Trục Vương (Theo Đuổi Nghiệp Đế Vương)

Quyển 6 - Chương 12

Chương 12:

Thầy bại thì tớ cụp đuôi, Tạ Trung Nhân suy sụp lại tựa như Nhan Tử Liêm chết vì bệnh năm đó, kéo hết đảng phái của lão xuống vực sâu.

Đối với Tạ Trung Nhân vẫn còn đang trong quá trình thẩm vấn, đối với đám hoạn quan bị xử lý từ kinh đô đến địa phương, phái trí thức ba năm trước đây bị chèn ép phản kích đến cùng. Tấu chương tố cáo, tiến gián mỗi ngày bay vào thành như hoa tuyết, công văn trên các Văn Uyên chất cao bằng một bức tường, tấu chương chờ hoàng đế phê duyệt còn nhiều không đếm xuể hơn.

Chiêu Vũ đế xử lý chính vụ không thể thiếu thái giám nắm ấn Ti Lễ giám, lão định thăng chức cho Vu Cát, nhưng Vu Cát không biết chữ, nhất thời không tìm được ai thích hợp, vì vậy đã triệu Thái tử Trần Xuân đang bắt đầu tham gia chính sự qua xử lý mới được thở một hơi trong đống chính vụ sứt đầu bể trán này.

Chuyện này vốn không hợp pháp nhưng bây giờ chẳng có ai rảnh quan tâm tới đó, triều đình sắp loạn hết cả lên, hoạn quan và tri thức chỉ trích lẫn nhau, tựa như lại trở về đêm ba năm trước.

Trong lòng Mạnh Đạc biết bây giờ loạn trong giặc ngoài, triều đình không thể loạn, nên sau khi bàn bạc với các vị trọng thần đã cùng tiến gián với Chiêu Vũ đế rằng chỉ trừng phạt thủ phạm chính, nhiều quan viên bị ép tòng phạm tạm không hỏi tội. Hành động này một là cân nhắc lấy đại cục làm trọng, hai là có thể mua chuộc lòng người, ba là sau này nhược điểm của những quan viên này đều trong tay bọn họ, họ có thể dễ dàng nắm thóp, không lo hư danh.

Quyền lực chính là thứ như thế, không ở trong tay ngươi thì ở trong tay ta, cho dù chỉ nắm một cái đuôi cũng sẽ liều mạng nắm nhiều hơn. Nắm chặt một ngày, dù chết vẫn không muốn buông tay.

Đối với một vị hoàng đế lười quản việc nước mười mấy năm như Chiêu Vũ đế đã sớm bị hành cho mỏi nhừ, há lại có lý không nghe, nên lão cực kỳ vui vẻ đồng ý ngay, còn khen họ biết nghĩ cho toàn cục.

Nếu không truy vấn những tòng phạm thì thủ phạm phải bị trừng phạt nghiêm khắc hơn. Đại Lý tự truy bắt hai mươi chín trụ cột của đảng hoạn quan, trong đó có mười hai người ở kinh đô, mười bảy người ở địa phương. Nếu tội những người này là thực thì theo luật tất cả đều là tội chết, Tạ Trung Nhân còn là tội lớn phải lăng trì, tịch biên di tộc.

Nhờ có những bằng chứng Yến Tư Không cung cấp đầy đủ, Tam Pháp ti đã bắt những kẻ cần bắt, thẩm những kẻ cần thẩm, một lượng lớn người thuộc phái hoạn quan bị tống phăng vào ngục.

Nhưng vụ án Quảng Ninh mà Yến Tư Không quan tâm nhất lại có kết quả khiến y không hài lòng. Thứ nhất vụ này đã xảy ra từ lâu, thứ hai Hàn Triệu Hưng không quy án*, không biết thẩm vấn làm sao. Mặc dù Triệu Phó Nghĩa đã làm theo lời căn dặn của Yến Tư Không, khai báo rõ với Chiêu Vũ đế tình hình năm đó, nhưng dù sao hắn cũng không tận mắt chứng kiến nên không thể trở thành nhân chứng được, mà thư trần tội của Cát Chung bị ép phải nhận trước khi chết, đến nay Yến Tư Không vẫn chưa dám lấy ra. Qua vụ Tạ Trung Nhân, cái tên "Yến Tư Không" đã danh chấn thiên hạ, người Liêu Đông năm đó có lẽ vẫn còn nhớ tên y, nếu giờ y lại lấy thư trần tội của Cát Chung ra, y sẽ không biết giải thích nguồn gốc lá thư này thế nào, mà trái lại còn bại lộ y quá quan tâm đến vụ án Quảng Ninh, chỉ cần để kẻ có ý đồ xấu điều tra, rất có khả năng sẽ lật tung từ đầu đến gốc thân phận y.

*Quy án: tội phạm chạy trốn bị bắt dẫn đến cơ quan tư pháp để thẩm vấn, kết án

Cho nên tạm thời y chỉ có thể giữ trong tay, chờ khi bản thân nắm trọng quyền rồi, y nhất định phải cho cả thiên hạ biết năm đó rốt cuộc là ai phòng thủ Quảng Ninh, phòng thủ Liêu Đông.

Mấy ngày nay tuy rằng trong triều hỗn loạn nhưng biên quan lại truyền đến tin tốt. Tướng quân Triệu Phó Nghĩa ngăn cản Trác Lặc Thái, trận đầu báo thắng lợi. Mặc dù mới chỉ lui địch tạm thời nhưng là tin tốt nhất của Liêu Đông thoi thóp trong những năm gần đây.

Bây giờ mệnh hoạn quan sắp tận, nhưng bởi vì tội ác chồng chất, liên lụy quá nhiều, quá rộng nên Tam Pháp ti phải xử lý ngày đêm. Muốn tra rõ toàn bộ e phải mất ít nhất một hai năm. Chiêu Vũ đế rốt cuộc cũng được nghỉ ngơi, giờ tỉnh táo lại liền nhớ đến Phong Dã.

Hiện Phong Dã đã dẫn đại quân từ Hồ Quảng thẳng tiến đến Tây Bắc, phần lớn các cuộc hành quân của hắn đều ở phủ Kiềm Châu. Nơi đó địa thế hiểm trở, rừng thiêng nước độc, hầu hết là hoang sơ cằn cỗi, vốn chẳng có sức chống đỡ, khí thế của Phong Dã lại đang mạnh, đến Hà

Sáo chỉ là vấn đề về thời gian.

Triều đình cũng không lo hắn đánh bại Hà Sáo, vì vốn Hà Sáo là đất miễn cưỡng thu hồi sau khi Ngõa Lạt đại bại, nhưng ở đây man di hoành hành, loạn lạc quanh năm, bách tính an phận thủ thường vốn không biết mưu sinh thế nào chứ đừng nói là khai hoang đồng ruộng, ý nghĩa đối với triều đình đã kém xa chục năm trước, cho dù Phong Dã đánh bại Hà Sáo thì cũng chỉ là có được ngựa chiến tốt, vẫn chưa đủ để kinh sợ. Cái đáng sợ thực là Hà Sáo giáp với phủ Đại Đồng, mà quân Đại Đồng từng là thuộc hạ cũ của Phong Kiếm Bình, nếu Phong Dã dụ hàng thành công, vậy hắn đã nắm lực lượng thực sự có khả năng lật đổ triều đình.

Bây giờ nạn Liêu Đông tạm hoãn, vụ hoạn quan cần bàn bạc kỹ hơn, đương nhiên Chiêu Vũ đế bắt đầu lo lắng loạn Lang Vương.

Triệu Phó Nghĩa đã bí mật dâng tấu tiến cử cho Yến Tư Không làm thuyết khách*, tấu chương đề xuất thăng Chúc Lan Đình lên thống soái quân Cấm Vệ cũng được gửi lên nhiều lần, hơn nữa ba ngày nay Vạn Dương liên tục tiến cung, năn nỉ Chiêu Vũ đế thả Yến Tư Không, vốn Chiêu Vũ đế khá có thành kiến với Yến Tư Không qua chuyện của Tạ Trung Nhân, nhưng nhìn cái bụng ngày một "nhô ra" của Vạn Dương lại không biết làm sao, đành triệu Mạnh Đạc tới thương nghị nên xử trí Yến Tư Không thế nào.

*Thuyết khách: người thuyết phục người khác tiếp nhận một chủ trương nào đó

Mạnh Đạc vừa cầu Chiêu Vũ đế đặc xá cho đám quan viên bị ép phạm tội cùng Tạ Trung Nhân, vốn tội của Yến Tư Không không đáng chết nên cũng thuộc trong đám này, đương nhiên hắn phải thuận nước đẩy thuyền, kiến nghị cách chức phạt bổng, hoặc giáng xuống địa phương vài năm.

Chiêu Vũ đế theo đó mà hạ chỉ giáng Yến Tư Không từ Tả thị lang bộ Binh Tam phẩm xuống còn Ngự sự tuần án thất phẩm, điều đến Hà Sáo thuyết phục Phong Dã đầu hàng.

Mạnh Đạc không hiểu rõ lợi hại bên trong nên cũng chẳng cảm thấy có gì kỳ lạ, nên việc này cứ định như thế, đi theo kế hoạch của Yến Tư Không.

Sau hơn một tháng bắt giam, Yến Tư Không bị tuyên án, y chỉ phải trả giá rất nhỏ, sau đó được thả về nhà. Bởi vì có Mạnh Đạc chiếu cố nên ở trong ngục ngoại trừ mười roi ra thì y không còn chịu tội nào khác, song ngày đêm ăn ngủ không ngon, lắm nỗi lo âu nên đã gầy đi rất nhiều.

Mặc dù kế hoạch nguy hiểm trùng trùng, y lại không nắm chắc hoàn toàn, ngày nào cũng lo lắng hãi hùng, rất sợ khi tỉnh lại mọi thứ sẽ đảo lộn, nhưng cuối cùng y vẫn thắng. Bây giờ Tạ Trung Nhân đang ở trong ngục chờ ngày xét xử, y đã báo được đại thù, xử gọn độc vật đã cắm rễ Đại Thịnh hơn ba mươi năm nay!

Cuối cùng y đã không phụ thân sinh, dưỡng phụ và nghĩa đệ của mình, cuối cùng y đã không phụ ân sư ôm nỗi hận mà chết, cuối cùng y đã có thể cởi bỏ gánh nặng vác trên lưng nửa đời người mà làm chuyện thật sự y muốn làm.

Y muốn gặp Phong Dã, ba năm rồi, y rốt cuộc cũng được gặp Phong Dã, y sẽ dùng nửa đời sau của mình để thực hiện hùng tâm tráng chí mà thuở thiếu thời y và Phong Dã đã ước hẹn!