HẬU CUNG TANG TỐ TRUYỆN #1: HÌNH TƯỢNG CỦA BÁT NHĨ TỀ CÁT ĐẶC TỐ LẶC
Để mở ra hồi IV, cùng dựng lên hình tượng Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu Bát Nhĩ Tề Cát Đặc Tố Lặc trong vũ trụ Hậu cung Tang Tố truyện qua hình tượng Dĩnh phi Ba Lâm Mi Nhược trong vũ trụ Hậu cung Như Ý truyện - Cũng bởi, hai hình tượng, hai nhân vật này có quá nhiều điểm tương đồng.
• "Từ biệt thảo nguyên, bước vào tường son, đổi xiêm áo triều Thanh. Gia tộc là trách nhiệm, cũng là chỗ dựa của nàng."
Một câu này được dùng trong nguyên tác Như Ý truyện của Lưu Liễm Tử, khái quát lại số phận của Mi Nhược, mà đưa vào đây cũng vừa vặn tóm gọn lại cuộc đời của Tố Lặc. Xúc tích mà chính xác, không sai dù chỉ nửa chữ.
Ba Lâm Mi Nhược, xuất thân cao quý, là con gái của Thân vương Ba Lâm bộ, gốc Mông Cổ. Nữ tử này mang cốt cách mạnh mẽ kiêu ngạo, có tính tình hoạt bát của thảo nguyên Mông Cổ, thạo bắn cung cưỡi ngựa, mà vừa có nét lãng mạn nhu tình. Sau lưng có 49 bộ tộc Mông Cổ, dám thẳng thắn can gián thói trăng hoa của Càn Long.
Bát Nhĩ Tề Cát Đặc Tố Lặc, xuất thân danh gia vọng tộc – cánh tả Trát Tát Khắc của bộ tộc Khoa Nhĩ Thấm, là hậu duệ của Đạt Nhĩ Hán Ba Đồ Lỗ Thân vương Mãn Châu Tập Lễ, là nữ nhi của Trấn Quốc công Khoa Nhĩ Thấm bộ. Nàng tươi đẹp kiều diễm, là hòn ngọc quý giá được a mã nâng niu thương yêu. Nàng kế thừa tính cách bình tĩnh dũng cảm của Mãn Châu Tập Lễ, quen cưỡi ngựa giỏi bắn cung. Nàng, chính là một tinh linh cao quý giữa thảo nguyên rộng lớn bát ngát của Khoa Nhĩ Thấm. Tố Lặc bên ngoài dịu dàng điềm đạm biết nhún nhường, nhưng thật ra bản chất là trời sinh tâm cao khí ngạo, cá tính ương ngạnh, hoạt bát thông minh. Sau lưng có Hiếu Trang thái hậu, thẳng thắn chất vấn tay đôi với Thuận Trị.
Hình tượng của Ba Lâm Mi Nhược được thể hiện một cách vô cùng xuất sắc qua diễn xuất của Trương Giai Ninh. Và bởi vì hai nhân vật này tương đồng đến đáng ngạc nhiên như thế, nhìn vào có thể thấy 7 - 8 phần của Bát Nhĩ Tề Cát Đặc Tố Lặc. Còn rất trẻ (chưa tới 20), rất thanh xuân, cũng rất có khí chất. Xuất thân danh gia vọng tộc cao quý, bên ngoài lễ nghĩa chu toàn dịu dàng điềm đạm mà vẫn giữ cái chất phóng khoáng hoạt bát nơi thảo nguyên, bên trong tâm cao khí ngạo, cá tính mạnh mẽ, không giống như nữ tử Hán tộc liễu yếu đào tơ.
Đây chính là Ba Lâm Mi Nhược, cũng chính Bát Nhĩ Tề Cát Đặc Tố Lặc.