Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Trọng Phụng

Từ lý thuyết đến thực hành

Anh ta là một người Âu hoá. Thiên hạ kêu: chưa đủ. Riêng anh, anh tự cho đã Âu hóa hoàn toàn.

ở Pháp về, anh chỉ giao thiệp với người Tây, chỉ yêu quý có người Tây, nhất là ông Chánh văn phòng của anh. Anh lại chỉ có nói tiếng Tây thôi, cho dẫu là những khi anh nói với những đồng bào mũi tẹt. Những việc ấy dễ, bởi không tốn tiền.

Đến những việc tốn tiền... Tuy không bữa nào cũng dùng "cơm Tây", anh cũng vẫn giấu bọn đồng bào An Nam rằng mình thường phải ăn cơm ta, có khi ăn cả rau muống và cà pháo. Tự trong thâm tâm, anh vẫn khen thượng đế đã ban phước cho cả cái giống An Nam được hưởng rau muống và cà pháo, rẻ lạ, ngon lạ, có thể khiến người ta quên thịt, cá... Nhưng anh không nói thế trước mặt thiên hạ bao giờ.

Thiên hạ chỉ thấy anh ăn ở, cử chỉ và ngôn ngữ hoàn toàn theo Tây. Còn đến cái bàn thờ ông vải trong nhà anh, giữa những đồ đạc hoàn toàn Tây phương, thì anh cắt nghĩa sau một cái so vai: "Để cho bà via khỏi la thét, nghĩa là để cho phải phép". Câu ấy, anh cũng lại nói bằng Pháp ngôn. Và, muốn dẫn chứng cho lời tuyên ngôn ấy, thỉnh thoảng anh lại mời các bạn hữu Tây, Nam đến tổ chức một cuộc khiêu vũ gia đình.

Trước bàn thờ, lẽ cố nhiên. Vì trong nhà chỉ có chỗ ấy là đủ rộng. Các ông vải đều đã kính phục cái Âu hóa ấy của con cháu đến tái cả mặt, nếu các ông vải vẫn còn có mặt để tái...

Nhưng sự ấy chưa phải là cái cốt yếu cho chuyện này.

Cái cốt yếu là một quan niệm đặc biệt Tây phương, Âu hóa cả trăm phần trăm, của anh, đối với một thứ tai nạn cũng từ Tây phương nhập cảng vào đây, xứ sở của mọi thứ cổ hủ của dân Đại Cồ Việt mũi tẹt da vàng chúng ta.

Sở dĩ anh nói rõ quan niệm ấy ra có lẽ cũng chỉ vì muốn thiên hạ phục mình là đã hoàn toàn Âu hoá.

Quan niệm ấy, là về nạn mọc sừng.

*

* *

Nhưng mà, thì các ngài hãy trông xem! Đấy, anh đứng lên, đi đi lại lại, hai tay đút túi quần, trong khi cao đàm, hùng biện về một vài vấn đề, thỉnh thoảng lại tô điểm cho lý luận của mình bằng một vài cái gật đầu khoái chí... Chẳng ai lại có thể hùng hồn hơn! Cử toạ ngồi nghe đều hoặc đã kính phục hết sức bằng im lặng, hoặc muốn phản đối hết sức đấy, nhưng cũng chỉ dám phản đối bằng im lặng. Từ mồm diễn giả lần lượt chui ra những nghĩa lý kỳ quặc có khi ghê gớm, có khi như sự nguỵ biện, cũng có khi như sự lập dị, nhưng bao giờ, từ trước đến sau, cũng tỏ ra một tấm lòng vô cùng thành thực và một sự hiểu biết thấu triệt nó bắt buộc những ai muốn ngắt lời cũng phải cứ kính cẩn ngồi yên mà im lặng. Sự thành thực, dẫu sao đi nữa, ta cũng không thể dễ mà coi khinh, cũng như sự hiểu biết chu đáo đáng gọi là có đủ thẩm quyền ấy, khiến cho ta phải ngờ: diễn giả chính là kẻ "đoạn trường ai có qua cầu...".

Nhưng mà... thì hãy lắng tai nghe anh ta đã...

- Mọc sừng, sự ấy, nếu nó là một cái nạn, thì cũng chỉ là một cái nạn nhỏ, không đáng để ý mấy. Tôi không hiểu sao ai cũng chê cười một người chồng mọc sừng! Ngay ở bên Pháp nữa, thiên hạ cũng không thiếu lời chế riễu người mọc sừng. Đó là một sự dã man, vì người mọc sừng chỉ là một kẻ đáng thương. Mà cũng không đáng thương nữa, nếu ta nghĩ kỹ... Một là vì bị vợ nɠɵạı ŧìиɧ, ấy chỉ là, như trên tôi đã nói, chịu một cái tai nạn quá đỗi nhỏ mọn, hai là mọc sừng, nếu là một cái khổ, thì cũng là cái thứ khổ của trí tưởng tượng ốm yếu của anh chồng mọc sừng mà thôi! Nếu muốn tin chắc chắn điều ấy hơn nữa, ta phải nói thêm thế này: ở một xã hội mà nhiều người chồng nɠɵạı ŧìиɧ hay mọc sừng, chính đấy là dấu hiệu của văn minh. Vì sao? Vì hôn nhân, tự nó, là một điều khuyết điểm vô cùng, khi nó giải quyết vấn đề tình ái... Hôn nhân là cái giấy hợp đồng buộc lòng người trung thành suốt đời, trong khi lòng người, do đấng Thượng đế sinh ra, là một sự trừu tượng, tự nó nó chỉ muốn thay đổi, có mới nới cũ đó thôi... Lấy cái quan điểm của bọn nam nhi chúng ta mà xét, điều ấy càng rõ rệt. Đàn ông lắm khi chê vợ, chán vợ, thấy không thể chung sống với vợ được nữa, chỉ còn một cách ly dị, thì may sao đã tìm thấy phương tự cứu chữa, tự giải thoát, để tránh cảnh tan nát của gia đình và cái hận nghìn thu của lũ con cái thơ dại, ở sự tự an ủi mình bằng cách thỉnh thoảng lừa vợ một đêm, tìm cái hạnh phúc tạm bợ và điêu trá trong cánh tay "người vợ một đêm". Đã giản dị chưa? Lừa được vợ một đêm, thế là người đàn ông chê vợ phỉ chí, tự an ủi, đủ can đảm và hứng thú cứ chịu đựng mãi được người vợ mà mình đã thấy là khó chịu... Và những phụ nữ khôn ngoan, biết cái ngôi nội tướng của mình đã có bề lung lay, lắm khi đã nhắm mắt làm ngơ cho chồng. Phải thế mới được. Phải chịu đựng cái đau đớn nhỏ ấy, hoạ may mới tránh thoát cái đau đớn lớn hơn nó sẽ đợi ngày tức nước vỡ bờ, nó đến... Vì rằng đấng Thượng đế sinh ra thằng đàn ông, mục đích Ngài chính là để cho nó phản trắc đấy! Phản được rồi, nó sướиɠ. Lòng tự ái được mơn trớn rồi, thì nó sẽ xử một cách nhã nhặn hơn với vợ nó, một người mà nó không lừa được thì nó sẽ giành cho những vố đau...

Một vài người cười ồ. Những thính giả khác chẳng ai nói gì cả. Vẫn nguyên cái đà hùng biện, anh ta tiếp:

- Bây giờ... đến lượt chúng ta tự đặt mình vào địa vị người đàn bà... Ô hay, sao chúng ta có thể ích kỷ đến thế được? Sao chúng ta lại không công bình một tý nào cả? Sao chúng ta nỡ dã man đến thế? Đàn ông chúng ta đi chơi gái bừa bãi thì chẳng sao, nếu vợ ta có hành động y như ta, chỉ y như ta thôi, ta cũng đã coi như đổi đời. Vợ nɠɵạı ŧìиɧ, khốn nạn, thế sao gọi là đại hoạ, nếu chồng xưa nay vẫn nɠɵạı ŧìиɧ be bét ra đấy thì không sao? Họ cũng đã xử sự như mình. Chỉ có thế. Họ đã phải nɠɵạı ŧìиɧ có lẽ là để khỏi phải nghĩ đến cách quyết liệt hơn: ly dị. Cũng như mình, họ cũng chỉ thấy sự an ủi, cái thú sống, ở sự lừa đảo thôi. Đã thế, sao đàn ông cứ ích kỷ? Khốn nạn, nào có gì, nếu đó chỉ là vỏ quít dày và móng tay nhọn gặp nhau? Thêm nữa, một khi người đàn bà dám nɠɵạı ŧìиɧ, tôi cho đó là họ bắt đầu có can đảm, và bắt đầu giác ngộ nữa, cũng như thuyền thợ dám đình công phản đối Chính phủ, cũng như phụ nữ dám vác những lá cờ có dấu hiệu cách mệnh, la thét giải phóng và bình quyền! Cho nên, như tôi đã nói, mọc sừng chính là dấu hiệu của văn minh. Người đàn bà, một khi bắt đầu lừa chồng, là bắt đầu bỏ cái chính sách tiêu cực đề kháng tổ truyền mà mấy nghìn năm bị coi là đứa tớ gái không lương đã kết quả nên thái độ...

Một người nói len vào:

- Thế thì ra tội là ở anh chồng đáng mọc sừng, bất cứ anh chồng là hay, dở như thế nào?

Diễn giả đáp cứng cỏi:

- Bẩm chính thế. Vì dẫu ta tài giỏi, khỏe mạnh, giàu có đến như thế nào đi nữa mặc lòng, nếu ta chẳng may mọc sừng, ấy là chính ta đã có lỗi, đã hỏng ở một phương diện nào đó, mà chỉ vợ ta mới biết mà thôi! Cho nên, như trên tôi đã nói, người chồng mọc sừng chẳng bao giờ đáng thương, nếu ta nghĩ kỹ... Nếu ta khôn ngoan, đủ tư cách, đủ khỏe mạnh, đẹp cả tinh thần lẫn văn chương, con vợ ta nó đã chẳng nɠɵạı ŧìиɧ!... Vậy thì quyết nhiên anh chồng mọc sừng bao giờ cũng có lỗi, và phải coi sự lừa dối của vợ là một lẽ chính đáng hợp tự nhiên mà thôi. Huống chi, cái vấn đề ấy, phàm đã là người văn minh, thì chỉ nên coi đó là những việc nhỏ nhặt rất tầm thường, không làm không được, thí dụ như đói thì phải ăn, khát thì phải uống, hay là một chất đã quá đầy trong bụng thì phải thoát nó ra ngoài, như là đại tiện, tiểu tiện, có thế thôi. Tôi xin nói thêm cho rõ hơn nữa: nếu một người chồng vắng nhà lâu chẳng hạn, thì vợ người ấy có đi nɠɵạı ŧìиɧ, người ấy chỉ nên coi như vợ đã phải làm một sự cần không làm không được, thí dụ mót đái thì phải đi đái, thế thôi. Sự giao hợp là cái gì? Nó là điều xưa nay ai cũng coi là nhơ bẩn. Vậy thì sao lại cho nó một cái giá trị mà nó không có, đại khái như chẳng may mọc sừng thì đau đớn đến nỗi muốn tự tử?

Một người lại hỏi:

- Thế thì triết lý của người chồng mọc sừng là thế nào?

Con người Âu hóa cắt nghĩa:

- Là nhắm mắt làm ngơ. Là phải coi mình có lỗi, cho dẫu chưa thấy lỗi mình ở chỗ nào! Nếu không có gì khuyết điểm, vợ nó đã phải trung thành với mình chứ? Cốt nhất là đừng làm om lên. Như trên tôi đã nói: vợ cho chồng mọc sừng hay chồng nɠɵạı ŧìиɧ càng nhiều, ấy chính là dấu hiệu của văn minh. Quả thật đó chẳng là điều vu khoát... Trong khi ngày cưới chỉ là ngày tận số của ái tình, thì nɠɵạı ŧìиɧ chính là sự cách mệnh tự nhiên đối với điều trói buộc nhân tạo của hôn sự. Muốn tỏ mình đã văn minh, nhân loại chỉ nên coi sự thông da^ʍ là một điều giải phóng cho cái lòng người ham thay đổi... Tiến bộ là gì, nếu không là sống tự do! ở Tây phương, người ta đã chiếm được sau những cuộc cách mệnh tốn hàng triệu nhân mạng, những quyền tự do hội họp, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do đình công... Còn khuyết điểm, nếu chưa chiếm được hay công nhận một cái tự do nữa, quý hóa nhất, là cái tự do giao hợp! Có cái ấy nữa, xã hội mới thật là thiên đường! Vì thế, nên tôi đã nói rằng vợ bị chồng lừa, hay chồng bị vợ cho mọc sừng, hai bên chỉ nên nhắm mắt làm ngơ đi mà thôi. Vì hai bên đều có lỗi. Thêm nữa, cái tai nạn ấy, cái đau đớn ấy, nếu ta biết nâng nó lên trình độ một chi tiết văn hoá, coi sự tự do giao hợp cũng như những cái tự do khác, thì loài người há chẳng đã thoát khỏi cái vấn đề thiên cổ nó vẫn rình phá hoại hạnh phúc của gia đình và cá nhân đó sao?

Một người khác cười nhạt phê bình:

- Gớm thật cho những tư tưởng quá khích của ông! Ông đã làm cho cả bọn nam nhi... tiêu danh dự.

Người Âu hóa hỏi lại:

- Thưa ngài, mọc sừng, người đàn ông nào dám chắc suốt đời không bị cái nạn ấy? Tôi xin nói để ngài chớ quên rằng người đẹp giai nhất đời, anh hùng cổ kim chưa có ai bằng, là Nã Phá Luân Hoàng đế, thì ngài cũng đã mọc sừng đó! Đứng trước một cái nạn nó hăm doạ tất cả các đàn ông trên cõi thế gian, mà lại không biết nâng sự mọc sừng lên trình độ một chi tiết của văn hóa, thì chỉ là chẳng biết lo xa một chút nào.

Có người hỏi:

- Ông đã xong cái bài đại luận về nạn mọc sừng chưa?

Anh ta gật đầu:

- Tôi đã kết luận.

Rất nhiều người phê bình:

- Cái anh chàng này Tây quá đi mất! Nguy thật! Tây ở cách ăn ở, Tây ở cử chỉ, ngôn ngữ, lại Tây nốt cả ở cái linh hồn!

Anh ta mỉm cười đắc chí, thấy mình đã thành công. Mục đích của các sự lập dị yêu ngôn và nguỵ biện của anh chỉ là để cho thiên hạ phục mình đã "cả trăm phần trăm Âu hoá". Những câu chê bai kia, trái lại, anh cho là lời khen.

Và, trong khi ai cũng để ý nghe diễn giả, thì không ai để ý nhìn một thiếu niên đẹp giai lúc ấy chỉ đưa mắt liếc trộm cô vợ trẻ măng và đẹp nõn, của diễn giả, ngồi ở phòng bên pha trà và sai đầy tớ rót tiếp cho đám khách khứa đông đúc, từ lúc đầu cho đến lúc cuối cuộc diễn thuyết ấy, đã lắng tai nghe mớ lý thuyết của chồng một cách cực kỳ chăm chú...

Riêng tôi, tôi tự nhủ: "Chính chỉ vì anh chồng này đã bị mọc sừng rồi nên mới gián tiếp bênh vực bằng cái quan niệm ghê gớm kia".

*

* *

Tôi đã lầm.

Việc ấy xảy ra sau, chứ không phải đã xảy ra trước như tôi tưởng.

Đã chừng một năm sau, thấy con người Âu hóa ngày ngày đi nằm dài tại một tiệm hút. Thiên hạ nói thì ra anh đã bỏ vợ. Rõ mới buồn! Nguyên nhân cuộc ly dị, chẳng ai hiểu rõ đầu đuôi ra sao. Chỉ biết hiện anh ta đau khổ lắm. Tiệm hút, chỗ ẩn dật của anh, của những kẻ chán đời, anh chỉ còn có nó là quý thôi!

Đáp lại các bạn chí thân, anh ta chỉ nói kín hở về nỗi khổ:

- Tôi... tôi đã yêu một người đàn bà!

Nhưng một hôm có người bạn thân khác không hiểu gì, trách anh bạc tình, tồi tệ với vợ, dã man, và... đủ tất tả những trạng từ khác nữa. Thì anh nổi giận hỏi lại:

- Mày ngu lắm! Thế khi vợ mày nó cắm sừng vào đầu mày thì liệu mày có còn cứ muốn ăn ở suốt đời với nó không?

à, thì ra đầu đuôi là thế.

Tôi, kẻ ngoại cuộc, bỗng đâu tôi cũng chán đời. Và hoài nghi. Thật thế, tôi tin rằng đất Đại Cồ Việt ta là cái đất cằn cỗi, những lý thuyết và tư tưởng ở đâu đâu, tốt đẹp thế nào mặc lòng, cũng cứ đến đây là thành thối nát. Tôi không tin dân An Nam ta lại có nổi một điều tín ngưỡng nào, một quan niệm chắc chắn gì. Bởi thế, con người Âu hóa cực đoan ấy chỉ Âu hóa được ở cái lỗ mồm mà thôi. Và, than ôi! Suy một người ra nghìn người, suy một sự ra vạn sự!

Tao Đàn, số 7; ngày 1.6.1939