Cơn bão khủng khϊếp như vậy mà đám cúc cánh bướm vẫn không chết. Những thân cây gục xuống rũ rượi lại bắt đầu vươn mình lên. Số lá cũng tăng lên, sắc xanh trông cũng đậm hơn.
“Chúng đã không chịu cúi đầu!” Wakabe khâm phục nói.
Giờ học thêm kết thúc là chúng tôi lại tập trung ở nhà ông cụ, nơi này như đã thành chỗ trú chân của cả đám, ngắm những cây cúc cánh bướm, ăn bánh và làm bài tập. Ông cụ cũng không còn nói những câu như “Chúng mày lại đến rồi à?” hay “Một lũ ồn ào” và chẳng biết từ lúc nào, số đệm ngồi đã tăng lên thành bốn cá
“Mấy đứa học mà làm gì! Đã dốt thì chớ!”
“Dốt thì mới phải học chứ!”
Ông cụ và Wakabe toàn đốp chát nhau như vậy. Nhưng dù vậy, ông cụ cũng chỉ bảo chúng tôi khá nhiều về lịch sử và chữ Hán. Đặc biệt, mỗi khi có chữ Hán mới, ông lại dạy cho chúng tôi những từ cùng viết bằng chữ Hán đó mà chúng tôi không biết. Từ chữ “thụ mộc” tức lùm cây, ta có “thụ hải” tức “rừng cây bát ngát”. Chữ “tu học” nghĩa đại khái là du lịch học tập, vẫn chữ ấy ta có từ “Atula”, hình như là một vị ác thần sống dưới đáy biển sâu, toàn gây ra chiến tranh. Từ chữ “nhũ”, ta có từ “vυ'”. Quả nhiên, Yamashita vừa nghe xong từ này là nhớ luôn. Chữ Hán của nó nhờ vậy cũng khá lên chút xíu.
Dũng tướng Minamoto Yoshitsune không tự sát khi bại trận, thực ra ông ta đã từ Hokkaido chạy sang đại lục, trở thành một dũng sĩ Mông cổ với biệt danh là Thành Cát Tư Hãn. Buổi chiều hôm ông cụ kể câu chuyện chẳng khác gì bịa đó, trên đường quay về, tôi thử nói ra điều mà mình đã ngầm nghĩ từ lâu.
“Chuyện về bà cụ ấy mà.”
“Sao cơ…”
“Chúng mày không thấy bà ấy trông giống ai à?”
Wakabe và Yamashita quay sang nhìn nhau.
“Nó đang nói tới ai?”
“Chả biết!”
“A...” Yamashita nhìn tôi.
“Đúng không?”
“Ừ! Giống lắm!”
“Ai cơ?” Wakabe vẫn chưa hiểu.
“Bà cụ ở tiệm hạt giống Ikeda!”
“ấy à?”
“Không giống sao?”
“Giống mà!”
Chúng tôi vẫn giấu ông cụ việc đến gặp bà Koko Yayoi ở viện dưỡng lão.
“Nếu mình nhờ bà cụ ấy thì sao? Bà cụ ở tiệm hạt giống ấy.”
“Nhờ cái gì?”
Tôi bắt đầu nói về kế hoạch của mình.
* * *
Chắc lúc gặp ma, người ta cũng có khuôn mặt như vậy. Khi chúng tôi đưa bà cụ ở tiệm hạt giống đến và nói đó là bà Koko, nét mặt ông cụ đúng kiểu như “nhìn thấy ma”. Chúng tôi nói với bà rằng hoa cúc cánh bướm sắp nở và mời bà đến xem, trên đường đi mới nhờ bà giúp đóng giả làm bà Koko Yayoi. Dĩ nhiên chúng tôi có giải thích lý do. Là vì bây giờ ông cụ vẫn chưa quên được bà ấy. Chắc chắn ông cụ rất muốn gặp và nói chuyện với bà ấy.
“Ông sẽ mừng lắm!”
“Làm thế nào bây giờ nhỉ?” Bà cụ nói và suy nghĩ một lúc lâu.
“Liệu ông ấy có nghĩ bà là người kia không?”
“Bà yên tâm. Bà rất giống mà. Các đặc điểm như là người nhỏ, da trắng, trán tròn.”
Bà cụ đặt tay lên trán, hơi day day những nếp nhăn.
“Các cháu chắc đã nghĩ kỹ rồi chứ?”
“Vâng!”
“Bà hiểu rồi. Bà nghĩ cách đó cũng không tồi. Cứ thống nhất như vậy là được nhỉ?”
“Được mà!”Yamashita
Ông cụ vẫn đang ôm chậu quần áo đứng như trời trồng giữa sân. Bà cụ cũng vẫn đứng đó cúi đầu chào. Cái quần cộc vừa mới phơi, thõng xuống trong gió.
“Bà ngồi đây nhé!” Từ hành lang, Yamashita cất tiếng gọi. Nó đã chuẩn bị hai cốc trà lúa mạch.
“Sao mày cứ tự tiện trong nhà người khác thế!”
Nhưng, ông cụ chẳng hề nhìn Yamashita. Ông cụ bối rối ra mặt, tất tả đi về phía hành lang, rồi đột nhiên quay lại mời bà cụ ngồi xuống. Sau đó, tay vẫn ôm chặt cái chậu, ông cụ sơ ý ngồi ngay lên đĩa hương muỗi đang cháy rực.
“Nóng... Nóng quá!”
Bà cụ phì cười. Khuôn mặt ông cụ vì thế càng trở nên kỳ cục. Tôi vẫy tay gọi Yamashita. Những kẻ không liên quan phải nhanh chóng rời khỏi đây chứ.
* * *
Ngày hôm sau, sau giờ học thêm, chúng tôi lại đến nhà ông cụ như bình thường. Ông cụ chỉ im lặng là quần áo. Trong phòng tràn ngập hơi nóng và mùi bàn là. Ông cụ giũ một cái vỏ gối màu trắng, đặt bàn là lên, dồn sức ủi mạnh, rồi lại đặt bàn là lên giá, thay đổi vị trí của cái vỏ gối và giũ hết hơi nước. Bàn tay nắm bàn là của ông cụ nổi đầy những đường gân xanh. “Trời nóng thế này, ông cứ để sau hẵng làm, ông đi nấu cơm trưa đi, nếu không có gì để nấu cơm trưa thì đi mua hàng nào...” Chúng tôi nói như vậy, nhưng ông cụ chẳng thèm trả lời.
“Thế nào rồi?” Wakabe không nhịn nổi liền cắt ngang. “Này, ngày hôm qua…”
Ông cụ rút phích cắm bàn là, liền đó đắp lên cái đệm ngồi đã rách tơi tã một tấm bọc mới được hồ cứng. Ông vẫn chẳng nói gì. Ba đứa nhìn nhau.
“Ông không muốn gặp bà ấy à?” Yamashita lo lắng hói. Ông cụ không trả lời, thằng mập liền quay sang dòm tôi. Nó như muốn nói, “Đấy thấy chưa? Tại mày. Cái kế hoạch dở hơi của mày đó!”
“Ông cáu gì thế?’ Tôi hơi bất mãn. Ông cứ chồng bố cái đệm ngồi trông như mới lên nhau, gườm gườm nhìn tôi.
“Bà ấy đã xin ta đừng có mắng tụi bay.”
“Ông nhận ra ngay à?”
“Đương nhiên rồi.”
“Vì thế mà ông cáu à?”
Ông cụ vòng tay, ôm bốn cái đệm ngồi đang chồng lên nhau.
“Bọn bay muốn bà ấy nói dối. Như thế gọi là lừa đảo đấy.”
“Không phải lừa đảo!” Wakabe nổi cáu, lập tức hét lên.
“Lũ ngốc!”
Trong một thoáng, tôi nhảy vọt lên. Lần đầu tiên tôi nghe thấy ông cụ nói kiểu đó.
“Bọn cháu không có ý xấu mà!”
“Có ý xấu hay không không phải là vấn đề.”
“Vậy, vấn đề là gì?” Wakabe lại hét lên.
“Đừng đem trò tuồng chèo vào cuộc đời người khác!” Nghe ông cụ giận dữ nói, tôi ỉu xìu hẳn. Tôi nhận ra bị nói như vậy còn tệ hơn bị nói là ngu, là xấu xí, hay bẩn tính.
“Cháu cứ nghĩ đó là ý hay. Vì bà cụ ấy trông rất giống vợ của ông.”
Sự im lặng kéo dài. Tôi ngạc nhiên ngẩng mật lên. Ông cụ đang gườm gườm nhìn tôi.
“Thế là thế nào?”
Cuối cùng, tôi mới nhận ra mình đã lỡ mồm.
“Mày bảo giống tức là thế nào?”
Wakabe lườm tôi. “Thằng ngốc!”
Yamashita lắc đầu vẻ “không xong rồi”.
“Chúng cháu đã đi gặp bà ấy.” Tôi đành trả lời.
“Tìm ra rồi à?”
“Vâng.”
Tôi lần lượt kể mọi chuyện từ đầu. Chuyện gọi điện thoại. Chuyện bà Koko Yayoi ở viện dưỡng lão. Chuyện bà ấy sống ở nhà em gái cùng với con cháu của em gái trước khi vào viện.
“Vậy bà ấy có khỏe không?” Tôi chỉ nhìn thấy đỉnh đầu hói của ông cụ.
“Có.”
“Bà ấy đã nói gì?”
Thấy tôi không trả lời, ông cụ liền ngẩng mặt lên nhìn tôi chăm chú.
“Bà ấy quên rồi.”
“Vậy ư?”
“Bà ấy bị lú lẫn rồi. Bà ấy nghĩ rằng chồng mình chắc chắn đã chết.”
Ông cụ cất tiếng cười ngắn. “Điều đó cũng đúng. Ta cũng giống như đã chết mà.”
“Nhưng mà khác chứ.”
Tiếng ve râm ran bao bọc lấy chúng tôi. Âm thanh ấy chồng chất, lấp đầy tai tôi, tiếng mình nói ra mà tôi nghe cứ xa xôi như tiếng của người khác.
“Đó là anh hùng. Bà ấy nghĩ người chồng đã chết đó là một anh hùng. Bà ấy kể trong cuộc chiến, người đó đã vác bom lao vào giữa quân địch. Bà ẩy kế rất chi tiết cứ như đã nhìn thấy vậy. Không thể tin được đó là chuyện bịa.”
“Đó đâu có gọi là bịa đặt.” Wakabe nói gọn l
“Đúng đấy. Nó khác với nói dối.” Ông cụ vẫn cúi mặt. “Nơi đó có xa không?”
“Hơi xa ạ.”
“Đừng có làm chuyện dư thừa!” Ông cụ nói vậy rồi xây lưng lại phía chúng tôi.
“Tôi xin lỗi.”
Một giọng hơi run run cất lên. Chúng tôi từ hành lang nhìn ra, bà cụ ở cửa hàng hạt giống đang đứng trước thềm nhà. “Ồ, các cháu cũng ở đây ư?” Bà cụ nói, rồi vòng qua vườn tới chỗ hành lang. Hôm nay bà mặc kimono, giương một cái ô che nắng màu trắng. Ánh sáng bị che đi một khoảng hình chiếc ô, trông như thể bầu trời ở đó bị cắt ra. Giống như cửa vào của một thế giới khác. Bà cụ gập cái ô che nắng lại, cẩn thận cúi đầu. “Tôi xin lỗi về chuyện ngày hôm qua!”
“Với lại...” Bà cụ nhìn chúng tôi. “Bà đã không làm được. Cho nên…”
Cả ba đứa liền đồng thanh xin lỗi bà cụ.
“Tôi cũng xin lỗi vì chuyện đó!” Ông cụ hơi luống cuống, cũng cúi đầu xin lỗi.
Ông cụ đi ra hành lang, cuống quýt nói. “Tôi cũng đã gây nhiều phiền toái cho bà.” Đoạn ông đưa ra một cái đệm ngồi đã bọc vỏ mới.
Bà cụ đặt cái túi vải màu hồng sẫm xuống hành lang, mở ra. Những quả cây màu đỏ đổ đầy được một rổ.
“Dâu ta à? Hiếm lắm đây!”
“Từ quê tôi gửi ra đấy. Chỉ là chút ít thôi mà.” Bà cụ nói, mỉm cười.
Tôi đem dâu vào nhà bếp để rửa. Tôi cho đầy nước vào chậu, hòa một ít muối vào rồi nhẹ nhàng rửa những quả cây ấy. Ông cụ đã dạy tôi rửa hoa quả bằng nước muối.
Những quả dâu đỏ, màu hơi khác nhau chút ít, trông như những viên ruby. Tôi cẩn thận gom chúng lại cho vào rổ, mang ra
“Ngọt!”
“Chua!”
“Ngon quá!”
Chúng tôi đồng thanh kêu lên.
“Gấu thích cái này lắm!” Ông cụ nói, hình như mồm đang nhằn hạt dâu. Giờ ông đã tươi tỉnh lên rất nhiều.
“Gấu á?”
“Gấu thích những quả như thế này lắm. Chỗ nào có quả ngon là chỗ đó có gấu. Chỗ nào có gấu thì cũng có quả này.”
Thịt dâu màu đỏ tan ra trong miệng, chua chua rồi lại ngòn ngọt. Thứ quả này có lẽ đã thấm đẫm sương trên lá, mọc tận sâu trong rừng nơi không có bóng người nên mới tạo được hương vị thế này, tôi nghĩ.
“Nho núi chẳng hạn, cũng như vậy.” Bà cụ nói.
“Đúng rồi!” Ông cụ mơ màng. Nhìn như ông sẵn lòng trở thành gấu luôn được ấy.
“Hay là quả đằng lê.”
“Đúng rồi.” Ông cụ càng mơ màng hơn, trông như một chú mèo vừa được ăn quả bạc hà mèo.
“Cả quả thủy tùng nữa.”
Ông cụ thở dài, không nói được thêm gì nữa.
“Dạo gần đây mấy thứ đó ít đi. Chẳng còn vài chỗ hái được nữa.” Bà cụ chúm cái miệng nhỏ lại, ăn mà như đang nhẹ nhàng hút mật. Trông bà như một con chim nhỏ.
“Quê quán bà ở đâu vậy nhỉ?” Ông cụ hỏi.
“Tôi ở Hokkaido. Aibetsu.”
“Thế à? Tôi ở Touma.”
“Vậy ta là hàng xóm rồi!” Bà cụ ngạc nhiên nói và mỉm cười.
Khi cười trông bà thật giống bà Koko Yayoi.
“Thực sự là, ngày hôm qua, chẳng hiểu sao tôi cũng có cảm giác như thế.”
“Ồ!”
“Người Hokkaido khác hẳn... chẳng giống người ở bất cứ đâu.”
Ông cụ gật đầu tán đồng. “Mẹ tôi cũng vậy đấy. Phụ nữ Hokkaido chăm chỉ lắm.”
“Thế à?” Wakabe ngẩng lên “Thì ra ông cũng có mẹ.” Nó tỏ ra hơi ngạc nhiên.
“Đương nhiên rồi.”
“Đúng rồi, chăm chỉ lắm, ai cũng khỏe mạnh.” Bà cụ nói rồi cười hơi ngượng nghịu.
Sau đó, hai người họ nói rất nhiều chuyện: chuyện phải buộc ván gỗ vào ủng để đi tới trường, chuyện bố của ông cụ là kỹ sư đường sắt, những nơi bí mật có thể hái được rất nhiều nho núi, chuyện muối cá khô đầy chum, chuyện đi bơi ở sông vào mùa hè, chuyện nước sông đó rất lạnh, chuyện về ngày mà bà cụ tận mắt nhìn thấy một người trốn ra từ trại giam ở Abashiri bị bắt, ngày cả gia đình phơi cá tuyết, chuyện rau cải xanh muối tương và vừng ăn với cơm rất ngon, chuyện bà cụ rất ghét tinh dầu cá tuyết, chuyện tiếng kêu của cáo vọng từ núi xuống nghe thật buồn, chuyện các loài hoa đua nhau nở khi hè về, chuyện những con ngựa kéo gỗ trên núi về vào mùa đông, thân thể chúng tỏa ra hơi nóng đến lạ thường, chuyện những ngày dọn lò sưởi đốt bằng than, chuyện rắc đường lên sữa đông để ăn, chuyện đắp tuyết thành bục nhảy, thi xem có thể nhảy được bao xa bằng ván trượt… họ càng nói lại càng thấy có nhiều điều để chia sẻ.
Thật đáng ngạc nhiên khi thấy hai người họ mang nhiều kỷ niệm đến như vậy. Biết đâu già đi lại là một điều hay. Bởi vì càng nhiều tuổi, người ta lại có càng nhiều ký ức. Và rồi, một lúc nào đó khi chủ nhân chết đi, những ký ức sẽ hòa lẫn vào không khí, tan vào mưa, thấm vào đất, tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ trôi tới nhiều nơi khác, và không chừng, cũng sẽ thử len lỏi vào tim những người nữa. Thỉnh thoảng, có những nơi ta mới đến lần đầu nhưng chẳng hiểu sao lại có cảm giác như rất thân quen, không chừng đó là ký ức của một người xưa nào đó đang trêu chọc chúng ta. Nghĩ như vậy, tự nhiên tôi lại thấy vui.
Ông cụ và bà cụ giờ đang im lặng ngắm khu vườn. Một làn gió mát lướt qua. Chúng tôi như đang được bao bọc trong một quả dâu chua chua ngòn ngọt, thứ quả thấm gió rừng mà chín.