Gả Cho (Hạ Giá)

Chương 13

Tuyên Cẩn đang dùng điểm tâm Ngự Thiện Phòng đưa tới. Ngâm Tuyết hầu hạ bên cạnh muốn hỏi lại thôi. Nàng biết Ngâm Tuyết muốn hỏi gì song lại giả vờ như không thấy. Đổi lại là Ngâm Sương, nàng sẽ không hỏi những chuyện Tuyên Cẩn không muốn nói. Hôm nay là lần đầu tiên Du Lẫm vào triều, Tuyên Cẩn không yên lòng về người ở Ngọc Hi cung, bởi vì tất cả đều là cung nhân trước kia hầu hạ Tiên Đế luyện đan chưa kịp đổi, cho nên nàng đã sai Ngâm Sương làm việc ổn trọng qua đó trông nom.

“Nương nương, tối qua Cảnh Vương có làm gì ngài không?”

Đêm qua Cảnh Vương ở Tuyên Ninh cung chừng một canh giờ, đến canh ba mới chịu rời đi. Ngâm Tuyết áp chế không được lòng hiếu kỳ, cũng là vì lo lắng, bất chấp sắc mặt Tuyên Cẩn mà hỏi.

Tuyên Cẩn mắt không nâng, “Nhiều chuyện.”

“Nô tỳ thấy vương gia rời đi rất chật vật, là ngài đày có phải không?”

Ngâm Tuyết rõ ràng là vui sướиɠ khi người gặp họa. Tối hôm qua Cảnh Vương rời khỏi Tuyên Ninh cung thì đυ.ng mặt nàng với bộ dạng mặt xám mày tro, Ngâm Tuyết nhìn mà hả hê. Nương nương của nàng là thanh khiết nhá! Thông minh nhá! Cảnh Vương có thể ức hϊếp nương nương của nàng mãi được sao? Lần này hiển nhiên đã Cảnh Vương trộm gà không được, còn mất nắm gạo.

Tuyên Cẩn thì nhớ lại ba điều quy ước với Hạ Sí Mạch – tuy chỉ là kế tạm thời nhưng chí ít cũng vượt qua được khó khăn trước mắt.

Ba ước định đó là:

Thứ nhất, trừ phi có chuyện quan trọng, bằng không y không được tùy ý xuất nhập Tuyên Ninh cung.

Hạ Sí Mạch không chịu, cò kè mặc cả mãi mới miễn cưỡng đồng ý chỉ-đến-buổi-tối.

Thứ hai, phải có sự đồng ý của nàng, Hạ Sí Mạch không được khinh bạc nàng. Dĩ nhiên y cũng không chịu, nhưng lần này Tuyên Cẩn gậy ông đập lưng ông, vì Hạ Sí Mạch luôn luôn mong muốn Tuyên Cẩn thật tâm chấp nhận mình, ép buộc làm gì đâu? Hạ Sí Mạch cắn răng đồng ý.

Thứ ba là không được làm khó Tuyên gia.

Về điều này thì Hạ Sí Mạch rất sảng khoái. Đừng nói làm khó, cho dù nhượng cả Tuyên gia thăng quan tiến chức cũng không sao cả. Thực quyền nằm trong tay nàng mà, nàng thật sự không sợ Tuyên gia. Và điều kiện trao đổi của nàng chỉ có một, đó là Tuyên Cẩn phải cho nàng một cơ hội, không được bài xích nàng, phải thử mở lòng đón nhận nàng.

Tuyên Cẩn sau khi cân nhắc xong thì đồng ý. Hạ Sí Mạch không có định kỳ hạn cho nên nàng có thể kéo dài thời gian. Nàng nghĩ y chỉ là cảm thấy nàng mới mẻ, một ngày nào đó sẽ chán, tự nhiên dời qua mục tiêu khác. Và một nguyên nhân khác quan trọng hơn là nàng biết mình không có khả năng thích Hạ Sí Mạch.

Nguyên bản quan hệ giương cung bạt kiếm sau khi có ước định thì hòa hoãn không ít.

Nguyên nhân Hạ Sí Mạch mặt xám mày tro là vì sắc tâm không đổi, điều kiện vừa định ra lại quên, muốn chiếm tiện nghi. Kết quả bị chế giễu.

Tuyên Cẩn sẽ không nói việc này cho Ngâm Tuyết mà nhắc nhở: Tuy Hạ Sí Mạch không được hoan nghênh ở đây, nhưng dù sao y cũng là Cảnh Vương, quy củ vẫn phải có. Đừng chọc giận y, dù nàng là Thái Hậu cũng không chắc có thể bảo toàn được mạng nhỏ của Ngâm Tuyết.

Ngâm Tuyết lúc này mới biết sợ. Nàng không thích Cảnh Vương cũng vì Tuyên Cẩn.

Ngâm Tuyết nghễnh cổ, cậy mạnh nói, “Chỉ cần vương gia không làm khó nương nương, tự nhiên nô tỳ sẽ tôn trọng ngài ấy.”

Tuyên Cẩn hiểu Ngâm Tuyết một lòng vì mình nên không nói gì thêm.

Sắp tới giờ vào triều, Từ Thăng đã chờ ở ngoài, Tuyên Cẩn đứng dậy thay đồ rồi đi đến điện Thái Hòa.

Trên đường đi, Tuyên Cẩn hỏi Từ Thăng:

“Từ công công nhập cung bao lâu rồi?”

Từ Thăng cung kính đáp “Thưa, độ khoảng 40 năm rồi ạ.”

“Lâu như vậy?” Tuyên Cẩn lại hỏi, “Từ công công năm nay bao nhiêu niên kỷ?”

“Thưa, lão nô năm nay 55.”

Tuyên Cẩn gật đầu, “Cũng 15 tuổi vào cung.”

Từ Thăng không nói gì tiếp nữa. Thái Hậu vào cung năm 15 tuổi; 16 tuổi tấn phong Hoàng Hậu là chuyện ai ai cũng biết.

Tuyên Cẩn: “Trong hoàng cung này, ngoại trừ Thái Hoàng Thái Hậu ra, Từ công công là người có thâm niên nhất rồi.”

“Nương nương chiết sát lão nô… Lão nô chỉ là một nô tài, cả đời lão nô mãi mãi hầu hạ chủ!”

Tuyên Cẩn cười, “Từ công công khiêm tốn quá. Tiên Đế còn tại vị, công công đã là Đại nội tổng quản, mọi ý chỉ của Tiên Đế đều do công công truyền xuống. Uy tín của công công trong hoàng cung e là còn hơn cả ai gia.”

Đang nói chuyện thì đυ.ng mặt vài tiểu thái giám đang đi tới, bọn họ hô Từ công công trước mới thỉnh an Tuyên Cẩn sau.

Từ Thăng quát “Không có phép tắc! Trước mặt nương nương, nào có nô tài vấn an lẫn nhau?” Từ Thăng quỳ xuống, “Lão nô quản giáo không nghiêm, xin nương nương trách phạt.”

Mấy tiểu thái giám hoảng sợ quỳ xuống, dập đầu nói “Nương nương thứ tội! Nô tài đã biết sai!”

Tuyên Cẩn cũng không để ý, nàng xua tay cho họ đứng lên và tiếp tục bước đi:

“Tiên Đế mê luyến tu tiên, mười mấy năm không thượng triều, bọn họ không biết hoàng cung còn có Hoàng thượng là chuyện hiển nhiên, không trách được.”

Lời này có hai nghĩa, Từ Thăng là lão nhân trong cung sao mà không hiểu. Trước kia nàng đúng là không quản việc gì, nhưng hôm qua, tại triều, một chiêu cách sơn chấn hổ đã cảnh báo cho tất cả biết: Thái Hậu nương nương không đơn giản. Cuộc nói chuyện dọc đường bây giờ rõ ràng đượm mùi lôi kéo, như nàng nói, Từ Thăng là Đại nội tổng quản, mượn sức ông ta chẳng khác nào là mượn sức toàn bộ nội thị trong cung. Ai bất trung thì loại bỏ; trung, thì tận dùng. Đây là một nước cờ tốt. Song đáng tiếc, Thái Hậu không biết hoàng cung này sâu cạn ra sao, dễ dàng thành công sẽ phản tác dụng. Dù sao vua cũng còn nhỏ, ngay cả việc ngồi lên long ỷ cũng cần có người ôm lên. Vì lẽ đó, Từ Thăng thấy Thái Hậu cũng không hẳn là khôn khéo.

Từ Thăng: “Thưa, nô tài trong cung đều là cơ trí cả, chỉ cần chỉ điểm một chút bọn chúng sẽ không phạm lại sai lầm. Song, nếu có người vẫn còn hồ đồ thì nên trừng phạt thích đáng ạ. Nô tài cam đoan, bọn họ sẽ nhớ kỹ.”

Một câu trả lời đầy xảo diệu, nói cho nàng biết, cung nhân hay quan viên phần lớn là theo chiều gió, muốn lôi kéo thì phải coi thủ đoạn của ai cứng rắn.

Tuyên Cẩn thấy vậy cũng thôi. Từ Thăng ngồi vị trí này lâu như vậy tất nhiên là có năng lực.

+

Buông-rèm-chấp-chính là sau long ỷ có một bức rèm châu che lại, sau rèm châu là một ghế thái sư, Tuyên Cẩn ngồi đây nghe quần thần thảo luận chính sự.

Sau rèm châu, nàng vẫn có thể cảm nhận ánh mắt quái gở của Hạ Sí Mạch. Triều đình nay không ai không biết Thái Hậu cùng Cảnh Vương có quan hệ mờ ám, mà thằng nhãi này không có kiêng dè, cuồng vọng không coi ai ra gì. Người cần mặt, cây cần vỏ, y mặt dày y không quan tâm là chuyện của y, nhưng nàng không thể nhắm mắt làm ngơ. Bỗng nàng hiểu ra mục đích Hạ Sí Mạch cho nàng buông rèm chấp chính… Đó là muốn người ta cười nhạo nàng!

Cả buổi chầu, Tuyên Cẩn ngồi không yên, đại thần nghị luận cái gì nàng đều không nghe thấy, chỉ mắng thầm Hạ Sí Mạch tội làm nàng mất thể diện.

Tiểu hoàng đế Du Lẫm cũng không biết đám đại nhân nói cái gì, cậu nhích tới nhích lui trên long ỷ, nửa khắc không chịu yên, nếu không phải Tuyên Cẩn ở phía sau trấn thủ thì chắc đã chuồn đi chơi mất rồi.

“Nương nương, người cảm thấy ý hạ quan như thế nào?”

Bị hỏi ba lần, Tuyên Cẩn mới phản ứng với vẻ mặt mờ mịt.

Hạ Sí Mạch không kiên nhẫn, bước lên cầu thang, đi đến trước mặt Tuyên Cẩn, cách rèm châu nói “Chính là chuyện tế tông miếu vào ba ngày sau. Các đại nhân không thống nhất ý kiến, muốn nghe ý của Thái Hậu.”

Tuyên Cẩn thất thần nãy giờ nên không có ý kiến gì hết, nàng biết cho dù nàng có ý kiến cũng không được chấp nhận.

Tuyên Cẩn: “Ai gia không rành việc này, vương gia cùng các đại nhân cứ thương nghị đi.”

Hạ Sí Mạch cười khẽ, nhỏ giọng nói “Cẩn nhi, nàng ngồi đây cũng nên bỏ sức một chút, đây là đại sự buông rèm chấp chính của nàng đấy, nàng làm chủ đi thôi.”

Tuyên Cẩn nghiền ngẫm lời Hạ Sí Mạch nói.

Không đợi Tuyên Cẩn hiểu gì, Hạ Sí Mạch quay lưng lại nhìn chúng thần từ trên cao xuống và cao giọng nói:

“Bổn vương cùng nương nương đã thương nghị xong. Chúng ta cho rằng Tào đại nhân đã nói đúng trọng tâm. Sửa chữa tông miếu đúng là cần nhiều bạc, nhưng đây là để thỉnh cầu tổ tiên phù hộ Đại Sở quốc thái dân an, vậy nên số bạc đó không cần phải tiết kiệm. Và điều mà Tuyên đại nhân băn khoăn cũng không phải không có lý. Thành Kim An phía nam đang có đại tai, cần bạc cứu trợ gấp, song, nếu quản lý yếu kém thì chỉ thêm loạn. Vì vậy, ý của Thái Hậu nương nương là, trích 500 vạn lượng bạc từ quốc khố, trong đó, 300 vạn lượng để tu sửa tông miếu và 200 vạn lượng còn lại đưa đi cứu trợ!”

Điều hai phe đang tranh chấp không phải là nên hay không nên dùng bạc, mà là nên chia như thế nào mới hợp lý. Tào Phảng là người của Hạ Sí Mạch, chủ trương tu sửa tông miếu là trọng yếu, phải dùng nhiều bạc hơn; Tuyên Hoành Thang thì cho rằng tình hình thiên tai trọng yếu hơn, chi bạc phải nhiều hơn. Thật ra quốc khố Đại Sở tràn đầy, xuất ra 500 vạn lượng bạc đã đủ cho cả tu sửa tông miếu và cứu trợ thiên tai. Nhiều hơn cũng không sao. Cốt yếu là hai phe đối đầu, oán hận đã lâu, không ai nhường ai. Bình thường dưới những tình huống như thế này, Hạ Sí Mạch toàn thắng, nhưng hôm nay y mượn miệng Tuyên Cẩn mà nói, phủ nhận Tuyên Đại học sĩ thì ý nghĩa lại khác.

Tuyên Cẩn còn chưa được nói câu nào đã bị phân chia chiến tuyến đối lập với cha mình, nàng chỉ có thể cười khổ. Hi vọng Tuyên Đại học sĩ có thể hiểu tình cảnh của nàng.

Với ý chỉ của Thái Hậu, các quan cũng không tranh cãi nữa. Từ Thăng dâng lên thánh chỉ cho Tuyên Cẩn và Hạ Sí Mạch xem xong rồi đóng ngọc tỷ. Tuyên Cẩn muốn nói mấy câu với cha mà Hạ Sí Mạch một tấc cũng không rời, Tuyên Cẩn đành phải thôi. Nàng mặc kệ Hạ Sí Mạch đi theo mình, quay về Tuyên Ninh cung.

Trước giờ vẫn là suy đoán, nhưng thủ đoạn của Hạ Sí Mạch đã đến mức này thì càng xác thực hơn một điều: Thái Hậu và Cảnh Vương quan hệ không tầm thường!