Con đường đi Hòn Đâu lúc đó vắng vẻ, mặc lòng trời tạnh mây quang. Kể từ khách sạn Pagodon đi, dần dần chỉ thấy dân quê, vì du khách mỗi lúc một ít bớt. Lúc đó mới quá 12 giờ. Nếu không có nhiều tầng mây do thỉnh thoảng bay qua che lấp mặt trời thì Việt Anh và Tiết Hằng đã chẳng lững thững đấy, đã vào ngồi một bàn trong khách sạn Pagodon.
Hai người lững thững đi cạnh nhau như một cặp vợ chồng, nhưng không năng chuyện trò với nhau mấy. Vì rằng Tiết Hằng chưa biết nên nói ra sao cả, còn Việt Anh thì, vào cái trường hợp cần phải suy nghĩ ấy, chàng cũng phải dè dặt chứ chẳng dại gì mà cứ mải coi thường cái bụng đàn bà như xưa. Đã mang mãi sự thất vọng trong lòng, hôm nay chàng lại còn phải lo vơ vẩn…
Mấy dòng trong mảnh thư trao vụng ban nãy tới tay chàng sẽ dắt đến sự cự tuyệt giữa hai người cùng đau đớn hay sẽ là sự hẹn hò của một cuộc ái ân? Khó đoán. Hằng đã bất mãn vì mọi cử chỉ gai mắt của Anh chăng? Điều đó rất có thể, đối với bụng dạ đàn bà. Nhưng nếu nó thật thì nó là một sự vô lý, rất vô lý.
Việt Anh chất vấn ký ức, gợi đống gio tàn, hồi tưởng lại cái ngày đau khổ nhất đời của chàng là ngày chàng đem sự chúc mừng đến cho cặp vợ chồng mới cưới: Đào Quân, Tiết Hằng. Sau hôm đó trở đi, đến mấy tháng trời chàng không hề quay lại nhà bạn và, đó là Đào Quân phải đến tìm chàng một cách thành thực để giúp đỡ chàng ra khỏi cái cảnh túng thiếu, do sự từ Nam Kỳ bị đuổi ra đây. Một lần, Anh nói với Hằng một cách chua cay: “Không! Tôi chẳng phải là hạng giận thân giận đời! Việt Anh có đâu lại hèn như vậy. Yêu ai thì cầu cho người ấy được hưởng hạnh phúc trên đời còn bao nhiêu điều đắng cay, điều bất hạnh, điều vô phúc, thì cứ việc đổ vào đầu tôi”. Lần ấy, Hằng ngồi nhịn thở nghe câu nói đó một cách căm tức chớ không đáp lời.
Hai người yêu chẳng được, dần dần hầu như ghét nhau. Nhưng cả hai đều thấy thi vị trong cái sự căm hờn chung đó, bởi lẽ chính đó là một bộ mặt của ái tình. Không yêu còn đâu ghen, không ghen còn đâu oán hận.
Một hôm, Hằng nói: “Thôi chẳng qua chúng ta không chung duyên kiếp. Sự xảy ra rồi, đã không còn cách gì chữa lại được nữa, mình chỉ nên coi tôi là một người bạn gái trung thành là hơn. Mình đã nói với tôi một cách chua cay rằng tôi là người được hưởng hạnh phúc. Tôi đã cam lòng nhận lời mai mỉa ấy thì tôi cũng có phận sự tìm hạnh phúc giúp mình. Việt Anh nên nhận tôi là một người bạn gái trung thành có một không hai. Hằng xin nguyện với quỉ thần như vậy. Tôi xin tìm hộ một người bạn trăm năm rất đáng hưởng cái lòng yêu của mình, vả lại, Hằng cũng thường vấn tâm và rất lấy làm lạ rằng một người như Hằng thì không biết có phương diện nào đáng để cho một người như Việt Anh dành cho một chỗ trong tâm…”.
Chàng đã nghe câu nói đó rất kỹ lưỡng, nhưng cũng không đáp. Mà về phần Hằng, nàng cũng cho sự lặng im đó có nghĩa của một cái gật đầu. Thế là nàng nhầm mất một lần, vì rằng muốn người yêu mình đương đau khổ vì mình hay không còn phải đau khổ nữa thì nghĩa là không còn chịu nhận cái ái tình vô hi vọng kia.
Việt Anh đã là người sinh ra đời để đau khổ chàng cần được người ta để mặc chàng cứ đau khổ.
Vậy thì, sau những lời Hằng đã nói, liệu nàng còn có thể bực mình vì những cử chỉ của chàng khi gần Yvonne không? Nàng lại có thể vô lý đến bậc ấy nữa kia à?
Việt Anh cứ đi gần Tiết Hằng mà nghĩ ngợi liên miên… Chàng đoán lời lẽ trong thư, kết luận đến cái lòng ghen của Hằng rồi nghĩ thầm: “Vô lý! Nếu thế thì vô lý quá!”. Nhưng đó là Việt Anh, trong một phút rối loạn, đã tự lừa dối mình. Chính thực ra, chàng vẫn muốn Tiết Hằng nổi ghen, cứ việc vô lý thì chàng mới được hả dạ.
Đường vừa đến chỗ Chấm Tròn ở Hòn Đâu. Phía dưới đường là những tảng đá nhỏ to lởm chởm, rồi thì bể. Vài người quần áo rách ngồi kiên nhẫn, rải rác thả câu. Trước mặt là một ngọn đồi con, cũng có ít nhiều cây, hao hao giống núi Nùng.
Xa xa ngọn đèn pha chơ vơ trên một cái đảo con như đứng quảng cáo cho sự hiu quạnh.
– Ta ngồi xuống?
– Phải đấy!
Hằng và Anh bảo nhau ngồi xuống một ghế dưới một bóng me. Diu-diu-diu-diu, tiếng ve sầu như ru ngủ. Đằng xa, thấp thoáng, mấy cánh buồm nâu to không hơn mấy cái chấm, phân biệt cảnh ánh nước l*иg trời.
Hai người ngồi im lặng trong một lúc đã khá lâu. Không phải im để ngắm cảnh nhưng để ngẫm nghĩ cẩn thận, để liệu đường khởi thế công, thế thủ với nhau cho khôn khéo.
Sau cùng đó là Hằng phải nói trước:
– Thật mai mình về Hà thành?
– Phải. Cứ ở đây mãi, có ích gì cho ai?
– Mà lại còn nguy hiểm cho tôi nữa.
Việt Anh nhìn Tiết Hằng một cách mỉa mai, đoạn gay gắt giọng:
– Thưa bà, nguy hiểm là nghĩa lý gì ạ? Tôi đây, tôi sở dĩ đem lòng kính yêu bà là vì bà đã tỏ ra là người đàn bà trinh tiết nhất đời, chỉ vì thế thôi. Nếu tôi lại được hân hạnh là… nguy hiểm cho bà thì còn nói gì nữa!
Tiết Hằng cười nhạt.
– Phải, mình về ngay Hà Nội là rất phải. Lắm lúc tôi cũng lấy làm lạ rằng sao tôi lại nhu nhược đến nỗi để cho một người chẳng là chồng tôi mà cứ mỉa mai gắt gỏng luôn luôn với tôi, y như một người chồng! Mà có phần lại tệ hơn một người chồng nữa!
Anh cúi đầu ngẫm nghĩ, hối hận lắm. Hồi lâu chàng ngẩng lên ôn tồn nói:
– Vâng, tôi đã nói tôi về là tôi về. Thật đúng như lời Hằng nói… tôi đã là một kẻ khó chịu, vô nghĩa lý. Nhưng làm thế nào được? Đã đau khổ trong lòng mà bắt cũng cứ vui như mọi người thì vui làm sao? Tôi phải xa Hằng, phải quên Hằng mới được. Nếu không, cứ gần gũi mãi Hằng thì lòng yêu kính đến thành ra sự thù hằn oán ghét mà thôi.
– Mình thật là một người điên.
Anh không để ý đến câu nói của Hằng, cứ nói luôn như không cần cho ai nghe cả:
– Bây giờ tôi đã tỉnh ngộ nhiều lắm. Mình vẫn khuyên tôi mãi rằng ở đời này, chỉ nên cầu lấy sự hạnh phúc tương đối mà thôi. Tiết Hằng không là vợ Việt Anh nhưng là một người bạn gái trung thành có một không hai của Việt Anh! Thật không khác gì mình bảo ngay vào mặt tôi rằng: “Tôi không lấy anh nhưng vẫn là người giúp đỡ anh, tưởng cũng đã phúc cho anh lắm”. Có nói thế, tôi mới biết rõ rằng tôi là một kẻ nghèo.
Đến đây Việt Anh đứng lên, mặt biến sắc. Chàng tì một tay vào thành ghế, còn tay kia rút khăn ra lau trán, cái trán đã lấm tấm mồ hôi.
Tiết Hằng ngước nhìn một cách sợ hãi, xót thương, nhưng chưa kịp tìm lời cãi cho mình thì Việt Anh lại làm một thôi thẳng nữa:
– Mà sao tôi lại cứ điên rồ chạy theo Hằng như bóng theo người thế này nhỉ? Thật vậy, người ta bảo rằng du͙© vọиɠ làm cho người ta mất trí khôn cũng đúng lắm. Thế mình dắt tôi ra làm gì ở đây? Tôi rất muốn rằng để mình cự tuyệt tôi cho tôi có can đảm lánh mặt mình đi hơn là lại cứ an ủi tôi, hoặc giày vò tôi bằng những lời hứa. Tôi bây giờ có hi vọng gì nữa đâu. Người ta hi vọng đến sự thực, còn tôi. Hằng chỉ cho tôi hi vọng đến hi vọrg! Thôi, còn nói gì nữa! Muộn cả rồi! Tôi bị hỏng một nửa phần hồn rồi.
Việt Anh lắc đầu thở dài rồi lại ngồi xuống ghế như một cái cây đổ, Hằng cầm lấy hai tay chàng mà thỏ thẻ bên tai:
– Anh! Anh! Tôi van mình… mình làm ra đau khổ quá, tôi càng thêm bối rối, không biết tính sao nữa. Mình khổ là tôi khổ. Mình có yêu tôi thì nên kiên nhẫn, nên vui vẻ cho tôi đỡ lo… Tiết Hằng bao giờ cũng yêu quý Việt Anh hơn hết mọi kẻ mà Hằng có bổn phận yêu quý trên mặt đất này…
– Mình! - Việt Anh vẫn thế, lại vẫn những giọng cũ rích! - Tôi tưởng nếu chỉ có thế thì cần gì Hằng bắt tôi theo Hằng ra đến tận đây?
Tiết Hằng cũng gắt lại:
– Thế thì anh muốn gì nữa nào?
Việt Anh lúng túng đáp:
– Muốn gì à? Nào tôi có muốn gì nữa đâu. Ồ! Giá mình mắng ngay vào mặt tôi đại thể rằng: “Đồ khốn nạn! Bước ngay! Tao không muốn bẩn mắt nhìn mày”, chẳng hạn… Nếu thế, tôi lại có can đảm cầm mũ đi ngay. Mà thế tôi mới có thể quên được… Chứ không thì… Giời ơi! Tôi quên làm sao!
Hằng lại dịu dàng:
– Anh! Mình quên cái bổn phận của mình rồi… Mình vẫn nói cho tôi rõ cái chí hướng khác đời của mình, nói rằng đời mình phải là đời hoạt động, có ích cho người khác, chớ có phải sẽ chỉ là cái đời của một kẻ yếu hèn, lăn lóc trên giường tình đâu… Lần này là lần đầu tôi dám đả động đến mình vì mình đã có phần chểnh mảng nghĩa vụ…
Tức khắc Anh ngắt lời nàng:
– Hằng nói đúng lắm! Nhưng mà tôi bây giờ có những tư tưởng khác xưa rồi. Nghĩa vụ của đất nước này có nghĩa lý gì? Tôi cần gì đến nghĩa vụ nữa? Vì nghĩa vụ, tôi đã bị đời lánh mặt vì khinh bỉ cũng có, vì ghê sợ cũng có, nào ai thèm biết đến những điều tôi rất có thể được hưởng mà vì nghĩa vụ, tôi đã phải hy sinh đi? Thôi, nhưng cái đó là chuyện để mà đùa. Đây này, nếu tôi không vì nghĩa vụ thì, dù tôi chẳng là con một nhà đại tư bản đi nữa, dễ mấy lúc đã để Tiết Hằng thành ra bà Đào Quân!
Những lời hằn học đó rất cảm Tiết Hằng. Nàng chợt nhớ lại những ngày còn là bọn học trò trẻ cả. Hồi đó, Việt Anh là một trò thông minh, giỏi nhất lớp, Đào Quân chỉ cắp sách đến trường học để ngủ gật với để bị phạt vì không thuộc bài. Người ta thay đổi địa vị chóng thật. Mới ngày nào cậu học trò hi vọng của cả một trường, đã như hứa với mọi người một cuộc tương lai rực rỡ nhất thì bây giờ lại là một người lỡ dở nhất về công danh. Anh học trò ngu đần lại chủ trương những công cuộc doanh thương hiển hách.
Hằng nghĩ rồi mà càng đem lòng kính trọng Việt Anh. Nếu đã nghĩ như mọi người, thì địa vị chàng cũng đã thừa sự bình yên như mọi người. Nàng ra vẻ kể lể:
– Thôi, ta chả nên nhắc lại chuyện cũ. Không cần thế. Mình cứ biết rằng Hằng bao giờ cũng yêu quý mình, đau khổ vì mình, thế thôi. Việc gì cứ phải lấy nhau mới là yêu nhau được?
Anh giương tròn đôi mắt hỏi:
– Hằng nói là yêu tôi, được lắm, nhưng nào có sự gì để tỏ rõ lòng yêu?
– Tôi xin lấy danh dự cam đoan lòng yêu với mình. Ở đời này, Tiết Hằng nguyện chỉ yêu mình Việt Anh.
– Mình hứa sẽ chỉ yêu tôi, sẽ về tay tôi?
Tiết Hằng gật gù:
– Có thể lắm. Nếu được tự do tôi sẽ lấy mình.
Việt Anh hấp tấp:
– Sao mình lại không được tự do? Lúc nào muốn tự do mà chả được?
– Mình muốn Hằng phải ly dị chồng ư? Không nên nói đến sự ấy một tí nào cả. Nhất là khi Hằng còn bố mẹ đây kia…
– Thế thì bao giờ mình được tự do?
– Biết thế nào mà nói trước được?
– Hai chữ tự do ấy, mình có ý nói chẳng may khi nào góa chăng? Chờ khi Đào Quân chết à? Mình bắt tôi mong Đào Quân sớm chầy bất hạnh chết đi à?
Tiết Hằng đứng dậy tái mặt:
– Ồ! Việt Anh!
– Thế thì mình bảo tôi hi vọng cách nào? Trông mong vào đâu? Ly dị mình đã không muốn…
– Tôi không đời nào xin ly dị, đã đành vậy, nhưng Quân rất có thể xin ly dị được kia mà.
– Việc gì tự nhiên Đào Quân lại xin ly dị vợ? Nó có là một thằng điên đâu! Vợ nó là người cho nó tự do muốn bắt nhân tình với ai thì cứ việc… Chớ không có ghen tuông gì, lại là một người đẹp… vì cớ gì nó có thể ly dị vợ nó? Ồ, Hằng! Mình thật là vô nghĩa lý, mình đã mất trí khôn. Này, Hằng, tôi yêu cầu mình chỉ nên thốt ra những lời tâm sự đã không yêu thì không cần cớ phải nói dối là yêu. Mình không yêu tôi! Mình là người đàn bà có nết, không thể trái lời cha mẹ, cũng không thể lừa dối chồng! Mình không dám yêu tôi, mình chỉ có thể thương hại tôi mà thôi. Đừng cho rằng thương với yêu cũng là một…
Tiết Hằng ngồi xuống, lặng im. Nàng thấy hình như Việt Anh nói đúng. Nàng đã thương nhiều hơn đã yêu. Mà nếu có yêu Việt Anh thì cũng là do vì thương mà nên, chứ sự gìn giữ, sự dè dặt, xưa nay vẫn không phụng sự ái tình.
Việt Anh năn nỉ:
– Hằng! Hằng! Nếu mình không ly dị thì không xong!
Tiết Hằng nghiêm trang:
– Xin đừng ai buộc Tiết Hằng phải là đứa con bất hiếu!
Việt Anh thở dài, đứng lên. Chàng lấy thuốc ra hút, khoanh tay đi đi lại lại trước ghế. Rồi chàng cất cái giọng sang sảng của một giáo sư dạy học trò:
– Hôn nhân không phải là một kế đáng dùng vào sự thương mại; nó là một điều tốt đẹp vô cùng, vì nó dắt đến hạnh phúc. Khi người ta lấy chồng như tậu một cái nhà gạch để rồi cho thuê lấy lãi thì người ta nên hối hận, nếu người ta không là người hèn.
Hằng cứ ngồi nghe, những điều châm chọc ấy một cách điềm nhiên như không… Thấy không công hiệu gì, Anh lại quay về giọng năn nỉ:
– Ồ, nếu mình yêu tôi sao mình lại không ly dị? Mình có sướиɠ gì đâu? Quân là đứa chơi bời, có người vợ như mình mà không biết yêu một cách xứng đáng! Nó cứ mỗi tuần lễ lại phải thay một người nhân tình, y như mình thay áo sơ mi. Tiết Hằng! Mình đau khổ. Vì trong cuộc trăm năm mình không thấy hạnh phúc. Cho nên mình phải sống cái cuộc đời xã giao lịch thiệp một cách vô nghĩa, người ngoài phải tưởng là sung sướиɠ như tiên, nhưng chính ra, mình không thấy sướиɠ bao giờ. Người Hằng yêu thì Hằng không có quyền yêu. Mà người có quyền yêu Hằng thì lại không yêu Hằng. Đào Quân lấy được mình làm vợ tức như lấy được sự kiêu ngạo. Hắn có cái nhẫn quí giá trong tay, thế thôi. Có bao giờ người ta lại đem lòng yêu một cái nhẫn ngọc quí giá? Hằng! Mình có muốn biết tên tuổi những nhân ngãi của Quân không?
Tiết Hằng lắc đầu uể oải:
– Biết để làm gì nhỉ? Mình muốn tôi phải ghen Quân à?
Việt Anh lại ngồi xuống ghế nhìn ra phía bể. Chàng nói một mình:
– Thế thì tôi chỉ còn hy vọng có một điều… là Đào Quân bất hạnh chết mà thôi. Phải, Hằng thành quả phụ, chúng mình sẽ công nhiên lấy nhau, bấy giờ ta sẽ tha hồ sung sướиɠ. Nhưng biết bao giờ mình sẽ góa chồng! Đào Quân béo tốt, khỏe mạnh, vững chãi như một tảng đá, nó sẽ sống mãi, sống mãi cho đến bao giờ thành yêu thành tinh! Thế là nó mà sống trăm năm thì cái ái tình của chúng ta cũng trong trăm năm phải vô hi vọng!
Hằng đứng dậy, mặt vẫn bình tĩnh quả quyết:
– Thôi ta về. Rồi mình cũng về Hà thành với Quân.
Anh trước cái thái độ ấy, tuy ngạc nhiên nhưng cũng phải cầm mũ đứng lên đi theo, không dám căn vặn lời nào.