Tháng ngày mật ngọt trôi qua rất mau, chớp mắt mùa xuân đã đến, rặng liễu lại xanh, nước sông lại róc rách chảy, chim én từ phương Nam trở về rúc rích xây tổ dưới hiên nhà. Mùng hai tháng hai Âm lịch, lễ Rồng Ngẩng Đầu, cũng là ngày sinh nhật Ngải Đông Đông.
Qua ngày này tính tuổi mụ Ngải Đông Đông đã tròn mười sáu. Nó vốn nhỏ con nhưng ở nhà họ Chu được chăm lo đầy đủ nên gần đây nó lớn nhanh như thổi. Chỉ qua một tháng nhìn nó đã cao ngổng lên, người ngợm mập mạp ra không ít, cân nặng của nó chạm mốc huy hoàng 51 cân rưỡi lần đầu tiên trong đời.
Chu Cương phấn khởi bảo: “Cứ thế này thì sang năm là béo trắng.”
Ngải Đông Đông không đặt mục tiêu cao lắm, nó tính ba mẹ nó đều không cao nên nó giỏi lắm được hơn mét bảy. Béo nó cũng chẳng cần, cân nặng lý tưởng nó hướng đến là 60 cân, dong dỏng mảnh mai mới đẹp.
Ra Tết nó đi học, bắt đầu lại từ năm nhất cấp hai.
Mới đầu Ngải Đông Đông tự tin rằng năm nhất là chuyện nhỏ với nó vì lúc bỏ nhà đi nó đã học được nửa năm nhất rồi. Huống hồ nó ở thành phố, trẻ con ở quê lên cấp 2 mới bắt đầu học tiếng Anh còn nó được học từ tiểu học, xuất phát điểm của nó hơn hẳn bọn cùng lớp là cái chắc.
Nhưng rồi dần dần nó phát hiện ra ngoài tiếng Anh tất cả những môn khác nó đều ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, thầy cô cho bài tập nó hoàn toàn không biết làm. Mà điều làm nó bực nhất là mấy đứa trẻ cùng lớp nó học hành rất chăm chỉ, trẻ con nông thôn rất có chí, với chúng học hành là con đường phấn đấu duy nhất để vươn lên nên đứa nào cũng rất cố công gắng sức. Ngày ngày Ngải Đông Đông nằm bò ra bàn nhìn đứa ngồi cạnh nó hí hoáy chép từ mới tiếng Anh mà thấy sốt cả ruột gan.
Nó cảm thấy nó khác hẳn những đứa cùng lớp, nó không hòa hợp được với chúng, chúng nói tiếng địa phương, chỉ có mình nó giọng phổ thông chuẩn chỉ. Mới đầu nó còn rất đắc ý cho rằng mình hơn hẳn bọn kia mấy bậc nhưng dần dà nó lại khó chịu, vì nó cứ cảm thấy mình lạc lõng giữa trường lớp. Đi học nửa tháng nó cũng quen được nhiều bạn nhưng chẳng có đứa nào đủ thân để nó thổ lộ tâm tình. Cả lớp đều tỏ ra rất khách sáo với nó, hoặc giả chính cái sự kiêu căng vớ vẩn của nó với chúng bạn khiến lúc gặp bài khó nó càng không thể muối mặt đi hỏi ai. Thế là càng ngày nó càng tỏ ra cao ngạo, ra vẻ ta đây lạnh lùng để che giấu sự dốt nát. Với nó thì thà cô đơn chẳng chơi với ai còn hơn bị bạn học coi thường.
Hai năm đi bụi chữ nghĩa nó rơi rớt ngoài đường hết rồi còn đâu, chưa kể hồi xưa đi học nó đã dốt sẵn. Thế là hai ngày trước hôm sinh nhật, Ngải Đông Đông bắt đầu bỏ học.
Trường cấp hai ở nông thôn khác với trên thành phố, nó trốn học một ngày cô giáo cũng chưa gọi điện về báo cho phụ huynh. Mới đầu Ngải Đông Đông cứ lo ngay ngáy nhưng về nhà thấy vẫn bình yên thế là nó bắt đầu táo tợn hơn, ngày hôm sau nó lại tiếp tục cúp cua.
Nhưng lần này thì cô giáo gọi điện thẳng cho Chu Cương, Ngải Đông Đông nào hay biết gì, nó đi chơi rong đến tối mịt mới về nhà. Trường khá xa nhà nên Chu Cương mua cho nó một cái xe đạp leo núi, phi xe vun vυ't trông hết sức ngầu, quan trọng nhất là Ngải Đông Đông nghĩ đạp xe đạp leo núi có thể luyện cho mông càng tròn vểnh nên nó rất là thích.
Nó vừa phóng vù xe vào sân thì thấy Chu Cương, Chu Cương hỏi: “Đi đâu giờ mới về?”
“Bữa nay cô dạy lố giờ, có bài con không hiểu nên cuối giờ cô giảng thêm cho con một tí ạ.”
Ngải Đông Đông nói láo thành thần rồi, nó ba hoa mà mặt cứ tỉnh như không. Nói xong nó cười cười hỏi Chu Cương: “Sao ba về sớm thế, ba ăn cơm chưa?”
Chu Cương lắc đầu, bảo: “Nói cho thật.”
Ngải Đông Đông sửng sốt, hỏi: “Sao tự dưng ba bảo thế…” rồi nó chột dạ gượng cười: “Sao thế ba?”
“Giáo viên chủ nhiệm lớp mày vừa gọi điện hỏi sao hai hôm nay mày không đi học mà cũng không xin phép nghỉ?”
“Ơ, thì…” đầu Ngải Đông Đông lẹt xẹt tính toán, nó đang định biên đại một lời nói dối thì thình lình Chu Cương quát: “Đ.m mày dám trốn học hả!?”
Ngải Đông Đông sợ rúm cả người, nó ngước lên nhìn Chu Cương rồi liến láu biện bạch: “Không phải con định trốn học, mà là…” biết không thể nói xằng được nữa Ngải Đông Đông đành thú thật: “Con học dốt lắm, con không muốn học nữa đâu. Đâu phải chỉ đi học mới nên người, đường nào chẳng đến La Mã, trăm ngành trăm nghề làm gì chẳng được.”
“Trước hôm khai giảng đứa nào bảo năm nhất là chuyện vặt, cuối kỳ sẽ mang giấy khen về cho ba mày hả?”
“Ai biết được giờ đi học khó vậy!” Ngải Đông Đông cãi: “Con cũng cố rồi nhưng mà con không học được thật, đi làm gì nữa tốn thời gian. Rảnh rỗi thà con học nghề còn hơn.”
“Mày muốn học nghề gì?”
“Con học sửa xe cũng được, con thích sửa xe mà.”
Mặt Chu Cương cau có hẳn, từ bấy tới giờ đây là lần đầu tiên Ngải Đông Đông thấy gã có vẻ cáu đến thế, nó ấp úng nói: “Thì ba cũng bảo con cứ đi học thử xem, không được thì thôi… ba bảo không ép con mà.”
“Thì mày cũng phải cố hết sức mới biết có được hay không chứ.” Chu Cương dịu giọng hơn, “Không học thì thôi nhưng một khi đã vào trường thì ngày nào cũng phải đến lớp đàng hoàng. Ba bỏ tiền cho mày đi học không phải để lấy mỗi cái tiếng.”
“Thế đấy, bây giờ con nói thẳng với ba là con không học được đâu, con không đến trường nữa, con muốn bỏ. Con đi nữa cũng chỉ tốn tiền, tốn thời gian.”
“Mày mang sách vở ra đây ba xem khó thế nào mà mày đòi bỏ.”
Nghe thế Ngải Đông Đông lập tức lôi sách vở trong ba lô ra, nó chạy vù vào nhà cầm một cái ghế ra bày sách lên ghế. Nó giở đến trang bài tập cô giáo cho rồi đưa cho Chu Cương một cái bút: “Đây, bài này nè, con chẳng hiểu gì cả, khó dã man.”
Chu Cương xem thử, thì ra là bài tập hình học không gian.
Thời cấp hai Chu Cương cũng học hình không gian, gần hai chục năm trôi qua không ngờ phong độ gã vẫn như ngày nào, gã ngoáy vèo vèo mấy chữ là xong bài toán. Ngải Đông Đông trố mắt vỗ tay đen đét: “Quá ngầu!”
“Loại toán này hiểu được nguyên tắc là làm được hết, mày phải chịu khó làm bài tập nhiều sẽ quen. Thế này có phải khó đâu, tại mày không chịu cố gắng thôi.”
“Từ từ ba đợi đó!” Ngải Đông Đông lại chạy vào nhà ôm ra mấy quyển sách nữa, lần này là số học với vật lý: “Hai môn này con cũng chẳng hiểu gì hết, ba xem này, trang 37 đây với trang 69 bên đây nữa.”
Chu Cương ngồi xuống ghế, đọc qua sách rồi tiếp tục giải vèo hết mấy đề bài. Lần này thì sự sùng bái của Ngải Đông Đông với Chu Cương đã cao hơn cả núi dài hơn cả sông, hai mắt nó nhìn gã cứ là sáng rực như sao.
Thật tình làm xong mấy bài này Chu Cương cũng thấy khá là đắc ý, hồi đi học gã học khá thật nhưng mấy chục năm nay không động đến sách vở nên mới đầu gã cũng sợ mình quên hết chữ nghĩa rồi. Không ngờ đầu óc gã cũng được quá, đọc qua lý thuyết là nhớ lại ngay. Gã bảo Ngải Đông Đông: “Đầu mày khôn lanh như thế không có chuyện học dốt được. Chỉ có mày lười không chịu học thôi. Thế này nhé, ba sẽ tìm gia sư cho mày, thứ bảy chủ nhật ở nhà mày sẽ học thêm gia sư.”
“Một tuần có mỗi hai ngày nghỉ, con không học nữa đâu.”
“Không học thêm thì theo làm sao được?” Chu Cương nghiêm giọng, “Cố gắng rồi vẫn không được thì thôi, nhưng chưa cố mày đã đòi bỏ học thì đừng có nói chuyện với ba mày.”
Ngải Đông Đông ỉu xìu thu sách vở vào ba lô rồi khoác ba lô đi vào nhà, Chu Cương đi theo sau, bảo: “Sau này không được trốn học nữa nghe chưa. Giáo viên chủ nhiệm mà còn gọi báo mày bỏ học nữa thì ba cho mày nhừ đòn.”
“Thế thì như này đi.” đột nhiên Ngải Đông Đông quay phắt lại, nói: “Con không cần gia sư, con muốn ba dạy con cơ.”
Chu Cương sửng sốt, nhìn Ngải Đông Đông đứng đó sượng sùng quả thực rất đáng thương, chí ít là với gã thì chỉ cần nó như thế là đủ khiến gã mềm lòng lắm rồi. Thực ra Ngải Đông Đông đâu còn nhỏ nhít gì, dạo này nó đã cao lên kha khá. Ấy thế mà thằng bé gần như một đứa con trai trưởng thành lại dễ dàng khiến gã rung động tận sâu trong tâm khảm, chính bé bi cũng không thể mè nheo với gã như nó. Ừ thì coi như gia vị tình yêu đi, đằng nào thì gã cũng đâu từ chối được nó, gã cười cười đáp: “Ba bận lắm đấy, mỗi ngày chỉ dạy mày được một lúc thôi.”
“Học tấp tập cũng chẳng ăn thua, mỗi ngày con tiến bộ một tí là được rồi. Ba nuôi ơi ba dạy con nhé, con hứa sẽ chăm học mà.”
Học hành với nó chỉ là phụ, quan trọng là nó có thêm thời gian ở cạnh Chu Cương. Học sinh đứa nào cũng vậy, lúc chưa vào guồng đứa nào chẳng học vì một động cơ nào đó. Mà Chu Cương đem thân mình là làm mồi câu chính xác là biện pháp hữu hiệu nhất với Ngải Đông Đông.
Thế là Chu Cương đút hai tay trong túi quần, ậm ừ: “Được, thế thì ba dạy mày.”