Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn

Chương 10: ĐẾ VƯƠNG THIÊN TỬ (II)

Đồng Quý Phi bị bệnh nhẹ mấy hôm nay, lúc này ngự y đang bắt mạch nên sai Ngụy Trường An đến chỗ An Tần, giao An Tần xử lí. Ngụy Trường An liền dẫn Lâm Lang đi Vĩnh Hoà cung gặp An Tần.

An Tần đang dùng bữa, cũng không truyền vào, chỉ kêu cung nữ đi ra nói với hắn: "Nếu như vật chứng cũng lấy được rồi thì đưa đến Bắc Ngũ Sở* giam lại đã, sau khi thẩm vấn, nhận tội rồi thì phạt 40 trượng, đuổi đến Tân Giả Khố** làm tạp dịch."

* Bắc Ngũ Sở: là khu vực nằm ở phía đông bắc lục cung, bao gồm Tứ Chấp Khố, Kính Sự Phòng, Thọ Dược Phòng, Như Ý Quản, Cổ Huân Phòng.

** Tân Giả Khố: nơi lo liệu khẩu phần ăn, bao gồm người của Tân Giả Khố và người trong cung phạm tội bị đày tới làm nô bộc.

Ngụy Trường An "vâng" một tiếng, xoay mặt nhìn nàng nói: "Đi thôi."

Tại Bắc Ngũ Sở có một dãy phòng tối tăm chuyên để đủ thứ đồ lặt vặt, Ngụy Trường An sai người mở một gian phòng, dẫn nàng vào. Tiểu thái giám bê đến chiếc ghế dựa, hắn ngồi xuống ở bên cửa. Lúc này Lâm Lang mới tĩnh tâm lại, nàng đứng lặng im nơi đó không nói tiếng nào.

Ngụy Trường An ho một tiếng: "Cần gì phải như vậy, ngươi nhận tội ta cũng nhẹ nhàng với ngươi. Ngươi cứ cắn răng không mở miệng thế này thì da thịt cũng chịu đòn đau mà thôi."

Lâm Lang đáp: "Lời dặn của An chủ nhân chỉ bảo nô tì nhận tội rồi thì mới đánh 40 trượng. Huống hồ rõ ràng là không phải nô tì làm, nô tì sẽ không khuất phục nhận tội."

Ngụy Trường An không thể không quay đầu lại, cười cười với tên tiểu thái giám đang đứng phía sau: "Ngươi nghe xem khéo mồm khéo miệng chưa này..." Lại quay lại nhìn nàng, ý cười trên mặt mất dần: "Nói như vậy nghĩa là ngươi rượu mời không uống lại muốn uống rượu phạt?"

Nàng chậm rãi nói: "Ngụy Am Đạt, việc ngày hôm nay nô tì không hiểu là do công công hồ đồ thật, hay là giả bộ hồ đồ. Lâu nay người thông minh như vậy, tất nhiên đã biết nô tì bị hãm hại, bị vu oan, thế mà còn tàn nhẫn đối phó với nô tì như vậy. Ngụy Am Đạt đã là tổng quản Kính Sự Phòng, không biết với thân phận của công công, việc gì phải tự mình vấn nước đυ.c?"

Ngụy Trường An không ngờ nàng lại nói ra cả đoạn dài, hắn ngẩn ra một lúc mới cười bảo: "Đúng là trong ý có ý, thật là một đứa khéo mồm khéo miệng, đáng tiếc lại đi ăn trộm. Việc hôm nay là ta tận mắt thấy, tang vật cũng lấy được rồi, ngươi cắn răng đến chết không chịu nhận tội cũng chẳng có tác dụng gì. An chủ nhân đã sai bảo, hôm nay dù ta có dùng 40 trượng đánh chết ngươi thì cũng chỉ coi ngươi bạc mệnh, không chịu nổi 40 trượng mà thôi."

Lâm Lang yên lặng không nói, Ngụy Trường An thấy nàng hoàn toàn không có chút sợ hãi nào. Đúng lúc này, một tên tiểu thái giám vội vội vàng vàng chạy đến: "Ngụy Am Đạt, Vinh chủ nhân có việc truyền ngài tới."

Hắn đứng dậy ngay lập tức, sai bảo kẻ dưới: "Giam nó trong này, chờ ta trở về xét hỏi tiếp."

Trong gian phòng không có lấy một chiếc cửa sổ, vừa khoá cửa lại thì cả phòng chỉ còn một tia sáng mong manh từ khe cửa hắt vào. Sau một lúc lâu quen với bóng tối nàng mới dần dần nhìn được chung quanh. Sờ soạng lần mò đi tới bên tường, rồi mơ hồ chùng chân ngồi xuống. Ngụy Am Đạt đi rất lâu chẳng thấy quay lại, cũng không thấy người nào khác tới.

Nàng nhớ lại lúc nàng còn nhỏ, chắc là mùa xuân, hoa đào đang nở vô cùng đẹp mắt. Từng cành, từng cành đầy bông hoa đào đỏ tươi, nghiêng nghiêng chĩa ra ngoài tường. A hoàn cầm bình ra, cắt vài cành đào mang đến trong phòng, nho nhỏ nói với nàng: "Lão gia tức giận, phạt Đông Lang quỳ ở Phật đường (nhà thờ Phật)."

Quy tắc trong phủ nghiêm ngặt, đi ra đi vào đều có a hoàn, ma ma theo sau. Lúc nàng đi ra từ phòng Lão thái thái có đi qua Phật đường, nàng không thể không bước chậm lại nhìn vào. Chỉ thấy cổng ngoài được khoá chặt, gã sai vặt của Dung Nhược đang đứng ngay ngắn ở bên ngoài. Cuối cùng cũng nhờ một câu nói của Lão thái thái mới có người đem cơm vào được.

Ngày hôm sau hắn đến bên nàng, chỉ nói: "Căn phòng đó tối om tối mò, nếu là muội chắc chắn là sợ đến phát khóc rồi." Rồi tự cười một mình: "Huynh chỉ lén lút dẫn theo tên sai vặt ra ngoài thành, thế mà cũng bị phạt quỳ ở Phật đường." Thiếu niên mới hơn mười tuổi có đôi mắt sáng ngời như ngôi sao đẹp nhất trong đêm kia, nói với nàng: "Lâm muội muội, chỉ cần có huynh ở đây, đời này huynh sẽ lo hết mọi chuyện cho muội, tuyệt đối sẽ không để người ta nhốt muội ở trong phòng tối."

Trong phòng kín bưng chẳng có lấy chút gió, không khí càng ngày càng nóng lên, bí bức vô cùng. Nàng rút chiếc khăn ra lau mồ hôi, không ngờ trên khăn có thoang thoảng một mùi hương xa lạ. Chính là hương Long Tiên hảo hạng, chỉ cần đốt một ít là hương sẽ vấn vít khắp cả điện, mấy ngày không bay hết. Trong noãn các ở cung Càn Thanh luôn đốt hương Long Tiên này, thế nên trên y phục Hoàng đế lúc nào cũng vương vấn mùi hương đó. Bốn phía tối đen càng khiến mùi hương thêm nồng đậm ngột ngạt, nàng cầm chiếc khăn nhét trở lại tay áo.

Một mình nàng trong gian phòng tối đen cũng không biết đã qua bao lâu rồi, chỉ thấy dài như đã qua một tháng một năm. Mắt nhìn thấy ánh sáng le lói ở khe cửa dần dần mất đi, chắc sắc trời đang tối dần, Ngụy Trường An vẫn không thấy bóng dáng.

Trên cửa có tiếng soạt soạt nhè nhẹ. Nàng vội đứng lên, nghe thấy đúng là tiếng của Vân Sơ: "Lâm Lang." Vân Sơ cúi đầu hỏi: "Muội có ở trong này không?" Lâm Lang liền đi đến cạnh cửa: "Muội đây."

"Sao lại thế này? Tỷ vừa nghe nói liền xin nghỉ chạy tới đây thăm muội, khó khăn lắm mới năn nỉ được hai vị công công cho phép tỷ vào đây nói với muội vài câu." Vân Sơ nói nhỏ.

Lâm Lang vội đáp: "Tỷ mau đi đi, nơi này không phải chỗ nói chuyện được, không thể liên luỵ tới tỷ."

"Đang yên đang lành, có chuyện gì xảy ra vậy? Tỷ quay về thấy bảo có muội và Hoạ Châu đến thăm mà không gặp được. Mới qua một buổi trưa, tỷ đến chỗ Thái hậu thỉnh an vừa hay biết được chuyện trong cung Càn Thanh, tỷ vội vã đến chỗ biểu tỷ xin tỷ ấy nói giúp muội vài câu, thế nhưng muội là người hầu hạ ngự tiền, nên biểu tỷ cũng không thể xen vào."

Lâm Lang cảm động: "Vân Sơ, tỷ mau đi đi, để người ta thấy sẽ liên luỵ đến tỷ đó." Vân Sơ hỏi: "Muội muội đắc tội với ai vậy?"

"Muội không biết." Lâm Lang đáp.

"Muội thật là hồ đồ, muội hầu hạ ngự tiền chắc chắn đã đắc tội ai đó rồi, nếu không thì là do Vạn Tuế Gia đối xử vô cùng tốt với muội."

Lâm Lang không biết vì sao lại nhớ tới ngày Hoàng đế trả lại nàng chiếc khăn, lớp vải mỏng bên ngoài đèn l*иg có thêu hoa văn hình rồng màu vàng, ánh sáng vàng ánh vào đôi mắt Hoàng đế, sắc bén mà linh động, ẩn giấu sức mạnh. Chiếc khăn nhẹ nhàng rơi xuống đất, nhưng dường như có sức nặng vô vàn. Lòng nàng loạn lên, khe khẽ thở dài: "Vạn Tuế Gia sao có thể đối xử đặc biệt với muội được."

Vân Sơ nói: "Nơi này không nên nói nhiều, còn một việc này nữa... Tỷ nghe nói, Ngụy Trường An kia là họ hàng xa của An chủ nhân, hay là muội đắc tội với An chủ nhân?"

Nàng đáp: "Muội chỉ là một cung nữ nhỏ bé, mới hầu hạ ngự tiền hơn một tháng, sao có thể đắc tội An chủ nhân?" Nàng sợ người ta nhìn thấy liền liên tục giục Vân Sơ rời đi, bảo: "Tỷ tỷ mạo hiểm đến thăm muội, ân tình này muội xin ghi nhớ trong lòng, tỷ tỷ đi mau đi, nếu không sẽ liên luỵ đến bản thân."

Vân Sơ chẳng còn cách nào, dùng dằng mãi bỗng nghe thấy tiếng ho của thái giám ngoài hành lang, chính là báo hiệu cho Vân Sơ báo có người đến đây. Lâm Lang kinh hãi run rẩy, Vân Sơ vội vã rời đi.Lâm Lang nghe tiếng bước chân hỗn độn đến gần, không biết có phải là Nguỵ Trường An đã đến hay không, trong lòng ngập tràn suy tính. Nàng nghe thấy một hồi âm thanh lạch cạch, khoá đã được mở, cửa đẩy ra. Lúc này nàng mới thấy sắc trời ảm đạm bên ngoài, hoàng hôn bao trùm khắp nơi, ở phía xa xa nơi cuối hành lang, bọn thái giám đang châm đèn.

Mấy tên tiểu thái giám vây quanh Nguỵ Trường An, bóng đêm dần vây tới, mặt hắn cũng nửa sáng nửa tối không rõ nét mặt. Hắn không ngồi xuống, chỉ đứng ở cửa bảo: "Đã qua một thời gian dài thế rồi, chắc ngươi cũng nghĩ kĩ rồi chứ. Vẫn nên thẳng thắn nhận tội đi, 40 trượng sẽ qua rất nhanh thôi."

Lâm Lang chỉ đáp: "Không phải nô tì trộm, tuyệt đối không nhận."

Nguỵ Trường An nghe nàng đáp như thế liền quay đầu nháy mắt ám hiệu với bọn tiểu thái giám. Hai tên thái giám bước lên trên, Lâm Lang vô cùng bình tĩnh, mặc cho bọn hắn lôi nàng đi ra sau viện. Thái giám chịu trách nhiệm chấp hành hình phạt đem đên một cây trượng màu sơn đỏ thẫm. Nguỵ Trường An nói chầm chậm rõ ràng từng chữ: "Theo quy tắc, từ lưng đến chân, chỉ chừa mặt."

Một tên thái giám lấy gân bò tới (loại dây này buộc cực chắc), trói chặt chân Lâm Lang. Bọn họ trói người rất có kĩ thuật, cộng thêm gân bò dẻo dai săn chắc, đến nam nhân cao lớn tráng kiện cũng có thể bị trói đến mức không thể nhúc nhích. Lúc cái dây từ gân bò kia cuộn lên cổ tay nàng, chỉ mới hơi dùng lực, cổ tay nhỏ nhắn trắng trẻo đã hằn lên một dải thâm tím.

Đầu giờ tuất, Hoàng đế hồi cung. Hoạ Châu đi lên hầu hạ thay y phục, thái giám hầu hạ việc giày mũ đi tới giúp Hoàng đế cởi mũ, Hoàng đế thay triều phục, mặc vào áo bào màu đỏ thẫm, thêu hình hai con rồng cuộn tròn, trên mặt lộ ra vẻ hơi hơi mệt mỏi. Đến lúc truyền điểm tâm, Phương Cảnh tới hầu hạ trà nước, Hoàng đế đột nhiên nói: "Bảo Lâm Lang tới phòng ngự trà, truyền chè hạnh nhân."

Phương Cảnh đáp: "Bẩm Vạn Tuế Gia, Lâm Lang phạm quy củ, đã giao cho Thận Hình Ti* nhốt lại rồi."

* Thận Hình Ti: Thuộc phủ Nội Vụ, chuyên thẩm tra, thực hành hình phạt

Hoàng đế hỏi: "Phạm quy củ? Phạm vào quy tắc nào?"

"Nô tì cũng không biết." Phương Cảnh đáp.

Hoàng đế liền gọi: "Lương Cửu Công!"

Lương Cửu Công lập tức đi đến, Hoàng đế hỏi hắn: "Lâm Lang phạm vào quy tắc nào?" Hôm nay Lương Cửu Công cũng theo hầu hạ Hoàng đế xuất cung, vừa trở về còn chưa biết xảy ra chuyện này, nghĩ mãi không ra. Hoạ Châu đang đứng bên không nhịn được mà bẩm báo: "Vạn Tuế Gia xin hỏi Nguỵ Am Đạt là biết." Hoàng đế không hỏi đến nàng, nàng lại tuỳ tiện mở miệng như vậy thực là tội lớn, nguy đến mức Lương Cửu Công không ngừng trừng mắt nhìn nàng ra hiệu. Cũng may mà Hoàng đế không tính toán, chỉ nói: "Vậy cho truyền Nguỵ Trường An."

Thái giám Phùng Tứ Kinh đang trực thuộc Kính Sự Phòng chạy tới bẩm: "Vạn Tuế Gia, Nguỵ Am Đạt đang bận việc." Lương Cửu Công vội quát: "Nói vớ vẩn, bận bịu cái việc gì, còn không mau chạy đi gọi hắn tới?" Phùng Tứ Kinh sợ hãi cúi đầu, lui ra ngoài, Hoàng đế lại gọi hắn lại: "Chờ đã, hỏi ngươi cũng như nhau cả."

Lương Cửu Công thấy Hoàng đế chống tay đứng dậy, thần sắc bình thản, không đoán ra được ý gì. Lương Cửu Công liền hỏi Phùng Tứ Kinh: "Lâm Lang, cung nữ hầu hạ trà nước, nghe nói là phạm vào quy củ bị Kính Sự Phòng các ngươi giam lại, chuyện là như thế nào?"

Phùng Tứ Kinh đáp: "Lâm Lang ăn trộm đồ, phụng theo lời An chủ nhân, giam lại ở Bắc Ngũ Sở."

Lương Cửu Công hỏi tiếp: "Ăn trộm đồ? Trộm cái gì?"

"Chính là chiếc nhẫn ngọc màu xanh ngọc bích của Vạn Tuế Gia. Nguỵ Am Đạt tìm thấy ở trong rương của Lâm Lang, vật chứng đầy đủ."

Hoàng đế ho một tiếng, cực kì tự nhiên mà nói: "Chiếc nhẫn đó không phải nàng trộm, mà là Trẫm ban thưởng cho nàng."

Mọi người trong điện ai ai cũng cảm thấy xấu hổ, không khí dường như dần đặc quánh lại, khiến người ta thở không nổi. Phùng Tứ Kinh bị doạ, liên tục dập đầu, giọng nói đã có chút gắng gượng: "Vạn Tuế Gia, lần ban thưởng này vẫn chưa được ghi lại." Phàm là do Hoàng đế ban thưởng, Kính Sự Phòng sẽ ghi chép lại vào danh sách, ngày này tháng này năm này, đã thưởng cho ai đó thứ này thứ kia. Phùng Tứ Kinh không thể ngờ được Hoàng đế lại nói như vậy, kinh hãi đến mức trên trán đã ròng ròng mồ hôi lạnh, lo sợ không yên.

Hoàng đế liếc mắt với Lương Cửu Công một cái, Lương Cửu Công vội vàng quỳ xuống: "Nô tài đáng chết, là nô tài nhất thời sơ sẩy, quên không nói Kính Sự Phòng ghi lại."

Mọi người trong điện ai cũng lúng túng, chiếc nhẫn ngọc bích kia là đồ vật của Hoàng đế, tự nhiên là vô giá. Huống hồ Hoàng đế từ thời thiếu niên mới tập cưỡi ngựa bắn cung đã quen mang bên mình, lâu nay là vật yêu thích của người, luôn để bên người, thế mà giờ lại tuỳ tiện đem tặng cho một cung nữ. Mỗi người trong lòng đều thầm đoán ẩn ý bên trong, nhưng không ai lộ ra vẻ mặt khác thường nào ra ngoài.

Phùng Tứ Kinh đến nghĩ cũng chẳng dám nghĩ tiếp.

Cuối cùng vẫn là Lương Cửu Công nhỏ giọng nói với Phùng Tứ Kinh: "Nếu Lâm Lang đã không trộm đồ thì ngươi còn không mau đi gọi người thả ra?"

Phùng Tứ Kinh sợ hãi, mồ hôi đã thấm ướt đẫm y phục, chỉ thấy dưới sườn bỗng lạnh lẽo, ngay đến khớp hàm cũng run rẩy, răng va vào nhau lách cách. Hắn "vâng" một tiếng rồi đi lùi ra ngoài, tới bên ngoài điện vội gọi tiểu thái giám: "Mau mau, theo ta đi Bắc Ngũ Sở."

Vì cung Càn Thanh là cung điện rộng lớn, ngoài hai dãy nến, mỗi dãy mười sáu cây nến lớn còn có đèn l*иg thắp sáng, khiến cả noãn các sáng trưng như ban ngày. Phùng Tứ Kinh đã đi Bắc Ngũ Sở, thái giám đang trực còn lại của Kính Sự Phòng tay dâng một khay bạc đặt thẻ bài lên, Hoàng đế khua khua tay: "Lui." nghĩa là bảo hắn lui xuống, đêm nay không triệu phi tần nào. Thái giám Kính Sự Phòng cúi đầu, yên lặng cầm chiếc khay bạc rời đi.

Lương Cửu Công đã đoán trước được đêm nay Hoàng đế sẽ nói "Lui", hắn đi tới chỗ tiểu thái giám cầm cái que hớt sáp nến, tự mình đi đến hai bên ngự án hớt sáp, hầu hạ Hoàng đế đọc sách. Nửa canh giờ sau, Lương Cửu Công nhìn thấy Phùng Tứ Kinh nháy mắt với hắn ở bên ngoài, liền lui ra ngoài. Phùng Tứ Kinh liền tránh sang một bên. Dưới ánh sáng của chiếc đèn l*иg lớn nơi cuối hành lang, gió đêm hổi vào hơi hơi lay động, ngọn đèn tựa như sóng nước xao động, ánh sáng chiếu vào khuôn mặt trắng bệch của Lâm Lang. Lương Cửu Công thấy tóc mai nàng khẽ rủ, được một tiểu cung nữ nâng người mới gắng gượng đứng được, thần sắc còn rất bình tĩnh, hắn nói: "Cô nương đã chịu oan ức rồi."

Lâm Lang nhẹ giọng gọi một tiếng: "Am Đạt."

Phùng Tứ Kinh đứng bên cạnh nói: "Thật là oan ức cho cô nương, nô tài chạy vội vã tới nơi thì cô nương cũng đã chịu hai trượng, may mà vẫn chưa thương đến xương cốt."

Lương Cửu Công cũng chẳng đế ý đến hắn, chỉ nói với Lâm Lang: "Cô nương đứng đây chờ, ta đi bẩm với Vạn Tuế Gia một tiếng." nói xong liền quay lại trong điện. Hoàng đế vẫn đang chăm chú đọc sách, Lương Cửu Công khẽ ho, nhỏ giọng bẩm báo: "Vạn Tuế Gia, Lâm Lang đã trở về, có cần kêu nàng vào tạ ơn?"

Hoàng đế chầm chậm lật một trang sách, hoàn toàn không đáp lời. Lương Cửu Công nói: "Lâm Lang thật sự chịu oan ức, cuối cùng vẫn phải chịu oan hai trượng, nô tài thấy nàng vô cùng tủi thân, vẫn chịu đựng, không dám khóc."

Hoàng đế đặt phịch quyển sách xuống ngự án, giọng nói lạnh nhạt: "Lương Cửu Công, ngươi nhiều lời như vậy từ lúc nào?" Lương Cửu Công vội nói: "Nô tài đáng chết."

Hoàng đế cười mỉm, lại cầm quyển sách lên bảo: "Để nàng lui xuống nghỉ ngơi, hai ngày tới không cần hầu hạ."

Lương Cửu Công nhất thời không đoán trước được Hoàng đế sẽ nói như vậy, hắn đáp một tiếng vâng rồi từ từ lui ra. Hoàng đế lại gọi hắn đến, tháo chiếc nhẫn đang đeo ở ngón tay cái kia ra, bảo: "Trẫm đã nói đây là phần thưởng cho nàng, đem nó đưa cho Lâm Lang." Lương Cửu Công vội nhận lấy. Hắn đi đến hành lang, nhìn thấy nàng, mặt đầy ý cười: "Vạn Tuế Gia phân phó, ngươi không cần vào tạ ơn." Lâm Lang bỗng thấy một vật cứng rắn nho nhỏ trong tay. Lúc này Lương Cửu Công đã sai người: "Mau đỡ cô nương đi nghỉ ngơi." Có hai cung nữ tiến tới dìu nàng về phòng mình.

Tuy nàng chỉ chịu hai trượng nhưng người đánh lại dùng hết sức lực mà đánh nên vết thương cũng không nhẹ. Nàng cố chịu đến bây giờ, đùi đau đớn vô cùng. Trở về đến phòng, Hoạ Chậu vội đi đến đỡ, dìu đến tận giường. Lương Cửu Công phái một tiểu cung nữ đến mang cho thuốc mỡ. Tiểu cung nữ kia cực kì thông minh nhanh trí, lén lút nói: "Lương Am Đạt nói, chỉ sợ cô nương bị ngoại thương, máu tụ không tan nên truyền ngự y hỏi thuốc thang, không kinh động bên ngoài. Thuốc này vốn là đại doanh Tây Bắc tiến cống, là phần thưởng của Vạn Tuế Gia vào mùa thu năm ngoái, nghe nói có thể làm tan máu, cô nương xin dùng trước."

Hoạ Châu vội tạ ơn thay Lâm Lang, Lâm Lang đau đến mức đầu đổ đầy mồ hôi, tay chỉ chỉ về hướng tủ. Hoạ Châu hiểu ý, mở ngăn tủ lấy ra cái tráp, cầm một thỏi vàng óng nhét vào tay cung nữ kia, nói: "Đã phiền muội muội đi chuyến này, lúc về xin cảm ơn Lương Am Đạt hộ chúng ta."

Tiểu cung nữ kia nói: "Am Đạt phân phó, không được nhận của cô nương." Không đợi Hoạ Châu đáp gì đã lúc lắc bím tóc chạy mất.

Hoạ Châu đành đi đóng cửa, bôi thuốc cho Lâm Lang rồi lại đắp chăn cho nàng, xong xuôi mới đi ra ngoài lấy nước. Lâm Lang ở một mình trong phòng, cảm thấy đau đến mê man, khẽ mở nắm tay đang nắm chặt kia ra, không ngờ là chiếc nhẫn ngọc bích đó. Xa xăm như có một tia xanh biếc của hồ nước sâu, dưới ánh sáng lúc sáng lúc tối của ngọn đèn, phía bên trong nổi lên hai chữ khắc bạc: "Huyền Diệp". Nàng vã mồ hôi toàn thân, thấy cả người nhẹ bẫng yếu ớt. Chiếc nhẫn kia dường như vô cùng nóng rát, nóng tới mức khiến người ta không thể cầm trong tay.