Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 79: Khai trương quán mới

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Quán mới trùng tu đơn giản, chỉ mấy ngày sau, các loại bàn lớn bày tiệc lẫn bàn nhỏ đặt làm theo yêu cầu đều đã được bày ra trên sàn nhà trải thảm; trên giá gỗ treo tường cũng bày đủ loại hoa cỏ, trúc cảnh mảnh mai, thông uốn cong cong, hoa cúc cánh nhọn tựa như móng vuốt, thêm cả mấy món đồ lặt vặt mua ở Đông Thị Tây Thị; ngay cả trong bếp cũng đã đầy đủ các loại nồi niêu xoong chảo, bát lớn bát nhỏ chén đĩa muôi đũa, vỉ chưng giá nướng – chỉ chờ nhân viên nữa là có thể khai trương.

Thiệu gia ở thành Trường An đã mấy đời, lại là nhà làm ăn buôn bán, có quen biết với thương nhân buôn nô ɭệ, từ lúc được Thẩm Thiều Quang phân công thì Thiệu Kiệt đã bắt đầu nhờ thương nhân buôn nô ɭệ giúp chọn mua người đáng tin. Mở quán thế này đương nhiên đầu bếp rất quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn là “quản sự” – cũng tức là “quản lý nhà hàng” ở thời hiện đại.

Chỉ có một chi nhánh thì Thẩm Thiều Quang bận hơn một chút, vẫn còn có thể để ý một chút, nhưng nếu sau này nhiều hơn nữa thì cho dù có muốn phân thân cũng không được. Cho nên tốt hơn hết thì nên định sẵn quy củ ngay từ ban đầu.

Căn cứ vào quy mô của quán rượu, mỗi chi nhánh cần một người quản sự, hai người chạy vặt, hai đầu bếp một chính một phụ, như vậy là đủ rồi. Thẩm Thiều Quang cũng theo đó mà xử lý quán cũ ở phường Sùng Hiền.

Cho nên Thẩm Thiều Quang muốn nắm rõ “định hướng nghề nghiệp” của mọi người trong quán cũ.

A Viên ở cùng nàng lâu nhất, thích ăn, tính tình hơi ngốc nghếch, Thẩm Thiều Quang hỏi nàng ta muốn đàng hoàng học nấu ăn với Vu Tam hay là ở lại bên cạnh nàng. A Viên không hề do dự: “Đương nhiên là đi theo cô nương rồi!”

Nghĩ tới sở thích của nàng ta, Thẩm Thiều Quang khuyên nhủ: “Ngươi học chút tay nghề nấu nướng, biết đâu sau này lại có ích thì sao?”

A Viên lắc đầu: “Ta đi theo cô nương thôi.”

Thẩm Thiều Quang hơi cảm động, đối với một kẻ tham ăn, bằng lòng bỏ qua nhà bếp để theo nàng… Thôi thế cũng được, theo nàng chạy đi chạy lại, học đối nhân xử thế quản tiền tính sổ, sau này tự làm chủ chuyện trong nhà cũng có ích.

A Xương thì dễ, chẳng có dã tâm gì lớn, tính cách khá tốt, đàng hoàng ở trong bếp giúp đỡ là được rồi, hắn cũng bằng lòng với việc này.

Mà Trương Đa thì mua về là để đi theo nàng, không liên quan tới việc trong quán rượu.

Cái khó bây giờ là công chúa Vu Tam. Công chúa Vu Tam nấu ăn ngon, thông minh, hiểu lễ nghĩa, chỉ là tính tình hơi cục cằn, nếu hắn muốn thì quản lý một quán rượu nhỏ cũng không có vấn đề gì.

Vu Tam còn chẳng thèm ngẩng đầu lên, cầm dao khía thành hình thoi trên thân cá: “Ta làm đầu bếp.”

Nhìn khuôn mặt nhìn nghiêng rất tuấn tú của hắn, Thẩm Thiều Quang há hốc mồm, cũng không nói cái gì, người trong phủ Ngô Vương năm đó thì còn gì mà chưa từng thấy? Hắn thích sao thì cứ để hắn làm vậy đi.

Vì vậy ngoài năm người cho chi nhánh mới, Thiệu Kiệt lại giúp Thẩm Thiều Quang tìm thêm một quản sự và hai người chạy vặt cho quán cũ.

Hiện tại những người này đang “tiếp nhận huấn luyện” ở Thẩm Ký tại phường Sùng Hiền.

Người quản sự quán mới ở phường Thân Nhân tên là Từ Khai, tuổi chừng hai bảy, hai tám, hiểu lễ nghi, miệng lưỡi khá khéo, nghe nói là trước đây làm nhị quản sự trong nhà một huyện úy, vị huyện úy kia vì phán sai một vụ kiện mà bị đồng liêu hoạch tội bãi chức quan, sau đó tức giận về quê làm ruộng dạy học, những người làm thừa thãi trước đây đều bị bán hết, Từ Khai cũng nằm trong số đó.

* Huyện úy là chức quan phụ tá quan trọng nhất của huyện lệnh, phụ trách bắt trộm cướp, giữ gìn trật tự trị an.

Quản sự quán cũ ở phường Sùng Hiền tên Trần Hưng, tuổi ngoài ba mươi, lúc trước quản lý cửa hàng trà của một trà thương lớn, có vẻ ôn tồn của một người buôn bán lâu năm, lão chủ nhân ốm chết, mấy người con trai chia chác nhau, trong lúc thanh lý nhà cửa thì Trần Hưng bị bán đi.

Hai người đều được việc, mặc dù cũng không quá giỏi giang nhưng mà quán rượu nhỏ vốn cũng chẳng cần tới tài năng kinh thiên động địa gì – chính bản thân Thẩm Thiều Quang cũng là người rất tầm thường, cho nên rất hài lòng với hai vị này.

Lại có đầu bếp của quán mới gọi là Phạm đại lang, mới chỉ mười tám, mười chín tuổi mà đã có kinh nghiệm bếp núc phong phú, từ lúc bảy, tám tuổi đã vào bếp làm việc vặt, mười sáu tuổi bắt đầu đứng bếp, món mặn món ngọt gì cũng đều rất thạo.

Còn lại thì đều là mấy chân tiểu nhị chạy vặt mười lăm mười sáu tuổi.

Hai người quản sự đều có gia quyến, đều được Thiệu Kiệt mua hết: “Để ở hậu viện quét tước nhà cửa cho ngươi cũng được.”

Thẩm Thiều Quang nhìn qua, là hai phụ nhân khá lanh lợi, cũng đều có hài tử, thế là xếp cho họ ở trong hậu viện sau hai quán – phía sau quán mới cũng có hậu trạch, năm gian chính phòng, sương phòng hai phía đông tây, một khoảng sân nho nhỏ, ngoài hai gian chính phòng và phòng kho để lại cho Thẩm Thiều Quang thì còn lại đều có người ở.

Trải qua hơn nửa tháng huấn luyện đào tạo, cuối tháng tám, quán mới khai trương.

Đúng như Thẩm Thiều Quang và Thiệu Kiệt mong đợi, quán mới làm ăn rất phát đạt.

Thiệu Kiệt đứng cạnh quầy cùng Thẩm Thiều Quang nhìn thực khách trong quán, rất có dáng vẻ đắc ý của Thái Tông hoàng đế năm đó lúc đứng ở Đoan Môn nhìn tiến sĩ tân khoa rồi nói “Anh hùng trong thiên hạ đều về với chúng ta”.Thấy tiểu nhị bưng mấy đĩa cá hoa cúc, Thiệu Kiệt khen ngợi Thẩm Thiều Quang: “Thế này đều là nhờ công lao của bức tranh tường của cô nương!”

Cũng giống như quán ở phường Sùng Hiền, bên ngoài quán ở phường Thân Nhân cũng để lại một bức tường lớn để đề thơ – thực ra còn lớn hơn cả bức tường đề thơ ở phường Sùng Hiền, dành cho khách có nhã hứng muốn đề thơ.

Việc này thì Thiệu Kiệt đồng ý cả hai tay, dù sao bằng hữu Dương Cạnh của hắn có thể được Lý tướng để mắt tới cũng là nhờ thơ đề tường này. Việc đề thơ ở quán rượu mà được công danh là một chuyện hiếm gặp, đương nhiên là chuyện tốt đối với quán rượu.

Lúc đầu Thiệu Kiệt cho rằng phải đợi tới lúc quán mở cửa đông khách rồi thì mới dùng tới, nào ngờ ba ngày trước lúc khai trương, cô nương đã đứng trước tường bắt đầu “múa bút vẩy mực”.

Tranh nàng vẽ là cá hoa cúc sốt chua ngọt.

Món này thì Thiệu Kiệt đã từng ăn trong quán ở phường Sùng Hiền, cá được cắt khía thành hình hoa rồi chiên giòn, lại tưới nước sốt chua ngọt lên, giống hình bông hoa cúc, chua ngọt giòn thơm – giữa lúc đang thu thế này thì cá hoa cúc đúng là một món thích hợp làm món chiêu bài.

Thẩm Thiều Quang cầm bức tranh nhỏ đã vẽ sẵn, dùng than củi kẻ ô vuông nhạt nhạt lên tường.

“Thế này là sợ bị lệch hình biến dạng sao?” Mặc dù Thiệu Kiệt không am hiểu hội họa nhưng cũng có thể đoán được.

Thẩm Thiều Quang gật đầu: “Ta chưa từng vẽ con cá nào dài bảy, tám thước đâu.” Lại hỏi Thiệu Kiệt: “Con cá to như vậy, nếu cưỡi ngựa đi ngang qua thì cho dù có đi nhanh cũng nhìn rõ được đúng không?”

Thiệu Kiệt gật mạnh đầu: “Yên tâm, đi qua đoạn đường này, chỉ trừ người mù ra, còn lại ai cũng biết là trong quán có cá hoa cúc.”

Thẩm Thiều Quang vừa phác họa bản thảo vừa nói với Thiệu Kiệt: “Người mù thì lại không phải lo, mũi bọn họ rất nhạy, dư sức nghe mùi xuống ngựa, biết vị dừng xe.”

“Thế tính ra là chúng ta không buông tha cho một người đi đường nào sao?”

“Đương nhiên rồi! Chỉ trừ người không có tiền thôi.”

Hai người cười ha ha, sao mà nghe cứ như mấy kẻ chặn đường cướp của.

Cá thì phác họa màu trắng trước, sau đó vẽ màu thêm từng tầng từng tầng một. Chỉ riêng mỗi con cá này đã mất trọn ba ngày của Thẩm Thiều Quang.

Sau khi bắt đầu vẽ màu thì không ngừng có người tới xem, Thiệu Kiệt đã cắm rễ ở đây mấy ngày liên tục thì nhận nhiệm vụ giải thích. Cá hoa cúc sốt chua ngọt qua lớp kính lọc khoa trương đã thu hút được một lớp người hâm mộ đầu tiên.

Thiệu Kiệt lúc thì vào xem đầu bếp chuẩn bị nguyên vật liệu, xem bọn tiểu nhị quét tước dọn dẹp, lúc lại chạy ra xem Thẩm cô nương tô màu cho tranh. Nàng cho thêm chút màu đỏ tươi lên vài nơi trên miếng thịt cá màu vàng óng, cũng không biết là nàng cho thêm cái gì vào trong màu vẽ mà màu đỏ đó lại bóng loáng, nhìn y như nước sốt chua ngọt thật sự.

Thiệu Kiệt không khỏi nuốt nước miếng, sắp tới bữa trưa rồi.

Nhìn nàng vẽ màu từng chút từng chút một, vẽ một lúc lại thả tay xuống giũ cổ tay, Thiệu Kiệt khuyên nàng: “Thế này quá chi tiết rồi, thực ra khách không nhìn kĩ như thế đâu, vẽ nhìn giống là được rồi.”

Thẩm Thiều Quang lắc đầu: “Thế này làm gì đã tính là chi tiết, ta từng nhìn thấy người vẽ một bát cơm, sửa chi tiết từng hạt cơ đấy.” Thẩm Thiều Quang đang nói về đồng nghiệp trước kia của mình, người kia dùng PS sửa độ sáng trên hình quảng cáo cơm, lúc đầu Thẩm Thiều Quang không biết một đám ô ô gạch gạch kia là cái gì, sau thu nhỏ lại mới biết, à, là một hạt gạo, thu nhỏ hơn nữa thì, má nó chứ, là một bát cơm!*

* Chuyện sửa từng hạt gạo này được một người tên Giản Thư đăng trên China Food Network với caption “Tận dụng phương thức này, khách hàng sẽ nhớ rõ nhà hàng của bạn”. [tác giả]

Thiệu Kiệt gật đầu: “Nếu món cá này không thể bán được bảy tám chục đĩa một ngày thì thật có lỗi với công sức ngươi bỏ ra.”

Thẩm Thiều Quang quay đầu cười nói: “Thiệu lang quân, ngươi có đảm bảo được là chúng ta có bảy tám chục con cá để bán không đấy!”

Đây là chỗ đắc ý của Thiệu Kiệt: “Yên tâm, ta đã liên hệ với lái cá lớn nhất thành Trường An rồi, chỉ cần thánh thượng trong cung có cá ăn thì chúng ta sẽ có cá bán!”

Thẩm Thiều Quang dựng thẳng ngón tay cái dính đầy màu vẽ lên với hắn.

Tới buổi chiều ngày thứ ba, sang hôm sau là quán khai trương rồi mà bức cá hoa cúc sốt chua ngọt khổng lồ này mới vẽ xong. Chữ của Thẩm Thiều Quang không giống như con người nàng, thừa cái cứng cỏi bất khuất mà lại thiếu cái phóng khoáng phong lưu, phong cách như thế nếu khắc dấu hay viết công văn gì đó thì đều rất thích hợp, nhưng nếu đề chữ quảng cáo thì…

Nghe nói nàng muốn đề chữ “tú sắc khả xan*”, Thiệu Kiệt cười thắt ruột.

* Sắc đẹp thay cơm

Thẩm Thiều Quang vô cùng ngạc nhiên, có cần thế không chứ? Người dân Đại Đường các ngươi cởi mở cỡ nào, chưa nói tới những khúc hát mà các kỹ nữ ngân nga, những truyền kỳ hương diễm trong cửa hàng sách, những bức đông cung đồ sống động đến nỗi khiến người ta phải tán thán trong cửa hàng tranh, đến ngay cả thơ ca của các quý nhân trong triều hay thậm chí là văn chương được truyền tới cả đám tiểu thư khuê các cũng đâu ít thứ còn quá đáng hơn thế này. Ta chỉ lấy một câu thành ngữ còn chả tính là ám muội gì như vậy, có cần phải phản ứng thế không?

Thiệu Kiệt vội vàng xua tay: “Ta cũng không có ý gì khác, chỉ là…” Thiệu Kiệt lại bật cười: “Chỉ là hơi tinh quái quá thôi.”

Thẩm Thiều Quang cảm thấy người dân Đại Đường dù có kiến thức rộng rãi ở phương diện khác nhưng điểm gây cười lại hơi thấp thật.

Thiệu Kiệt càng ngẫm nghĩ lại càng cảm thấy mấy chữ này rất tốt, trước đây lúc phu tử giảng “Kinh Thi” đã nói thế nào nhỉ? “Vui vẻ nhưng không phóng túng” – Thiệu Kiệt khá ngạc nhiên vì mình lại còn nhớ rõ những lời này. Câu “tú sắc khả xan” này hợp tình hợp cảnh, tinh nghịch thú vị, lại có chút ý tứ, nhưng khiến người ta nhìn vào chỉ muốn cười, tốt, rất tốt.

Thẩm Thiều Quang vẫn dang do dự xem rốt cuộc thì nên viết kiểu chữ thế nào? Đắn đo một hồi, cuối cùng lại chọn thể chữ lệ trang trọng nghiêm túc.

Thiệu Kiệt thì không thạo khoản này lắm, nhưng cũng cảm thấy lựa chọn này có hơi… không hợp lẽ thường, chữ hành sẽ hợp hơn một chút chứ?

* Chữ lệ là một thể chữ thư pháp giản lược từ thể chữ triện, gần với chữ Hán giản thể hiện đại. Chữ hành là một phong cách bắt nguồn từ chữ Thảo (viết tháu và rất khó đọc), nhưng dễ đọc hơn chữ thảo; Vương Hy Chi là nhà thư pháp viết theo lối chữ hành.

Nhưng chờ nàng viết xong rồi, tỉ mỉ nhìn lại thì hình như cũng khá hài hòa, cá hoa cúc sốt chua ngọt giàu sang phú quý, chữ lệ trang trọng nghiêm túc, cộng thêm ý tứ trong mấy chữ này…

Thẩm Thiều Quang cũng lui ra sau mấy bước, nheo mắt nhìn một lượt, chữ này kết hợp với ý này, cảm giác cứ giống như Lâm thiếu doãn đang nghiêm túc giở trò bỡn cợt lưu manh vậy.

Thiệu Kiệt gật đầu: “Nhìn giống như một vị quân tử đứng đắn đang nói đùa vậy, có cảm giác phong lưu trong đó.”

Thẩm Thiều Quang nghiêng đầu nhìn hắn, ánh mắt của hắn thật là quá tinh tường!

Dựa vào một bức tranh bắt mắt như vậy, tới hôm quán rượu khai trương quả thật khách tới tấp nập.

Bùi Phỉ với Phúc Tuệ trưởng công chúa đang hục hặc, nhiều ngày không gặp nhau, hôm đó lại hạ mình, cưỡi ngựa tới phường Thân Nhân, đi ngang qua liếc thấy con cá lớn này và cả bốn chữ trang nghiêm bên cạnh thì phì cười, là người nào mà lại tinh quái thế này!

Mà không đúng… Trên bảng hiệu kia là Thẩm Ký! Không phải là Thẩm Ký nào khác, chính là Thẩm Ký của phường Sùng Hiền, đúng hai chữ đó, hơn nữa nhìn mấy chữ “tú sắc khả xan”, mặc dù nét chữ không giống nhưng phong cách lại tương tự, ha ha, Thẩm cô nương lại mở thêm một quán rượu ở đây sao?

Bùi Phỉ đi vào, nhìn cách bài trí thì biết rõ đúng là của một nhà.

Bùi Phỉ cực kỳ có hứng thú với kiểu bàn to rộng kia, ngồi buông chân như vậy thoải mái cỡ nào, thật là tốt!

Tiếc rằng Thẩm cô nương không ở đây, chỉ có một người quản sự trẻ tuổi.

Lật quyển thực đơn đã được sửa mới, rốt cuộc Bùi Phỉ cũng tìm được cái cớ để tới phường Thân Nhân – phường Thân Nhân có quán Thẩm Ký mà.

Ngày hôm sau Bùi Phỉ liền nói với Lâm Yến, hẹn hắn tới quán Thẩm Ký ở phường Thân Nhân nếm thử một chút.