Con Đường Tôi Đi

Chương 2: Không Đi Học

Thời gian cứ lẳng lặng trôi, trở về phải mất hai tháng Huệ Vân mới ổn định được tâm lí và làm quen lại cuộc sống thường ngày thì cũng là lúc năm học mới bắt đầu. Lớp mầm non ngay cạnh nhà nhưng nhất định cô không chịu tới lớp, nếu giờ cô mà đi học thì bao nhiêu kế hoạch và dự định của cô phải đặt dấu chấm hết rồi kết quả kiếp trước lại xảy ra lần nữa. Cô bày đủ ra các chiêu trò để không phải đi học. Khi mẹ lôi cô nhóc đến lớp, cô ôm chắc cột nhà, gỡ ra khỏi cột nhà đi đến lớp đến cửa lớp thì bám chắc vào người mẹ, càng cố gỡ ra cô nhóc càng khóc lóc thảm thiết. Đây là lần đầu tiên con gái không nghe lời. Bà Thanh giận dữ quát lớn:

"Tại sao không đi học?"

"Con không thích đi học, con thích làm việc kiếm tiền_ Huệ Vân dõng dạc đáp."

"Con còn nhỏ thì làm được việc gì mà kiếm tiền chứ? Việc quan trọng của con bây giờ là học."

"Học bây giờ phải mất tiền, để con kiếm tiền rồi học sau."

Nghe con nói bà Thanh ngẩn người "nó bé vậy thì làm được việc gì kiếm tiền chứ?" Nói con câu nào con cãi lại câu đấy, bà nghĩ do quá chiều chuộng con. Bà nghiêm giọng:

"Nếu bây giờ con không đi học thì sau này mẹ sẽ không cho con đi nữa! Đợi con nghĩ kĩ rồi trả lời mẹ, còn bây giờ đi về."

Cô nhóc lũn cũn chạy theo sau mẹ ngoan như cún con. Thấy con gái khóc lóc và nói năng đâu vào đấy khiến bà Thanh phải mềm lòng đồng ý với đòi hỏi vô lý của con, biết mẹ đang giận cô chạy tới nắm tay mẹ thủ thỉ:

"Khi nào cần phải đi học con sẽ đi, con hi vọng mẹ tôn trọng quyết đinh của con"

Phần thì giận con phần thì nghĩ con còn nhỏ học muộn một vài năm cũng không sao; thực tình thì bây giờ cũng không có cả tiền đóng học cho con. Bà Thanh không nói gì, biết mẹ nguôi giận Huệ Vân vui như mở cờ trong bụng, cô phải kiên trì bảo vệ quyết định của mình. Nếu giờ mà đi học cô sẽ không có cơ hội thực hiện kế hoạch.

Hai tháng nay cô làm việc nhà tươm tất, bữa cơm rất hay thay đổi món sẵn kiếm được ở ngoài đồng. Lúc thì cá bố đi thả lưới, lúc thì cua ốc hến cô đi mò, đôi khi thì quả trứng gà, thậm chí cả món "tôm bay" nữa. Tự tay cô nàng làm cái vợt để vợt châu chấu vừa để nuôi gà vừa cải thiện bữa ăn, món ăn được chế biến từ côn trùng này vài năm tới sẽ có cái tên vô cùng thân thương "tôm bay".

Huệ Vân còn nhờ bố đan cho rọ cua, để phòng khi nước về đầy hay trời mưa ngập nước không lội mương được. Chiều lòng con gái ông Mẫn cũng đan rọ cua theo mô tả của con. Phần thì làm rọ cũng không mất nhiều thời gian, phần thì coi như làm đồ chơi để con chơi. Được bố đan cho 10 cái rọ tuy ít nhưng cũng tạm đủ cho thời gian đầu. Những hôm bố đi thả lưới về có cá Huệ Vân mon men đến nhặt những đầu cá mẹ cắt bỏ rồi chia đều vào rọ sau đó đem ra mương thủy lợi thả. Một buổi chiều thả rọ kết quả ngoài mong đợi được rất nhiều cua ước chừng tầm hai cân. Cả hai ông Mẫn và bà Thanh đều bất ngờ trước thu hoạch của con gái. Rồi ông Mẫn nghĩ tới nếu ông đan thêm rọ trước là mình dùng sau đó là bán ra sẽ tăng thêm thu nhập. Ông nói với vợ:

"Mình ơi! Tôi có ý này, tôi sẽ đan thêm nhiều rọ để bán vào mùa hè sang năm và cùng đi thả rọ với con. Nhà mình sẵn tre nên không bán được cũng không sao chỉ mất chút công làm."

Thấy được hiệu quả từ con gái bà Thanh không phản đối, bà chỉ mong cố gắng nhặt nhạnh để khó khăn của gia đình sẽ hết. Bà vừa mừng vừa lo khi con gái ngoan ngoãn và hiểu biết với đứa trẻ 5 tuổi mà có suy nghĩ như vậy là vượt quá sức tưởng tưởng của bà. Ông Mẫn cũng hiểu được nỗi lo của vợ, nhưng biết làm sao có lo lắng cũng không giải quyết được gì đành phải sát cánh bên con để con yên tâm phát huy khả năng. Mình bộc lộ khả năng quá sớm khiến bố mẹ cũng lo lắng nhưng Huệ Vân biết dù thế nào thì bố mẹ sẽ đều ủng hộ mình, nên càng cố gắng làm việc nhiều hơn.

Đàn gà con tách mẹ đã lớn, dưới bàn tay chăm sóc của Huệ Vân bọn chúng mập mạp và khoẻ mạnh. Còn gà mẹ đang ấp thêm ổ trứng nữa. Một mảnh ruộng nhỏ cô trồng đủ các loại rau lúc nào cũng xanh non mơn mởn như: Mồng tơi, rau đay, rau muống. Cây mướp cô trồng không làm giàn được nên đành cho leo lên cây mít ở góc vườn, không phụ công cô chăm sóc mướp sai quả treo lủng lẳng trên cây mít. Rau trồng nhiều không ăn hết, cua ốc hến Huệ Vân bắt được không ăn hết nên sau vài ngày mẹ lại đi chợ bán bớt cùng với hàng đan lát của bố, tuy không nhiều nhưng cũng thêm được đồng mắm muối. Mỗi lần mẹ đi chợ về Huệ Vân lại xin mẹ một đồng cất đi, bà Thanh rất vui vẻ đưa cho con gái bà biết con sẽ không tiêu linh tinh.

Khi chăm sóc ruộng rau cô bắt thêm cả sâu "ban miêu" về phơi khô chờ cơ hội ra thành phố H bán cho nhà thuốc gia truyền. Huệ Vân biết được sâu này là thuốc quý và biết cách sơ chế vì kiếp trước lớp đại học của cô có cậu bạn nhà làm thuốc, nhà cậu ấy rất cần loại thuốc này. Huệ Vân còn tìm thêm cây cối xay cũng là vị thuốc dễ trồng dễ bán, cô đem trồng quanh bờ rào nghĩa trang nhân dân của thôn khi theo bố đi chăn bò. Bố cô rất thích ăn rau thơm, nên Huệ Vân cũng tìm thêm cây kinh giới vừa thêm rau gia vị vừa là vị thuốc có thể bán lấy tiền. Hàng xóm bận rộn cũng chả buồn để ý cô nhóc năm tuổi có thể làm được những việc gì. Chỉ có bà Thanh thấy con làm việc chăm chỉ không khỏi xót xa.

Qua trung thu khi công việc đồng áng đã xong, mùa bắt sâu thuốc cũng hết Huệ Vân kiểm tra số thuốc thấy sâu không cũng ước chừng hơn một cân, lá cối xay khô cũng được khoảng hơn chục cân, kinh giới khô cũng tầm năm cân cộng thêm tiền tiết kiệm mười đồng. Theo như tính toán của Huệ Vân với hơn một cân sâu thuốc sẽ được bảy trăm năm mươi đồng, lá cối xay khô được khoảng một trăm năm mươi đồng, kinh giới khô tầm năm mươi đồng như vậy sẽ có chín trăm năm mươi đồng; với số tiền này nhà Huệ Vân cũng mua được trên ba tạ thóc.

Điều mấu chốt bây giờ là làm sao có thể đưa số thuốc này đến nhà thuốc gia truyền Hoàng Nguyên – nhà của Hải Đăng để bán. Lúc này xe khách đi thành phố rất ít mà tiền xe cũng hết nhiều với số tiền mười đồng kia sẽ không đủ tiền xe. Huệ Vân nghĩ ra việc đi xe đạp sẽ hết chừng bảy mươi cây số, cả đi cả về sẽ mất một ngày cô đang băn khoăn không biết có nên nói cho mẹ biết không. Bởi khi có mẹ đi cùng thì sự an toàn của mình mới được đảm bảo. Nhưng phải nói sao mẹ mới tin và thực hiện cùng cô đây.

Cuối cùng Huệ Vân nghĩ ra được câu chuyện hoàn hảo để nói với mẹ. Cô nàng đưa cho mẹ xem số thuốc mình gom được và nói với mẹ rằng trong một lần nghe đài cô biết được nhà thuốc gia truyền Hoàng Nguyên tại phường X, quận T thành phố H đang thu mua những vị thuốc này. Mở bì chứa hai vị thuốc ra bà Thanh không khỏi lo lắng sợ con gái có chút vấn đề về đầu óc.

Vì con "tiên" – một tên gọi khác của sâu "ban miêu" nếu ăn phải sẽ bị ngộ độc. Đã có trường hợp bị chó dại cắn biết chắc sẽ phải chết và người đó có tư tưởng độc trị độc liền đi bắt một nắm con này về ăn, không những không khỏi mà cơn dại đến nhanh hơn cuối cùng người đấy cũng chết vì lên cơn dại, nghe đâu người đó còn có cái chết đáng sợ hơn những người lên cơn dại thông thường. Thấy mẹ trầm ngâm suy nghĩ Huệ Vân biết mình thuyết phục mẹ sẽ khó khăn, đang định nói tiếp thị mẹ đưa tay túm lại hai bì thì Huệ Vân nhanh tay kéo vào lòng mình năn nỉ mẹ:

- Mẹ ơi đây là thuốc con vất vả lắm mới gom được chừng này, mẹ tin con đi bán hết chỗ thuốc này chắc cũng đủ thóc ăn qua kỳ giáp hạt

Cô nhóc nói kế hoạch đi tỷ mỉ cho mẹ nghe. Hai mẹ con có mười đồng làm phí đi đường, còn ăn thì gói tạm nắm cơm với chai nước. Hai mẹ con đi xe đạp từ đâu đến đâu, qua đâu. Nghe con nói xong bà Thanh rơi vào trạng thái khủng hoảng vì bản thân bà chưa đi đâu ra khỏi nhà xa như vậy bao giờ, thậm chí còn không biết những gì con nói có đúng không nữa. Thấy mẹ càng băn khoăn Huệ Vân tiếp tục:

- Mẹ có biết vì sao con lại quyết định nói với mẹ không? Trước sau thì số thuốc này phải được mang bán, con nói với mẹ là để có bạn đồng hành khi đó chuyến đi của con sẽ an toàn hơn. Mẹ coi như một chuyến đi chơi xa, chuyến đi này có kết quả tốt thì nhà mình sẽ kiếm được một khoản tiền khá lớn hàng năm. Như vậy con mới có tiền đi học, bệnh của bố mới được chữa khỏi.

Thấy sự kiên định trong mắt cô con gái hơn năm tuổi, nghe con gái nói xong bà Thanh càng khϊếp đảm hơn. Bà nghe ra ý con sẽ tự mình đi kể cả khi không có người lớn đi cùng. Bằng những việc gần đây con gái làm bà tin dù bà có cấm cản thì con gái cũng trốn đi. Lại một lần nữa bà lại vô điều kiện nghe theo con. Rồi hai mẹ con chuẩn bị hành trang để sáng sớm hôm sau lên đường, bà định dấu ông Mẫn để ông khỏi lo lắng, song chuyến đi xa này khá mạo hiểm bà đành bàn bạc lại với chồng. Thấy vợ con có quyết định nên ông không ngăn cản. Ông quyết định đi cùng nếu có khó khăn nguy hiểm gì thì cả gia đình cùng vượt qua. Ông ra nhà Bác Cả mượn xe đạp, còn bà ở nhà chuẩn bị cho chuyến đi vào sáng sớm ngày mai.