Lều Chõng

Chương 18

Từ cuối năm ngoài đến đầu năm nay, cô Ngọc chỉ những nẫu nà trong ruột. Nhất là cái hôm cô ở chợ về nhác thấy Vân Hạc lù lù ngồi trong nhà học với một dáng bộ thìu thịu, con ruồi đậu mép không buồn đuổi.

Bấy giờ vào cuối tháng một, trời còn đương rét căm căm, thế mà cái khí phẫn uất ở đâu nhập vào, khiến cô mồ hôi đổ ra, ướt đẫm cả mấy lần áo.

"Thế là những sự mong mỏi của mình hơn một năm nay đổ cả xuống sông xuống biển", cô tự bảo cô như vậy.

Sau khi đã cố nén dạ để chào chồng một cách vồn vã cô uể oải đi cất quang gánh vào buồng và lủi thủi xuống bếp đặt ấm siêu nước. Vừa nhóm bếp cô vừa nghĩ quanh quẩn. "Quái lạ anh chàng văn hay chữ tốt ai cũng phải khen, làm sao đi thi lại cứ hỏng mãi? Hay là khi ở Hà Nội, anh ta bê tha với bọn nhà trò, không tưởng gì đến văn bài, cho nên mới khổ như thế".

Bếp củi đã nỏ, cô lại đi lên buồng học với bộ tim gan vô cùng căm hờn. Lúc ấy bà đồ cô Bích cùng đì vắng, ông đồ thì ở nhà trên, trong nhà khách chỉ có mình cô với chàng. Muốn chọc tức chàng một hồi cho hả cơn giận, cô liền gượng cười và hỏi:

- Thế đến hôm nào trường mới xướng danh?

Vân Hạc ngồi trước mặt vợ, vừa xấu hổ, vừa buồn rầu, lại vừa thương hại chàng tưởng nàng chưa biết mình hỏng, liền đáp bằng giọng thật thà:

- Có lẽ xướng danh ngày hôm qua rồi?

Cô vẫn cười:

- Sao mình không ở mà nghe xướng danh lại về sớm thế? Nhường cho thiên hạ tất cả rồi ư?

Bấy giờ Vân Hạc mới biết là nàng mỉa mai, chàng chỉ chống tay lên má, nín lặng không nói chi hết. Cô Ngọc cố trêu:

- Thế khoa này có ai đỗ không?

Vân Hạc như không buồn cất giọng:

- Anh tú đỗ lại, anh hai cũng đỗ tú tài.

Thấy chàng hiểu lầm câu hỏi, cô mới nhớ rằng vì mình giận chồng, thành ra vô ý, không kịp hỏi thăm đến hai anh chồng, liền xoay ra giọng đứng đắn:

- Khốn khổ. Một nhà đến ba người vào phúc hạch mà không ai đỗ cử nhân, đáng tức biết chừng nào! Nhưng thôi, các anh ấy đỗ được một tí tú tài như thế cũng đỡ hổ lều hổ chõng. Bây giờ gần tối mất rồi, sáng mai tôi phải về mừng các anh ấy chứ?

Vân Hạc vẫn chẳng nói chẳng rằng. Cô liền đứng dậy súc ấm lau chén, xuống bếp xách siêu nước lên, rẽ ràng chuyên nước đưa mời chàng uống. Cơn giận vẫn còn chưa hả, cô lại nói nốt câu chuyện đương dở:

- Mình ở Hà Nội về hay ở bên Đào Nguyên sang?

- Tôi ở bên Đào Nguyên sang.

- Mình về Đào Nguyên từ hôm nào?

- Tôi về Đào Nguyên hôm qua. Vì thấy bác giáo Kinh Môn ở trong trường ra, nói là tôi bị hỏng tuột, nên sáng hôm sau, tôi và các anh về ngay, chẳng thiết ở lại xem bảng.

- Xem bảng làm quái gì nữa? Tôi chắc khoa này cũng chẳng ai đỗ.

Vân Hạc phát cáu:

- Sao mình nói lạ như vậy? Cả khoa không có ai đỗ, thì người ta đặt ra thi cử làm gì?

Cô vẫn điềm nhiên:

- Vẫn còn có người đỗ ư? Thế sao mọi ngày mình thường nói rằng: nếu mình không đỗ, thiên hạ chẳng thằng nào đỗ?

Vân Hạc phì cười không nói sao. Cô cầm chén tống sẻ nước vào chén của chàng:

- Tôi cũng chắc là mình đỗ, có điều tôi vẫn chưa biết mình định cố đeo lều chõng đến mấy chục năm nữa. Hay là mình muốn bắt chước cụ Lương Hiệu. Ừ khi tôi học sách Tam tự kinh thấy nói cụ Lương Hiệu tám mươi hai tuổi mới đỗ kia mà. Mình mới hai mươi hai tuổi, hãy còn trẻ chán, đỗ làm gì vội?

Vân Hạc nghe mỗi câu nói của vợ, tưởng như mỗi mũi dao găm đâm vào tìm phổi, mặt chàng đã đỏ bừng bừng. CÔ càng trêu thêm:

- Này mình ạ? Tôi nghe ngày xưa có nàng gì đó, khi chồng thi hỏng, có đưa cho chồng một bài tứ tuyệt hay lắm, tôi đã dịch ra tiếng nôm, thử đọc để mình nghe nhé?

Rồi không đợi chàng trả lời, cô tiếp:

- Bài ấy như vầy:

"Văn quân trích trích hữu kỳ tài,

"Hà sự niên niên bị phóng hồi?

"Như kim thϊếp diện tu lang diện

"Quân dục lai thời, đái dạ lai".

Vân Hạc gượng hỏi:

- Mình dịch ra sao?

Cô đáp:

- Tôi dịch là:

"Nghe anh chữ nghĩa cũng bề bề.

"Sao cứ năm năm bị đuổi về?

"Rầy nghĩ mặt chàng, ghê mặt thϊếp:

"Muốn vào, anh hãy đợi canh khuya".

Rồi cô nói thêm:

- Hai chữ "bề bề" tôi lấy ở câu phong dao "Văn chương chữ nghĩa bề bề" đấy mà. "Trích trích hữu kỳ tài" dịch ra "chữ nghĩa bề bề" cũng được chứ gì. Phải không mình?

Vân Hạc tuy biết là nàng chế mình; nhưng cũng thích rằng nàng có tài dịch thơ, liền đáp:

- Vâng, thưa bà được... Song tôi không bị ai ám. Mình phải biết thế.

Chàng ngừng một lát rồi thêm:

- Nhưng cũng chưa bằng những câu của ông nào đó dịch bài "lạc đệ" của Tầu.

Và chàng hỏi:

- Mình đã học đến hay chưa? Bài ấy thế này:

"Lạc đệ viễn qui lai,

"Thê tử sắc bất hỷ,

"Hoàng khuyển độc hữu tình,

"Đương môn ngọa dao vỹ"

Rồi chàng tiếp:

- Không biết người nào đã dịch ra rằng:

"Thi hỏng về đến nơi,

"Vợ con mặt không vui,

"Chó vàng riêng có tình,

"Giữa cửa nằm vẫy đuôi".

CÔ Ngọc thấy chàng mắng mình bằng cách xa xôi, sợ chàng đâm khùng, liền tươi cười pha trò:

- Thế ra đối với các ông thi hỏng, vợ con không có tình bằng con chó nhỉ?

Bà đồ cô Bích vừa về đến sân làm cho câu chuyện bị dứt. Cô Ngọc vội vàng đi ra nơi khác, nhường chỗ cho mẹ nói chuyện với chồng. Nhưng mà bấy giờ bụng cô cũng vẫn bồi hồi không nguôi, mỗi lúc trông thấy Vân Hạc, hình như cơn uất lại nghẽn lên cổ, tuy đối với chàng, cô vẫn nồng nàn kính yêu và ở trước chàng cô vẫn giữ được vẻ mặt vui vẻ.

Mãi đến ba, bốn hôm sau, khi được nghe lỏm những câu Vân Hạc nói với ông đồ hoặc các bạn hữu về cái duyên cớ làm cho chàng hỏng, cô mới băn khoăn hối hận và tự trách mình đã oán trách chồng một cách vô cớ. Từ đó, cô không trách gì Vân Hạc, nhưng lại trách cái số phận của mình: "Anh chàng thi cử vất vả thế này, có lẽ cũng là tại mình. Bởi vì số mình không được làm bà, cho nên anh ta mới bị hỏng mãi. Có đời nhà ai quyển thi "quán trường", quan trường đã định lấy đỗ thủ khoa, rút cục chỉ vì cái tội trẻ tuổi mà đến hỏng tuột? Nếu không vạ lây vì cái số phận của mình, anh ta có đâu lại bị tai hại như thế". Bởi cô nghĩ thế, nên cô lại rất ái ngại cho chàng. Và cô thương chồng bao nhiêu, cô càng đau xót cho cái số kiếp của cô bấy nhiêu.

Những lúc đi chợ, nhiều khi cô đã cất lẻn đến hỏi những cô thầy bói, hay là những ông thày số. Nhưng mỗi người nói mỗi khác, kẻ đoán cô lấy chồng làm nên, người bảo cô chỉ có số thanh nhàn, chứ không có số phú quý. Chẳng biết tin ai là phải, cô rất ghê sợ cho cái tương lai của mình. Nhiều lúc vô sự, nhớ đến cái ngày bị bệnh, mê man, lảm nhảm xưng là bà thám bà bảng tự nhiên cô thấy hổ thẹn vô cùng, chỉ muốn giấu cái mặt đi, không muốn trông thấy ai nữa. Vì cô không biết sau này đời mình có được vậy không?

Bây giờ thì không thế nữa. Những sự phiền uất của cô cũng giống như bát nước nóng, mỗi ngày nó mỗi nguội dần. Bây giờ cô đã quên hẳn cái việc hỏng thi của chồng, và chỉ tính ngày tính tháng, mong cho chóng đến tháng mười, để chồng lại đeo lều chõng vào trường.

Là vì tháng mười năm nay lại có thi hương, khoa này mới là chính khoa, còn khoa năm ngoái là ân khoa.

Vì cô sốt sắng với đường công danh của chồng như vậy cho nên nhiều lần Vân Hạc tỏ ý chán sự thi cử, thì cô lại cố kiếm lời ngọt ngào khuyên can một cách thấm thía, khiến cho lòng chàng cũng thêm phấn khởi và lại chịu khó để tâm về việc sách đèn.

Đêm nào cũng vậy, cô đều cố thức rất khuya, hoặc dệt vải, hoặc đánh ống, đánh suốt, hay là khâu vá quần áo, bao giờ Vân Hạc nghỉ học, bấy giờ cô mới đi nằm.

Nhưng dù thức khuya mặc lòng, những lúc Vân Hạc còn đương đọc sách, xem sách, cô không bước chân vào trong buồng học, sợ làm ngăn trở việc học của chàng.

Sáng nay, gà mới cất tiếng gáy thứ nhất, cả nhà còn đương yên giấc, cô đã lật đật trở dậy. Vì phải quét dọn nhà cửa, và phải sắp sửa mâm bát làm cơm để đến trưa nay thết đãi các ông trong hội Kính lạc.

Hồi ấy trong nước đã yên, việc học đã dần dần trở lại cảnh thịnh vượng của đời Lê, hầu khắp các tỉnh, trung châu, học trò đều có lập ra những hội văn học, người ta gọi là văn phả. Kính lạc văn phả của vùng Vân Trình cũng như các văn phả của hạt khác, chủ ý chỉ để làm nơi luyện tập văn chương của các học trò gần đây. Văn phả ấy dựng lên đã mươi năm nay, người ta mời cụ Nghè Quỳnh Lâm và cụ cừ Mai định làm trưởng. Thường lệ cứ đến năm nào có khoa thi, thì một tháng hai kỳ, người trong văn phả họp lại một chỗ để cùng làm văn nhật khắc. Đầu bài do hai cụ trưởng ra cho, văn làm xong rồi, cũng lại đưa nhờ hai cụ chấm giúp. Các cụ làm trưởng văn phả, chỉ để khuyến lệ học trò, không có lợi lộc gì cả. Người trong văn phả, ngoài việc mừng phúng các bạn đồng phả, quanh năm không phải đóng góp đồng nào. Chỗ hội họp của văn phả cũng không nhất đình, nay ở làng này, mai ở làng khác, hoặc do một người trong hội mới về, hoặc. do tổng lý hiếu học mời đến. Làng nào có người mời, văn phả sẽ làm văn ở làng ấy. Theo lệ, những người sở tại chỉ phải cung đốn trầu nước, điếu đóm mà thôi. Nhưng nếu ai có hảo tâm, thết đãi chè rượu, văn phả cũng không từ chối.

Kỳ này đến lượt Vân Hạc đón về Vân Trình. Mọi lần văn phả vẫn làm văn ở các đình chùa, vì số anh em trong phả có đến ngoài bốn chục người, nhà tư không đủ chỗ chứa. Lần này vì ông đồ Vân Trình muốn thết các bạn của rể một tiệc để mua vui cho cảnh già, cho nên mới bảo Vân Hạc hẹn các anh em về nhà mình.

Từ mấy hôm trước, ông đồ đã dặn cô Ngọc sắp sẵn các đồ làm rượu.và bảo mấy người con em trong làng phải đến phục dịch.

Lúc ấy cô Ngọc rửa mặt chải đầu vừa xong, bọn người phục dịch cũng vừa kéo đến. Bấy giờ cả nhà đã đều trở dậy. Theo lời dặn của ông đồ, cô liền sai bảo bọn đó, mỗi người giúp đỡ mỗi việc: kẻ thì kê lại giường ghế trên nhà thờ, người thì quét sạch nền nhà tiền tế và trải chiếu liền, chiếu lỉa la liệt xuống đó.

Các việc lặt vặt đã yên, cô bảo họ vào chuồng bắt lợn làm thịt.

Mặt trời lên khỏi mặt đất chừng hai con sào. Đốc Cung và độ hơn mươi người nữa lẻ tẻ kéo tới. Thấy cô lật đật chạy ra chạy vào, Đốc Cung cười hỏi:

- Chị gϊếŧ lợn để thết chúng tôi đấy chắc?

Cô lễ phép đáp:

- Phải ạ. Thày em muốn mời các bác hôm nay ở đây xơi rượu.

Đốc Cung vẫn cười:

- Cái đó tôi biết rồi. Nhưng chị làm rượu bằng cả con lợn, thì cũng hoang quá.

Cô vui vẻ nói:

- Thưa bác có gì mà hoang? Thày em còn muốn mời thêm mấy ông trong họ và trong làng nữa. "Khách ba chủ nhà bảy", nếu không gϊếŧ lợn thì không thể dủ.

Rồi đó, Đốc Cung và những người kia cùng theo Vân Hạc lên nhà thờ sau khi đã chào ông đồ ở nhà khách.

Chừng nửa giờ nữa, anh em văn phả cùng đến đủ mặt. Cũng như bọn Bùi Đốc Cung, ai nấy kéo lên nhà thờ và ngồi ngổn ngang ở khắp các chỗ. Bút mực lổng chổng bày ở trên chiếu. Nón sơn nón dứa ngổn ngang úp lên mặt tường. Giữa những tiếng nói huyên thiên, Nguyễn Khắc Mẫn xăm xăm tiến vào với mảnh giấy đầu bài mới lĩnh ở nhà cụ nghè Quỳnh Lâm.

Kỳ này tập theo thể lệ của kỳ đệ tam trong chương trình thi hội, cụ nghè ra cho ba bài: một bài chiếu, một bài biểu, và một bài luận. Bài thứ nhất là:

"Nghĩ Đường Thái Tôn quảng học xá tăng sinh viên chiếu". Bài thứ hai là "Nghĩ Tống Giao mong tứ cập đệ tạ ân biểu . Còn bài thứ ba thì là: "Hán văn cung kiệm luận".

Sau khi coi các đầu bài, Đốc Cung bảo với Vân Hạc:

- May được hai bài "tứ lục" đều ít cổ húy.

Khắc Mẫn chưa làm tứ lục bao giờ, cho nên chưa hiểu lề lối, liền hỏi:

- Cổ huý là thế nào?

Vân Hạc đáp:

- Tức là tên huý của đời cổ. Thí dụ như bài chiếu này, mình làm ra lời vua Thái Tôn nhà Đường; thì kiêng chữ "uyên" chữ "dân", vì "dân" là tên "Thái Tôn", mà "uyên" thì là tên bố "Thái Tôn". Còn bài biểu phải làm ra lời Tống Giao, thì không được dùng chữ "nghĩa" chữ "dận". Vì Tống Giao là người đời Tống, mà chữ "dận", chữ "nghĩa" thì là tên Tống Thái TỔ và Tống Thái Tôn, không lẽ ông Trạng nhà Tống lại không kiêng tên ông vua Tống hay sao? Đấy là tôi mới nói qua, thực ra còn phải kiêng nhiều chữ nữa, ví như tên mẹ, tên bà các ông vua kia chẳng hạn.

Khắc Mẫn lắc đầu:

- Trời đất ơi! Kiêng một chữ huý đời nay chẳng đủ chết ư? Lại còn kiêng cả chữ huý đời xưa! Vậy làm thế nào mà biết những của tội ấy?

Đốc Cung đáp:

- Vào trường mà quên thì đành chịu phép, nhưng đây là làm văn ở nhà quên đâu cứ việc giở sách ra đấy, lo gì?

Câu chuyện vừa hết, một lũ chừng bảy tám cậu học trò tí nhau vừa ở phía nhà khách lau tau kéo lên.

Cậu này xách ấm nước, cậu kia bừng chiếc điếu đàn, vài ba cậu khác lễ mễ ôm những chồng bát hoa cúc.

Sau một hồi "lạy các bác ạ" nhao nhao tự ngoài đầu thềm đưa vào, các cậu lần lượt đặt hết đồ đạc vào các ghế chiếu.

Cuộc hành văn bắt đầu.

Ba gian nhà thờ và ba gian tiền tế đã thành một khu trường thi, nếu nó có thêm một ít lều chõng.

Quang cảnh lúc ấy mới là kỳ dị. Nhà dưới cũng như nhà trên, các ông học trò xúm lại từng tốp, chỗ năm người, chỗ ba người, có chỗ đến sáu bảy người.

Ông này rung đùi ngâm nga, ông kia viết lia viết lịa.

Có ông khom khom cúi gù lưng tôm. Có ông úp ngực sàm sạp xuống chiếu. Bên cạnh mấy ông nằm ngang, kế đến vài ông nằm dọc. Sau lưng những ông chổng đầu trở ra. lại có các ông quay đít trở vào. Họ bàn nhau, họ bẻ nhau, họ hút thuốc vặt, họ hỏi nhau về những chỗ sách bị quên. Trong nhà, lúc thì im lặng như tờ, lúc lại ầm ầm như chợ vỡ.

Măït trời từ từ lên khỏi ngọn bưởi, ánh nắng lui xuống nửa bức mành mành, tự nhiên thấy mất Khắc Mẫn. Vân Hạc tưởng thầy trốn lên nhà học làm văn cho tĩnh cho nên cũng không để ý. Nhưng khi chàng về nhà học thì cũng không thấy hỏi khắp mọi người chẳng ai biết thầy đâu cả. Gần trưa, Vân Hạc đã viết xong một bài chiếu và nửa bài biểu. Khắc Mẫn vẫn chưa về.

Cả nhà đều lấy làm lạ. Người ta cho là Khắc Mẫn không quen nghề văn tứ lục nên thầy bỏ không viết nữa. Thình lình có cậu học trò bé con ngơ ngác chạy vào nói nhỏ với Vân Hạc:

- Thưa cậu, ông Mẫn làm sao không biết, cháu thấy ông ấy vào trong chuồng tiêu từ sáng đến giờ chưa ra.

Vân Hạc phì cười:

- Không lẽ nó định chiếm cái nhà xí của mình?

Rồi chàng lật đật chạy ra sau vườn và gọi thật lớn:

- Mẫn ơi, mày ngủ trong ấy đấy à?

Khắc Mẫn huỳnh huỵch từ trong chuồng tiêu chui ra và khì khì cười không trả lời.

Thì ra thầy đương cố nghĩ một câu từ lục, mà không nghĩ ra, tâm thần mải miết đi theo tư tưởng, khiến thầy không ngửi thấy mùi hôi nồng và quên rằng mình đương ngồi ở trong nhà xí. Nếu như Vân Hạc không gọi, chưa biết thày sẽ ở đó đến bao giờ.

Trở về nhà thờ, Vân Hạc vừa cười vừa nói với đông cả đám:

- Té ra ông ấy nghĩ văn ở chuồng tiêu. Thật không kém gì Âu Dương Tu.

Rồi chàng tiếp:

- Ở sách Quy điền lục, ông âu Dương Tu có nói: bình sinh ông ấy làm văn, phần nhiều ở ba chỗ "trên", trên gối, trên chuồng xí và trên lưng ngựa. Vì những chỗ đó đều rất có thể nảy ra tứ văn. Có lẽ ông Mẫn nhà mình cũng định đi tìm tứ văn như cụ Âu Dương đây hẳn?

Khắc Mẫn vừa vào. Cả đám đều phá lên cười. Đốc Cung nói thêm:

- Thằng nào vô phúc hôm nay ngửi văn ông Nguyễn Khắc Mẫn?

Trời đã đúng trưa, quyển của học trò đóng dấu nhật trung gần hết. Người nhà ông đồ nghễu nghện bưng lên những mâm xôi chè đầy lù. Sau khi xin phép các ông học trò, bọn đó lần lượt đặt hết các mâm vào khắp các dãy giường chiếu.

Ông đồ với bộ khăn áo chỉnh tề, cung kính đi khắp các chiếu để mời anh em điểm tâm. Rồi ông cũng ngồi luôn đó uống nước với họ.

Tiệc nước cử hành trong khoảng nửa khắc, cuộc hành văn lại tiếp tục một cách sốt sắng. Nhiều người đã xong bài chiếu, có người xong cả bài biểu, tiếng ngâm vang mấy gian nhà, như muốn làm xô các lớp mái ngói.

Vân Hạc như mọi khi làm văn rất nhanh, hôm nay vì phải luôn luôn chạy đi chạy lại, cho nên cũng mất thì giờ. Mặt trời tà tà, chàng mới viết được đủ quyển, lại phải trở về nhà khách xem sóc cỗ bàn.

Ngôi chùa đầu làng văng vằng điểm tiếng chuông chiều. Ngoài nẻo điếm tuần, dịp trống thu không, mỗi lúc mỗi rút ngắn lại.

Bấy giờ hơn ba phần tư học trò đã viết xong quyển. Mấy ông chưa xong cũng phải viết quấy viết quá cho xong.

Trong mấy bộ dạ dày đựng chữ, hình như mấy bát xôi chè đã cùng theo chữ mà hóa ra văn, lắm ông đã thấy đói cuống đói cuồng. Những ông sỗ sàng càng thúc Vân Hạc có cho uống rượu thì bảo bưng mâm mau mau.

Các quyển đã được thu vào một đống, trường văn liền biến ra một đám khao. Dưới tiền tế cũng như ở trên nhà thờ, những dãy mâm giàn thẳng tắp chạy suốt từ ngoài cửa vào trong vách.

Một lần nữa, ông đồ chỉnh tề khăn áo ân cần mời bọn hậu sinh.

Mấy ông già trong họ ngoài làng của ông cũng bị mời cả lên đó.

Dưới ánh sáng rực rỡ của hai dãy quang đèn, tiệc rượu răm rắp khai cuộc trong một cảnh tượng lễ độ và thân mật sau khi mấy người hơn tuổi đã thay mặt anh em đi chào cô Ngọc và bà đồ. Mặt trăng lên đến đỉnh đầu, cuộc rượu mới tan.

Bấy giờ đã cuối tháng hai, tiết trời bắt đầu ấm áp.

Hết thảy mấy chục học trò đều ngủ lại đó. Mờ sáng hôm sau, mọi người lẻ tẻ ra về, trừ mấy ông bạn thân của Vân Hạc.

Trước sự sốt sắng của nhà vợ, Vân Hạc vô cùng cảm động. Chàng tự thấy rằng nếu mình không đỗ, thật là một kẻ đại tội với gia đinh. Vì vậy chàng càng cố gắng, mỗi tháng ngoài những kỳ tập ở trường cụ bảng Tiên Kiều, chàng không bỏ một kỳ văn nào của anh em văn phả. Từ đấy đến ngày sắp thi, ròng rã trong bảy tám tháng, trừ những lúc ăn lúc ngủ, tay chàng cơ hồ không rời quyển sách lúc nào.

Thấy chàng mải miết về việc đèn sách, cô Ngọc sung sướиɠ rất mực.