Thợ Săn Xác Chết

Chương 260: Tuyến hàng không bướu lạc đà

Đầu năm nay, Đỗ Lãng về Trung Quốc làm ăn, vô tình nghe được người ta ca tụng “tiếng tăm” của chú Lê, lúc đầu anh ta cho rằng chúng tôi lừa đảo, không thể nào tin được!

Nhưng mấy hôm trước, anh ta đột nhiên gặp được người bạn tốt học chung ở đại học Yale, Thiệu Kiến Hoa. Trong lúc ôn chuyện, Thiệu Kiến Hoa đã kể chuyện chú Lê giúp anh ta tìm mộ tổ, lúc này mới khiến Đỗ Lãng – người có một nửa máu Tây không tin thần quỷ cảm thấy có thể tìm chúng tôi thử xem sao, hoàn thành tâm nguyện nhiều năm của mẹ anh ta…

Tôi nghe là do Thiệu Kiến Hoa giới thiệu, lập tức hiểu ngay vì sao lúc đó chú Lê không lấy thêm phí của anh ta, lão già này đúng là gian xảo mà! Vừa là bạn học, lại là bạn tốt của Thiệu Kiến Hoa, chắc cũng là nhân vật có tiếng. Chỉ cần anh ta tùy tiện giới thiệu vài người đến, vậy là chúng tôi có thể kiếm lời rồi!

Đối với đường hàng không Bướu Lạc Đà năm đó, tôi cũng có biết đôi chút. Năm đó vì đánh Nhật Bản, các nước Trung, Anh, Mỹ, Ấn Độ và một vài quốc gia khác cùng liên hợp mở một đường vận chuyển hàng hóa, tên là “Tuyến đường chết chóc”.

Sở dĩ gọi “Tuyết đường chết chóc” là vì trong lịch sử hàng không lúc đó, bất luận là trang bị máy móc hay kinh nghiệm của phi công, đó đều là một lần thử thách trước giờ chưa từng có.

Đường bay này quá cao so với mặt nước biển, thời tiết lại rất xấu, xuyên qua dãy Himalaya, dãy núi Gaoligong, dãy núi Hoành Đoạn, sông Salween, sông Nộ*, sông Lancang**, sông Kim Sa… Tuyến đường này dài 804.500 km, độ cao tối đa so với mặt nước biển có thể đạt tới 7000 mét, đi qua những dãy núi chập trùng liên miên. Bởi vậy nó còn một cái tên hình tượng khác, đó là “Đường bay Bướu Lạc Đà.”

* Là đoạn chảy qua Trung Quốc của sông Salween.

** Lan Thương Giang.

Năm đó, không biết có bao nhiêu phi công Mỹ đã chết trên con đường này, chỉ riêng máy bay rơi cũng đến mấy trăm chiếc. Nếu bây giờ muốn tìm một thi thể trên tuyến đường này, bất luận là độ khó hay phí tổn, không phải người bình thường nào cũng gánh được.

Tôi nói suy nghĩ của mình với chú Lê, nhưng ông lại nói chi phí lần này không cần chúng tôi lo, thù lao sẽ do Đỗ Lãng trả, anh ta còn khá hài lòng với mức giá chú đưa ra.

Còn chi phí và thiết bị trên đường sẽ do một tổ chức quốc tế cung cấp, chúng tôi chỉ cần cung cấp cho họ toàn bộ tư liệu thu được trên đường đi là được!

“Tổ chức quốc tế là tổ chức gì? Của Đỗ Lãng ạ?” Tôi khó hiểu.

Chú Lê gật đầu nói: “Đúng vậy, là anh ta liên hệ, anh ta nói đây là tổ chức quốc tế, nhưng thật ra, đó là tổ chức của Mỹ chuyên tìm kiếm thi thể binh lính tham gia chiến tranh thế giới thứ hai, tiền là do những cựu chiến binh và người nhà hoặc thế hệ sau đóng góp.”

Tôi nghe xong là biết lần này sẽ không đi một mình, không biết trước ở đó có người dẫn đường hay không, nhưng tổ chức này chắc chắn sẽ cho người đi cùng chúng tôi.

Tôi không thích những hành động liên hợp kiểu này, vì khi gặp chuyện, có quá nhiều nhân tố không lường trước được. Việc này tăng thêm rất nhiều khó khăn và nguy hiểm cho quá trình tìm xác của chúng tôi, tôi không đồng ý cho lắm.

Nhưng chú Lê nói người ta đã bỏ tiền, làm sao có thể không cho người đi cùng chúng tôi được? Thời nay, người bỏ tiền thì chính là ông lớn, chúng tôi cũng không có cách nào khác... Thực sự là làm nghề nào cũng không dễ dàng!

Một tuần sau, Đỗ Lãng tự đến nhà gặp chú Lê, đồng thời đem theo những thứ cần đến khi tìm xác mà chú Lê đã nhắc...

Đó là một hộp sắt quân đội màu xanh lá, Đỗ Lãng nói đây là hòm đạn trước kia của ông ngoại anh ta. Trước đây nó từng được dùng để đựng đạn cho loại súng ngắn Browning, sau đó ông ấy giữ lại chiếc hộp này tặng cho vợ Viên Như để làm kỷ niệm.

Chú Lê nhìn sơ rồi đưa cho tôi cầm xem, hộp ngoài hơi cũ, bên trong có mấy huân chương chiến công. Những huân chương này đã có mấy chục năm, nhưng chúng vẫn sáng ngời không có dấu hiệu rỉ sét, chứng tỏ chủ nhân của thứ này rất quý trọng chúng, chắc là thường xuyên lấy ra lau chùi.

Tôi cầm những bức ảnh đen trắng, đa phần đều là ảnh chụp một mình của người đàn ông, từ trang phục đến bối cảnh trong ảnh đều không khó nhận ra, người này chính là Đỗ Hân Quốc. Khuôn mặt của Đỗ Lãng cũng khá giống ông ngoại anh ta, từ ánh mắt đến sống mũi giống đến bảy phần.

Nhìn một người chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng thời đó, tôi không khỏi có cảm giác sùng bái. Tôi tin trong những vật phẩm này, chắc chắn sẽ có một thứ đặc biệt, có thể cho tôi thấy những trận chiến ác liệt, không phân ngày đêm thời đó...

Tôi không tùy tiện cầm chúng lên, mà nhíu chặt lông mày suy nghĩ, là cái gì đây? Chẳng lẽ là tấm ảnh hai người chụp chung này? Trong tấm ảnh này, Đỗ Hân Quốc đứng cạnh một cô gái dáng người duyên dáng.

Bà ấy chắc là bà ngoại của Đỗ Lãng, là người phụ nữ đã đợi Đỗ Hân Quốc cả đời. Trong ảnh, bà ấy mặc một chiếc xường xám hoa nhỏ đứng cạnh Đỗ Hân Quốc, thế nhưng bà ấy lại chải tóc kiểu học sinh, chắc là một nữ thanh niên tiến bộ.

Đỗ Lãng thấy tôi nhìn chằm chằm bức ảnh hồi lâu thì nói, đây là bức ảnh chụp chung duy nhất của ông bà ngoại anh ta, cũng là ảnh kết hôn năm đó. Bà ngoại anh là giáo viên môn Văn, sau khi ông ngoại mất tích, bà vẫn hi vọng tìm được di hài của ông, đáng tiếc là đến chết vẫn chưa toại nguyện.

Đây là một người phụ nữ xinh đẹp, lương thiện, kiên trinh vì tình yêu, hồi đó chắc có khá nhiều người như vậy. Không biết thời đó có bao nhiêu người vợ, ngày qua ngày, năm qua năm đều trông ngóng chồng mình bình an trở về, nhưng cuối cùng lại chờ được một tờ giấy báo tử...

Quá đáng tiếc, tôi lại không cảm nhận được gì trên bức ảnh, thế nên tôi chuyển sang mấy huân chương bên cạnh, trong đó trừ dấu hiệu “Thanh thiên bạch nhật”*, thế mà lại có cả ảnh chụp Tưởng Giới Thạch.

*Thanh thiên bạch nhật là một biểu tượng mặt trời màu trắng trên nền màu xanh, được sử dụng làm thiết kế cho cờ Đảng và huy hiệu của Quốc dân Đảng Trung Quốc.

Có lẽ huân chương này rất cao quý, mặc dù tôi không biết vì sao Đỗ Hân Quốc lại có được. Nhưng khi cầm huân chương một lát, một vài hình ảnh lộn xộn ít ỏi len vào trong não tôi.

Trước mặt tôi xuất hiện một loạt đồng hồ đo, tôi nhận ra lúc này Đỗ Hân Quốc đang ngồi trong phòng điều khiển máy bay. Không biết vì sao, kính trước mặt ông ấy có rất nhiều sương băng, nhiều đến mức không thể nhìn ra cảnh vật bên ngoài.

Nhưng từ độ rung lắc có thể thấy máy bay đang hoạt động, tay Đỗ Hân Quốc đã đông cứng, nhưng ông ấy không để ý đến, chỉ liên tục nói vào bộ đàm cái gì đó? Cuối cùng ông ấy nói một tọa độ rồi tất cả hình ảnh biến mất.

Tôi không rõ những thuật ngữ bay lắm, chỉ nhớ rõ tọa độ mà ông ấy nói cuối cùng, cái này có lẽ là vị trí của máy bay lúc đó.

Đỗ Lãng nghe mẹ anh ta nói, lúc đó ông ngoại Đỗ Hân Quốc của anh ta đang chở một chuyến hàng từ tiểu bang Asam của Ấn Độ về nước, trên máy bay chứa đầy các thiết bị, vật dụng cần cho chiến tranh trong nước.