Tây Sơn Bi Hùng Truyện

Chương 7

Một đêm kia, dân chúng trong vùng Tây Sơn Hạ đang ngon giấc bỗng nghe một tiếng nổ long trời lở đất, ngó vô trong chân núi đèo Mang bập bùng ánh lửa. Chốc chốc lại nghe một tiếng nổ vang lên. Suốt ba đêm, đêm nào cũng vậy. Mọi người tụ tập ở sân đình cùng nhau bàn tán xôn xao. Bỗng nghe tiếng nói sang sảng vang lên:

- Các người làm gì mà sợ hãi thế? Ta cứ rủ nhau đến đấy xem hư thực thế nào?

Mọi người ngoảnh lại nhìn ra là Nguyễn Nhạc. Một ông lão bước ra nói:

- Chúng tôi cũng muốn đến cho biết sự lạ gì. Hiềm một nỗi chẳng có ai dẫn đầu nên không một người nào dám đi cả.

Nhạc khẳng khái đáp:

- Dù là quỷ thần cũng đâu nỡ hại người ngay. Tôi tuy bất tài cũng xin đi trước để xem sự thể thế nào.

Nói rồi tuốt gươm cầm đuốc lăm lăm tiến bước. Hàng trăm trai tráng nô nức đi theo.

Đến chân núi, bốn bề rừng hoang vắng lặng chỉ thấy một đám lửa bập bùng trước tảng đá to. Bỗng một tiếng nổ long trời, cát bụi mịt mù. Bụi tan, tảng đá biến đâu mất, chỉ thấy một cụ già râu tóc bạc phơ tay cầm thanh kiếm dáng dấp đạo cốt tiên ông. Mọi người kinh sợ lùi lại, chỉ có Nhạc vẫn đứng nguyên chỗ cũ. Tiên ông cất tiếng sang sảng:

- Ta là sứ giả của Ngọc Hoàng. Trong các ngươi ai là Nguyễn Nhạc hãy đến đây nhận lệnh.

Nhạc bỏ gươm chắp tay tiến đến gần tiên ông. Tiên ông phán:

- Đây là kiếm báu Trời ban cho, ngươi hãy thay Trời hành đạo cứu giúp muôn dân.

Nhạc quỳ nhận kiếm báu rồi lui ra. Một tiếng nổ nữa vang lên cát bay mù mịt, bụi tan, tiên ông lại biến mất. Mọi người đổ xô vây quanh Nhạc. Nhạc trịnh trọng tuốt kiếm. Kiếm báu ánh lên nước thép sáng ngời.

Giữa lưỡi gươm rõ ràng bốn chữ “Nguyễn Nhạc Vi Vương”. Mọi người đồng thanh quỳ xuống hô vang:

- Nguyễn Nhạc Vi Vương! Vua trời Nguyễn Nhạc!

Nguyễn Nhạc dẫn đám trai tráng về đến sân đình, Nhạc nói:

- Các anh em ai về phía nấy, từ biệt gia đình mang theo hành lý, ai muốn theo ta đánh đuổi bọn tham quan ô lại thì rạng sáng ngày mai tụ họp ở sân đình này, rồi cùng ta lên Tây Sơn Thượng tụ nghĩa.

Trai tráng tản mạn đi cả. Nhạc toan quay lưng về nhà, bỗng nghe tiếng cười vang rồi một giọng nói lớn:

- “Nguyễn Nhạc Vi Vương” lừa dân như thế là cùng!

Nhạc giật mình quay lại thấy hai người tuổi trạc tứ tuần. Thấy hai người này phong cách khác thường, Nhạc dè dặt hỏi:

- Chẳng hay nhị vị là ai, nói vậy là có ý gì ?

Người cầm bầu rượu nói:

- Còn ý gì nữa. Ông tiên già là thầy giáo Hiến, tiếng nổ tan nát đá là do đốt thuốc súng. Quan Biện lại Nguyễn Nhạc lừa được đám ngu dân chứ lừa ta sao được!

Nhạc ung dung nói:

- Ngày trước vua Lê Thái Tổ khởi binh đánh giặc Minh, dùng mật viết: "Lê Lợi vi vương, Nguyễn Trãi vi thần" lên lá rừng cho kiến đυ.c theo vết mật, rồi thả lá rừng xuống sông cho trôi về xuôi, nên muôn dân đều gom về một mối, thiên hạ vững tin, nhờ vậy mới đánh giặc ra ngoài bờ cõi, cứu muôn dân khỏi ách nô ɭệ. Ta xin hỏi nhị vị ấy là vua Lê Thái Tổ lừa dân chăng?

Người kia bấy giờ mới nói:

- Xin tướng quân chớ ngại, Huyền đệ nói vậy chẳng qua để thử lòng nhau thôi chứ chẳng có ý gì khác. Tôi là Nguyễn Thung, còn đây là em kết nghĩa của tôi tên Vũ Tất Thận hiệu Huyền Khê tánh tình trung trực, nhưng phải tật thường hay uống rượu nói chẳng giữ lời. Xin tướng quân bỏ qua cho.

Nhạc vòng tay bái:

- Thì ra hai vị là Nguyễn Thung và Huyền Khê. Tôi đã nghe danh tiếng từ lâu, nay nhị vị tiên sinh đến đây có điều chi chỉ giáo?

Nguyễn Thung nói:

- Anh em tôi chiêu mộ được vài trăm tráng sĩ, trong nhà lương thảo chẳng thiếu chi. Nay đến đây để biết chí của tướng quân. Nếu tướng quân không chê, ngày mai xin đem quân tụ nghĩa dưới cờ.

Nhạc cả mừng:

- Được nhị vị đem quân hợp tác thật là hồng phúc của muôn dân. Nhạc xin thay mặt bá tánh cảm tạ nhị vị tiên sinh.

Hôm sau Nguyễn Nhạc cùng Trương Văn Hiến dẫn Nguyễn Thung, Huyền Khê cùng trai tráng vừa chiêu mộ được lên Tây Sơn Thượng. Dọc đường dân chúng nô nức đi theo rất đông, quân số lên đến ước ngàn người. Nguyễn Huệ hay tin đem các tướng ra đèo Mang nghênh đón.

Vào doanh trại Nguyễn Nhạc liền cho họp các tướng bàn bạc việc quân. Nguyễn Nhạc ngồi giữa Trương Văn Hiến bên tả, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ bên hữu.

Nhạc nói:

- Ta vừa bỏ chức Biện lại Vân Đồn đem vàng bạc thu thuế được mua lương thực để nuôi quân. Nay quân của ta đã lên đến hai ngàn. Các vị hãy cùng bàn bạc xem kế sách tiến thủ như thế nào để đánh đuổi binh triều, cứu nguy trăm họ!

Đoạn Nhạc quay sang Hiến hỏi:

- Chẳng hay thầy có cao kiến gì chăng?

Hiến đứng dậy vòng tay nói:

- Việc thầy trò là việc riêng, việc đại sự là việc chung. Nay trước mặt các anh hùng hảo hán cùng bàn việc đại sự, xin chủ tướng đừng xưng hô theo tình riêng như thế.

Nhạc do dự giây lâu rồi nói:

- Xin các vị hãy bình tâm nghe Nhạc tôi có đôi điều bày tỏ. Nguyên trước kia Nhạc chỉ là kẻ buôn trầu, người quanh vùng thường gọi là anh Hai trầu. Lúc ấy tôi thấy người nghèo không tiền nộp thuế phải chịu đòn roi của binh triều nên động lòng trắc ẩn, bèn đem họ lên trốn tránh ở nơi này chu cấp gạo muối cho khai hoang lập ấp. Những tưởng chúa hôn trong một lúc, ắt có ngày thức tỉnh, tôi sẽ đem họ về quê an cư lạc nghiệp giữ phận con dân. Ngờ đâu Tiên chúa mất, ấu chúa lên kế vị để Phúc Loan bạo ác tham tàn tăng thêm sưu thuế xây dựng cung điện Phấn Dương, bắt muôn dân phục dịch thật là thống khổ. Vì vậy người nghèo trốn thuế theo tôi mỗi lúc một đông, đến nỗi tôi không thể cung cấp đủ lương thực cho họ. Thầy Trương Văn Hiến bày kế cho tôi xin làm Biện lại Vân Đồn lấy tiền thuế trong ba tháng rồi bỏ chức, đem bạc về nuôi quân. Mới vài hôm trước đây, chỉ trong một ngày tôi chiêu mộ được ngàn quân là do kế của thầy Trương Văn Hiến cả. Thầy Trương Văn Hiến có công giáo huấn hai em tôi là Huệ và Lữ. Tôi dù không có thời gian theo hầu thầy dưới án nhưng lòng vẫn tôn kính như sư phụ. Nay lấy lý vì nghĩa chung không nên xưng hô theo tình riêng, thì xin hỏi các vị, Nhạc phải gọi thầy như thế nào cho danh chánh ngôn thuận đây?

Nguyễn Thung bước ra nói:

- Việc ấy theo tôi không có chỉ là khó. Có một cách xưng hô mà xét theo tình riêng hay nghĩa chung đều thuận cả.

Nhạc hỏi:

- Theo ý tiên sinh thì nên gọi thế nào?

Thung cười rằng:

- Từ hai tay trắng bày kế nuôi nổi ngàn quân, trong một ngày đêm mộ được ngàn quân. Mưu hay xưa nay hiếm có như thế, sao chủ tướng không gọi là quân sư, thì công tư vẹn cả đôi bề.

Các tướng cùng vỗ tay khen:

- Nguyễn Thung tiên sinh thật là cao kiến, ta nay vì dân dấy nghĩa ắt phải có quân sư.

Nhạc rót rượu mời Hiến:

- Các vị hãy cùng chúc mừng quân sư.

Văn Hiến thoái thác rằng:

- Tôi tài cán gì mà dám nhận chức ấy. Bày kế làm Biện lại Vân Đồn nuôi quân là của Nguyện Huệ. Gϊếŧ tên biện lại cũ để chủ tướng thế chân là Vũ Văn Nhậm. Nay tôi nhận chức ấy té ra là tranh công của Huệ và Nhậm hay sao? Các vị há chẳng nghe người xưa nói: có ba điều nguy là:

Không có tài mà ở địa vị cao

Không có công mà hưởng bổng lộc nhiều

Không có đức mà bắt người phải phục

Tôi quyết chẳng làm việc nguy hiểm ấy đâu!

Huệ bước ra nói:

- Xin quân sư chớ khiêm tốn. Bọn chúng con đều là võ tướng hữu dũng vô mưu, nếu không có quân sư đảm nhận trọng trách ấy, e rằng đại sự khó thành.

Vũ Văn Nhậm cũng bước ra nói thêm vào:

- Hôm ấy tôi vì căm giận tên tham quan háo sắc nên lấy đầu hắn cho hả dạ trong một lúc. Nếu không có tôi thì tướng quân Nguyễn Huệ cũng đến lấy đầu của hắn vậy. Nếu không có tướng quân Nguyễn Huệ dẫn lối về Tây Sơn e mạng tôi giờ đã chôn sâu trong lòng đất. Ơn ấy chưa đem thân khuyển mã báo đền thì sao dám nhận là công được. Xin quân sư chớ khá chối từ cho an lòng tướng sĩ.

Các tướng đồng thanh nói:

- Xin quân sư chớ khá chối từ.

Trương Văn Hiến chờ các tướng lặng im rồi mới ôn tồn nói:

- Xưa nay trong thiên hạ có quân rồi mới có thần. Nay các vị tôn tôi làm quân sư thì ngôi chí tôn phải định thế nào đây?

Nguyễn Thung cười nói:

- Tôi thấy chủ tướng được trời sai sứ giả ban cho kiếm báu “Nguyễn Nhạc Vi Vương”. Ấy là số trời đã định cho chủ tướng làm vua. Chi bằng chủ tướng hãy xưng vương cho an lòng tướng sĩ, rồi truyền hịch đi các nơi đánh đổ hôn chúa, trừ nghịch Phúc Loan cứu nguy trăm họ. Trước là tỏ chính nghĩa quân ta, sau là thuận được cái lý quân thần, các vị thấy thế nào?

Nguyễn Huệ bước ra can rằng:

- Theo tôi đại huynh xưng vương và truyền hịch đánh đổ quân triều thì khác nào chuốc họa vào thân.

Thung hỏi:

- Vì sao tướng quân nghĩ thế?

Huệ đáp:

- Một là, nay quân ta chỉ mới có hai ngàn người, mà một ngàn người mới mộ chưa được huấn luyện thuần thục, thì binh lực hãy còn yếu kém. Nếu truyền hịch xưng vương ắt triều đình Phú Xuân cử đại binh vào chinh phạt thì tôi e rằng chính nghĩa của ta sẽ bị dập tắt khi còn trong trứng trước. Hai là nay lòng người dù oán ghét Phúc Loan bạo ngược nhưng vẫn nhớ ơn chúa Nguyễn khai sơn phá thạch mở mang bờ cõi. Còn quân ta đang ở núi rừng Tây Sơn Thượng chưa có công đức gì cho bá tánh thì lấy danh nghĩa gì để xưng vương? Nếu làm thế tôi e rằng thiên hạ chỉ cho ta là phường nghịch tặc mà thôi. Ấy không phải kế sách để thu phục lòng dân. Xin đại huynh xét lại!

Nghe Huệ nói, Nhạc tỏ ý không vui hỏi:

- Theo ý em thì phải thế nào?

Huệ thấy anh có ý không hài lòng bèn lựa lời nói:

- Tôi vốn là học trò của quân sư, nên hiểu tánh thầy. Quân sư có mưu hay thường uống chén trà ngon rồi mới nói!

Vừa nói Huệ vừa rót trà đem dâng Hiến. Huệ che người xòe lòng bàn tay của mình cho Hiến xem. Hiến thấy trong lòng tay Huệ có đề chữ “ Cướp”. Huệ lui về chỗ cũ. Hiến chậm rãi uống trà. Đặt tách trà xuống bàn Hiến nói:

- Tôi có một kế này nhất cử mà tam tiện!

Nhạc vội hỏi:

- Người xưa có câu “Nhất cử lưỡng tiện”, nay “Nhất cử tam tiện” mới nghe quân sư nói lần đầu. Quân sư có kế hay hãy mau nói ra, tôi nóng lòng rồi đây.

Hiến từ tốn đáp:

- Tôi xin nói về hai việc. Một là chủ tướng khởi binh ở Tây Sơn chúng ta hãy tôn chủ tướng là Tây Sơn trại chủ...

Nguyễn Thung ngắt lời Hiến:

- Quân sư xem quân ta như là quân cướp hay sao mà gọi là Tây Sơn trại chủ?

Văn Hiến đáp:

- Không phải tôi cho quân ta là cướp, mà tạm thời ta làm cướp bằng cách thế này: Chủ tướng hãy chia một ngàn quân tinh nhuệ đi cướp của bọn quan lại cường hào ác bá ở các làng quanh thành Quy Nhơn rồi lấy số bạc cướp được chia cho dân nghèo, còn lại đem về doanh trại để dự trữ quân lương, một là ta che giấu chân tướng của ta để tránh thế mạnh của địch lúc ban đầu, hai là thu phục được lòng dân, vốn oán hờn quan lại triều đình, ba là có thêm lương thực để nuôi quân. Đợi khi quân ta hùng tướng ta mạnh, lương thảo dồi dào đánh lấy thành Quy Nhơn rồi mới truyền hịch nói rõ chính nghĩa của ta thì đã có muôn dân ủng hộ chống lại binh triều. Làm cướp như thế, ấy chẳng phải là nhất cử mà tam tiện hay sao?

Nguyễn Nhạc vỗ tay khen:

- Hay lắm! Thật là diệu kế. Nếu không có quân sư chỉ vẽ chắc rằng ta đã tính sai một nước cờ. Các tướng hãy nghe lệnh: Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ở lại giữ doanh trại huấn luyện tân binh. Ngô Văn Sở, Bùi Thị Xuân, Phan Văn Lân huấn luyện tượng binh. Ta cùng quân sư, Nguyễn Thung, Huyền Khê Vũ Tất Thận, Nguyễn Văn Tuyết, Vũ Văn Nhậm đem một ngàn quân tinh nhuệ, ngày mai cướp ở huyện Tuy Viễn theo kế quân sư. Vậy ai lãnh thẻ tiên phong?

Huyền Khê bước ra nói:

- Tôi xin đem quân bản bộ làm tiên phong.

Nguyễn Thung can:

- Xin trại chủ chớ cho!

Nhạc ngạc nhiên hỏi:

- Sao lại thế?

Thung đáp:

- Em tôi võ nghệ hơn người, tính tình cương trực, nhưng phải tật hay uống rượu làm càn. Nếu cho làm tiên phong tự chỉ huy một cánh quân e rằng vì tật nhỏ mà hư việc lớn chăng?

Huyền Khê tức giận nhăn nhó:

- Sao Nguyễn huynh lại nói thế. Nhà có đạo nhà, nước có phép nước. Nay đem quân làm việc lớn, há vì chuyện trà dư tửu hậu mà xem thường quân pháp hay sao? Xin trại chủ đừng lo, mấy điều quân lệnh yết thị quanh doanh trại tôi lại đui mù không nhìn thấy hay sao: “Một là không uống rượu lúc hành quân, hai là không quầy nhiễu bá tánh, ba là không xâm phạm của dân nghèo. Bốn là…”

Huyền Khê đang thao thao, Nhạc ngăn lại.

- Thôi! Thôi đủ rồi! Nhưng tướng quân có biết vì sao điều không uống rượu lúc hành quân lại đặt ở hàng đầu chăng?

Huyền Khê hỏi:

- Dám hỏi chủ trại vì sao?

Nhạc đáp:

- Vì uống rượu say rồi tinh thần không tự chủ nên việc quấy nào cũng có thể sinh ra, bởi vậy ta đặt điều ấy ở hàng đầu là vậy đó. Tướng quân nên nhớ quân pháp bất vị thân, Nếu thấy có thể phạm luật quân thì đừng lãnh thẻ tiên phong.

Huyền Khê khẳng khái nói:

- Nếu phạm vào quân lệnh xin chịu mất đầu theo quân pháp.

Nguyễn Nhạc khen:

- Tướng quân thật khí khái hơn người, đáng khen thay. Các vị hãy lui về nghỉ, ngày mai cứ y lệnh mà làm.

Các tướng đồng thanh nói:

- Xin tuân lệnh trại chủ!

Ra ngoài Trương Văn Hiến hỏi Nguyễn Huệ:

- Sao con không nói rõ kế của mình cho đại huynh mà phải nhờ ta nói thay?

Huệ đáp:

- Bẩm thầy, lúc con dẫn quân ra đón thầy cùng Đại huynh ở đèo Mang, đại huynh thấy thành lũy vững chắc, quân binh hàng ngũ chỉnh tề, canh phòng cẩn mật thì rất vui nói không ngờ mới ba tháng mà quân ta đã mạnh lên một trời một vực so với trước. Nguyễn Văn Tuyết nói với đại huynh rằng: Được vậy là nhờ tài điều binh khiển tướng của tướng quân Nguyễn Huệ đó. Đại huynh hỏi Tuyết: Lúc ta giao quyền cho Nguyễn Huệ, ông tỏ ý bất bình, sao bây giờ lại thán phục em ta đến thế? Tuyết đáp: Lúc ấy tôi thấy Huệ còn nhỏ tuổi nên không phục. Nhưng khi biết Nguyễn Huệ gồm tài thao lược, sức khỏe như thần, đa mưu túc trí tướng sĩ đều phục chứ nào có phải riêng tôi. Chủ tướng hồng phúc rất lớn nên có người em là một bậc kì tài trong thiên hạ. Nghe Tuyết nói thế Đại huynh tỏ vẻ không vui. Nên lúc bàn việc quân con không dám nói rõ kế mình mới lên cắn tay lấy máu viết chữ “cướp” lên lòng bàn tay cho thầy xem. Con biết thế nào thầy cũng đọc được ý của con.

Nghe xong Văn Hiến thở dài chẳng nói gì.

*

* *

Từ ấy về sau Nguyễn Nhạc chia quân cướp của bọn cường hào ác bá, quan lại trong huyện Tuy Viễn lấy thóc gạo chia cho dân, nên người nghèo theo phục rất đông, chỉ trong một năm quân số đã lên đến vạn người. Binh của huyện quan sở tại không làm sao chống nổi, đành phải bỏ huyện lỵ chạy vào trong thành Quy Nhơn báo với quan trấn thủ là Nguyễn Khắc Tuyên.

Nguyễn Khắc Tuyên vỗ án quát mắng quan tri huyện:

- Ngươi thân làm huyện quan ở Tuy Viễn mà không dẹp nổi bọn giặc cỏ ấy, lại còn bỏ huyện lỵ mà chạy, tội có đáng chết không?

Huyện quan dập đầu lạy thưa:

- Bẩm Đại quan tha tội, bọn cướp này rất mạnh chứ chẳng phải như các bọn giặc cỏ lúc trước. Ban đầu chúng cướp của nhà giàu chia cho người nghèo nên bọn ngu dân theo phục rất đông. Nghe đâu chúng sắp sửa cướp thành Quy Nhơn, xin Đại quan hãy khá đề phòng. Binh của chúng rất thiện chiến, hàng ngũ chỉnh tề, quân pháp nghiêm minh. Tướng của chúng sức địch muôn người, nên tôi không chống nổi. Xin Đại quan tha cho tội chết.

- Tên đầu đảng của chúng tên gì?

- Bẩm, tên đầu đảng tên là Nguyễn Nhạc, nghe bọn chúng xưng tụng là Tây Sơn trại chủ.

Tuyên cười rằng:

- Thì ra là tên Nguyễn Nhạc trước làm Biện lại ở Vân Đồn đánh bạc thua hết tiền thuế, rồi trốn lên rừng làm cướp. Thằng ấy thì có tài cán gì, chẳng qua ngươi muốn nhẹ tội nên mới đặt điều nói chúng tài giỏi, làm giảm nhuệ khí binh triều, gây hoang mang trong dân chúng, tội thật đáng bêu đầu.

Nói xong thét võ sĩ lôi ra chém.

Tuyên bảo em ruột là phó tướng Nguyễn Hữu Thệ rằng:

- Ngươi hãy ngày đêm sai quân tuần phòng quanh thành cho nghiêm ngặt, và cho người ra phi báo cho hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn hãy cẩn thận đề phòng quân cướp. Bảo với Huyện quan hai huyện chỉnh đốn binh sĩ chờ ta sắp xếp hẹn ngày hợp quân đánh chiếm lại Tuy Viễn, tảo trừ bọn giặc cỏ cho chấn động thanh uy của binh triều.

Nguyễn Hữu Thệ tuân lệnh toan đi, Tuyên gọi lại bảo:

- Hãy khoan còn việc này nữa, ngươi mau sai người niêm yết cáo thị ở các nơi: Ai bắt hoặc gϊếŧ chết Nguyễn Nhạc sẽ được trọng thưởng!