Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 1 - Chương 7

Chiếc xe com-măng-ca nhảy chồm chồm trên con đường đất. Mùa hanh khô bụi cuốn theo xe mù mịt. Đô mặc chiếc áo lông to xù, ôm một khẩu súng săn hai nòng ngồi ghế trước. Ông Kim mặc áo đại cán màu xanh, bên trong là chiếc áo len cao cổ, đầu đội mũ cát két màu xanh công nhân ngồi ở ghế sau. Xe chạy qua các cánh đồng đang cấy vụ chiêm, qua các làng nằm rải rác hai bên đường. Gió bấc hun hút lùa vào xe.

Hành, lái xe bảo:

- Năm nay rét quá bí thư nhỉ. Không biết lúa cấy xong có sống nổi không.

- Rét nhưng không giá mấy nên không lo.

- Rét như thế này mà lội xuống ruộng thì khổ lắm. Cứ như có đàn kiến hàng ngàn con cắn vào chân. Nghĩ ngày còn bé ở nhà áo len không có, áo bông cũng không. Những ngày rét như thế này đi học phải mặc độn không biết bao nhiêu là áo rách bên trong. Hai cánh tay cứng quèo nên viết chữ như gà bới.

- Bây giờ những cô những cậu bé như cậu thời ấy cũng thế cả chứ có hơn gì đâu. Nhà ai có bố mẹ, anh em gì đó đi làm cho nhà nước may ra mới có chiếc áo bông, vỏ áo bằng vải thô nhuộm xanh. Còn áo len thì bói cũng tìm không thấy.

- Sắp đến thị trấn Linh Sơn rồi, có ghé vào cơ quan huyện ủy không bí thư?

- Không. Chú mày tìm đường nào đó không phải qua cổng cơ quan huyện ủy và ủy ban. Đừng để chúng nó thấy xe mình đang đi xuống xã.

- Đường tránh thì có ối nhưng mình có đi ăn cắp ăn trộm gì mà sợ họ thấy?

- Chẳng ăn cắp ăn trộm gì nhưng gặp chúng nó chỉ nghe chào hỏi và báo cáo báo chồn hết cả buổi chẳng đi đâu được đâu. Đó là chưa tính đến chuyện mời cơm mời nước vào buổi trưa, rách việc lắm.

Xe tiếp tục đi qua thị trấn. Chạy một đoạn, Hành hỏi:

- Về xã nào đây bí thư?

- Hình như sáng nay tớ đã bảo cậu đi Hạ Đình rồi hay sao ấy nhỉ?

- Bí thư bảo đi Linh Sơn chứ có nói xã nào đâu.

- Vậy thì đi về Hạ Đình. Đến gốc đa đầu làng Chanh Hạ, cậu đỗ lại. Cậu biết gốc đa làng Chanh Hạ rồi chứ gì?

- Làng Chanh Hạ có những mấy cây đa cơ.

- Cây đa đầu tiên cách làng chừng dăm trăm mét ấy.

- Thế thì em biết rồi. Nhưng từ đó vào làng còn xa lắm.

- Tớ muốn không ai biết mình về. Đến đấy đỗ xe, cậu đóng cửa lại cho ấm đánh một giấc. Nếu tớ và tay Đô về muộn thấy đói bụng thì bẻ cơm nắm ra mà ăn. Người nào có suất của người ấy rồi không phải lo ăn phần của người khác.

Hành cười:

- Bí thư và anh Đô nếu được bà con chiêu đãi thịt gà nhớ đem ra cho em một miếng đấy nhé.

- Cậu sợ tớ và tay Đô đi ăn mảnh thì lát nữa đóng cửa xe lại đấy rồi cùng đi.

- Có khi bí thư cho em đi theo thật. Ngồi ở trong xe chờ mấy tiếng đồng hồ không khéo người em thiu mất.

- Cậu đi liệu trẻ con nó có phá xe không?

- Có gì trong xe đâu mà sợ chúng nó phá. Hơn nữa trẻ con nông dân hiền và ngoan lắm chứ không như trẻ con ngoài phố đâu bí thư ạ.

- Vậy thì ba anh em cùng đi.

Đến một gốc cây đa khá to mọc ở vệ đường, xe dừng lại. Ông Kim và Đô bước xuống trước, Hành xuống sau rồi đóng sập cửa lại.

- Ấy chết! Suýt nữa thì quên khẩu súng săn – Hành mở cửa lấy khẩu súng săn hai nòng đưa cho Đô. Ông Kim xách cái điếu cày đi trước, Đô khoác khẩu súng săn cùng với Hành theo sau. Đi mấy bước Đô bảo:

- Anh Hành sợ em và anh ăn mảnh thịt gà mới nằng nặc xin đi chứ anh ấy mà nhìn thấy cảnh anh và em lội ruộng như mọi lần bố bảo.

- Coi thường nhau quá đấy. Thành phần bần nông chính hiệu đấy nhé.

Ông Kim không đi vào làng mà bỏ đường cái đi thẳng về phía cánh đồng xa xa trước mặt. Hành thấy thế hỏi:

- Sao không đi thẳng vào làng mà phải vòng ra đồng hả bí thư?

- Ra đấy xem bà con cấy hái ra sao.

Đến cánh đồng lúa đã cấy xong, ông Kim dừng lại nhìn bao quát khắp lượt – Mấy tay lãnh đạo ở Linh Sơn khá thật – Ông Kim khen – Cấy muộn so với các huyện khác hơn hai mươi ngày mà Hợp tác xã Hạ Đình cấy gần kín đồng rồi.

Hành nhìn chăm chú vào đám ruộng trước mặt mình rồi hỏi ông Kim:

- Bí thư nhìn mấy ruộng lúa cấy xong có thấy gì không?

- Thấy gì?

- Lúa cấy chăng dây thẳng hàng mà chẳng thấy thẳng ở đâu cả. Bí thư để ý xem. Hàng nào cũng vẹo vọ, nghiêng ngả như quân bại trận.

Ông Kim nhìn theo tay Hành chỉ:

- Đúng là tay Hành tinh thật. Chẳng biết cấy hái kiểu gì mà dẻ mạ nghiêng ngả như một lũ say rượu thế nhỉ.

- Theo em, lúa cấy nghiêng ngả kiểu này một là cấy ẩu để lấy công điểm, hai là đất bừa chưa nhuyễn nên khi cấy bị chuội tay, cắm cây mạ chỗ này nhưng gặp đất cục cây mạ lại trượt sang chỗ khác.

- Nhận xét của cậu hoàn toàn chính xác. Ta đi đến chỗ bà con đang cấy kia xem sao.

Trên một đám ruộng chưa được nửa sào, hơn mười cô gái đang cặm cụi cấy, vai người nọ gần như hích vai người kia, vừa cấy vừa cười đùa ầm ĩ. Ông Kim đứng nhìn một lúc rồi thở dài:

- Anh nào cũng kêu là thiếu lực lượng lao động vì phải điều lực lượng bổ sung cho chiến trường, thế mà một đám ruộng chỉ bằng bàn tay chéo chen chúc có đến hơn chục cô cấy. Riêng chân của thợ cấy cũng đủ dẫm cho cây lúa xiêu vẹo rồi. Cậu Đô đếm thử có bao nhiêu cô cấy ở đám ruộng kia.

Đô đưa tay đếm rồi bảo:

- Mười hai cô anh ạ.

- Mười hai cô chổng mông chổng đít lên cấy đám ruộng bằng chiếc chiếu, chẳng biết làm ăn kiểu gì nữa.

Vốn tinh nghịch nên khi nghe ông Kim nói vậy, tự dưng Đô cao hứng cất tiếng hò lơ:

- Hỡi cô cấy ở ruộng sâu. Mặt thời cúi xuống, chổng phao câu lên trời.

Đám con gái cấy dưới ruộng cùng ngẩng lên nhìn về phía ông Kim. Trong đám các cô gái bỗng vang lên tiếng hò đáp lại:

- Các anh đi thì cứ việc đi. Em chẳng chổng thế lấy gì các anh ăn.

Đám các cô gái đang cấy tiếng cười rộ lên.

- Thôi bỏ mẹ, cậu Đô chọc phải cái tổ ong vò vẽ rồi.

- Sao thế bí thư? – Hành ngạc nhiên hỏi.

- Thày trò mình gặp phải con gái Kẻ Đúm rồi.

- Con gái Kẻ Đúm thì sao?

- Con gái Kẻ Đúm chanh chua, đanh đá và giỏi đối đáp có tiếng.

- Em người ở huyện này mà chẳng nghe nói đến con gái Kẻ Đúm bao giờ?

- Làng cậu xưa kia thuộc Tổng Lai Xá, cách đây những hơn mười cây số, cậu còn bé con nên không biết là phải. Kẻ Đúm trước đây thuộc Tổng Hạ Đình. Tổng Hạ Đình có ba làng. Đó là làng Chanh, làng Đúm và làng Doi. Trước đây gọi một cách dân dã là Kẻ. Kẻ Chanh, Kẻ Đúm, Kẻ Doi. Bây giờ đổi thành thôn Quyết Tiến, Hồng Kỳ, Tiến Bộ thuộc xã Hạ Đình. Ngày xưa người ta có câu ví: Đẹp nhất con gái Kẻ Chanh, đanh đá Kẻ Đúm, ba vành Kẻ Doi. Kẻ Doi dùng nước giếng làng chẳng biết có chất gì mà cả làng đều toét mắt. Đi đâu gặp người có hai vành mắt sưng mọng, đỏ quạch là dân Kẻ Doi chứ không ai lọt vào đó. Lát nữa về xe ăn cơm tớ kể cho mà nghe. Bây giờ đến nơi xem các cô cấy hái ra sao. Hai cậu nhớ nếu không ai nhận ra tớ là các cậu không được giới thiệu tớ là bí thư bí thót gì nghe không.

Đô và Hành theo chân ông Kim đến sát các cô gái. Ông Kim lên tiếng trước:

- Ba anh em tôi thua các cô nên đến chịu tội đây. Có phải các cô là con gái Kẻ Đúm không?

Các cô ngừng cấy đứng cả lên. Một cô trong bọn bỗng kêu lên:

- Bác Kim! Chúng cháu không biết nên khi nãy hát hỗn với bác. Mong bác tha lỗi cho chúng cháu.

Nghe cô kia gọi tên ông Kim, các cô gái tỏ vẻ lo lắng, sợ sệt. Ông Kim cười nhẹ nhàng:

- Người không biết không có lỗi. Hơn nữa bác và hai cậu này là kẻ gây sự trước. Các cháu nghỉ tay lên cả đây nói chuyện cho vui rồi xuống cấy tiếp.

Mười hai cô gái người thì thả mạ xuống ruộng, người vẫn cầm mạ trên tay bước lên khỏi ruộng đến chỗ ông Kim.

- Có rét lắm không các cháu?

- Rét lắm bác ạ.

- Nông dân làm được hạt thóc khổ như thế đấy các cháu ạ.

Đô nhìn các cô gái, tò mò hỏi:

- Vừa rồi cô nào đối đáp với tôi đấy?

Một cô chỉ vào một cô gái chừng mười tám, mười chín tuổi có khuôn mặt tròn và đôi mắt rất sắc bảo:

- Cái Đăm đối đáp với anh đấy. Nó đối đáp nhanh và hay nhất chi đoàn chúng em.

- Nếu chúng em biết có bác bí thư cùng đi thì chúng em không dám hát hỗn láo như vậy đâu – Nói xong Đăm nép đầu vào vai một cô bạn đứng cạnh mình.

- Bí thư là con ngáo ộp hay sao mà cháu không dám trêu?

- Không phải ngáo ộp, nhưng bác là người lãnh đạo cả tỉnh, ai cũng ca ngợi bác. Bố cháu mà biết cháu hát hỗn với bác thì chỉ có no đòn.

- Bố cháu là ai mà dữ thế?

- Bố cháu là ông Mai ạ.

- Có phải Mai lươn không?

- Vâng. Bác lần nào xuống Hạ Đình cũng vào nhà cháu. Cháu nhận ra bác, chỉ bác không nhận ra cháu thôi.

- Lần nào thấy bác vào nhà là cháu lủi xuống bếp nhanh như chạch làm sao mà bác nhận ra cháu được. Bác biết bố cháu ngày bố cháu chưa lấy vợ cơ. Bác hơn bố cháu hai tuổi. Ngày ấy bố cháu đã nổi tiếng về tài bắt lươn rồi. Đã mấy lần bác được ăn lươn om với chuối xanh do bà nội cháu nấu đấy.

Đăm vui vẻ kể:

- Mỗi lần bác vào nhà cháu ra về là bố cháu lại nhắc đến chuyện ngày xưa bác ở trong nhà ông bà cháu. Hồi ấy còn kháng chiến chống Pháp, bác làm bí thư huyện ủy huyện Linh Sơn có phải không nào?

- Bố cháu bảo à?

Đăm cười rất tự nhiên:

- Mỗi lần nói đến bác là bố cháu nhắc đến chuyện đi bắt lươn về cho bà cháu om chuối xanh mời bác.

- Bố cháu dạo này có đi đánh lươn không?

- Vỡn.

Ông Kim cười:

- Vỡn. Đúng là tiếng Kẻ Đúm. Hợp tác xã Hạ Đình cấy gần xong chưa các cháu?

Một cô cầm nắm mạ trong tay trả lời:

- Mới hơn một nửa diện tích thôi bác ạ. Nếu không có chỉ thị của huyện tạm thời ngừng cấy để chống rét thì Hợp tác chúng cháu đã cấy xong rồi.

- Khi nãy đi đầu kia bác nhìn lúa kín ruộng tưởng cấy sắp xong rồi?

- Bác nhìn thấy đồng Đình nội đấy – Một cô nói – Cấy ở đấy xong mới chuyển xuống đây.

Ông Kim hỏi:

- Sao các cháu không dàn số người của các cháu ra vài đám nữa cấy cho nhanh mà túm tụm lại một đám như thế này. Cấy kiểu này vướng phải nhau vừa chậm, cây lúa lại nghiêng ngả chẳng ra hàng lối.

Đăm bảo:

- Chúng cháu làm đông cho nó vui chứ chậm nhanh cũng chẳng để làm gì bác ạ.

Ông Kim ngạc nhiên hỏi:

- Cháu nói thế nghĩa là thế nào?

Đăm đáp:

- Bác tính cấy nhanh cũng từng ấy điểm, cấy chậm cũng từng ấy điểm. Thậm chí ngồi chơi cũng chẳng ảnh hưởng gì. Bác nhìn xem những người đi bừa kia kìa. Nửa ngồi trên bờ, nửa đứng dưới ruộng. Trâu thì vừa đi vừa ngủ. Chúng cháu có cấy nhanh cũng chẳng có ruộng mà cấy. Bác hỏi sao cây lúa xiêu vẹo không hàng không lối ư? Bác đứng đấy cháu bốc cho bác xem đất người ta bừa như thế nào.

Nói xong Đăm nhảy xuống ruộng vục một vốc đất đưa đến cho ông Kim xem. Vốc đất lổn nhổn những cục to như nắm tay. Ông Kim nhìn nắm đất của Đăm vừa bốc dưới ruộng lên:

- Đội trưởng sản xuất và phó chủ nhiệm phụ trách sản xuất có ai có mặt ở đây không?

Một cô gái đứng cạnh Đăm nói với ông Kim:

- Thắp đuốc tìm cũng chẳng thấy đâu bác ạ. Bác muốn gặp họ thì vào làng tìm đến mấy nhà ông ấy. Nếu không ngồi uống rượu ở nhà ông này thì cũng uống ở nhà ông khác.

Ông Kim bảo Đăm:

- Cháu vào làng tìm đội trưởng sản xuất và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Hợp tác ra đây cho bác.

- Cháu sợ các ông ấy trù lắm.

- Cháu cứ bảo bí thư tỉnh ủy bảo cháu đi tìm. Chẳng ai dám trù cháu đâu. Cậu Hành đi với cháu vậy, đi nhanh lên nhé. Bây giờ các cháu tiếp tục cấy đi. Bác đến xem mấy ông thợ bừa làm ăn ra sao.

Các cô gái tiếp tục xuống ruộng cấy. Ông Kim và Đô đi đến chỗ mấy người đi bừa đang ngồi hút thuốc lào ở trên bờ ruộng vui vẻ chào:

- Chào các chú. Hôm nay trâu ốm, người ốm hay sao mà cả trâu lẫn người không ai muốn làm việc thế?

Một người trong số đi bừa trả lời trống không:

- Đói chứ chẳng ốm đau gì cả. Các ông đi bắn gì mà vác khẩu súng to thế?

- Đi xem có cò, có nông gì bắn mấy con về cải thiện cho vui.

- Cò nông các ông chịu khó đi lên đầm Voi chứ ở đây chỉ có dẽ giun chúng lủi nhanh như cuốc có mà bắn. Ở đầm Voi sếu về rồi đấy.

- Sếu về có nhiều không?

- Sáng sớm chúng bay qua đây từng đàn, mỗi đàn phải đến vài chục con.

Ông Kim ngồi xuống cạnh mấy người đi bừa móc túi lấy thuốc cho vào nõ điếu, rút cái đóm trong túi ra bật lửa châm thuốc rít ngon lành.

Một anh thợ bừa chun mũi hít hít mấy cái rồi hỏi ông Kim:

- Bác hút thuốc gì mà khói thơm thế?

- Thuốc lào Thống Nhất. Làm một điếu thì làm.

Ông Kim bỏ gói thuốc lào xuống trước mặt mấy người đi bừa. Anh chàng vừa khen thuốc thơm bảo:

- Xin bác một bi hút thử xem sao.

- Nếu thấy ngon tôi biếu cho đấy, ở nhà tôi vẫn còn.

Anh thợ bừa vê thuốc cho vào nõ rít một hơi, khen:

- Thuốc của bác vừa thơm vừa đượm khói.

- Vừa rồi chú mày bảo đói nên mới làm uể oải. Nói nghe hợp lí đấy. Đói đi chơi cũng mệt chứ nói gì đi làm. Nhưng muốn không đói phải làm năng nổ lên chứ làm ăn kiểu này làm sao bảo không đói được.

- Có thực mới vực được đạo ông ạ. – Một anh thợ bừa bảo – Nhưng muốn thực cũng chẳng có cái gì để mà thực. Thóc công điểm chia không đủ nấu cháo. Tôi hỏi ông, bụng ông lép kẹp có đi bừa nổi không?

Tuy trong lòng hơi bực nhưng muốn nghe những người nông dân nói thật những ý nghĩ của mình nên ông Kim vẫn làm ra bộ vui vẻ:

- Bụng đói thì không đi bừa được thì rõ rồi. Nhưng cuộc sống của các Hợp tác xã đã đến nỗi nào. Các anh chỉ vin vào công điểm chia ít thóc để che đậy cái thói lười biếng của mình thôi. Nếu cứ làm ăn kiểu này thì đói vờ sẽ thành đói thật là cái chắc.

- Các ông ăn no mặc ấm, chẳng có việc gì làm vác súng đi săn, các ông biết đếch gì Hợp tác xã no hay đói mà nói.

- Có thể như thế thật. Nhưng đói hay no gì đã mang tiếng là nông dân thì phải làm việc cho đúng lương tâm của mình. Làm giả ăn thật thế này các anh không biết ngượng hay sao?

Một người bừa đến chỗ mấy người đang ngồi nói chuyện dừng trâu, cắm bừa lên ngồi cùng. Ông Kim hỏi người vừa bước từ dưới ruộng lên:

- Vừa rồi tôi ngồi ở đây để ý thấy chú đi bừa cứ như người ngủ gật. Ốm à?

- Chẳng ốm đau gì. Dưỡng sức để tối còn ngủ với vợ. Mà ông là ai mà hỏi xách mé thế?

- Thấy chú bừa gai mắt quá nên hỏi thế thôi.

- Ông có ở hoàn cảnh chúng tôi thì cũng làm đến vậy mà thôi.

- Hoàn cảnh nào đã mang tiếng là nông dân thì làm ra làm, ăn ra ăn, chứ làm như mèo mửa lấy gì mà bỏ vào miệng.

- Ông bảo tôi làm như mèo mửa, ông lội xuống ruộng xem có đi nổi ba đường bừa không.

Ông Kim cười:

- Chú thấy tôi ăn mặc đại cán thế này tưởng không biết bừa nên thách có phải không?

- Thách ông đấy. Ông thử bừa vài đường xem có hơn gì chúng tôi không.

- Thách ai thì thách chứ đừng có thách tôi. Tôi đi làm tá điền cho địa chủ thủa dái còn hạt xoan. Ông đã thách thì để tôi bừa cho ông xem.

Nói xong ông Kim đứng lên cởi đôi dép cao su vứt xuống đất, tiếp đó cởϊ áσ quần áo dài đưa cho Đô cầm, nhảy phốc xuống ruộng cầm lấy bừa, đưa cây roi vυ't vυ't mấy cái vào không khí, miệng thét: Hầy, hầy, vắt, vắt, vắt.

Con trâu nghe tiếng người lạ ngoái cổ lại nhìn. Ông Kim tiếp tục vυ't mạnh cây roi vào không khí miệng lại thét: Hầy hầy hầy vắt vắt. Nghe tiếng roi vυ't, con trâu không dám ngoái đầu nhìn lại nữa, ngoan ngoãn bước. Hai chân trước của nó khua nước bắn tung tóe. Ông Kim vững chãi bước theo trâu không khác gì một lão nông thực thụ. Những anh thợ bừa ngồi trên bờ dõi theo bước chân thoăn thoắt của trâu và người. Một anh khen:

- Con trâu Mú nổi tiếng khó tính mà nó chịu ngoan ngoãn, không một lần dám ngoái đầu lại chống đối. Làm sao ông ta khiến con Mú sợ đến thế nhỉ?

- Các anh không biết ông ta là ai à? – Đô hỏi vẻ dọa dẫm.

- Ai thế?

- Đồng chí bí thư tỉnh ủy đấy.

- Chết mẹ chúng tôi rồi! Sao khi mới đến hai ông không giới thiệu cho chúng tôi biết?

Đô cười:

- Các anh biết để không ăn nói bố láo chứ gì? Lát nữa xin lỗi ông ấy một câu là xong thôi. Ông ấy là người không hay để bụng đâu.

Định bừa thử vài đường đáp lại lời thách của mấy anh thợ bừa, thế nhưng khi bước xuống ruộng cầm lấy cây roi và cái bừa trong tay bỗng dưng trong huyết quản của ông Kim râm ran dòng máu của anh thợ cày từ thủa xa xưa đang bừng bừng trỗi dậy. Tiếng chân trâu khua nước xoàm xoạp, tiếng óc ách của lớp bùn nhuyễn chuyển động luồn qua răng bừa gieo vào lòng ông Kim những âm thanh mơ hồ nửa mơ nửa thực. Chân bước theo trâu nhưng hồn ông lại bay bổng ngây ngất trong mớ hồi ức buồn vui hỗn độn. Nếu không có tiếng gọi của Đô chắc ông còn tiếp tục bừa.

Ông Kim cho trâu lại rồi bước lên bờ.

- Bừa được chứ. Có thách nữa không? – Ông Kim vui vẻ hỏi.

Mấy anh thợ bừa lo lắng đưa mắt nhìn nhau. Một anh rụt rè nói:

- Chúng em không biết bác là bí thư tỉnh ủy nên hỗn láo với bác. Mong bác tha lỗi.

- Không dám hỗn láo với bí thư tỉnh ủy, còn người khác thì tha hồ hỗn láo chứ gì?

- Chúng em quen tếu táo chứ chẳng dám hỗn láo với ai đâu ạ.

Đô đưa quần áo cho ông Kim. Ông Kim cầm lấy quần áo hỏi mấy thợ bừa:

- Ruộng này bừa mấy lượt rồi?

- Thưa bác đã bừa hai lượt đơn và hai lượt kép rồi ạ.

- Đội trưởng sản xuất giao cho các anh bừa mấy lượt?

- Dạ thưa, đội trưởng giao cho bừa hai lượt đơn, ba lượt kép ạ.

- Nghĩa là chỉ còn một lượt kép nữa thôi có phải không?

- Vâng ạ.

- Các anh đi cày đi bừa được mấy năm rồi?

- Cũng đã lâu lắm rồi ạ. Học hết cấp hai là chúng em cầm cày, cầm bừa luôn.

Ông Kim đưa quần áo cho Hành cầm rồi bước xuống ruộng, đưa hai tay quơ qua quơ về một lát rồi ném lên bờ những hòn đất to bằng nắm tay:

- Các anh bảo đã đã đi cày đi bừa lâu lắm rồi. Cày bừa lâu lắm mà làm ăn kiểu này không biết xấu hổ à. Có phải các anh bừa một đường, bỏ mấy đường để lấy cho được nhiều công điểm không?

- Không ạ. Chúng em bừa đúng quy cách xưa nay đấy ạ.

- Bừa đúng quy cách mà hai lượt bừa đơn, hai lượt bừa kép, đất cục còn lổn nhổn khắp ruộng thế này à. Các anh có còn là nông dân nữa không? Mồm lúc nào cũng kêu quang quác công điểm được ít thóc nên đói. Tôi mà làm chủ nhiệm Hợp tác không những tôi không cho một lạng thóc mà còn phạt cho sặc máu cái lối làm ăn gian dối này mới thôi.

Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Hợp tác xã Hạ Đình đi trước, Đăm theo sau. Vừa xáp mặt ông Kim, Chủ nhiệm Hợp tác xã khúm núm, sợ sệt:

- Thưa đồng chí bí thư. Chúng tôi không biết đồng chí xuống xã nên không đón tiếp được, mong đồng chí tha lỗi.

Ông Kim nổi nóng:

- Tôi không cần các anh đón tiếp, thưa gửi.

Ông Kim mặc xong quần áo, xách cái điếu cày bảo với những người vừa đến:

- Đi với tôi đến chỗ các cô đang cấy đầu kia rồi tôi sẽ nói chuyện với các anh.

Ông Kim xăng xái đi trước, chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Hợp tác xã đi sau. Đô và Hành đi sau cùng. Mấy người thợ bừa nhìn theo lè lưỡi, lắc đầu:

- Lần này thì mấy cái lão lãnh đạo Hợp tác no đòn.

Đến chỗ đám ruộng các cô gái đang cấy, ông Kim dừng lại chỉ vào đám ruộng vừa cấy xong:

- Các anh nhận xét hộ tôi lúa cấy thế này đã đúng kỹ thuật chưa?

Hai cán bộ Hợp tác xã đưa mắt nhìn nhau. Anh chủ nhiệm nói lí nhí trong mồm:

- Báo cáo bí thư, chúng tôi đã hướng dẫn kỹ thuật cấy cho xã viên rồi nhưng do họ làm ẩu đấy ạ.

- Có đúng là do họ cấy ẩu không?

Hai cán bộ chủ nhiệm lúng túng đưa mắt nhìn nhau.

Anh phó chủ nhiệm phân bua:

- Thưa bí thư. Trước khi giao việc, chúng tôi đã giao cụ thể chất lượng phải đạt được rồi đấy ạ.

Ông Kim thấy mặt mình nóng bừng bừng. Ông gằn từng tiếng:

- Giao xong kéo nhau đi uống rượu chứ gì. Rượu đâu mà các anh nốc lắm thế. Để tiết kiệm lương thực, Nhà nước đã ra lệnh cấm nấu rượu. Vậy rượu đâu các anh uống hả? Tự nấu hay bao che cho những người nấu rượu lậu để họ cống nạp cho các anh?

Có tiếng kẻng dõng dạc từ trong làng vọng tới. Cả cánh đồng như ong vỡ tổ. Mọi người vội vàng nhảy lên bờ ruộng thu vén dụng cụ rồi vội vã ra về. Mấy cô gái đi qua chỗ ông Kim chào hỏi ríu rít.

Đăm:

- Bác ơi, lát nữa xong việc mời bác ghé vào nhà cháu uống nước nhé. Bố cháu gặp bác chắc vui lắm đấy.

Ông Kim vui vẻ trở lại:

- Có cho bác ăn lươn om chuối xanh thì bác vào.

- Bác muốn ăn phải nói trước để bố cháu đi đánh chứ đột xuất thế này làm gì có lươn cho bác ăn ạ.

- Bác nói đùa thôi. Bảo với bố cháu lát nữa bác vào.

- Bác nhớ đấy nhé. Đừng để bố cháu trông đấy. Chúng cháu về đây.

Mấy cô gái líu lô mỗi người một tiếng rồi bỏ đi. Ông Kim quay lại chuyện đang nói với anh cán bộ Hợp tác xã Hạ Đình:

- Các anh định làm sao với những đám ruộng lúa xiêu vẹo không hàng không lối này đây?

- Báo cáo với bí thư chúng tôi xin nhận khuyết điểm và hứa sẽ khắc phục ạ – Anh phó chủ nhiệm lí nhí trong mồm.

- Vậy bây giờ chỉ còn cách nhổ mạ lên cấy lại cho thẳng hàng thôi phải không?

- Báo cáo không thể làm như vậy được ạ. Hiện tại Hợp tác chúng tôi đã cấy hơn một nửa diện tích, làm sao mà nhổ hết từng ấy lên để cấy lại được. Hơn nữa số mạ gieo đã tính toán đâu vào đó rồi. Có những ruộng lúa đã bén rễ, nhổ lên chỉ có vứt. Gieo lại mạ để cấy thì không còn lúa giống, mặt khác bị nhỡ thời vụ.

- Các anh đã thấy sai một li đi một dặm chưa? Không kiểm tra đôn đốc, không bám sát đồng ruộng lại đổ tội cho xã viên làm ẩu. Tôi nói cho các anh biết, đám ruộng này cây lúa xiêu vẹo là do bừa dối trá. Quýt làm cam chịu. Bây giờ để các anh quen với việc đồng áng do lâu nay bận đi uống rượu, tôi giao cho cả ban quản trị và đội trưởng sản xuất làm sao cây lúa ở đám ruộng này thẳng hàng thì làm. Hoặc là nhổ lên cho bừa kỹ rồi cấy lại, hoặc nhặt hết đất cục lổn nhổn rồi nắn cây lúa lại cho thẳng hàng, tùy. Ban quản trị Hợp tác xã tự làm lấy chứ không giao cho xã viên. Nếu không làm được thì về làm bản kiểm điểm đọc trước xã viên rồi để cho xã viên định đoạt. Họ để các anh ở lại thì các anh ở, họ đuổi các anh thì các anh xéo đi để cho bà con bầu người khác thay.

Nói xong ông Kim bỏ đi. Về đến chỗ để xe, ông Kim rút chiếc dép đặt xuống vệ đường rồi ngồi bệt xuống móc túi lấy thuốc lào ra hút. Móc hết túi này đến túi khác chẳng thấy thuốc đâu. Sực nhớ, ông kêu lên:

- Chết thật. Cho mấy tay thợ bừa gói thuốc Thống Nhất mà quên véo lại mấy điếu để hút. Thế là nhịn từ đây đến chiều.

Ông Kim xỏ dép đứng lên đi thơ thẩn quanh gốc cây đa. Chốc chốc ông dừng lại đưa mắt nhìn lên ngọn cây. Những sự việc vừa diễn ra khiến tâm trạng ông lẫn lộn vừa buồn, vừa giận, vừa lo.

Đô đi đến cạnh ông Kim:

- Anh vẫn còn bực chuyện vừa rồi à?

- Có Phật mới không bực. Đến như ngày xưa đi cày thuê cho địa chủ không khi nào anh tá điền cày dối lấy một đường cày. Không phải sợ roi vọt mà là lương tâm của người nông dân đối với ruộng đất. Làm dối trá là có tội với đất. Thế mà hôm nay xã viên làm cho chính mình, cho cuộc sống no ấm của mình mà làm ăn dối trá, làm sao tớ không buồn, không tức được.

Hành hỏi:

- Bí thư làm sao mà quen được nhiều người ở Linh Sơn thế? Đi đâu cũng thấy người quen cũ.

- Ngày xưa tớ hoạt động ở vùng này. Năm hai mươi chín tuổi tớ đã là bí thư huyện ủy Linh Sơn. Năm 1947, sau chiến dịch Thu-Đông, Pháp cho quân chiếm Phước Vĩnh. Huyện Linh Sơn bấy giờ bị cắt đôi. Mấy xã giáp chân núi Linh Sơn là vùng tự do, các huyện phía dưới trở thành vùng tạm chiếm. Nói là vùng tạm chiếm nhưng thực ra quân Pháp chỉ kiểm soát được từ sáu giờ sáng đến bốn giờ chiều. Còn từ bốn giờ chiều cho đến sáu giờ sáng hôm sau là của ta. Tớ giao mọi công việc lại cho phó bí thư huyện ủy và chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến huyện điều hành vùng tự do, còn tớ về ở riết dưới vùng tạm chiếm để chỉ đạo kháng chiến. Quen biết nhiều là do vậy. Họ đều là gia đình cơ sở che giấu tớ. Gia đình ông Mai lươn bố cô bé Đăm là một trong số các gia đình đó. Tớ với ông Mai hơn nhau chỉ vài ba tuổi nên thân nhau lắm.

- Làng em có ông Cả Hạng cũng hay nhắc đến chuyện bí thư ngày ở trong nhà ông ấy. Ông ấy lúc nào cũng khen bí thư hết lời. Ông ấy bảo nếu không có bí thư bênh vực thì đời ông ta xuống dốc rồi. Chuyện gì vậy bí thư?

- Thời gian Linh Sơn bị tạm chiếm có những giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Giặc kiểm soát hết sức gắt gao. Có một số cơ sở nuôi giấu cán bộ bị bọn chỉ điểm phát hiện được, chúng bắt cả nhà đem ra bắn sạch. Tình hình ấy khiến một số gia đình cơ sở không muốn che giấu cán bộ nữa. Ông Cả Hạng là một trong số đó. Có một lần một cán bộ trinh sát của bộ đội địa phương huyện bị giặc đuổi chạy vào nhà ông ta xin giúp đỡ. Ông ta từ chối. Anh cán bộ vừa ra khỏi nhà thì bị giặc phát hiện bắn chết. Không hiểu sao sự việc ấy có một số người biết. Năm cải cách ruộng đất, họ lôi chuyện ấy ra đấu tố, quy cho ông cái tội làm gián điệp đã báo cho địch bắn chết cán bộ. Ông ấy bảo đã nuôi giấu tớ hàng tháng trời ở trong nhà nhưng chẳng ai chịu nghe. Từ đó nhà ông Cả Hạng bị cô lập. Con cái mang phải cái tội của bố nên chẳng được học hành gì. Muốn tình nguyện đi bộ đội cũng chẳng được đi. Mãi đến năm 1959, khi tớ được Trung ương điều từ Cục Công binh về làm bí thư tỉnh ủy Phước Vĩnh, ông Cả Hạng nghe tin đó liền tìm lên xin tớ xác nhận là ông ấy có nuôi giấu tớ. Cùng với việc xác nhận, tớ cho gọi bí thư huyện ủy Linh Sơn lên bảo: Giặc khủng bố bắn gϊếŧ gắt gao khiến một số quần chúng hoang mang là chuyện thường tình. Đừng vì cái lỗi nhỏ đó mà hại cả một đời người ta, hại luôn cả con cháu người ta. Phải tổ chức minh oan cho họ và tạo điều kiện cho con cái họ làm việc để chuộc lại cái lỗi đấu tố oan sai khiến cho gia đình người ta mang khổ mang sở gần chục năm trời. Làm con người phải có lòng nhân ái, vị tha. Người ta ngã đạp cho người ta xuống bùn dễ hơn đưa tay kéo người ta lên. Sau đó ông Cả Hạng được minh oan và con cháu ông ấy đi học và đi làm việc bình thường.

Hành bẻ nửa nắm cơm đưa cho ông Kim:

- Anh không ăn hết cả suất thì ăn nửa suất rồi em đánh xe vào làng kiếm thuốc lào.

Ông Kim cầm lấy nửa nắm cơm Hành vừa đưa bẻ một miếng cho vào miệng nhai trệu trạo:

- Các cậu thử nghĩ hộ xem. Bản chất của anh nông dân nước ta là cần cù, chịu khó. Biết chắt chiu từng hạt thóc củ khoai. Mùa đông cho chí mùa hè suốt ngày lăn lưng trên đồng ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Vậy mà giờ đây họ không còn thiết tha với đồng ruộng, làm ăn được chăng hay chớ. Vì sao vậy?

- Theo em lí do là họ thấy ruộng đất chẳng phải của mình, chỉ có thế thôi – Đô bẻ một miếng cơm cho vào mồm vừa nhai vừa nói.

Hành giục:

- Anh thèm thuốc lào thì ăn nhanh lên để em còn đưa vào làng kiếm thuốc.

Ông Kim đứng lên:

- Tớ xong rồi.

Đô cười:

- Nghe nói đến chuyện đi kiếm thuốc lào người anh linh hoạt hẳn lên.

- Cậu không biết câu của dân gian “Nhớ ai như nhớ thuốc lào. Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” hay sao.

Ông Kim cầm cái điếu cày đứng lên. Ba người bước lên xe.