Lá Thư Không Gửi

Chương 2-7

Nếu con Quyên chỉ tọc mạch, nói nhiều, thích ăn quà thì cũng thôi đi, vì dù sao nhờ sở thích quà bánh của con bạn này thằng Quang mới có kẹo bạc hà chén mỗi ngày mà chẳng mất tiền mua. Điều khiến thằng Quang khó chịu nhất ở con Quyên là ngoài những tật xấu vừa kể nó còn… vô cùng lười học.

Thật ra, nói con Quyên lười học không đúng lắm, bởi vì giống thằng Quang ngày xưa, với những môn thuộc khối thi của nó - nó vẫn học hành khá chăm chỉ. Giống thằng Quang, con Quyên là dân khối D nên với ba môn Toán, Văn, Anh, con Quyên có chú tâm học tập. Nhưng khác thằng Quang ở chỗ, nếu như ngày xưa với những môn không thuộc khối D, thằng Quang dù học lớt chớt nhưng chưa bao giờ dám bỏ hẳn, thỉnh thoảng nó vẫn mở sách vở những môn ấy ra xem một chút. Hôm nào kiểm tra mấy môn thuộc lòng thì trước đó nó cố học tủ mấy bài trong phạm vi cô giáo giới hạn sao cho đủ đạt điểm năm, sáu; bí quá mới tìm mánh khác. Hơn nữa, nó khoái môn Lý nên dành thời gian cho môn này khá nhiều dù môn này của khối tự nhiên. Còn con Quyên, nó chỉ học ba môn của nó thôi, những môn khác nó bỏ hẳn. Bỏ hẳn là không học tí gì, sách vở không thèm sờ vào ấy; bất kể lý, hóa hay sử, địa. Để rồi mỗi lần kiểm tra mấy môn này con Quyên lại quay sang... chép bài thằng Quang. Thằng Quang chẳng khó khăn gì, bạn muốn chép thì nó cho chép, có phải cho con bạn chép làm bài của nó bị hạ điểm đâu. Nhưng nó bực ở chỗ nếu như ngày xưa lúc nào bí chỉ cần nhìn sang bên cạnh, một lúc sau đầu óc đã thông; không chỉ với những môn thuộc lòng đâu, với lý, hóa nhiều khi cũng như vậy. Còn bây giờ, lúc nào bí nhìn sang nó chỉ thấy con Quyên đang ngồi nhìn nó lom lom chờ đợi. Một lúc sau thấy nó ngồi nhăn nhó không làm tiếp, con Quyên mới thì thào hỏi:

- Ông bí rồi à?

Con này ngu thật, không bí sao phải ngồi im thế này. Thằng Quang hơi tức mình, song vẫn khẽ hỏi lại:

- Bí rồi, bà có nhớ được đoạn sau không?

Con Quyên nhún vai, vẻ điềm nhiên trả lời:

- Chịu, có học gì đâu mà nhớ.

Thằng Quang nghe vậy vừa bực vừa nản. Nó đang loay hoay nghĩ cách làm sao bỗng chợt nghe con Quyên rủ rỉ:

- Để tôi chép của con Hiền xong ông chép của tôi nhé.

Thằng Quang quay sang, thấy Hiền đangnhìn bọn nó mỉm cười. Cười nghĩa là đồng ý, hơn nữa nụ cười kia còn mang ý... mời chào nữa, kiểu như "hai người chép bài của tôi đi, cứ chép thoải mái". Điều nàychẳng có gì lạ. Từ ngày con Quyên chuyển xuống mang theo những gói bim bim và ngô cay, ba đứa con gái cạnh nó đã sớm trở thành cạ cứng của nhau. Vả lại trước giờ nó vẫn có quan hệ tốt với Hiền, Tuyết, giờ nó bí hai đứa bạn sẵn sàng cho chép bài là chuyện dễ hiểu thôi. Chỉ có điều xưa nay vốn ngồi cạnh Mai, mà Mai vốn không thích chuyện chép bài nên thằng Quang không dám chép của ai, bí quá chỉ dám liếc bài của Mai một chút chút. Lâu dần thành quen, đến nỗi bây giờ bí nó chỉ ngồi nghĩ nát cả óc chứ chẳng dám nhìn sang bên cạnh. Giờ được cái Hiền mời mọc, tội gì không chép. Với lại Mai đi rồi, cố gắng cho ai thấy nữa. Nghĩ vậy nó liền yên tâm chép bài của con Quyên, à không, là bài của Hiền mới đúng. Từ ngày đó một liên minh huyền thoại được thành lập bởi con Quyên. Sở dĩ nói con Quyên thành lập liên minh này vì nó là người đầu tiên nêu ra ý tưởng. Ý tưởng của Quyên là khi nào kiểm tra tiếng anh, toán, nó và thằng Quang sẽ chocái Hiền, Tuyết chép bài; khi nào kiểm tra sử, địa, Hiền, Tuyết cho bọn thằng Quang chép. Những môn khác ai làm được gì phải cho những người còn lại chép. Nói tóm lại cả bàn sẽ chép bài của nhau. Nếu là lúc trước - khi Mai vẫn ngồi ở đây - sáng kiến này chắc chắn thất bại, nhưng giờ khi Mai đã chuyển đi, sáng kiến này lại được thông qua nhanh chóng. Và liên minh này đã hoạt động bền bỉ đến tận khi bốn đứa bọn thằng Quang ra trường. Thỉnh thoảng con Quyên vẫn nhắc đến việc thành lập liên minh huyền thoại trên với vẻ hiu hiu tự đắc, rằng không có nó liên minh kia sẽ không được ra đời và ba đứa còn lạicòn phải khốn khổ trong những giờ kiểm tra.

Thằng Quang từ đó chẳng chăm chỉ học những môn ngoài khối D như hồi ngồi cùng Mai. Nó nghĩ trong bụng: “Không có Mai học cho ai xem.” Nó quay trở về con đường tội lỗi ngày xưa, chỉ học những môn thuộc khối thi của mình, những môn khác chỉ lời phời cho trên điểm trung bình, có gì lại quay sang chép bài của con Quyên - mà thực chất là của hai đứa Hiền, Tuyết. Con Quyên có bao giờ học bài

ở nhà đâu, chép của nó để móm à. Nhiều khi với những môn tự nhiên như lý, hóa, sinh, ba đứa bọn con Quyên còn phải quay sang chép bài của thằng Quang ấy chứ; tất nhiên những lúc như vậy nó vô cùng thoải mái, các bà thích chép cứ chép, được bao nhiêu điểm các bà chịu, đừng có hỏi tôi.

Vấn đề ở chỗ không phải lúc nào bọn Hiền, Tuyết đều thuộc hết những nội dung thầy cô đã giới hạn với mấy môn thuộc lòng. Điều này khác hẳn Mai ngày xưa, Mai chưa bỏ sót bài thầy cô giới hạn bao giờ;

dù là sử, địa hay giáo dục công dân, có khi học thêm cả những bài khác luôn. Cái Hiền, cái Tuyết trước kia chắc cũng dùng bài của thằng Quang, lúc nào bí thì nhìn sang bài Mai, hoặc có khi quay sang chép luôn không chừng. Nay Mai chuyển đi, bên cạnh là chúa lười tên Quyên, biết chép của ai. Hơn nữa với những môn phụ không thuộc khối thi của đứa nào như giáo dục công dân, kỹ thuật nông nghiệp... dù bốn đứa đã chia nhau ra học nhưng thỉnh thoảng có lúc đứa này, đứa kia bí. Đặc biệt với con Quyên, thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ được giao, rất nhiều lần bị tập thể phê bình nhưng không chịu sửa đổi. Những lúc như vậy cả bốn đứa lại ngồi nhìn nhau, chẳng biết xoay kiểu gì. Với thằng Quang chuyện này chẳng sao, trước giờ nó luôn tâm niệm chỉ cần học tốt mấy môn thi đại học, những môn khác đạt điểm trung bình là ổn, và nó ước lượng bài của mình trên trung bình rồi đấy chứ. Trước kia ngồi với Mai thằng Quang học cho Mai vui, lại lấy le với Mai nữa; giờ lấy le với ai, con Quyên à? Nó chẳng ham. Nhưng bọn con gái không nghĩ như vậy. Bọn này lạ thật đã lười học lại thích điểm cao, đặc biệt là con Quyên, lười chảy thây lúc thầy cô gọi điểm lại chỉ thích hô tám, chín. Nên sau mấy lần ngồi nhìn nhau trong giờ kiểm tra một tiết, ba đứa con gái đã ngồi họp hội nghị Diên Hồng và đi đến quyết định sẽ... quay bài, tất nhiên chỉ quay khi nào bí thôi. Thằng Quang lúc đầu biết tin này chẳng có ý kiến gì, mấy đứa con gái thích quay cứ quay, có khi nó còn tranh thủ chép thêm được một tí càng hay. Vấn đề ở chỗ, ba đứa con gái họp riêng với nhau đi đến quyết định quay bài và thống nhất một trăm phần trăm người quay bài sẽ là... thằng Quang. Thằng Quang sau khi nghe con Quyên nói điều này vừa tức vừa buồn cười, quay sang con Quyên nói với vẻ bực mình:

- Mấy bà thích cứ quay, lôi tôi vào làm gì, tôi không làm đâu. Mấy bà tự đi mà quay.

Con Quyên nghe xong liền giở giọng thỏ thẻ chó sói đội lốt cừu non nói:

- Ban đầu định thế, nhưng mà bọn tôi toàn đàn bà con gái chân yếu tay mềm, nhát gan, chậm chạp, quay bài chắc chắn bị bắt. Cả bàn chỉ có mỗi ông là con trai sức dài vai rộng, lại gan góc, nhanh nhẹn, ông quay thì chắc chắn trăm phát trăm trúng. Với lại ông cứ quay đi, mỗi lần ông quay tôi sẽ đưa ông một thanh kẹo bạc hà, thế nào?

Thú thật thằng Quang chẳng hiểu vụ chân yếu tay mềm với gan góc, nhanh nhẹn có liên quan gì tới việc quay cóp, nhưng được nghe con Quyên nịnh hót lòng nó vẫn sướиɠ lâng lâng. Quan trọng ở chỗ, nếu đúng như con Quyên nói, đồng ý quay bài thằng Quang sẽ ăn no kẹo bạc hà, có khi ăn kẹo thay cơm luôn, mà chẳng phải bỏ một xu. Nghĩ đến viễn cảnh tươi đẹp ấy thằng Quang thầm chảy nước miếng. Với lại quay cóp với nó xưa nay chẳng có gì to tát cả, bây giờ Mai đâu còn ngồi cạnh nó nữa, giữ gìn cho ai thấy. Nhưng vừa ban nãy nó đã thẳng thừng từ chối, bây giờ vừa nghe đến mấy thanh kẹo liền gật đầu đồng ý thật không ổn lắm, sợ rằng bọn con gái bảo nó cầm tinh con hợi mất. Thằng Quang nghĩ như thế, ra vẻ đắn đo nói:

- Quay bài thì chẳng vấn đề gì đâu, nhưng lâu rồi tôi không quay giờ tái xuất giang hồ dễ bị bắt lắm.

- Yên tâm Quang cứ quay đi, bọn tớ sẽ canh chừng cho.

Người nói câu này không phải là con Quyên mà là cái Hiền. Thằng Quang quay sang nhìn Hiền trong lòng thấy hơi buồn cười. Ngày xưa lúc Mai ngồi đây có bao giờ thấy Hiền và cả Tuyết dính líu gì đến mấy vụ quay cóp đâu, giờ Hiền lại mở miệng động viên thằng bạn quay bài. Thế là thằng Quang càng khẳng định suy nghĩ của mình; trước kia ngồi gần Mai hai đứa này chắc chắn đã dùng chiêu nó hay dùng, tức là lúc nào bí sẽ quay sang dòm bài Mai, bí quá thì chép luôn không biết chừng, giờ Mai chuyền đi, bổn cũ không thể soạn lại được. Với lại các cụ vẫn nói "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Trước kia Hiền, Tuyết ở cạnh bóng đèn cao áp, giờ bóng đèn ấy bị rời đi, thay vào chỗ cũ là một thùng mực tàu bự chảng, không đen mới lạ. Ngồi với Mai, hai đứa bạn này không muốn, không dám hoặc không thèm quay bài; giờ ngồi cùng Quyên, một đứa lười học, nói nhiều, ăn lắm, đã không trông cậy gì được còn bị lây tính lười, tất nhiên phải giở mánh thôi. Cái tốt khó học, cái xấu dễ lây là thế. Thằng Quang ngao ngán thầm thở dài, hóa ra không chỉ mình nó thoái hóa, biến chất khi Mai ra đi. Tất cả suy cho cùng chỉ tại con Quyên. Không, tại cô giáo mới đúng, mà cũng không phải, tất cả đều tại Mai. Mai không chuyển đi thì đâu có chuyện gì xảy ra. Không biết bây giờ ở nơi xa xôi kia, biết được sự ra đi của mình khiến bao người "sa ngã" liệu Mai có ân hận không, liệu Mai còn muốn ra đi hay không? Và cả cô Giang nữa; nếu biết hậu quả tai hại hôm nay cô có chuyển Mai đi không?

Thằng Quang đang mải suy nghĩ, chợt nghe tiếng con Quyên:

- Đúng đấy, bọn tôi sẽ canh cho.

Hóa ra con bé này tưởng thằng Quang vẫn đắn đo, do dự nên lên tiếng động viên. Thấy giả vờ đã đủ, thằng Quang làm bộ bất đắc dĩ nói:

- Thôi được để tôi vậy.

Từ buổi đó thằng Quang"lối cũ ta về" - trở thành thợ quay phim của cả bàn. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, đến khi sắp ra trường nó chưa bị bắt lần nào, nhưng không phải không có những lần thót tim. Chẳng hạn như hồi mới hợp tác, có lần kiểm tra một tiết giáo dục công dân, thằng Quang đang hý hoáy quay bài ngẩng lên đã thấy cô Huyền phăm phăm đi xuống. Nó giật thót mình, “chẳng lẽ cô biết mình quay bài, con Quyên canh kiểu gì vậy, chẳng thấy báo động gì cả". Thằng Quang liền liếc vội sang đứa bạn, thấy con Quyên mặt mũi cũng tái mét. May cho bọn thằng Quang, cô Huyền chỉ đi tuần thôi chứ không phải xuống bắt tại trận bọn nó. Tới giờ ra chơi nó sạc con Quyên một hồi; nó nói cả Hiền và Tuyết dù chẳng mấy khi nó nóng với hai đứa này. Nhưng hôm nay nó giận thực sự. Ba đứa ngồi canh gác thế mà cô giáo xuống tận nơi chẳng có ai báo động làm suýt nữa nó chiến tử sa trường. Lúc ấy bị bắt chỉ có nó xơi trứng chứ bọn kia có việc gì đâu. Bọn con gái biết sai nên ngồi im nghe nó lên lớp, một lúc sau con Quyên mới thỏ thẻ:

- Xin lỗi ông nhé, tại bọn tôi mải chép quá, nhưng tôi thề lần sau không có chuyện này nữa.

Thằng Quang định nói tiếp song thấy mấy bộ mặt ủ rũ, ra vẻ ân hận của đám con gái nên thôi; với lại con Quyên vừa đưa cho nó hẳn hai phong kẹo bạc hà liền, con này không biết lấy đâu ra tiền để suốt ngày mua kẹo thế. Nhưng nó đưa thằng Quang phải nhận thôi, không nhận lại mang tiếng khách sáo hay giận dai thì giở. May là từ đó những vụ như thế này không xảy ra nữa.

Thời gian cứ thế trôi qua, ngoảnh đi ngoảnh lại bọn thằng Quang đã học xong lớp mười một, rồi hết lớp mười hai và sắp thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong suốt những năm tháng đó, tình cảm nó dành cho Mai vẫn nguyên vẹn như xưa, chẳng có chút gì suy suyển. Hình như tình đơn phương khác tình yêu đến từ cả hai phía ở chỗ, tình yêu đơn phương dù âm thầm, lặng lẽ nhưng thường bền vững qua năm tháng, không mấy khi thay đổi. Còn tình yêu từ hai phía dù say đắm, nồng nàn nhưng lại dễ đổi thay. Thằng Quang chẳng biết nghĩ như vậy có đúngkhông, càng chẳng biết thứ tình cảm nó dành cho Mai có phải là tình yêu hay không. Nó chỉ biết ba năm qua tình cảm ấy như một dòng sông nhỏ chảy êm đềm qua ngày tháng, không dữ dội, ồn ào nhưng cũng chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ấy thế nhưng, điều khiến thằng Quang buồn là trong suốt những năm tháng gần Mai nó vẫn không làm sao để cô bạn hiểu được tình cảm của mình. Nó vẫn ở cạnh Mai, nói chuyện với Mai, chơi thân với Mai; nhưng chỉ đến vậy thôi, không có gì hơn cả. Nó không dám nói ra mối thâm tình trong lòng, vì thế chẳng biết được tình cảm Mai dành cho mình ở mức độ nào. Đã có lúc, vào dịp thuận lợi, lời tỏ tình đã đến miệng, thằng Quang lại đành nuốt lại. Nó không dám nói. Những lần như vậy làm nó vô cùng khổ tâm. Thật vất vả cho những thằng…nhát gái.

Rồi ngày thi sắp đến, thằng Quang nghĩ mình phải viết thư cho Mai bày tỏ lòng mình. Nó tự nhủ không dám nói mồm thì phải viết thư. Tình cảm của nó dù sâu đậm mấy mà không thổ lộ thì làm sao Mai hiểu được. Hơn nữa, biết đâu đấy, lỡ Mai đang thích nó mà không dám nói trước không chừng. Vậy nó càng phải ngỏ lời, nếu không sẽ tiếc lắm. Với lại nó là con trai mà, phải nói tiếng yêu trước chứ. Nghĩ vậy thằng Quang liền viết thư cho Mai. Trong thư nó chỉ dám nói rằng nó rất quý Mai, rất rất quý; rất nhớ những ngày tháng được ngồi cùng Mai, rằng đó là những ngày tháng đẹp nhất trong cuộc đời học sinh của nó. Nó còn nói cho Mai biết mình đã buồn như thế nào khi Mai chuyển đi, đã nhớ Mai như thế nào. Cuối cùng nó chúc Mai thi đỗ vào trường mình đăng ký, và nó mong mình sẽ mãi mãi được là bạn của Mai, mãi mãi được ở cạnh Mai. Mãi mãi. Thằng Quang không đả động gì đến tiếng "yêu" hay "thích". Một phần vì nó không dám, đến giờ phút này nó vẫn thấy ngại khi nhắc đến hai tiếng ấy với cô bạn; nhưng phần nhiều hơn là vì nó thấy không cần thiết. Nó viết rõ ràng như thế, đầu Mai làm bằng đất mới không hiểu tâm tư của nó, mà Mai tất nhiên không phải loại đầu đất rồi. Lá thư không dài, chỉ hết một tờ phi-đúp nhưng thằng Quang mất hai đêm thức trắng mới viết xong. Nó phải cân nhắc từng từ, từng chữ để sao cho dù không nói thẳng ra nhưng khi đọc xong thư Mai vẫn hiểu được tấm chân tình của nó. Thư đã hoàn thành, cứ tưởng chỉ cần đến gặp cô bạn đưa là xong, ai dè khó đến vậy. Đã mấy lần thằng Quang hạ quyết tâm hôm nay sẽ đưa thư cho Mai, nhưng khi nhìn thấy Mai những quyết tâm ấy lại chạy đi đâu hết cả. Để đếnhôm nay lá thư vẫn im lìm nằm trong cặpnó.

Sau khi nghe con My kể chuyện của Mai, thằng Quang càng cảm thấy buồn rũ rượi, chẳng biết là buồn cho Mai hay buồn cho nó.

Đạp xe về cùng mấy thằng bạn nhưng nó chẳng nghe rõ lũ bạn nói gì. Lòng nó đang nghĩ về lá thư trong cặp và thở dài tự hỏi bao giờ lá thư này mới được gửi đi đây?