Hồng Bào Quái Nhân

Chương 55: Trúng kịch độc du lang bị trọng thương

Người áo lam nói:

- Vì thế mà lão phu đã bảo Tiền bằng hữu nhận lầm người.

Du Hữu Lượng hỏi:

- Thế ra nhãn lực ủa Tiền Kế Nguyên kém quá. Du lão tiên sinh thường hay bị người ta nhận lầm phải không?

Người áo lam trầm giọng hỏi:

- Ai là Du lão tiên sinh?

Du Hữu Lượng cười đáp:

- Xin lỗi! Tại hạ mau miệng nói lộn...

Người áo lam cười nhạt nghĩ thầm:

- Lên ngựa đấu trí, xuống ngựa đấu lực. Ta phải cho thằng lỏi này một trận.

Du Hữu Lượng lại hỏi:

- Vừa rồi Tiền Kế Nguyên cùng Du lão tiên sinh đối thoại dường như có nhắc đến cây tháp gì?

Người áo lam lẳng lặng không đáp. Du Hữu Lượng lại nói:

- Tại hạ đọc một bài thơ cho lão tiên sinh nghe nhé.

Người áo lam hỏi:

- Thơ gì?

Du Hữu Lượng khẽ cất tiếng ngâm:

Xuân giang dạ phi hoa Tinh hải nguyệt quang hàng...

Chàng đọc tới đây cố ý dừng lại. Bây giờ người áo lam đã chú ý tới cái khăn đội trên đầu Du Hữu Lượng có viên tiểu ngọc thạch màu hồng lọt qua màu lục.

Lão không nhịn được đọc tiếp:

Đản kiến lạc anh tháp Hồ nhật tái trần man.

Du Hữu Lượng vỗ tay nói:

- Chính là bài thơ này, lão tiên sinh đọc không sai chút nào.

Người áo lam ánh mắt âm trầm. Đột nhiên lão giơ chưởng lên quạt Du Hữu Lượng. Du Hữu Lượng đã đề phòng từ trước. Chàng nghiêng mình né tránh rồi hỏi:

- Lão tiên sinh lại muốn chỉ giáo tại hạ mấy chiêu chăng?

Người áo lam hạ thấp giọng xuống hỏi:

- Viên tiểu ngọc thạch trên khăn của ngươi ở đâu ra?

Du Hữu Lượng đáp:

- Cái khăn của tại hạ vẫn y nguyên như trước. Viên ngọc thạch đã đính vào đó từ lâu rồi.

Người áo lam lại hỏi:

- Tiểu bằng hữu đã đi qua Lạc Anh tháp bao giờ chưa?

Du Hữu Lượng nở nụ cười thần bí đáp:

- Lão tiên sinh bất tất phải hỏi điều đó làm chi?

Người áo lam sắc mặt biến đổi mấy lần, hồi lâu mới hỏi:

- Phải lắm! Chúng ta không nhắc đến chuyện đó nữa. Lúc nãy lão phu nói đến đâu rồi nhỉ?

Du Hữu Lượng đáp:

- Tại hạ đang hỏi lão tiên sinh có đem theo bộ kinh sách kia không?

Người áo lam thò tay vào bọc lấy ra bộ kinh sách bìa vàng. Lão trầm ngâm nói:

- Vụ này cách đây đã mấy chục năm, trải qua bao cuộc biến thiên nên bìa sách đã biến thành màu vàng...

Du Hữu Lượng hỏi:

- Lão tiên sinh cảm khái điều chi?

Người áo lam không trả lời tiện tay lật sách ra hỏi:

- Tiểu huynh đệ hiểu Phạn văn thật chứ?

Du Hữu Lượng đảo mắt nhìn cuốn sách bìa vàng đáp:

- Hãy để tại hạ coi xem. Nếu là Phạn văn, tại hạ có thể phiên dịch được.

Người áo lam giơ sách lên nói:

- Tiểu huynh đệ muốn coi bộ sách này thì lại đây mà lấy.

Du Hữu Lượng ngẫm nghĩ một lúc rồi cất bước tiến lại. Chàng vươn tay ra để lấy quyển sách thì đột nhiên uyển mạch đau nhói lên, phải rụt tay về nhìn xem thì thấy trên bìa sách có cắm mũi kim nhỏ như tơ.

Du Hữu Lượng ngấm ngầm cảnh giác. Chàng cầm lấy cuốn sách lạnh lùng nói:

- Trên cuốn sách có cắm cây kim nhỏ, tại hạ vô ý bị đâm phải...

Người áo lam lộ vẻ kinh dị nói:

- Lão phu không kịp để ý. Tiểu huynh đệ rút mũi kim đó ra là xong.

Du Hữu Lượng không ngần ngừ gì nữa, rút mũi kim trên cuốn sách ra, chàng thấy mũi kim lấp lánh ánh ngân quang trông rất kì dị.

Chàng đặt mũi kim xuống đất, thị tuyến ngó vào bìa sách, thấy đề ba chữ lớn bằng khoa đẩu văn tự, bất giác miệng lẩm bẩm:

- Kim Cương Kinh... Kim Cương Kinh... Phái Thiếu Lâm thịnh hay suy đều là nhờ ở cuốn kinh này...

Chàng lại nghĩ thầm:

- Ngày trước Triệu Phụng Hào tiền bối đã nói:

Các tâm pháp trong hoàn vũ thì môn "Thất khúc" của phe Thiền tông là đệ nhất. Môn "Thất khúc" của Thiền tông lại tự nhìn nhận còn thua môn "Đại Kim Cương Thiền" của Thiếu Lâm. Chắc môn pháp Đại Kim Cương Thiền có chép trong cuốn Kim Cương Kinh...

Du Hữu Lượng nghĩ tới đây trong lòng chấn động, hô thầm:

- Phe Thiền tông trước đây lâu năm đã bói một quẻ và đoán trước là môn tâm pháp của phái Thiếu Lâm sắp tái xuất hiện trên chốn giang hồ. Nay quả nhiên ứng nghiệm.

Ban đêm trời tối, chàng lại lật cuốn Kim Cương Kinh nhìn dưới ánh sao lờ mờ.

Chàng nhìn thấy những chữ Phạn hình con giãi lọt vào mắt thì tưởng chừng như minh đang ở bên Tây Vực cách xa hàng vạn dặm.

Người áo lam lên tiếng cắt đứt nguồn tư tưởng của chàng. Lão hỏi:

- Lão phu có điều không hiểu là cuốn kinh tầm thường này sao cũng biên bằng chữ Phạn?

Du Hữu Lượng ngó đối phương một cái, hỏi lại:

- Cuốn kinh này bình thường thôi ư?

Người áo lam sửng sốt:

- Theo nhận xét của ngươi thì sao?

Du Hữu Lượng đáp:

- Vãn bối tính tình lỗ mãng thì còn có kiến thức gì nữa? Lão tiên sinh đã bảo kinh sách này tầm thường thì dĩ nhiên là nó phải tầm thường. Chỉ có điều...

Chàng dừng lại một chút thì lão áo lam thúc giục:

- Có điều làm sao? Nói mau đi!

Du Hữu Lượng đáp:

- Trong con mắt của vãn bối, lão tiên sinh là một dị nhân. Lão tiên sinh đã bảo nó tầm thường là vãn bối liền cảm thấy nó tầm thường.

Người áo lam cười lạt nói:

- Người nói lòng vòng hoài toàn những điều vô dụng.

Du Hữu Lượng đáp:

- Lão tiên sinh đã bảo là điều vô dụng thì người nghe cũng chẳng lọt vào tai.

Người áo lam tức mình hỏi:

- Ngươi đã nói xong chưa?

Du Hữu Lượng lộ vẻ sợ sệt đáp:

- Xin lão tiên sinh đừng giận. Vãn bối xin đi để khỏi xúc phạm đến nộ hỏa của lão tiên sinh.

Dứt lời chàng trở gót toan đi. Người áo lam quát:

- Đứng lại!

Du Hữu Lượng quay lại hỏi:

- Lão tiên sinh còn điều chi dạy bảo?

Người áo lam cười lạt không ngớt, hỏi lại:

- Ngươi tưởng cứ thế là lấy pho kinh sách đem đi được chăng?

Du Hữu Lượng đáp:

- Úi chà! Tiểu nhân hốt hoảng quá quên mất vụ này.

Người áo lam hắng dặng một tiếng rồi hỏi:

- Lão phu vẫn chưa hiểu ý tứ của ngươi là ra làm sao?

Du Hữu Lượng đáp:

- Dù tiểu tử có trăm miệng cũng không biết nói gì.

Người áo lam nói:

- Dù người chẳng có lòng dạ nào khác, nhưng lão phu hẹn ngươi tới, có lý nào để ngươi bỏ đi một cách dễ dàng?

Du Hữu Lượng hỏi:

- Tiểu tử đi hay ở, lão tiên sinh làm chủ được chăng?

Người áo lam đáp:

- Lão phu đã nói sao là làm đúng như vậy. Ngươi không tin thì cứ thử coi...

Du Hữu Lượng trong lòng xoay chuyển ý nghĩ, ngoài miệng nói:

- Lão tiên sinh đã tự tin như vậy thì khi nào tiểu tử còn dám thử nữa?

Người áo lam đáp:

- Ngươi tự biết như vậy là hay. Bây giờ ngươi thử coi xem kinh sách nói gì rồi thuật lại cho ta nghe.

Du Hữu Lượng lật trang đầu ra coi, mới nhìn được năm, sáu dòng, trong lòng ngấm ngầm kinh hãi:

- Sư phụ thường bảo tâm pháp trong Kim Cương kinh chùa Thiếu Lâm cao thâm huyền diệu phi thường, so với Hàng ma thất khúc của Thiền môn còn cao minh hơn nhiều, quả nhiên không sai. Bất luận ai học được yếu quyết trong bản kinh này thì e rằng trong võ lâm khó còn ai bì kịp.

Người áo lam dặng hắng một tiếng rồi hỏi:

- Cuốn kinh này bằng Phạn văn mà ngươi không thấy chỗ nào khó khăn ư?

Du Hữu Lượng đáp:

- Tiểu tử đã học Phạn văn từ trước, nhưng có nói ra lão tiên sinh cũng chẳng tin nào.

Người áo lam hỏi:

- Đã thế ngươi còn chần chờ gì nữa.

Du Hữu Lượng đáp:

- Lão tiên sinh nghe đây!

Rồi chàng đọc:

- Con người tập võ thì buổi đầu tiên quan trọng nhất là dưỡng khí.

"Khí là gì? Một ngày khí đầy rẫy, hai ngày thân thể hư nhược. Tỷ như một người ba mặt sáu tay mà chỉ có một trái tim. Nuôi khí có thành tụ một cách đến nơi đến chốn thì bản lãnh mới có cơ đi tới chỗ tuyệt đỉnh"...

Du Hữu Lượng đang nhìn sách bỗng thu nhãn quang lại nói:

- Đó là câu mở đầu cho cuốn kinh sách này.

Người áo lam giục:

- Ngươi hãy đọc tiếp đi!

Du Hữu Lượng đọc tiếp:

"Vì vậy mà phải dưỡng khí theo chính pháp, tức là tâm pháp. Tâm pháp thành được là do thần khí mà ra, cũng như nhà Phật thường nói là có nhân duyên. Các bậc tiên nho lại nói là Thiên mạnh du qui. Những thứ này đều do thiên định, chẳng thể cưỡng cầu mà được"...

Chàng vỗ tay nghị luận:

- Việc này là do thiên định chứ chẳng thể miễn cưỡng. Thật là lời nói có ý nhị!

Người áo lam hỏi:

- Ai bảo ngươi nói xen vào?

Du Hữu Lượng đọc tiếp:

"Phật tổ lại nói:

Muốn luyện tâm pháp, cần phải đầu có trống không. Thứ hai là trút bỏ hình hài, sau nữa là đến phá tan sân si tục niệm, lục căn thanh tĩnh mới thành phật được...

Người áo lam không nhịn được ngắt lời:

- Phế chuyện Phật tổ đi! Lão phu không rảnh để nghe những chuyện vu vơ.

Du Hữu Lượng đáp:

- Lão tiên sinh chớ buông lời tiết mạn...

Người áo lam gạt đi:

- Ngươi lật qua trang thứ hai.

Du Hữu Lượng mở sách qua trang sau đọc:

"Muốn cho khí đạo nhiên đầy rẫy thì phải luyện cách thu khí. Trong vụ này có âm dương đôi ngả, động là dương, tĩnh là âm. Hết thẩy đều vô thanh vô hình vô sắc. Giải thích rằng"...

Chàng đọc tới đây bỗng dừng lại, lộ vẻ ngần ngừ. Người áo lam tâm tư rất thận mật, dường như đã hiểu ra chỗ ngần ngại của Du Hữu Lượng, lão hỏi ngay:

- Lời giải làm sao?

- Giải rằng:

"Lúc hành công, điều hòa âm dương, vận mà động tĩnh. Từ trước ngực đến vai thứ tự hít khí vào mỗi lúc một lẹ, nhả khí ra ngoài cho thâm trầm. Vận khí vào huyệt Đan điền xuống đến gót chân phải theo tiết tấu mau chậm đều theo phép tắc. Luyện hết một vòng bắt đầu trở lại"...

Người áo lam ngắt lời:

- Hãy khoan!

Lão vừa nói vừa ngồi xếp bằng, hai tay để so le trên ngực và dưới bụng, theo phép bắt đầu vận công.

Chỉ trong khoảnh khắc trên đầu lão tiết ra luồng bạch khí. Hô hấp cũng dần dần trở nên cấp bách. Sau khoảng thời gian chừng cháy tàn nén hương, da mặt người áo lam co rúm lại ra chiều rất đau khổ.

Du Hữu Lượng thấy thế rón rén tới bên người áo lam, vận kình lực ra bàn tay muốn phóng chưởng. Bỗng chàng tự hỏi:

- Bây giờ ta chỉ đánh một chưởng là lão này chết tươi, nhưng chẳng lẽ lừa dối lão một cách dễ dàng như vậy?

Chàng còn đang ngần ngừ thì đột nhiên người áo lam hắng dặng một tiếng, lão vẫn ngồi như cũ phóng chưởng ra đánh Du Hữu Lượng. Du Hữu Lượng đã đề cao cảnh giác, vừa nghe thấy tiếng dặng hắng đã biết ngay có điều khác lạ, vội nhún mình nhảy vọt ra xa hai trượng.

Người áo lam đứng phắt dậy hỏi:

- Lão phu đã đề phòng ngươi có hành động này. Ngươi dám giở trò trước mặt lão phu ư?

Du Hữu Lượng ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm:

- Lão này cơ cảnh dị thường. Lão đang vận công mà tấn công được ngay. Quả nhiên không phải là hạng tầm thường! Xem chừng đêm nay ta lâm vào tình trạng cưỡi hổ rồi đây...

Ngoài mặt chàng vẫn giữ vẻ thản nhiên đáp:

- Tiểu tử không hiểu lão tiên sinh nói vậy nghĩ là sao?

Người áo lam lạnh lùng đáp:

- Điều hòa âm dương, hô hấp chân khí, mỗi lúc một cấp bách... trong thiên hạ có phép luyện công kỳ lạ như vậy ư? Nếu lão phu không tỉnh ngộ kịp thời e rằng đã tẩu hỏa nhập ma rồi.

Du Hữu Lượng vội nói:

- Kim Cương Kinh là môn pháp chính tông, dĩ nhiên chẳng thể lấy tình thế thông thường mà đo lường được...

Lời nói vừa ra khỏi cửa miệng, chàng biết ngay mình vừa thất ngôn toan tìm cách để lấp liếʍ thì người áo lam đảo mắt sòng sọc, cất giọng the thé:

- Kim Cương Kinh! Kim Cương Kinh! Té ra ngươi đã biết trước rồi.

Du Hữu Lượng đáp:

- Đó là tiểu tử đoán càn như vậy...

Người áo lam hắng dặng luôn mấy tiếng chứ không nói gì, từ từ giơ tay lên.

Du Hữu Lượng ngấm ngầm vận công đề phòng nhưng phát chưởng của người áo lam thủy chung vẫn không đánh xuống.

Chàng cho là đối phương có điều úy kị liền cười nói:

- Lão tiên sinh mà động thủ thì e rằng khó lòng tìm được người thứ hai để dịch kinh sách.

Người áo lam cười rộ đáp:

- Ngươi nên biết bình sinh lão phu không làm việc gì khi biết mình chưa nắm vững.

Du Hữu Lượng hỏi:

- Lão tiên sinh bảo sao?

Người áo lam đáp:

- Lão phu bắt ngươi phải dịch đúng nguyên văn chẳng lẽ còn sợ ngươi không chịu vâng lệnh?

Du Hữu Lượng hỏi:

- Phải chẳng lão tiên sinh muốn dùng sức mạnh để bức bách?

Người áo lam đáp:

- Đó là hạ sách.

Du Hữu Lượng hỏi:

- Tiểu tử muốn nghe thượng sách của tiên sinh thế nào?

Người áo lam đáp:

- Có nói cho ngươi hay cũng chẳng hề gì. Vừa rồi ngươi lật sách đã bị mũi kim nhỏ đâm vào tay...

Du Hữu Lượng ngắt lời:

- Mũi kim đó có tôi thuốc độc hay sao?

Người áo lam đáp:

- Ngươi xoay chuyển ý nghĩ đúng đấy nhưng đã chậm mất rồi.

Du Hữu Lượng chớp mắt hỏi:

- Chậm rồi ư? Cái đó chưa chắc.

Bây giờ đến lượt người áo lam kinh ngạc. Lão buột miệng hỏi:

- Sao? Ngươi chưa bị mũi kim châm vào da thịt ư?

Du Hữu Lượng đáp:

- Chất độc tầm thường ở mũi kim châm thì làm gì được ta? Tiểu tử đã có cách trị độc.

Người áo lam cười rộ hỏi:

- Lão phu đã biết trong người ngươi có trái đại hùng châu để chống độc, nhưng ngươi có biết mũi cương châm kia tôi bằng chất độc gì không?

Du Hữu Lượng tưởng chừng trái tim chùng hẳng xuống. Chàng hỏi:

- Chất độc gì vậy?

Người áo lam dằn từng tiếng - Âm... Phù... Thiên... Cơ...

Du Hữu Lượng chấn động tâm thần bật tiếng la thất thanh:

- Âm Phú Thiên Cơ ư? Đó là chất độc mà chưởng giáo năm phái...

Người áo lam lạnh lùng nói theo:

- Chất độc mà chưởng môn năm phái trúng phải đúng là Thiên Cơ.

Du Hữu Lượng trỏ tay vào mặt đối phương quát:

- Té ra chưởng giáo các phái Côn Luân, Võ Đang, Điểm Thương đều chết về tay lão Du Nhất Kỳ!

Chàng đột nhiên dừng lại vì đêm hôm năm vị chưởng môn ngộ hại chàng đã ngó thấy Du Nhất Kỳ xuất hiện. Hắn còn cầm kiếm đâm vào xác chết. Cả chàng cũng bị một nhát. Hung thủ chủ mưu vụ này ngoài Du Nhất Kỳ ra còn ai nữa?

Người áo lam nói:

- Lão phu chỉ bảo chưởng môn năm phải trúng chất độc Thiên Cơ mà chết, chứ không nói họ chết về tay lão phu.

Hai mắt nhìn chằm chặp vào Du Hữu Lượng, lão nói tiếp:

- Chất độc Thiên Cơ đã thấm vào da thịt ngươi lúc nãy giờ sắp phát tác rồi đấy...

Du Hữu Lượng hít một hơi chân khí chuyển vận đến lần thứ năm thì quả nhiên bế tắc. Chàng ọe một tiếng, thổ máu tươi ra. Đống máu dưới đất trong nháy mắt đã đen lại.

Người áo lam bật tiếng cười đanh ác nói:

- Đại Hùng Châu có tránh được bách độc, nhưng gặp phải Âm Phù Thiên Cơ thì... hà hà...

Du Hữu Lượng trong lòng thê thảm nghĩ thầm:

- Trước ta ỷ trong mình có Đại Hùng Châu nên biết mũi cương châm kia có độc cũng chẳng quan tâm. Không ngờ đối phương dùng chất độc nhất thiên hạ để đối phó với ta. Chẳng lẽ đêm nay ta sẽ theo gót năm vị chưởng giáo các phái lớn?...

Trong lòng vừa bi thương vừa phẫn nộ, chàng vung chưởng đánh ra.

Người áo lam giơ chưởng lên đỡ. Bỗng nghe đánh sầm một tiếng. Hai chưởng đυ.ng nhau thành cơn lốc xoáy lại. Du Hữu Lượng chân bước loạng choạng lùi lại nửa bước.

Người áo lam hắng dặng một tiếng, uốn mình vọt tới, tung cước đá vào người Du Hữu Lượng.

Du Hữu Lượng chân bước lảo đảo lùi ra xa năm trượng.

Chân người áo lam vẫn giữ nguyên tư thức rượt theo đá tới. Du Hữu Lượng còn cách xa đã thấy luồng khí âm hàn xô lại, chàng cực kì kinh hãi vì công lực của đối phương cao thâm hơn sự tiên liệu của chàng.

Trong lúc cấp bách, Du Hữu Lượng lạng người qua mé tả để tạm thời tránh luồng cường lực. Không ngờ người áo lam vù một cái đã lướt tới sau chàng. Lão phất tay áo đẩy luồng cường lực đánh tới sau lưng.

Du Hữu Lượng thấy thân pháp của đối phương như quỷ mị, biết rằng không tránh được, đành dùng thực lực đối phó. Chàng gầm lên một tiếng thật to xoay mình lại phóng song chưởng đánh ra.

Hai luồng kình lực đυ.ng nhau. Du Hữu Lượng đã vọt người lên không xoay đi một vòng, nhưng người áo lam xô ra một luồng chỉ lực. Du Hữu Lượng thấy chỉ lực đánh tới rít lên vù vù. Chàng không kịp suy nghĩ gì nữa lướt tới đánh xéo vào cạnh sườn đối phương một chưởng.

Phát chưởng này chàng phóng ra trong lúc phẫn nộ, bi thảm. Chưởng kình nặng như sắt đá.

Người áo lam thấy chàng đánh liều mạng, không dám chống đối vội ngửa người lại. Luồng kình phong rít lên khủng khϊếp lướt qua trên đầu lão.

Du Hữu Lượng phóng chưởng vào quãng không, chàng lại phóng ra phát thứ hai.

Người áo lam bật tiếng cười khành khạch, năm ngón tay mặt lão vạch lên không một đường.

Du Hữu Lượng biết chiêu thức này của đối phương rất phức tạp khiến chưởng lực của chàng chỉ còn cách ngực lão ba thước đã bị chặn đứng.

Người áo lam không để cho địch thủ kịp biến chiêu. Lão phóng chỉ nhanh như điện đâm vào huyệt mạch môn Du Hữu Lượng.

Mới qua lại mấy chiêu, Du Hữu Lượng đã lâm vào cục diện cực kì nguy hiểm, bức bách chàng phải lùi bước.

Người áo lam liền chuỗi năm ngón tay đổi chỉ làm chưởng đánh tới. Cách biến chiêu của lão thần tốc kinh người.

Du Hữu Lượng bỗng cảm thấy nửa người tê chồn. Luồng chưởng lực của đối phương đã đánh trúng trước ngực chàng. Chân bước loạng choạng, chàng cố giữ cho khỏi té. Người áo lam bật tiếng cười lạt, vung tay đánh xuống bả vai Du Hữu Lượng. Miệng lão khẽ quát:

- Nằm ra!