Thợ Săn Xác Chết

Chương 356: Dần dần tìm đường chết

Vốn chú Lê có ý định trước khi chết sẽ nhận nuôi một đứa con trai của anh hai mình, như vậy sau khi chết cũng không đến mức không có con cháu, nhưng không ngờ lại gặp chuyện này, nên chắc là ông ấy đã bỏ ý định đó đi…

Vì muốn chú Lê vui hơn một chút, tôi và Đinh Nhất cố gắng thuyết phục chú đi du lịch cùng chúng tôi, nào ngờ lão già này nghe xong thì trừng mắt, nói: “Có phải ngại tiền kiếm được quá nhiều không? Còn muốn đi du lịch?! Đợi làm xong hai đơn hàng này rồi nói sau!”

Tôi mừng lắm, xem ra lại có việc để kiếm tiền rồi! Mấy vụ lúc trước nếu không phải làm không công thì cũng chỉ thu một ít tiền đi lại tượng trưng, vì thế mà phải đến hai, ba tháng rồi chúng tôi không có thu nhập!

Có lẽ tôi và chú Lê là cùng một loại người, miễn là kiếm được tiền thì chuyện không vui cũng có thể quên ngay tắp lự…

Vụ lần này vẫn do chị Bạch giới thiệu tới, tôi xem tư liệu, khách hàng là thầy dạy đại học của chị Bạch nhờ tìm kiếm người con trai đã mất liên lạc hơn hai mươi sáu năm.

Khi tôi chính thức được nhìn thấy hai người giáo viên già trên tám mươi tuổi kia, mặc dù tóc hai người họ đều đã bạc trắng, nhưng sống lưng lại thẳng tắp, không hiểu sao khi nhìn thấy họ, lòng tôi lại cảm thấy chua xót.

Hai ông bà già này một người gọi là Ngô Hàn Văn, người còn lại là Thẩm Tư Ngữ, trước khi nghỉ hưu bọn họ là giáo sư ưu tú dạy trong trường đại học, nhưng bọn họ cả đời đi dạy người, lại không thể dạy tốt con của mình là Ngô Duệ.

Thì ra hai ông bà này có một người con trai duy nhất tên là Ngô Duệ, từ nhỏ đã là một học sinh rất giỏi, bạn nghĩ mà xem, cả cha lẫn mẹ đều là giáo sư đại học, ngay từ khi con còn bé, họ đã giáo dục Ngô Duệ rất khắc nghiệt, cho dù là một đứa trẻ có tư chất bình thường thì cũng khởi đầu nhanh hơn người khác vài bước.

Nhưng tôi không thể không thừa nhận, cách thức giáo dục của họ rất có vấn đề, có lẽ đây chính là cái gọi là càng yêu càng phải nghiêm khắc!

Năm đó giáo sư Ngô và giáo sư Thẩm đã qua tuổi bốn mươi mới có Ngô Duệ, cho nên họ vô cùng để tâm đến chuyện học tập và phát triển của con mình, một lòng muốn bồi dưỡng con mình thành một người ưu tú.

Lúc Ngô Duệ còn nhỏ thì không sao, cha mẹ nói gì cậu bé làm như thế. Nhưng càng lớn lên, cậu bé bắt đầu học được cách suy nghĩ độc lập, có ý nghĩ riêng của mình.

Thật ra ở thời điểm này, hai vợ chồng giáo sư Ngô đã nên bắt đầu thay đổi cách giáo dục lúc trước, không thể cứ nghiêm khắc với cậu bé mà càng nên học cách nói chuyện với nhau, nhưng hiển nhiên bọn họ không làm như vậy, mà vẫn dùng cách thức dạy dỗ cũ.

Cho đến khi Ngô Duệ tốt nghiệp đại học, hai vợ chồng giáo sư Ngô đang chuẩn bị giúp con trai đăng ký tham gia học thạc sĩ thì đột nhiên biết được tin con trai mình đã rời trường học, đi công tác ở Thâm Quyến, hơn nữa cậu ta còn nhờ người khác đưa cho hai vợ chồng họ một bức thư.

Khi giáo sư Ngô nhìn thấy bức thư này, trong lòng ông ấy ruột gan như đứt từng khúc, ông ấy không hiểu vì sao mình đã đặt tất cả tâm huyết lên người con trai, một lòng vì muốn tốt cho nó, mà sao nó không chịu hiểu nỗi khổ tâm của ông?

Giáo sư Ngô cũng không nói rõ nội dung đầy đủ của bức thư, nhưng ý là muốn đoạn tuyệt quan hệ cha con, vĩnh viễn cả đời không qua lại với nhau. Lúc ấy giáo sư Ngô cho rằng con trai chỉ nhất thời nghĩ lung tung thôi, đợi nó hoàn thành công việc xong, sớm muộn gì cũng có một ngày nó sẽ hiểu nỗi khổ tâm của ông ấy.

Nhưng bọn họ không thể ngờ rằng, lần chia tay này lại kéo dài hai mươi sáu năm, trong khoảng thời gian này bọn họ đã từng nhiều lần nghe ngóng tin tức về nơi ở và tình hình của Ngô Duệ ở Thâm Quyến. Về sau thông qua một học sinh, họ biết được lúc ấy Ngô Duệ đang làm việc trong một xí nghiệp của nhà nước ở Thâm Quyến.

Kể từ khi đó, họ thường xuyên gửi thư về đơn vị của Ngô Duệ, mỗi tháng một bức, mặc gió mặc mưa… Có lúc bọn họ còn gửi một ít tiền trong thư cho con trai, sợ nó sống một mình ở bên kia không được tốt. Vì không muốn con trai gửi thư lại, họ thậm chí còn chỉ đề địa chỉ của Ngô Duệ ở trên phong bì, mà không điền địa chỉ người gửi.

Tình trạng này cứ thế tiếp diễn liên tục cho đến năm ngoái, vì giáo sư Ngô đột nhiên bị một trận bệnh nặng, suýt chết. Đến khi bệnh tình của ông ấy khởi sắc hơn, ông ấy lập tức nghĩ đến chuyện, nếu như mình cứ thế chết đi, chẳng phải ngay cả lần cuối nhìn thấy mặt con đều không có sao?

Thế là ông ấy tìm đến người học sinh ngày xưa, nhờ anh ta giúp đỡ đi đến đơn vị công tác của Ngô Duệ ở Thâm Quyến để tìm người, hi vọng con trai có thể trở về thăm mình một lần.

Ông ấy còn tự tay viết cho Ngô Duệ một bức thư, trong thư ông ấy nói xin lỗi con trai, nói rằng trải qua nhiều năm suy nghĩ lại, cuối cùng ông ấy cũng hiểu ra cách giáo dục của mình năm đó đã sai. Hi vọng con trai có thể tha thứ cho cha mẹ, trở về gặp mặt ông ấy lần cuối.

Người học trò này của giáo sư Ngô tên là Tôn Lỗi, cũng là đàn anh của chị Bạch, anh ta tự mình đem thư của giáo sư Ngô đến Thâm Quyến. Kết quả khi anh ta dựa theo địa chỉ mà giáo sư Ngô đưa cho, tìm tới đơn vị công tác của Ngô Duệ thì mới sợ hãi phát hiện ra rằng, Ngô Duệ đã từ chức từ hai mươi tư năm trước rồi!

Mà nhân viên phụ trách công tác tiếp đón của họ còn rất có trách nhiệm đưa ra rất nhiều thư mà giáo sư Ngô đã gửi đến đơn vị của họ, vì trên phong thư không có địa chỉ người gửi, cho nên bọn họ không có cách nào gửi thư trả lại, chỉ có thể tạm thời bảo quản hộ.

Khi Tôn Lỗi nhìn thấy hai hòm tràn đầy những bức thư chưa được mở ra, trong lòng anh ta có cảm giác rất khó chịu, trong những bức thư này có toàn bộ yêu thương của cha mẹ Ngô Duệ đối với anh ấy… Vậy mà thật đáng tiếc, người trong cuộc là Ngô Duệ lại không nhận được một bức nào.

Anh ta hỏi ra mới biết được, thì ra năm đó đúng là Ngô Duệ đã từng công tác ở đơn vị họ một thời gian, nhưng về sau bởi vì chút chuyện cá nhân nên chọn từ chức, từ đó họ chưa từng gặp lại anh ấy nữa.

Không còn cách nào khác, Tôn Lỗi đành phải xách hai hòm thư rời khỏi Thâm Quyến, nhưng sau khi trở về, không biết anh ta nói chuyện với thầy cô giáo cũ thế nào mà cuối cùng phải đến tìm chị Bạch, hai người họ bàn bạc và quyết định trước tiên dùng tiền mời thám tử điều tra xem hiện tại Ngô Duệ đang ở đâu rồi tính tiếp.

Khi thám tử đem toàn bộ thông tin về Ngô Duệ đặt ở trước mặt bọn họ, bọn họ đều choáng váng! Bởi vì trên tư liệu có nói, người đàn ông tên Ngô Duệ này đã dừng mọi hoạt động từ hai mươi tư năm trước.

Một người có giấy tờ chứng minh thân phận không thể nào không có bất kỳ hoạt động nào được, bởi vì dù gì anh ta cũng phải dùng thẻ căn cước để mở tài khoản ngân hàng chứ? Cũng phải dùng thẻ căn cước để đăng ký số điện thoại di động chứ? Đến cả nằm viện khám bệnh, có phải anh ta cũng phải dùng đến thẻ căn cước không?

Nhưng trên danh nghĩa thẻ căn cước của Ngô Duệ lại không hề có tất cả những tin tức này, thậm chí anh ta còn không đi đổi thẻ căn cước đời thứ hai… Loại tình huống này chỉ có hai khả năng.

Một là anh ta đã đổi sang một thân phận khác, dùng thẻ căn cước của thân phận khác. Nếu không thì chỉ còn có khả năng còn lại, đó là người này đã chết mà không ai biết… Bởi vì chỉ có người đã chết mà không ai biết, mới không phát sinh bất cứ thông tin hoạt động nào.

Chị Bạch và Tôn Lỗi suy đi tính lại, cuối cùng cảm thấy nhất định phải nói rõ chuyện này cho vợ chồng giáo sư Ngô biết, đây là chuyện lớn, không thể để cuối cùng họ lại bị oán trách được.