Anh Đào Hổ Phách

Chương 14

Lâm Kỳ Nhạc hỏi Dư Tiều, bị sa thải nghĩa là gì.

Dư Tiều nói, sa thải chính là nhà nước không phân công việc cho làm nữa: “Ba của Tần Dã Vân, chú ấy chẳng phải là bị sa thải đấy ư.”

Lâm Kỳ Nhạc nghĩ ngợi một lúc: “Vậy thì để cho chú Uông đến công trường mở một tiệm tạp hóa không được sao.”

“Ba tớ nói, chú Tần là trường hợp đặc biệt. Thời điểm đó công trường đặc biệt chiếu cố mới giữ chú ấy ở lại.” Dư Tiều liếc cô lắc đầu nói tiếp: “Hơn nữa công trường đã có một tiệm tạp hóa, không thể nào lại mở thêm một cái nữa, chỉ có thể nói vận khí của chú Uông không tốt.”

Vận khí không tốt. Lâm Kỳ Nhạc ngẫm nghĩ. ‘Vận khí’ quả thực là một từ tàn khốc.

“Ba tớ cũng cho chú ấy mượn tiền.” Dư Tiều ngó lên trời: “Không biết khi nào chú ấy sẽ đến mượn nữa.”

Lần đầu tiên chú Uông đến công trường Quần Sơn là chuyện của tháng Sáu. Qua tháng Bảy, ông gọi điện thoại cho thợ điện Lâm báo mình đã tới Tỉnh Thành, còn trúng được thương vụ làm ăn đầu tiên.

“Anh Lâm!!” giọng nói của chú Uông reo lên hân hoan trong điện thoại, hoàn toàn khác với ngữ điệu u ám trĩu nặng hôm đến nhà: “Cảm ơn anh và chị dâu đã giúp đỡ em hôm đó. Tuần tới em sẽ về Quần Sơn gửi lại cho anh chị cả vốn lẫn lời, luôn cả tiền mua mấy chai nước rửa chén nữa!”

Chú ấy quá mức phấn khích khiến cho thợ điện Lâm nghe một hồi cũng cảm thấy mù mờ.

Thợ điện Lâm hỏi: “Chú thực sự kiếm được tiền sao?” rồi nói tiếp: “Không cần, không cần tiền lời đâu, chúng ta là chỗ anh em, lời lãi gì chứ. Tiền nước rửa chén cũng không cần. Chị dâu chú nói, nước rửa chén đó dùng tốt lắm.”

Chú Uông nói bằng giọng cảm kích: “Anh Lâm, anh đừng từ chối. Anh và chị dâu làm việc quần quật ngày đêm trên công trường mới kiếm được chút tiền ít ỏi này, em còn không biết sao? Làm ngành điện, vất vả lại khó khăn, em có mua cho chị dâu một bộ mỹ phẩm nhập, xem như tạ lỗi lần trước đã đột ngột đến làm phiền anh chị!”

Chú Uông ở Tỉnh Thành kiếm được tiền, từ một công nhân bị sa thải ai thấy cũng tặc lưỡi nói ‘thật không may’, lắc mình một cái biến thành doanh nhân đường hoàng lái ô tô cầm di động. Lâm Kỳ Nhạc ngồi trên đường ống sưởi bên đường, uống nước nho, xem Tưởng Kiều Tây và Dư Tiều bọn họ đá bóng. Mấy công nhân đi qua lại ngang đó, ai nấy đều hít hà bàn tán chuyện chú Uông.

Tưởng Kiều Tây đá bóng một hồi, mồ hôi chảy thấm ướt quần áo. Cậu chạy thẳng tới ngồi xuống bên cạnh Lâm Kỳ Nhạc.

“Cậu không có đem theo nước hả?” Cậu hỏi cô.

Lâm Kỳ Nhạc lắc đầu, nhìn thấy cả trên lông mi của Tưởng Kiều Tây cũng đọng mồ hôi, cô đưa chai nước nho trên tay qua cho cậu.

Tưởng Kiều Tây cầm lấy đưa lên miệng uống ừng ực, chỉ một hơi đã hết sạch nửa chai nước nho còn lại của Lâm Kỳ Nhạc.

Cả đám kéo nhau ra tiệm tạp hóa của công trường mua nước uống, còn chưa vào cửa đã nghe thấy có người đang nói chuyện ở bên trong.

Chú Tần hỏi: “Cậu ta kiếm được bao nhiêu tiền?”

“Không biết.” Người khách đến mua thuốc lá chắt lưỡi xuýt xoa: “Nghe đâu, cậu ta làm một chuyến này, trở về sẽ đi Tỉnh Thành mua nhà!”

Lâm Kỳ Nhạc bước vào trong cửa tiệm chật hẹp. Lúc trước, Dư Tiều nói, chú Tần năm đó là trường hợp đặc biệt, là ‘vận khí tốt’, mới có thể được ở lại công trường nhận thầu tiệm tạp hóa nhỏ này.

Nhưng Lâm Kỳ Nhạc nhìn tình cảnh của chú Tần, nhìn thế nào cũng không giống vận khí tốt.

Xây dựng công trình là một công việc đầy rẫy những nguy hiểm, hàng năm có đến hàng trăm hàng ngàn người bị thương thậm chí mất luôn cả tính mạng.

Chú Tần chính là một trong số đó. Ông bị tai nạn lao động, chân trái tàn tật, không chỉ bị sa thải mà gia đình cũng tan vỡ.

Nếu không phải có ba Dư Tiều nhờ hết các mối quan hệ thuyết phục từ trên xuống dưới, thì sợ rằng đến việc mở một tiệm tạp hóa nho nhỏ ở công trường chú Tần cũng không có cơ hội.

Chú Tần luôn muốn chữa lành chân, luôn muốn quay trở lại làm việc. Mỗi tuần ông đều siêng năng đến bệnh viện hai lần để làm chẩn đoán và chữa trị, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền để dành nhưng rốt cuộc vẫn không chữa khỏi.

Thời điểm Lâm Kỳ Nhạc biết ông, ông đã không còn đi bệnh viện nữa. Ông học theo người dân ở Quần Sơn, hằng ngày tự tập luyện khí công chữa bệnh.

Một ngày trước khi bắt đầu kỳ nghỉ hè, chú Uông ‘áo gấm về làng’. Ông cho xe đậu ngay góc ngã tư đường gần nhà thợ điện Lâm. Chú Uông mặc một bộ com lê sang trọng, trên tay cũng không còn xách mấy sản phẩm An Lợi gì nữa thay vào đó là trà và mỹ phẩm nhập khẩu. Ông ở lại ăn trưa với gia đình Lâm Kỳ Nhạc.

Lâm Kỳ Nhạc cầm trên tay củ khoai môn Lệ Phổ to đùng ngồi gặm trước nhà, cái này cũng là đồ chú Uông đem từ Tỉnh Thành về. Mẹ ở trong bếp gọi với ra, nói khoai đã hấp xong, bảo cô mang sang cho các chú các dì mỗi nhà một ít.

(*Khoai môn Lệ Phổ: là loại khoai môn được trồng ở Lệ Phổ, Quế Lâm – Tể tướng Lưu gù mang đi tiến vua. Khi bộ phim phát sóng trên truyền hình, loại khoai này nổi tiếng khắp cả nước.)

Chú Uông nói: “Anh Lâm, lúc trước em chạy vạy khắp nơi, nói thật, đồng nghiệp nhiều như vậy, cũng chỉ có mấy vị lão ca bọn anh chịu cho em mượn tiền. Em đã tìm được cách luồn lách ở Tỉnh Thành rồi. Anh xem điều kiện sống ở nơi này, tường gạch mái ngói, anh và chị dâu mang theo Anh Đào, làm cả đời cũng không kiếm được bao nhiêu tiền, Anh Đào còn nhỏ như vậy ——”

Thợ điện Lâm ngập ngừng: “Chú tính…”

Chú Uông thuyết phục: “Em tính, sau này em làm ăn ở Tỉnh Thành cũng cần có người đỡ đần. Em không tin tưởng người khác, sao có thể so được với người một nhà chúng ta! Anh và anh Dư, nhân phẩm của hai người em tuyệt đối yên tâm! Bọn anh định vất vả ở nơi này cả đời, hay mấy anh em ta cùng nhau ra ngoài lăn lộn?”

Lâm Kỳ Nhạc vừa bưng khoai môn Lệ Phổ bước vào cửa nhà Thái Phương Nguyên thì nghe thấy mẹ của Thái Phương Nguyên nói: “Anh Đào nói mua ‘Du lịch Thái Sơn’, kết quả là anh mua còn Lâm Hải Phong tự cậu ấy lại không mua ạ?”

Chú Thái thở dài: “Không. Vậy nên anh mới cảm thấy ngại.”

Mẹ Thái Phương Nguyên cười nắc nẻ: “Lâm Hải Phong này, thiệt thòi gì cũng gom hết về mình, thật vất vả sinh được một cô bé con thông minh lanh lợi, vậy mà chú ấy còn không dính được hào quang!”

Chú Uông ăn cơm xong, sửa soạn ra về. Mẹ Lâm gọi: “Anh Đào ơi, ra tiễn chú Uông đi con.”

Lâm Kỳ Nhạc đi ra, cảm ơn chú Uông đã cho cô đồ chơi và cặp sách nhập khẩu.

Chú Uông xoa đầu cô, ngước lên nói: “Anh Lâm, khi nào anh nghĩ thông suốt thì gọi cho em!”

Tối đó, Lâm Kỳ Nhạc nằm trên giường ngủ trong gian phòng nhỏ nghe thấy ba mẹ không ngừng thì thầm bàn bạc điều gì đó ở bên kia chiếc tủ lớn.

Mẹ thấp giọng thở dài mà ba thì luôn cười an ủi bà.

Nửa đêm, Lâm Kỳ Nhạc tỉnh giấc, phát hiện ba vẫn còn chưa ngủ.

Thợ điện Lâm ngồi trên giường, nương theo ánh sáng từ chiếc đèn nhỏ đọc sách. Thấy con gái thức dậy, ông hỏi: “Con bị muỗi cắn hả?”

Lâm Anh Đào lắc đầu, đi tới bên cạnh ba.

Quyển sách ba đang đọc có tên là ‘Sói thảo nguyên’, gáy sách dán nhãn thư viện công nhân. Lâm Anh Đào ngồi vào lòng ông, bắt chước đọc theo, đọc chưa được nửa câu hai mắt đã bắt đầu díp lại.

(*Sói thảo nguyên – tựa gốc Der Steppenwolf: là một cuốn tiểu thuyết của tác giả người Thụy Sĩ gốc Đức Hermann Hesse. Câu chuyện phần lớn phản ánh cơn khủng hoảng sâu sắc trong thế giới tinh thần của Hesse, đồng thời miêu tả sinh động sự lưỡng phân giữa hai bản tính của nhân vật chính: tính người và tính hiếu chiến, bất định giống sói.)

Hôm sau, hai vợ chồng thợ điện Lâm lại thức dậy từ sớm tinh mơ để đi làm. Lâm Kỳ Nhạc chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối học kỳ, ba bảo cô sắp thi rồi phải chăm chỉ đọc sách giáo khoa, đừng ham chơi.

“Ba ơi.” Lâm Kỳ Nhạc hỏi: “Ba cũng sẽ đi Tỉnh Thành sao?”

Thợ điện Lâm đã đeo xong thẻ tên lên cổ, nghe cô hỏi vậy, ông bèn ngồi xổm xuống.

“Ba không có đi.” Thợ điện Lâm nói với cô, đuôi mắt cụp xuống tựa như có điều áy náy, ông xoa đầu cô hỏi: “Anh Đào, gần đây tiền tiêu vặt có đủ tiêu không con?”

“Dạ đủ.” Lâm Anh Đào đáp giòn tan.

Thợ điện Lâm cười gật đầu.

Lâm Anh Đào nũng nịu: “Ba ơi, tối nay chúng ta ăn vịt muối Nam Kinh được không?”

“Được.” Thợ điện Lâm cười đáp ứng: “Hôm nay tan làm ba sẽ đi mua, không biết sư phụ vịt muối có bán không nữa.”

Lâm Kỳ Nhạc nắm tay ba ra đến ngã tư rồi mới cùng những người bạn nhỏ của mình đi đến trường.

*

Mùa hè năm 2000, Tưởng Kiều Tây không có ý định trở về Tỉnh Thành. Cậu lên kế hoạch đến nhà của anh họ tại Hồng Kông ở một thời gian, sau đó về lại thị trấn Quần Sơn.

Sau khi cậu đi rồi, Lâm Kỳ Nhạc bỗng trở nên mốc meo ủ rũ, chơi cùng với mấy người Dư Tiều cũng không vực dậy nổi tinh thần.

Cô ở nhà đọc truyện tranh ‘Tây du ký’, đọc từ cơm trưa đến cơm tối, đến đêm, khóc nức nở thở không ra hơi. Thợ điện Lâm giơ điện thoại kêu cô, bảo Tưởng Kiều Tây từ Hồng Kông gọi điện về.

Lâm Kỳ Nhạc lau nước mắt trên mặt, lúc nói chuyện vẫn không giấu được giọng nghẹn ngào.

“Sư phụ của Tôn Ngộ Không không cần anh ta nữa…” Lâm Kỳ Nhạc thút thít nói vào điện thoại.

Tưởng Kiều Tây ở đầu bên kia im lặng một lúc, cất giọng nhẹ nhàng: “Cậu mới bắt đầu xem đúng không?”

“Cậu đã đọc xong rồi sao?” Lâm Kỳ Nhạc hít mũi hỏi.

Tưởng Kiều Tây ‘ừ’ một tiếng.

“Sau này anh ta sẽ trở nên cực kỳ lợi hại.” Cậu khẳng định.

“Thật sao?” Lâm Kỳ Nhạc hỏi, giọng đã không còn ướt mèm nước mắt.

“Anh ta là Tề thiên đại thánh,” Tưởng Kiều Tây nói: “Lên trời xuống đất, không có ai là đối thủ của anh ta.”

Để dỗ Lâm Kỳ Nhạc nín khóc, Tưởng Kiều Tây nói khi nào về cậu sẽ mang quà của Hồng Kông về cho Lâm Kỳ Nhạc. Lâm Kỳ Nhạc nghe xong mấy lời này, cuối cùng cũng nín khóc bưng miệng cười khúc khích.

Đây là lần đầu tiên Tưởng Kiều Tây gọi điện về. Sáng hôm sau, vừa mở mắt ra Lâm Kỳ Nhạc lại bắt đầu đọc ‘Tây du ký’, đọc chưa được hai câu, đột nhiên nghĩ đến Tưởng Kiều Tây.

Lâm Kỳ Nhạc ôm điện thoại ngồi trên ghế đẩu, bấm số điện thoại nhà anh họ ở Hồng Kông mà hôm qua Tưởng Kiều Tây đã lưu lại.

Đầu bên kia vừa kết nối, chính là âm thanh ngái ngủ mệt mỏi của Tưởng Kiều Tây: “A lô?”

Lâm Kỳ Nhạc ngẩn người, cô không biết tại sao Tưởng Kiều Tây vừa tỉnh giấc lại có giọng nói lạ như vậy. “Tưởng Kiều Tây!” Cô gọi cậu.

Tưởng Kiều Tây thì chẳng khác nào gặp quỷ, lập tức cúp điện thoại trong nháy mắt.

Lâm Kỳ Nhạc chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, lại bấm gọi đi Hồng Kông một lần nữa, nhưng không có ai bắt máy, cô đành gác điện thoại, nghệt mặt ngồi nhìn cái ống nghe im thin thít.

Tưởng Kiều Tây nói đầu tháng tám cậu sẽ trở về Quần Sơn. Lâm Kỳ Nhạc ở nhà ngày nào cũng trông đợi đến tháng tám, làm chuyện gì cũng không tập trung.

Một ngày cuối tháng bảy, thợ điện Lâm vô cùng phấn chấn, vì tổng giám đốc Thái nói, giấy quyết định phân nhà của hai vợ chồng thợ điện Lâm cuối cùng cũng đã được tổng công ty đưa xuống.

Đó là ngày 29 tháng 7. Lâm Kỳ Nhạc ngồi trên đùi ba, xem bản đồ khu nhà tập thể của tổng công ty tại Tỉnh Thành trải rộng trên bàn trà. Chú Thái ngồi một bên vừa cầm bút khoanh tròn đánh dấu vừa chỉ cho gia đình Lâm Anh Đào những căn hộ nằm ở vị trí tốt nhất còn lại.

“Anh Dư đã chọn chưa ạ?”

“Đã sớm chọn xong rồi.” Chú Thái nói: “Chỉ còn thiếu nhà mấy đứa. Mau chọn đi, nếu không những người khác sẽ giành hết.”

Thợ điện Lâm hỏi: “Anh Đào, con muốn ở tầng mấy?”

Lâm Anh Đào cũng không biết, cô hỏi: “Tưởng Kiều Tây ở tầng mấy ạ?”

Chú Thái ngồi bên cạnh mỉm cười: “Cậu nhóc sống trong khu nhà dành cho cán bộ, cách nhà con một con đường.”

Lâm Anh Đào nghe xong gật đầu nói: “Con ở chỗ nào cũng được hết ạ.”

Lúc cô ra sau vườn cho thỏ ăn, nghe thấy chú Thái trong phòng khách hạ giọng nói: “Anh Đào nhà chúng ta trưởng thành, thành cô gái nhỏ rồi.”

“Trưởng thành cái gì chứ ạ,” mẹ Lâm cười không ngừng: “Trẻ con, nói hươu nói vượn.”

Chú Thái nói: “Quyên Tử, nhìn vợ chồng hai đứa có phần… để con bé tự do phát triển…”

Buổi tối trước khi ngủ, Lâm Kỳ Nhạc lại gạch thêm một ngày trong nhật ký. Đã là ngày 30 tháng 7, có phải Tưởng Kiều Tây sắp trở lại rồi không?”

Có lẽ do ngày đêm nghĩ ngợi, nhớ tới cậu. Giữa đêm, Lâm Kỳ Nhạc đang ngủ thì bị tiếng ‘cộc cộc cộc’ vang lên bên tai đánh thức.

Âm thanh kia rất nhẹ lại hết sức quy luật, từng tiếng từng tiếng một gõ nhịp nhàng vào cánh cửa sổ nhỏ bị phiến lá vạn niên thanh bên giường Lâm Kỳ Nhạc che khuất.

Lâm Kỳ Nhạc vén rèm cửa sổ, dụi mắt nhìn ra ngoài. Cô mặc váy ngủ xoay người xuống giường, mang dép vào bước vòng qua chiếc giường lớn nơi ba mẹ đang ngủ, đi ra phòng khách.

Cô mở khóa cửa lớn.

Công trường Quần Sơn đã vào giữa đêm. Tưởng Kiều Tây mặc quần short màu đen, áo sơ mi mùa hè ngắn tay màu đen, trên tay ôm một chiếc hộp, đứng trước cửa nhà Lâm Kỳ Nhạc.

Lâm Kỳ Nhạc nghe thấy tiếng ve sầu rỉ rả trên cây, tiếng dế kêu ri ri trong bụi cỏ, chừng như còn có cả tiếng ngáy của chú nhà bên cạnh.

“Cậu về rồi hả?” Lâm Kỳ Nhạc hỏi.

Tưởng Kiều Tây nhìn Lâm Kỳ Nhạc rồi nhìn ra phía sau cô, cậu hỏi: “Chú và dì ngủ rồi à?”

Lâm Kỳ Nhạc nhẹ nhàng khép cửa lại, nhón chân rón rén vòng qua giường của ba mẹ, đi vào phòng ngủ nhỏ của mình.

Cô vặn mở đèn bàn ở đầu giường, nương theo ánh sáng yếu ớt, cô đón lấy chiếc hộp đồ chơi trên tay Tưởng Kiều Tây.

“Cái này là tặng cho tớ sao?” Cô nhìn con búp bê Barbie trong hộp.

“Đây là của anh họ tớ tặng cho cậu.” Tưởng Kiều Tây cũng ngồi xuống giường.

Lâm Kỳ Nhạc hết đỗi tò mò ngắm con búp bê, lại thấy Tưởng Kiều Tây lấy từ trong túi quần của mình ra một cái hộp nhỏ hơn.

Là một hộp băng cát xét.

“Cái này là của tớ tặng cậu.” Cậu nói.

Lâm Kỳ Nhạc đặt con búp bê xuống, cầm hộp băng cát xét lên xem.

Cô chưa từng nhìn thấy cô ca sĩ trên bìa hộp này.

“Sao cậu lại tặng tớ cái này?”

Giọng của Tưởng Kiều Tây nhẹ hẫng, nhưng vì ban đêm bốn bề tĩnh lặng nên mọi âm thanh trở nên rất rõ, rõ đến độ Lâm Kỳ Nhạc có thể nghe thấy cả tiếng hít thở của cậu.

“Ở Hồng Kông tớ nghe cô ấy hát một ca khúc.” Cậu nói: “Đột nhiên nghĩ tới cậu.”

“Vì sao lại nghĩ tới tớ?” Lâm Kỳ Nhạc hỏi.

“Tớ cũng không biết.”

Trong phòng ngủ, mấy con muỗi không ngừng vo ve bay qua lượn lại. Lâm Kỳ Nhạc dịch vào giữa giường, thả mùng xuống. Tưởng Kiều Tây cũng theo cô ngồi vào bên trong mùng.

Tóc của Lâm Kỳ Nhạc không có buộc thành đuôi ngựa, xõa cong cong trên vai. Cô cầm Walkman trên đầu giường, lấy cuộn băng cát xét đang nghe dở bên trong ra, sau đó đặt cuộn băng Tưởng Kiều Tây mới tặng cho mình vào.

Tưởng Kiều Tây ngồi xít lại, Lâm Kỳ Nhạc ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng từ trên người cậu, giống như mùi cỏ xanh.

Tưởng Kiều Tây lấy một bên tai nghe của Lâm Kỳ Nhạc, nhét vào tai mình.

“Hình như là bài thứ ba.” Tưởng Kiều Tây cầm Walkman của Lâm Kỳ Nhạc nhấn nút tới.

Lâm Kỳ Nhạc tắt đèn đầu giường, nằm xuống gối. Cô dịch sang một bên chừa chỗ, Tưởng Kiều Tây nhanh chóng nằm xuống bên cạnh cô.

Khúc nhạc dạo đầu là tiếng đàn dương cầm. Lâm Kỳ Nhạc mở danh sách bài hát ra dí sát vào mắt, không có ánh sáng, cô chỉ có thể nhìn thấy loáng thoáng cô ca sĩ trên ảnh chụp có tên là Tôn Yến Tư. Lâm Kỳ Nhạc hỏi: “Tưởng Kiều Tây, Hồng Kông có hay không?”

“Hay.” Trong bóng tối Tưởng Kiều Tây nhẹ giọng nói.

“Chơi vui lắm hả?” Lâm Kỳ Nhạc hỏi.

“Không phải là chuyện chơi vui.”

“Vậy thì hay chỗ nào chứ?” Lâm Kỳ Nhạc thắc mắc.

Tưởng Kiều Tây không nói gì, có lẽ bị câu hỏi của Lâm Kỳ Nhạc làm cho phát phiền, hoặc có lẽ cậu cũng không biết phải trả lời thế nào. Cậu nằm chen chúc bên Lâm Kỳ Nhạc trên chiếc giường nho nhỏ tại thị trấn Quần Sơn nhỏ bé này. Cô ca sĩ kia vẫn cất giọng hát sâu lắng nhịp nhàng, Tưởng Kiều Tây lắng nghe, từ từ nhắm mắt lại.

(*Ngày 8 tháng 6 năm 2000, nữ ca sĩ người Singapore Tôn Yến Tư phát hành Album đầu tiên ‘Tôn Yến Tư’, đứng đầu Bảng xếp hạng lượng đĩa tiêu thụ Đài Loan. Cuối tháng 7, Tưởng Kiều Tây mua được album này. Bài hát thứ 3 trong album là bài ‘Trời tối rồi’

– Trời tối rồi, Tôn Yến Tư

TruyenHD)