Chán Đời Sống Lại

Chương 94: ĐƯA ANH ĐI TRỐN

Cậu gắn Hàn Phong lên vai, bế theo ma quân giấu sau lớp áo khoác tàng hình rời khỏi Bạc Lăng. Cả hai vừa đi vừa nghỉ, hơn mười ngày sau thì đến một thung lũng được bao quanh bởi ba ngọn núi lớn. Ở đây có một cộng đồng nhỏ sống dựa vào thiên nhiên, và hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Phong cách sống của họ đơn giản đến không ngờ. Đàn ông, đàn bà, già, trẻ, trai, gái đều mặc một kiểu áo thụng màu trắng dài đến chân. Ngay cả kiểu tóc cũng là nhà nhà đồng lòng, người người làm theo, con gái tết tóc, con trai cạo đầu trọc lóc.

Vừa đi đến nơi, cậu bỗng thấy mình giống một con vật nuôi nhốt trong sở thú. Bị người dân nơi đây sỗ sàng quan sát từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài, từ trước ra sau. Mà cũng không thể trách họ được, vì nếu chiếu theo chuẩn mực cộng đồng ở nơi này, thì Vĩnh An đúng là sinh vật lạ lùng. Nhất là cái tay cứ cong cong, nhìn thế nào cũng thấy kỳ quái.

Lữ khách cố tình ngó lơ người dân bản địa, sải bước trên đoạn dốc quanh co uốn lượn. Hai bên đường thông mọc trập trùng, mỗi lần có anh gió ghé thăm là đua nhau rì rào ca hát, thi thoảng họa mi cũng nhảy vào cuộc vui, tấu lên bản hòa ca âm vang núi rừng. Cậu đắm mình vào bầu không khí bình yên và tĩnh lặng, đầu óc thư giãn đôi chút. Đôi chân tiếp tục men theo phố núi leo đến đỉnh dốc, dự định đi tìm chỗ nào đó dựng nhà ở tạm thì...

- Này, chờ đã!

Vĩnh An quay lại, đứng đối diện với người đàn ông trung niên da dẻ nâu bóng, cơ bắp cuồn cuộn. Ông ta cầm trên tay cây gậy gỗ để làm màu cho ra vẻ già cả, chứ tướng này còn đánh nhau rất tốt.

- Bác gọi cháu? - Lữ khách trả lời.

- Không mày thì ai?

Ông ta nhìn cậu như nhìn một thằng đần. Nhất là đôi tay thật sự rất kỳ lạ. Nhìn đến chán chê người đàn ông mới nói tiếp:

- Tao là trưởng thôn ở đây, mày cứ gọi tao là bác Đế. Còn mày là ai? Đến đây làm gì?

- Cháu tên Vĩnh An, mồ côi cha mẹ, muốn tìm một nơi để ở.

Trưởng thôn lại tiếp tục săm soi từ đầu đến chân khách lạ:

- Thôn tao không chứa đồ vô dụng. Cái tướng của mày còn thua đàn bà chỗ tao. Mày biết làm gì?

Cậu nhẩm nhẩm trong đầu: Bay lượn, đánh quái, bày trận… toàn là những thứ vô dụng đối với hoàn cảnh nơi đây. Bản thân tự dưng bị đẩy vào thế khó, bí quá đành phun đại:

- Đọc chữ.

Không ngờ bác Đế vui mừng ra mặt.

- Tốt! Tốt! Mày đi theo tao.

Trưởng thôn vừa đi vừa tranh thủ giới thiệu lịch sử của thung lũng Tam Sơn. Cái tên này là do tổ tiên của họ để lại. Vào cái thời xa xưa, xưa đến nỗi không ai còn nhớ mốc thời gian chính xác. Có một nhóm người chạy trốn mấy tên quái vật và hình thành nên cộng đồng nhỏ cho đến ngày nay.

Vĩnh An vừa nghe vừa gật gù. Mấy tên quái vật trong câu chuyện chắc là tu sĩ. Có thể tổ tiên của họ không chịu nổi cuộc sống bị áp bức nên lựa chọn ra đi.

- Tới rồi! Mày vào đi.

Cậu theo chủ nhà bước chân lên căn nhà sàn rộng rãi khang trang, xây dựng từ gỗ nguyên khối mái lợp lá, trong nhà gọn gàng sạch sẽ. Trưởng thông khệ nệ lôi ra một cái rương gỗ chứa đầy ắp những cuốn sách cũ. Bìa sách ố vàng, ruột sách lủng lỗ chỗ vì bị mối mọt gặm nhấm.

- Mày đọc thử tao nghe. - Bác Đế vừa nghi ngờ vừa mong đợi nhìn cậu.

Hóa ra là đánh giá năng lực. Cậu không cầm lấy cuốn sách mà vẫn đọc vanh vách hết trang đầu.

- Sao mày làm được? - Ánh mắt lại lộ ra vẻ nghi ngờ kèm theo chút tò mò.

Lữ khách cười mỉm, tu sĩ vốn có trí nhớ cực tốt, mấy câu truyện thần thoại dành cho trẻ em đọc qua một lần là nhớ. Huống hồ thần thức còn có thể nhìn xuyên qua lớp giấy. Nhưng không thể nói huỵch toẹt ra hết được, cậu lựa chọn một câu trả lời khôn khéo:

- Truyện này cháu từng đọc qua nhiều lần nên thuộc lòng.

Ông ta yên tâm cười khà khà:

- Tao nói cho mày nghe, ở cái thôn này chỉ còn tao và con Xuân biết đọc chữ. Bọn nó hồi nhỏ cũng được học chữ như tao. Mà chúng nó không đọc không viết nên quên hết rồi. Làm nông rõ là không cần phải biết chữ. Sáu tháng trước con Xuân không may bị cọp tha mất. Tao bù đầu đủ thứ chuyện trên đời, lũ trẻ không có ai dạy. Mày biết chữ thì dạy đi. Bọn tao sẽ cấp nhà cấp gạo cho mày.

- Cháu nhận. - Thực ra Vĩnh An chẳng cần nhà hay lương thực. Thân phận được hợp thức hóa mới chính là điều cần thiết.

Cuộc khảo nghiệm diễn ra nhanh chóng và suôn sẻ. Trưởng thôn hớn hở ra mặt, dắt cậu đến một căn nhà sàn bỏ hoang. So với nhà trưởng thôn thì nó khiêm tốn hơn rất nhiều. Đến nơi, ông ta giới thiệu sơ qua:

- Đây là nhà cũ của con Xuân. Giờ nó chết rồi, mày ở tạm đi. Nếu không thích thì đợi hết vụ mùa, cánh đàn ông trong thôn sẽ phụ mày làm nhà khác.

- Dạ! Cháu cảm ơn.

- Ừ, mày dọn dẹp đi. Tao về!

Nói xong ông bỏ lại một túi gạo và một túi ngô, sau đó cắp tay sau đít thủng thẳng ra về.

Còn lại một mình, Vĩnh An lẩm nhẩm vài thuật pháp cơ bản, căn nhà lập tức trở nên sạch bóng. Cậu chọn một chỗ tươm tất nhất trong gian nhà sàn bé tẹo, trải nệm cẩn thận, sau đó mới nhẹ nhàng đặt anh nằm xuống. Còn bày thêm ẩn trận để người ngoài không thể nhìn thấy.

Nhìn Lệ Thiên nằm đó, cả người thiêm thϊếp bất động, hơi thở đều đều chậm chạp. Cậu vuốt ve gương mặt rồi đổ gục vào ngực anh:

- Dạ ca…

Chỉ khi đối diện với anh, Vĩnh An mới dám lộ ra bản ngã yếu đuối. Cậu rất sợ một ngày nào đó, nhịp tim và hơi thở này bỗng nhiên tắt lịm, thì trên đời này sẽ chẳng còn gì đáng để níu kéo.

- Dạ Ca! Cố gắng lên, cố cho cả tôi nữa.

Nói rồi, cậu buồn bã đứng dậy, đi chuẩn bị dụng cụ chăm sóc cho anh như thường ngày vẫn làm. Nhìn những vết thương đến tận bây giờ vẫn chưa chịu kéo vảy, lòng cậu lại xót xa vô cùng. Linh khí truyền vào cơ thể ma quân giống như nước đổ lá khoai, đổ vào thì nhiều mà chẳng giữ lại bao nhiêu. Cứ theo đà này, ngày nghe lại giọng nói của anh có lẽ còn rất xa vời. Thế là Vĩnh An quyết định liều lĩnh một phen, tự mình khởi động quá trình chữa trị linh hồn cho anh sớm hơn dự định. Dù biết làm thế là hao tổn hồn lực của bản thân, nhưng cậu không quan tâm, chỉ cần anh tỉnh lại, trả giá thế nào cũng đáng để chấp nhận.

Vĩnh An lật lại phương pháp lấy được từ chỗ hệ thống, cẩn thận đọc đi đọc lại từng câu từng chữ, sau đó triệu hồi con rùa mít ướt:

- Bích Liên Tâm.

Con rùa len lén bò ra, mắt không dám nhìn thẳng. Trước đây nó thấy chủ nhân hờ đáng sợ hơn chủ nhân chính. Bây giờ nó biết mình đã nhầm. Bộ đôi này phải còn đầy đủ thì phận làm tôi làm tớ mới dễ thở. Chỉ cần thiếu một trong hai, cuộc đời nó sẽ rơi vào tăm tối.

Đúng y như con rùa dự đoán, câu tiếp theo của cậu là lời đe dọa:

- Đỡ linh hồn Dạ Ca ra đây. Làm cho cẩn thận, có gì sai sót tao đem mày đi làm rùa bảy món.

Con rùa câm như hến răm rắp làm theo. Chốc lát sau, linh hồn mong manh như làn khói hiện ra trước mắt người anh em cáu kỉnh. Phía bên ngoài, Vĩnh An vẫn lẩm nhẩm trong miệng một loại ngôn ngữ kỳ lạ, cậu cũng chẳng hiểu sao bản thân có thể hiểu được nó. Theo từng câu chữ, phong ấn trắng tinh chậm rãi vươn ra bao lấy linh hồn Lệ Thiên vào giữa. Linh hồn Vĩnh An xót xa đỡ lấy người bạn mới đến, sau đó cẩn thận ôm vào trong lòng.

Vĩnh An tiếp tục lẩm bẩm những từ ngữ kỳ lạ. Phong ấn lần nữa siết chặt. Phương pháp trị liệu dùng hồn dưỡng hồn gần như rút cạn sức sống của người thi triển thuật pháp. Cậu mệt mỏi nằm vật ra kế bên bệnh nhân, hai mắt vô hồn, đầu óc lại nghĩ ngợi lung tung đủ thứ chuyện trên đời. Phần lớn trong đó là tự dằn vặt bản thân. Nếu có thể làm lại, cậu sẽ lựa chọn tránh xa anh ra. Con người mang theo sao quả tạ bên mình, tốt nhất là sống cô độc.

Hết mẹ rồi đến anh bị đều bị vạ lây. Bây giờ nghĩ lại, chuyện của thầy bản thân ít nhiều cũng có liên quan. Nếu Vĩnh An không phải là tộc Lai Tiên, liệu giáo sư Châu Thanh có liều lĩnh đi chắp vá phong ấn?

Cậu trở mình nằm nghiêng, nhích cơ thể áp sát vào Lệ Thiên, vòng tay qua ôm chặt lấy anh. Hương thơm quen thuộc giúp Vĩnh An thư giãn ít nhiều. Bàn tay lần mò đi tìm kiếm vết chai sần quen thuộc. Mười ngón tay đan xen vào nhau, "Dạ Ca, yên tâm tĩnh dưỡng, sóng gió ngoài này đã có em lo."

*****

Vui một chút:

Tại vòng thi đánh giá năng lực, giám khảo Đế hỏi to:

- Hai đứa bây biết làm gì?

Vĩnh An phun đại:

- Đọc chữ.

Lệ Thiên âu yếm nhìn em nhà, nhanh trí thuận nước đẩy thuyền:

- Viết chữ.

Vĩnh An mặt đỏ như gấc.

Giám khảo Đế hớn hở ra mặt, cười ha hả đáp lại:

- Tao biết cả hai, tao giỏi hơn chúng mày.

Tác giả vẫy vẫy giám khảo:

- Còn ngây thơ lắm, về đây mẹ nuôi.