Khu Vườn Mùa Hạ

Chương 8

Ông cụ không còn tích rác nữa. Buổi sáng, ông nghiêm chỉnh dậy sớm, tự mình mang rác ra cột điện. Gặp ba đứa, ông cụ hồ hởi gọi to còn chúng tôi thì lí nhí chào lại. Sau mỗi buổi học thêm, chúng tôi lại ra chỗ bức tường để ngắm khu vườn nhà ông cụ một lúc. Những cây hoa cúc lớn dần, cao được khoảng mười phân, mọc ra những chiếc lá mảnh. Mặc dù bà cụ ở tiệm hoa đã nói chúng sẽ không cao lắm nhưng chúng tôi vẫn thấy những cây hoa có vẻ lêu đêu yếu ớt sao đó.

“Có thật là chúng sẽ nở không? Có ổn không nhỉ?”

“Chịu thôi!”

Cửa sổ đang mở. Phía bên kia tấm cửa lưới đã được vá lại, trong căn phòng thoáng gió, có lẽ ông cụ đang là quần áo. Ti vi cũng không hay bật nữa.

Sau đó chúng tôi đứa về nhà, đứa thì đến bể bơi ở trường. Wakabe cũng không còn nói “Theo dõi ông cụ đi!” nữa.

Ông cụ đi chợ, nấu nướng, ăn uống nghiêm chỉnh, quét dọn và giặt đồ. Những việc mà chúng tôi có thể làm giúp ông đang hết dần.

* * *

“Tao phải học cẩn thận thôi.” Một hôm, sau khi bơi một mạch, Wakabe ngồi lên thành bể và nói vậy. “Bài kiểm tra gửi về hôm qua điểm kém lắm. Mẹ tao nổi điên lên. Tao bị mẹ trói vào ban công đấy.”

“Thật á?”

Ánh mặt trời dần hun nóng lưng tôi. Bỗng tôi thấy mũi mình cay cay như sắp khóc. Wakabe buồn bã, nhìn trân trối xuống bể bơi. Yamashita bơi sấp, lững lờ trôi qua trước mặt chúng tôi. Nó gần như chìm hẳn xuống nước.

“Tao khóc suốt. Đến đêm bác hàng xóm mới qua cởi trói cho tao.”

Bài kiểm tra giữa kỳ học hè của tôi cũng y hệt, chẳng khá khẩm gì. Chỗ lớp học thêm đã gọi điện về nhà

“Hằng ngày con làm cái gì thế hả?” Mẹ nhìn tôi với ánh mắt không vừa ý.

“Làm gì là làm gì…” Mẹ vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt bực tức. Người ta không thể có ánh mắt đó chỉ vì một bài kiểm tra điểm kém. Tôi hoàn toàn chẳng được tin tưởng chút nào.

“Con sẽ học hành nghiêm chỉnh mà.”

“Có lẽ con nên vào lớp học thêm nào không có lũ bạn cùng trường thì hơn.” Mẹ nói, không để tâm xem tôi nói gì.

“Chẳng liên quan gì cả.” Tôi đi về phòng, giở bài ra học, nhưng không thấy hứng thú chút nào.

“Ủa?” Wakabe ngó khắp bể bơi “Yamashita đâu rồi?”

Chắc nó lên rồi? Nhưng chỉ có hai đứa tôi ngồi trên rìa bể bơi.

“Này! Nhìn kìa!” Wakabe chỉ ra bể bơi.

“Hả?”

Đúng lúc đó, cô giáo lao xuống nước tạo thành một tiếng ào sắc gọn. Đó là cô giáo dạy thể dục Kondo Shizuka. Những đường sọc màu xanh nước biển và xanh lục trên bộ đồ bơi của cô lướt đi trong nước, cô nâng từ dưới đáy bể lên một thân hình mềm oặt.

“Yamashita!”

Mọi người xúm xít bên rìa bể bơi. Yamashita mắt nhắm nghiền, nằm bất động. Cả mặt và người nó trắng bệch.

“Nó chết chưa?” Có ai đó hỏi.

Cô giáo không trả lời, hai tay ấn mạnh xuống ngực Yamashita rồi thả ra, rồi lại ấn xuống, cứ như vậy. Phần tóc mái thò ra khỏi mũ bơi của cô buông thõng thượt từ vầng trán xanh xao xuống sống mũi cô. Yamashita vẫn không mở mắt.

“Yamashita! Yamashia!” Cô giáo tát bôm bốp vào má nó.

“Nguy quá! Chắc nó chết rồi!” Sugita nói sau lưng tôi.

“Im đi!” Tôi hét to đến độ chính mình cũng kinh ngạc. Wakabe răng đánh lập cập, chân run lên.

Cô giáo bịt mũi Yamashita, áp môi vào miệng nó làm hô hấp nhân lạo. Năm lần, sáu lần, bảy lần... Mọi người im lặng chờ đợi.

Tôi nhớ đến hai bàn tay lúc mài dao của Yamashita. Đến đôi mắt nó híp tịt lại mỗi khi cười. Đến kiểu chạy lắc qua lắc lại người của riêng nó, thằng mập toàn chạy về sau cùng, mồ hôi đầm đìa. Tôi nhớ đến giọng mời chào của nó lúc đứng trước tiệm cá giúp bố mẹ trông hàng. Cuối cùng tôi mới nhận ra rằng, chết tức là tất cả những điều như vậy sẽ hoàn toàn biến mất, tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại chúng nữa. Không bao giờ nữa ư? Không thể gặp lại Yamashita nữa sao? Và dù có như vậy, mùa hè này vẫn sẽ trôi qua, tôi sẽ vẫn sống và thế giới sẽ tiếp tục vận động như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Điều đó thật đáng sợ biết bao.

“Yamashita! Này! Mập! Tỉnh lại đi!” Tôi hét lên.

Hai má Yamashita ửng lên màu hồng nhẹ, lông mi nó hơi động đậy. Yamashita mở mắt.

“Ủa... Mọi người... có chuyện gì thế?”

* * *

Sau khi đợi Yamashita nghỉ một lát trong phòng y tế, ba đứa cùng nhau đi về. Cô giáo muốn gọi cho mẹ nó, nhưng Yamashita từ chối, kiên quyết không chịu.

Chúng tôi đứng giữa cây cầu phía trên đường ray, bần thần nhìn xuống đoàn tàu đang chạy bên dưới. Đó là cây cầu mà có lần Wakabe đã suýt nhảy xuống.

“Sướиɠ nhé! Mày được hôn cô Kondo Shizuka!” Wakabe không nhìn Yamashita, làm như vô tình nói ra. Yamashita tỏ ra ngượng ngập. Cô Kondo Shizuka rất xinh. Cô có cặp mắt sâu với hàng lông mi dài, rậm, đôi môi đẹp như tạc. Trông cô hơi giống người nước ngoài.

“Đúng là sướиɠ thật?” Tôi nói.

“Thế mày cảm thấy thế nào?” Wakabe hỏi.

“Thế... thế nào là sao... Tao bị ngất mà!” Yamashita luống cuống.

“Đồ ngốc! Chuyện tao muốn hỏi...”‘ Wakabe gí sát mặt vào Yamashita. “... là lúc mày ngất cơ. Mày gần chết còn gì?”

Yamashita vẫn chưa hiểu, Wakabe liền thì thầm. “Lúc sắp chết mày thấy thế nào?”

Thằng mập hơi mở mồm định nói gì đó, nhưng rồi lại đăm chiêu suy nghĩ.

“Tao chỉ nhớ lúc chân tao bị chuột rút thôi. Còn sau đó chẳng nhớ gì cả.”

“Cái gì? Mày chẳng nhớ gì hết á?”

“Ừ.”

“Kể cả cảm giác khó chịu cũng không à?”

“Không!” Yamashita nói với vẻ hối lỗi. ”Nhưng mà tao có nằm mơ.”

“Như thế nào?” Tôi và Wakabe vươn người tới.

“Tao thấy mình ở giữa biển. Tao cưỡi lên một con cá bơn. Có một đàn cá mòi sáng lấp lánh bơi qua trước mặt tao. Đẹp lắm!” Yamashita hơi nâng cái cằm tròn xoe lên.

Có lẽ thế giới đó ở tận đáy biển. Một đáy biển rất sâu, chưa ai biết đến.

“Con cá bơn biết nói nữa. Nó nói là, “Công chúa xứ hải vương đang bị bệnh. Muốn chữa khỏi bệnh, công chúa phải được ăn món gỏi cá bơn thật ngon. Hỡi con người dũng cảm, xin hãy dùng ta làm gỏi cá đi!”

“Thế rồi sao?”

“Tao không thể nào đem con cá bơn biết nói ra làm gỏi cá được. Với cả, tao vẫn chưa biết chế biến cá bơn. Thế nên tao nói là tao phải quay về. Tao cũng nói là sẽ trở lại

“Thế rồi sao?”

“Tao tỉnh giấc.”

“Ừm.”

Đến ngày nào đó, khi Yamashita đã có thể chế biến cá bơn thuần thục, liệu nó có còn nhớ đến giấc mơ này không?

“May quá!” Wakabe nói cụt lủn. “Mày lại quay về được.”

“Ừ!” Yamashita hơi rùng mình. Dưới cầu, tàu điện chạy qua rầm rập.

“Người ta có thể chết bất ngờ và dễ dàng quá. Mày có thấy thế không?” Wakabe hỏi tôi.

“Kiểu như bị tai nạn giao thông, hay là đang đi dưới công trình xây dựng thì bị cái gì rơi vào đầu, hoặc là chết đuối trong bể bơi.”

“Hay ngã đập đầu xuống đất.” Tôi nói.

“Hay bị trúng đạn lạc của bọn xã hội đen đang thanh toán nhau.”

“Hay trúng độc cá nóc.” Yamashita nói.

“Suốt đời này tao sẽ không ăn cá nóc.” Wakabe nói, “Nhưng thực ra việc sống chắc chắn còn kỳ lạ hơn nhiều!”

Tôi nhớ lại cảnh đẻ trứng của loài bướm mình vừa được xem trong giờ tự nhiên trước đó. Côn trùng thường đẻ đến hàng chục, hàng trăm trứng. Nhưng có thể không con nào trong số đó lớn lên được tới lúc trưởng thành. Hầu hết chúng bị những loài côn trùng khác ăn mất hoặc chết vì không tìm được thức ăn hay do điều kiện khí hậu không phù hợp. Chúng sinh ra cứ như chỉ để chết vậy.

“Chết có lẽ không phải là một việc quá kỳ lạ đâu. Vì ai rồi cũng phải chết mà.” Nghe tôi nói, Wakabe gật gù tán đồng.

“Nhưng chết đáng sợ lắm. Đúng không?”

“Ừ!”

“Lạ thật! Ai cũng phải chết mà sao lại thấy sợ? Đến chết cũng chẳng hiểu được nhỉ?”

‘Tao...” Yamashita chậm chạp nói. “Tao vẫn chưa chế biến được cá bơn. Chưa làm được mà đã chết thì thật đáng ghét! Cứ nghĩ rằng chưa kịp có thành quả gì mà đã phải chết cũng đủ thấy sợ rồi. Dù tao cũng chẳng biết, đến lúc làm được rồi liệu tao có mãn nguyện mà sẵn lòng chết hay không.”

Liệu đến một lúc nào đó, tôi có thể làm được điều mà sau đó có chết cũng mãn nguyện không? Dù không làm được, tôi vẫn muốn tìm kiếm một điều gì đó như thế. Nếu không làm vậy thì tôi sống vì cái gi cơ chứ?

* * *

Tuần thứ hai của tháng Tám. Bão về. Gió gào thét, quét trên thành phố nhỏ bé của chúng tôi. Cứ mỗi lần âm thanh khủng khϊếp đó tạm ngưng, mưa lại rơi đập vào cửa sổ. Xe buýt ngừng chạy nên lớp học thêm cũng nghỉ. Tôi gí mũi vào cửa sổ phòng khách, ngắm cảnh vật bên ngoài tựa như đang bị một con quái vật khổng lồ nuốt chửng. Thành phố vào trưa u ám, bị bao phủ bởi màu xám xịt trong bụng con quái vật. Chẳng có ai đi ngoài đường. Những tấm bảng nhỏ bay vù vù như những cánh thuyền đang lướt đi trên mặt nước vô hình.

“Mẹ ơi!”

Mẹ tôi đang ngồi ngủ gục trên sofa.

“Mẹ thật là!”

Sắc mặt mẹ rất tệ. Trông mẹ có vẻ cực kỳ mệt mỏi. Mái tóc dài chấm vai che khuất nửa mặt. Đêm qua, tiếng quát của mẹ làm tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi bèn lắng tai nghe, ở phòng bên, bố đang hạ giọng nói gì đó. Sau đó, tôi không nghe thấy tiếng mẹ nữa.

Tôi ghé tai vào gần miệng mẹ. 1, 2, 3, 4... hơi thở âm ấm của mẹ làm ướt tai tôi. Luồng gió nhỏ trong cơ thể mẹ thổi qua tai tôi, não tôi rung lên nhè nhẹ.

Trong phòng rất yên tĩnh. Cánh cửa sổ khung thép đóng chặt, tiếng điều hòa chạy nghe thật êm ả. Dẫu bây giờ thế giới có bị hủy diệt, chắc mẹ sẽ vẫn tiếp tục ngủ như chẳng có gì liên quan. Tôi nghĩ cảm giác trong mộ chắc cũng giống như thế này. Dưới tầng đất lạnh, những người chết lắng nghe âm thanh xa xôi vọng từ thế giới náo nhiệt bên ngoài.

Tôi đứng dậy thật nhẹ nhàng để tránh làm mẹ thức giấc và ra khỏi phòng. Tôi vừa mở cửa nhà, cơn bão liền ồ ạt tràn vào. Tức thì, tôi lao ra ngoài như bị gió bão cuốn đi.

Quả nhiên. Vườn nhà ông cụ đã thành một vũng ao tù. Thứ còn đứng được trong đó chỉ toàn cỏ dại, cúc cánh bướm ngả nghiêng mỗi cây một hướng, đổ gục trong nước. Có khi chúng chết mất thôi. Tôi nhăn mặt đứng chôn chân ngoài bức tường một lúc lâu, mưa tạt vào hai mắt. Tôi không mang ô, mà có mang đi cũng chẳng được tích sự gì.

“Nhóc làm cái gì thế này? Đi vào mau lên.”

Cánh cửa ra vào mở hé khoảng mười phân, khuôn mặt ông cụ ló ra. Ông cụ cố chống lại cơn gió, nghiến răng mở cửa.

“Nhanh lên!”

Tôi vừa chui vào, ông cụ liền đóng sập cánh cửa lại, tạo ra tiếng rầm rất to. Đằng sau cửa gió rền rĩ đi xa dần. Tôi đứng nguyên ở thềm, lau đầu bằng cái khăn ông cụ đưa cho, chợt dừng mắt trước hai đôi giày thể thao nhìn rất quen.

“Chào!” Yamashita thò mặt ra từ trong căn phòng kiểu Nhật.

“Đúng là nó đến thật à?” Wakabe lao ra. “Mày tháo tất ra đi.”

Tôi tháo đôi tất ướt sũng, đoạn lau cả áo lẫn quần, nói chung là toàn bộ người.

Cái khăn bông ngấm nước nặng trĩu. “Cháu xin phép vào nhà ạ!”

“Được rồi! Ngồi đây!” Wakabe nhận lấy khăn và tất của tôi, đi ngay vào nhà tắm.

“Tao đang ngồi ở tầng hai nhà tao nhìn ra ngoài, chợt thấy có ai đó đang đi trên đường với một cái ô tơi tả. Tao nghĩ đây có phải là Wakabe không nhỉ?” Yamashita vừa kể vừa bắt chước điệu bộ đi ngược gió và giữ kính của Wakabe.

“Nó nói là lo cho mấy cây hoa cúc nên tao đi cùng. Mày cũng thế hả?”

“Ừ!” Tôi trả lời không được thoải mái lắm, cảm giác như bị hai đứa nó qua mặt.

“Khăn giặt rồi đấy!” Wakabe quay ra từ phòng tắm, ngồi xuống tự nhiên như đây là nhà nó.

“Này! Ngồi xuống đi!” ông cụ thong thả ngồi xuống chỗ của mình, nơi gần cửa sổ nhất. Tôi hơi ngại ngần ngồi gọn về một bên.

“Bọn mày sao vậy?” Tôi hỏi.

“Có gì đâu.” Hai đứa chúng nó nhìn nhau.

“Này, mấy đứa. Đừng có giả vờ!” Ông cụ hơi đắc thắng.

“Có chuyện gì thế?” Hai đứa cười như đang có âm mưu gì.

“Được rồi! Không thích nói thì thôi!” Gì chứ, tôi ra vẻ tẩy chay bạn bè.

“Tụi tao cá cược. Xem mày có đến hay không.”

“Tao á?”

“Đúng! Đúng!”

“Vớ vẩn!” Đúng là vớ vẩn.

“Với tụi tao thì không phải vớ vẩn đâu!” Wakabe và Yamashita chu mỏ.

“Vậy ai thắng cuộc?”

Ông cụ chỉ ngón tay vào mũi mình. “Nào! Mấy đứa phải đấm bóp cho ta thôi.”

Yamashita bóp vai cho ông cụ. Wakabe lo chân trái, còn tôi chẳng hiểu thế nào lại lo chân phải.

“Sao đến tao cũng phải làm? Tụi mày là người cá cược cơ mà?”

“Đừng càu nhàu nữa! Mày là nguyên nhân thế này đấy.” Wakabe nói.

“Đừng nói linh tinh!”

Yamashita cưỡi hẳn lên lưng ông cụ, nắn bóp vai ông cụ bằng những ngón tay mập mạp rồi nói. “Này! Cháu thạo lắm đúng không?”

“Ờ ờ!”

Ông cụ nằm rạp người xuống, mắt nhắm chặt, nhăn mặt rêи ɾỉ.

“Cháu hay bóp vai cho bố cháu lắm. Cháu quen rồi!”

“Ừ ừ!”

“Tại vai của bố cháu phải to gấp ba lần vai ông.”

“Ừ ừ ừ!”

“Dễ chịu lắm đúng không?”

“Ừ ư ư ư!”

“Này, hay cháu bóp mạnh hơn nhé?”

“Ư…ơ!”

“Ông đừng ngại, cứ nói đi!”

“Đa... đau!”

“Gì chứ!” Yamashita buông vai ông cụ ra.

“Biết vậy thì ta đã nói sớm!” Ông cụ thều thào nói.

Ông cụ xắn quần lên đến đầu gối, bắp chân ông cụ gầy nhẳng. Lớp thịt và da bao quanh trông như chẳng gắn kết gì với xương, lỏng lẻo chuyển động trong tay tôi. Bắp chân bố tôi mọc đầy lông, còn bắp chân ông cụ lại nhẵn nhụi như tờ giấy dầu, đã thế sờ vào còn thấy mềm nhũn đến khó tin. Một cảm giác chẳng thích thú chút nào.

“Này! Chân!” Ông cụ nói.

“Cháu ấy ạ?”

“Mày chưa từng đấm bóp đúng không?”

“Vâng!”

“Chẳng ra làm sao!”

Xì. Công nhận tôi làm cũng khá èo uột, nhưng vì cáu lên nên tôi dồn hết sức vào bóp thật mạnh.

“Đừng có cáu! Đúng rồi! Đúng rồi! Khá hơn nhiều rồi đấy. Bật ti vi lên đi.”

Thoải mái quá nhỉ. Tôi đứng dậy, bật ti vi, rồi lại bóp chân cho ông cụ. Chương trình thời sự đang đưa tin về chiến tranh bắt đầu nổ ra ở một nước nào đó. Trên màn hình là cảnh đường băng vào ban đêm, những chiếc máy bay chiến đấu lần lượt bay thẳng lên bầu trời. Giữa những người lính và những người đàn ông mang cờ đang vội vã di chuyển, chiếc máy bay trông như một con chim bình thản xòe rộng cánh. Viên phi công đội mũ bảo hiểm tự hào vẫy tay. Cứ như phim vậy.

“Ông từng đi chiến đấu chưa?”

Ông cụ đang gác đầu lên hai cánh tay, liếc mắt xem ti vi, bèn quay lại nhìn tôi. Đoạn ông lại quay đầu về phía ti vi.

“Rồi.”

“Ông lái máy bay à?”

“Không”

“Ông làm gì?”

“Chiến tranh mà.” Ông cụ nói, mắt vẫn nhìn ti vi. Trên màn hình là cảnh một thành phố đổ nát.

“Này, ông kể đi. Chuyện về thời chiến ấy. Ông đã làm gì?” Wakabe tay vẫn bóp chân cho ông cụ, mắt sáng long lanh.

“Ta đi trong rừng.”

“Chỉ đi thôi à?” Wakabe không thỏa mãn. “Ông kể đi. Kể rõ hơn đi!”

Ông cụ không nói năng gì, đứng dậy, tắt phụt ti vi. Đột nhiên, tiếng mưa to hẳn lên. Chiếc chuông gió treo ở đâu rung leng keng.

“Cháu xin ông đấy!” Wakabe không chịu, nó ngúng nguẩy.

“Ta quên rồi.” Ông cụ ngồi khoanh chân.

“Không chịu đâu!” Wakabe kêu toáng lên.

“Nhóc đúng là đứa ồn ào.”

“Ông kể đi.” Tôi nói. “Bọn cháu muốn biết chiến tranh là như thế nào mà.”

Ông cụ ngẫm nghĩ một lúc, rồi chỉ nói “Chuyện đáng sợ lắm” và im lặng.

Bắp chân phải của ông rung lên nhè nhẹ. Ông cụ chậm rãi liếc sang tôi rồi nhắm mắt lại.

* * *

Đó thực sự là một câu chuyện đáng sợ.

Binh đoàn của ông cụ rút khỏi căn cứ ở tuyến trước và đi lang thang trong rừng. Nói cách khác, họ đã chạy trốn. Một tiểu đoàn tổng cộng 25 người, cứ giảm dần mỗi lần từ một đến hai người, cho tới khi chỉ còn có 18 người.

Họ chết vì cái nóng, vì đói khát, hoặc bị bỏ lại vì bệnh. Đôi lúc, binh đoàn của ông cụ cũng gặp phải những quân sĩ của binh đoàn khác bị bỏ lại như vậy. Họ vẫn còn thở, nhưng ở mắt và mồm đã có những con giòi nở ra, nằm ngọ nguậy. Dù vậy chẳng ai định cứu họ. Vì đằng nào họ cũng chết. Những đồng đội của ông cắn răng nhai thứ cỏ đắng nghét nhằm xoa dịu cái dạ dày trống rỗng để đi tiếp, chẳng qua cũng vì sợ phải dừng lại, ông cụ kể như vậy.

Đến tối, phải co người ngồi trên những gốc cây gồ ghề, nhớp nháp mà gục đầu ngủ như chim chóc. Trong rừng không có chỗ để duỗi dài người ra mà ngủ. Cũng có người do quá mệt mỏi, đi ra bãi biển chỉ vì muốn được ngả lưng nằm ngủ cho đã, ngay lập tức đã bị lĩnh một loạt đạn của kẻ địch.

“Vậy ông may quá còn gì!”

Ông cụ liền im lặng, rồi thẫn thờ nhìn vào mặt Yamashita, đứa vừa nói câu đó, như đang nhìn một người không quen biết.

“Một ngày nọ,” ông cụ bắt đầu kể tiếp. “Một ngày nọ bọn ta tìm thấy một ngôi làng. Đó là một ngôi làng nhỏ với rất nhiều căn nhà lợp mái lá. May quá, nhờ vậy ta có thể kiếm được thức ăn và nước sạch cho nhiều ngày nữa, ta đã nghĩ vậy. Quả thực, nếu lúc đó không đến được ngôi làng ấy, có lẽ bọn ta đã chết hết rồi.”

Mưa đập mạnh vào cửa sổ, nghe tưởng như có ai đó đến từ một nơi rất xa đang kêu rên đòi vào.

“Nhưng, có một việc mà bọn ta phải làm trước đó.”

Ba đứa tôi chờ đợi lời tiếp theo của ông cụ lúc này đang im lặng. Hình như gió đã đổi hướng. Nhưng mưa vẫn không ngừng đập vào cửa sổ.

“Trong làng chỉ có phụ nữ, trẻ con và người già! Bọn ta đã gϊếŧ tất cả. Những phụ nữ, trẻ con và người già đó.”

“Tại sao?” Tôi bật ra câu hỏi.

“Nếu để họ sống, biết đâu họ sẽ thông báo vị trí của bọn ta cho kẻ địch. Và như vậy, bọn ta sẽ bị gϊếŧ.”

“Bắn bằng súng máy à?” Chân Wakabe đang rung lên.

“Ừ.” Ông cụ trả lời cụt ngủn.

“Cảm giác gϊếŧ người như thế nào ạ?” Wakabe mắt sáng rực. Yamashita bèn chọc chọc vào người Wakabe ý bảo thôi đi.

“Có một người chạy trốn. Ta liền đuổi theo cô ta. Vì thiếu ăn thiếu uống nhiều ngày nên vừa mới chạy chân ta đã khuỵu xuống, tưởng như tắt thở. Đó là một phụ nữ trẻ, nhanh nhẹn như hươu vậy. Mái tóc dài thắt bím đằng sau nhảy nhót trên lưng, cơ bắp săn chắc ở phần hông chuyển động lên xuống theo từng bước chân. Ta cứ nhìn theo đó, cố hết sức đuổi theo cô ta trong khu rừng. Trong đầu ta như có tiếng chuông âm vang, ta biết mình đang đuổi theo ai, vì cái gì nữa, dù vậy ta vẫn đuổi kịp và nã đạn, cô ta đổ gục xuống như một bao gạo lớn.”‘

Chúng tôi im lặng. Tôi như nghe được tiếng chuông đang vang lên coong, coong. Hay chăng đó là tiếng rền rĩ của gió?

“Viên đạn bắn xuyên qua ngực người phụ nữ. Ta tiến lại gần, rụt rè lật thân hình đang nằm sấp ấy lên. Lúc đó, ta mới nhận ra...” Tiếng nói như tắc lại trong họng ông cụ.

“... bụng cô ấy rất to.”

“Cô ấy đang mang thai ạ?” Yamashita khẽ giọng hỏi. Ông cụ gật đầu.

“Khi ta sờ tay lên cái bụng trơn láng như sắp nứt đó, có cái gì đó động đậy rất khẽ, dù người phụ nữ đã chết rồi.”

Tôi không thể nhìn được khuôn mặt đang cúi xuống của ông cụ lúc này trông như thế nào.

“Sau đó ta quay về làng, cùng với đồng đội vét sạch thức ăn, và sống tiếp!”

Ông cụ chỉ kể đến đó, rồi nói một câu “Chiến tranh mà.” Wakabe khẽ rung đùi, Yamashita mồm há ra nửa chừng, mắt cứ liếc về phía tay nắm tủ.

Chẳng biết chúng nó sẽ làm như vậy bao lâu nữa. Ông cụ lấy thuốc lá từ ngăn kéo dưới ti vi, châm lửa bằng que diêm đặt trong đĩa nhang đuổi muỗi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông cụ hút thuốc. Hút được tầm hai hơi, ông nhìn chằm chặp vào đốm cháy ở đầu điếu thuốc, rồi ngay lập tức dụi điếu thuốc vào cái đĩa.

“Chuyện như thế này có khi không nghe lại tốt hơn nhỉ?”

“Không đâu.” Tôi nói lí nhí, nhưng có vẻ chỉ càng làm cho bầu không khí nặng nề hơn.

“Nói ra được thì tốt chứ sao. Ông cứ kể đi” Wakabe nói gọn lỏn. “Chuyện như thế này nói ra chắc chắn là tốt hơn đấy.”

Ông cụ hơi kinh ngạc. “Thế à?” Ông lẩm bẩm và nhìn ra ngoài cửa sổ. Mưa yếu đi một chút, giống như đứa bé khóc nhè lúc sắp ngủ thϊếp thỉnh thoảng lại nấc lên.