Yến Thập Tam

Chương 16: Không bằng chó lợn

Trong phòng không một tiếng động, không một chút âm thanh. Cũng chẳng biết là bao lâu nữa, bỗng Lão Chủ Lớn bảo :

- Ngươi hẹn với gã tối nay à?

Trúc Diệp Thanh đáp :

- Vâng!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Thế thì ngay bây giờ ngươi phải đi bố trí chỗ ấy cho xong đi!

Trúc Diệp Thanh hỏi :

- Ông Chủ Lớn thật sự chuẩn bị đi ư?

Lão Chủ Lớn gật gật đầu, bảo :

- Ta muốn gặp gã!

Lão nói như để tự giải thích cho mình :

- Vì xưa nay ta không ngờ trên đời này lại có hạng đàn ông như thế có thể khiến một con điếm cam tâm tình nguyện chết vì mình! Ta muốn gặp xem gã có chỗ nào đặc biệt hay không?

Trúc Diệp Thanh ngậm miệng. Gã biết ý kiến của Ông Chủ Lớn xưa nay chưa có ai làm thay đổi được.

Đã thế Ông Chủ Lớn lại còn xưng xưng hỏi gã :

- Ý kiến của ngươi ra sao?

Trúc Diệp Thanh không trả lời ngay.

Sự việc này quá ư quan trọng tuyệt đối không được để một chút sơ hở, sai lầm. Gã phải suy nghĩ tỉ mỉ đã.

Trúc Diệp Thanh trầm ngâm mãi rồi mới chậm rãi bảo :

- Vì anh em nhà Miêu Tử đang nằm trong tay chúng ta nên có lẽ gã chưa dám hành động xốp nổi đâu!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Điều này ta phải nghĩ tới rồi.

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Nhưng một kẻ đã khiến được một con điếm liều thân vì mình mà chết thì có lẽ việc gì gã cũng dám làm đến nơi lắm!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Ví như nói chuyện gì chẳng hạn?

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Có một số người bình thường tuy đối xử với bạn bè rất có nghĩa khí nhưng khi cần thiết dám hy sinh bạn mà không luyến tiếc lắm!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Lúc nào mới là lúc cần thiết?

Trúc Diệp Thanh đáp :

- Lúc gã quyết tâm làm một việc to lớn!

Lão Chủ Lớn không hỏi gì thêm nữa.

Dĩ nhiên lão hiểu ý tứ của Trúc Diệp Thanh: bất kỳ ai gϊếŧ được lão, nhất định sẽ là một việc lớn rung động giang hồ.

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Trước khi trời tối tối tôi sẽ cho tất cả các hảo thủ đến tập trung cả ở nhà mụ Cả Hàn. Các hảo thủ ta dùng được ít nhất cũng có ba mươi mấy người.

Lão Chủ Lớn bảo :

- Có họ bảo vệ ta còn chưa đủ ư?

Trúc Diệp Thanh nói :

- Có khi đủ, cũng có khi không đủ. Chỉ cần có một ly nguy hiểm thì tôi đã chẳng dám làm!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Có họ chắn trước mặt thì ta cũng có thể thoát thân được chứ!

Trúc Diệp Thanh nói :

- Có khi mục tiêu của gã chỉ nhằm Ông Chủ. Chỉ cần chúng ta có một phần sơ hở là gã đã có thể ra tay, mà gã đã ra đòn sợ khó ai ngăn nổi!

Gã khe khẽ thở một hơi dài bảo :

- Giá có Thiết Hổ ở nhà thì dĩ nhiên tình hình lại khác hoàn toàn!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Ý ngươi muốn bảo là ta không nên đi ư?

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Nếu Ông Chủ nhất định muốn gặp gã, dĩ nhiên là có thể đi, chỉ có điều...

Lão Chủ Lớn cắt lời :

- Làm sao?

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Chúng ta không nhất thiết để gã gặp Ông Chủ.

Gã không giải thích vì gã biết nói thế, ông chủ lập tức sẽ hiểu ngay ý tứ của gã.

Bất kỳ người nào nếu muốn làm được giống Lão Chủ Lớn như Lão Chủ Lớn này thì cũng là họa hoằn lắm vì rõ ràng so với ai cũng vượt trội cả về tài năng cùng cơ trí.

Quả nhiên Lão Chủ Lớn đã không làm gã thất vọng :

- Vì xưa nay gã chưa từng được biết ta, vì vậy chúng ta có thể tùy ý kiếm người mạo xưng là ta đến gặp gã, còn ta đóng giả người hầu theo đằng sau, cứ thế là có thể thấy được gã chứ gì!

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Nếu quả gã ra tay thì trước hết phải nhằm vào người kia, còn ông chủ có thể an toàn mà rút lui!

Lão Chủ Lớn mỉm cười :

- Hay! ý kiến hay!

Bên ngoài bỗng có người lên tiếng :

- Không hay! Chẳng có chút gì hay cả!

Đây là thư phòng của Ông Chủ Lớn, là nơi lão cùng các cộng sự viên cao cấp bàn bạc những việc cơ mật. Người nói đã đến ngoài cửa rồi. Không được phép của Ông Chủ, ai dám xộc qua cửa mà vào!

ý kiến của Lão Chủ Lớn từ xưa đến nay làm gì có ai dám phản bác? Ông Chủ đã bảo “Hay” thì nhất định là “hay”, xưa nay có ai dám tranh luận ngược!

Nhưng người này lại là ngoại lệ.

Trước mặt ông chủ, chỉ có người này dám làm những điều người khác không dám làm, dám nói những điều người khác không dám nói.

Vì những việc người này có thể làm cho Ông Chủ đâu phải bất kỳ ai cũng có thể làm nổi! Mới chỉ nghe thấy giọng nói của người ấy, Ông Chủ đã mừng ra mặt :

- Hổ Sắt đã về rồi!

* * * * *

Một bát lớn mì thịt bò bốc hơi nóng ngùn ngụt vừa được bưng lên, nước dùng là nước cốt, trong bát lại còn đập thêm bốn cái trứng gà, hai dẻ xương sườn. Xem ra mùi vị quả là ngon. Tuy vậy trong lòng A Cát đâu có biết là mùi vị gì!

Đã lâu đến giờ chàng đâu được nếm món ngon thế này, đối với chàng như thế này đúng là một sự hưởng thụ khá xa xỉ.

Chàng rất muốn chia ngon chia ngọt với các bạn. Chàng rất muốn trở về nhà Đại Ngưu để thăm Miêu Tử và “cô bé”. Nhưng chàng lại không dám mạo hiểm.

Khi rời sòng bạc nhà Đầu Sắt, trên bàn vẫn còn chất đầy bạc lượng của các con bạc đặt cửa đêm qua nhưng A Cát chỉ mang theo có một đĩnh bạc nhỏ nhất.

Chàng nhất định phải được ăn chút ít lương thực bồi bổ cho sức khỏe của mình, chàng nhất định phải miễn cưỡng nuốt cho trôi bát mì này.

Đây là một quán bán mì rất nhỏ, chật hẹp lại tăm tối. Đã thế A Cát còn ngồi ở xó góc tối tăm nhất, cúi gằm đầu mà nhẩn nha ăn.

Chàng chẳng muốn nhìn người khác mà cũng chẳng muốn để người khác nhìn mình mà chỉ muốn yên ổn ăn cho xong bát mì. Nhưng nào chàng có được ăn cho xong tử tế!

Khi chàng bắt đầu ăn đến cái trứng gà thứ hai thì từ trên đỉnh nóc quán lợp bằng ván gỗ cũ rơi bộp xuống một cục to bụi đất, rơi đúng ngay bát mì của chàng.

Tiếp đó là tiếng lạch cạch vang lên, nóc nhà nứt ra một lỗ hổng to và một người nhẹ nhàng là là đáp xuống, phục ngay sau lưng A Cát, hạ giọng khẽ gằn :

- Cấm động đậy! Cấm hé răng! Nếu không là mất mạng đó!

A Cát không động đậy, cũng không hé răng.

Chú hầu bàn duy nhất trong quán mì sợ quá rủn cả chân vì chú trông thấy người kia tay cầm lăm lăm một thanh đao sáng như gương. Hơn nữa chú còn trông thấy cặp mắt long sòng sọc như mắt ác thú của gã nọ! Một con thú bị săn đuổi đến hết đường chạy, cặp mắt sẽ ngập tràn sợ hãi và cả sát khí nữa!

- Ngươi ngồi xuống, từ từ ngồi xuống!

Gã kia hạ lệnh cho người hầu bàn của quán mì :

- Coi như không có chuyện gì xảy ra cả!

Chú hầu bàn lập tức ngồi phịch xuống cái ghế dài cũ kỹ, cả người đã nhũn ra.

Gã kia ra lệnh cho A Cát :

- Tiếp tục ăn mì đi! Phải ăn cho hết!

A Cát tiếp tục ăn. Đến cái bánh màn thầu rơi vào vũng nước phân chàng còn ăn được, đằng này trong bát mì chỉ có cục bụi đất dĩ nhiên chàng càng chẳng buồn để ý.

Chàng có thể cảm nhận thấy người núp sau lưng mình đang luống cuống và khϊếp sợ nhưng không hiểu người này sợ cái gì?

Nhưng chàng cũng chẳng muốn biết là tại sao thì đúng lúc ấy, vừa hay chàng trông thấy một người rất cao lớn ngẩng cao đầu mà đi lướt qua ngoài cửa.

Vừa thấy đại hán nọ, phần lớn dân ngoài phố đều khom lưng, cúi đầu.

Người nấp sau lưng A Cát tựa hồ càng trở nên luống cuống, hình như đang run đây đẩy cả người.

Chắc gã sợ gã đại hán kia chăng? Gã đại hán kia là ai thế? Sao gã có thể làm cho mọi người sợ mất vía như vậy?

Khi A Cát vừa cúi đầu xuống thì hình như chàng thấy gã đại hán kia đưa mắt liếc vào trong quán mì, ánh mắt như làn chớp giật.

May mà gã chỉ liếc qua một cái rồi lại sải bước qua ngoài cửa mà đi. Đến lúc đó A Cát mới nhìn thấy ở ngang hông phía sau lưng gã có đeo một sợi thừng buộc trói sáu người nữa dắt theo.

Các người kia áo quần hoa hoét, thậm chí đến đai lưng, mũ mãng và giầy dép đều rất lịch sự. Nhưng cả sáu người đều bị đánh sưng mắt tím mũi, thậm chí có người còn bị đánh gẫy cả chân tay.

Từng người từng người bị đại hán dùng thừng tròng vào cổ như con chó ngoan ngoãn dắt đi theo xong người núp sau lưng A Cát mới thở ra một hơi dài và bàn tay đang nắm chắc cán dao mới lỏng ra.

A Cát bỗng hỏi :

- Những người kia là bạn ngươi phải không?

Người kia quát trầm giọng :

- Câm mồm!

A Cát lại không “câm mồm” cứ hỏi :

- Một khi ngươi đã chạy thoát, sao không tìm cách cứu họ?

Câu hỏi chưa dứt thì má đao đã gác lên sau cổ chàng và có người lạnh lùng bảo :

- Dù ngươi không mở miệng thì ta cũng lấy mạng ngươi như thế này!

* * * * *

Gã đại hán vừa qua cửa rõ ràng bỗng đã quay trở lại, bỗng đã hiện ra ngay trước mặt A Cát. Cặp mắt gã long lanh bắn ra ánh mắt như chớp điện, trên mặt xương gò má gồ cao, mũi khoằm mỏ ưng, miệng rộng cá ngão.

A Cát cúi đầu ăn mì.

Gã đang nấp sau lưng A Cát kề dao vào cổ chàng và hét lên :

- Ngươi mà ra tay, ta sẽ cắt cổ tên này trước!

Gã đại hán bảo :

- Ngươi gϊếŧ hắn, ta gϊếŧ ngươi!

Giọng gã trầm nặng lạnh lùng tàn khốc :

- Ít ra ta cũng còn muốn ngươi sống ba năm nữa, chịu tội thêm ba năm nữa đã!

A Cát vẫn cắm cổ ăn mì.

Người nấp sau lưng chàng vọt lên như bay, nhát đao loáng như điện chớp chém sả từ trên xuống đỉnh đầu đại hán. Đại hán không động thân mình, đầu cũng không nhúc nhích, chỉ vươn ra một tay đã tóm ngay lấy cổ tay cầm đao của gã kia.

“Rắc” một tiếng cổ tay gã kia đã gẫy rời, lại “keng” một tiếng, cây đao rơi trên mặt đất và gã kia đã quỳ phục xuống.

Đại hán lạnh lùng nhìn gã hỏi :

- Ngươi đi hay không đi?

Người kia đau quá nước mắt ứa ra dàn dụa, gật đầu lia lịa bảo :

- Tôi đi! Để tôi đi!

Đại hán cười gằn xách gã đi. Bỗng gã đại hán quay đầu lại, trừng mắt nhìn A Cát.

A Cát vẫn đang cắm cúi ăn mì. Gã đại hán cười gằn bảo :

- Ngươi giỏi giữ được bình tĩnh đấy!

A Cát không ngẩng đầu, chỉ bảo :

- Tôi đang đói mèm, tôi chỉ lo ăn mì thôi!

Gã đại hán trừng mắt nhìn chàng rất lâu, bỗng gã quay đầu bảo người hầu bán quán mì :

- Bát mì này ta trả tiền!

Người hầu bàn nói :

- Dạ!

A Cát nói :

- Xin cảm ơn!

Gã đại hán nói :

- Chẳng cần!

* * * * *

Sợi thừng dắt người lại được trói thêm người nữa. Bảy người bị tròng trói như đàn chó, bị đại hán dắt đi.

Cuối cùng thì A Cát cũng ăn xong bát mì. Chàng quyết tâm phải ăn bằng hết bát mì và nhất định chàng đã ăn hết dù bát mì có bụi đất cũng được, có máu đổ cũng được, mà có nước mắt rơi cũng được tất.

Mãi sau chàng mới đứng lên đi tới trước mặt người hầu bàn quán mì hỏi :

- Người vừa rồi là ai vậy?

Người hầu bàn mất vía tan hồn, vẫn chưa lại hồn run rẩy hỏi :

- Người nào cơ?

A Cát bảo :

- Người vừa rồi mời ta ăn mì đấy!

Người hầu bàn ngó Đông ngó Tây chán rồi mới hạ giọng nói khẽ :

- Người ấy là người không dây được đâu!

A Cát lại hỏi :

- Gã tên là gì?

Người hầu bàn bảo :

- Hổ Sắt, Thiết Hổ. Chỉ có điều, người này còn rắn hơn sắt và ác hơn hổ!

A Cát cười, trong giọng cười mang vẻ chế riễu khó tả mà bảo :

- Có thể trói được bảy con sói dắt đi ngoan ngoãn như chó thì dĩ nhiên phải dữ hơn hổ rồi!

Giọng người hầu bàn đã thấp lại còn hạ thấp hơn nữa thành thì thào hỏi :

- Chàng quen gã ư?

A Cát đáp :

- Không quen!

Chàng cười cũng có vẻ kỳ quái hơn rồi chậm rãi nói tiếp :

- Có điều ta biết là chúng ta sẽ mau được quen biết gã đấy!

* * * * *

- Hổ Sắt đã về rồi!

Giờ Hổ Sắt đã đứng trước mặt Lão Chủ Lớn, tuy lưng khom xuống thật thấp, nhưng thần sắc thì lộ rõ vẻ kiêu ngạo lẫn cung kính mà bất kỳ ai cũng không thể giả vờ được. Kiêu ngạo là thật còn bắt mình phải tôn kính người khác lại là chuyện khác đối với gã.

Lão Chủ Lớn bảo :

- Ngươi về quá sớm so với chúng ta tưởng!

Hổ Sắt bảo :

- Vì lũ sói này cơ bản không phải là lang sói mà là chó!

Lão Chủ Lớn cười mỉm bảo :

- Trước mặt ngươi thì sói thật cũng thành chó thôi!

Hổ Sắt cũng cười: Gã đâu phải người khiêm tốn. Gã rất khoái khi nghe người khác ngợi khen, nhất là được ông chủ ngợi khen.

Lão Chủ Lớn bảo :

- Thế lũ chó giờ đâu cả?

Hổ Sắt đáp :

- Sáu con chó chết đã làm mồi cho sói còn bảy con chó sống tôi đã dắt cả về đây!

Lão Chủ Lớn hỏi :

- Không con nào lọt lưới ư?

Hổ Sắt đáp :

- Dọc đường một con gần lủi thoát, thật tôi không ngờ hắn còn giấu được một thanh đao trong đũng quần!

Lão Chủ Lớn hỏi :

- Thanh đao ấy đâu rồi?

Hổ Sắt đáp :

- Giờ thì đao đã ở mông nó rồi!

Lão Chủ Lớn cả cười. Lão rất khoái cách giải quyết công việc của Hổ Sắt. Hổ Sắt làm việc toàn là trực tiếp nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất!

Bỗng Hổ Sắt bảo :

- Vừa rồi bảo Ông Chủ cần gặp người nào?

Lão Chủ Lớn đáp :

- Gã tên là A Cát!

Hổ Sắt :

- A Cát?

Lão Chủ Lớn bảo :

- Ta biết ngươi chưa bao giờ nghe đến cái tên đó vì gã vốn không có tên, hơn nữa lại thích gọi mình bằng cái tên là “kẻ vô dụng”.

Hổ Sắt :

- Kỳ thực gã lại rất hữu dụng?

Lão Chủ Lớn bảo :

- Chẳng những “rất hữu dụng” mà có khi còn rất có tên tuổi là khác, có điều người có tên tuổi quá lẫy lừng đôi khi lại không muốn người khác nhắc nhở gì đến tên tuổi mình!

Hổ Sắt hiểu rõ ý đó.

Thì gã cũng thế. Gã đã chôn vùi tên họ thực của mình từ nhiều năm nay.

Lão Chủ Lớn bảo :

- Chúng ta đã hẹn tối nay gặp mặt nhưng Tiểu Diệp lại sợ xảy ra chuyện cho ta!

Hổ Sắt cười :

- Sợ rằng lá gan Tiểu Diệp (chiếc lá nhỏ) còn bé hơn chiếc lá nhỏ!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Ngươi đừng có trách hắn, mỗi người làm việc cẩn thận thêm một chút thì cũng khỏi hỏng việc!

Trúc Diệp Thanh từ đầu đến giờ chỉ có nghe và cười góp, đợi khi Hổ Sắt không nói gì nữa gã mới bảo :

- Lúc này tôi không thể nào không cẩn thận được, mà cũng chỉ vì Hổ đại ca chưa về thôi!

Hổ Sắt hỏi :

- Còn bây giờ?

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Bây giờ đương nhiên là khác rồi!

Gã lại cười nhưng là nụ cười làm người nghe rất khó chịu :

- Giờ đây Ông Chủ cần gặp ai chỉ cần Hổ đại ca ra tay sẽ lập tức bắt được người ấy về ngay mà!

Hổ Sắt trợn mắt nhìn Trúc Diệp Thanh :

- Ngươi cho rằng ta không làm được thế phải không?

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Việc trên đời này Hổ đại ca làm không được thì còn ai làm được?

Hai tay quyền của Hổ Sắt đã nắm chặt lại.

Lão Chủ Lớn bỗng bảo :

- Ngươi mệt rồi!

Chính là lão bảo Trúc Diệp Thanh :

- Giờ Hổ Sắt đã về, không còn gì trở ngại, ngươi về chợp mắt vài tiếng đi.

Trúc Diệp Thanh đáp :

- Vâng!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Nếu ngươi thấy ở trên giường của người có người đang chờ ngươi về để cùng ngủ thì ngươi bất tất phải kinh lạ và cũng chẳng phải khách khí làm gì!

Trúc Diệp Thanh đáp :

- Vâng!

Lão Chủ Lớn lại bảo :

- Bất kỳ người ấy là ai!

Trúc Diệp Thanh lại đáp :

- Vâng!

Gã lập tức lui ra, cũng không hỏi người ấy là ai cũng chẳng hỏi thêm gì khác. Lời Ông Chủ đã ban ra gã mãi mãi phải vâng lời, theo mà không hỏi.

* * * * *

Trúc Diệp Thanh đi ra đến cửa rồi mà Hổ Sắt vẫn còn trừng trừng nhìn theo, hai quả đấm rất chặt đến nỗi gân xanh nổi cả lên, còn khóe mắt giật giật liên hồi.

Phần lớn người khi thấy khóe mắt gã giật giật đều tìm cách tránh cho xa, có thể chạy xa được chừng nào thì cố chạy cho xa chừng đó.

Lão Chủ Lớn nhìn khóe mắt giật giật của gã bỗng hỏi :

- Ngươi theo ta bao lâu rồi nhỉ?

Hổ Sắt đáp :

- Năm năm!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Không phải năm năm! Mà là bốn năm chín tháng hai mươi bốn ngày!

Khóe mắt Hổ Sắt không giật nữa, trong đôi mắt lại ánh lên vẻ tôn kính và khâm phục. Gã không ngờ việc nhỏ như vậy mà ông chủ nhớ rõ ràng đến thế. Người có sức nhớ dai đến thế thông thường đều khiến người khác phải bội phục và tôn kính.

Lão Chủ Lớn lại hỏi :

- Ngươi có biết Tiểu Diệp theo ta bao lâu rồi không?

Hổ Sắt bảo :

- Không lâu bằng tôi!

Lão Chủ Lớn bảo :

- Gã theo ta hơn sáu năm, đúng ra là sáu năm ba tháng mười ba ngày!

Hổ Sắt không dám nói nữa.

Lão Chủ Lớn bảo :

- Ngươi theo ta, đã tiêu của ta mất bốn mươi bảy vạn lạng bạc, đã thay bảy mươi chín người đàn bà, còn Tiểu Diệp?

Hổ Sắt đâu biết những chuyện đó!

Lão Chủ Lớn nói :

- Ta đã chỉ thị cho phòng kế toán, hai người các ngươi cần dùng bao nhiêu ta đều cho phép, thế mà suốt sáu năm gã chỉ dùng hết có... ba lượng!

Hổ Sắt nín lặng đã lâu, nhịn không nổi bèn bảo :

- Có người biết tiêu tiền, có người lại không biết tiêu tiền!

Lão Chủ Lớn cứ nói thêm :

- Gã cũng chẳng có người đàn bà nào!

Hổ Sắt nhịn đã lâu, nín lặng không nổi lại bảo :

- Thế thì có lẽ gã không phải đàn ông!

Lão Chủ Lớn cứ như nói một mình :

- Nhưng những việc Tiểu Diệp làm thay cho ta so với ngươi không ít hơn đâu!

Hổ Sắt không muốn thừa nhận nhưng cũng không thể phủ nhận.

Lão Chủ Lớn hỏi :

- Tiểu Diệp làm việc cho ta không phải để làm vinh quang tổ tiên nhà gã, lại không tiêu tiền dùng đàn bà, ngươi bảo gã vì cái gì?

Hổ Sắt lại càng không dám hé răng.

Lão Chủ Lớn bảo :

- Trừ danh, lợi và đàn bà ra, còn cái gì làm người đàn ông phải động lòng?

Chính Lão Chủ Lớn lại tự mình nói ra :

- Quyền lực! Là quyền lực!