Những Mảnh Đời Đen Trắng

Chương 2

Hoàng không ngờ rốt cuộc số phận của anh được gắn bó với Thùy Linh, người-đàn-bà-đau-đớn, bằng mười sáu lần nói dối. Phải mất một đêm thức trắng, nằm trên tảng đá rộng, phẳng mép bờ sông Linh, cẩn thận nhớ lại tất cả những ký ức xa vời, nhớ đi rồi nhớ lại, lẩm nhẩm đếm như một kẻ thua bạc về tổng số thua thiệt của mình trong canh bạc trọn một đời người, Hoàng mới tính chính xác số lần nói dối của anh với Thùy Linh.

Chẳng ai hơi sức đâu mà ngồi tính toán như Hoàng. Quá lắm người ta cũng chỉ day dứt về vài lần nói dối nào đó trong vô vàn lần nói dối với đủ các hạng người, từ thuở biết nói tiếng người cho đến lúc lưỡi rụt lại khô cứng trong miệng và vĩnh viễn im lặng. Thì cũng tốt lắm rồi, còn hơn có người nói dối mà không biết mình nói dối, nói đi nói lại mãi về một điều dối trá nào đó, rốt cuộc lại tưởng điều đó là có thật, sung sướиɠ nghĩ mình đã làm được cái điều mà cách đó ít lâu chính mình đã bịa ra.

Hoàng cũng vậy chẳng hơn gì người khác, thậm chí còn tệ hơn, nhưng riêng với Thùy Linh thì anh không muốn và không dám.

Hoàng nhớ vào lúc mười sáu tuổi, mặc dù mặt đã lấm tấm trứng cá anh vẫn khờ khạo như một thằng nhóc. Thùy Linh thì ngược lại. Những nét đàn bà trong cô xuất hiện rất sớm, phát triển nhanh chóng, đến tuổi mười sáu gần như đã hoàn chỉnh. Thùy Linh biết tránh va chạm (theo nghĩa đen) với đàn ông, với cả Hoàng cô cũng tránh, biết kéo kéo gấu áo, mắt chớp chớp nhìn xuống mỗi khi đối diện với đàn ông. Đôi khi vì sung sướиɠ về một điều gì đó, Hoàng hét rống lên, ôm chặt lấy cô, đã bị cô nhăn mặt đẩy ra, cảnh cáo anh bằng cái nhìn nghiêm khắc và “tự cao tự đại”.

Cô vẫn đi theo anh nhưng chỉ đứng nhìn đám con trai đùa nghịch với đôi mắt dịu dàng của cô bảo mẫu trước lũ nhóc. Thùy Linh biết tuổi thơ của mình coi như đã chấm dứt, còn Hoàng như một con bò đực vẫn chẳng biết gì cả. Tuy vậy, Thùy Linh vẫn bám sát theo anh trong các cuộc chơi “long trời, lở đất” dọc bờ sông Linh hoặc trên các bãi cát phía sau thị trấn.

Tuổi thơ coi như đã chấm dứt nhưng quán tính của nó thì vẫn còn. Họ vẫn nắm tay nhau tung tăng dọc bờ sông Linh vào những chiều mùa hạ như những con còng gió vẫn thường líu ríu dưới chân họ. Đến nỗi chính Hoàng có cảm tưởng: dù là quán tính thì tuổi thơ của họ vẫn kéo dài đến vô tận nếu không có chuyện Họa sĩ Tư, chú ruột của Thùy Linh bỗng nhiên lù lù trở về thị trấn, nói là về nghỉ hưu non, cất ngay một túp lều nhỏ dưới chân đê, ngày hai buổi ra ra vào vào, lờ đờ như một tên thất trận. Mặc dù Họa sĩ không hề phá đám bất kỳ cuộc chơi nào của họ, thậm chí chẳng thèm ngó họ đang làm trò gì, nhưng họ bỗng nhiên cụt hứng. Cái cảm giác có người theo dõi làm họ khó chịu và ngứa ngáy rồi rã đám, một sự rã đám không tuyên bố.

Đấy là Hoàng nghĩ vậy chứ thực ra đã đến lúc thiên nhiên buộc họ phải nhường chỗ cho một lũ trẻ khác kề tuổi họ. Bằng chứng là lũ trẻ “tiếp theo” ấy vẫn mê say với các cuộc chơi của chúng mà không hề có cảm giác bị theo dõi. Chúng còn chạy vòng quanh túp lều của Họa sĩ, có đứa chui tọt vào túp lều nằm im thin thít để trốn bạn, có đứa mải chạy đã húc đầu vào bụng Họa sĩ, vẫn chẳng việc gì hết. Đôi khi lũ trẻ đã bò cả vào túp lều, tranh nhau giở tung đống tranh của Họa sĩ ra xem, vừa xem vừa thì thào rồi cười ré lên.

Các bức tranh đặc tả những mặt người méo mó, những con bò chạng háng choán cả bức tranh, những cái mông đàn bà, những con cò hai cổ, những đứa trẻ mặt đầy nếp nhăn và lún phún ria mép, nhiều vô kể. Đặc biệt có rất nhiều bức vẽ đàn bà tя͢ầи ͙ȶя͢υồиɠ, những người đàn bà không có đầu, loạn xạ các kiểu đứng ngồi. Lũ trẻ đứng ngồi tùm hum, thích thú chỉ trỏ và cười và chẳng hiểu gì cả.

Trong khi đó, Họa sĩ tự giễu cợt mình bằng cách uống rượu thật say, mặc độc chiếc qυầи ɭóŧ, chân nam đá chân chiêu ngất ngưởng đi dọc bờ sông hát váng lên các bài hát bằng tiếng Pháp. Khi nắng tắt, lũ trẻ bỏ túp lều Họa sĩ ba chân bốn cẳng chạy về nhà thì Họa sĩ đã thấm mệt, anh tìm đến hòn đã to đặt ở mép sông, đánh một giấc cho đến sáng.

Ngủ ở đây thật sướиɠ, mát rượi, không có muỗi lại yên tĩnh tuyệt đối. Chỉ sợ trúng gió mà chết thôi chứ hòn đá to, rộng, phẳng và gió, tha hồ là gió. Nằm giạng háng trên tảng đá vĩ đại này vào mùa hạ nóng nực, thật không chê vào đâu được.

Người thị trấn Linh Giang không ai biết đích xác vì sao có tảng đã lớn như vậy “mọc” lên ở đây. Người ta đồn rằng, hòn đá này có từ xa xưa, hình như từ thời “Trịnh - Nguyễn phân tranh”, nó được đem về bằng hai mươi tám đòn khiêng, dùng để khắc bia mộ hay ghi chiến công quân lính chúa Trịnh. Đó là người ta nói vậy, thực tế mặt tảng đá nhẵn lì, sáng bóng như một cái trán vĩ đại.

Trước khi Họa sĩ về đây và mặc nhiên làm chủ hòn đá này suốt ngày đêm, nó chỉ dùng cho lũ trẻ lăn lê vào ban ngày - thường là các buổi chiều mùa hạ, còn buổi tối nó được các cặp tình nhân sử dụng làm ghế ngồi hay làm giường ngủ tùy theo mục đích “Các cặp đối tượng”.

Danh từ “Các cặp đối tượng” là của Đại úy Thìn, bố của Thùy Linh, anh cùng cha khác mẹ của Họa sĩ. Đại úy dùng từ này khi cần phải huy động lực lượng dân quân du kích thị trấn vây bắt một vụ “hủ hóa” nào đó. Trong mười năm, kể từ ngày hòa bình lập lại (1954) cho đến ngày Họa sĩ trở về (1963), có mười bốn vụ hủ hóa xảy ra trên tảng đá này bị dân quân du kích thị trấn, dưới sự cố vấn của Đại úy Thìn, hoặc tóm gọn hoặc đuổi chạy bán sống bán chết.

Họa sĩ trở về, vô tình vô hiệu hóa tác dụng của hòn đá đối với “Các cặp đối tượng” kia, các vụ hủ hóa coi như chấm dứt tại đây và nhanh chóng dịch chuyển ra bãi cát phía sau thị trấn. Tại đấy, công việc vây bắt của dân quân du kích, dưới sự cố vấn của Đại úy Thìn, gặp nhiều trở ngại. Bãi cát rộng, phải mất hai ngày một đêm mới đi hết chu vi của nó, lại mọc lên hằng hà sa số bạch đàn, phi lao do phong trào “Trồng cây gây rừng” của thị trấn đạt hiệu quả cao. Điều này làm “Các cặp đối tượng” mừng rơn, họ thoát hầu hết các vụ vây bắt quyết liệt của dân quân du kích, dưới sự cố vấn của Đại úy Thìn. Do đó người ta mau chóng lãng quên hòn đá, nó không được nhắc đến trong các cuộc họp kín của dân quân du kích, hòn đá lại trở thành hòn đá.

Trong khi đó, người nằm trên hòn đá lại được người ta nhắc đến khá nhiều: xì xầm, rì rầm và cười ha hả với nhau trong các bữa cơm, các cuộc họp nhóm dân thị trấn. Ấy là chuyện Họa sĩ Tư vì sao buộc phải nghỉ hưu non, vì sao thấy Họa sĩ chẳng làm gì cả mà tiền cứ tiêu như nước và vì sao trong thời buổi văn minh lịch sự này mà Họa sĩ cứ chằm hăm vào các thứ đã được người đời che đậy cẩn thận để mà vẽ?...

Đại úy Thìn nói:

- Nghệ thuật là rất phong phú: văn học có, ca múa có, nhϊếp ảnh có, vân vân. Nhưng hội họa là loại nghệ thuật được tôn thờ, trọng vọng nhất. Vì vẽ cho giống là việc rất khó, không phải ai cũng làm được.

Đại úy nói câu này khi đứng trước Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy đang ngồi trên chiếc xe đạp được treo lên như cái xích đu, cắm cổ đạp. Đại úy ngạc nhiên: “Tay này làm cái trò gì thế này nhỉ?”. Chủ tịch thị trấn vẫn hăm hở đạp, bánh sau quay vo vo, ý chừng chưa muốn ngừng cái công việc kỳ quái này để tiếp Đại úy. Lát sau, Đại úy hiểu ra: “Hà, tay này tập xe đạp!”

Đúng thế. Chủ tịch thị trấn vừa tậu được chiếc xe đạp Thống Nhất một trăm hai mươi sáu đồng năm hào, cộng với năm hào thuốc lá ông mua để khao các đồng chí trong Ủy ban Hành chính thị trấn. Ra khỏi cửa hàng tổng hợp, mặc dù ông đã nghiến răng dắt xe, làm bộ như dắt xe hỏng, nhưng cái xe cứ nghiêng nghiêng bắt lưng ông phải vẹo theo, trông rất khó coi. Tức khí, ông vác một mạch từ cửa hàng tổng hợp, tắt qua lối ruộng để không ai trông thấy. Rồi để không ai trông thấy, ông lại đi vòng giữa đám bạch đàn, phi lao phía sau thị trấn, tổng cộng là sáu cây số đường vòng, trong khi cứ đi thẳng đường tỉnh lộ mà bước thì chỉ mất chừng tám trăm mét là đến nhà, không hơn.

Rồi ông treo chiếc xe đạp lên như cái xích đu, rồi ông ngồi lên, rồi ông đạp...

Chủ tịch thị trấn vẫn gò lưng đạp, đưa mắt nhìn Đại úy, tủm tỉm cười:

- Chỉ huy chiếc xe đạp là cả một nghệ thuật. Tôi đã mần một buổi sáng mà vẫn không xong đây.

Đại úy thở dài, lắc đầu. Ông tìm ghế ngồi, đợi Chủ tịch thị trấn xuống xe. Đại úy đợi khá lâu vẫn thấy Chủ tịch thị trấn không chịu xuống, bèn nhắc lại luận điểm của mình:

- Nhưng đấy là nói hội họa chân chính, chứ cái thứ hội họa của thằng Tư thì phải coi chừng! Dư luận quần chúng phản ánh khá nhiều, anh có nghe thấy không, anh Huy!...

Đại úy nhìn Chủ tịch thị trấn đang gò lưng đạp, nhấn mạnh câu này thêm một lần nữa thì Chủ tịch thị trấn ngừng đạp, ngước lên tươi tỉnh nói:

- Hội họa là vẽ chứ gì! Tôi còn lạ gì thứ đó. Hồi theo “Bình dân học vụ” tôi biết món này rồi. Vẽ cho được một chữ toát cả mồ hôi hột.

Đoạn, ông nhảy xuống đất, vỗ vai Đại úy:

- Uống nước đã anh. Chuyện đâu có đó, anh yên tâm.

Lúc này khoảng ba giờ chiều. Đúng giờ Đại úy làm việc với “Ủy ban Hành chính thị trấn”. Đại úy là con đẻ của thị trấn, dù là quân của Bộ không liên quan gì đến công việc ở đây, nhưng Đại úy luôn luôn nhìn thấy trách nhiệm của mình ở khắp mọi nơi. Từ ngày trung đoàn pháo “năm bảy ly” do Đại úy chỉ huy về đóng bờ bên kia sông Linh, cứ thứ Bảy là ông đạp xe về nhà. Lịch trình làm việc của Đại úy từ chiều thứ Bảy đến tối Chủ nhật bất di bất dịch những việc sau:

1. Buổi chiều thứ Bảy, Đại úy tiếp một vài cán bộ cấp dưới của ông đã phục viên, về hưu hoặc vài thương binh quen biết trong thị trấn. Cuộc tiếp kiến này kết thúc vào khoảng sáu giờ tối, khi các chiến hữu của ông đã ngà ngà say, rất dễ nói năng mất lập trường. Sau đó, Đại úy dành hẳn một giờ để hỏi chuyện học tập, lao động, tu dưỡng của Thùy Linh - con gái cưng của ông. Kết thúc cuộc hỏi chuyện bao giờ cũng có mươi lăm phút ông nhắc lại, có mở rộng và đào sâu hơn, với Thùy Linh, thế nào là con người mới Xã hội Chủ nghĩa. (Cuộc trao đổi về “đạo đức học” giữa hai thế hệ này, vào những ngày đầu Đại úy mới trở về đóng quân bờ bên kia sông Linh, Hoàng cũng có mặt. Anh chơi ở nhà Thùy Linh suốt ngày. Về sau, khi đã nắm được quy luật về giờ giấc của Đại úy, Hoàng căn đúng sáu giờ là chuồn về). Số thời gian còn lại tối thứ Bảy, Đại úy sang nhà Hoàng để nói chuyện thời sự trong nước và quốc tế và các vấn đề nóng bỏng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở huyện nhà với ba Hoàng, ấy là Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh, cũng là bạn thiếu thời của ông.

2. Sáng Chủ nhật, Đại úy dậy cực sớm, một mình lúi cúi ngoài vườn cho đến trưa. Ông tích cực tổ chức lại khu vườn, cố cải tạo nó thành một “vườn cây kinh tế” nhằm nâng cao đời sống gia đình và làm gương cho các chiến hữu của ông đang phục viên tại gia noi theo.

3. Buổi trưa Chủ nhật, Đại úy ngồi thu lu một mình ở góc học tập của Thùy Linh, nghiên cứu bài nói chuyện với bộ đội sáng thứ hai hàng tuần.

4. Buổi chiều Chủ nhật, trọn cả buổi chiều, Đại úy làm việc với các vị lãnh đạo thị trấn, chủ yếu là Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy, về tình hình trật tự an ninh và an toàn xã hội của thị trấn. Tại đây, Đại úy liên tiếp đưa ra các biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn và đập tan các âm mưu “hòng làm ô nhiễm bầu không khí trong sạch của thị trấn nói riêng, huyện nhà nói chung” và tiễu trừ nhanh chóng một nhóm phản cách mạng nào đó vừa ngóc đầu dậy. Về mặt này, Đại úy đủ uy tín cần thiết để thuyết phục ban lãnh đạo thị trấn phải hành động theo ông. Nhờ các biện pháp này: hai mươi bốn vụ trộm cắp được giải quyết, mười sáu sòng bạc đã giải tán, hai mươi chín vụ hủ hóa (trong đó có mười bốn vụ xảy ra trên hòn đá “Trịnh - Nguyễn phân tranh”) bị truy bắt, bốn mươi chín lò rượu lậu bị dập tắt, một nhóm mười chín học trò cấp ba có mặt trong tổ chức “Tự do thiêng liêng” bị tóm cổ, một danh sách hai trăm mười tám người - gồm những người có lý lịch xấu hoặc ở tầng lớp tiểu tư sản thành thị, các trí thức ăn nói ngang ngạnh, mất lập trường, có tư tưởng chống đối chủ nghĩa xã hội... được thiết lập kèm theo kế hoạch phong tỏa và bắt giữ khi cần thiết.

Thế là xong. Buổi tối Chủ nhật Đại úy vui vẻ tí chút với thím Hoa (vợ của Đại úy), sáng mai đạp xe về đơn vị lòng thanh thản như không.

Lịch trình của Đại úy nổi tiếng khắp thị trấn, được coi là “chuẩn mực vàng” cho các cán bộ noi theo. Ngay cả Bí thư huyện ủy Trần Văn Thanh cũng có lần vỗ đùi kêu lên: “Tay ấy khá!”. Chủ tịch thị trấn Lê Đức Huy thì mê Đại úy như điếu đổ. Ông nói với vợ con rằng ông luôn luôn có quý nhân phù hộ.

- Chứ không à? - Ông Huy nói với bà Hiền, vợ ông. - Tôi được cái tích cực năng nổ chứ văn hóa quá yếu, không có bác Thìn thì kỳ bầu Ủy ban Hành chính khóa sau là tôi toi!

Trong một cuộc nhậu tại nhà ông, Họa sĩ Tư gõ đũa xuống mâm, nói lè nhè:

- Bác Huy này... Tức là tôi ấy mà... tôi muốn nói bác ngu nhưng ngu chân thành. Tôi chỉ căm ba đứa ngu bố láo thôi bác Huy ạ...

Chủ tịch thị trấn nuốt vội miếng thịt bò, tợp một ngụm rượu, gật đầu lia lịa:

- Đúng! Đúng! Cứ chân thành là được, ngu hay thông không quan trọng lắm!

Mọi người ngồi quanh ông đều lên tiếng:

- Phải quá! Phải quá!

Trừ bà Hiền, khi tan cuộc đã nguýt Chủ tịch thị trấn, nhiếc:

- Người ta chửi cho là ngu mà cũng sướиɠ.

- Ai chửi tôi ngu? - Chủ tịch thị trấn trợn mắt hỏi vợ.

- Chú Tư chứ còn ai!

- À... - Chủ tịch thị trấn cười hề hề: - Thằng ấy kinh lắm, tiếng Pháp nói làu làu. Hắn chỉ khua vài khua là bà hiện ra rành rành trên giấy: tóc, tai, mồm, mũi... đủ hết!

Nhưng khi Đại úy Thìn chỉ rõ cho Chủ tịch thị trấn biết tính chất nguy hiểm của các bức tranh lố lăng đang cất giấu trong túp lều Họa sĩ Tư thì ông mới ngã ngửa người ra. Chủ tịch thị trấn nghĩ thầm: “Mẹ kiếp, hèn gì nó gọi mình là thằng ngu. Ngu chân thành hay ngu bố láo thì cũng là ngu”.

Đại úy Thìn sau khi kể ra một số dư luận quần chúng xung quanh “đống tranh phản cách mạng” của Họa sĩ Tư, bình thản châm lửa hút, chân tình phát biểu:

- Mặc dù tôi với nó là anh em... nhưng trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” này, tôi phải tẩy rửa hết các nọc độc tư sản trong đầu nó.

- Vâng, phải. - Chủ tịch thị trấn gật đầu, im lặng bẻ ngón tay.

- Hội họa là loại nghệ thuật được trọng vọng, được tôn thờ nhất vì việc vẽ cho giống là rất khó. Tuy vậy, hội họa phải phục vụ nhân dân lao động chứ không phải thứ hội họa nhăng nhít vẽ l. c. và đ...

Đại úy nói rất nghiêm túc, thỉnh thoảng dừng lại để hắng giọng ở những chỗ ngắt câu. Chủ tịch thị trấn nghe cũng rất nghiêm túc, nhanh chóng nhất trí:

- Chứ sao! Thứ hội họa ấy là nguy hiểm lắm, tôi còn lạ gì thứ đó. Bác cứ để đó cho tôi!...

Thế là xong, làm việc với Chủ tịch thị trấn thật dễ chịu, bao giờ cũng dễ chịu. Đại úy đứng dậy vươn vai, nhìn chiếc xe đạp của Chủ tịch thị trấn đang treo lên như cái xích đu, ngáp một cái, nói:

- Anh đem cái xe đạp ra ngoài đường mà tập, ai lại treo lên thế.

Chủ tịch thị trấn xoa xoa tay, báo cáo rất thật thà:

- Anh tính với cương vị của mình lại ngã sấp ngã ngửa trước mắt quần chúng nhân dân thì còn ra cái gì. Tôi tính cứ ngồi đạp thế này cho nhuyễn chân, khi đem ra đường là đi được ngay.

Đại úy ái ngại, định nói: “Không được đâu” nhưng lại nghĩ đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người cần phải tôn trọng, nên thôi. Ông cáo lui ra về, vừa đi vừa nhẩm lại bài nói chuyện với bộ đội sáng thứ Hai tuần sau mà ông vừa nháp lúc trưa.

Đại úy về, Chủ tịch thị trấn trèo lên chiếc xe đạp tập thêm một giờ nữa rồi túc tắc đi thẳng ra bờ sông Linh.

Tính ông vốn vậy, đã nói là làm, làm ngay, làm năng nổ hơn người, không biết mệt mỏi là gì.

Ông có một quá khứ vừa đau khổ vừa buồn cười.

Xưa, ông tên là Cu Lùn, nay gọi là Huy, Lê Đức Huy. Ông nội của Cu Lùn, quanh năm ăn xin ở đình chợ và chết đói bên đống rác lớn của thị trấn (nay là cửa hàng bách hóa tổng hợp) để lại đứa con trai mười bốn tuổi cũng tên là Cu Lùn. Cu Lùn tiếp tục ăn xin ở đình chợ và tán luôn một mụ đàn bà hai mươi chín tuổi cùng hành nghề ăn xin ở đình chợ và đẻ ra Cu Lùn ngày nay.

Hai vợ chồng chết đói năm 1941, không kịp để cho Cu Lùn ngày nay một hào để sinh sống. Một nhà giàu đã thương hại cảnh côi cút của Cu Lùn bèn gọi về nhà, cho tắm rửa sạch sẽ, ăn uống no nê một tuần liền không phải làm gì. Sau, giao cho Cu Lùn ba nhiệm vụ: chẻ củi, chăn lợn và giữ chó. Công việc tiến hành trôi chảy bởi Cu Lùn nhanh thoăn thoắt, lại khỏe, càng lớn càng khỏe. Công việc sẽ tiếp tục trôi chảy như thế nếu như Cu Lùn không dại dột nhảy bổ vào buồng tắm con gái mười sáu tuổi của ông chủ và bị túm tóc dúi đầu vào nồi cám lợn nhiều lần.

Ông chủ quát:

- Mày không muốn ăn cơm thì tao cho ăn cám.

Bà chủ quát:

- Mày dại!

Ba ngày sau, bà chủ bảo Cu Lùn đun nước sôi cho bà tắm. Đun xong, bà bảo:

- Mày đưa ra nhà tắm cho tao.

Cu Lùn dạ to một tiếng, hì hục bê cả nồi nước sôi ra. Vì nồi nước nặng quá, đầu Cu Lùn cúi gằm, khi ngẩng lên đã thấy bà chủ ngồi thong dong trên tảng đá, toàn thịt là thịt, trắng bóc. Cu Lùn hoảng quá, nhảy lùi một bước, ù té chạy. Bà chủ ngồi trong buồng tắm cười khanh khách. Tắm xong, bà vắt khăn đi qua mặt Cu Lùn, nguýt một cái, nhiếc:

- Đồ ngu!

Cu Lùn đứng đực ra không hiểu mình ngu cái gì, vì cái gì mà ngu. Mười ngày sau, ông chủ đi mừng một “ông bạn nối khố” vừa cất xong cái nhà ngói mười tám gian, nói là ba ngày mới về thì Cu Lùn mới vỡ nhẽ vì sao mình lại bị bà chủ nhiếc cho là ngu. Suốt ba đêm ông chủ vắng nhà, Cu Lùn được hưởng thụ thứ thịt trắng bóc của bà chủ. Mỗi bận “hoàn thành nhiệm vụ” bao giờ Cu Lùn cũng được bà âu yếm. Bà xoa đầu Cu Lùn, cười hơ hơ hơ và nói:

- Mày khá đấy, chỉ tổ hôi như cú.

Nói xong, lại cười hơ hơ hơ. Cu Lùn cũng nhăn răng cười.

Ông chủ trở về nhà đường đột, bắt quả tang Cu Lùn đang tùm hum trên bụng bà chủ. Một cú đạp và một cái dùi cui giáng xuống mồm Cu Lùn, hai cái răng cửa vỡ tan.

Để trả thù, đáng lẽ phải tống cổ Cu Lùn ra khỏi nhà, ông chủ bắt Cu Lùn làm việc gấp bốn lần trước kia và phải ăn cơm cùng đàn chó ba mươi sáu con, nằm ngủ trên gác chuồng lợn mười bảy con của ông chủ.

Đây là thời kỳ khốn khổ nhất của Cu Lùn. May thay tiểu đoàn chủ lực của Việt Minh do Đại úy Thìn (hồi này chỉ có chức chưa có cấp) dẫn đầu đã về giải phóng toàn bộ thị trấn. Cuộc chiến đấu diễn ra một đêm, sáng mai ba cái đồn Pháp cùng với toán lính dân vệ biến mất. Bà chủ bám theo trung tá Môn-đa-vi cao chạy xa bay. Ông chủ bị treo cổ. Cu Lùn nhập vào đội dân phòng của thị trấn.

Từ đó, cuộc đời Cu Lùn toàn có quý nhân phù hộ.

Cu Lùn tự đặt tên mình là Huy, lấy họ là Lê. Một năm sau, khi đã đọc thông viết thạo lại lấy thêm tên lót là Đức. Vậy là đủ một cái tên để kê khai lý lịch, chấm dứt ba đời Cu Lùn khốn khổ. Bây giờ Lê Đức Huy đã gần ba mươi tuổi, có lẽ thế, và mọi người nhất loạt gọi là anh Huy. Thật tuyệt. Huy nhiệt thành tham gia tất cả các hoạt động nhằm xây dựng bảo vệ thị trấn. Bây giờ mọi người nhất loạt gọi là đồng chí Huy. Thật tuyệt. Hầu như mọi thứ Huy đều đi đầu: học bổ túc văn hóa, lao động xây dựng trụ sở ủy ban lâm thời thị trấn và suốt đêm ôm súng K44 bảo vệ thị trấn, kiên quyết không bỏ sót một cuộc họp nhóm nào.

Đến khi thị trấn tổ chức “ôn nghèo, kể khổ”, đấu tố bọn áp bức bóc lột thì toàn dân thị trấn run lên khi nghe Lê Đức Huy kể lại anh đã bị nhúng đầu vào nồi cám lợn như thế nào, bị đánh vỡ răng cửa ra sao, lại còn ăn cơm với chó, nằm ngủ với lợn... toàn những chuyện thất kinh. Người ta tin ở Huy vì rõ ràng anh đã có một lý lịch thật trong sạch: ba đời cùng khổ.

Rồi cấp trên cử anh đi tập huấn ở huyện ba mươi ngày, học thêm bổ túc văn hóa sáu mươi ngày, lại lên tỉnh tập huấn ba tháng nữa. Trở về, anh được đề cử làm xã đội trưởng. Công tác an ninh trật tự của thị trấn tốt không chê vào đâu được. Đồng chí Huy làm việc suốt ngày đêm, ngày càng mở rộng mạng lưới dân quân du kích. Đến năm 1961, anh được cử đi học lớp quản lý ngắn hạn trên tỉnh và sau đó được bầu vào Ủy ban Hành chính thị trấn.

Khâu cuối cùng là lấy vợ. Đây là khâu khó nhất. Lần này ông lại gặp may.

Ủy ban Hành chính thị trấn, sau một cuộc họp kéo dài hai tiếng đồng hồ, quyết định chọn vợ cho ông. Người ta chọn chị Hiền bán bánh đa nướng, dù chị không phải là Đảng viên nhưng là cơ sở tốt của Việt Minh hồi “tạm chiếm”. Bố trí ba lần, bảy lượt đều hỏng. Lần cuối cùng ông Huy đánh liều chui vào nhà chị. Chị đang ngồi xổm nướng bánh. Ông cũng ngồi xổm, đối diện với chị.

- Chị Hiền này... - Ông nói.

- Dạ... - Chị nói và cúi thấp xuống, hai tai đỏ nhừ.

Ông cúi xuống quan sát nét mặt của chị. Chị cúi xuống thấp hơn. Ông cúi xuống thấp hơn nữa...

- Chị Hiền này... - Ông nói.

- Dạ... - Chị nói.

Ông cầm bánh đa nướng đưa lên ngắm nghía một hồi lâu. Chị ngừng quạt than, thở dốc. Cuối cùng ông nói liều:

- Chị Hiền... tức là Ủy ban giới thiệu tôi với chị đó...

Chị ngồi im. Hai thái dương giật giật. Lát sau chị òa khóc. Ông sợ quá, ngã dúi ra sau, mồm há hốc.

- Vâng... - Chị bật ra lời trong tiếng khóc.

Ông rướn cổ hỏi:

- Chị vừa “vâng” phải không?

- Dạ...

Ông đứng dậy, đi lại quanh chị, không tài nào cắt nghĩa tại sao chị vừa khóc vừa “vâng”, “ vâng” xong lại “dạ”.

Làm sao ông biết được, chuyện này chỉ mình chị biết. Bởi vì chị xấu, vừa xấu vừa quá lứa lỡ thì. Vậy mà có người lại đến hỏi chị làm vợ, người đó là trai tơ và cao hơn “sự trai tơ” là Chủ tịch thị trấn! Ối trời cao đất dày thế mà có mắt... Chị khóc rưng rức, thỉnh thoảng đưa mắt liếc trộm ông. Ông lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. “Lúng túng thế mới đúng là trai tơ”, chị vừa khóc vừa nghĩ vậy...

- Chị Hiền!

- Dạ?

- Chị ưng tôi thiệt không... để tôi báo cáo Ủy ban.

- ...

- Chị Hiền?

- Dạ thiệt... hu hu hu!

Chị lao qua đống bánh đa chạy đến quỳ sụp xuống chân ông mếu máo.

- Dạ anh cứ báo cáo Ủy ban đi...

Thế là xong. Bây giờ họ có hai mặt con, đẻ cách nhau mười một tháng.

Thế là ông có đủ: nhà cửa, vợ con và cương vị.

May mắn làm sao, từ ngày ông nhận chức chủ tịch thị trấn thì Đại úy Thìn kéo quân về đóng bên bờ sông Linh. Đại úy là con đẻ của thị trấn, dù là quân của Bộ, không liên quan gì đến công việc ở đây, nhưng Đại úy luôn luôn nhìn thấy trách nhiệm của mình ở mọi nơi, Đại úy mặc nhiên trở thành cố vấn đắc lực cho Chủ tịch thị trấn về mọi mặt. Đại úy nói: “Việc này anh cần phải...”, Chủ tịch thị trấn đáp: “Anh cứ để đấy cho tôi”, chắc như đinh đóng cột. Không có gì phải bàn cả. Đôi khi Đại úy phải giải thích cho rõ thêm chứ không bàn cãi. Ví như “vụ hội họa” của Họa sĩ Tư chẳng hạn. Đại úy phải giải thích hơi lâu Chủ tịch thị trấn mới vỡ nhẽ tính chất nguy hiểm của thứ “văn hóa nô dịch” hiện còn rơi rớt trong lòng Xã hội Chủ nghĩa, cụ thể là tại túp lều bên bờ sông Linh mà bây giờ ông đi đến đó.

Ông đến, túp lều vắng hoe. Lũ trẻ con đã tẩu tán đi đằng nào. Ông đứng tần ngần một lát rồi tắc lưỡi chui vào trong. Chẳng có gì ngoài ba cái soong nhỏ, hai đôi đũa, một lọ nước mắm, một hũ muối, một lọ mắm tôm, một cái đèn và một đống to tướng các bức tranh. Ông giở đống tranh ra, lần lượt xem kỹ lưỡng các bức tranh vẽ những mặt người méo mó, những con bọ chạng háng choán cả bức tranh, những cái mông đàn bà, những con cò hai cổ, những đứa trẻ mặt đầy nếp nhăn và lún phún ria mép...

- Thế này thì nguy hiểm thật!

Ông chặc lưỡi và giở tiếp hai chục bức cuối cùng vẽ đàn bà tя͢ầи ͙ȶя͢υồиɠ, những người đàn bà không có đầu, loạn xạ các kiểu đứng ngồi. Ông nhìn kỹ từng bức một, rất kỹ: “Tình yêu” - “Nỗi đau các bà mẹ” - “Hỡi nhân loại hãy chấm dứt chiến tranh” - “Khát vọng sống”... Ông không chú ý đến các dòng chữ ghi dưới bức tranh mà nghiên cứu “nội dung” các bức tranh qua các “bộ phận bôi bác” của đàn bà được Họa sĩ đặc tả khá dày công.

- Chỉ có đàn bà hàng tỉnh, thứ nào thứ nấy mới như thế này chứ nhân dân lao động thị trấn làm gì có. - Ông kêu to.

Ông đặt số tranh vừa xem trở lại y nguyên rồi chui ra. Họa sĩ Tư vẫn chưa về. Ông lại chui vào, giở lại những bức vẽ những người đàn bà tя͢ầи ͙ȶя͢υồиɠ, những người đàn bà không có đầu, loạn xạ các kiểu đứng ngồi... Hơn một giờ sau ông rời túp lều, vừa đi vừa lẩm bẩm:

- Kinh thật! Kinh thật! Đích thị là đàn bà hàng tỉnh!

Lúc này đã sẩm tối, những người đánh cá đêm bắt đầu đỏ lửa dọc sông Linh.