Niệm Niệm Có Ăn

Chương 6: Ca khuyên muội, đừng đi tìm chết nhé!

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Dịch: Hương Trà Thơm Ngát

Lần này ta thực sự chột dạ rồi. Tuy rằng ta cũng không làm chuyện xấu gì, nhưng các cụ nói thật đúng, quá tam ba bận. Ba lần liền ta đều trốn trước mặt một người, cho dù không phải loạn thần tặc tử, trong suy nghĩ của hắn, ta cũng biến thành loạn thần tặc tử rồi.

Ta nhíu mi, ôm lấy bờ vai của tên cao to, trong não toàn là hồ dán, không biết phải phản ứng như thế nào, thì hắn đã nhàn nhạt mở miệng: “Làm sao, không muốn xuống nữa rồi?”

Hắn tưởng ta cố ý dựa vào lòng hắn hay sao? Dù nói từ nhỏ tính cách ta đã giống nam hài, nhưng cũng biết xấu hổ. Tức khắc khuôn mặt trở nên quẫn bách đến không dám ngẩng lên, cấp tốc nhảy xuống.

Hôm nay, tên cao to mặc quan phục, nhìn tràn đầy chính khí, đúng là một nhân vật lợi hại. Nhưng mà ta không có tí nghiên cứu nào về quan phục, cũng không nhìn ra hắn là mấy phẩm, chỉ biết chất vải này trơn bóng, hoa văn phía trên rất khác biệt với y phục thêu chim luyện tước của cha ta, chức quan nhất định không thấp.

Cha thường nói với ta: “Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt” (1). Cho dù nói ta không cố ý xâm phạm, bổ nhào vào người ta, nhưng trong tình cảnh này, ta có trăm cái miệng cũng không thể biện bạch được, chỉ có thể ngoan ngoãn cúi đầu, đợi người hỏi tội.

Hắn phủi tay, chỉnh lại y phục, rồi ngẩng đầu, nhìn chằm chằm ta: “Sao lần này lại không chạy rồi?”

Ôi, quá là xui xẻo. Ta há miệng, nhưng lại không biết nói từ đâu.

Hắn ngược lại cười rồi: “Nói đi, đang ở đây làm gì?”

Ta ngoan ngoãn chắp tay sau lưng, thật giống một tên tội phạm chạy trốn đã bị bắt lại, thành thành thật thật trả lời: “Từ nhỏ ta đã thích ngồi ngẩn người trên cây một mình, thường xuyên đến đây chơi, cũng không nghĩ gì nhiều.”

“Từ nhỏ đã thích đến đây chơi?” Hắn cân nhắc hồi lâu, hỏi: “Theo ta biết, thừa tướng không phải là người tốt như vậy. Tại sao lão lại cho phép các ngươi tới đây chơi đùa?”

“Không biết.” Ta nghĩ nghĩ, “Hồi trước, Lâm thái phó mở một trường quan học ở gần đây, con em nhà quan toàn kinh thành đều đến đây đi học. Trên đường về, mọi người liền phát hiện ra sườn núi nhỏ này. Thừa tướng biết chúng ta hay đến chơi, đặc biệt dặn dò hạ nhân không được tới làm phiền.”

Hắn nhíu mày: “Những năm này các ngươi có gặp qua Huỳnh Hậu Phát (thừa tướng) ở đây không?”

Ta nghĩ lại một hồi, lắc đầu.

Hắn không vướng mắc với ta quá lâu, nói vài câu liền vẫy tay ra hiệu ta có thể đi rồi.

Ta có chút khó tin, đi được mấy bước bèn quay đầu nhìn hắn.

Tên cao to đang nhìn chăm chú cây đa, không biết đang nghĩ gì, cảm thấy ánh mắt của ta, nhìn lại một cái, thình lình phun ra một câu: “Lâm Niệm, trâm cài của ngươi bị lệch rồi.”

“Á?” Ta vội nâng tay lên sửa, chợt cảm thấy kỳ quái: “Làm sao ngươi biết tên ta là Lâm Niệm?”

“Ta còn biết, nếu ngươi lại dám chạy loạn, ta liền bắt ngươi đến hình bộ.” Hắn xoa huyệt thái dương: “Gần đây ít ra cửa thôi, ngoan một chút.”

Đánh một tiếng trống, dũng khí tăng lên, đánh hai tiếng trống, dũng khí suy giảm, đánh ba tiếng trống, dũng khí không còn (2). Các cụ dạy rất phải (3), hiện tại ta y hệt một quả bóng xẹp lép, lời hung ác nào cũng không quăng ra được, chỉ có thể gật đầu đồng ý. Ta lặng lẽ khinh thường bản thân: quá hèn rồi.

Tối hôm đó, ta ngồi trong tiểu viện của mình, nhìn ánh trăng suy nghĩ cả buổi, vẫn không thể nghĩ ra một kết quả. Lâm Niệm ta thật sự nổi tiếng đến mức người người đều biết rồi sao? Lẽ nào, ta thật sự xinh đẹp đến mức người người đều chết mê chết mệt rồi sao? Ôi, không trách được các cụ vẫn nói hồng nhan họa thủy, dung mạo quá xuất sắc thật đúng là không phải việc gì tốt.

Ta đang thở ngắn than dài thì bỗng nhiên nghĩ tới một vấn đề: nhà thừa tướng không phải bị tịch thu hết rồi? Tại sao người của Đại Lý Tự vẫn còn ở ngọn núi phía sau lật qua lật lại? Không phải là Huỳnh Hậu Phát đã giấu vài thứ quan trọng đi chứ?

Ta đau khổ suy nghĩ ở bên này, bên kia nương cũng không hề nhàn rỗi, cho nha hoàn mang mấy cuộn tơ lụa và mẫu y phục đến cho ta xem, để ta chọn đồ tham gia yến hội.

Thoáng cái, tâm trạng ta lại không tốt, tùy ý chọn một bộ, cho người mang đi, gọi Lạc Cầm chuẩn bị nước tắm, đặc biệt dặn dò: "Trời quá nóng rồi, ta muốn tắm nước lạnh."

"Nước lạnh?" Lạc Cầm ngạc nhiên: "Tiểu thư, tắm nước lạnh sẽ sinh bệnh đấy ạ!"

"Đừng để lão gia, phu nhân biết là được rồi." Ta chẳng để ý chút nào: "Ngươi nhanh đi chuẩn bị, đừng làm muộn giờ ta ngủ."

Lạc Cầm lề mà lề mề không muốn đi, đứng sát bên cạnh ta, do dự: "Tiểu thư..."

Ta nổi nóng: "Ngươi có nghe lời không đây? Ta bảo ngươi làm thế nào, ngươi cứ làm thế nấy."

"Sao vậy, muốn sinh bệnh à?" Đúng lúc này ca ta đi vào trong viện, "Lâm Niệm, không nhận ra đấy, muội lại muốn làm kẻ đào ngũ ư?"

Ta không nói chuyện, mười phần tức giận ngồi xuống.

Ca cho Lạc Cầm một ánh mắt, ý bảo đi đi, sau đó thở dài, đến bên cạnh ta ngồi: "Trốn được một lần, có trốn được cả đời không? Lâm Niệm, không phải muội ghét nhất bao cỏ sao?"

Không cần ca nói thì ta cũng biết, ai muốn làm bao cỏ chứ, còn không do cùng đường bí lối à. Ta thẹn quá hóa giận, quay đầu đi, không hé răng.

"Muội muội nhà ta, dung mạo tựa thiên tiên, đến thánh thượng cũng nhìn trúng muội, sao phải để cái tiệc rượu nhỏ nhoi đó vào mắt." Ca vỗ bả vai ta: "Tiểu Niệm, muội đã lớn rồi, không phải là trẻ con ba tuổi nữa, nói trốn là trốn chỉ làm truyện cười cho người ta thôi."

Hừ.

Ca ngồi cùng ta một lúc, ta bình tĩnh lại, nghĩ nghĩ, đúng là khá mất mặt, bèn chỉ vào y phục ở bên cạnh: "Ca, ca xem bộ này có đẹp không ạ?"

"Đẹp đấy." Ca ta cười, lộ ra cả hàm răng trắng: "Đừng sợ, muội xem ca muội - ta, cho dù gia thế không hiển hách, cũng coi là hòa nhập khá tốt ở kinh thành này, mỗi ngày xưng huynh gọi đệ với công tử ca nhà trọng thần triều đình. Vương, hầu, tướng quân, thừa tướng, há phải có dòng dõi mới làm nên sao!"(4)

"Ca, câu nói này, hình như, khi tạo phản mới dùng đấy ạ." Ta liếc xéo: "Ca đừng có suốt ngày nói chuyện không giữ miệng."

Ca chẳng thèm để ý, nói: "Muội làm như ca muội ngốc lắm ý, còn có thể nói chuyện lung tung trước mặt người ngoài hay sao?"

"Đúng rồi," ta nghĩ đến chuyện lúc sáng, hỏi ca: "Trước đây chúng ta thường đến ngọn núi phía sau nhà thừa tướng chơi, ca còn nhớ không ạ?"

"Nhớ chứ, sao vậy?"

"Hôm nay một mình muội tới đó, nhìn thấy người của quan phủ đang tìm đồ." Ta có chút tò mò, "Ngọn núi này cũng không giống nơi có thể giấu đồ a."

Ca cũng nhíu mày: "Muội đừng nói thế, nơi nguy hiểm nhất cũng chính là nơi an toàn nhất, chỗ mà mọi người xem nhẹ chính là chỗ giấu đồ tốt nhất."

"Giấu đồ?" Ta gật đầu, "Ca, ca nói lão có thể giấu bảo bối ở đâu ạ?"

"Có thể giấu ở đâu à, chỉ có một sườn núi nhỏ, lại không có cái động nào, cũng không có địa đạo, chẳng nhẽ giống như chúng ta, giấu phía dưới gốc cây đa?"

"Đúng rồi, năm ngoái bài tập của ca bị thái phó phê bình cũng chôn ở đấy," ta lấy một miếng quế hoa cao cho vào miệng, "Muội đều nói ca đem đốt đi, ca lại không nỡ, lần này đào núi chắc chắn sẽ lộ ra hết rồi ạ."

"Nói đến chuyện này làm ca cũng nhớ ra." Khuôn mặt ca trở nên nghiêm túc: "Ban đầu, khi chúng ta đào hố ở đó, không phải là mượn một cái hộp gỗ to từ nhà Kiều Vĩnh hay sao. Về sau, khi ca để bài tập vào trong, phát hiện hoa văn trên cái hộp kia có chút không bình thường, lúc đó ca cũng không để ý nhiều. Nói như vậy, có thể nào bị người đổi rồi không?"

Ta ngạc nhiên, chút nữa thì bị nghẹn, nhanh chóng uống một ngụm trà: "Ca, ca nói, nếu chúng ta đi đào bây giờ, bảo bối của thừa tướng có còn bên trong hay không ạ?

Ca coi thường nhìn ta, xoa đầu ta: "Tiểu Lâm Niệm à, ca khuyên muội, đừng tìm chết nhé."

Hừ.

~~~~~~~~~~~

1. Theo trithucvn: Câu “Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt” có xuất xứ từ “Tam Quốc Chí. Thục chí. Gia Cát Lượng truyện”. Trong đó viết: “Nho sinh tục sĩ, khởi thức thì vụ? Thức thì vụ giả, tại hồ tuấn kiệt” (Tạm dịch: Nho sinh tục sĩ, há chẳng thức thời vụ? Kẻ thức thời vụ là kẻ tuấn kiệt). “Thức thời vụ giả vi tuấn kiệt” nguyên nghĩa là để chỉ người nhận biết rõ tình thế, từ đó lựa chọn làm những việc phù hợp với quy luật, phù hợp với đạo trời, nhận rõ sứ mệnh của bản thân. Câu thành ngữ này không có ý nghĩa chỉ việc vì tình thế bức bách mà thuận theo sự lên xuống của xã hội mà làm. Càng không có ý nghĩa chỉ một người cần phải “gió chiều nào xoay chiều ấy” để không bị tổn hại lợi ích của bản thân.

2. Bản gốc "Nhất cổ tác khí, tái nhi suy, tam nhi kiệt": “Tả Truyện" Trang Công thập niên: phu chiến, dũng khí dã. Nhất cổ tác khí, tái nhi suy, tam nhi kiệt. Khi đánh trận dựa vào dũng khí, đánh một tiếng trống, dũng khí tăng lên, đánh hai tiếng trống, dũng khí suy giảm, đánh ba tiếng trống, dũng khí không còn. Sau này ví với nhân lúc đang hăng hái làm một mạch cho xong việc. (Theo Vtudien)

3. Bản gốc "Cổ nhân thành bất khi ngã": xuất phát từ “Lễ ký - Đại học”, là câu cảm thán, có ý giác ngộ, dịch nghĩa: những lời cổ nhân nói không lừa gạt ta, cổ nhân nói rất đúng. (Theo baike baidu)

4. Bản gốc "Vương hầu tướng tướng, ninh hữu chủng hồ": Một câu nói của Trần Thắng (tên chữ là Thiệp), thủ lĩnh đầu tiên đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Tần, người khởi đầu cho phong trào lật đổ nhà Tần trong lịch sử Trung Quốc. (Theo wikipedia)

~~~~~~~~~~

Ngát nhìn thấy chữ "cao to", lập tức nghĩ tới "đen hôi" :))

Tập tin gởi kèm:

Chú thích: Chim luyện tước (google)