Đồ Ngốc! Anh Yêu Em Từ Rất Lâu Rồi

Chương 3: Kiếm Tiền

Sau chuyến thăm quan Vân học được cách quấn rọ, dựa vào mẫu con gái mang về ông Nghị cũng làm thành sản phẩm như mong muốn. Vân nhìn mà không khỏi ngạc nhiên khi thấy bố làm còn đẹp hơn mẫu cô mang về. Cô nhóc rang cám rồi nhào với đất sét, nặn tròn thành cục bằng nắm tay làm mồi. Mỗi rọ dược buộc bằng một đoạn dây dài hai mét, đầu dây kia buộc vào cọc tre khoảng một gang tay. Chuẩn bị xong xuôi Vân đưa rọ xuống đồng trũng trước nhà thả rồi về ăn cơm trưa. Buổi chiều Vân kéo Đức đi cùng, lần lượt đổ hết mười rọ. Kết quả chỉ được vài con tôm, đôi ba con tép mà tuyệt nhiên không có con cua nào. Hai chị em có chút thất vọng, tuy nhiên không nản chí cô nhóc cho rằng mình thả rọ sai thời điểm. Cô tin tưởng tôm tép vào không ra được thì nhất định cua cũng không ra được.

Trời vừa sáng cô nhóc đã tung tăng xách thùng đi kiểm tra, trong rọ tương đối nhiều cua, không có tôm tép. Thu hoạch tương đối khá, cục đất trộn còn nguyên còn có thêm xác tôm tép không còn nguyên vẹn. Một ý nghĩ vụt qua khiến cô nhóc cực kỳ vui vẻ, nếu thành công sẽ kiếm được khoản không nhỏ chưa biết chừng còn đủ cả tiền luyện thi đại học. Nghĩ tới đấy thôi mà ý chí cô nhóc lại thêm kiên định.

Ăn cơm sáng xong vẫn như thường ngày, bố mẹ trông nom đồng ruộng còn việc nhà Vân xung phong nhận hết. Cho lợn gà ăn, rau rợ bữa chiều xong xuôi Vân rủ Đức đi câu cá, chuẩn bị cho kế hoạch thả rọ tiếp theo. Hai chị em câu nguyên buổi sáng chỉ được vài chú rô đồng, nhìn giỏ cá câu được mà Vân lại phiền lòng quá.

Giữa trưa khi bố mẹ đang ngủ, Vân lén dậy vào bếp lấy trộm nắm lưới bén của bố rồi vòng qua cây rơm lấy luôn gậy gẩy rơm và không quên gọi Đức đi cùng. Đức vừa gỡ lưới vừa giữ lưới, Vân theo sát lấy gậy đấy lưới xuống nước. Xong việc hai chị em rón rén leo lên giường đi ngủ lấy lại sức để chuẩn bị cho buổi chiều.

Tiếng lạch cạch băm rau của mẹ đã đánh thức, Vân dậy gọi Đức đi thu lưới. Thì ra thấy con ngủ say nên bà Tuệ không muốn gọi dậy mà bà băm rau nấu cám lợn tối. Vân thu lưới, còn Đức lấy gậy nhấc lưới hỗ trợ. Cá mắc lưới tương đối nhiều, kèm theo cỏ rác và rong rêu cũng không ít; Vân thầm than "ôi mẹ ơi! Thế này thì bao giờ gỡ hết đây?". Thu lưới xong Vân vắt ngang vào cây gậy rồi hai chị em khiêng về, lưới ướt thêm cá và rong rêu nên rất nặng làm hai chị em đi siêu vẹo.

Ông Nghị đang đan tre dưới nhà ngang nghe có tiếng lạch cạch mở cổng, ngó ra thấy hai con đang khệ nệ khiêng lưới. Ông giật mình bởi vẫn nghĩ rằng con đang ngủ trưa trong buồng. Bị bố bắt tại trận hai chị em chột dạ, tội trốn ngủ trưa đã to rồi còn cả đống lưới vừa bẩn vừa rối này; không ai bảo ai cả hai cùng quăng lưới bỏ chạy hướng ngoài cổng.

Ông Nghị quát:

"Đứng lại!"

Thấy bố tức giận thì ký ức trận đòn năm lớp 6 ùa về khiến cô nàng không khỏi rùng mình, bụng chân bầm tím, mông thì chi chít vết lươn chạch bò. Hôm đấy đầm sen ở đầu làng gạn cạn, vân vừa khỏi ốm đã lội xuống bắt cá đào củ sen. Mặc dù giờ đây Vân biết trận đòn năm đó chỉ là lúc bố nóng giận tức thời khi lo lắng con bị bệnh nặng thêm, song khuôn mặt lạnh nghiêm khắc của bố chưa bao giờ cười với mình khiến cô nhóc không dám gần gũi thân cận với bố.

Đúng là cha và con gái tâm liền tâm, bất chợt ông tới trận đòn kia đã thành vết thương quá sâu trong trí nhớ của con. Trận đòn đáng nhớ cho cả hai cha con, ông cũng rất đau lòng và ân hận không biết đối diện với con thế nào; thành ra giữa hai cha con hình thành khoảng cách từ khi đó.

Năm con bốn tuổi bị viêm phế quản, không hiểu vì sao đêm sốt cao rồi co giật. Hai vợ chồng ông đưa con lên bệnh xá, lúc đấy y tá trực cũng chỉ cho dùng hạ sốt rồi yêu cầu gia đình đưa đi tuyến trên càng nhanh càng tốt vì ở bệnh xá không có máy thở oxy mà bệnh nhân đang có dấu hiệu suy hô hấp. Lúc này phương tiện đi lại chỉ có xe đạp, từ đây lên viện sau cây số, ông điên cuồng đạp xe trong đêm cầu mong sẽ kịp thời giành giật lại sự sống cho con. Bà Tuệ bế con trên tay không ngừng run rẩy, miệng khấn tổ tiên phù hộ cho con gái kiên cường vượt qua hiểm cảnh. Cho đến khi Vân được đặt ống thở và nghe thấy bác sỹ nói may còn kịp thì ông Nghị từ từ ngã xuống hàng lang bệnh viện. Bà Tuệ càng trở lên hoảng loạn rồi ngất luôn. Ê kíp trực đêm hôm đó ai cũng rơi vào trạng thái thót tim.

Khi bà Tuệ tỉnh lại thì thấy mình đang nằm bên cạnh con, ông Nghị chỉ bị thương ngoài da vì lo lắng quá độ nên khi biết con gái đã qua khỏi mà nhất thời kích đông ngất đi. Đáng lo lúc này nhất là bà Tuệ, bà mang thai được hai tháng, thiếu dinh dưỡng thêm cả đêm mệt nhọc quá độ dẫn đến động thai mà ngất đi. Bác sỹ dặn phải chú ý chăm sóc, nếu động thai thêm một lần nữa rất nguy hiểm. Con gái bình an, vợ có tin vui là đông lực khiến ông Nghị phải nhanh chóng vực dậy tinh thần làm chỗ dựa cho gia đình nhỏ. Kỷ niệm không vui ấy thêm một lần nữa tái hiện lại trong trí nhớ của ông.

Hai chị em rón rén đi lại gần chỗ bố thấy bộ dạng rụt rè của con, ông nở nụ cười hiền từ, ánh mắt dịu dàng.

Ông nói:

"Mang lưới lại đây, ba bố con cùng gỡ!"

Hai cô cậu thở phào nhẹ nhõm, không những bố không giận mà còn làm giúp. Bố thì căng lưới khắp sân xong rồi đi gỡ cá, cô chị nhận nhiệm vụ nhặt cỏ và rong rêu. Cậu em thì tung tăng xách xô theo chân bố cười toét miệng.

Sau lần hướng dẫn bố đan rọ thì đây là lần thứ hai vân nói chuyện với bố nhiều và vui vẻ như vậy, trong lòng thấy âm áp lạ thường rồi cái suy nghĩ sợ bố đã bị Vân ném tận sao hỏa. Cô nhóc nói ý tưởng của mình cho bố nghe. Thì ra con gái bắt cá làm mồi thả rọ, chỉ nhìn thấy xác cá tôm nhỏ còn lại trong rọ mà con gái nảy ra ý tưởng hay. Ông thấy con gái có phần thông minh và khả năng quan sát. Ông tự nhủ phải quan tâm nhiều hơn tới con, bởi giờ đây con đang đứng ở ngưỡng cửa cuộc đời.

Thêm người bớt việc, trong nháy mắt ba bố con đã gỡ xong lưới. Vân đi thịt cá, cắt đầu cá làm mồi còn mình cá thì sắp vào nồi để mẹ kho. Ông Nghị quấn lưới treo ở gốc bưởi cho khô rồi mới cất đi và tiếp tục quấn rọ. Đức quét sân xong chuẩn bị đòn gánh, chành sảo, liềm rồi chờ chị cùng đi chăn bò cắt cỏ.

Bà Tuệ nấu cám rồi kho cá luôn, sau đó giúp chồng chặt tre quấn thêm rọ, bà chưa từng nghĩ với cách này sẽ bắt được nhiều cua hơn nhưng ít nhất các con không phải lội nước. Bà ngăn cấm thì bọn nhỏ lại trốn đi nên đành ủng hộ để khích lệ các con có động lực lao động và đặt các con ở tầm kiểm soát. Khi các con trốn đi thả lưới, thu lưới bà đều biết và đi theo cho đến khi các con cách xa đồng nước rồi bà mới yên tâm về trước. Từ năm con gái 10 tuổi đã rất chăm chỉ, ngoài việc trông nom nhà cửa thì những buổi nghỉ học hay kỳ nghỉ hè đều đi mò cua bắt ốc, kéo vó tôm. Nhờ vậy bữa ăn gia đình được cải thiện, khi dư thừa thì đem bán hoặc phơi khô; vì vậy mà tiền sách vở, dụng cụ học tập của hai chị em không phải xin bố mẹ.

Tổng mười tám cái rọ cua thả qua một đêm làm tâm trạng hai chị em đi thu hoạch vô cùng háo hức, kết quả thu hoạch quá bất ngờ được gần đầy thùng sơn cua mà lại toàn cua to. Mồi chưa hết nên rọ được thả lại. Nhìn thùng cua cả nhà rơm rớm ướt mi vì quá vui mừng. Nghĩ đến việc mẹ đi chợ bán cua, bữa trưa sẽ có thịt ăn mà Đức nuốt nước bọt ừng ực. Vân nhờ bố quấn thêm để cô nhóc có thêm nhiều dụng cụ. Ông Nghị lại nghĩ đến việc sẽ làm cả các đồ dùng hàng ngày như rổ, sảo, thúng, dần, sàng, lia để bán. Dãy tre của gia đình đến kỳ hạ bán nếu bán cả dãy không được mấy tiền nhưng khi thêm chút công sức làm thành các sản phẩm sẽ khác. Mục tiêu của hai bố con là trước ngày Vân nhập học phải có đủ tiền mua một chiếc xe đạp nữa.

Nghĩ là làm, cả nhà cùng bắt tay vào công việc, bà Tuệ chịu trách nhiệm bán hang, hôm thì tôm cua hôm thì có cả hàng tre đan. Trời không phụ lòng người, chưa đầy nửa tháng nhà Vân đã đủ tiền tậu chiếc xe đạp tuy cũ nhưng rất chắc chắn.