tử Hoằng điện hạ đấy, rất thân thiết với Hoàng hậu, tình cảm rất tốt. Cũng bảy tuổi rồi, mỗi ngày đều cao lớn hơn một chút, thế là dựa lưng vào đây, cao tới đâu sẽ khắc ở đó một vết, coi như là đo chiều cao." Nhũ mẫu cũng chẳng phải là cung nhân của Vị Ương cung, điều nghe được cũng chỉ có vậy.

Đường Oanh nhìn như chỗ hiểu chỗ không, gật gật đầu, càng lúc càng có niềm tin vững chắc rằng lời đồn đại Hoàng hậu mưu hại Hoàng tự không phải là thật. Có điều, nuôi dạy ba đứa trẻ ở Vị Ương cung, cả ba đều vong mạng, nên giải thích thế nào?

Chợt lại nhìn thấy có thân ảnh yểu điệu đoan trang thấp thoáng trong hành lang, Đường Oanh gọi to: "Mẫu hậu!" Vừa gọi đã như một mũi tên rời cung chạy về phía ấy, ôm chầm lấy chân Hoàng hậu. Đứa trẻ hơn một tuổi liêu xiêu bám lấy, Hoàng hậu nhìn trước ngó sau, thấy đứa trẻ vẫn đứng vững mới yên tâm. Xoa xoa đầu Đường Oanh, biết đứa trẻ này không chịu rời khỏi mình rồi, bèn nói nhũ mẫu lui xuống nghỉ ngơi.

"Đường đại nhân, bên này." Hoàng hậu nắm lấy bàn tay nhỏ, vừa nói với nam nhân theo phía sau.

Lúc này Đường Oanh mới nhận ra hôm nay Vị Ương cung có khách. Nam nhân đi phía sau, ước chừng ở tuổi tứ tuần, vóc người cao lớn, mũi cao mắt sâu, thân mặc giao lĩnh màu lục, cũng rất có tư thái.

Ước chừng là do rào cản ngôn ngữ, Hoàng hậu và nam nhân này trò chuyện rất ít, có nói cũng là nói rất ngắn gọn. Có hai chuyện, thứ nhất, Vương quốc Anh cũng vẫn chưa tìm ra được phương pháp trị bệnh đậu mùa đến tận gốc, chỉ có thể phòng bệnh. Thứ hai, Hoàng đế ân chuẩn cho mở Giáo đường trong nội thành Yến Kinh một thời gian, phía gần Đông Hoa môn. Để cảm tạ Hoàng hậu ngày ấy có lời trước Ngự tiền, đặc biệt tới tặng một món quà bản xứ - là một lọ nước hoa.

Nói về nước hoa, Đường Oanh thuộc trong lòng bàn tay. Nước hoa xuất phát từ Ai Cập cổ đại, mãi tới thế kỷ thứ Mười lăm mới thịnh ở Châu Âu, cho đến thời hiện đại đã trở thành một phần không thể thiếu trong vòng giao thiệp. Tấn triều lúc này tương đương với Minh triều những năm Vạn Lịch, chính là đầu thế kỷ Mười bảy, nhưng Đường Oanh lại không thể xác định được chính xác thì là chênh lệnh bao nhiêu năm. Dù sao nàng hiện cũng chỉ là một đứa trẻ vừa qua một tuổi, không thể nắm lấy tay người đàn ông kia mà hỏi: "Vương quốc Anh? Thời Phục hưng thế nào? Cách mạng Công nghiệp ra sao?"

Nắp bình mở ra, nội điện tức thì tràn ngập một cỗ hương thơm nồng đậm đến gay mũi. Cung nhân không chịu được mà che miệng ho khan. Nhưng Hoàng hậu ngồi đây không thể không chuẩn lễ nghi, cho nên chỉ có thể nhịn xuống sự khó chịu, bất động thanh sắc phẩy tay một cái, rồi lại đưa tay che khuôn mặt nhỏ nhắn của Đường Oanh lại, không thể đứa trẻ ngửi được. Đường Oanh còn đang tự nhẩm trong đầu thành phần điều chế: "Long tiên, xạ hương, hoa nhài..." Lúc này dòng suy nghĩa đã bị cắt đứt, ngơ ngác nhìn lòng bàn tay của Hoàng hậu đang che trước mặt mình.

Muốn mở Giáo đường, đương nhiên phải nịnh bợ Đế Hậu cho tốt, tặng Hoàng đế đồng hồ tinh xảo, tặng Hoàng hậu nước hoa bản xứ, ai ngờ hiệu quả lại ngược lại. Nhìn thần sắc hắn lúng túng Hoàng hậu cũng không làm khó: "Hương thơm tỏa bốn phía, đọng lại lâu dài như vậy, ta vừa ý. Đa tạ Đường đại nhân."

Hương thơm tỏa bốn phía, đọng lại lâu dài? Mẫu hậu đang nghiêm túc đấy sao?

Hương còn rất tạp, rất nồng, mới dẫn đến cảm giác gay mũi khó chịu như vậy, cho dù có thích hợp với người phương Tây, đối với người Trung Nguyên mà nói, chỉ sợ cũng là chẳng có phúc hưởng.

Ngữ khí của Hoàng hậu rất tự nhiên, Đường Oanh nghi hoặc ngước mắt nhìn lên, đã thấy được vành tai Hoàng hậu phiếm hồng. Rõ ràng là một bộ dáng miễn cưỡng dối lòng, thật gian nan. Đường Oanh bật cười, thiếu chút nữa lảo đảo, may có Hoàng hậu giữ lại, rồi liền nhận lấy một ánh mắt cảnh cáo, lập tức chỉ có thể ngoan ngoãn ngồi yên.

Chẳng mấy chốc, nam nhân cáo lui rời khỏi.

Đường Oanh chống cằm, ngước mắt hỏi: "Đại... Hồ Tử?"

Diện mạo gương mặt khác với người Trung Nguyên, đôi mắt xanh như bảo thạch, Hoàng hậu biết đứa trẻ thế nào cũng hiếu kỳ, cho nên dịu dàng mà giải thích: "Hay còn gọi Đường Cát Lợi, hai năm trước đây thuyền chập bến cảng Hải Châu, một đường nhập kinh, tiến cung lên cho Bệ hạ một thứ, gọi là đồng hồ nước. Đồng hồ nước kia còn chính xác hơn đồng hồ đá trước Thái Hòa điện, phụ hoàng ngươi rất ưng, cao hứng mà ban họ Đường, Cát Lợi là tên của hắn. Đàm luận rất nhiều chuyện liên quan đến xứ Tây Dương, muốn mở Giáo đường truyền giáo, nhưng Bệ hạ cảm thấy không ổn, thương lượng với các đại thần xong liền từ chối, chỉ phong cho hắn một chức tiểu quan ở Khâm Thiên giám. Sau này..." Ánh mắt Hoàng hậu rời khỏi gương mặt Đường Oanh, chậm rãi hướng về phía cây Hải Đường ngoài viện, "Hoằng nhi... đột nhiên đổ bệnh, ta từng nghe đại phu xứ Tây Dương trị bệnh theo cách rất khác biệt, đề nghị với Bệ hạ một câu, xuống chỉ để Đường Cát Lợi tìm một đại phu tới."

Hoàng hậu nói tới đây, rơi vào trầm mặc, đáy mắt vẫn còn sự hoảng hốt, vẫn còn tia đau xót.

Đường Oanh nửa ngồi nửa quỳ trên giường, thẳng lưng ngước mắt nhìn lên, giọng nói non nớt khe khẽ: "Mẫu hậu... còn.... còn có nhi thần ở đây."

Ánh mắt Hoàng hậu khẽ chuyển, lập tức bật cười. Đưa tay vỗ vỗ sau gáy Đường Oanh: "Phải, còn có ngươi ở đây."

- --

Mỗi khi Đông tới, tộc Tây Nhung[2] – tộc du mục nơi biên thùy phía Bắc của Đại Tấn năm nào cũng có ý đồ muốn xâm phạm, đánh cướp vào biên giới. Năm xưa Nguyên Sóc đế đã ký nghị ước với Khả hãn[3] Cát Bố Sở của Tây Nhung, thế nhưng Khả hãn A Mộc Nhĩ hiện tại này, hoàn toàn không khác gì lưu manh vô lại, nhằm mùa đông tới tràn sang cướp bóc. Binh quan Đại Tấn trấn thủ biên cương, hễ cứ manh động, A Mộc Nhĩ liền đưa nghị ước năm xưa ra thị uy đe dọa, tướng lĩnh của Đại Tấn chỉ cần khiến một người của Tây Nhung bị thương, hắn liền mắng Đại Tấn bất nghĩa.

[2]: Tây Nhung là từ chung để gọi các tộc ngoại bang. "Fact" thêm: Tấn triều phỏng Minh triều, cho nên có thể ngầm hiểu quân Mông Cổ ở đây chính là đang phỏng Thanh triều.

[3]: Hay Đại hãn, là tước hiệu thủ lĩnh cao nhất trong ngôn ngữ Mông Cổ, được xem là người đứng đầu.

Khi Tiên đế còn tại thế, A Mộc Nhĩ được định sẵn sẽ kế vị Khả hãn, nhưng khi ấy còn đang trẻ tuổi, không dám làm càn. Mà nay A Mộc Nhĩ đã vào tuổi tứ tuần, lăm le đất Trung Nguyên đã lâu, nhìn Tái Hữu đế trẻ tuổi suy nhược không có Hoàng tự chưa lập Trữ quân, càng lúc càng lấn lướt.

Tuy rằng sức khỏe Tái Hữu đế quả đúng không cường kiện, thế nhưng ngồi trên Đế vị chấp chưởng giang sơn hơn mười năm, há lại để ngoại bang lấn lướt? Nếu đã quyết ý diệt trừ, chẳng lo không thể thắng, điều nên cân nhắc chỉ là - nên giao nhiệm vụ này cho ai, để vừa có lợi cho xã tắc, vừa có lợi cho Hoàng quyền.

Đại Tấn, cửu Châu cửu Vệ - Định Châu vệ và Lương Châu vệ, binh hùng tướng mạnh, trang bị kỹ càng, hợp lại cũng đã tới hai mươi vạn quân.

Đáng tiếc, cả hai Đô chỉ huy sứ đều là tôn tử của Kim Lăng Nhan thị.

—- Hết chương 8 —-

Editor mạn đàm:

Có điểm cần chú thích:

- Về việc tôn xưng Hoàng hậu là "Điện hạ" chứ không phải "nương nương":

"Nương nương" là từ dùng để gọi đích thê và tần phi của Hoàng đế, thực chất mãi đến sau này mới xuất hiện, ước chừng bắt đầu từ thời Tống. Còn trước đó, "điện hạ" vẫn luôn là từ cao quý, chỉ cao quý sau "bệ hạ", cho nên từng dùng để gọi Thái hậu và Hoàng hậu. Lưỡng Đô Ký Sự mặc dù phỏng Minh nhưng dùng nhiều cổ văn, và "điện hạ" cũng thích hợp với không khí cung đình quyền mưu hơn "nương nương".