Triệu Minh cũng nghe thấy tiếng vó ngựa, liền nói:
- Có người tới đây!
Vô Kỵ liền vẫy tay gọi nàng.
Triệu Minh vội chạy đến sau tảng đá lớn, nằm phục cạnh Vô Kỵ.
Nàng trông thấy nửa người của Liên Châu thò ra bên ngoài, liền kéo Nhị hiệp vào phía sau tảng đá.
Liên Châu giận dữ quắc mắt nhìn nàng và nói:
- Ðừng có đυ.ng vào người của ta!
Triệu Minh vừa cười vừa nói tiếp:
- Tôi cứ lôi kéo ông đấy! Ông có làm gì nổi tôi nào?
Vô Kỵ vội quát mắng:
- Triệu cô nương! Không được vô lễ với sư bá tôi như thế!
Triệu Minh thè lưỡi ra một cái rồi lại nhìn Liên Châu làm bộ mặt nhăn nhó để giễu cợt. Ðang lúc ấy thì đã có một người cưỡi ngựa chạy tới gần.
Hai người cưỡi ngựa theo sau cũng chạy nhanh như bay.
Hai bọn cách nhau độ hai ba chục trượng, người chạy trước càng tới càng gần.
Vô Kỵ đã nhanh mắt trông thấy người đó, khẽ nói:
- Là Tống Thanh Thư đấy!
Triệu Minh vội đỡ lời:
- Mau ngăn cản y đi!
Vô Kỵ ngạc nhiên hỏi lại:
- Làm chi?
Triệu Minh đáp:
- Ðại ca khỏi cần hỏi rõ! Ðại ca quên ở trong điện Phật Di Lặc, y nói những gì à?
Vô Kỵ nghe nàng nói xong, rồi cúi xuống nhặt một hòn băng to bằng đầu ngón tay, búng ra bên ngoài kêu đến xoẹt một tiếng, trúng ngay vào chân trước con ngựa mà Thanh Thư đang cưỡi. Con ngựa đau quá quỵ ngay xuống.
Thanh Thư nhanh chân nhảy ra ngoài nên mới khỏi bị té ngã, rồi y vội lôi kéo con ngựa đứng lên, nhưng chân con ngựa đã gãy, nó chỉ đứng lên một cái quỵ ngay xuống.
Thanh Thư thấy hai người ở phía sau càng đuổi càng gần, vội bỏ ngựa chạy lại đằng này.
Vô Kỵ lại nhặt lại một viên băng nữa giơ lên búng ngay vào yếu huyệt ở chân phải của Thanh Thư.
Còn Triệu Minh thì nhanh tay điểm luôn vào yếu huyệt câm của bốn anh em Viễn Kiều, nhờ vậy mới kịp thời ngăn cản không để cho họ lên tiếng kêu gọi.
Mọi người bỗng nghe thấy Thanh Thư kêu ồ lên một tiếng rồi té lăn ra mặt tuyết. Vì liên tiếp hai lần bị cản trở nên hai người đuổi theo mới bắt kịp.
Vô Kỵ nhìn kỹ mới hay hai người đó là Trần Hữu Lượng với Trưởng bát Long đầu của Cái bang.
Chàng ngạc nhiên vô cùng và nghĩ thầm:
- Hai người này cùng đi núi Trường Bạch để tìm độc vật làm thuốc mê, tại sao bây giờ lại một hai chạy đuổi tới đây như vậy?
Nghĩ tới đó, chàng suy tính giây lát lại nghĩ tiếp:
- Phải rồi, chắc Tống đại ca lương tâm cắn rứt không làm chuyện bất nhân bất nghĩa ấy, cũng may gặp được ta, để ta cứu ngay một phen mới được.
Hữu Lượng với Trưởng bát Long đầu nhảy xuống ngựa.
Chúng tưởng Thanh Thư vì cưỡi ngựa đã lâu nên đuối sức mà té như thế. Nhưng chúng đoán chắc võ nghệ của chàng rất cao siêu tuy bị thương nhưng chỉ bị thương nhẹ, vì vậy chúng vừa chạy tới gần đã vội rút khí giới ra, dí luôn vào người chàng .
Vô Kỵ lại búng một hạt băng ra, nhằm Hữu Lượng bắn tới.
Nhưng Triệu Minh đã nhanh tay rung động cánh tay chàng, chàng vội quay đầu nhìn lại. Triệu Minh vội chỉ vào tai mình, rồi lại chỉ về phía Thanh Thư, ý của nàng là hãy nghe họ nói gì đã.
Quả nhiên, Trưởng bát Long đầu giận dữ nói:
- Họ Tống kia! Ðang đêm khuya, ngươi im lặng đào tẩu đi đâu, có phải ngươi muốn đi báo tin cho cha ngươi biết không?
Y cầm một thanh bát quái đao, vừa nói vừa đưa đi đưa lại trước đầu Thanh Thư làm ra bộ định chém xuống vậy.
Viễn Kiều thấy vậy lo âu cho con mình bị nguy hiểm, muốn quát tháo nhưng không sao la được, vì cứng miệng.
Vô Kỵ ngẫu nhiên quay đầu lại thấy mặt sư bá tỏ vẻ lo âu van lơn vì vậy chàng liền gật đầu ra hiệu:
- Bác cứ yên tâm, cháu không để cho Tống đại ca bị thương đâu.
Nhưng trong lòng chàng lại thầm nghĩ:
- Ơn cha mẹ thương con thật là trời cao đất dầy, đại sư bá tức giận lắm chỉ muốn chém ta ra làm muôn mảnh, nhưng bây giờ ông ta biết Tống đại ca sắp bị nguy hiểm đến nơi, lại tỏ vẻ van lơn ta, nhưng nếu đại sư bá bổn thân không bị nguy hiểm thì chắc ông ta không chịu lép vế mà van lơn như vậy đâu.
Nghĩ tới Thanh Thư có người lo cho và thương yêu như vậy mà mình lại là đứa trẻ mồ côi, chàng thấy tủi thân.
Chàng lại nghe thấy Thanh Thư nói tiếp:
- Tôi không phải đi báo tin cho cha tôi biết đâu.
Trưởng bát Long đầu lại hỏi tiếp:
- Bang chủ phái ngươi theo ta đi núi Trường Bạch hái thuốc, tại sao không cho ta hay biết trước mà lại bỏ đi như thế?
Thanh Thư đáp:
- Long đầu đại ca, đại ca có cha có mẹ như tôi, tại sao đại ca lại cứ bắt ép tôi gϊếŧ hại cha tôi như thế làm một việc cầm thú như vậy?
Trưởng bát Long đầu lại quát tiếp:
- Ðó là ngươi quyết ý trái lệnh của Bang chủ phải không? Ngươi có biết hình phạt cho người phản bang như thế nào không?
Thanh Thư lại trả lời:
- Tôi là người có tội, đáng lẽ tôi không muốn sống nữa, mấy ngày hôm nay hễ nhắm mắt thì thấy mặt Thất sư thúc đến bắt tôi đền mạng, oan hồn sư thúc hiện lên quây quần lấy tôi. Trưởng bát Long đầu đai ca, chém chết tôi đi, như vậy tôi lại càng cám ơn đại ca là khác.
Trưởng bát Long đầu liền giơ cao thanh bát quái đao lên quát:
- Ðược, nếu ngươi muốn vậy để ta giúp cho.
Hữu Lượng cũng xen lời nói:
- Long đầu đại ca, chú em họ Tống đã không chịu làm, mà gϊếŧ y cũng vô ích, thôi chúng ta để cho y đi đi.
Trưởng bát Long đầu ngạc nhiên hỏi:
- Hiền đệ bảo tha y ư?
Hữu Lượng đáp:
- Phải, y đã gϊếŧ sư thúc của y là Mạc Thanh Cốc, tất nhiên sẽ có người trong môn phái của ta gϊếŧ hại y. Những kẻ bất nghĩa này, chém chết y cũng chỉ dơ bẩn đao của chúng ta thôi.
Bữa nọ, ở trong miếu Di Lặc, Vô Kỵ đã nghe thấy Hữu Lượng và Thanh Thư nói đến chuyện Mạc Thanh Cốc, với những cầu bề dưới phạm bề trên v. v... nhưng lúc ấy chàng không nghi ngờ Thanh Thư dám phạm thượng đến thế. Ngờ đâu Thanh Cốc lại bị chết trong tay y thật. Bốn sư huynh đệ Viễn Kiều, tuy bị tảng đá che lấp, không trông thấy gì, nhưng tai đã nghe thấy rõ ràng, cả bốn đều chấn động vô cùng.
Duy có Triệu Minh đã đoán biết trước, nên nàng bĩu môi tỏ vẻ khinh thị.
Mọi người lại nghe thấy Thanh Thư với giọng run rẩy nói tiếp:
- Trần đại ca, đại ca đã thề nặng là không bao giờ tiết lộ câu chuyện bí mật này ra, nếu đại ca không nói gì thì cha tôi biết làm sao được?
Hữu Lượng tủm tỉm cười và đáp:
- Chú chỉ nhớ được lời thề của tôi, nhưng chú lại quên mất lời thề độc của chú. Chú bảo từ giờ trở đi việc gì cũng theo tôi chỉ bảo hết, mà bây giờ chú lại hủy lời ước trước, có phải là tôi không giữ chữ tín đâu?
Thanh Thư ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói tiếp:
- Ðại ca bảo tôi bỏ thuốc độc vào thức ăn uống để cho Thái sư phụ và sư bá, sư thúc của tôi ăn phải, thì tôi đành chết, chứ không chịu. Chi bằng đại ca rút kiếm ra gϊếŧ tôi ngay đi.
Hữu Lượng lại hỏi tiếp:
- Chú Thanh Thư, cổ nhân đã dạy, kẻ thức thời mới là tuấn kiệt. Chúng tôi có bắt chú gϊếŧ cha, diệt tổ đâu, chỉ bảo chú cho ít thuốc mê để cho các người mê đi chốc lát thôi. ở trong miếu Di Lặc chú chẳng đã nhận là gì?
Thanh Thư vội đáp:
- Không, không, tôi chỉ nhận lời bỏ thuốc mê thôi, nhưng Trưởng bát Long đầu lại cứ bắt tôi đi tìm những sâu bọ rất độc để làm thuốc độc gϊếŧ người. Như vậy có phải là làm thuốc mê đâu?
Hữu Lượng từ từ thâu trường kiếm lại và nói tiếp:
- Chu cô nương của phái Nga Mi đẹp như tiên nữ, trên thế gian này không có người nào đẹp bằng nàng ta, chẳng lẽ chú cam tâm để cho nàng ta lọt vào tay tiểu tử Vô Kỵ kia hay sao? Lo thật, ngày nọ trong đêm khuya, chú lẻn vào trong phòng ngủ của các nữ đệ tử phái Nga Mi để xem trộm bị Thất sư thúc của chú gặp rồi đuổi theo chú, nên mới có trận tỷ võ ở Thạch Thương và mới có tấn bi kịch cháu gϊếŧ chú xảy ra. Ðó là tại sao? Ðó chỉ là vì Chu cô nương nhu mì, đa tình là gì? Nhưng việc đã trót thì phải cho trót, ngựa đã vào đường hẻm không sao quay đầu lại được. Tôi tiếc thay cho chú, vì công việc đã thành chín phần rồi, chỉ còn một phần nữa là xong xuôi thôi.
Thanh Thư lảo đảo mấy cái mới đứng dậy được giận dữ quát mắng:
- Hữu Lượng đại ca, đừng có dùng lời ngon lẽ ngọt ấy àm dồn ép tôi nữa, tối hôm ấy tôi bị Mạc thất thúc đuổi kịp, tôi địch không nổi chú ta, tôi đã làm bại hoại thanh danh của Võ Ðang dù có chết trong tay ông ta cũng đành chịu. Ngờ đâu đại ca lại ra tay trợ giúp tôi làm chi? Tôi đã trúng phải quỷ kế của đại ca, cho nên mới phải thân bại danh liệt và không thể tự cứu được.
Hữu Lượng vừa cười vừa đỡ lời:
- Hay lắm, hay lắm, lưng Mạc Thanh Cốc bị đánh một chưởng Chấn thiên thiết chưởng, chưởng đó là chú đánh hay là tôi đánh? Tối hôm đó tôi ra tay cứu chú thoát chết để giữ cho chú khỏi mất thanh danh, làm như vậy là tôi lầm phải không? Chú Thanh Thư ơi, tôi với chú kết giao với nhau một phen, việc quá khứ chúng ta không cần nhắc tới nữa làm chi. Việc chú gϊếŧ sư thúc, tôi xin giữ kín, quyết không tiết lộ nửa câu cho ai hay cả, nhưng núi cao đường còn dài, chúng ta sau này thế nào cũng có ngày tái ngộ.
Thanh Thư thấy đối phương chịu rút lui một cách êm ả như vậy, hoài nghi vô cùng, vội hỏi lại:
- Trần... Trần đại ca... đại ca... sẽ đối phó với tôi ra sao?
Hữu Lượng vừa cười vừa đáp:
- Tôi chả đối phó ra sao hết. Tôi cho chú xem một vật này, đây cái này chú có biết là cái gì không?
Vô Kỵ với Triệu Minh ẩn núp ở sau tảng đá nghe lỏm, lúc ấy hai người muốn ló đầu ra nhòm để xem Hữu Lượng lấy vật gì ra cho Thanh Thư xem, nhưng hai người không dám nhô ra, vì sợ đối phương trông thấy, nên lại thôi.
Rồi hai người lại nghe thấy Thanh Thư kêu "ủa" một tiếng và nói tiếp:
- Ðây... đây là cái cà rá sắt của người chưởng môn của phái Nga Mi và cũng là vật của Chu cô nương, tại sao... đại ca lại lấy được thế?
Vô Kỵ nghe xong, cũng rùng mình và nghĩ thầm:
- Lúc ta chia tay với Chỉ Nhược, rõ ràng ta trông thấy chiếc cà rá sắt đó, sao bây giờ lại lọt vào tay Hữu Lượng được? Có lẽ y làm giả để đánh lừa Thanh Thư chăng?
Chàng lại nghe thấy Hữu Lượng cười nhạt một tiếng và nói:
- Chú cứ nhìn kỹ xem nó giả hay thực?
Một lát sau Thanh Thư mới lên tiếng nói tiếp:
- Khi ở Tây Vực, tôi lãnh giáo võ công của Diệt Tuyệt sư thái, có thấy cái cà rá trên tay bà ta giống y như cái này vậy.
Chỉ nghe thấy tiếng kêu "koong" một tiếng, đó là tiếng của hai thứ kim khí va chạm nhau. Hữu Lượng lại nói:
- Nếu vật này là giả tạo thì dùng kiếm chặt sẽ gẫy làm đôi liền. Ðây chú xem, trong cà rá có khắc bốn chữ "Lưu Di Tường Nữ". Như vậy không còn là giả nữa chứ? Ðúng là Thiết chỉ hoàn , di vật của Quách Tường nữ hiệp, tổ sư của phái Nga Mi đấy.
Thanh Thư lại đỡ lời:
- Trần đại ca, đại ca lấy ở đâu ra chiếc cà rá này thế? Còn Chu cô nương hiện giờ ở đâu?
Hữu Lượng lại mỉm cười rồi đáp:
- Trưởng bát Long đầu, chúng ta đi đi thôi, nay trong Cái Bang chúng ta không có người này nữa.
Vô Kỵ và Triệu Minh nghe thấy tiếng chân của hai người đi về phía Bắc, Thanh Thư vội kêu gọi:
- Trần đại ca, hãy trở lại đây, có phải Chu cô nương đã lọt vào tay đại ca rồi không. Hiện giờ cô ấy còn sống hay đã chết rồi...
Hữu Lượng quay trở lại, mỉm cười, đáp:
- Phải, hiện giờ Chu cô nương đang ở trong tay của chúng tôi, mặt cô ấy đẹp thật, tôi trông thấy cũng phải thương. Hữu Lượng tôi đến giờ chưa có gia thất, nếu tôi xin Bang chủ gả cô nương cho tôi chắc thế nào Bang chủ cũng nhận lời.
Thanh Thư ú ớ một hồi, hình như bị cái gì chận cổ, không nói lên lời.
Hữu Lượng lại tiếp:
- Ðáng lẽ quân tử không bao giờ cướp sở hữu của người, vì Chu cô nương với Thanh Thư đã gây nên đại hoạ tày trời, khi nào Hữu Lượng tôi vì nhan sắc mà làm mất nghĩa khí của anh em chúng ta? Nhưng bây giờ chú là kẻ có tội và phản Bang rồi thì hai chúng ta cũng ơn đoạn, nghĩa tuyệt. Như vậy tôi không cần gì phải giữ nghĩa khí với chú nữa, có phải thế không?
Thanh Thư cúi đầu ngẫm nghĩ, trong lòng mâu thuẫn vô cùng.
Vô Kỵ đưa mắt liếc nhìn Viễn Kiều thấy có hai hàng lệ nhỏ ròng, đủ thấy ông ta đau đớn biết bao.
Ðang lúc ấy Thanh Thư nói tiếp:
- Trần đại ca, chỉ vì đệ hồ đồ nhất thời mà nên, mong hai vị lượng thứ cho. Bây giờ đệ xin vái chào hai vị, để hai vị xá tội cho đệ.
Hữu Lượng ha hả cười đáp:
- Ừ, thế mới phải chứ, thế mới là chú em tốt của chúng tôi chứ. Tôi xin vỗ ngực đảm bảo cho chú. Quý hồ chú chịu đem thuốc mê lên núi Võ Ðang, lẳng lặng bỏ vào trong nước trà để cho mọi người uống. Tôi cam đoan với chú tính mệnh lệnh tôn đại nhân không nguy hiểm chút nào. Và giai nhân Chu Chỉ Nhược thế nào cũng thành thê thất của chú. Chúng ta đã có Trương Tam Phong và Võ Ðang thất hiệp trong tay thì không lo gì Vô Kỵ không nghe chúng ta. Cho tới khi Cái Bang kiềm chế được Minh giáo đuổi được quân Mông Cổ cướp được thiên hạ, Bang chủ của chúng ta đều là khai quốc công thần và được vinh thê ấm tử, khỏi nói cả lệnh tôn đại nhân thế nào cũng được nhờ vả chú.
Thanh Thư gượng cười nói tiếp:
- Cha tôi không ưa danh lợi và tôi cũng chỉ mong cha tôi không gϊếŧ tôi là tôi mãn nguyện lắm rồi.
Hữu Lượng lại tiếp:
- Trừ khi lệnh tôn là đại nhân của thần tiên mới biết được chuyện quá khứ vị lai, bằng không làm sao mà biết được sự bí mật đó? Chú Thanh Thư, vừa rồi chú té ngã nên chân bị thương? Nào lại đây, chúng ta cùng cưỡi một ngựa, đi tới thị trấn ở đằng trước rồi mua ngựa cho chú.
Thanh Thư đáp:
- Tại tôi chạy vội vàng quá, nên vấp phải một tảng băng, số tôi xui thực, lại va trúng yếu huyệt ở dưới chân, thật là chuyện lạ, sao lại có nhiều sự gặp gỡ kỳ lạ đến thế?
Thì ra lúc Trương Vô Kỵ dùng sức ném hạt băng đó Thanh Thư chỉ để ý đến Trưởng bản Long đầu và Hữu Lượng ở phía sau đuổi theo, nên y không ngờ đằng trước có người ném lén như vậy mà cứ tưởng là mình lỡ chân, nên mới va phải yếu huyệt như vậy. Ví dụ chúng ta đây, thỉnh thoảng để khuỷu tay vào góc bàn cũng thấy tê tái, những trường hợp ngẫu nhiên đó rất thường.
Hữu Lượng vừa cười và đáp:
- Có xui xẻo gì đâu, phải nói chú diễm phúc tề thiên mới đúng vì số của chú đáng có người vợ đẹp nếu chú không ngẫu nhiên va chạm mà té như vậy thì chúng tôi làm sao đuổi kịp chú được. Rồi nếu chú cứ chấp nê hoài, không chịu tỉnh ngộ, về phần chú, tất nhiên là sẽ bị thân bại danh liệt mà còn làm hỏng cả đại sự của chúng tôi nữa, như vậy có phải Chu cô nương vừa thơm vừa đẹp kia sẽ phải theo Hữu Lượng này suốt đời không? Nếu quả thực như thế thì thực là một bông hoa đẹp cắm lên bãi ********** trâu mất, có phải không chú Thanh Thư, hà hà...
Lời nói của y là lời nói đùa, nhưng bên trong bao hàm sự uy hϊếp rất lợi hại.
Thanh Thư kêu "hừ" một tiếng, vội đỡ lời:
- Trần đại ca, không phải là đệ không biết nếp tẻ gì cả, tin hay không là tuỳ ở đại...
Hữu Lượng không đợi chờ Thanh Thư nói xong, đã cướp lời nói luôn:
- Có phải chú muốn gặp mặt Chu cô nương không? Chuyện ấy dễ lắm, bây giờ Bang chủ với các Trưởng lão đều ở Lư Long. Chu cô nương cũng theo mọi người ở tại đó, chúng ta cứ đến Lư Long là gặp luôn. Chờ đại sự ở núi Võ Ðang xong, người anh này thế nào cũng giúp chú lo việc cưới xin để chú được toại nguyện. Và chú sẽ suốt đời cám ơn Hữu Lượng đại ca này, hà, hà, hà...
Thanh Thư vội hỏi:
- Vâng, nếu vậy chúng ta đi ngay Lư Long, Trần đại ca này, sao Chu cô nương lại... lại theo bổn bang như thế?
Hữu Lượng vừa cười vừa đáp:
- Ðó là công lao lớn của Long đầu đại ca. Hôm đó Trưởng bản Long đầu với Trưởng bản long đầu ở trên tửu lầu uống rượu thấy có ba người lạ mặt trà trộn vào trong. Sau sai người điều tra mới hay trong đó có Chu cô nương người đẹp như hoa nở. Trưởng bản Long đầu liền phái người đi mời cô ta đến. Chú cứ yên tâm, Chu cô nương bình yên vô sự không tổn thương một tý gì đâu.
Vô Kỵ liền kêu khổ thầm và nghĩ:
- Thế ra hôm đó ở trên tửu lầu chúng đã nhận biết mà ta không hay gì cả, nếu lúc ấy nghĩa phụ không mù loà thì ông ta thể nào cũng biết rõ. Nhưng không hiểu nghĩa phụ có được bình yên vô sự không?
Chàng để ý không thấy Hữu Lượng nhắc nhở đến nghĩa phụ cả, mà chỉ nghe y nói tiếp:
- Chu cô nương với chú thành hôn xong, thế là Nga Mi với phái Võ Ðang phải nghe lệnh Cái Bang, còn phái Thiếu Lâm ở trong tay tôi rồi. Lại thêm Cái Bang với Minh giáo thanh thế lớn lao như vậy, chỉ cần đánh đổ người Mông Cổ thì giang sơn loè loẹt này hì hì... liền đổi vua chúa.
Hữu Lượng nói mấy câu đó có vẻ đắc chí lắm hình như là Cái Bang đã sắp được thiên hạ rồi, mà y sắp lên ngôi báu vậy. Trưởng bát Long đầu với Thanh Thư đều theo y cười hì hì mấy tiếng, Hữu Lượng nói tiếp:
- Chúng ta đi thôi. Chú em họ Tống, Mạc thất hiệp ở gần đây, xác của y giấu trong hang động cách đây không xa phải không? Chú chạy tới đây ngựa bỗng vấp ngã, có lẽ oan hồn của Mạc thất hiệp hiển thánh chăng? Hà hà...
Thanh Thư nghe thấy Hữu Lượng nói mấy câu đó hoảng sợ đến rợn tóc gáy, rồi quay mình khấp khểnh chạy luôn.
Chờ ba người đi thật xa, Vô Kỵ vội chạy đến giải huyệt cho Viễn Kiều bốn người, và quỳ xuống vái lạy rồi nói:
- Sư bá, sư thúc vì sự hiềm nghi, cháu không biết biện bạch ra sao cho phải, nên mới phải thất lễ với quý vị như thế. Xin quý vị cứ phạt cháu thật nặng đi.
Viễn Kiều thở dài một tiếng, nước mắt ứa ra, ngẩng mặt nhìn lên trời không nói năng gì cả. Liên Châu vội đỡ Vô Kỵ và nói:
- Chúng ta thân như cốt nhục, những chuyện đó khỏi cần nói làm chi, thật không ngờ Thanh Thư... Thanh Thư. Hà, nếu chúng ta không mắt thấy tai nghe thì có ai dám tin?
Viễn Kiều rút trường kiếm ra và nói:
- Thế ra Thất đệ bắt gặp tiểu súc sinh Thanh Thư... tiểu súc sinh ấy... nhìn trộm phòng ngủ của các nữ hiệp của phái Nga Mi nên Thất đệ mới đuổi theo súc sinh để quét sạch cửa ngõ cho bổn phái. Ba vị sư đệ, và cháu Vô Kỵ, chúng ta hãy đuổi theo ngay đi, để ta ra tay gϊếŧ chết tên súc sinh đó.
Nói xong, đại hiệp liền giở khinh công ra đuổi theo Thanh Thư liền.
Tòng Khê vội kêu gọi:
- Ðại ca hãy ngừng chân lại, việc gì cũng nên bàn tính trước thì hơn.
Viễn Kiều không nghe, cứ xách kiếm chạy như bay.
Vô Kỵ vội đuổi theo, chỉ nhảy nhót mấy cái đã đến trước mặt Viễn Kiều và giơ tay ra ngăn cản rồi cúi đầu vái lạy và nói:
- Ðại sư bá, Tứ sư bá có lời muốn nói với sư bá, Tống đại ca nhất thời bị người ta lừa gạt, sau này, thế nào cũng biết hối cải, đại sư bá muốn khiển trách Tống đại ca lúc nào chả được, việc gì cứ phải lúc này.
Viễn Kiều nức nở khóc và tiếp:
- Thất đệ, Thất đệ... đại ca đây thật không nên không phải với đệ lắm.
Ðột nhiên, đại hiệp quay người lại, xoay đầu kiếm cứa luôn vào cổ, Vô Kỵ thấy vậy cả kinh dùng Càn Khôn Ðại Nã Di thủ pháp cướp luôn trường kiếm đó. Nhưng hơi chậm một chút nên mũi kiếm đã rạch một đường khá dài ở trên cổ của Viễn Kiều rồi.
Lúc ấy Liên Châu các người cũng đuổi tới, Tòng Khê vội khuyên:
- Ðại ca, Thanh Thư đã làm việc đại nghịch bất đạo ấy người trong Võ Ðang không ai có thể tha thứ được, nhưng việc quét rửa bổn phái là nhỏ, việc dân chúng mới thật là lớn. Chúng ta không nên vì việc nhỏ mà làm lỡ mất việc lớn.
Viễn Kiều trợn tròn hai mắt đáp:
- Chú, chú nói việc quét sạch cửa ngõ của bổn môn là nhỏ à? Tôi... đẻ đứa con phản nghịch ấy...
Tòng Khê vội đỡ lời:
- Nghe lời nói của Hữu Lượng thì Cái Bang còn muốn mượn tay Thanh Thư mưu hại tôn sư và chúng ta để kiềm chế các đại môn phái trong võ lâm sang đoạt giang sơn. Sự sa nguy của sư tôn là một việc lớn của bổn môn, sự hoạ phúc của dân chúng với võ lâm lại càng lớn hơn nữa. Cháu Thanh Thư làm nhiều việc bất nghĩa như vậy, không sớm thì chầy thế nào cũng bị báo oán, cho nên theo ý đệ bây giờ chúng ta cần phải bàn việc trước tiên.
Viễn Kiều nghe y nói có lý, hậm hực bỏ kiếm vào bao và nói tiếp:
- Ðại ca bằng lòng rồi đệ muốn làm như thế nào cứ việc lên tiếng sai bảo đi.
Lợi Hanh lấy thuốc cứu thương ra băng bó cho đại hiệp.
Tòng Khê liền nói tiếp:
- Cái Bang định hại ngầm chúng ta mà sư phụ của chúng ta chưa hay biết gì, chúng ta phải trở về núi Võ Ðang ngay để báo tin cho sư phụ hay. Tuy Hữu Lượng nó định nhờ Thanh Thư đầu độc, nhưng tên gian đồ ấy nhiều quỷ kế lắm, chưa biết chừng chúng đã ra tay trước, vậy việc này cần nhất là chúng ta chia người phụ trách bảo vệ sư tôn. Vì hiện giờ sư tôn tuổi tác quá cao, nếu bây giờ có chuyện xảy ra thì thật là tội, chúng ta chết một vạn lần không chuộc lại được.
Nói xong, y trợn trừng mắt nhìn Triệu Minh đứng ở đằng xa.
Vì Tứ hiệp nghĩ đến chuyện nàng mưu hại Trương chân nhân năm xưa, nên Tứ hiệp hậm hực và tức giận vô cùng.
Viễn Kiều toát mồ hôi lạnh ra, với giọng run run đáp:
- Phải, phải, vì tôi quá nóng lòng đuổi theo gϊếŧ tên nghịch tử mà quên cả sư phụ, tôi thực hồ đồ quá.
Ðại hiệp là người rất trực tính, nói xong liền thúc giục mọi người:
- Chúng ta đi mau.
Tòng Khê liền nói với Vô Kỵ rằng:
- Vô Kỵ, việc cứu Chu cô nương thì cháu tự đi làm lấy, xong việc, mong cháu trở về núi Võ Ðang tụ họp một phen.
Vô Kỵ đáp:
- Xin tuân lệnh sư bá dạy bảo.
Tòng Khê khẽ nói tiếp:
- Triệu cô nương này có tính nết như sài lang, cháu nên cẩn thận lắm mới được. Thanh Thư là cái gương của cháu, nam nhi đại trượng phu chớ nên bị nữ sắc mê hoặc.
Vô Kỵ mặt đỏ bừng, gật đầu vâng lời.
Sau đó, Võ Ðang Tứ hiệp với Vô Kỵ đưa xác của Thanh Cốc chôn sau một tảng đá lớn.
Năm người khóc lóc một hồi, rồi Viễn Kiều bốn người lên ngựa đi trước.
Triệu Minh từ từ đi tới trước mặt Vô Kỵ và hỏi:
- Tứ sư bá của đại ca bảo đại ca phải cẩn thận, kẻo bị yêu nữ này mê hoặc và Thanh Thư là cái gương soi sáng đây, có phải thế không?
Vô Kỵ mặt đỏ bừng, vừa cười vừa đáp:
- Sao cô nương biết? Chẳng lẽ cô nương là thần phong nhĩ chăng?
Triệu Minh kêu "hừ" lên một tiếng rồi hỏi lại:
- Tôi chắc Tống đại hiệp các người sau này thế nào cũng nghĩ lại không trách cứ Thanh Thư có lòng ác độc, trái lại còn trách chị Chỉ Nhược là hồng nhan hoạ thủy, đã làm hủy một đời thiếu hiệp của Võ Ðang đi, có phải thế không? Lòng người đàn ông nào cũng đều thế cả. Chỉ giỏi trách người, chứ không bao giờ chịu trách mình hết.
Vô Kỵ cũng nhận thấy lời nói của nàng có lý, nhưng cũng cãi lại:
- Ðại sư bá các người đều là những quân tử sáng suốt và biết lẽ phải, không bao giờ trách cứ bừa như thế đâu.
Triệu Minh cười nhạt và nói tiếp:
- Càng là người quân tử, càng hay trách bậy người.
Ngừng giây lát, nàng vừa cười vừa nói tiếp:
- Thôi, mau cứu Chu cô nương của đại ca đi. Bằng không để nàng lọt vào tay Thanh Thư thì đại ca nguy tai lắm đấy.
Vô Kỵ hổ thẹn vô cùng liền đỡ lời:
- Tại sao tôi lại nguy tai?
Hai người theo vết chân ngựa mà đi tìm kiếm một mạch chạy thẳng vào tới quan nội.
Vì nhớ nghĩa phụ và cũng nhớ Chỉ Nhược nữa, Vô Kỵ liền nghĩ thầm:
- Nếu Cái Bang định lợi dụng nghĩa phụ ta để kiềm chế Minh giáo như vậy nghĩa phụ quả thật đã lọt vào tay Cái Bang rồi. Tất nhiên chúng không dám đả thương nghĩa phụ ta đâu, nhưng thế nào cũng bị nhục chứ không sai. Còn Chỉ Nhược là người nhu mì hiền hậu như thế, gặp phải Hữu Lượng gian trá và Thanh Thư vô sỉ, nếu nàng bị áp bức quá, tức nhiên nàng không sao tránh khỏi cái chết được.
Nghĩ tới đó, chàng chỉ hận không có hai cánh mà bay về tới Lư Long ngay.
Tối hôm ấy, hai người ngủ trọ trong một khách điếm.
Hai con ngựa của hai người tuy là ngựa rất tốt nhưng chạy ngót một ngày trời như vậy, chúng đã mệt nhoài cả rồi.
Khi tới khách điếm vì quá mệt nó không sao ăn uống được nữa.
Vô Kỵ nằm ở trên giường càng nghĩ càng lo âu, chàng lẳng lặng đi tới trước cửa sổ của căn phòng Triệu Minh lắng tai nghe, thấy nàng thở rất điều hòa và đang ngủ say.
Ngẫm nghĩ giây lát, chàng liền ra ngoài mượn bút mực viết lại mấy chữ cho nàng, bảo vì việc khẩn cấp phải đi luôn đêm nay mới kịp làm xong công việc, thể nào cũng có dịp gặp lại nhau. Viết xong, chàng tới trước cửa sổ, khẽ mở cửa nhảy vào bên trong để tờ giấy đó lên mặt bàn, rồi nhảy ra bên ngoài, giở khinh công tuyệt mức đi về phía Nam luôn. Thế rồi cứ đêm thì chàng giở khinh công ra đi, ngày thì cưỡi ngựa, mua hết con ngựa này đến con ngựa khác, và ngày sau chàng đã đến Lư Long liền.
Tuy mấy ngày chàng chưa được ngủ, nhờ có nội lực hơn người, nên chàng không thấy mỏi mệt gì hết.
Ðáng lẽ chàng đi nhanh như vậy, giữa đường phải gặp Hữu Lượng và Thanh Thư mới phải, nhưng chàng có biết đâu chính tối hôm chàng giở khinh công ra đi đêm, thì Hữu Lượng, Thanh Thư với Trưởng bát Long đầu ngủ trong khách sạn, nên chàng không tìm thấy là thế.
Lư Long là một trọng trấn ở tỉnh Hà Bắc, đời nhà Ðường nơi đó là chỗ trú tiết của Tiết Lộ sứ.
Chàng đi khắp các phố to, phố nhỏ, trà lầu tửu quán, nhưng lạ thật không thấy một tên ăn mày nào cả.
Chàng không lấy thế làm buồn mà lại còn mừng là khác, liền nghĩ thầm:
- Một thành lớn như vậy mà tuyệt đối không có một tên ăn mày nào, đủ thấy việc này không phải là việc tầm thường. Hữu Lượng bảo Cái Bang đến tụ họp, chắc lời nói của y không sai, sở dĩ tháng này không có một tên ăn mày nào cả là vì chúng đã đi tham kiến Bang chủ hết rồi. Chỉ cần tìm thấy chỗ tụ hợp của chúng là ta có thể dò biết được nghĩa phụ với Chỉ Nhược bị Cái Bang bắt đi rồi không?
Thế rồi, chàng ở trong thành đi khắp mọi nơi quan sát nhưng không thấy tung tích của chúng đâu cả. Sau chàng lại đến các thôn trang ở lân cận tìm kiếm không thấy gì hết. Ðến chiều tối hôm đó, chàng vẫn chưa tìm thấy chỗ họp của Cái Bang nóng lòng vô cùng, tới lúc này chàng mới nhận thấy cái hay cái giỏi của Triệu Minh và tự nghĩ thầm:
- Nếu có nàng ở cạnh ta, thì ta đâu đến nỗi thúc thủ vô kế khả nghi như thế này.
Chàng đành phải vào một khách sạn lớn để nghỉ ngơi, cơm nước xong, chàng ngủ giây lát đến canh hai, liền phi thân lên mái nhà đi khắp mọi nơi để xem có động tĩnh gì không?
Chàng ngó mặt nhìn tứ phía, bỗng thấy góc Ðông Nam có một cái lầu chọc trời.
Trên lầu đó có ánh sáng loé ra, chàng liền nghĩ thầm:
- Nhà này nếu không phải là nhà của quan lớn thì cũng là của người giàu có, như vậy có liên can gì đến Cái Bang đâu...
Ngờ đâu chàng chưa nghĩ xong đã thấy một bóng người thấp thoáng ở cửa lầu nhảy ra, hình bóng của người đó nhanh vô cùng, chỉ thoáng cái là mất dạng liền, nếu mắt chàng không sắc bén thì không sao trông thấy kịp.
Chàng liền nghĩ tiếp:
- Chẳng lẽ có lục lâm hào khách nào đến kiếm ăn nhà phú hộ này chăng? Thân pháp của người này nhanh thật, y thế nào cũng là cao thủ hạng nhất, ta đang lúc nhàn rỗi, thử theo y xem sao.
Thế rồi chàng liền chạy tới cạnh toà nhà đồ sộ đó, chỉ nhún chân một cái đã nhảy qua bờ tường liền.
Chàng đột nhiên thấy phía trước mặt sáng choang và nghe thấy tiếng người nói:
- Trần trưởng lão cũng nhiễu sự thật, rõ ràng nói đúng ngày mồng tám tháng giêng tất cả mọi người tụ họp ở Lao Hà Khẩu này bây giờ lại cho người báo tin bảo chúng ta đợi chờ ở đây. Trưởng lão không phải là Bang chủ, muốn nói gì bắt người ta phải theo như thế, thật là vô lý quá.
Vô Kỵ mừng rỡ vô cùng, vì nghe thấy tiếng nói của người đó rất quen thuộc, đúng là người của Cái Bang.
Vô Kỵ liền rón rén đi tới khách sảnh ở cạnh vườn hoa vì chàng nghe thấy tiếng nói trong đó vọng ra.
Khi tới gần chàng nghe thấy Sử Hỏa Long, bang chủ Cái Bang nói rằng:
- Trần trưởng lão, người túc trí đa mưu, ông ta đã bắt được Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Tạ Tốn là người đã mất tích hơn hai mươi năm nay, mà người trong võ lâm ai ai cũng muốn bắt được y. Chỉ nói một việc đó, người trong bổn bang không ai bằng được trưởng lão và người trong võ lâm đã có người nào làm được như thế không?
Vô Kỵ vừa nghe nói vừa kinh hãi vừa mừng rỡ, chàng biết nghĩa phụ của mình quả thật đã lọt vào tay Cái Bang, bây giờ chỉ còn cách cứu ra thôi. Chàng lại biết trong Cái Bang không có một tay cao thủ nào lợi hại hết, nên chàng biết việc cứu nghĩa phụ không khó khăn gì. Thế rồi, ngó qua lỗ hổng cửa sổ nhìn vào bên trong, chàng thấy Sử Hỏa Long, ngồi ở giữa Truyền Công chấp pháp hai trưởng lão Trưởng bản Long đầu và ba trưởng lão tám túi ngồi bên dưới. Còn có một người béo, tuổi trạc trung niên ăn mặc quần áo rất xa hoa, trông như một thân hào, nhưng trên vai đeo sáu cái túi vải.
Thấy vậy Vô Kỵ gật đầu nghĩ thầm:
- Phải rồi, thế ra đại tài chủ ở thị trấn Lư Long lại là đệ tử của Cái Bang, bọn ăn mày này tụ họp ở nhà đại tài chủ nhưn thế thì còn ai nghi ngờ gì nữa.
Chàng lại nghe thấy Hỏa Long nói tiếp:
- Nếu Trần trưởng lão đã cấp tốc cho người về báo chúng ta đợi chờ ở Lư Long thì chắc phải có việc gì, bây giờ chúng ta mưu đồ đại sự cần phải cẩn thận lắm mới xong.
Trưởng bản Long đầu liền đỡ lời:
Bang chủ minh giám, quần hào trên giang hồ tìm Tạ Tốn là muốn cướp được đao Ðồ Long, là muốn làm võ lâm chí tôn. Bây giờ bảo đao không có trong người Tạ Tốn, chúng tôi đã dỗ ngọt mọi cách, mà y cũng không chịu nói bảo đao ở đâu. Như vậy chúng ta thấy bắt được một tên mù suông thôi, ngày ngày phải mời y ăn nhậu như thế có lợi ích gì nào? Theo ý đệ tử, cứ dùng cực hình xem y có chịu nói hay không?
Hỏa Long xua tay đáp:
- Không được, không được, làm như thế chưa biết chừng hỏng hết là khác. Chúng ta hãy đợi chờ Trần trưởng lão về rồi tính sau.
Trưởng bản Long đầu có vẻ hậm hực bất bình và hình như trách Bang chủ việc gì cũng nghe lời Hữu Lượng vậy.
Hỏa Long lấy một lá thư ra đưa cho Trưởng bản Long đầu và nói:
- Chú em họ Phùng đi ngay Hào Châu, đưa lá thư này của tôi trao cho Hàn Sơn Ðông bảo cho y biết con y hiện nay đang ở đây được bình yên vô sự, chỉ cần y chịu đầu hàng bổn bang thì Bang chủ sẽ biệt đãi y ngay.
Trưởng bản Long đầu đáp:
- Thiết nghĩ việc rất thường này, Bang chủ sai ai đi chả được hà tất phải gọi tới đệ tử đi như thế?
Hỏa Long có vẻ giận và nói:
- Chú em họ Phùng, nửa năm nay bọn Hàn Sơn Ðông thế lực rất lớn, nghe nói bộ hạ của y như Chu Nguyên Chương, Từ Ðạt, Thường Ngộ Xuân có vẻ anh dũng lắm. Vậy đưa lá thư này đi, bảo y về quy hàng bổn bang, cần phải có người khéo ăn khéo nói như hiền đệ để xem y có chịu quy hàng thật hay không, hơn nữa cũng muốn dò biết xem quân đội của y thực ra sao. Vì vậy, trách nhiệm này nặng nề lắm có phải là tầm thường đâu sao hiền đệ lại bảo đó là chuyện nhỏ được.
Trưởng bản Long đầu không nói năng gì hết liền đáp:
- Xin tuân lệnh Bang chủ dặn bảo.
Nói xong, y vái chào Hỏa Long rồi đi luôn...
Vô Kỵ nghe thêm, chỉ thấy chúng bàn đến sau này Minh giáo, Thiếu Lâm, Võ Ðang, Nga Mi các phái về hàng rồi, Cái Bang sẽ hưng thịnh như thế nào, oai phong như thế nào v. v... Nhưng chàng nhận thấy dã tâm của Hỏa Long còn kém Hữu Lượng. Theo lời nói của y, thì y chỉ cần Cái Bang độc bá giang hồ, xưng hùng võ lâm là đủ, chứ không nghĩ tới việc cướp giang sơn, tôn xưng vua chúa gì cả.
Vô Kỵ nghe được một hồi có vẻ chán ghét và nghĩ thầm:
- Chắc nghĩa phụ và Chu cô nương đang bị giam giữ ở đây, ta hãy đi cứu hai người ra trước rồi cho bọn ăn mày nói khoác này một bài học mới được.
Nghĩ đoạn, chàng liền tung mình nhảy lên trên cành cây, nhìn xuống bên dưới, chàng chỉ cần xem nơi nào có đệ tử của Cái Bang canh phòng cẩn mật nhất là chàng đoán chắc nơi đó, thế nào cũng là chỗ giam cầm nghĩa phụ của chàng.
Vừa lúc đó chàng ngó về phía tay phải liền thấy nơi đó có một cái lầu cao và có mười mấy tên đệ tử của Cái Bang tay cầm khí giới đi lại canh chừng.
Chàng khẽ nhảy xuống bên dưới đến gần cái lầu cao đó, núp sau một tảng đá, chờ hai tên đệ tử của Cái Bang đi qua, liền tung mình lên nhảy tới phía chân tường của cái lầu đó. Chàng giở khinh công bích hổ du tường (con mối bò tường) leo lên phía trên mà không một ai hay biết cả. Chàng thấy trên lầu đèn đuốc sáng choang, chàng không muốn là kinh động bọn chúng trước khi kiếm thấy Tạ Tốn và Chỉ Nhược, nên chàng cứ nằm phục ở ngoài cửa sổ để xem bên trong có động tĩnh gì không.
Một lát sau, chàng không thấy trong lầu có tiếng động gì hết, ngạc nhiên vô cùng nghĩ thầm:
- Sao trong lầu không có một người nào thế này, chẳng lẽ những tay cao thủ núp mai phục nơi đây, lại có thể mãi mãi không thở hít như thế?
Chàng lại nghe thêm một lát nữa, vẫn không nghe thấy tiếng thở tiếng hít gì cả, chàng liền cậy cửa sổ ló đầu vào bên trong, thấy cây nến để trên bàn đã cháy già nửa. Trong phòng không có bóng người nào. Chàng thấy trên lầu có ba cái phòng liền, phòng phía Ðông không có người, chàng sang phòng phía Tây ở ngoài cửa sổ ngó vào. Trong phòng này, đèn lửa còn sáng hơn phòng bên phía Ðông, trên bàn bầy đầy bát đũa của bảy tám người, rượu ở trong chén vẫn chưa uống, thức ăn còn bỏ dở, hình như những người ở đây vừa ăn uống xong đã đi khỏi, còn phòng giữa tối đen như mực không có một tí ánh sáng nào cả.
Chàng khẽ đậy cửa phòng thử xem, thấy bên trong cài then không vào được liền khẽ gọi:
- Nghĩa phụ có ở trong đó không?
Chàng không thấy ai trả lời liền nghĩ thầm:
- Chắc nghĩa phụ ta không có ở đây đâu, nhưng tại sao Cái Bang lại canh gác nơi đây nghiêm ngặt đến thế. Thế là nghĩa lý gì, chẳng lẽ chúng định làm cái trò thực thực hư hư để lừa dối ta chăng?
Ðang lúc ấy chàng đột nhiên ngửi thấy có mùi máu tanh xông lên mũi và mùi tanh ở trong phòng giữa bốc ra, chàng giật mình kinh hãi vội để tay lên cánh cửa, dùng nội công khẽ đẩy mạnh một cái. Chỉ nghe thấy kêu "cắc" một tiếng rất khẽ, then cửa gẫy làm đôi, chàng liền thò tay vào trong đỡ lấy cái then để cho then khỏi rơi xuống gây tiếng động.
Chàng bước luôn vào bên trong, bỗng chân vướng phải một cái gì mềm nhũn. Hình như đó là cái thân người, chàng vội cúi xuống rờ mó. Người đó đã tắt thở, nhưng mới chết không lâu. Chàng thấy người đó bé nhỏ, biết ngay không phải Tạ Tốn, nên chàng cũng yên trí. Chàng lại bước thêm một bước nữa và lại vấp phải xác của hai người nữa. Chàng liền dùng ngón tay đυ.c thủng lỗ ván để cho ánh sáng đèn bên ngoài ló vào. Nhờ có ánh sáng đó, chàng đã thấy dưới đấy có bảy tám cái xác nằm ngổn ngang nhưng toàn là đệ tử của Cái Bang hết. Những xác đó đều chết bởi nội thương rất nặng. Chàng nhấc một tên lên, vạch áo ra xem, thấy ngực tên đó có một dấu vết quyền hẳn hoi đúng là bị quyền lực của Thất thương quyền đánh phải.
Chàng mừng rỡ và nghĩ thầm:
- Thế ra nghĩa phụ ta đã giở thần oai ra đánh chết lũ này rồi bỏ đi.
Chàng tìm kiếm trong phòng một hồi, thấy trên góc tường có khắc một ngọn lửa, đó là nhãn hiệu của Minh giáo, chàng lại nghĩ tiếp:
- Không biết tại sao nghĩa phụ lại bị Cái Bang bắt giữ, có phải tại ông ta không trông thấy gì, nên mới trúng phải quỷ kế của Cái Bang chăng. Nếu chúng không dùng thuốc mê thì dùng dây thừng hoặc dùng lưới cá để bắt ông ta ra bằng lối nào, lạ thật.
Chàng quay đầu lại nhìn, thấy trên ván cửa có một vết máu như có người phun vào đó vậy, bên ngoài lại có một dấu bàn tay lờ mờ, chàng ngẫm nghĩ giây lát, liền hiểu ngay ý nghĩa ra sao rồi.
Chàng nghĩ thầm:
- Nghĩa phụ để lại một người không gϊếŧ ngay, bảo người ấy chờ mình ra khỏi bên ngoài rồi cài then cửa lại hộ và sau đó nghĩa phụ dùng Thất thương quyền phát bên ngoài vào đánh chết người ấy nốt. Nhưng vì cách tấm ván nên chưởng lực không đều đặn nên người nọ không chết ngay mà thổ huyết ra trước. ừ phải rồi, vừa rồi ta thấy một cái bóng đen thấp thoáng, chắc người đó là nghĩa phụ ta thoát thân...
Nhưng chàng lại nghĩ tiếp:
- Tuy bóng đen ấy chạy khá nhanh thực, nhưng ta trông thấy y thấp bé chứ không to lớn vạm vỡ như nghĩa phụ của ta. Vậy người ấy là ai thế?
Chàng chạy ra ngoài phòng, núp ở cạnh cửa ngó xuống bên dưới thấy đệ tử Cái Bang vẫn đi tuần rất cẩn mật, và hình như chúng không biết một tí gì về tai biến ở trên lầu vậy, cho nên chàng lại nghĩ tiếp:
- Bọn đệ tử Cái Bang chết hết không lâu, chắc nghĩa phụ ta đi cách đây không xa, ta hà tất phải nghĩ vơ nghĩ vẫn làm chi, chi bằng ta đuổi theo nghĩa phụ hỏi thăm thì biết liền. Rồi hai cha con ta lại quay trở lại đây đánh cho chúng một phen long trời lở đất để cho chúng biết thủ đoạn của Minh giáo chúng ta lợi hại như thế nào.
Nghĩ tới đó chàng cảm thấy hăng say.
Lúc trước chàng thấy bóng đen đi về phía Tây Nam, chàng liền tung mình nhảy theo về phía đó. Chàng nhảy lên một cành cây cao, rồi nhún chân mượn sức đu một cái, người đã nhảy lên trên đầu tường.
Chàng cúi xuống nhìn xem xét thấy trên đầu tường có hai vết chân nho nhỏ, đúng là vết chân của đàn bà, chàng ngạc nhiên vô cùng nghĩ tiếp:
- Lạ thật, sao cái bóng đen ta vừa trông thấy lại là đàn bà được? Trong võ lâm có người đàn bà nào có khinh công cao siêu đến thế? Diệt Tuyệt sư thái đã chết. Tía Sam Long Vương của phái Côn Luân chưa chắc có khinh công cao siêu như thế được, còn Chỉ Nhược với Triệu cô nương lại còn kém hơn, ngoài những người đó ra, ta chưa hề thấy một người đàn bà nào gọi là có tài nghệ cao siêu cả.
Nhưng lúc ấy chàng sợ không đuổi kịp Tạ Tốn, nên không còn thì giờ nghĩ ngợi nữa, vội giở khinh công đuổi theo về phía Tây Nam. Chàng chạy theo đại lộ đuổi được mấy dặm, đến một con đường rẽ tìm kiếm ở những gốc cây, quả nhiên thấy một tảng đá có dấu hiệu ngọn lửa, chỉ vào một con đường nhỏ ở phía Tây Nam, chàng cả mừng nghĩ thầm:
- Hành tung của nghĩa phụ đã rõ, chỉ lát nữa ta sẽ được gặp liền.
Các ám hiệu liên lạc chỉ dẫn của Minh giáo, chàng đã được Dương Tiêu nói cho hay, bây giờ chàng trông thấy dấu hiệu ngọn lửa đó tuy chỉ có mấy nét thôi, nhưng thấy nét nào cũng sâu sắc, chàng biết không phải là người thường có thể vẽ nổi, nếu không phải Tạ Tốn, người văn võ toàn tài như thế, thì người trong Minh giáo ít có ai vẽ được.