Đức Phật Và Nàng

Chương 79: Lời hứa

Phan Trưng đang bắt mạch cho tôi, mắt khép hờ, trầm ngâm không nói. Hôm nay không phải ngày khám bệnh định kỳ, mà Rajiva đã mời riêng ông ấy đến, bởi vậy, thật mừng là Mông Tốn không có mặt.

Sau khi quan sát đầu lưỡi tôi, Phan Trưng chau mày, đăm chiêu:

- Gần đây phu nhân chảy máu cam mấy lần rồi?

- Chỉ tối hôm qua thôi…

- Ngải Tình!

Giọng chàng nghiêm khắc. Chàng chưa bao giờ giận dữ như vậy.

Tôi nhắm mắt lại, nén buồn tủi vào lòng, thành khẩn khai báo:

- Kể từ khi có mang đến nay, tổng cộng năm lần…

- Ngải Tình, vì sao giấu ta?

Chàng bật dậy, con người vốn dĩ ôn hòa, điềm đạm ấy cũng có lúc khiến tôi sợ hãi. Tôi cúi đầu, nước mắt tuôn trào, từng giọt từng giọt nhỏ xuống chiếc bụng kềnh càng. Thấy tôi khóc, chừng như mủi lòng, chàng thôi trách móc, tay nắm chặt, đập mạnh vào cạnh tường.

- Trước đây tôi không dám khẳng định vì muốn có thêm thời gian kiểm chứng, nhưng phu nhân đã giấu giếm bệnh tình của mình suốt ba tháng. Hôm nay tôi có thể chính thức thông báo kết quả chẩn đoán với pháp sư.

Phan Trưng thở dài, đứng lên chắp tay trước Rajiva, thưa rằng:

- Tim và tỳ của phu nhân quá yếu, tỳ không sinh máu, dẫn đến sắc mặt trắng bệch, xuất hiện hiện tượng chảy máu cam, thi thoảng chóng mặt, đó chính là dấu hiệu của bệnh huyết hư.

Rajiva như vừa bị một cú trơi giáng, toàn thân đờ đẫn, khóe môi run rẩy, không thốt được nên lời, nhìn tôi trân trân bằng ánh mắt ngập đầy nỗi bi thương. Tôi đã biết kết quả này từ trước, nên không bàng hoàng như chàng. Không dám tiếp tục nhìn chàng, tôi quay sang Phan Trưng, gắng giữ cho giọng nói được bình tĩnh, gạn hỏi:

- Thưa ngài, liệu có giữ được đứa bé trong bụng tôi không?

- Điều này…

Phan Trưng do dự, liếc nhìn Rajiva, rồi đáp:

- Phu nhân tuổi còn trẻ, nếu ra sức bảo vệ, có lẽ vẫn có thể sinh nở. Nhưng việc sinh nở sẽ vô cùng vất vả, chỉ e sau đó… - Xin ngài giữ lấy mạng sống cho phu nhân ta!

Rajiva nắm chặt tay áo Phan Trưng, nước mắt chan hòa, vẻ khẩn cầu tha thiết.

Phan Trưng tuy cảm động, nhưng vẫn lắc đầu bất lực:

- Thưa pháp sư, phu nhân đã có thai năm tháng, nếu bây giờ phá thai, người mẹ sẽ rất nguy hiểm.

- Không còn cách nào sao?

Rajiva chao đảo, giọng nói nghẹn ngào, lập đi lập lại câu hỏi bi lụy:

- Không còn cách nào sao?

- Rajiva, chàng đừng lo.

Tôi cầm bàn tay vẫn đang run rẩy của chàng, đặt lên bụng mình, hít một hơi thật sâu, mỉm cười nói:

- Con mình rất kiên cường, chắc chắn mẹ con em sẽ vượt qua được khó khăn này.

Bụng tôi bỗng nhiên bị hích một cú rất mạnh, mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, cục cưng của tôi dường như đang lên tiếng tuyên bố về sức sống mãnh liệt của con vậy. Rajiva sững sờ, đưa tay vuốt ve bụng bầu của tôi, rồi ngẩng lên nhìn tôi đầy kinh ngạc.

Tôi mỉm cười, ngước nhìn chang qua làn nước mắt: - Chàng thấy không, con muốn nói với chúng ta rằng, con muốn được sống.

Phan Trưng kê đơn thuốc mới trước khi ra về. Rajiva lập tức căn dặn đệ tử đi mua thuốc. Hôm đó, chàng không vào triều mà dành trọn cả ngày ở bên tôi. Buổi trưa, tôi ngủ ngon lành trong vòng tay chàng, lúc tỉnh lại, đã xế chiều. Bóng hoàng hôn chiếu vào phòng qua khung cửa sổ, hắt lên bóng chàng những quầng sáng dìu dịu, mơ hồ. Tôi đưa tay vuốt ve đuôi mắt chàng, chàng giật mình, hốt hoảng quay mặt đi, lau nước mắt.

- Chàng muốn đặt tên con là gì?

Tôi hắng giọng, làm ra vẻ không thấy chàng khóc.

Chàng quay đầu lại nhìn tôi, hai mắt đỏ hoe, gắng lấy giọng bình tĩnh, đáp:

- Nếu là con gái, sẽ đặt tên là Tiểu Tình. Tôi phì cười, đập khẽ vào ngực chàng: - Chàng thật là, thế nếu là con trai, không lẽ đặt tên là Tiểu Rajiva?

- Cũng hay.

Chàng gật đầu hết sức nghiêm túc:

- Con gái sẽ tên là Tiểu Tình, con trai sẽ gọi là Tiểu Rajiva.

- Nhưng mà… Không biết phải nói sao, tôi bật cười:

- Đặt tên mụ thì được, còn tên chính thức mà gọi là Tiểu Tình, Tiểu Rajiva thì nghe không sang chút nào.

- Vì sao nghe phải sang mới hay?

Chàng lắc đầu, chăm chú ngắm nghĩa bụng bầu của tôi, thở dài:

- Tên con được ghép từ tên cha mẹ, chính là minh chứng tình yêu của cha mẹ dành cho con.

Đúng vậy, tên chàng được ghép từ tên gọi của cha mẹ chàng. Chàng là người Khâu Từ, nên chàng không hiểu truyền thống đặt tên con tránh trùng tên với người bề trên của người Hán.

- Vâng, sẽ theo ý chàng.

Tôi cố gắng cười thật tươi, khi chàng cứ mãi nhìn tôi đăm đăm. Một lát sau, từ ánh mắt chàn tỏa ra nét buồn thương, bi lụy mà tôi không bao giờ muốn thấy.

- Ta đi xem bữa tối đã xong chưa.

Như sực nhớ ra, chàng cuống quít đánh trống lảng.

- Nàng cứ nằm yên đó, ta sẽ cùng nàng dùng bữa tại đây.

Chàng cúi xuống hôn lên trán tôi, kéo chăn đắp cho tôi, lúc bước đi tôi thấy chàng khẽ đưa tay lên chấm nước mắt. Bóng dáng cao gầy ấy dường như hơi còng xuống, như thể phải mang trên vai gánh nặng cả nghìn cân, không sao thẳng lưng lên được. Bóng hoàng hôn hắt trên nền áo cà sa màu nâu sòng của chàng vẻ cô liêu, đơn độc.

Vào khoảnh khắc bóng hình ấy khuất dạng, tôi không sao nén nổi lòng, hai hàng lệ tuôn trào, âm thầm nhỏ xuống tấm chăn mỏng mùa hè.

Ngày thứ hai, sau khi Phan Trưng kết luận tôi mắc bệnh huyết hư, Mông Tốn đã đến nhà tôi một mình. Rajiva lịch thiệp để anh ta gặp riêng tôi. Lúc gặp mặt, anh ta cứ nhìn tôi trân trân, một lát sau, không nói không rằng, bỏ ra về. Anh ta đi rồi, Rajiva có vẻ băn khoăn, nhưng chàng không hề hỏi tôi câu nào.

Rajiva xin Lữ Quang cho nghỉ phép, Lữ Quang thấy chàng chẳng còn tâm tư đâu mà lo chuyện triều chính, ông ta dĩ nhiên rất vui lòng để chàng được ở nhà chăm sóc vợ. Các đệ tử đã đem tiền đi trả cho từng hộ hảo tâm quyên góp lúc trước, sau đó, Rajiva sắp xếp để họ tụ tập trong khuôn viên Phật đường của nơi tạm gọi là chùa này. Chàng vẫn đều đặn dẫn dắt đệ tử tụng kinh buổi sáng và buổi chiều, mỗi ngày dành ra một canh giờ để giải đáp những câu hỏi về Phật pháp. Thời gian còn lại, chàng dồn hết cho tôi.

Bây giờ, cứ cách năm ngày, Phan Trưng lại đến khám bệnh cho tôi một lần. Mông Tốn, kể từ sau hôm đó đã không đến nữa, nhưng anh ta vẫn nhận chi trả toàn bộ kinh phí khám chữa bệnh cho Phan Trưng. Thi thoảng lại có người mang thuốc quý đến nhà cho tôi, hỏi của ai tặng, họ nhất định không chịu nói, những là nhân sâm, nhung hươu, đồi mồi, bột trân châu…, mang đến biếu mà không cần biết tôi có ăn được hay không.

Chuẩn bị bước sang tháng bảy, thời tiết ngày càng nóng bức. Em bé của tôi đã tròn năm tháng, mỗi ngày tỉnh giấc, tôi lại thấy bụng mình to hơn hôm trước một chút. Bụng càng lớn, càng nóng nực. Chàng không để tôi chạm tay vào bất cứ công việc gì, kể cả việc tắm rửa và thay quần áo cho tôi, chàng đều tự mình làm hết. Những việc vặt vãnh xưa nay chàng chưa bao giờ phải động chân động tay, thì nay, bất kể là việc gì, hễ liên quan đến tôi là chàng không chịu để người khác làm thay.

Dù tôi đã chăm chỉ uống thuốc đúng giờ mỗi ngày, hạn chế tối đa việc vận động, luôn giữ cho tâm trạng được nhẹ nhàng, thoải mái, nhưng tôi vẫn tiếp tục chảy máu cam. Nghiêm trọng hơn, khoảng cách giữa các lần chảy máu cam ngày càng ngắn, và máu chảy rất lâu mới chịu ngừng. Mặt mày Rajiva bạc phếch như tờ giấy trắng, toàn thân run rẩy, ôm miết tôi vào lòng. Như thể chàng lo sợ chỉ cần khẽ buông tay là tôi sẽ biến mất, thành ra tôi luôn là người phải động viên chàng rằng tôi không sao cả.

Tựa cằm lên vai chàng, tôi ngắm nhìn bầu trời xanh ngoài cửa sổ. Không một gợn mây, tiếng ve kêu râm ran, gió nóng phả vào phòng, nhưng không làm ấm nổi cõi lòng giá lạnh của tôi.

- Rajiva, chàng sao vậy?

Mở mắt đã thấy trời sáng rõ, tiếng chim ríu rít ngoài cửa sổ. Chàng ngồi bên mép giường, nhìn tôi chăm chú, vẻ mặt bần thần, hai mắt đỏ hoe, thâm quầng, râu mọc lún phún trên cằm, sắc mặt tiều tụy, nhợt nhạt.

Tôi chợt nhớ ra:

- Chàng đã thức cả đêm ư?

Chàng nắm lấy bàn tay tôi đang vuốt ve gương mặt chàng, cười dịu dàng:

- Ta muốn ngắm nàng thêm nữa…

Sao chàng nói vậy? Tôi sợ hãi, muốn ngồi dậy, nhưng chàng đã giữ tôi lại.

- Ngải Tình, lần này nàng nhất định phải nghe ta.

Giọng chàng trầm ấm, truyền cảm nhưng đầy bi lụy.

Chàng hít một hơi thật sâu, chậm rãi nói:

- Ta đã suy nghĩ rất nhiều, cách duy nhất để cứu được nàng và con là để nàng trở về. Nàng từng nói, trình độ khoa học ở thời đại của nàng rất phát triển, bệnh gì cũng có thể chữa khỏi. Nàng trở về đó, tính mạng của cả nàng và con sẽ được đảm bảo.

Tôi lắc đầu, ngồi dậy, nhào vào lòng chàng, bật khóc thảm thiết:

- Rajiva, nếu em quay về, có thể sẽ không gặp lại chàng được nữa…

Chàng dịu dàng vuốt ve mái tóc tôi, giọng kiên định: - Dù đời này không được gặp lại nàng nữa, ta cũng phải để nàng trở về. Đó là vì nàng, và vì con chúng ta…

- Không, em không muốn xa chàng…

- Ngải Tình, hãy nghe ta nói!

Chàng ôm chặt đầu tôi, cưng nựng:

- Nàng không chỉ là vợ ta, nàng còn là một người mẹ nữa.

Chàng giữ chặt hai vai tôi, nhìn tôi chăm chú:

- Thời đại của ta là thời đại của chiến tranh liên miên, thiên tai đầy rẫy, bản thân ta lại bị giam cầm, ta không thể cho con mình một môi trường sống lý tưởng. Nàng hãy đưa con đến thời đại một nghìn năm sau, để con được vui hưởng thái bình, an lạc, đời sống sung túc, no đủ, lớn lên mạnh khỏe, rắn rỏi. Nếu phải lựa chọn, ta bằng lòng để con mình trưởng thành trong thời đại của nàng… Còn về phần mình…

Thấy tôi vẫn lắc đầu mãi không thôi, chàng khẽ hôn tôi, mỉm cười:

- Nàng đi rồi, ta sẽ chuyên tâm tu hành, mai danh ẩn tích, chờ đợi mười sáu năm sau sẽ đến Trường An truyền báo đạo Phật và dịch thuật kinh văn. Dù chỉ đơn độc một mình, ta cũng phải hoàn thành sứ mệnh được Phật tổ giao phó, phải ra sức xây dựng nền tảng Phật pháp ở Trung Nguyên. Sau đó, ta sẽ mỉm cười đợi nàng nơi địa ngục. - Rajiva, chàng không cô đơn một mình, ngày sau chàng sẽ có thê thϊếp và hai người con sinh đôi, ở Trường An chàng còn có mái ấm của riêng mình nữa. Em không muốn đi, là vì em không muốn…

Tôi ngừng khóc, lòng đau như cắt, nức nở:

- Chàng quên em…

- Nàng nói gì vậy?

Chàng giận dữ ngắt lời tôi, nâng cằm tôi lên, để tôi nhìn thẳng vào mắt chàng.

Vẻ mặt chàng rất đỗi nghiêm nghị, từng lời từng lời thốt ra mạnh mẽ kiên định:

- Cả đời này, ta sẽ chỉ có một người vợ duy nhất là nàng. Nhà sư lấy vợ vốn đã phạm trọng tội, làm sao ta có thể cưới thêm thê thϊếp nữa! Lẽ nào ta là kẻ không thể sống được nếu không có phụ nữ ư?

- Nhưng sách đã ghi như vậy…

Chàng đăm chiêu suy nghĩ, một lát sau, hỏi tôi:

- Vậy nàng hãy cho ta biết, sử sách viết như thế nào?

Như gai đâm vào dạ, tôi đau khổ đọc cho chàng nghe mấy dòng chữ trong sách “Tấn thư” từng ám ảnh tôi như ác mộng ấy:

- “Có lần ngài thuyết giảng kinh Phật tại chùa Thảo Đường, nhà vua, triều thần cùng với hơn một ngàn cao tăng đang cung kính lắng nghe, Kumarajiva đột nhiên bước xuống, đến gần vua Diêu Hưng và nói: “Có hai đứa bé cứ nhảy múa trên vai ta, hãy ban cho ta một thiếu nữ”. Diêu Hưng lập tức ban cho Kumarajiva mười cung nữ, ngay sau đó, một trong số mười người họ đã hạ sinh hai cậu con trai.”

- Chuyện này…

Chàng tròn xoe mắt, giận giữ vung nắm đấm lên giường.

- Kẻ viết sử này hoàn toàn bịa đặt! Vì sao dám bôi nhọ danh dự của ta như vậy?.... Ngải Tình, nàng có thể tin chuyện hoang đường này không? Trừ phi…

Chàng đột nhiên ngừng lại, hai mắt sáng rỡ, nhìn tôi rất lạ lùng, sau đó khóe môi khẽ cong lên. Trời ơi, chàng đang cười.

Chàng cười vang hết cỡ, cười đến mức gập cả người lại, cười chảy cả nước mắt. Chưa bao giờ tôi thấy chàng cười khoái chí như vậy, đang băn khoăn không hiểu thì chàng ôm chầm lấy tôi, xiết chặt:

- Ngải Tình, chính là nàng, nàng đã trở lại.

- Rajiva…

- Nàng chính là cô cung nữ đó, nàng sẽ trở lại, chúng ta sẽ sinh hai người con nữa.

Tôi vẫn ngu ngơ không hiểu. Người cung nữ ấy là tôi ư? Có thật thế không? Tôi còn có thể vượt thời gian được một lần nữa ư? Chàng đỡ tôi dậy, gật đầu khẳng định, nghiêm nghị an ủi tôi:

- Ngải Tình, hãy trở về thời đại của nàng, sinh con và sống bình an. Ta sẽ chờ nàng ở Trường An…

- Nhưng phải mất mười sáu năm…

Tôi xúc động ngắm nhìn ánh mắt đầy kiên định của chàng, lòng quặn thắt, cảm giác không thể thở nổi.

Chàng đặt tay tôi lên ngực mình, mắt chàng như phủ một lớp hào quang mờ ảo:

- Mười năm rồi lại mười năm, chẳng phải ta vẫn đợi được đó sao! Thêm mười sáu năm nữa có là gì!

Rồi chàng mỉm cười nhìn tôi:

- Yêu người đến từ tương lai lẽ nào không phải trả giá? Ta cứ nghĩ chỉ ở nơi địa ngục hai ta mới được gần nhau, không có sự cách trở về thời gian, không gian nữa, vậy mà trước khi chết ta vẫn còn cơ hội được gặp lại nàng, đó là nhờ đại ân đại đức của Phật tổ, ta còn cầu mong gì hơn nữa? Có điều, mười sáu năm sau, ta đã là một ông già lụ khụ năm mươi ba tuổi, không biết nàng có ghét bỏ ta không…

Tôi đặt tay lên miệng chàng, bực bội:

- Chàng còn nói thế nữa, sẽ bị phạt đòn đó.

Ánh mắt dịu dàng ấy như có ma lực, thổi bay mọi nỗi sợ hãi trong tôi. Chàng kéo tay tôi ra, nở nụ cười rạng rỡ:

- Ta nói sai rồi, đáng phạt đòn lắm!

Chàng đã khiến tôi bật cười. Đúng rồi, chàng có thể chờ được, vì sao tôi lại không? Sếp đã nói rằng, khoa học không ngừng phát triển, chỉ cần tôi trở về là sẽ có cơ hội được gặp lại. Năng lượng của đồng hồ vượt thời gian vẫn còn đó, nếu tôi trở về, ngành y tế sẽ trợ giúp tôi trong vấn đề sinh nở. Sau đó, chỉ cần tôi có đủ lòng kiên nhẫn, chắc chắn sẽ có ngày tôi lại được trở về bên cạnh chồng tôi.

- Thầy giáo của em nói rằng, vì tình yêu mà tiếp tục sống mới vĩ đại.

Tôi vuốt ve gương mặt gầy guộc của chàng, hít một hơi thật sâu, cười thật tươi, nhìn vào đôi mắt trong veo như hồ nước của chàng, giọng chắc nịch:

- Rajiva, em sẽ quay về, chờ em nhé…

- Ừ.

Chàng mỉm cười gật đầu, l*иg tay vào tay tôi, đặt lên môi tôi nụ hôn mềm mại, êm dịu.

Khẽ rời bờ môi ngọt ngào của chàng, tôi thở dài:

- Em vẫn còn một mong muốn nữa. Chàng còn nhớ khi ở Cheshi chàng đã hứa gì với em không?

- Mỗi năm dành ra một ngày để cùng nàng tận hưởng cuộc sống thế tục. Đưa nàng đi dạo phố, ăn đồ ăn vặt, cùng nàng làm bất cứ việc gì nàng thích…

Ánh mắt chàng thoáng buồn, nhưng đã ngay lập tức lấy lại vẻ lạc quan:

- Năm nay lẽ ra phải thực hiện lời hứa, nhưng thời gian trước gặp phải nạn đói, thời gian sau nàng lại mang thai, nên ta cứ chần chừ mãi.

Tôi kéo áo cà sa của chàng, nũng nịu:

- Trước khi em quay về, chàng đưa em đi chơi một ngày, được không?

Chàng lắc đầu, đỡ tôi nằm xuống, rồi chàng ngồi bên cạnh, nắm lấy tay tôi:

- Nàng đã mang thai năm tháng, sức khỏe lại yếu, nếu xảy ra chuyện gì, thì phải làm sao? … Ngải Tình, ta hứa, nhất định sẽ đưa nàng đi chơi, nhưng không phải bây giờ.

Chàng dịu dàng gạt mấy sợi tóc lơ thơ trước trán tôi sang bên, rủ rỉ: - Chờ khi đến Trường An, được không? Tôi thò ngón út ra, móc vào ngón út của chàng, lắc lắc:

- Chàng nhớ nhé, không được thất hứa đâu đấy…

- Ừ.

Chàng cười hoan hỉ, nụ cười làm sáng cả căn phòng. Tôi đang đắm chìm trong nụ cười hút hồn của chàng, thì chợt bên ngoài có tiếng gõ cửa khe khẽ, rồi một giọng nói cung kính vang lên:

- Thưa thầy, Thế tử của vua Lương mời thầy tới bàn việc, sứ giả đang chờ bên ngoài phòng khách.

Lữ Thiệu ư? Hắn có chuyện gì muốn bàn với Rajiva? Tôi và Rajiva nhìn nhau ngạc nhiên. Chàng vỗ nhẹ vào vai, động viên tôi chớ lo lắng, bảo rằng chàng đi một lát sẽ về, căn dặn tôi hãy ngủ thêm chút nữa.

Chàng mở cửa bước ra, nhưng chưa rời đi ngay, mà đứng lại, xoay người nhìn tôi thêm một lát. Ánh nắng tràn vào phòng, phủ lên người chàng lớp hào quang xán lạn. Gió mùa hạ ùa tới, hàng bạch dương ngoài cửa sổ rì rào, xào xạc, đám ve bị đánh thức, bắt đầu một ngày râm ran mới. Chàng nhìn tôi, khẽ gật đầu, cửa phòng nhè nhẹ khép lại. Tôi nhắm mắt tự nhủ, nhất định phải khỏe mạnh, để tiếp tục sống, không chỉ vì bé yêu của chúng tôi mà còn vì cuộc tái ngộ ngày sau.