Trạm Thị Vương Triều

Chương 22.3

Đọc hết hơn ngàn bài thi quả thật cũng tốn thời gian, chỉ có thể nói Vương Công Danh đúng là vị quan có tài, dưới sự dẫn dắt của ông, mới tới giữa giờ Tuất mà các bài thi có thể đề tên trên bảng vàng đã được giao tới trước mặt hoàng thượng, chính là tên của ba mươi hai người thi đậu giữa ngàn người. Vương Công Danh quỳ xuống nói: "Hoàng thượng, bọn thần đã tuyển ra ba người đứng đầu bảng trong khoa thi này. Người làm Thám Hoa bọn thần nhất trí chọn Tuyết Minh Duệ ở Dĩnh Xuyên. Chỉ là ứng cử viên cho Trạng Nguyên và Bảng Nhãn thì lựa chọn của bọn thần lại có sự bất đồng, quả thực tài học của Điền Hán Quang ở Hà Gian và Mộ Trung Nguyên ở núi Lộc Sơn gần như khó phân, mong hoàng thượng định đoạt."

"Núi Lộc Sơn?" Trạm Hi đón lấy bài thi, tỉ mỉ xem kỹ, không bao lâu sau liền cười nói: "Trẫm thấy vẫn là Mộ Trung Nguyên nhỉnh hơn chút. Yết bảng đi."

Chương Cố nhận danh sách, bước nhanh xuống cổng lầu, lớn tiếng đọc lên tên những người có trong bảng vàng. Lúc này thí sinh có người vui có người buồn, chẳng qua vừa nãy hoàng thượng đã nói rõ, sau này còn có ân khoa, cho nên nét buồn trên mặt những người thi rớt cũng không quá nhiều.

Trạm Hi lững thững bước xuống cổng lầu đứng giữa các thí sinh, toàn bộ các thí sinh cuống quít quỳ nghe thánh ý. Trạm Hi ôn hòa hỏi: "Ai là Tuyết Minh Duệ?"

"Bẩm hoàng thượng, dân nữ là Tuyết Minh Duệ." Một giọng nói rất nhỏ từ góc xa truyền đến.

Trạm Hi định thần nhìn tới, suýt chút nữa vui vẻ đến cất tiếng cười to, không ngờ đó là một cô bé có làn da trắng nõn còn tết tóc hai chỏm đang mở đôi mắt to đen tròn nhìn nàng, "Đến đây, đến chỗ trẫm này."

Bé gái lật đật bò dậy, chạy đến bên người hoàng thượng, ngửa đầu cười tươi rói.

Trạm Hi thấy thân hình đứa nhỏ này còn chưa đến bốn thước*, ngây thơ khả ái, trong lòng dị thường yêu thích, lại cố ý nghiêm mặt trêu: "Mấy tuổi rồi? Ngươi không biết là nữ tử thì không thể tham dự khoa thi sao?"

(*bốn thước khoảng 120cm)

Bé gái dõng dạc trả lời, "Bẩm hoàng thượng, dân nữ mười một tuổi. Hoàng thượng có nói trên hoàng bảng, không quan tâm dòng dõi sinh ra mà chỉ cần là người có thực học. Nếu đã không quan tâm người đó sinh ra thế nào, đương nhiên là bất kể nam nữ. Huống chi hoàng thượng cũng không đặc biệt ra sắc lệnh nữ tử không được ghi danh dự thi."

Nói đến chuyện dòng dõi 'sinh ra' đương nhiên là chỉ thân thế bối cảnh, chứ không phải chỉ thai nhi sinh ra. Cô bé này lại rất thông minh xuyên tạc nghĩa của từ 'sinh ra' này. Trạm Hi cười ha ha, "Băng tuyết tịnh thông minh, lôi đình tẩu tinh duệ*. Khá lắm Tuyết Minh Duệ! Trên đời này phần lớn cha mẹ đều trọng nam khinh nữ, không biết cha mẹ ngươi vốn là người phương nào? Trẫm rất hiếu kỳ đấy."

(*冰雪净聪明, 雷霆走精锐:Hai câu trong thơ [Tống Phàn nhị thập tam thị ngự phó Hán Trung phán quan] của Đỗ Phủ. Dịch nghĩa là:

Bình tĩnh, có óc sáng suốt tuyệt vời, Mau lẹ ra quyết định sắc bén.)

Tuyết Minh Duệ trả lời lưu loát, "Dân nữ không có mẫu thân, còn phụ thân ở ngay bên ngoài trường thi."

Trạm Hi vung tay lên, lập tức có thái giám đi ra ngoài dẫn một ông lão có tóc hoa râm bước vào. Ông lão quỳ xuống dập đầu nói: "Thảo dân Tuyết Vĩnh Xương khấu kiến hoàng thượng, ngô hoàng vạn tuế."

Trạm Hi thấy ông lão không có chút căng thẳng bối rối, liền khen ngợi: "Ông rất biết dạy con gái. Người đời đều nói nữ tử không tài mới là đức, vì sao ông lại giáo dục con gái thành tài?" Nàng lại quan sát tỉ mỉ Tuyết Vĩnh Xương, lòng nghi ngờ, không khỏi hỏi: "Chẳng lẽ vì đây là con gái tới già ông mới có, nên mới yêu thương như vậy?"

"Không dám giấu giếm hoàng thượng, thảo dân đã sắp tám mươi, sao có thể tuổi già sinh con được chứ? Thảo dân cùng vợ phu thê tình thâm, không muốn vì việc con nối dõi mà ủy khuất vợ nhà. Sau khi phu nhân qua đời, thảo dân luôn luôn sống một mình, cho đến mười một năm trước nhặt được Minh Duệ ở vùng hoang vu. Thánh nhân có dạy, ra đường thì nên tôn kính người già, gặp nhỏ thì nên quan tâm trẻ thơ; chứ thánh nhân không dạy thương yêu trẻ con cần phải phân biệt nam nữ. Đứa nhỏ này là bảo bối trên trời ban cho thảo dân, nên đương nhiên thảo dân muôn phần quý trọng. Đứa nhỏ này trời sinh trí tuệ, quả thực thảo dân không đành lòng làm mai một tài hoa của con. Vừa hay thánh triều mới lập, đúng là thiên đại phúc khí của đứa nhỏ này, cho nên thảo dân mới cả gan đưa con trẻ tới dự thi, mong hoàng thượng thứ tội." Những lời nói ấy của Tuyết Vĩnh Xương khiến phần lớn những người ở đây sinh lòng cảm thán, chỉ có một phần nhỏ là thấy trong lòng khó chịu mà thôi. Nhưng chuyện kỳ lạ lớn nhất xưa nay chính là hoàng thượng là nữ nhân đã có, thì thêm việc có một thần tử là nữ nhân cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Ai không muốn sống thì cứ nói, đến tham gia khoa khi không phải chỉ mong được hoàng thượng ban cho tiền đồ đấy sao? Cần gì phải gây trở ngại với những ngày an nhàn của mình đây.

Trạm Hi lại càng tán dương: "Lão tiên sinh đúng là người sáng suốt." Nàng cúi đầu hòa ái cười với Tuyết Minh Duệ: "Tiểu Minh Duệ, trước hãy ở Hàn lâm viện của trẫm chăm chỉ học tập các tiền bối, chờ đến khi ngươi đầy mười tám tuổi, trẫm sẽ tự minh kiểm tra ngươi lần nữa, nếu đủ tư cách, trẫm nhất định sẽ cho ngươi hiển lộ tài năng."

Tuyết Minh Duệ vô cùng lanh lợi, lập tức quỳ xuống phục lạy, nghiêm túc nói: "Vi thần tạ ơn hoàng thượng."

Trạm Hi sai người nâng cha con Tuyết gia dậy, vừa lòng gật đầu, lại hỏi: "Ai là Điền Hán Quang? Mộ Trung Nguyên?"

"Bẩm hoàng thượng, chính là thảo dân." Có hai tiếng đáp đồng thời vang lên, một già nua, một trong trẻo. Trạm Hi không phân được ai là ai, vì thế cười nói: "Điền Hán Quang, văn thơ của ngươi vốn bất phân cao thấp cao thấp với Mộ Trung Nguyên, nhưng ngươi biết vì sao trẫm lại chọn ngươi làm Bảng Nhãn không?"

Giọng già nua đáp lời: "Thảo dân không biết."

"Văn chương của ngươi lập ý quả thật không tệ, chỉ là quá mức gay gắt. Trong đó có một câu: 'Cái ác chưa trừ diệt, cái ác sẽ còn mãi, bất kể cái ác đó là lớn hay nhỏ'. Trẫm cho rằng điều đó chưa đúng, tất nhiên tội ác to lớn đáng phải trừ diệt, những tội lỗi nho nhỏ cũng đáng bị trừng phạt, nhưng một người làm ác có lòng cải tà quy chính, biết quay đầu là bờ thì cũng nên dung thứ, đó là những việc người xưa thường dạy. Đã là con người thì vốn không phải thánh nhân, nếu làm theo ngươi nói, chỉ cần cứ phạm sai lầm liền trừ diệt ngay, vậy chẳng phải sẽ khiến cho lòng toàn dân trong thiên hạ phải bàng hoàng sao? Trị quốc cần lấy nhân đức làm gốc, mới là chính đạo. Ngươi thấy phải không?" Trạm Hi hơi chút kinh ngạc, hóa ra là một ông lão, nhưng từng câu chữ trong câu văn lại thể hiện sự thù ghét cái ác như kẻ tử thù hệt như giọng điệu của một người trẻ tuổi.

"Hoàng thượng dạy bảo rất phải." Điền Hán Quang trùng điệp dập đầu, bi phẫn nói: "Bẩm hoàng thượng, nhà thảo dân nhiều thế hệ đều là người phủ Hà Gian tỉnh Dự Bình. Hoàng thượng hẳn cũng biết, câu ngạn ngữ mà dân gian vẫn nói về Dự Bình. 'Dự Bình giàu có, đủ thuế cho toàn dân; Hà Gian giàu sang, đủ ăn cho nửa giang san. Ném một hạt giống xuống đất, năm sau thu hoạch cả bát cơm đầy. Vậy mà khi ở thời tiền Tấn, địa phương giàu có trù phú như thế lại trở thành một vùng dân chúng vì gặp lũ lụt mà chết do không có cơm ăn, phẫn uất trong lòng thảo dân không có chỗ giải bày. Khi thấy thánh triều được lập, hoàng thượng kiên quyết trừ gian, thảo dân mới cảm thấy có lại hy vọng. Chỉ là tuổi thảo dân đã lục tuần, còn đi tham gia khoa cử, khiến hoàng thượng chê cười rồi."

Trạm Hi biết ông ta đang nói về việc loại bỏ vây cánh Đổng gia, trong lòng tán thưởng hành vi ấy, lúc tiền Tấn là Đổng gia cầm giữ tỉnh Dự Bình, hiện giờ dù đã trừ phủ nha của Hà Gian, nhưng thế lực của Đổng gia ở Dự Bình vẫn còn rất lớn. Trải qua bao nhiêu năm Đổng gia gầy dựng, các mối liên quan cao thấp ở tỉnh Dự Bình rắc rối khó gỡ, quan lại cấu kết, cùng một giuộc với thị tộc giàu có ở địa phương, một lần gϊếŧ gà dọa khỉ cho bọn hắn thì được, nhưng nếu thật muốn đoạt mệnh toàn bộ bọn hắn, thì rất có thể gây ra làn song tạo phản. Hơn nữa nhổ sạch bọn hắn rồi, nàng cũng chưa kiếm được nhiều người để thay thế. Thời cơ chưa đến nên chớ nóng nảy, cứ từ từ thực hiện từng bước mới là thượng sách. Trạm Hi nhàn nhạt nói: "Triều Đoan của trẫm tuyệt đối sẽ không cho phép chuyện như thế xảy ra. Ngươi cứ an tâm đi." Lúc này nàng đã nghĩ được chỗ hữu dụng của Điền Hán Quang. Rồi xoay người cười hỏi: "Mộ Trung Nguyên, núi Lộc Sơn? Trẫm kiến thức nông cạn nên không biết núi Lộc Sơn này là ở nơi nào?"

Mộ Trung Nguyên cung kính đáp: "Bẩm hoàng thượng, đó là ngọn núi nhỏ ở trong lòng Bắc Địch, sợ đến ngay người Bắc Địch cũng chưa hẳn đã biết." Lời ấy khiến toàn trường lặng ngắt như tờ, có người lặng lẽ nhìn tới, thấy người đó tóc nâu sống mũi cao, đúng là tướng mạo của người Bắc Địch.

Trạm Hi còn chưa lên tiếng, Kỳ Hoài Quan đứng ở phía sau đã không nhịn được nhảy ra quát lớn: "Lớn mật, Bắc Địch chính là kẻ thù truyền kiếp của Trung Nguyên, ngươi chắc chắn là gian tế, muốn lẫn vào triều đình của ta mưu đồ bất chính." Ông là quan chủ khảo, trấn thủ ở trường thi, thấy hoàng thượng xuống dưới liền gấp gáp đến tranh công lấy lòng.

"Lớn mật!" Trạm Hi nổi giận: "Ngay cả tiểu Minh Duệ cũng biết ý chỉ của trẫm viết là bất kể dòng dõi sinh ra, ngươi muốn cho trẫm trở thành kẻ hôn quân nói lời không giữ lấy lời? Biển chứa trăm sông, vì biết dung hòa mới thành to lớn, không có chút bao dung, trẫm há còn xứng làm chủ thiên hạ này sao? Đất trong thiên hạ đều là đất của vua, vương thổ tương lai của trẫm chắc chắn sẽ bao gồm cả Bắc Địch."

Kỳ Hoài Quan vuốt mông ngựa không trúng lại đυ.ng vào vó ngựa, sắc mặt tái nhợt lui ra. Vẻ mặt Mộ Trung Nguyên vẫn như thường nói: "Hoàng thượng, thảo dân không trách thế nhân hiểu lầm. Trung Nguyên và Bắc Địch là kẻ thù truyền kiếp trăm năm, sao có thể dễ dàng hóa giải. Nhưng trong Bắc Địch của thảo dân vẫn có những người yêu chuộng hòa bình, phụ thân của thảo dân chính là một trong số đó. Phụ thân vốn đứng đầu một tộc nhỏ sống dưới chân núi Lộc Sơn, từ trước đến nay đều rất hâm mộ văn hóa Trung Nguyên, đến đặt tên cũng là đặt cho thảo dân như vậy. Kháng thị nắm quyền, bất đắc dĩ phải quy phục mà thôi. Phụ thân vẫn luôn khuyên nhủ Kháng thị hãy thân thiện hữu hảo với Trung Nguyên, người Trung Nguyên đông đúc, sản vật lại dồi dào, nếu gặp minh chủ thời thịnh, Bắc Địch há có thể chống đỡ, phụ thân nào hiểu được dã tâm của Bắc Vương. Thời gian lâu, lại thêm bị địch nhân châm ngòi, khiến cho Bắc Vương giận dữ, cả một nhà của thảo dân liền không thoát khỏi. Thảo dân cửu tử nhất sinh chạy trốn tới Trung Nguyên cũng bốn, năm năm rồi. Mấy ngày trước nhìn thấy thánh chỉ, giống như nắng hạn gặp mưa rào, thảo dân quả thực..." Nói đến đây đã nghẹn ngào, không cách nào nói tiếp nữa.

Trạm Hi tự mình đỡ hắn lên, trấn an nói: "Ngươi không cần hoài nghi, đã là vua thì không nói bừa. Chỉ cần ngươi trung với trẫm, trung với Đại Đoan, trẫm chắc chắn đối đãi với ngươi bình đẳng giống như với con dân Đại Đoan." Rồi khiển trách: "Các ngươi đều là người Trung Nguyên, sống ở Trung Nguyên, ăn ở Trung Nguyên, học ở Trung Nguyên, vậy mà còn không giỏi giang bằng một người nước khác, trẫm đều cảm thấy xấu hổ thay các ngươi." Giọng điệu lại hồi phục như ban đầu, nói tiếp: "Mong các ngươi biết nhục mà cố gắng, năm sau cho trẫm một khoa thi vừa lòng, các ngươi có làm được không?"

Phần tử trí thức đều tự xem bản thân thanh cao, sao có thể chịu được khích tướng như vậy, các thí sinh cùng kêu lên vang vang: "Nhất định không cô phụ hoàng ân."