Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 52: Chuyện rau chân vịt

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Qua Tết Thượng Tị rồi không khí mùa xuân cũng càng lúc càng rõ rệt, không còn là chút mầm xanh nhạt nhạt nữa mà là màu xanh biếc phô khắp đất trời, ánh mặt trời rực rỡ, mỗi sáng sớm chim ca líu lo phá vỡ giấc mộng của người ta, những cuộc chơi xuân hay yến hội nối liền không dứt, rồi thỉnh thoảng lại có vài ba tin đồn về chàng này nàng nọ.

Thẩm Thiều Quang đứng trong quầy vừa tính toán sổ sách vừa nghe thực khách buôn chuyện ở cách đó không xa.

“Vị Triệu lang này bị tê liệt đã một năm, cũng chả hơn người chết là bao, thế mà phu nhân lại có thai, nói là nằm mơ gặp gỡ phu quân trong mộng, ông trời thương tình ban cho cái thai này, Triệu gia kia còn mừng rỡ đi tặng trứng hỉ* khắp nơi, thật đúng là… thói đời.” Một người thực khách lắc đầu, nhấp chút rượu thở dài.

* Ở rất nhiều địa phương của Trung Quốc có phong tục tặng trứng làm quà khi trong nhà có việc mừng, một số nơi còn nhuộm trứng thành màu đỏ trước khi mang tặng.

“Vậy là ngươi không hiểu rồi, Triệu gia kia cả cơ nghiệp to như vậy lại chẳng có lấy một mống con thừa tự, bà cụ biết nhưng cũng phải mở một mắt nhắm một mắt, tốt xấu gì sau này sinh ra cũng coi luôn như là con cháu nhà mình, vẫn tốt hơn là được hời cho nhánh thứ nhánh phụ.”

“Nhánh thứ nhánh phụ gì thì cũng là con cháu Triệu gia bọn họ, lại chẳng hơn cái loại gian tình sinh con chỉ biết mẹ không biết cha này sao? Đúng là nhà thương nhân, không hiểu quy củ, chẳng ra thể thống gì!”

Người bạn rượu kia phì cười: “Nhà thương nhân không có quy củ, nhà khác có quy củ sao? Nghe nói Phúc Tuệ trưởng công chúa kia…” Người bạn rượu kia dừng lại, tự biết mình lỡ lời, cười ha ha mấy tiếng cho qua rồi mới uống rượu tiếp.

Không ngờ hai người họ vừa mới ngừng lời chưa lâu thì vị Bùi lang có chút dính líu với Phúc Tuệ trưởng công chúa kia tới cùng bằng hữu Lâm thiếu doãn của hắn.

Lâm thiếu doãn vẫn thường gặp thì không thấy thế nào, nhưng vị Bùi lang này dường như đã gầy đi nhiều, có hắn làm nền, trông Lâm thiếu doãn lại càng phong độ ngời ngời hơn. Thẩm Thiều Quang giễu thầm trong bụng, đúng là cho mình tiền boa nhiều thì mình nhìn cũng thuận mắt hơn!

Thẩm Thiều Quang dẫn bọn họ vào bên trong tới chỗ ngồi cạnh cửa sổ, từ đây nhìn qua cánh cửa mở hé có thể nhìn thấy cảnh xuân rực rỡ bên ngoài, hàng liễu bên đường chính là tân nương trong ánh hoàng hôn… Mấu chốt nhất là cách xa ổ bát quái của hai người kia, nếu không thì sẽ rất xấu hổ.

Thẩm Thiều Quang cười hỏi: “Lâm lang quân vẫn muốn măng xào thịt và gà nấu nấm sao? Hôm nay rau chân vịt rất non, hay là thêm một phần cá viên hai màu thêm nước rau chân vịt nữa?”Nghe nhắc tới rau chân vịt, Lâm Yến hơi khựng lại, cuối cùng mỉm cười gật đầu: “Được.”

Bùi Phỉ nhướng mày nhìn vẻ mặt ôn hòa của Lâm Yến, lại nhìn khuôn mặt tươi cười của Thẩm cô nương, á à…

“Bùi lang quân muốn món gì?” Thẩm Thiều Quang cười hỏi.

Bùi Phỉ cúi đầu nhìn thực đơn, phát hiện ra món ăn đã được đổi không ít, lúc trước lẩu phủ kín cả một trang giấy nhưng giờ chỉ còn vài hàng, ở vị trí bắt mắt nhất là các món rau xuân xào tái, các món rau tươi non, còn liệt kê thêm các loại đĩa xuân.

Thấy ánh mắt Bùi Phỉ dừng lại ở đĩa xuân, Thẩm Thiều Quang cảm thấy với tư cách là một chủ quán có trách nhiệm có lương tâm thì vẫn nên nhắc nhở hắn một chút – buổi tối mà ăn đĩa xuân thì e là không tốt cho lắm, quán ta đã có mấy người ăn đĩa xuân đến nỗi bội thực rồi, sau này ai gọi đĩa xuân cũng phải tặng thêm thuốc kiện tỳ bổ dạ dày.

Bùi Phỉ bật cười thành tiếng, đến cả Lâm Yến cũng nhếch môi.

Mình kể chuyện cười thì mình không được cười, Thẩm Thiều Quang kiến nghị hắn gọi mấy món rau xào tái: “Cái này không giống luộc, xào tái chỉ là xào sơ qua mà thôi, vừa tươi vừa giòn, ăn vào mùa này là hợp nhất.”

Vừa tươi vừa giòn… Nghe nàng nói đúng là muốn ăn thật, Bùi Phỉ cẩn thận nghiên cứu thực đơn, có ý chọc ghẹo định gọi thêm mấy món rau chân vịt, liếc mắt nhìn Lâm Yến đang yên lặng uống trà, cuối cùng lại thôi không làm, đổi thành gọi mấy món chay mặn kết hợp như trứng chiên rau cần, thịt khô xào hành, lươn xào, mầm đậu xào giấm chua.Thẩm Thiều Quang nhận lại thực đơn: “Hai vị chờ một lát, rượu và thức ăn sẽ xong ngay thôi.”

Cầm danh sách món ăn đi vào phòng bếp đưa cho Vu Tam, thấy A Xương đang nhóm lửa nhặt rau, A Viên thái đồ ăn, Vu Tam thì nấu, ba người phối hợp rất ăn ý, Thẩm Thiều Quang liền lui ra, tiếp tục quay trở lại sau quầy.

Thu đông trời lạnh, trong quán chủ yếu đẩy mạnh các món hầm, món chưng, vừa mềm vừa nóng hổi, ăn vào cũng thấy ấm áp trong bụng. Bây giờ xuân đã tới, mọi người lại muốn ăn mấy thứ tươi non giòn giòn, thế là trong quán đẩy mạnh đĩa xuân và các món rau xuân xào tái.

Ở thời này lưu hành các kiểu chế biến thức ăn như chưng, luộc, nướng, hầm, phương pháp chế biến phổ biến nhất ở thời hiện đại là xào thì mặc dù bây giờ đã xuất hiện nhưng lại không phổ biến lắm – chủ yếu vẫn là vì điều kiện có hạn, không phải nhà nào cũng có chảo sắt thích hợp để xào rau, mà dầu ăn cũng là một vấn đề*.

* Về cách xào thời Đường có nhiều ý kiến khác nhau, ở đây chọn một trong số đó. [tác giả]

Nhưng đổi lại là quán ăn hay tiệm cơm thì vấn đề này lại không tồn tại, từ lúc mở quán rượu thì Thẩm Thiều Quang đã đặt làm các loại nồi chảo lớn nhỏ đủ kiểu, các loại dầu thực vật, mỡ động vật cũng đều chuẩn bị đủ, có câu “Công dục thiện kỳ sự, tất tiên lợi kỳ khí*” mà.

* Trích “Luận Ngữ” (Khổng Tử), nghĩa là: Người thợ muốn làm ra sản phẩm tốt thì tất phải có dụng cụ tốt trước đã.

Thực ra thì xào là cách chế biến món ăn thích hợp nhất cho quán rượu: thời gian chế biến ngắn, ra món nhanh; rau xanh giòn non, màu sắc bắt mắt, không cần cố ý bày biện cũng đã đẹp rồi; rau thịt phối hợp nhiều kiểu thì có thể làm ra vô số trò khác nhau.

Trước kia lúc còn mùa đông cũng có rau xào nhưng mà còn ít, bây giờ mùa xuân vừa tới, chỉnh thực đơn một chút, người gọi rau xào nhiều hơn hẳn, các món rau xào tái đều được thực khách đón nhận rất nhiệt liệt, ví dụ như vị Lâm thiếu doãn kia.

Dạo này Lâm thiếu doãn thường tới quán rượu ngồi một lát, đồ ăn thì phần lớn là các món xào tái, trong đó món hắn thích nhất là măng xuân xào thịt.

Măng tươi giòn mọng, xào tùy ý với thịt ba chỉ một lát là đã ngon rồi, nhưng trong lòng Thẩm Thiều Quang cứ nghi ngờ rằng Lâm thiếu doãn thích ăn măng e là liên quan tới cái thú của văn nhân.

Chẳng phải thời sau có kẻ sành ăn Tô đại học sĩ Tô Đông Pha nói thế này sao: “Ăn có thể không thịt, ở chẳng thể thiếu trúc. Không thịt ắt người gầy, thiếu trúc e người nhục. Thân gầy dễ béo mập, lòng tục khó đổi thay*.” Bằng hữu của hắn chế giễu hắn rằng: “Vì ăn măng đắng, mà cởϊ áσ xuân**.” Xem đi xem đi, chỉ vì ăn măng mà ngay cả quan cũng không cần làm nữa.

* Trích “Ư Tiềm tăng Lục Quân hiên” (Hiên Lục Quân của vị tăng ở Ư Tiềm) của Tô Thức.

** Trích “Thứ vận thử chiêm xuân thái” (Gieo vần mấy món ăn ngày xuân) của Hoàng Đình Kiên, một nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng thời Bắc Tống. Sinh tiền Hoàng Đình Kiên nổi danh cùng Tô Thức, hai người được xưng là “Tô Hoàng”.

Đóa hoa cao quý như Lâm thiếu doãn thì đương nhiên là không tục, huống hồ chỗ hắn ở đã có sẵn trúc rồi, cho nên cũng chỉ cần theo đuổi “ăn có măng” nữa mà thôi.

Nghĩ tới trúc nhà hắn, Thẩm Thiều Quang lại thấy buồn, mà thôi…

Bây giờ không có khách nào tới nữa nên Thẩm Thiều Quang vào bếp giúp một tay. Thấy A Viên đã thái xong cá thành lát, bên kia còn rau xanh chưa cắt nên bảo nàng ta đi cắt rau, còn nàng tự cầm dao đi cạo bùn cá.

Cạo bùn cá là một việc đòi hỏi tính kỹ thuật cao, phải cố định một đầu, cầm dao sắc chậm rãi cạo từ đầu cố định tới đầu còn lại. Cạo trên dao, gạt xuống bát, từng tầng từng tầng từng chút từng chút, không thể nào nóng vội. Nếu làm qua loa không cẩn thận thì món cá viên sẽ không được non mềm, lại phải thêm bột súng, nếu không sẽ thành một nồi cháo cá.

A Viên ghét nhất là cái loại việc tốn công tốn sức này, chỉ thích bằm bằm chặt chặt cho nhanh, thấy cô nương muốn nhận làm thay thì cười hớn hở giao lại cho nàng, mình thì đi thái rau.

Thẩm Thiều Quang cạo xong bùn cá, bỏ thêm vào đó một ít muối, bột hồ tiêu, nước rồi lấy đũa trộn đều, thế là thịt cá coi như đã chuẩn bị xong.

Sau đó thì giã nhuyễn rau chân vịt đã chụng qua nước sôi, bỏ vào vải thưa vắt lấy nước, lấy chừng phân nửa số thịt cá khuấy với nước này, phần còn lại thì vẫn nguyên màu trắng ban đầu của thịt cá, lần lượt dùng thìa nhỏ múc bỏ vào nồi nước đang sôi, thế là xong món cá viên hai màu vừa tươi vừa non.

Nàng đang giã rau chân vịt thì bên ngoài có khách mới tới, Thẩm Thiều Quang bèn giao lại công việc đang dang dở cho A Viên, nàng thì đi ra ngoài chào hỏi khách.

Khách mới tới là một đôi già trẻ, bởi vì trong quán hiếm có khách là bà già hay trẻ con, cho nên Thẩm Thiều Quang vừa nhìn một cái đã nhận ra đây là đôi bà cháu tới ăn bánh trôi nước hôm Tết Nguyên Tiêu.

Thẩm Thiều Quang mời bọn họ ngồi xuống. Bà cụ gọi ngọc tiêm diện và canh trứng với rau chân vịt, không gọi thêm món mặn.

Thẩm Thiều Quang bưng nước sơn tra lên cho bọn họ, cười nói: “Sẽ xong ngay thôi, a bà và tiểu lang quân đợi một lát.”

Một lát sau, đồ ăn của hai người Lâm, Bùi bên này đều đã xong, đồ ăn của hai bà cháu bên kia cũng hoàn tất.

Lại có khách khác lục tục tới, Thẩm Thiều Quang đang chào hỏi thì nghe thấy tiếng trẻ con khóc bên trong quán.

Thẩm Thiều Quang vội vàng đi vào.

Bà cụ thì cau mày, đứa bé thì méo môi khóc lóc.

“Có chuyện gì vậy? Món ngọc tiêm diện này không hợp ý tiểu lang quân sao?” Thẩm Thiều Quang cười hỏi.

Bà cụ áy náy nhìn Thẩm Thiều Quang: “Món bánh hấp này thì hắn thích ăn lắm, chỉ là hắn không thích ăn rau xanh thôi.”

Thẩm Thiều Quang gật đầu: “Không biết tiểu lang quân đã từng nghe nói đến một thủy thủ tên là Đại Lực* chưa?”

* Tên theo phiên âm tiếng Trung của thủy thủ Popeye.

“Chuyện kể rằng trước kia có một thủy thủ bình thường thì rất gầy gò yếu ớt, chỉ cần ăn rau chân vịt là cơ bắp sẽ trở nên cường tráng, vô cùng mạnh mẽ.” Thẩm Thiều Quang vỗ vỗ hai cánh tay của mình, làm tư thế nắm quyền: “Thịt ở đây đều gồ lên, rất lợi hại!”

“Giống như hiệp sĩ sao?”

Được, truyền thuyết Trung Quốc và phương Tây kết hợp với nhau, Thẩm Thiều Quang gật đầu: “Đúng vậy, giống như các hiệp sĩ, trừng phạt cái ác đề cao cái thiện, hành hiệp trượng nghĩa, là một đại anh hùng.”

Đứa bé nhìn bát canh trứng rau chân vịt kia: “Được, ta uống!”

“Vậy mới đúng chứ, ngoan lắm.” Thẩm Thiều Quang cười khen ngợi.

Bà cụ cũng cười: “Phải nhớ kĩ những lời cô nương nói đấy.” Sau đó tỏ lời cảm ơn Thẩm Thiều Quang.

Thẩm Thiều Quang quay trở lại, lại ngước mắt nhìn thấy bộ mặt xem trò vui của vị Bùi lang quân kia, còn Lâm thiếu doãn thì đang rũ mắt, thản nhiên uống canh cá viên.

Thế này là bằng hữu chọc ghẹo nhau sao? Mặc dù Lâm thiếu doãn có vẻ không thích nói chuyện lắm, nhưng Thẩm Thiều Quang luôn cảm thấy vị Bùi lang kia mới là người bị áp chế. Bọn họ sẽ không khóc lóc, đương nhiên Thẩm Thiều Quang chẳng cần quản bọn họ, đi thẳng trở lại quầy.

Đêm dần khuya, Thẩm Thiều Quang đứng trước cửa tiễn hai vị khách của nàng ra về: “Hai vị lang quân đi thong thả.”

Bùi Phỉ cười chắp tay đáp lễ, Lâm Yến thì mỉm cười gật đầu.

Trăng vừa tròn vừa sáng, hai người Lâm, Bùi đạp ánh trăng chậm rãi trở về Lâm trạch.

Bùi Phỉ nghiêng đầu sang nhìn Lâm Yến, sau đó phì cười.

Lâm Yến chỉ lo tiếp tục đi về phía trước, không để ý đến hắn.

“Ngươi cũng có ngày hôm nay…”

Lâm Yến biết Bùi Phỉ có ý gì, cảm thấy hắn có phần chuyện bé xé ra to, hắn thường dạo chốn hoa thơm, cho nên nhìn cái gì cũng thêm màu hương diễm. Lâm Yến nhếch môi, cuối cùng nói một câu: “Ngươi đừng có nghĩ ngợi nhiều.”

“Ta cũng không nghĩ ngợi nhiều gì, chỉ thắc mắc là cớ gì từ trước tới giờ ngươi đều không ăn rau chân vịt mà nay…”

“Bây giờ ta cảm thấy rau chân vịt giòn non, thỉnh thoảng ăn một chút cũng ngon.” Lâm Yến thản nhiên nói.

Thỉnh thoảng… Cái “thỉnh thoảng” này e là chỉ có những lúc ở quán rượu Thẩm Ký thôi. Bùi Phỉ gật đầu: “Như vậy rất tốt, như vậy rất tốt, biết đâu ngày nào đó An Nhiên cũng có thể “Long lanh yên bạc trên đường, chập chờn như thể muôn ngàn sao bay*” thì sao.”

* Trích “Hiệp khách hành” (Bài ca về người hiệp khách) của Lý Bạch (Bản dịch của Trần Trọng San).

Lâm Yến lườm hắn một cái: “Ngươi đúng là say thật rồi!” Sau đó đi về phía Lâm trạch.

Bùi Phỉ chắp tay lảo đảo đi sau, lại vừa đi vừa ngâm nga: “Trống canh vang, lòng người lặng, hoa thơm trăng sáng, hữu tình lại cứ nói vô tình…”