Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 3 - Chương 90

Ngay sau ngày Ban quản trị của Hợp tác xã Gia Đạo được bầu lại, tuy chưa có gì thay đổi cụ thể nhưng một không khí phấn chấn tràn ngập khắp thôn xóm. Nhìn vào thành phần của những người được bầu tuy không ai nói ra nhưng mọi người đều âm thầm gửi gắm lòng tin vào họ. Riêng những người được đại biểu xã viên tín nhiệm bầu lên tuy trình độ có khác nhau, tính tình mỗi người một vẻ nhưng có chung một tâm huyết là phải tìm mọi cách làm thay đổi bộ mặt tiêu điều của Hợp tác xã.

Mở đầu cuộc họp của Ban quản trị bàn phương hướng phát triển Hợp tác xã sắp tới, Dậu nói:

- Việc Hợp tác xã chúng ta sa sút triền miên không phải là do đường lối chủ trương tập thể hóa mà do chúng ta quá lệ thuộc vào cách làm ăn bảo thủ, máy móc. Muốn vượt qua tình trạng trì trệ này không có cách nào khác là phải mạnh dạn thay đổi cả trong suy nghĩ lẫn hành động để tìm lấy lối thoát.

Dậu mở cuốn sổ ghi chép công việc ra lật dở mấy trang rồi nói:

- Trước mắt ta bàn một số công việc cần làm ngay chứ để khi bắt tay vào làm vụ chiêm là không có thời gian để làm đâu. Riêng làm vụ chiêm, tôi đề nghị chúng ta sẽ có một buổi bàn riêng từ việc cày bừa, gieo mạ cho đến cách thức khoán. Hôm nay ta chỉ bàn những việc sau đây. Củng cố lại khâu chăn nuôi, trọng tâm là trại lợn và ao cá. Việc cần bàn nữa là sửa chữa lại nhà trẻ và mẫu giáo. Vận động bà con xã viên đóng góp tre, gỗ. Còn ngói thì Hợp tác bỏ tiền ra mua. Đây là việc làm rất quan trọng. Có nhà trẻ và mẫu giáo đàng hoàng, ổn định, bà con sẽ yên tâm gửi con để tham gia sản xuất.

Bà Bắc hỏi:

- Định lợp nhà trẻ bằng ngói à?

- Lợp ngói hoặc lá cọ. Lát nữa ta bàn cụ thể. Phải đóng thêm bàn ghế, cũi cho trẻ chưa biết đi. Chi đoàn thanh niên chọn thêm từ hai đến ba cô để trông nom thêm các cháu. Cuối cùng tôi đề nghị chấn chỉnh lại cửa hàng mua bán của Hợp tác xã. Nhiều bà con đề nghị cho cô Giang nghỉ và thay người khác vào bởi cô Giang có những việc làm bất minh trong khâu phân phối. Nhưng theo tôi ta cho gọi cô Giang lên để chỉ ra những thiếu sót của cô ấy và để cô ấy tiếp tục làm. Thứ nhất là cô ấy đã quen việc, quen người với Phòng Thương nghiệp huyện. Thứ hai, cô ấy là vợ liệt sĩ đang ở với bố mẹ chồng. Ngoài việc để cô Giang tiếp tục làm cũng cần lấy thêm một người chuyên môn chạy hàng về bán cho bà con. Nếu chỉ dựa vào mấy cái xoong Hải Phòng, mấy chục bát Hải Dương rồi sẽ đến một ngày nào đó dân quay ra đun nồi đất và ăn bát mẻ.

Bích hỏi:

- Hàng bách hóa Thương nghiệp cung cấp một trăm phần trăm thì chạy mua ở đâu được?

Dậu bảo:

- Chợ vùng ta mới hiếm chứ như chợ thị xã, chợ huyện tôi thấy người ta bán xoong nồi đúc bằng gang của các lò thủ công ối. Mua tự do, muốn mua bao nhiêu cũng được. Bát đĩa đun bằng lò thủ công cũng nhiều. Tôi nghĩ bà con ta có nồi gang và bát lò thủ công là tốt quá rồi. Đó là ba việc ta có thể tiến hành làm ngay. Việc nào chưa xong thì khi bước vào vụ chiêm ta cứ tiếp tục là cho xong. Thế được chưa hay còn việc gì nữa các vị nêu ra ta bàn luôn.

Tế nói:

- Từ đây đến khi bắt tay vào làm vụ chiêm chỉ ba việc ấy cũng phải vắt chân lên cổ mà chạy mới kịp. Làm thêm việc khác không khéo chết chìm.

Bích góp ý:

- Cháu thấy thời gian làm lại nhà trẻ và mẫu giáo là mất nhiều thời gian nhất. Còn củng cố cửa hàng mua bán và củng cố khâu chăn nuôi không tốn mấy thời gian.

- Không giản đơn như cháu nghĩ đâu. Bây giờ chúng ta bàn từng vấn đề một nhé. Bàn chuyện chăn nuôi hay bàn chuyện gì trước? – Dậu hỏi.

Tế nói:

- Chuyện củng cố cửa hàng mua bán có lẽ nhất trí như vậy, không phải bàn nữa. Bích tìm trong chi đoàn của mình một đoàn viên tháo vát phân công cùng bán hàng với cô Giang. Tôi đề nghị trọng tâm của buổi họp này ta bàn vấn đề chăn nuôi là chủ yếu.

- Vậy ta bàn vấn đề chăn nuôi trước nhé – Dậu nói – Vừa qua tôi có trao đổi với một số bà con về trại chăn nuôi lợn. Bà con đều công nhận chăn nuôi kiểu ấy thì chẳng khác gì kiểu làm ăn rong công phóng điểm trong sản xuất. Làm qua ngày để lấy công điểm, còn lợn béo, lợn gầy chẳng hề quan tâm. Ruộng giao cho trồng rau nuôi lợn nơi thì bỏ hoang, nơi thì để cho người khác chiếm dụng trồng rau. Tôi hỏi bà con nên chăn nuôi kiểu nào tốt nhất. Một số người bảo giao lợn về cho đội sản xuất, số khác bảo khoán cho hộ xã viên. Tôi cũng từng có suy nghĩ này và đã đề nghị với Ban quản trị trước đây nhưng các ông ấy bảo làm như vậy là trái với quy định. Bây giờ ta bàn xem có thể làm được như ý kiến đề nghị của bà con hay không.

Mọi người ngồi lặng yên suy nghĩ. Thấy chưa có ai nói gì, Bích liền nói:

- Cháu thấy giải tán trại lợn và khoán cho hộ xã viên nuôi là hay nhất. Giao đất trồng rau, giao chỉ tiêu thịt tính theo cân hơi và phân chuồng mỗi năm cân cho Hợp tác bao nhiêu tạ. Vượt chỉ tiêu thì người nuôi hưởng, không đạt chỉ tiêu thì có hình thức phạt và không cho tiếp tục nuôi nữa. Cháu thấy làm được thế sẽ kí©ɧ ŧɧí©ɧ người nuôi và hai bên đều có lợi.

Ông Cẩm tán thành luôn:

- Làm được như cháu Bích vừa nói có khi được đấy. Nhưng xem có vi phạm gì về chủ trương đường lối hay không?

Bích nói tiếp ý nghĩ của mình:

- Lợn của Hợp tác không mất con nào mà chỉ tiêu cân cho Nhà nước tăng lên thì sao gọi là vi phạm về chủ trương đường lối hả bác?

- Biết vậy. Nhưng chủ trương của trên là chăn nuôi tập thể, mình giao cho hộ xã viên nuôi có nghĩa là mình lấy của tập thể giao cho cá thể. Như vậy không phải làm trái với chủ trương của trên hay sao?

Tế nói:

- Tôi thấy chả trái chút nào. Hộ xã viên là thành viên của tập thể. Tập thể phân công cho hộ xã viên nuôi để làm lợi cho tập thể chứ có giao cho họ hưởng đâu mà trái với đường lối.

Dậu cắt ngang:

- Thôi, không bàn lan man nữa. Ta bàn chuyện đang bàn cho xong đi. Tôi thấy ý kiến của anh Tế và cháu Bích là rất hay. Chúng ta làm lợi cho tập thể, cho Nhà nước và cho cả xã viên nữa thì chẳng có gì mà phải lo làm sai chủ trương đường lối. Nếu cấp trên xuống nhìn thấy dân no, Hợp tác xã mạnh thì chẳng khi nào lại đi phê bình chúng ta vì sao anh để cho dân no, vì sao anh lại dám để cho Hợp tác xã mạnh. Nếu cấp trên có bảo ta sai, ta cũng có cái lí thực tế để chứng minh là chúng ta đúng.

- Chờ được vạ má đã sưng – Ông Cẩm nói tưng tửng – Cũng nói cho hết nhẽ để làm cho chặt chẽ thôi chứ tôi chẳng có ý bàn lùi.

- Chẳng ai nghĩ bác bàn lùi – Dậu nói – Bây giờ ta bàn cụ thể xem.

Lúc đầu cứ tưởng việc khoán lợn cho xã viên là đơn giản. Nhưng khi bàn đến cách giải quyết mấy chục con lợn thịt và lợn nái đang nằm trong chuồng của Hợp tác xã thì mọi chuyện lại rối tung lên. Rắc rối là nếu giao cho xã viên thì số cân thừa so với định mức tính toán bằng cách nào khi không được hóa giá lợn tập thể cho xã viên. Sau một hồi bàn bạc, Dậu than thở:

- Có thế này mới biết vì sao Ban quản trị trước đây chẳng muốn làm gì. Không gỡ thì thôi, gỡ ra mới thấy nó rối như mớ bòng bong. Bây giờ ý kiến mọi người thế nào. Củng cố lại trại lợn hay giao khoán cho hộ xã viên?

Bích thấy trong đầu mình vừa loé lên ý nghĩ liền nói luôn:

- Cháu đề nghị số lợn ngoài trại nên khoán cho đội sản xuất. Như vậy về danh nghĩa vẫn là lợn của tập thể nhưng chăn nuôi dưới hình thức khoán chứ không bao cấp.

Bà Bắc thắc mắc:

- Như vậy đội sản xuất lại phải lập trại chăn nuôi riêng hay sao?

Bích bảo:

- Vẫn nuôi tại trại của Hợp tác. Nhưng chia cho hai đội. Đất trồng rau cũng chia theo số hộ của mỗi đội.

Dậu thấy ý kiến của Bích rất đáng quan tâm nên hỏi:

- Khoán dưới hình thức nào?

Bích lắc đầu:

- Cháu chưa nghĩ ra. Nhưng có thể áp dụng giống như khi nãy ta bàn khoán cho hộ xã viên.

- Sao lại cứ tính luẩn quẩn thế nhỉ. Nếu hình thức khoán như nhau thì cứ khoán hẳn cho hộ xã viên có phải giản đơn hơn không?

Tế góp ý:

- Theo tôi, trước mắt ta cứ dùng hai hình thức khoán song song. Thứ nhất là khoán cho hộ. Cứ mỗi sào ruộng nộp cho Hợp tác xã ba mươi cân lợn hơi và bốn tạ phân chuồng một năm. Hợp tác sẽ hỗ trợ hai mươi đồng tiền giống. Bên cạnh đó giải tán trại lợn chuyển về khoán cho đội. Cứ tăng một cân là được hưởng năm công. Số cân tăng tổng cộng nhân lên với ngày công, đội nhận về chia đều cho hộ hoặc khẩu lao động thì tùy. Sau khi cân hết số lợn ở trại, Hợp tác xã tiếp tục mua giống về khoán tiếp cho đội. Tôi nghĩ nếu chúng ta tổ chức khoán song song hai hình thức trên thì hàng năm ta có một khoản lợn kha khá bán cho Nhà nước đấy.

Ông Cẩm vỗ đùi kêu lên:

- Hay. Chú Tế đã khai thông được con đường rồi. Bây giờ chỉ có việc bàn xem giao khoán bao nhiêu cân, bao nhiêu công là hợp lí nữa thôi. Tôi nói thế có đúng không các vị.

Không ai trả lời câu hỏi của ông Cẩm. Việc mới quá nên ai cũng ngồi đắn đo trước câu hỏi làm như vậy đúng hay sai.