Dứt Tình

Chương 6

Mấy hôm sau.

Tại Hà thành, trên con đường ngăn đôi phủ Toàn quyền và trường Sarraut. Hằng với Anh lững thững đi. Hằng mặc áo nhung đen quấn khăn quàng màu hồ thủy. Mặt nàng đã hồng hào, mặc lòng trời rét, nghĩa là sự được gần gụi Việt Anh đã mạnh hơn những mũi tiêm thuốc bổ nhiều. Cứ chiều chiều, Anh đến đón nàng tại bệnh viện St. Paul rồi cả hai ra đi. Quan thầy thuốc cho nàng mỗi ngày một giờ đi bách bộ. Hằng chỉ đến tòa lâu đài đồ sộ trước mắt.

– Mình! Mình còn nhớ những ngày chúng ta còn đi học không?

– Tôi nhớ đến cái ngày mà Quân đem máy ảnh đến lớp học.

– Cái ngày mà mình nói là mình yêu tôi ấy à?

– Phải đấy. Thế mà thoáng một cái đã… bây giờ. Chóng thật.

– Chóng thật. Tôi bây giờ bị các nhà văn sĩ gọi là: xuân xanh trạc độ tam tuần rồi.

– Mình, mình trông tôi đã già chưa?

Việt Anh nhìn kỹ Hằng rồi lắc đầu:

– Còn đẹp, còn đẹp đến não lòng người, người yêu quý nhất đời của tôi ạ.

Hằng mỉm cười:

– Bây giờ tôi đã về tay mình, còn não lòng mình được ư?

Anh đáp một cách có ý vị:

– Nếu không não lòng tôi thì cũng não lòng người khác, Huỳnh Đức chẳng hạn…

– Ừ nhỉ! Huỳnh Đức cũng là người đáng thương. Đức đến muộn!

Việt Anh cau mày:

– Thế tôi, dễ thường tôi cũng đến muộn chắc?

Hằng ra ý không bằng lòng:

– Ồ, Anh! Sao mình cứ nhắc đến những chuyện cũ? Thế bây giờ Hằng không là vợ của mình rồi ư? Mình trái vô cùng.

– Thế sao tôi không lấy ngay được mình từ trước khi mình là một người đàn bà góa chồng?

– Mình đi mà hỏi Trời!

– Bởi vì tôi nghèo! Nghèo cho nên đến sớm cũng hóa đến muộn!

Hằng so vai:

– Đừng tưởng Huỳnh Đức nghèo hơn mình, Việt Anh!

Hai người đến đó, im lặng lững thững đi. Hồi lâu Anh mới nói:

– Hai thân của mình ra điều cậy của, muốn bắt bẻ tôi. Nhưng mà tôi, không bao giờ tôi thay đổi chí hướng. Tôi thề cứ giữ vững nghề cầm bút đến lúc chết. Làm chủ mỏ không phải là nghề của một người như Việt Anh.

Hằng ngẫm nghĩ một lát rồi đáp:

– Ta sẽ bán mỏ. Thế là yên chuyện. Bán lại hết cho Đức.

– Để rồi tậu một túp lều gianh.

– Một túp lều gianh với ái tình? Thế thì còn gì bằng. Nhưng mà tòa soạn một cơ quan ngôn luận lẽ nào lại ở một túp lều gianh!

Anh đăm đăm nhìn ra xa, sốt sắng nói:

– Tôi sẽ làm việc, làm việc một cách ghê gớm…

– Tôi mong rằng cưới tôi rồi thì mình không làm việc nữa. Ta sẽ tậu một dinh cơ ở vùng quê, ta sẽ lập một thư viện riêng, rồi ta đọc sách, rồi ta yêu nhau, rồi ta lại đọc sách. Còn nghề báo, hãy xếp tạm lại đấy. À, mà mình phải cẩn thận: mình có sáu tháng tù án treo phải không?

– Được dịp giảm quốc mới xóa sạch rồi. Cuộc đại ân xá Lebrun…

Hai người quay gót lại theo con đường về. Vì Hằng chỉ được có nửa giờ thôi. Anh ra vẻ bất mãn:

– Mình điên thật! Đi vào nằm đó, cứ chín giờ tối đã phải đi nghỉ không được tiếp ai nữa. Bao nhiêu đêm tôi không được trò chuyện.

Hằng nhìn chàng rồi rũ rượi ra cười:

– Mình làm như chúng ta đã qua buổi tân hôn rồi vậy! Hai nữa, chả nhẽ tôi lại có thể về dưỡng bệnh tại nhà mình! Mỗi ngày gặp tôi hai lần, thế mà mình vẫn chưa hài lòng ư?

Anh cũng cười chữa thẹn nhưng lại đi nói thêm một cách khôi hài:

– Dù sao tôi cũng cho đó là một sự vô lý. Người ta không cho phép mình được ăn một bữa cơm ở ngoài. Tôi muốn mời, không được. Mà những lúc được gặp mình nó chóng hết làm sao!

– Nếu cứ chiều chiều mình đánh xe năm mươi cây số về với tôi rồi đêm lại phải ra đi, tôi cho còn vô lý nữa ấy. Nhưng thôi cố kiên tâm vậy. Tôi chỉ còn có hơn mười ngày.

– Thế thôi à?

– Mạnh khỏe hẳn rồi, tôi cũng phải sửa soạn thì vừa chứ.

– Riêng phần mình, có phải tiêu đến số nghìn?

Việt Anh lắc đầu:

– Không. Một người đã cực lực công kích những cái xa xỉ trong mọi cuộc hôn nhân xưa nay, bây giờ cũng thế, họ cười chết. Độ một nửa cũng đã dư dật.

Hằng vỗ vai bạn:

– Thôi thế cứ an lòng.

Anh gật đầu không đáp. Chàng rất lấy làm hổ thẹn vì trước ái tình, những điều về tiền tài có thể khiến chàng phải mang tiếng là con người chẳng thật thà về lòng yêu. Không, nếu Tiết Hằng nghèo hèn, có lẽ chàng còn yêu hơn nữa. Chứ nay, bao nhiêu cử chỉ để tỏ lòng yêu dấu chàng đều phải gìn giữ dè dặt kẻo sợ mắc tiếng: vồ vập một đống tiền. Chàng khó chịu vì thấy như cái vô hình của kim tiền cũng có thể cứ hiện hình thành một bộ mặt mỉa mai.

Hằng không hiểu thế, lại nói:

– Tôi cũng lấy làm bực cho mình, lúc nào cũng cứ phải luẩn quẩn về kinh tế. Người tài giỏi đến đâu cứ thế, cũng phải bước giật lùi. Lúc nào cũng khổ về chuyện tiền thì tài nào mà không mai một! Nhưng thôi, chỉ còn vài tháng nữa, chúng ta sẽ được yên. Rồi mình sẽ nghỉ vài năm để di dưỡng tinh thần bằng sự đọc sách. Hay là, Anh ạ, ta nghỉ độ hai năm đi du lịch cho hết Đông Dương? Chứ trẻ trung như ta, tội gì!

Anh lắc đầu:

– Không, nghỉ vài năm thế nào được. Phải làm…

– Kiếm tiền? Thôi đi, mình đừng nói dối tôi. Mình làm chỉ có lỗ vốn… Còn nếu mình muốn, lập một cơ quan to tát hơn trước thì cũng dễ, tôi xin chiều ý, nhưng dù sao, ta cũng nghỉ vài năm để đi chơi và để… và để có thời giờ yêu nhau cho thỏa thích. Việt Anh! Hằng hăm nhăm, hăm sáu tuổi rồi, sắp ba mươi đến nơi rồi, sắp già rồi.

Anh lúng túng:

– Thế nhưng mà…

Không nghe thấy, Hằng lại tiếp:

– Bây giờ ta đương có thời giờ, đương có sức khỏe, đương có tiền bạc, tội gì chẳng hưởng ngay? Kẻo không mai sau lại vô số sự ngăn trở, thí dụ tôi chửa, đẻ chẳng hạn. Hoặc nhỡ chết chẳng hạn…

– Đừng nói dại.

– Biết đâu đấy! Ở đời này, phải đề phòng những sự bất trắc của hạnh phúc mới được. Mà không nên để lại hôm sau những điều mình có thể hưởng được ngay ngày hôm nay!

Việt Anh cau mày:

– Nhưng mà… Hằng! Những lời chân thực của mình làm tôi rất cảm động. Nhưng tôi… nhưng có lẽ tôi không nên biểu tình… vì rằng… tôi có quyền gì được hưởng những cái ấy nhỉ! Tôi yêu Hằng là vì yêu Hằng chớ có phải vì Hằng giàu có đâu. Mình chỉ nên cho tôi được hưởng lòng yêu của mình, đừng nên đồng thời cho tôi hưởng cả sự phú quý. Tôi chỉ muốn biết có ái tình.

Hằng ngạc nhiên đến nỗi phải đứng dừng lại. Nàng chòng chọc nhìn Anh rồi, một cách chán nản:

– Thật tôi không hiểu được mình. Hay là khi tôi yêu mình thì là vì tôi nhầm mình, hở Việt Anh? Những lý sự của mình làm tôi lạ lắm.

– Không, không bao giờ Việt Anh muốn thừa hưởng cái của ấy.

Hằng, một cách cáu kỉnh:

– Cái của ấy là của tôi. Mà của vợ là của chồng! Của Tiết Hằng nhưng Tiết Hằng lấy Việt Anh thì là…

Chàng giơ tay ngăn:

– Thôi, không cần nói thêm. Tiền không do tay tôi làm ra thì tôi không muốn hưởng. Rồi tôi sẽ làm việc, rồi tôi sẽ kiếm ra tiền, rồi tôi cũng làm giàu. Bao giờ tôi giàu, lúc đó vợ chồng mình sẽ cùng hưởng.

– Mình trái quá không ai có thể chịu được, vẫn biết rằng của ấy cũng một phần do Đào Quân mà ra. Nhưng… mình muốn gì? Quân bây giờ bất hạnh rồi… Mà vợ Quân cũng về tay mình rồi, mình còn ghen ghét với hắn đến thế nào nữa? Không ai lại đi ghen với một người đã chết, mà cũng không ai lại đi ghen với tiền bạc của một người chết để lại. Mình nên lấy thế làm xấu hổ.

– Ồ! Nếu cần phải xấu hổ thì tôi sẽ xấu hổ trong sự hưởng cái phú quý không phải của tôi làm ra được.

– Mình mỉa tôi chăng? Mình muốn tôi đem cái phú quý ấy vứt xuống sông chăng? Nói chứ tôi thế mà ra tôi khốn khổ thật!

– Hằng muốn dùng làm gì, mặc! Nhưng tôi, tôi quyết không hưởng.

– Cái giọng lưỡi này bây giờ mới làm tôi phải kính phục biết bao! Khí khái quá! Này, nhưng mà cái người bây giờ nói những nhời cao thượng này giá trước đừng đến lấy tiền nghìn của ai để làm việc thì cái cao thượng bây giờ mới có nghĩa lý.

Việt Anh trừng mắt:

– Sao mà ngu thế? Đã vay một người bạn, đã chịu lụy bạn khi bạn sống, thì đó là một nhẽ nên hưởng luôn thể cơ nghiệp của bạn khi bạn chết à?

Hằng không đáp, cúi đầu vừa đi vừa nghĩ ngợi. Suốt quãng đường dài qua nhà chứa thuốc súng hai người không nói gì với nhau. Sau cùng, Hằng hỏi:

– Anh! Việt Anh! Có điều gì khiến mình phải nghĩ ngợi… Điều gì vậy? Vì tôi rất lấy làm lạ về thái độ của mình. Hay là trước khi Hằng làm vợ mình Hằng đã là một quả phụ? Mình đau đớn về nỗi ấy phải không?

– Không.

– Thế thì vì nhẽ gì? Tôi chịu, xin chịu không đoán nổi nữa. Xưa kia, còn là vợ người khác, tôi lại thấy mình không nghĩ ngợi nhiều như bây giờ, chưa có giọng chua chát như bây giờ. Bây giờ tôi là vợ mình đến nơi, có thể bảo là giấc mộng đã đến lúc thực hiện, thì lại thấy mình có cái tâm hồn bứt dứt của một người hối hận. Hay là mình có điều gì hối hận?

Anh, một cách mệt nhọc:

– Hối hận? Có lẽ. Nhưng mà thôi, rồi ra sẽ nói sau cái việc… hối hận ghê gớm ấy chưa cần phải nói bây giờ.

Hằng sợ Anh đã giận mình không dám hỏi nữa.

Từ đó, đôi bạn mất vui. Khi về đến gần bệnh viện. Hằng nói một mình:

– Quái chửa kìa! Cái xe hòm nào như là xe của Huỳnh Đức.

Anh để tay lên mắt rồi gật:

– Xe của Huỳnh Đức thật.

Hai người bước mau chân. Khi còn cách mấy bước, một người đẫy đà, mặc bộ âu phục màu gỗ hồng bước lên xe đóng cửa đánh sập một cái. Xe đã chực chạy. Anh và Hằng phải gọi, thì một bộ mặt trắng trẻo như mặt người Nhật Bản ló ra, quay lại rồi cười.

Huỳnh Đức xuống xe. Bắt tay Việt Anh xong, Đức nói:

– Tôi có lại tòa báo, không gặp ông, tôi lại đến đây thấy bảo cô Hằng cũng đi dạo mát. May quá, tí nữa thì lại không gặp. Tôi ở Hòn Gay về, trước khi về đây, đã có tạt vào qua nhà thăm hai cụ.

Hằng hỏi:

– Ở mỏ có gì lạ không?

– Cũng chả có gì lạ cho lắm.

Thế rồi ba người đứng tần ngần. Biết chắc anh em người ta có chuyện riêng với nhau, Việt Anh vội cáo thoái:

– Thôi, tôi xin phép. Chốc nữa mong bác tạt lại chơi.

– Vâng, vâng. Nhưng mà lại nhà riêng hay lại tòa báo?

– Nhà riêng, số 14B, phố Nam Tràng.

– Về ngả nào thế nhỉ?

– Gần Tây Hồ.

Anh lên một cái xe tay; Hằng đưa Đức vào bệnh viện. Đến phòng, nàng bảo đứa con đòi đi lấy nước nóng rồi mời Đức ngồi và hỏi:

– Thầy me em có nhắn gì cho em không, anh?

– Ông bà hỏi cô có cần tiền không thì gửi. Mà gửi tên ai, thế nào, gửi cho thầy thuốc hay tên cô?

– Tiền à? Làm gì nhỉ? Tôi cũng còn nhiều, đủ tiêu?

– Thế cô mạnh hẳn chưa?

– Em mạnh lắm rồi anh ạ. Ở mỏ có gì lạ không?

– À vừa rồi có mấy cái cờ đỏ với mấy trăm truyền đơn. Sở mật thám Hòn Gay về bắt lung tung cả.

– À chết, tí nữa quên mất! Anh về lấy cho em sáu trăm nhé. Gửi bưu phiếu cho tên em, ở đây. Việc cần lắm đấy nhé, anh nhớ đấy nhé!

– Việc gì mà cần ngay thế?

– Rồi em sẽ cắt nghĩa cho thầy em sau.

– Hay là…

– Thế nào?

– Hay là tôi sẵn đây, tôi ứng ra trước. Gửi bưu phiếu sợ phải đợi lâu chăng…

– Hay thế cũng được, cảm ơn anh lắm.

– Có tôi phải cảm ơn cô thì có. Tôi không muốn giữ nhiều tiền trong mình.

– Được, cứ việc gửi tôi.

– Đây, thế tôi xin đưa ngay.

Huỳnh Đức giở ví, đếm sáu mảnh giấy một trăm đoạn cung kính trao cho Hằng. Nàng cầm rồi nói đùa:

– Hay là nhân dịp này anh mừng quách tôi cho xong.

Rồi nàng cười khanh khách. Chợt nàng phải ngây người ra, hơi biến sắc mặt. Đức đã đáp bằng một cái thở dài. Chàng buồn bã lấy khăn lau mấy giọt mồ hôi điểm lấm tấm cái trán bóng lộn.

– Mừng cho cô thì có nhưng chẳng đáng mừng gì cho tôi. Cô nên biết rằng việc cô lấy chồng, tôi coi như… cái chết của cả cuộc đời tôi vậy.

Hằng đứng lên, vẫn đáng yêu mà vẫn có lễ phép:

– Thôi anh ạ, biết làm thế nào? Biết nhau thì đã muộn. Hằng hy vọng rằng lấy chồng rồi cũng vẫn được anh yêu như xưa, cái tình anh em.

– Khốn nỗi tình anh em chỉ là tình anh em!

– Thế không phải là không nồng nàn và đáng quý.

– Cô không yêu, cô nói thế được. Còn tôi, tôi chỉ thấy đáng quý chớ không nồng nàn. Tôi không có phúc. Ông bà đã bằng lòng nhưng cô, cô không!

– Tại anh đến muộn quá.

– Cuộc đời tôi thật là trống trải. Cuộc đời vô nghĩa lý!

Hằng cảm động, phải rền rĩ:

– Tôi biết làm thế nào!

Đức lau một vòng nước mắt, rồi đứng dậy!

– Tôi điên rồi. Tôi đã phá hoại hạnh phúc của cô. Tôi đã phạm phải một điều cấm của quan thầy thuốc. Cô tha lỗi. Mà tôi chỉ xin cô nhớ: Cô sướиɠ là tôi sướиɠ, thế thôi. Du͙© vọиɠ của tôi là thứ du͙© vọиɠ ôn hòa.

Rồi chàng ra đi, loạng choạng như say rượu.