Niệm Niệm Có Ăn

Chương 11: Con cá ngốc

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Dịch: Ngát

~~~~~~~~~~

Ta luôn cảm thấy đối với thi từ ca phú, nói thẳng những suy nghĩ trong lòng mới gọi là vui sướиɠ, dễ chịu. Nếu bắt bộ não đau khổ suy nghĩ, tìm tòi vế đối, cách dùng từ, đó gọi là bày vẽ làm dáng.

Việc làm dáng như vậy, ta mới không thèm.

Trong đình, mấy tài tử giai nhân đang cau mày, đứng trước thư án trầm tư suy nghĩ, hoặc đang nghiên cứu, thảo luận học vấn. Còn ta ở bên cạnh, một chữ cũng nghe không nổi, vô cùng buồn chán dựa vào lan can, lại vô cùng thích thú ngắm “phong cảnh” phía ngoài đình, trong đầu nghĩ tới hạt dưa rang giòn tan, thơm tới mấy dặm của một tiệm đằng sau phố chợ bán thức ăn phía tây thành.

Không xa, ở trong rừng, Trần Thiến Thiến đang đứng trước mặt “Nguyệt ca ca” của nàng, cầm một cuộn giấy, ngẩng đầu nhìn hắn, khuôn mặt chăm chú, đôi khi lại cúi đầu cười, giống hệt một con chim cút nhỏ ngượng ngùng.

Ta đoán, bài thơ nàng đang cầm trong tay nhất định không phải nàng làm.

Một giọng nói vang lên bên cạnh: “Lâm cô nương đã làm thơ xong rồi?”

Ta quay đầu, là Tiết Ngọc, một vị tiểu thư nhà quan mới làm quen, không biết tại sao lại tới gần, cũng theo ánh mắt của ta nhìn về phía hai người trong rừng.

Ánh mắt nàng xa xăm, chiếu thẳng vào người Lý Quân Nguyệt, lông mày vốn được tỉa rất mảnh, khi nhíu lại hiện ra vẻ yếu đuối mà xen lẫn chút khắc nghiệt. Ta cười mỉa mai.

Ánh mắt nàng chuyển về ta, cũng không truy hỏi, chỉ cười lạnh, rồi quay về thư án.

Ngọn núi này rất lớn, non xanh nước biếc, làm ta nhớ tới một câu thơ "Lầu cao thấp, cây xa gần, Bóng núi ánh nước tan dần vào đêm." (1), màu xanh lục đậm đậm nhạt nhạt nhuộm khắp sườn núi nhấp nhô, trùng điệp, quả thực là cảnh đẹp ý vui.

Nghe nói, tổ phụ của Trần Thiến Thiến là người có công lớn trong việc lập nước, được ban cho một vùng đất lớn. Thật đáng để cho người ta ngưỡng mộ.

Lặng lẽ nhón lấy hai miếng bánh ngọt, ta nhấc chân ra khỏi đình, chọn một đường nhỏ vắng vẻ, không người, đi sâu vào trong.

Đều nói trong núi có thần tiên, nhưng ta đi rõ xa, dần dần chỉ còn lại tiếng nước suối chảy róc rách và tiếng chim hót trên cây đại thụ cao chọc trời, đừng nói thần tiên, đến thỏ rừng cũng chẳng thấy con nào.

Ta hơi thất vọng, bắt đầu hoài nghi những câu chuyện cổ tích kia rồi. Nhưng nghĩ lại, dẫu sao đây cũng không phải là núi hoang, thần tiên cũng không thể sống trong hậu viện của nhà người phàm trần được.

Cây trong rừng xanh um tươi tốt, lớn lên khá đều đặn, một cành mọc xiên cũng không có, giống như những tài tử giai nhân mà ta gặp hôm nay, mỗi người đều tinh tế, sĩ diện, nhưng khi mở miệng thì vô vị, nhạt nhẽo như nhau, thật không thú vị.

Ăn hết bánh ngọt, ta phủi tay, vừa mới định quay về đường cũ, đúng lúc nhìn thấy một con thỏ từ bên cạnh cái cây phía trước nhảy ra, chạy mất.

Bỗng chốc ta hăng hái hẳn lên, cất bước đuổi theo.

Lực chân của con thỏ này rất được, làm ta loanh quanh luẩn quẩn, luẩn quẩn loanh quanh đến hoa mắt chóng mặt. Khi ta dừng lại ở một gốc cây thở hổn hển, đã không thấy bóng dáng nó đâu nữa.

Thật đáng giận, ta lại không muốn ăn nó, nó chạy nhanh như thế làm gì chứ!

Cành cây rất thô ráp, ta chỉ không cẩn thận đυ.ng vào mà tay đã bị cào xước mấy vết. Có tiếng nước chảy rất to, ta cắn răng chịu đựng, xoay theo âm thanh, liền nhìn thấy một đầm nước sâu, xanh ngăn ngắt, và, có một bóng dáng đang ngồi bên đầm thả câu.

Ta không nói nên lời: “Thần, thần tiên?”

Con thỏ kia đã dẫn ta tới gặp thần tiên?

Người trước mắt nghe thấy động tĩnh liền quay lại, bộ dáng chính trực, hắn mặc nho sam màu vàng nhạt, sống mũi thẳng tắp, môi mỏng khẽ nhếch, nước da trắng ngần, vẻ mặt có chút ngạo mạn, vừa nhìn liền biết là người sống trong nhung lụa.

Ta: ………..

Thì ra chỉ là một người phàm mà thôi.

Hắn tươi cười, hình như câu nói trước đó của ta rất được lòng hắn, vậy nên hắn thưởng cho ta nụ cười này: “Ngươi xông vào đây là vì tìm thần tiên?”

“Xông vào?”

Ta không kềm nổi mà tiến về phía trước, giải thích: “Không phải ta xông vào, là Trần Thiến Thiến mời ta tới, ngươi là ca ca nàng ấy à, ta là Lâm Niệm, nàng ấy mời ta tham gia hội thơ.”

“Ta biết ngươi là Lâm Niệm.” Hắn thu cần câu lại, đặt lên một tảng đá to ở bên cạnh, “Nhưng mà không biết ngươi vẫn tin vào quỷ thần đấy.”

Tin quỷ thần thì làm sao?

Ta bực mình: “Nếu không tin quỷ thần, mọi người trên đời còn thắp hương bái Phật làm gì nữa? Tại sao thắp hương là thành kính, ta đọc thần thoại (2) lại là mê tín?”

Hắn nhìn ta cười: “Không nghĩ tới ngươi lại có tính cách như tiểu hài vậy.”

Lại thế rồi, ta nghĩ đến tên cao to, tâm trạng không tốt mà trợn trắng mắt, mấy tên con em quan lại này, người người đều thích giả vờ thâm trầm, xem ra đều là đồng môn: “Cho dù ta nhỏ hơn ngươi, nhưng cũng biết cái đầm này trong vắt thấy đáy, hoàn toàn không phải là nơi để thả câu.”

Hắn cúi đầu, nhìn cần câu, cười nói: “Thái công câu cá, tự nguyện mắc câu.” (3)

Ta nghẹn lời, quay đi: “Vậy ngươi cứ ngồi đợi con cá ngốc đi.”

Hắn thong thả trả lời: “Cá ngốc không muốn tới lại xông loạn vào, là không nhớ được đường sao?”

Người này sao lại giống tên cao to thế không biết!

Ta oán hận, dừng bước chân, quay lại, chớp chớp mắt nhìn hắn: “Thần tiên ca ca, ca có thể dẫn ta về không ạ?”

~~~~~~~~~~

(1) 2 câu đầu bài thơ Bạch Cư Dị viết trong chuyến đi thăm Long Môn, Lạc Dương (theo kknews). (Ngát đã đặt đi Lạc Dương ngắm hoa mẫu đơn năm 2020 nhưng cô Vít xuất hiện T.T).

Cụm từ "Sơn quang thủy sắc" trong bài thơ cũng trở thành thành ngữ, hình dung non nước mỹ lệ. (Đoạn này ngắm cảnh ban ngày, tác giả lại trích dẫn câu thơ tả buổi đêm, lúc đầu Ngát không hiểu sao không chỉ dùng "Sơn quang thủy sắc" thôi. Sau đọc bài thơ, lại nghĩ có lẽ là do phần cuối ý nói người ở đây, nhưng tâm hồn ở chỗ khác, rất hợp với tâm trạng của bạn Niệm. Mời các bạn cùng đọc thơ và thảo luận nhé )

Bồ Đề tự thượng phương vãn thiếu

Lâu các cao đê thụ thiển thâm

Sơn quang thủy sắc minh trầm trầm

Tung yên bán quyển thanh tiêu mộ

Y lãng bình phố lục ỷ khâm

Phi điểu diệt thời nghi cấp mục

Viễn phong lai xứ hảo khai khâm

Thùy tri bất li trâm anh nội

Trưởng đắc tiêu diêu tự tại tâm?

(Google không thấy một bản dịch nào, khóc một dòng sông. Các bạn đọc tạm bản Ngát chém dưới đây. Dù còn nhiều thiếu sót nhưng mong các bạn thông cảm, quá xoắn não mà mình vẫn cảm thấy chưa hiểu lắm ý của tác giả)

Từ chùa Bồ Đề ngắm cảnh đêm - Bạch Cư Dị (Ngát dịch)

Lầu cao thấp, cây xa gần,

Bóng núi ánh nước tan dần vào đêm.

Lưng chừng khói tựa tơ mềm,

Bình yên sóng lặng êm đềm lụa xanh.

Đàn chim cánh vỗ bay xa,

Xôn xao gió thổi tung tà áo tôi.

Cho dù không thể xa rời,

Trái tim tự tại người đời biết chăng?

(2) Bản gốc “Chí quái tiểu thuyết”: những câu chuyện kỳ diệu, những câu chuyện kỳ lạ, hay những ghi chép về sự bất thường, là một loại văn học Trung Quốc xuất hiện trong triều đại nhà Hán và được phát triển sau sự sụp đổ của triều đại vào năm 220 CE và trong triều đại nhà Đường vào năm 618 CE. (Theo wikipedia)

(3) Bản gốc: “Khương thái công điếu ngư, nguyện giả thượng câu”: Ý nói người mà nguyện ý thì sẽ tự mình tới cửa. Xuất phát từ điển tích Khương thái công câu cá không có mồi câu, móc câu cũng ở trên mặt nước, ông đang đợi một minh quân để phò tá. (Các bạn tìm đọc tiếp trên mạng nhé)

Tập tin gởi kèm:

Chú thích: Hang đá Long Môn



bcd1.jpg [ 20.57 KiB | Đã xem 872 lần ]

Chú thích: Hang đá Long Môn



bcd2.jpg [ 30.74 KiB | Đã xem 872 lần ]

Chú thích: Hang đá Long Môn