Tuyển Tập Nam Cao

Trên những con đường việt bắc

Ông ké cầm tay tôi, tần ngần nhìn vào mặt tôi. Lối lịch sự Tây phương ấy không ngờ lại được gặp ở đây. Vốn dĩ là đồng bào miền ngược rất thích tỏ tình thân ái, lòng lưu luyến bằng những nắm tay, bá vai một cách nhè nhẹ, yêu yêu. Đúng như chúng ta xoa đầu, vuốt tóc một đứa trẻ nhỏ, trong khi nói chuyện…

– Đồng chí đi, ké thương nhớ để đâu cho hết!

Những câu nói rất thường ở trên này, nghe ra cũng bóng bẩy như thế đấy. Ké còn nói rắng ké tiếc tôi như tiếc một con ba ba rơi xuống bể. Có lẽ ông già miền núi ấy suốt đời chưa trông thấy bể bao giờ. Lời ông thành thật hay khách sáo? Thì cũng có cả hai thứ ở trong. Người trên này chẳng chất phác quá như người ta vẫn thường thích tả đâu. Cũng thích mua rẻ bán đắt, cũng thích có thể nào cho được thật nhiều lợi về mình. Cái đấy dẫu có làm cho ta đôi lúc phải bực mình nhưng ta cũng thừa hiểu rằng đó chỉ là thói thường của hầu hết mọi người trong một cái xã hội có tục bán và mua. Cũng nhiều khi họ thiển cận hơn nhưng đó là tại trình độ hiểu biết và suy nghĩ kém miền xuôi. Nhưng được cái cũng yêu nước, cũng ghét Tây, cũng thích Cụ Hồ, rất ghét Tây và rất thích Cụ Hồ. Thế là đủ lắm rồi, chúng tôi dễ hiểu nhau, dễ yêu nhau lắm.

Vả lại gần gũi đồng bào trên này, tôi thấy rằng họ cũng dễ thân. Chúng tôi đến ở chỗ nào, chỉ vài tháng là đã quen cả bản rồi. Đám ma, đám cưới nào cũng có mặt chúng tôi. Các anh thanh niên đến xem báo cáo, đọc sách nhờ, hoặc nói oang oang ở lán chúng tôi. Các ông già đến ông chè, nói chuyện trầm ngâm. Và cả thiếu nữ, các lục sao má đỏ hây hây, thì đến xin ảnh Cụ Hồ hay xin bài hát. Mỗi khi phải rời một chỗ để đi chỗ khác, bao giờ cũng có sự dùng dằng, quyến luyến.

Ông ké vẫn không chịu buông tay tôi ra, cứ ngoẹo đầu ngoẹo cổ dặn mãi:

– Đồng chí đi mạnh khỏe chứ! Bao giờ đi công tác qua đây, nhớ ghé vào chơi với ké nhé!

Ba, bốn lần như vậy rồi tôi mới rút tay ra được để đi. Chẳng biết ông già trở về có vương vấn gì không, nhưng riêng lòng tôi cũng thấy bùi ngùi. Thì ra những người, vật ở đây với tôi đã như có một chút tình nghĩa gì rồi. Lúc đầu chúng ta tưởng rằng chúng ta chỉ làm việc dân vận thôi: chúng ta cố gây cảm tình với đồng bào địa phương đối với chúng ta. Dần dần chính chúng ta sinh ra có cảm tình với họ, cái cảm tình ấy nó đến êm thấm quá đến nỗi chính chúng ta không hay biết.

Từ khi xảy ra chiến tranh, có dịp thay đổi chỗ ở rất nhiều, tôi mới tìm ra điều này thật ấm lòng, là ở bất cứ chỗ nào trên đất nước Việt Nam, chúng ta đều có những người thân thuộc của chúng ta. Ta chỉ tỏ cho họ biết chúng ta là những người thân thuộc họ, lòng yêu nước, lòng quý mến đồng bào, lòng xót xa đến những người cùng mục đích, cùng số phận với mình, hồi này mới được đồng bào ta ở khắp nơi tỏ ra một cách thật rõ rệt. Không đến chỗ nào chúng ta bị cái cảnh quê người đất khách. Trái lại, ở đâu ta cũng có cảm giác là ở một nơi thân thuộc.

Hồi tôi mới bước chân lên Việt Bắc, một anh bạn hỏi cảm tưởng đầu tiên của tôi khi tới miền rừng núi.

Tôi nghĩ mãi, chẳng thấy cảm tưởng gì. Tôi trả lời một câu có vẻ tuyên truyền:

Tây không đời nào dám lên đến đây. Nó sẽ chết vì vấn đề tiếp tế. Anh bạn không được thỏa. Anh nói rõ ý anh hơn:

Tôi có muốn hỏi cảm giác của riêng anh kia. Anh thấy thế nào? Khi qua các núi rừng, có thấy rợn không?

A! Rợn thì không rợn một tí nào, tôi chỉ thấy thú như một người đi ngắm cảnh. Con đường tôi đi cũng tấp nập in như con đường ở dưới xuôi. Và khi đi sâu vào những con đường nhỏ, vượt qua núi hoặc xuyên rừng, tôi cũng chỉ coi như đi qua đồng vắng… Chỉ có giống vắt là làm tôi hơi khó chịu.

Anh bạn tôi cười khẽ một tiếng rồi lại hỏi:

Trước đây, anh đã lên Việt Bắc lần nào chưa?

Tôi lên lần này là lần thứ nhất.

Thế thì anh không nhận thấy sự thay đổi đấy. Ngày xưa, nghe nói đến mạn ngược là đã thấy một cái gì bí mật, ghê gớm. Thổ, Mán, Mèo là những giống người gì khác hẳn chúng ta khiến chúng ta ghê gớm, sờ sợ. Một phần nữa, các con đường mà anh thấy tấp nập bây giờ, ngày xưa vắng ngắt. Năm chừng mười họa mới có người đi bộ. Thành thử ngày xưa đi qua các con đường mạn ngược, rợn lắm.

Đúng như thế thật. Cuộc cách mạng đã đổi hẳn bộ mặt xứ này đi. Đổi cả những con người. Con người mới, tin tưởng ở chính quyền nước mình, tin tưởng ở chính mình và những người sống quanh mình, mất hết cả tính e dè sợ sệt. Anh ta không còn sợ núi rừng. Tỉnh thành đã trà trộn với thôn quê và miền xuôi đã hòa lẫn cùng miền ngược. Vẫn đóng khung trong những biên giới cũ, lãnh thổ Việt Nam có vẻ như mở rộng. Trước mắt chúng ta là cả một vùng rừng núi rộng mênh mông không còn là chỗ ma thiêng nước độc, bất khả xâm phạm như xưa mà là một miền rộng rãi có rất nhiều khả năng khai thác. Những nhà máy sau này mọc lên rất nhiều ở trên này, bên cạnh những thác nước dùng làm động lực. Những đồn điền chăn nuôi lớn sẽ lập nên cùng với các nông trường. Đèn điện sẽ sáng trưng. Bệnh sốt rét sẽ không còn chốn nương thân. Hà Nội sẽ lên đây nghỉ hè. Những thanh niên nam nữ Thổ, Mán, Mèo về học trường đại học ở thủ đô. Không còn phân biệt miền ngược với miền xuôi, cũng như sẽ hết sự ngăn cách giữa thôn quê và thành thị. Những ngày kiến thiết sau này vui biết mấy…

Ra gần đến bờ suối, tôi gặp chị Quyên. Chị đem gạo ra đổ vào cái cối nước về. Hôm qua tôi đã đến chào mừng “người già” nhà chị, nên vừa trông thấy tôi, chị hỏi ngay bằng tiếng Kinh rất sõi.

Anh Tâm về xuôi hả?

Vâng, chào chị nhé!

Chào anh Tâm. Anh Tâm đi mạnh khỏe nớ. Anh Tâm về xuôi có nhớ chị Tình không.

Chị cười tít mắt. Hai má bầu và trắng hồng của chị lũng xuống hai lỗ đồng tiền nhỏ tí. Tôi cười, trả lời lại bằng tiếng Thổ:

– Xướng chứ lại! Xướng chứ nhình Quyên lai (Thương nhớ lắm! Thương nhớ chị Quyên lắm)

Má chị đỏ thêm. Đôi mắt long lanh chị nhìn tôi:

Không thương nhớ tôi đâu! Thương nhớ vợ anh Tâm ấy. Chị lại cười rồi đột ngột.

Thôi anh Tâm đi nớ, mạnh khỏe nớ! Chúc công tác thắng lợi nớ!

Chị lướt qua tôi và soàn soạt vạt áo chàm, thoăn thoắt đi về bản. Hồn nhiên như vậy đấy. Các cô nói chuyện tình tứ rất tự nhiên. Nói một cách vui vẻ thẳng thắn thế đấy thôi. Có lẽ chỉ nửa giờ sau là Quyên đã quên tôi.

Cũng chẳng làm sao cả. Nhưng tôi cúi đầu vơ vẩn một mình, thích nghĩ rằng khi đi khỏi mấy bước rồi chị còn ngoảnh lại nhìn tôi. Để cho đời đẹp thêm lên một chút. Cũng chẳng làm sao cả!…

Qua một cái dốc đi một mạch vừa đúng ba giờ, trong lúc đó mỗi bước sức nặng của ta cứ như gì ta xuống. Tôi đến một làng Mán bám cheo leo vào lưng chừng một quả núi cao. Cả làng vẻn vẹn có ba nhà, xếp bậc lên nhau. Cột kèo ở trong nhà là những cây gỗ để nguyên cả vỏ. Không có một cái lỗ đυ.c, một con xỏ vì dụng cụ độc nhất của người Mán là con dao rừng mà đi đâu anh ta cũng đeo lủng lẳng ở sau lưng. Tre gỗ buộc vào với nhau bằng những sợi dây leo. Cái lò bếp nấu “ruốc mu” (thức ăn của lợn) với cái chảo to tướng ở trên lù lù ngay ở giữa nhà. Ở đây người ta vẫn sống gần gũi và bình đẳng lắm.

Nhưng hôm nay, người và vật đi lán cả. Nhà cửa vắng teo. Người Mán ở tận đây, đúng như một cái tổ chim giữa rừng sâu trên gần đỉnh núi cao, vẫn còn thấy chỗ ở của mình trống trải và vẫn thấy cần phải vườn không nhà trống, đem hết trâu bò, gà, lợn, ngô, thóc gạo, muối và người già, con trẻ vào cơ quan bí mật ở một chỗ mà trừ họ ra khó có ai biết và tới được. Có khi rồi họ bỏ hẳn chỗ nhà cũ, chẳng cần về nữa. Ở rừng, tre, gỗ sẵn. Làm nhà mới lúc nào cũng được và chẳng tốn kém gì. Vì thế, người Mán rời chỗ ở, rời một chỗ đất hết màu hay một chỗ mà họ cho là chẳng được lành, hoặc có nhiều người qua lại quá, dễ dàng như một người đi đường rời quán trọ. Phong tục du mục vẫn còn vương lại đôi chút trong tâm tính họ.

Tôi đứng lại trước cái làng bé con kia, thở những hơi dài cho đỡ mệt. Vì cố gắng đi một mạch, mắt tôi hơi hoa lên một chút. Áo đẫm mồ hôi. Cổ thì khô cháy. Không thể vào nhà xin nước uống, tôi nhặt những quả trám trắng rụng nhan nhản ở dưới chân ăn. Trám trắng chan chát, lờ lợ, chẳng lấy gì làm ngon lắm, nhưng nuốt xong, còn chút vị ngọt lững lờ trong cổ. Cũng là một cách cho đỡ khát.

Anh em Mán thường bảo tôi rằng: chỗ nào có nhiều quả trám thì gấu thường hay đến. Tôi đứng đấy có một mình. Tôi nhớ đến một anh Mán bị gấu vồ nát cả mặt, cả cổ và vai. Nhưng ở rừng đã nhiều, chính mắt tôi chưa trông thấy gấu bao giờ. Người bị gấu vồ, tôi cũng chỉ trông thấy có một anh Mán ấy thôi. Vì thế, tôi vẫn cho rằng việc bị thú dữ vồ ở giữa rừng chẳng qua cũng chỉ như việc bị ô tô đè ở những thành phố náo nhiệt như Hà Nội, Sài Gòn. Tất nhiên là cũng có thể xảy ra luôn. Nhưng không phải vì thế mà động ra đường là người ta nơm nớp. Cảnh hoang vắng lúc này không gợi cho tôi một tí thấp thỏm nào.

Bên dưới tôi một suối nước chảy xiết đổ ào ào. Cái thứ tiếng giông bão ấy dâng lên tận chỗ tôi và tỏa

rộng ra làm một cái nền hơi sẫm tối cho những tiếng chim lanh lảnh, vui và sáng. Trước mắt tôi là những ngọn núi trọc hoặc um tùm ấy là trăm ngọn núi khác, lớp lớp, nhấp nhô, hòa hợp với trời xanh như những đợt sóng xanh lơ vô cùng tận. Đó đây một vài điểm mây trắng lởn vởn, là bọt sóng. Không khí trong và dịu. Nắng rất êm. Một ngày xuân đẹp như hôm nay kể cũng là một sự hiếm có ở miền rừng, nơi mà mùa xuân chỉ là một chuỗi dài những ngày mưa xám xịt và bẩn thỉu. Xuân ở đây là mùa của vắt.

Rừng mênh mông. Rừng hỗn độn. Rừng lại rừng tiếp giáp nhau, trà trộn lên nhau, chồng chất lên nhau. Núi trùng trùng điệp điệp, hết núi này sang núi khác, vô cùng tận. Rừng núi không có đường đi, nhưng lại có hàng vạn lối đi. Thằng Tây liều mạng nhảy dù xuống mấy điểm chính ở Việt Bắc, tưởng làm bế tắc được chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn đi lại, chuyên chở được như thường. Sự chật vật, khó khăn đối với chúng ta chẳng nghĩa lý gì. Một dòng máu mạnh có những cách lưu thông rất lạ lùng, lưu thông mà bất cần đến những mạch máu thường ngày, mặc kệ những bế tắc ở đoạn này hay đoạn khác, nó khơi ra hàng trăm đường khác nhau.

Thử để mà xem! Có phải từ ngày chúng ta bắt đầu phá đường thì những con đường của ta mới bắt đầu thật là tấp nập không? Nghĩ một tí thì thú vị lạ lùng! Trước đây đường nhựa, đường đá thênh thang xe lửa, ô tô sẵn, những phương tiện xê dịch có thiếu gì đâu, mà cuộc đời của chúng ta ngừng trệ biết bao! Kiếp sống tù hãm thật là thảm hại. Từ ngày phá đường, cuộc sống lưu thông. Tôi không ghét gì bằng thi vị hóa cuộc đời. Nhưng thật tình từ hồi kháng chiến, mặc dầu những tàn phá, chết chóc chia lìa cực kỳ đau đớn, bộ mặt nước mình vẫn có vẻ tươi trẻ, vui mạnh hơn lên. Chỉ cần bước ra đường là đủ biết.

Đường phá, đường tắc nghẽn, nhưng dòng người thì vẫn chảy như thường, chảy lưu loát, mạnh mẽ, chưa bao giờ mạnh mẽ và lưu loát thế. Thì ra máu chúng ta ngừng trệ ngày xưa, không phải vì mạch máu mà chỉ vì những ký sinh trùng. Mạch máu nước ta, những con đường thời kháng chiến này bị cào nát, cắt đứt lung tung, nhưng máu lành mạnh vẫn chảy như thường, huyết mạch vẫn lưu thông. Chỉ phiền cho những ký sinh trùng, những sinh vật phá hoại chở bệnh tật bằng xe tăng. Chúng nó bị những mạch máu kháng chiến của ta đọng lại.

Rồi đây rút lui khỏi Việt Bắc, có nơi chúng phải đốt hàng chục xe hơi, chôn hàng tấn đạn dược và đồ hộp, vì không có đường về. Chúng nó chỉ ỉ vào sức mạnh của máy móc tối tân. Nhưng khi ta đã làm máy móc tối tân của chúng nó hết sức mạnh thì chúng nó còn gì? Một lũ người buồn nản, sợ sệt, cáu kỉnh, mất tinh thần, lúc nào cũng kêu ca, càng ngày càng sốt ruột.

Người mình thì kiên nhẫn. Cái nghị lực của dân tộc ta là một thứ nghị lực bình tĩnh, lặng lẽ, tiềm tàng. Nó không nổ tung ra một cách ầm ỹ như trái phá, cốt mìn. Nó không chuyển đất trời như núi lửa. Nó là dòng sông cần cù, đêm ngày mài giũa đôi bờ để tạo cho mình một con đường rộng mãi ra, đêm ngày bồi đắp những cánh bãi phì nhiêu và ngày càng bát ngát. Nó biểu lộ ra ngoài một cách giản dị thản nhiên, gần như không tự biết.

Ai đã đi lại nhiều trên những con đường Việt Bắc, những con đường vượt núi, xuyên rừng, luồn khe, lội suối, lên xuống hàng trăm cái dốc, mũi chạm đất và chân cứ sắp khô thì lại được dẫm xuống nước– ai đã từng đi lại nhiều như vậy, đều phải ngạc nhiên về cái tài chịu đựng và sự cố gắng của dân mình để vượt những khó khăn. Dường như chẳng có một cái gì khó đối với chúng ta. Cái gì cần làm, cái gì muốn làm, chúng ta đều cho là làm được, và cố làm cho bằng được.

Tây vừa nhảy dù hôm trước thì hôm sau, những xưởng máy hàng ba bốn trăm người làm đã biến dần dần từng bộ phận của nó đi, bắt đầu là những bộ phận quan trọng nhất. Anh em công nhân xuất lực hơn bốn ngày thường để tháo, chuyển và chôn giấu. Họ quần quật suốt ngày đêm, ăn vội vàng, ngủ qua loa, bỏ cả đánh răng rửa mặt. Chỉ mấy hôm sau là ngay đến cái xác nhà cũng không còn. Cái nhà máy đã ra đi, không còn để lại một vết tích gì đặc biệt. Cả một cái nhà máy lên đường. Nó tự phân nó ra thành từng phần nhỏ, vượt hàng trăm cây số núi rừng để đi nơi khác.

Việc chuyển đi thật là nặng nhọc, công phu. Gang sắt thì khiêng ngay trên con đường rộng rãi, bằng phẳng cũng đã đủ nhức vai, sụn xương sống lưng rồi. Đằng này không có đường đi. Toàn là những lối nhỏ lầy lội và lắm vắt, những dốc gần dựng đứng, những khe suối lởm chởm đá tai mèo, hết trèo thì lại lội. Có những cái dốc khổ sở, chỉ một người với một cái ba lô cũng đã phải đu vào từng cái cây để kéo người lên. Làm thế nào mà khiêng được ở những chỗ như thế này? Đứng vào đâu mà khiêng? Nếu mà tuột chân hay tuột tay một cái thì tránh làm sao khỏi bị gang sắt đè giập xương hay gẫy cẳng? Người ta phải dịch đi từng bước một, vừa dịch vừa chèn, vừa dùng xẻng cuốc đào bực để dịch cho một bộ máy chỉ nặng chừng nửa tạ. Nếu nặng hơn thì lại càng nhiều sự vất vả.

Ấy thế mà người ta cứ nhất định tha đi cho bằng được, tha đến hết. Đúng là một đàn kiến tha mồi, đánh vật với mồi. Hàng mấy chục tấn sắt đã qua đoạn đường này và đã vượt hàng trăm cây số. Và chỉ chừng một tháng sau, cái nhà máy của chúng ta lại đã tái sinh ở một chỗ khác chắc chắn hơn, ung dung sản xuất những thức cần thiết cho kháng chiến.

Như vậy đấy, thằng Tây đấm chúng mình cứ như đấm bị, đau tay mà chẳng được tích sự gì. Đấm vào chỗ này thì sức mạnh của chúng ta lại bật ra ở chỗ kia. Chẳng có cái gì gãy nát, chỉ tay chúng sứt mẻ thêm một chút, hay là thêm rất nhiều.

Tôi nghĩ đến những đô thị mới của chúng ta. Những đô thị nhỏ tí nhưng cũng khá sầm uất, vui tươi. Chúng nó mọc lên một cách rất tự nhiên. Mới đầu là một vài hàng cơm, để tiện cho khách qua đường. Rồi thì hàng cà phê, hàng tạp hóa cũng đến bâu vào. Hiệu may, hiệu giầy cũng hiện ra. Các căn nhà lá cứ làm thêm, nó cứ dài thêm. Thấy đồn chỗ ấy vui, những người tản cư kéo đến, góp thêm vào chỗ ngôi hàng và những khách qua đường cố thu xếp độ đường, để có thể ngừng một đêm ở đây, hưởng cái thú đông người. Ta cứ căng thẳng mãi thì chịu làm sao được? Một cốc cà phê, một điếu thuốc lá, một con phòng sáng sủa và tấp nập, cô bán hàng vui vẻ và mau mồm miệng, những cái ấy kể thì chẳng có cũng chẳng chết ai, nhưng lâu lắm mới được sống trong cái bầu không khí ấy một vài giờ cũng làm cho đời thêm vị lên nhiều lắm. Kháng chiến thì kháng chiến. Người ta vẫn cần phải giải trí, vui vẻ. Có điều cũng đừng vô ý thức.

Có những thức quyến rũ nó giống như thuốc phiện, làm sức lực của chúng ta hao mòn. Bởi vậy, thà nhạt miệng một tí còn hơn là nhấp vào những chất độc nồng thơm, nhưng gϊếŧ chết người. Rượu của Tây, thuốc lá của Tây, xa xỉ phẩm của Tây chúng ta thèm chết thì thôi chứ nhất định không để những thức ấy gϊếŧ chúng ta. Một cốc cà phê đường hoa mai, một điếu thuốc lá sừng bò cũng khả dĩ làm cho ta vui chốc lát. Lúc này đừng khó tính.

Có những cái cây nếu người ta cắt ngọn nó đi, nó sẽ mọc lên rất nhiều cành. Nếu người ta cắt một cái cành của nó đi, nó sẽ mọc mười cái cành khác. Sức sống mạnh mẽ, cần chỗ để vọt ra. Mỗi đô thị cũ của chúng ta bị phá hay bị thối, hàng chục mầm đô thị khác mọc ra. Sức sống quá dồi dào, không bao giờ chịu để vùi dập cả. Tôi có thể đoán được trước rằng một số những mầm đô thị mới hiện nay sẽ thành những đô thị lớn ngày mai. Ngay trong cảnh tàn phá chiến tranh, ngay trong cơn rung chuyển bão táp, những mầm non đã nhú, bộ mặt của Việt Nam tương lai đã lờ mờ hiện ra.

1948