Yến Thập Tam

Chương 8: Say mèm như đất

Chàng giải thích thêm :

- Hai mươi năm trước trên tuyệt đỉnh núi Hoa Sơn, ông cùng tiên phụ đã giao thủ, người khác không biết nhưng tôi biết!

Ông già dong xe nắm chặt tay lại.

Yến Thập Tam bảo :

- Trong trận đánh đó, ông đã bại dưới kiếm của tiên phụ. Hai mươi năm nay, chắc hẳn ông đã nghiên cứu thấu đáo về “mười ba kiếm đoạt mạng”, vì ông luôn nghĩ đến chuyện tìm cơ hội để báo thù mà!

Ông già dong xe bỗng thở dài bảo :

- Chỉ tiếc là ông ấy qua đời hơi quá sớm!

Yến Thập Tam bảo :

- Chỉ vì ông đã nghiên cứu “mười ba kiếm đoạt mạng” đến quá thấu suốt cho nên ông thừa biết ngoài mười ba kiếm còn kiếm thứ mười bốn vì thế ông mới có thể nghĩ ra cách phá giải vừa rồi.

Chàng thở dài nói tiếp :

- Có lẽ trừ ông ra trên đời này khó có người thứ hai!

Ông già dong xe không phủ nhận.

Yến Thập Tam nói tiếp :

- Tiết Khả Nhân có chạy đến đâu cũng không thoát khỏi tay Hạ Hầu Tĩnh, dĩ nhiên cũng là do ông thôi!

Ông già dong xe thốt ra :

- Hử?

Yến Thập Tam bảo :

- Tài ba truy tìm đuỗi bắt của “Hỏa Diệm Thần Ưng” Hạ Hầu Phi Sơn (chim ưng thần núi lửa), từ hai mươi năm trước trên giang hồ đã ít người sách kịp.

Ông già dong xe nhạt nhẽo khen :

- Chuyện ngươi biết thật chẳng ít.

Yến Thập Tam nói :

- Đích thực không ít.

Từ đôi mắt của ông già dong xe chợt bắn ra những ánh mắt sáng lạnh như mũi kiếm rồi bảo :

- Ngươi còn biết tại sao bỗng dưng ta mất tung tích không? Sau khi mất tích rồi tại sao lại hạ mình làm tôi tớ làm kẻ dong xe cho Hạ Hầu Tĩnh không?

Yến Thập Tam lạnh nhạt bảo :

- Những chuyện đó tôi bất tất phải biết làm gì!

Những chuyện đó chàng bất tất phải biết làm gì thật vì đó là chuyện bí mật của người khác, chuyện phải che giấu của người khác. Tuy vậy đâu phải là chàng không biết! Anh em tranh giành, em chồng chị dâu tằng tịu... một bước sa chân, trăm năm ôm hận!

Những chuyện đó là các bi kịch thường xảy ra trong các gia tộc lớn người đông thế mạnh, đâu phải chuyện riêng xảy ra trong họ Hạ Hầu. Chẳng qua chỉ vì vẻ hào nhoáng và cái thanh danh hiển hách của nhà họ đủ làm lóa mắt người đời, làm người đời không còn nhìn thấy những chuyện xấu xa bi thảm đó mà thôi!

Hạ Hầu Phi Sơn năm xưa mất tích phải chăng là vì mối tình thầm vụng với chị dâu?

Hạ Hầu Phi Sơn mất tích xong lại lén lút trở về tình nguyện hạ mình làm tôi tớ, làm kẻ dong xe cho Hạ Hầu Tinh là vì cớ làm sao?

Hay Hạ Hầu Tinh là đứa con ông ta sinh ra từ mối tình oan nghiệt đó?

... Những chuyện này Yến Thập Tam đều không muốn đoán mò. Vì đó toàn là những chuyện riêng tư bí ẩn của người khác, chàng bất tất phải biết! Mà chàng cũng không muốn biết nữa!

* * * * *

Ông già dong xe đang nhìn chàng, đang dùng đôi mắt không còn vẻ mệt mỏi chán chường nữa để nhìn chàng. Yến Thập Tam không có ý tránh ánh mắt đó.

Một con người tự hỏi lòng mà không thấy thẹn thì hà tất phải né tránh, bất kỳ chuyện gì cũng chẳng cần né tránh! Bỗng ông già dong xe buông mấy câu hỏi thật kỳ quái :

Ông ta hỏi :

- Giờ ngươi họ gì?

Yến Thập Tam đáp :

- Họ Yến. Yến là chim yến!

Ông già lại hỏi :

- Ngươi là Yến Thập Tam?

Yến Thập Tam đáp :

- Phải!

Ông già dong xe bảo :

- Ngươi thật là con trai Hà Lão tử chứ?

Yến Thập Tam đáp :

- Phải!

* * * * *

Mấy câu đối đáp đó không chỉ hỏi kỳ quái vốn chẳng ra đầu cua tai nheo gì cả, mà người trả lời cũng chẳng ra đầu chẳng ra cuối gì. Hỏi, đáp toàn chuyện không đâu!

Hỏi chuyện không đâu, đáng lẽ chẳng cần trả lời, nhưng Yến Thập Tam lại không thể không trả lời. Vì riêng chàng biết những câu hỏi đó đâu phải không đâu. Và những câu sau này của ông già dong xe cũng lại chẳng phải chuyện không đâu!

Ông ta bảo :

- Ngươi đã là con của bố ngươi, lẽ ra ta phải gϊếŧ ngươi!

Yến Thập Tam không hé môi.

Chàng hiểu rõ tâm tình của ông già này. Nằm tận đáy lòng, trong con mắt khách giang hồ thì sự nhục nhã vì thất bại là một loại thù hận khó quên nhất!

Có thù hận thì phải báo thù!

Ông già dong xe bảo :

- Chỉ tiếc là Hạ Hầu Tinh ra tay quá mềm yếu, sự biến hóa chiêu kiếm đó của ngươi thật đáng sợ.

Yến Thập Tam bảo :

- Gã ra tay không mềm yếu đâu, chỉ có điều đối với bản thân gã đã mất mất lòng tin!

Ông già dong xe lặng im.

Yến Thập Tam lại bảo :

- Chiêu kiếm đó của tôi dùng chưa thuần thục vì vậy khi nãy nếu người ra tay là ông thì có lẽ chắc tôi sẽ chết dưới lưỡi kiếm đó rồi!

Ông già dong xe cũng thừa nhận vậy. Người lang thang nhìn nhận thật là chuẩn xác!

Ông ta là ai?

Kỳ nhân dị sĩ trong giang hồ vốn rất đông, nhưng họ không muốn bộc lộ thân phận thì ta cứ nhất định truy cứu làm gì?

Yến Thập Tam bảo :

- Bây giờ...

Ông già dong xe nói :

- Bây giờ khác rồi!...

Yến Thập Tam hỏi :

- Có gì khác?

Ông già dong xe bảo :

- Bây giờ đối với việc dùng chiêu kiếm đó ngươi đã có lòng tin rồi, ngay ta cũng không phá nổi!

Yến Thập Tam bảo :

- Ít ra ông cũng cứ thử xem sao đã!

Ông già bảo :

- Chẳng cần!

Yến Thập Tam nhắc lại :

- Chẳng cần?

Ông già dong xe bảo :

- Có một số việc ngươi bất tất phải biết, vì vậy có một số việc ta cũng chẳng cần thử nữa!

Không để cho Yến Thập Tam kịp mở miệng, ông già đã nói ngay :

- Hai mươi năm trước ta bại dưới kiếm của bố ngươi, hai mươi năm sau Hạ Hầu Tinh lại bại dưới kiếm của ngươi, ta hà tất phải thử nữa làm gì!

Yến Thập Tam đã hiểu ý của ông già, hiểu ông đang đau lòng xót dạ, có lẽ không phải vì sự thất bại năm xưa mà là sự thất bại hôm nay. Chắc là vì ông già dong xe cuối cùng đã phát giác ra là con ruột mình cũng không so được bằng con người khác!

Đó mới là sự thất bại thật sự, thất bại hoàn toàn và sự thất bại này không còn cách gì cứu vãn nổi.

Dù ông có gϊếŧ được con của người kia thì cũng để làm gì?

Ông già dong xe chậm rãi nói :

- Họ Hạ Hầu hôm nay thua rồi, người của họ Hạ Hầu ngươi có thể tùy thích đưa đi theo, không có gì ngăn trở!

Ông già sẵn sàng để Yến Thập Tam mang Tiết Khả Nhân đi. Chắc ông không cần loại con dâu như thế!

Yến Thập Tam bảo :

- Tôi chẳng muốn đưa ai đi cả!

Ông già dong xe hỏi gặng :

- Ngươi thật sự không muốn ư?

Yến Thập Tam lắc đầu quầy quậy và bảo :

- Nhưng tôi lại muốn...

Cặp mắt ông già nheo lại, bảo :

- Nếu ngươi muốn lấy đầu ta, ta cũng cho mang đi!

Yến Thập Tam cười bảo :

- Chẳng qua tôi nói là muốn con ngựa, con tuấn mã kia!

* * * * *

Quả là tuấn mã, đúng là ngựa hay.

Yến Thập Tam quật ngựa phóng như điên, thứ tuấn mã cả vạn con mới chọn được một con mà chàng không hề thương tiếc một chút nào!

Ngay cả sức khỏe bản thân chàng cũng không hề tiếc rẻ. Đối với trận chiến này chàng không hoàn toàn nắm chắc phần thắng, không có hy vọng thắng vì chàng đã hiểu rõ không ai có thể phá giải được chiêu kiếm của Tam thiếu gia, tuyệt đối không có ai!

Chàng hy vọng tới hồ Lục Thủy trước Tào Băng.

Hồ Lục Thủy dưới chân núi Thúy Vân Phong.

Thần Kiếm sơn trang dựa núi kề nước, kiến trúc cổ kính hùng vĩ. Một bên hồ là xóm núi nho nhỏ, người trong thôn phần lớn họ Tạ. Người muốn đến Thần Kiếm sơn trang thông thường phải qua sự chuyển đạt của ông chủ hàng họ Tạ. Cũng giống như phần đông các địa phương khác, quán rượu ở đây cũng lấy tên chữ là “Thôn Hoa Hạnh” (Hạnh Hoa thôn).

Một “Hạnh Hoa thôn” nho nhỏ!

Khi Yến Thập Tam chạy tới Hạnh Hoa thôn bé nhỏ thì ngựa cũng đổ vật ra.

May sao chàng chưa đổ. Chàng xông vào định tìm Tạ Vương Tôn hỏi xem Tào Băng đã tới Thần Kiếm sơn trang chưa.

Nhưng chàng đâu phải hỏi. Vì khi chàng vừa xộc vào thì đã có ngay câu trả lời.

Một câu trả lời sống động.

Trong quán Hạnh Hoa thôn be bé chỉ có hai người. Yến Thập Tam vừa xộc vào thì đã thấy ngay Tào Băng. Một Tào Băng sống nguyên, Tào Băng còn sống! Gã đã gặp Tam thiếu gia rồi, nhưng hiện tại gã còn sống nguyên, chẳng lẽ Tam thiếu gia đã chết dưới lưỡi kiếm của gã ư?

Yến Thập Tam không tin, lại càng không thể tin được. Tào Băng không phải là loại người có tính nhẫn nại, một khi đã tới đây tất gã phải xông ngay vào Thần Kiếm sơn trang. Không đời nào gã lại chịu ngồi ở đây chờ đợi.

Bất kỳ ai xông vào Thần Kiếm sơn trang mà còn có thể sống để trở ra thì chỉ có một lý do.

Người đó đánh bại được con người đáng sợ của Thần Kiếm sơn trang!

Tào Băng tuy còn sống nhưng lại đang say. Say mèm! Say như chết!

May sao quán rượu còn một người nữa mà lại không say, đang đứng nhìn Tào Băng mà lắc đầu quầy quậy và thở dài sườn sượt.

- Người anh em này nhất định không phải là dân nhậu nhẹt, chỉ uống có nửa cân rượu mà đã say mê mệt suốt cả một ngày rồi!

Không phải dân nhận nhẹt sao lại cần uống rượu?

Chỉ là vì thấy trống rỗng sau khi thắng lợi hoặc giả trước khi quyết chiến gã định uống rượu để tăng thêm gan dạ, nào ngờ say trước!

Yến Thập Tam nhịn không được phải hỏi :

- Ông có biết anh hai đây đã gặp Tam thiếu gia của nhà họ Tạ chưa?

Ông chủ họ Tạ bảo :

- Tôi không rõ.

Yến Thập Tam hỏi :

- Anh ta đã vào Thần Kiếm sơn trang chưa?

Ông chủ họ Tạ đáp :

- Tôi không rõ.

Yến Thập Tam lại hỏi :

- Bây giờ Tam thiếu gia ở đâu?

Ông chủ họ Tạ đáp :

- Tôi không rõ!

Yến Thập Tam lạnh lùng hỏi :

- Thế ông rõ gì?

Chủ quán họ Tạ cười lên bảo :

- Tôi chỉ rõ các hạ là Yến Thập Tam, chỉ rõ các hạ muốn đi Thần Kiếm sơn trang.

Yến Thập Tam cười lên.

Các việc đáng biết thì người này không biết gì, những việc không đáng biết thì người này dường như biết hết! Yến Thập Tam hỏi :

- Ông có thể đưa tôi đi được không?

Chủ quan họ Tạ bảo :

- Được!

* * * * *

Nước hồ Lục Thủy màu lục biếc.

Chỉ tiếc giờ đã vào độ tàn thu, ven bờ không có thụy liễu mà chỉ có một con thuyền đơn độc.

- Con thuyền này cốt để đón chàng, tôi đã chuẩn bị sẵn từ ba ngày nay!

Họ lên thuyền. Trên thuyền chẳng những có rượu, có thức ăn, mà còn cả một cây đàn, một bàn cờ, một cuốn sách và một cục đá rắn trơn bóng.

Yến Thập Tam hỏi :

- Đây là cái gì?

Ông chủ quán họ Tạ đáp :

- Đây là “kiếm thạch” (đá kiếm)

Ông Tạ mỉm cười giải thích :

- Người đến Thần Kiếm sơn trang tôi gặp cũng đã nhiều. Một người lên thuyền xong thì làm gì chẳng ai giống ai.

Yến Thập Tam cứ lắng nghe.

Chủ quán họ Tạ bảo :

- Có người lên thuyền thì uống rượu tì tì.

Yến Thập Tam nói thêm :

- Uống rượu vào có thể bạo gan thêm!

Chàng rót một chén rượu, một tợp là cạn rồi nói tiếp :

- Nhưng uống rượu cũng không nhất định để bạo gan thêm đâu!

Chủ quán họ Tạ lập tức đồng ý, mỉm cười bảo :

- Có những người uống rượu chỉ vì thích rượu...

Yến Thập Tam uống liền ba chén.

Chủ quán họ Tạ bảo :

- Có người thích gảy đàn, đọc sách, thậm chí có người còn thích đánh cờ một mình.

“Những việc đó đều có thể giúp tâm thần người ta thư thái, là cách để trấn tĩnh tinh thần”

Chủ quán họ Tạ kể tiếp :

- Nhưng phần lớn người ta lên thuyền này xong đều thích mài kiếm!

“Mài kiếm cũng là một cách trấn định tinh thần mà lại hoàn toàn không dùng đến đầu óc”.

Chủ quán họ Tạ nhìn kiếm của Yến Thập Tam rồi bảo :

- Đây là hòn đá mài kiếm cực tốt!

Yến Thập Tam cười lên bảo :

- Cây kiếm này của tôi xưa nay chưa bao giờ dùng đá mài cả!

Chủ quán họ Tạ hỏi :

- Không dùng đá mài thì dùng thứ gì?

Yến Thập Tam cười nhạt bảo :

- Dùng cổ người, cổ kẻ thù!

* * * * *

Nước hồ lăn tăn chiếu ngược lại ánh tà huy đầy trời, núi Thúy Vân Phong ở xa xa trông càng đẹp, cứ như ở trong tranh.

Trong khoang thuyền rất lặng lẽ vì chủ quán họ Tạ đã ngậm miệng. Cổ ông ta đâu có để dùng cho người khác mài kiếm nhưng đôi mắt ông ta vẫn nhịn không được cứ dõi nhìn theo cây kiếm. Trên cây kiếm có khảm mười ba hạt châu. Đây không phải là cây bảo kiếm mà là cây danh kiếm, cây kiếm cực kỳ nổi danh!

Yến Thập Tam ngó mặt qua cửa sổ ngắm cảnh hồ sắc núi, dường như đang có điều tâm sự. Chẳng biết được bao lâu, chàng ngoái đầu lại bảo :

- Dĩ nhiên ông gặp Tam thiếu gia rồi chứ?

Chủ quan họ Tạ không thể không thừa nhận.

Yến Thập Tam lại bảo :

- Tam thiếu gia bình thường dùng kiếm thế nào ông có biết không?

Chàng từng thấy Tam thiếu gia ra tay, nhìn thấy một lần ở xa xa nhưng chàng không nhìn rõ cây kiếm kia vì Tam thiếu gia ra tay quá nhanh. Vì vậy chàng không nhịn được nên mới hỏi thử, nhưng hỏi rồi mới cảm thấy là quá thừa.

Vì câu trả lời của chủ quan họ Tạ sẽ lại là: “Tôi không biết!”

Nào ngờ lần này chàng lại nghĩ sai. Chủ quán họ Tạ trầm ngâm rồi mới chậm rãi bảo :

- Chàng có biết chuyện luận kiếm ở Hoa Sơn không?

Tất nhiên Yến Thập Tam biết.

Chủ quán họ Tạ bảo :

- Cây kiếm Tam thiếu gia dùng chính là cây kiếm ngày ấy.

Yến Thập Tam bảo :

- Cây “Thiên hạ đệ nhất kiếm”?

Chủ quán họ Tạ gật đầu thở dài bảo :

- Đó mới thật là cây danh kiếm chân chính có một không hai trong thiên hạ.

Yến Thập Tam thừa nhận :

- Quả đúng như thế!

Chủ quán họ Tạ bảo :

- Đã có rất nhiều người ngồi trên thuyền này, nhưng đều tỏ lòng kính ngưỡng cây kiếm đó cả!

Yến Thập Tam hỏi :

- Lần nào đón đưa khách cũng là ông cả ư?

Chủ quán họ Tạ đáp :

- Thông thường là tôi, lúc đi tôi cũng thường cùng họ chơi cờ, uống rượu!

Yến Thập Tam hỏi tiếp :

- Thế còn lúc trở về?

Chủ quán họ Tạ đáp :

- Lúc trở về thông thường tôi về một mình!

Yến Thập Tam hỏi :

- Tại sao?

Chủ quán họ Tạ bảo :

- Vì họ chỉ có đi, rất ít trở về!

* * * * *

Bóng chiều nhạt dần, màn đêm dày thêm.

Ngọn núi xanh ở tít xa xa, dần dần lẩn vào trong bóng đêm dày đặc, giống như một bức tranh nhạt màu dần.

Trong khoang thuyền giờ rất yên tĩnh. Chỉ vì Yến Thập Tam giờ cũng ngậm miệng nốt.

Giờ chàng cũng một đi, liệu có còn sống mà quay trở lại nữa không?

Chàng bỗng nhớ tới rất nhiều bạn bè chơi với nhau lúc còn trai trẻ, chàng cũng nghĩ đến những người đã bỏ mình dưới lưỡi kiếm của mình.

Trong số này liệu có bao nhiêu người đáng chết?

Chàng sực nhớ tới người phụ nữ đầu tiên đã ngủ với mình, lúc ấy chàng còn là một đứa trẻ không biết gì còn nàng thì đã có thừa kinh nghiệm.

Đối với chàng thì chuyện đó đâu phải là một lần từng trải thú vị nhưng đến giờ đột nhiên lại sực nhớ tới.

Rồi chàng nhớ cả Tiết Khả Nhân. Liệu giờ nàng ta có cùng trở về với Hạ Hầu Tinh không? Hạ Hầu Tinh có còn cần đến nàng nữa không?

Những chuyện đó căn bản đáng lẽ chàng không nên nghĩ tới, không cần nghĩ tới mà cũng là những chuyện vốn xưa nay chàng ít nghĩ tới. Thế mà giờ chàng lại nhớ lại tất cả, nghĩ lại rất linh tinh. Đúng lúc tư tưởng chàng đang loạn xạ nhất chàng bỗng thấy một người đang đứng trong màn đêm của buổi chiều tà tàn thu ven bờ hồ Lục Thủy.

Một người đang nghĩ lung tung thông thường ít khi nhìn thấy người khác một cách dễ dàng.

Yến Thập Tam trong khi đang nghĩ lung tung nhất thì lại nhìn thấy người kia.

Người này lại không có gì đặc biệt. Người trạc tuổi trung niên, có khi già hơn tuổi trung niên một ít. Tóc hai bên thái dương đã bạc, ánh mắt để lộ vẻ mệt mỏi của tuổi đã về già.

Ông ta ăn mặc giản dị, một tấm áo xanh, giày vải đế trắng. Xem ra ông ta chỉ là một người rất bình thường cứ tùy tiện nhân thể đi đến ven hồ Lục Thủy này ngắm nhìn cảnh sắc nước non trong buổi chiều tàn thu và cũng tùy tiện mà đứng ở đây.

Có lẽ do ông ta quá bình thường, bình thường đến nỗi cũng chẳng khác gì màu tối của buổi tàn thu và cũng vì thế Yến Thập Tam mới nhìn thấy ông ta.

Người và việc càng bình thường ngược lại có khi càng không dễ không nhận ra.

Yến Thập Tam nhìn thấy ông ta cũng y như nhìn thấy cảnh sắc buổi chiều tối tàn thu, trong lòng chỉ còn lại cảm giác rất là bình tĩnh, rất thoải mái dễ chịu, rất đẹp đẽ, tuyệt nhiên không có chút gì là kinh lạ hay hãi sợ.