Tuyển Tập Nam Cao

Nước mắt

“… Car I’honme n’est laid ni pervers

Qu’au regard sec de L’egoisme

Et I’eau d’une larme est un phrisme

Qui transfigure I’univers…”

(FRANCOIS COPPÊ)

“Người chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ, và nước mắt là một miếng kính biến hình vũ trụ”

Gà gáy lần thứ nhất… Điền mở mắt ra rồi, nhưng vẫn còn tiếc cái giường. Cả đêm hắn chưa ngủ được giấc nào ngon. Tính ra, hắn phải dậy đánh diêm đến năm lần. Thằng bé nóng đầu, quấy suốt đêm. Vợ Điền phải thức luôn mấy đêm rồi thành ra gắt gỏng với con. Chốc chốc Điền lại phải dậy châm đèn, lấy thuốc hay lấy nước cho con uống. Như vậy làm gì mà chả nhọc?

Điền uể oải ngồi lên, xuống giường. Trời đã sáng tờ mờ. Vợ Điền mới nằm yên. Thằng ở chợp mắt đi cũng chưa lâu. Điền chẳng muốn phiền ai. Tự thổi cơm lấy mà ăn bây giờ thì ngại lắm. Điền bèn nhất định không ăn cơm sáng nữa. Đi sớm cho được mát! Hắn đi rửa mặt xong, về mở tủ, luồn cái ví vào túi, khóa tủ và rón rén bỏ cái chìa khóa vào túi vợ. Nhưng vợ hắn chưa ngủ mệt. Thị giật mình, thức giấc. Thấy chồng đã áo mũ sẵn sàng, thị hỏi:

Mình đi đấy à?

Đi.

Gọi nó dậy, nó thổi cơm cho mà ăn đã chứ?

Thôi không ăn nữa. Ăn rồi mới đi thì nắng mất!

Mãi đến chiều mới về mà không ăn thì đói, chịu sao được?

Ra tỉnh, lĩnh tiền rồi, tôi sẽ vào hiệu ăn.

Hắn ra đi. Nhưng thị vợ gọi giật lại:

A này! Lúc về mình nhớ tạt vào nhà cụ lang ngõ Huyện lấy thuốc cho em nhé!

Thuốc thằng Chuyên ấy à? Còn nhiều lắm…

Không! Thuốc con Hương kia! Mặt nó lại lấm tấm đầy những mụn.

Vẽ chuyện. Tìm thứ lá gì mát cho nó uống. Mấy cái mụn việc gì phải thuốc? Thuốc bây giờ rẻ cũng phải một đồng một thang. Nay thuốc mai thuốc thì rồi lấy gì mà ăn?

Không có ăn, cũng phải cho nó uống. Chứng sài của nó ngày xưa ấy, nó mới phát, uống dần đi vài ba thang thì nó khỏi. Chả hơn để nó phát ra đầy người, rồi mủ ế như ngày xưa cho tốn bằng chục thang ấy à?

Ngày xưa khác: ngày xưa nó còn bé, bé mới sài chứ lên năm rồi còn sài ư?

Lên năm cũng còn sài. Con nhà người ta lên tám rồi cũng còn sài kia. Mình đừng tiếc vài đồng bạc. Tiền thì ai chả tiếc bằng trăm mình ấy. Nhưng cái thế không tiếc được. Mình cứ lấy cho nó uống!

Ừ thì lấy! Con lớn thuốc, con bé thuốc…Thuốc lắm rồi sau cũng có lúc được đi ăn mày!

Hắn hầm hầm bước ra. Làm chẳng đủ ăn. Hắn vốn cân nhắc việc tiêu tiền hơn một người keo: chỉ tiêu những món nào chẳng thể đừng. Mà chính hắn cũng đã được ốm nhiều lần nên hắn không ghét gì bằng ghét thuốc. Theo ý hắn, thuốc chẳng chữa được bệnh gì, uống lắm cũng chỉ tổ hại dạ dày. Hắn có một chứng bệnh tim, uống không biết bao nhiêu thứ thuốc rồi mà vẫn tiền mất tật mang. Sau cùng, hắn bực mình, chẳng thèm uống một giọt thuốc nào nữa, thì cũng thế thôi, có chết đâu? Hắn còn có cảm tưởng như mình khỏe mạnh hơn trước nữa! Ờ, nếu thuốc quả thật có công hiệu như người ta vẫn khoe khoang thì chỉ những nhà giàu là sống mãi thôi, còn bao nhiêu những người nghèo thì sẽ chết hết, không còn một mống; mà nhà cái bà Hàn Hưng vẫn cho hắn vay tiền lãi mười phân, chẳng thiếu gì cao, quế, sâm, nhung kia đã chẳng đời nào chịu không con. Còn cái nhà thị Đắc sản hậu hao ở cạnh nhà hắn kia, tất đã chết nghẻo từ tám đời vánh nào rồi, đâu còn sống đến bây giờ để thỉnh thoảng lại sang nhà hắn, ngoẹo đầu, ngoẹo cổ xin dăm xu ăn bánh đúc? Thành thực hay mỉa mai… Điền vẫn thường nói thế để có cớ mà hà tiện và tự yên ủi mình một chút. Nhưng vợ Điền không nghĩ thế, đối với thị, hai đứa con là cả cuộc đời. Thị có thể nhịn mặc, nhịn ăn, chịu nhục với người ta nhưng đừng ai cấm thị bán đi một cái nồi đồng hay một cái mâm thau hoặc cầm cố ruộng vườn để chạy chữa cho con khi chúng ốm. Thị không thể bỏ liều chúng được. Chúng hơi nóng đầu, sổ mũi thị đã lo sốt gáy. Khi một đứa ho chẳng hạn, thị thấy đau ngay chính ngực thị đúng như lời một nữ sĩ Tây phương đã nói…

Thì ra đàn bà họ đều thế cả. Điền tự bảo khi đã ra khỏi nhà một lúc. Mà họ cũng cần phải thế. Nếu vợ Điền lại khác, nếu thị không thiết gì con chẳng hạn, thì tất nhiên là hắn đã ghét và khinh bỉ thị rồi. Vậy Điền không nên tức. Hắn không tức nữa, nhưng bắt đầu tính toán: hắn sẽ lĩnh được ba mươi đồng bạc, thuốc cái Hường ba thang độ ba đồng, với một đồng ăn là bốn, tiền thuốc thằng Chuyên bảy đồng bạc còn khất đấy, bốn với bảy là mười một… Còn bao nhiêu thì đóng họ, đưa lãi nợ nữa là vừa hết xoắn. Lại mãi đến đầu tháng sau mới có tiền. Suốt một tháng giời, lấy gì mà ăn, mà giặt, mà cắt tóc, mà cho anh phu trạm mỗi lần anh đưa thư hoặc báo? Ấy thế là lại vay!… Điền nghĩ đến tất cả những món nợ chồng chất lên đầu hắn. Hắn nghĩ đến một cái áo sơ mi nằm trong tủ kính một hiệu may kia cứ tăng giá rất mau… Hắn lại phải xót xa một lần nữa, mười đồng bạc nữa lại bỏ ra cho hai đứa con uống thuốc. Hắn xót xa lắm lắm. Nhưng hắn không tức tối như lúc nãy, hắn chỉ thở dài ngao ngán cho kiếp mình.

***

Mãi đến mười giờ Điền mới tới trạm Quỳnh Nha, nắng rất gắt đã từ lâu. Mặt hắn đỏ gay, đẫm mồ hôi và chân hắn thì bụi. Lần này là lần đầu tiên, hắn lĩnh thư ở trạm này. Người đội trưởng mặt xương xương, khi thấy hắn xưng tên, há hốc miệng ra và nhìn hắn một cách rất buồn cười. Có lẽ hắn là người nhận được nhiều thư từ, sách báo nhất ở vùng này. Ông đội trạm thuộc tên. Những khi soạn thư, ông trông những phong bì gửi cho Điền phần nhiều đánh máy và có in dấu, mà đoán là ông Lê Cự Điền ở Phú Ninh là một ông rất oai, rất nhiều tiền. Ông sửng sốt khi thấy ông Lê Cự Điền chỉ là anh chàng gầy như một cái tăm, mặc áo the, đi chân không và đội một chiếc mũ trắng cũ kỹ đến mấy năm chưa đánh phấn. Ông nhìn Điền từ đầu đến chân rồi mới hỏi Điền:

Vu ở Phú Ninh lên đây bằng gì mà sớm thế?

Tôi đi bộ đây thôi.

Nhanh quá nhỉ? Lại không đến hai mươi cây số à? Chắc ở mạn dưới ấy xe hiếm lắm, ít khi gặp được?

Kể thì cũng sẵn, nhưng ưa đi bộ. Xe đắt lắm!

Ông không đợi một lời nói toạc móng heo như vậy. Ông đoán Điền phải thú nhận việc dè sẻn của mình thì ngượng lắm. Bởi thế ông đùa để chữa thẹn cho Điền.

Tay này cừ thật, có vậy những anh xe mới không bắt bí. Cứ khinh chân học trò quen đi bộ thì ngồi trơ mắt ếch.

Điền hiểu ý tốt của ông, mỉm miệng cười.

Thật ra thì cũng chẳng anh xe nào bắt bí tôi đâu, bởi vì tôi đã định ngay ở nhà chỉ đi chân. Nhờ giời tôi chưa đến nỗi già. Không có lý gì người phu xe phải kéo một cái xe với một tôi mà còn có thể chạy một mạch từ Phú Ninh đến đây, mà tôi chỉ có tay không, mà lại không đi được. Thưa có phải thế không ạ?

Vâng! Vâng!

Ông đội trạm gật đầu rất hăng và cười. Điền vừa kí tên và quyển sổ thư bảo đảm, vừa cười với ông. Trao phong thư cho hắn xong, ông vồn vã mời hắn ngồi nghỉ xơi chén nước. Hắn nhận ngay, bởi đang nhọc và khát như cháy họng. Nhưng đang uống thì đứa con ông đội trạm chạy vào. Điền thườn mặt ran gay. Hắn khổ sở vì không có dăm, ba hào để cho thằng bé. Bởi vậy, mới uống hết một chén nước, hắn đã vội vàng đứng lên từ biệt ông đội trạm.

Ấy! Ông ngồi chơi đã!… Đi bây giờ nắng chết!…

Ông tha phép… Tôi phải ra tỉnh ngay cho kịp.

À! Ông đi lĩnh măng-đa? Vâng! Vậy thì ông đi. Con! Chắp tay vào chào ông!

Điền ngượng quá. Những lúc như lúc này mới thấy rõ không có tiền là nhục. Hắn lắp bắp mấy tiếng không rõ rệt, cúi gằm mặt, bước vội ra khỏi nhà trạm, đi một quãng thật xa rồi vẫn chưa hết nóng tai.

Ông đội trạm chắc đang nghĩ rằng hắn là một thằng rất kiệt, rất tồi, có thể gọi là ngu… Hắn chép miệng luôn luôn. Thêm một nỗi bụng hắn đã bắt đầu thấy đói. Người thì nhọc. Nắng gắt thêm, chân hắn bỗng như bước trên một cái nồi rang. Hắn tưởng hắn có thể khóc òa lên được. Chao ôi! Chẳng là gì cả… Đó chỉ là những cái rất tầm thường, chẳng đáng cho một người cao thượng phải quan tâm. Sự đói nhọc, một chút lòng khinh của một người chẳng hiểu mình… Nhưng Điền cực lắm. Hắn thấy một lớp buồn tủi nữa chất thêm vào lòng… nhà dây thép tỉnh, Điền phải đợi khá lâu. Người gửi tiền, lĩnh tiền đông. Điền thì lại ghét chen chúc và xô đẩy. Nhưng kết cục rồi cũng phải len vào. Nếu cứ muốn làm người nhã nhặn mãi ở đây thì có lẽ chẳng bao giờ hắn lĩnh được ba chục bạc. Hắn lễ phép đưa căn cước và tấm bưu phiếu cho người thư ký.

Thưa ông, ông làm ơn…

Ơn oán gì! Đợi đấy!

Điền sửng sốt. Sao người ta lại có thể cục cằn đến thế? Hắn hối hận vì đã phí một lời lịch sự. Gã kia thì vẫn cứ cúi đầu và lia lịa viết, cau có, phụng phịu, làu bàu như cáu kỉnh với công chúng đến làm phiền gã. Điền lộ vẻ khinh bỉ và yên lặng đợi… Một lúc sau, gã mới ngẩng đầu lên. Tức thì hàng chục cái bàn tay cầm căn cước chìa vào. Gã hùng hổ giật xoét lấy từng cái một, đập cả chồng đánh bẹp xuống bàn. Rồi vẫn hầm hầm, gã lần lượt giở từng chiếc một ra xem để phát tiền. May cho Điền, cái bưu phiếu của hắn ở trên cùng. Viên thư ký biên những điều cần, cộp cái dấu đề ngày vào sổ, rồi ném cái giấy căn cước trả Điền. Gã ném theo cho Điền ba tập giấy bạc chỉ thoáng trông cũng biết là rách lắm. Điền nhăn mặt: ở nhà quê, giấy bạc rách quá người ta không chịu lấy. Điền kiểm lại. Kể thì cái nào cũng rách, nhưng cố nhiên là hắn không dám khó tính đến đòi đổi cả. Hắn chỉ nằn nì xin đổi một cái vừa rách làm ba, vừa nhòe nhoẹt mực. Viên thư ký lắc đầu quầy quậy.

– Không biết! Không biết! Không biết!

Điền không còn có thể bình tĩnh nữa. Hắn đỏ bừng mặt, ném tờ giấy bạc vào:

– Thế này thì ông bảo tôi tiêu làm sao được?

Lập tức viên thư ký đứng phắt lên, sừng sộ với Điền:

– Anh muốn tù phải không?

Điền biết gã nhận lầm mình bởi cái mũ cà tàng và cái áo the sờn, nên cứng cỏi nói bằng tiếng Pháp.

Ông nên có lễ độ một chút, ông phải biết: ông ăn lương để làm việc cho công chúng, chứ không phải đối đãi với công chúng như những người lính chẩn.

Nhưng… nhưng…

Gã nói không thành câu nữa. Mặt gã cũng đỏ lên như một hòn gạch. Gã lại ngồi phịch xuống. Gã nhặt tờ giấy bạc, ném ra trả Điền.

– Không tiêu được thì vứt đi!

Cái quạt điện đang quay, nên tờ giấy bạc bay vèo. Những người chưa lĩnh được tiền thì sốt ruột, đẩy Điền ra. Điền chạy theo tờ giấy bạc, và xô ngã một con bé độ năm sáu tuổi, theo mẹ đi gửi giấy. Hắn vội vàng đỡ nó dậy, giũ quần áo cho nó. Đến khi hắn quay ra thì tờ giấy bạc đã biến đi đâu mất. Trông thấy cái mặt ngây ngô của hắn, một vài người chế nhạo. Điền thấy mình lố lỉnh. Hắn bực tức chạy vội ra khỏi nhà dây thép, và cúi cổ bước thật nhanh, đi một quãng dài, không dám quay đầu lại. Đến khi gần ra khỏi tỉnh, hắn mới đi chậm hơn một chút. Ấy thế là một đồng bạc mất! Hắn tức lên đến họng. Hắn vừa đi vừa nguyền rủa người thư ký. Rồi hắn lại nguyền rủa hắn, bởi vì chính hắn cũng có lỗi một phần vào đấy nữa, hắn ân hận vì không chịu cứ nhận tờ giấy bạc rách ấy để đem lại nhà băng đổi. Hắn cứ loanh quanh nghĩ đến nó và tiếc mãi. Hắn nhất định nhịn bữa ăn đã định để bù vào đấy. Hắn buồn bã đi thẳng về.

Về đến nhà thì trời đã sâm sẩm tối. Điền nhọc ươn người. Hắn đi tập tễnh như một người què, bước vào sân. Vợ hắn hỏi ngay:

– Thuốc của cái Hường đâu?

Hắn chợt nhớ ra, thừ mặt, rồi chẳng đáp nửa lời, hắn lại ấm nước, rót ra chén, ừng ực uống. Hắn uống hết chén này đến chén khác, không còn biết bao nhiêu chén. Mồ hôi vã ra như tắm. Uống xong hắn mới vừa thở vừa bảo vợ:

– Tôi quên rồi!

Người đàn bà buông mặt xuống ngay. Thị giận dỗi với chồng:

Quên! Chỉ quên suốt đời!… Có mà tiếc tiền ấy!… Quên… quên thế nào! Người đâu mà có người tệ thế!…

Điền gần muốn nhảy lại vợ mà bóp cổ. Con vợ thật là khốn nạn! Sau một ngày hắn đã phải chịu không còn biết bao nhiêu nỗi khổ, đấy là những lời thở ra để mà đón hắn! Hắn quắc mắt lên, và nghiến răng:

Im ngay! Câm cái mồm!

Câm… câm cái gì? Mình trông con kia kìa! Mặt nó sưng lên bằng cái lệnh, chẳng còn trông thấy mắt, và mụn thì đầy lên kia!

Thị nói như người gào. Điền đưa mắt nhìn con gái. Mặt nó sưng to thật. Hắn nghẹn ngào trong cổ, không nói được. Vợ hắn càng gào lên mãi:

– Tiếc tiền! Tiếc tiền… Nó chết rồi để tiền mà tiêu.

Điền tức sùi bọt mép. Mắt hắn lòe ra lửa. Hắn giơ một bàn tay run run lên, đánh nhịp cho lời nói bực dọc đến thành tàn nhẫn:

Cho nó chết! Cho nó chết!… Sống mà làm gì nữa! Nay ốm mai đau thì chết đi cũng phải!… Sống lắm cũng chỉ khổ và làm người ta khổ thôi, được gì? Chết đi! Mày chết đi!…

Nói xong, Điền hét lớn:

– Thằng Bình đâu?

Không thấy thằng ở chạy lên, Điền quát hỏi con:

– Thằng Bình nó đâu Hường?

Hường sợ hãi, trả lời bằng một câu đứt làm mấy đoạn.

Nó lại đau bụng xin về rồi.

Cái thằng ấy nữa!… Nó cũng chết đi cho rảnh? Nay đau bụng, mai đau bụng… Nay xin về, mai xin về!…

Hắn vùng vằng đi vào nhà, quăng mũ quăng áo, quăng nốt cả cái thân xác mệt mỏi xuống một cái giường, thở hổn hển, như thể đẩy bớt ra ngoài cái khí giận đang cuồn cuộn trong ngực. Hắn thấy mình khổ quá, khổ như một con chó vậy. Hắn nhịn đói từ sáng đến giờ. Hắn đi bộ què chân, nắng hơ sém cả da. Hắn sẻn từ đồng xu uống nước trở đi. Hắn chịu nhục với mọi người… Như thế bởi vì đâu? Chẳng phải vì vợ, vì con ư? Nhưng nào vợ con có thèm biết cho đâu! Đã chẳng an ủi một lời, vợ hắn lại còn vơ lấy một sự hắn quên để mà đay nghiến hắn. Ừ, thì cho rằng hắn không quên nữa, cho rằng hắn không lấy thuốc cho con là cố ý, là khỏi muốn mất mấy đồng bạc nữa, thì vợ hắn có nên nói tệ hắn như vậy không? Hắn hà tiện vì ai, hắn khổ sở vì ai? Riêng vào cái thân hắn cũng chẳng phí phạm một xu nào cả. Mấy mươi lần vợ hắn giục hắn may một cái áo sơ mi, hắn chỉ ư hừ rồi để đấy, chưa bao giờ dám bỏ tiền ra mà may cả. Thế rồi bao nhiêu tiền cũng vào vợ, vào con hết… Hắn bủn xỉn, hắn tiếc tiền… Ừ, nhưng mà hắn tiếc tiền cho ai?… Điền cứ càng nghĩ càng thấy hắn là người khổ, vợ hắn là người tệ bạc. Hắn muốn chẳng thiết gì vợ con, nhà cửa nữa. Hắn sẽ đi phắt một nơi nào, sống cho mình, đứa nào chết mặc thây, bấy giờ họa chăng vợ hắn mới biết thân!

Ở ngoài hè, vợ Điền bảo thầm con:

– Con vào hỏi xem thầy có xơi cơm thì u thổi.

Điền nghe thấy mà nuốt bọt. Hắn đang thèm cơm lắm. Nhưng không hiểu sao Điền muốn nhịn, muốn đày đọa mình cho khổ hơn thế nữa, hơn nhiều nữa. Hắn thấy một cái thú chua chát trong sự tự làm khổ mình như vậy. Bởi thế khi Hường vào, rụt rè nhắc lại câu mẹ dặn, Điền quát lên với nó:

– Không ăn!

Nó bịu xịu đi ra. Mẹ con thì thầm. Rồi Hường lại rón rén vào.

Thầy có xơi cháo đậu, để u con đi nấu.

Không ăn!

Biết rằng chồng giận, vợ Điền phải thân hành vào. Thị ôn tồn hỏi:

– Mình ăn cơm rồi à?

Điền không đáp. Thị lẳng lặng một thoáng, rồi lại bảo:

Mình ăn từ trưa thì bây giờ đói quá còn gì? Hay là mình nhọc, không muốn ăn cơm? Tôi quấy cho mình một chút bột sắn mình ăn nhé?

Không ăn! Đừng hỏi gì lôi thôi!

Vợ Điền sầm mặt, ẵm con đi nằm. Điền thấy hơi hả dạ. Nhưng bỗng con bé Hường chạy vội ra đầu chái, về phía giường Điền, Điền nghe tiếng đôi guốc của nó lẹc kẹc rất nhanh một thoáng, rồi im lặng. Rồi Hường xịt mũi. Nó xụt xịt rất lâu ngoài ấy. Nó nghẹt mũi hay là nó khóc? Điền cố lắng tai nghe. Hắn nghe thấy những tiếng Hường nức nở. Hắn đột nhiên run người. Lòng hắn quang ra. Những ý nghĩ giận hờn bừa bộn vụt tan. Còn lại cái hình ảnh bé nhỏ của Hường với cái mặt đầy mụn và sưng lên của nó, đôi mắt giàn giụa nước và miệng mếu. Con bé còn nhỏ tuổi nhưng đã rất hay khóc vụng, mỗi lần khóc, nó lại tránh ra một chỗ, cố nén tiếng không cho ai biết. Điền thấy thương nó quá, tội nghiệp cho con bé. Nó ốm đau luôn và thường thường bị mẹ mắng chửi suốt ngày như tát nước. Mẹ nó mắng chửi nó, nhiều khi bất công và vô lý. Nhưng lạ thay! Lúc này Điền không vin vào đấy mà trách vợ. Hắn thấy vợ hắn không tệ. Thị cũng thương con lắm. Những lúc thị gắt gỏng với con như thế chỉ là những lúc thị sốt ruột quá, lo lắng quá. Cũng như hắn vậy, sao hắn nỡ đem lòng giận thị? Ai chả thế? Người không phải là thánh. Sự khổ sở dễ khiến lòng chua chát. Khi người ta lam lũ quá, lại còn lo trăm thứ, bị làm rầy vì trăm thứ, thì ai mà bình tĩnh được? Ai mà chả hay gắt gỏng? Gắt gỏng thì chính mình không trước. Không giữ được thì bật ra ngoài như vậy. Thật ra có ai muốn cau có làm chi?… Vậy thì vợ hắn gắt lên với hắn lúc nãy cũng chỉ là việc thường thôi. Cũng như ông thư ký nhà dây thép…

Ngẫm nghĩ một lúc, Điền thấy thương ông ấy quá! Điền tưởng ra cho ông ấy một gia đình đông con và túng thiếu tựa nhà Điền. Số lương chẳng đủ tiêu. Sau mỗi ngày công việc rối rít tít mù, loạn óc lên vì những con số, vì những cái bưu thϊếp, cái nọ chưa xong đã đến cái kia, ông mỏi mệt giở về nhà, lại phải nghe mấy đứa con lớn chí chóe đánh nhau, đứa con nhỏ khóc, chủ nợ réo đòi và vợ thì sưng sỉa hoặc gào thét như một con mẹ dại. Nhà cứ om lên như chợ. Đêm nằm ông nghe vợ bàn bạc, ông nghĩ đến trăm thứ tiền, trăm thứ việc, ông nằm mơ thấy mình trúng số, để sáng hôm sau tưng hửng lại mải mốt đi đến sở, nhăn mặt lại khi thấy những người gửi tiền, người lĩnh tiền đi vòng trong vòng ngoài, và người nào cũng muốn ông làm trước cho…

Điền nhớ đến một ông phán láng giềng nhà hắn, khi hắn còn là một ông giáo trường tư ở một vùng ngoại ô kia. Ông có năm con, một mẹ già, một vợ, một em. Ông mặc những cái áo sờn vai và những cái áo sơ mi nếu không rách cổ thì cũng mạng vá lung tung. Nhà ông chẳng lúc nào yên, đàn trẻ khóc như ri. Mẹ chồng nghiến rứt con dâu, con dâu cãi lại mẹ chồng. Cô em nói mỉa mai. Chỉ vì người nào cũng khổ cả, và người nọ cứ tưởng người kia mà khổ. Chiều nào cũng tận đến lúc lên đèn… ông phán mới về đến nhà. Ông ngồi cắm mặt, ăn vội vàng mấy bát cơm chẳng nói với ai, chẳng nhìn ai. Rồi rút một cái tăm, ông mải mốt đi nằm để thở một cách hẳn hoi. Nhưng nào ông có được thở hẳn hoi? Bà mẹ lấy ông mà trách móc nọ kia để chì chiết vợ ông. Vợ ông cũng lấy ông mà khóc mếu, đay chì lại mẹ ông. Ông chẳng còn biết bênh ai, chỉ nằm thẳng người ra như kẻ chết rồi, mắt trừng trừng ngó lên trần, nhiều lúc bực tức quá phải giàn giụa nước… Một buổi chiều đang ngồi trong tiệm ăn, Điền thấy ông lủi thủi bước vào. Ông đến ngồi ở một cái bàn con tận trong một góc phòng, quay mặt lại vào tường. Ông bảo bồi lấy cho ông năm cái chả bánh đa. Ông ăn rất ngon lành. Ăn xong ông lại lủi thủi đi ra, nét mặt vô cùng hể hả rằng hôm ấy là cuối tháng. Hắn có cảm tưởng như ông đi ăn vụng vợ, con ở nhà…

Điền rất bùi ngùi. Hắn bùi ngùi cả cho ông ký đã gây sự với hắn sáng hôm nay. Hắn chắc rằng vì việc ấy mà tối hôm nay ông còn buồn bực hơn mọi ngày. Hắn cũng vậy, hắn chả thường vẫn buồn bực rất lâu vì những việc xảy ra không đáng kể đó ư? Chao ôi! Chẳng qua hắn và ông cũng cùng khổ như nhau cả đấy thôi! Yên ủi nhau còn chẳng thấy đâu còn làm khổ lẫn nhau làm gì nữa? Điền hối hận vì cái cử chỉ của mình đối với ông vô cùng…

Bây giờ trong lòng hắn chỉ còn lại sự xót thương. Hắn thương vợ, thương con, thương tất cả những người phải khổ đau. Lòng hắn thiết tha rướn lên muốn vươn ra để ấp ôm lấy mọi người. Mắt hắn đầm đìa. Hắn gọi con rất dịu dàng:

– Hường ơi!… Vào đây với thầy, con!…

Con bé lau nước mắt xong rồi mới chạy vào. Nó rón rén đứng bên giường:

Thầy bảo con gì cơ?

Con lên đây nằm thầy quạt cho

Vợ hắn biết là chồng đã hết giận, bảo chồng:

Mình lại đây này… Cả cái Hường cũng lại đây, nằm ghé bên em. Em nó ngủ rồi. Mình quạt cho cả thằng Chuyên với cái Hường. Tôi đi lấy gạo thổi cơm. Lúc nãy còn một ít cơm nguội, chúng nó ăn, tôi cũng chưa ăn gì…

Tiểu thuyết thứ Bảy

Số 488, ngày 20-11-1943.