Sử bà bà quát bảo Bạch Vạn Kiếm:
-Nếu trong lòng ngươi không phục thì rút kiếm ra đi, đừng hầm hè suông vô ích.
Bạch Vạn Kiếm đáp:
-Dạ!
Rồi quay lại bảo Thạch Phá Thiên:
-Ngươi phát chiêu đi !
Thạch Phá Thiên đưa mắt nhìn A Tú, thấy nàng vừa bẽn lẽn vừa ra chiều lo lắng, thì bụng bảo dạ:
-Sư phụ bảo nếu mình mà thua y thì vĩnh viễn không được nhìn mặt A Tú nữa. Cuộc tỷ võ này mình phải thắng mới được.
Chàng dựng đứng thanh đơn đao lên rồi vung qua vung lại.
Bạch Vạn Kiếm cũng phóng kiếm ra đánh vèo một cái, đâm thẳng tới ngực đối phương.
Thạch Phá Thiên vung đao lên gạt, thuận tay chàng phản kích một chiêu.
Khi còn ở trên đảo Tử Yên, chàng đã cùng đao đơn đánh nhau với Bạch Vạn Kiếm, nhưng khi chàng sử "Kim Ô Ðao Pháp" thuần túy mà Bạch Vạn Kiếm sử kiếm pháp rất thô sơ của phái Tuyết Sơn, toàn những chiêu thức mới nhập môn.
Thạch Phá Thiên thấy thể không biết đường đón đỡ, liền bị mũi kiếm của đối phương khoét vạt áo thủng một lỗ tròn ở trước ngực.
Do đó mà Thạch Phá Thiên hiểu ngay đến chữ "biến" về võ học. Chàng biết rằng tỷ võ hay ở chỗ biết tùy cơ ứng biến, không thể câu nệ theo lề lối thông thường.
Về sau vợ chồng Thạch Thanh lại chỉ điểm thêm cho chàng về võ công, chàng tiến bộ rất mau.
Bây giờ chàng lại tỷ đấu với Bạch Vạn Kiếm mà đao pháp chàng sử dụng không bị giới hạn trong phạm vi những điều đã học được của Sử bà bà, chàng múa tít thanh đơn đao tung hoành như rồng bay phượng múa. Nhiều chiêu số ra ngoài ý nghĩ của chàng.
Hai bên qua lại được bảy tám chiêu, Bạch Vạn Ki¾m đã ngấm ngầm kinh hãi, tự hỏi:
-Không hiểu thằng lỏi này học được đao pháp cao thâm đó ở đâu?
Hắn nghĩ lại ngày ở đảo Tử Yên đã cùng chàng thiếu niên làm bang chúa bang Trường Lạc tỷ võ. Gã kia tự xưng là khai sơn đại đệ tử phái Kim Ô. Ðao pháp cả hai tên tương tự như nhau, nhưng chiêu thức biến ảo tinh kỳ, thiếu niên kia còn thua thằng lỏi Thạch Trung Ngọc này xa lắm.
Rồi hắn tự hỏi:
-Hai gã tướng mạo giống nhau. Phải chăng cùng ở một sư môn? Mẫu thân ta biểu đã truyền thụ võ nghệ cho gã, chẳng lẽ gã là đồ đệ mẫu thân ta thật ư?
Hai người đánh thêm mấy chiêu nữa. Bạch Vạn Kiếm cầm thanh kiếm chém tạt ngang, Thạch Phá Thiên vung đao ra gạt.
Choang ! Tia lửa bắn tung tóe.
Bạch Vạn Kiếm thấy một luồng đại lực rung động làm cho cánh tay mặt hắn tê nhức. Trước ngực đau nhói lên. Hắn giật mình kinh hãi, bất giác lùi lại ba bước.
Thạch Phá Thiên không đuổi theo quay lại nhìn Sử bà bà để hỏi ý:
-Như vậy đã thắng chưa?
Không ngờ Bạch Vạn Kiếm càng gặp cường địch lại càng hăng. Huống chi Thạch Trung Ngọc là một gã hậu bối ở bản môn. Nếu chịu thua về tay gã thì còn chi là thể diện?
Bạch Vạn Kiếm thét lên:
-Tiểu tử ! Coi kiếm đây.
Rồi phóng kiếm đâm tới.
Khi Thạch Phá Thiên vung đao lên gạt, Bạch Vạn Kiếm không để cho thanh kiếm của mình động vào đơn đao của chàng. Lập tức hắn biến chiêu, cho mũi kiếm đâm xéo lên yết hầu đối phương.
Chiêu kiếm này bộ vị tính toán rất đúng và đã phát huy được tuyệt nghệ của "Tuyết Sơn Kiếm Pháp".
Trương Tam reo lên:
-Hảo kiếm pháp !
Thạch Phá Thiên vung đao lên chém vào cánh tay đối phương. Chàng sử dụng "Kim Ô Ðao Pháp" chiêu này chính là khắc tinh của "Tuyết Sơn Kiếm Pháp".
Trương Tam lại hô lớn:
-Hảo đao pháp !
Hai người càng đấu càng hăng.
Bạch Vạn Kiếm hơn ở chỗ kiếm pháp thuần thục nhưng về nội lực thì Thạch Phá Thiên chiếm được thượng phong.
Hai bên qua lại hơn hai chục chiêu nữa.
Thạch Phá Thiên phóng đao đâm lẹ vào trước ngực.
Bạch Vạn Kiếm không kịp lùi lại đành phải đưa ngang thanh kiếm ra ngăn cản.
Bỗng nghe đánh "choảng" một tiếng. Thanh trường kiếm trong tay Bạch Vạn Kiếm bị gãy đôi.
Thạch Phá Thiên lập tức thu đao về lùi lại.
Bạch Vạn Kiếm sắc mặt xám xanh, hắn đoạt thanh trường kiếm ở trong tay một tên đệ tử phái Tuyết Sơn, nhằm đâm tới Thạch Phá Thiên.
Thạch Phá Thiên đã trải qua một hồi kịch đấu, nội lực súc tích trong thân thể chàng dần dần nẩy nở mãi ra. Mỗi một đao chàng chém tới đều khiến cho Bạch Vạn Kiếm phải chống đỡ một cách gian nan, vì chàng đã phát huy nội lực vào lưỡi đao.
Chàng đánh thêm mấy chiêu nữa, lại nghe đánh rắc một tiếng. Thanh kiếm trong tay Bạch Vạn Kiếm gãy đôi. Thế là Bạch Vạn Kiếm mất hai thanh kiếm rồi. Hắn cầm thanh kiếm gãy giơ lên lớn tiếng nói:
-Nội lực ngươi mạnh hơn ta, nhưng chiêu số ta không chịu thua ngươi.
Hắn liệng thanh kiếm gãy đi xoay tay lại rút một thanh kiếm khác đâm liền.
Thạch Phá Thiên nghiêng người đi tránh chiêu kiếm rồi đưa mắt nhìn A Tú thì thấy nàng lộ vẻ lo lắng. Chàng động tâm nghĩ ngay tới khi ở đảo Tử Yên, nàng từng ân cần dặn mình: "Khi tỷ võ với ai, chẳng nên cạn tâm ráo máng. Nếu tha người được tất tha ngay. Ðại ca ! Bọn nhân sĩ võ lâm đại khái đều là những người hiếu danh. Một người thành danh có bị đại ca chém trọng thương thì không sao, nhưng nếu bị bại về tay đại ca thì họ còn đau đớn hơn là phải chết". Chàng thấy Bạch Vạn Kiếm vẻ mặt nghiêm trọng thì bụng bảo dạ:
-Y là một người rất có danh vọng trong phái Tuyết Sơn mà nay ở trước mặt đông người bản phái thế này, nếu mình đả bại y, thì y còn chi là thể diện? Nhưng nếu ta chịu thua y thì sư phụ lại không cho ta được nhìn thấy A Tú nữa. Bây giờ biết làm thế nào? Phải rồi ! Âu là ta sử chiêu số "Bàng Xao Trắc Kích" mà nàng đã dậy ta để giữ lấy thế chẳng thua mà cũng chẳng được. Nghĩ tới đây, trong đầu óc chàng lóe lên một tia sáng làm chàng tỉnh ngộ ngay.
Chàng tự nhủ:
-Lúc ở đảo Tử Yên, ta đã ưng chịu lời A Tú là khi tỷ võ với ai nhất quyết không cạn tâm ráo máng, hễ tha người được tất tha ngay. Nàng cảm kích vô cùng quỳ xuống lạy ta. Cái lạy ngày ấy tức là vì cuộc chiến đấu bữa nay. Nếu nàng không vì phụ thân, thì hà tất nàng phải lậy ta? Té ra ngày ấy nàng thấy Sử bà bà lại truyền dậy đao pháp cho ta, nàng đã biết kiếm pháp của phụ thân nàng không địch lại được đao pháp này.
Thạch Phá Thiên nghĩ vậy rồi thi triển phép "Bàng Xảo Trắc Kích" bên tả chém một đao, bên hữu chém một đao, trước ngực để sơ hở.
Bạch Vạn Kiếm tinh thần phấn khởi vì thấy đối phương bộ vị không kín đáo. Hắn không nghĩ ngợi gì nữa cầm kiếm đâm thẳng vào trước ngực đối phương.
Giữa lúc ấy, Thạch Phá Thiên vội lùi lại ba bước, vung đao chém xuống phía trước một nhát.
Bạch Vạn Kiếm phóng trường kiếm đâm ra, mũi kiếm còn cách trước ngực đối phương độ một thước, đã vội thu về. Thế mà còn đυ.ng phải lưỡi đao làm cho toàn thân hắn run bắn lên như người bị điện giật. Thanh trường kiếm bị rung động hoài và tiếng ngân nga vang lên mãi không dứt.
Thạch Phá Thiên lại lùi hai bước nữa, nghĩ bụng:
-Ta đánh gãy của y ba thanh trường kiếm, là muốn giữ thế hòa thì cũng phải chịu gãy một thanh đơn đao mới đúng.
Chàng liền ngấm ngầm vận nội kình vào tay. Cách, một tiếng vang lên ! Thanh đơn đao bị gãy làm hai đoạn.
Người ngoài trông tưởng chừng như thanh đao bị gãy vì luồng kình lực ở lưỡi kiếm xô ra.
A Tú thở phào một cái như người gất gánh nặng. Nàng lớn tiếng gọi :
-Gia gia ! Ðại ca ! Cuộc tỷ đấu giữa hai bên thế là huề, không ai được ai hết.
Nàng quay lại nhìn Thạch Phá Thiên mỉm cười tự nhủ:
-Chàng vẫn còn nhớ được lời ta dặn ngày trước và đã vì ta mà dụng tâm.
Bạch Vạn Kiếm biết Thạch Phá Thiên cố ý nhường nhịn hắn nên hắn cầm thanh kiếm xuống đất ngập hết phân nửa rồi nhìn Thạch Phá Thiên nói:
-Ngươi đã nhượng bộ ta, lẽ nào ta lại không biết? Ngươi không muốn để ta xấu mặt trước đám đông. Ta rất cám ơn ngươi.
Sử bà bà ra chiều đắc ý nói:
-Hài nhi ! Ngươi bất tất phải lấy thế làm khó chịu, đao pháp đó ta dậy cho gã rồi đây ta lại truyền cho hài nhi nữa. Ngươi có thua gã cũng là thua ta. Chúng ta là mẹ con trong nhà chứ ai đâu mà ngại?
Trước kia mụ câm hận, hễ mở miệng là một điều "lão chó già", hai điều "thằng chó con" để thóa mạ. Nhưng bây giờ mụ thấy Thạch Phá Thiên dùng "Kim Ô Ðao Pháp" đả bại được con trai, tức là mụ đã chiếm được thượng phong hơn đức lang quân, mụ mừng quá nên dùng những lời ngọt ngào để an ủi con.
Bạch Vạn Kiếm nghe mẫu thân nói, không biết nên cười hay nên khóc. Hắn đành đáp:
-Ðao pháp của mẫu thân quả là lợi hại. E rằng hài nhi ngu xuẩn không học nổi.
Sử bà bà chạy đến bên hắn vuốt đầu vỗ vai ra vẻ rất thương yêu, nói:
-Hài nhi so với thằng ngốc kia còn thông minh hơn nhiều. Gã học được thì hài nhi sao lại không học được? Thằng ngốc kia ! Mau khấu đầu trước nhạc phụ đi !
Thạch Phá Thiên ngẩn người ra một chút sau chàng hiểu dụng ý của mụ, thì vừa kinh hãi vừa mừng thầm, nhìn Bạch Vạn Kiếm khấu đầu sụp lạy.
Bạch Vạn Kiếm vội lạng người để tránh, đồng thời lớn tiếng:
-Hãy khoan, việc này để thong thả rồi sẽ tính. Ðoạn hắn quay lại nói với Sử bà bà:
-Mẫu thân ! Thằng nhỏ này tuy võ công cao cường nhưng gã là một vô hạnh khinh bạc. Ta chẳng nên làm lỡ cuộc chung thân A Tú.
Lý Tứ bỗng lên tiếng:
-Hay lắm ! Hay lắm ! Y là nữ tế ngươi cũng được mà ngươi không gả con cho y cũng không sao. Chúng ta không uống rượu mừng đó đâu. Ta xem ra trong phái Tuyết Sơn không có ai võ công bằng chú em này. Có đúng thế không? Vậy để cho y làm Chưởng môn, các vị có phục hay là không phục?
Bạch Vạn Kiếm, Thành Tự Học và hết thảy đệ tử phái Tuyết Sơn không ai lên tiếng.
Có người tự biết võ công mình không bằng, có người mong chàng làm Chưởng môn rồi tức khắc đến đảo Long Mộc chịu chết. Vì thế mà trong nhà đại sảnh yên lặng như tờ, không ai lên tiếng.
Trương Tam lấy trong bọc ra hai tấm bài đồng, cười nói:
-Chúc mừng người anh em được lên làm Chưởng môn phái Tuyết Sơn. Vậy người anh em tiếp lấy hai cái thẻ đồng này.
Hắn nói xong nheo mắt nhìn Thạch Phá Thiên mấy cái.
Thạch Phá Thiên sửng sốt tự hỏi:
-Chẳng lẻ y đã nhận ra mình rồi chăng? Mình chưa nói một câu nào mà sao lại bại lộ hành tung được.
Thạch Phá Thiên có biết đâu Trương Tam, Lý Tứ võ công đã cao cường thì kiến thức cũng hơn người một bậc. Tuy chàng chưa lên tiếng và cử chỉ cũng chưa lộ hình tích, nhưng vừa rồi chàng đã động thủ cùng Bạch Vạn Kiếm, về đao pháp chẳng kể làm chi, song nội lực chàng thâm hậu ít thấy trên chốn giang hồ. Trương Tam và Lý Tứ đã cùng chàng thi uống rượu độc. Nguyên một nội lực đó đã khiến họ phải tâm phục, nên vừa nhìn thấy nội lực phi thường là nhận ra chàng ngay.
Thạch Phá Thiên thấy Trương Tam đưa thẻ đồng ra trước mặt mình, thì bụng bảo dạ:
-Khi ở bang Trường Lạc ta đã tiếp nhận thẻ đồng. Tiếp nhận một lần là chết thì tiếp nhận hai lần bất quá cũng đến chết là cùng. Vậy bây giờ ta có tiếp nhận lần nữa cũng chẳng hề chi. Chàng toan đưa tay ra đón lấy bài đồng bỗng nghe Sử bà bà la lên:
-Khoan đã !
Thạch Phá Thiên đưa hai tay ra nửa vời lại rụt về, chàng ngạc nhiên quay lại nhìn Sử bà bà thì mụ lên tiếng nói tiếp:
-Về chức vị Chưởng môn phái Tuyết Sơn đã nói rõ là căn cứ vào võ công để quyết định và như vậy ta cũng kể như ngươi đã đoạt được rồi. Có điều ta thấy lão chó chết đã làm Chưởng môn, oai phong chưa được một thời mà đã ngông cuồng tự phụ, nên bây giờ ta muốn làm chưởng môn chơi một phen. Hài tử ! Ngươi nhường lại chức Chưởng môn cho ta được không?
Thạch Phá Thiên ngập ngừng hỏi lại:
-Ðồ đệ nhường chức Chưởng môn lại cho sư phụ ư?
Sử bà bà tức giận quát lên:
-Sao? Ngươi không chịu chăng? Vậy chúng ta lại phải tỷ đấu để căn cứ vào võ công mà ấn định.
Thạch Phá Thiên thấy mụ nổi giận, chàng không dám nói gì nữa.
Rồi trong lúc vô ý chàng buột miệng đáp:
-Dạ! Dạ!
Ðoạn khom lưng lùi lại.
Sử bà bà cười ha hả nói:
-Ta làm Chưởng môn phái Tuyết Sơn đây. Ai là người không phục?
Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, đều cảm thấy cuộc biến diễn này rất là kỳ cục, nhưng chẳng ai dám hé răng.
Sử bà bà rảo bước tiến lên đón lấy hai tấm thẻ đồng ở trong tay Trương Tam, rồi nói:
-Tân nhiệm Chưởng môn phái Tuyết Sơn là Sử thị đa tạ quý đảo đã đưa thư mời và xin ấn định đến kỳ sẽ tới dự yến.
Trương Tam, Lý Tứ vừa bật lên tiếng cười vừa xoay mình vọt ra cửa. Mới không đầu chớp mắt mà tiếng cười của hai người đã ở ngoài xa mấy chục trượng rồi.
Sử bà bà ngồi trên ghế thái sư lạnh lùng lên tiếng:
-Mở khóa xiềng xích cho bọn người kia ra !
Lương Tự Tiến lên tiếng hỏi lại:
-Sư tỷ căn cứ vào điều chi để phát lịnh? Chức Chưởng môn phái Tuyết Sơn đâu phải trò con nít, lấy tình riêng mà truyền thụ cho nhau sao được.
Thành Tự Học, Tề Tự Miễn cũng theo hùa:
-Sư tỷ sử đao chứ không sử kiếm. Ðó không phải là chiêu số phái Tuyết Sơn thì làm Chưởng Môn bản phái thế nào được?
Nguyên lúc Trương Tam, Lý Tứ còn ở đại sảnh đường, mọi người chỉ mong sao tống khứ được hai tên qủy sứ đó đi và có người đứng ra đến đảo Long Mộc chịu chết để gánh kiếp vận cho họ. Nhưng bây giờ hai người bỏ đi rồi, mọi người tự coi như ách vận đã qua, nhưng họ nghĩ tới Sử bà bà lên làm Chưởng môn thì bọn họ phạm tội phản nghịch, khi nào mụ chịu bỏ qua mà không báo thù? Vụ này có liên quan tới tính mạng chứ không phải chuyện thường. Thế là trong nhà đại sảnh lại bắt đầu huyên náo.
Sử bà bà nói:
-Ðược rồi ! Các ngươi không chịu phục để ta làm Chưởng Môn. Cái đó cũng chẳng hề chi.
Mụ cầm hai tấm bài đồng trong lòng bàn tay xát vào nhau bật thành tiếng leng keng, rồi hỏi:
-Người nào muốn lên làm Chưởng môn để tới đảo Long Mộc dự yến Lạp Bát thì cứ thẳng thắn đứng ra !
Mụ đưa mắt nhìn bọn Thành Tự Học, Tề Tự Miễn, Lương Tự Tiến. Mọi người đều quay đầu đi không dám nhìn thẳng vào mặt mụ.
Phong Vạn Lý nói:
-Bẩm sư nương ! Bọn họ phạm tội phản bội sư phụ, thực là tội đáng muốn thác nhưng bề trong, họ cũng có chỗ khổ tâm không nói ra được.
Hắn quỳ xuống dập đầu nói tiếp:
-Bây giờ Sư nương lên làm Chưởng Môn bản phái thì còn gì hay hơn nữa? Sư nương có gϊếŧ đệ tử, đệ tử cũng không dám trốn tránh. Nhưng đệ tử chỉ xin Sư nương ban lệnh phóng xá cho mọi người để vỗ yên quần chúng, tránh khỏi cái vạ lớn những người trong bản phái tàn sát lẫn nhau.
Sử bà bà đáp:
-Sư phụ ngươi bụng da ïcó chỗ không tốt, làm gì ta chẳng biết? Việc này phát khởi từ đâu? Ðầu đuôi thế nào? Ngươi hãy nói cho ta nghe !
Phong Vạn Lý lại dập đầu binh binh hai cái nữa, rồi nói:
-Từ khi Sư nương cùng Bạch sư ca và các sư đệ xuống núi rồi, hàng ngày sư phụ sinh lòng nóng nảy. Ðệ tử bản môn bị lão gia đánh mắng còn là chuyện nhỏ, mọi người đã chịu ơn sâu của sư môn khi nào dám buông lời oán vọng. Nhưng nửa tháng trước đây có ba lão già đến viếng sư phụ. Họ tử xưng là họ Ðinh và là ba anh em ruột. Một vị là Ðinh Bất Nhị, một vị là Ðinh Bất Tam và một vị là Ðinh Bất Tứ gì gì đó
Sử bà bà vừa nghe nói đến Ðinh Bất Tứ đã giật mình kinh hãi, ngắt lời:
-Ðinh Bất Tứ ! Ðinh Bất Tứ đến thành Lăng Tiêu có chuyện chi?
Phong Vạn Lý đáp:
-Ba lão họ Ðinh đến thành Lăng Tiêu rồi cùng sư phụ mật đàm trong thư phòng. Họ nói chuyện những gì bọn đệ tử đều chẳng ai hay và chỉ biết ba lão kia đã chọc giận sư phụ. Bốn người to tiếng gây lộn. Bọn đệ tử e sư phụ một mình không địch nổi ba lão vì thế mà vẫn canh giữ ở ngoài cửa phòng để chờ xem hễ sư phụ hô lên một tiếng là xông vào đối phó với họ. Bọn đệ tử thấy sư phụ tức giận vô cùng, cãi nhau tay đôi với Ðinh Bất Tứ. Người nói những gì "Núi Bích Loa", "Ðảo Tử Yên", lại nhắc đến tên một người đàn bà là Tiểu Thúy nào đó. Sử bà bà hắng giọng một tiếng rồi sa sầm nét mặt.
Nhưng mụ nghĩ bọn đồ đệ không biết nhủ danh mình là Tiểu Thúy. Mụ không chịu nói rõ, chỉ hỏi lại:
-Rồi sao nữa?
Phong Vạn Lý đáp:
-Sau đệ tử không hiểu vì lẽ gì hai bên đi đến chỗ động thủ. Trong thư phòng chưởng phong rít lên ầm ầm. Các anh em chưa được hiệu lệnh của sư phụ nên không dám tiến vào. Sau một lúc, từng mảnh tường vách bị rung động đổ xuống, bọn đệ tử mới nhìn thấy sư phụ cùng Ðinh Bất Tứ động thủ. Còn Ðinh Bất Nhị và Ðinh Bất Tam chỉ đứng tự thủ bàng quan. Chưởng phong hai người xô đẩy khiến cho bốn bức tường thư phòng đều bị chấn động rồi đổ ụp. Cuộc đấu kéo dài khá lâu.
Sau Ðinh Bất Tứ không địch nổi thần lực của sư phụ bị thua một chiêu, để sư phụ đánh trúng ngực hộc máu tươi ra.
Sử bà bà la lên một tiếng "ủa", vẻ mặt ra chiều tha thiết.
Phong Vạn Lý kể tiếp:
-Sư phụ vẫn chưa nguôi giận, lại phóng chưởng thứ hai đánh ra. Bây giờ Ðinh Bất Nhị mới ra tay ngăn lại nói:
-Ðã phân thắng bại rồi còn đánh làm gì mãi? Vụ này nào phải mối thù chẳng đội trời chung. Lão lại nâng đỡ Ðinh Bất Tứ rồi cả ba người ra khỏi thành Lăng Tiêu.
Sử bà bà gật đầu hỏi:
-Bọn họ đi rồi có trở lại nữa không?
Phong Vạn Lý đáp:
-Ba lão đó không trở lại nữa, nhưng từ đấy thần trí sư phụ trở nên thất thường. Suốt ngày người nổi lên những tràng cười ha hả, tự nói lảm nhảm một mình:
-Tên lão tặc Ðinh Bất Tứ là tên bại trướng dưới bàn tay ta. Hắn bị thua phen này đã chịu phục chưa? Hắn nói Tiểu Thúy theo hán đến núi Bích Loa .
Sử bà bà tức quá quát lên:
-Nói láo, làm gì có chuyện đó.
Phong Vạn Lý nói:
-Dạ, dạ!
Sư phụ cũng biểu:
-Tên lão tặc kia rõ ràng đã lừa gạt người ta. Tiểu Thúy đến động Bích Loa của hắn làm chi? Có điều... có điều đừng tin lời hắn nói xạo trong lúc nhất thời không quyết định chủ ý .
Sử bà bà vẻ mặt xám xanh, quát lên:
-Lão chó chết nói trăng nói cuội. Làm gì có chuyện không quyết định chủ ý?
Phong Vạn Lý chẳng hiểu ý câu nói của Sử bà bà ra sao, hắn chỉ theo hùa:
-Vâng, vâng !
Sử bà bà lại hỏi:
-Lão chó chết còn nói gì nữa không?
Phong Vạn Lý đáp:
-Phải chăng Sư nương hỏi sư phụ?
Sử bà bà đáp:
-Dĩ nhiên là lão.
Phong Vạn Lý đáp:
-Từ đó dường như trong lòng sư phụ ôm mối tâm sự nặng nề. Người thường biểu: Y có đến núi Bích Loa không? Nhất định là y không đi. Nhưng một mình y phiêu bạt giang hồ, những lúc hiu quạnh buồn hiu, y qua đó trông trời trông nước. Cái này thật khó nói lắm, thật khó nói lắm ! Sử bà bà lại tức giận quát mắng:
-Nói thúi quá.
Phong Vạn Lý quỳ xuống đất vẻ mặt ra chiều bẽn lẽn không dám nói gì nữa. Cả tiếng "dạ" hắn cũng không dám thốt ra. Vì nếu hắn dạ một tiêng tức là hắn thừa nhận sư phụ nói thúi.
Sử bà bà bảo hắn:
-Ngươi đứng dậy nói nốt đi. Rồi sau ra làm sao?
Phong Vạn Lý dập đầu một cái rồi nói:
-Ða tạ sư nương. Ðoạn hắn đứng lên kể tiếp:
-Qua hai ngày nữa, sư phụ đột nhiên lớn tiếng cả cười không ngớt, gặp ai người cũng hỏi: "khắp thiên hạ ai là người võ công cao nhất".
Ai nấy đều đáp: "Dĩ nhiên võ công của Chưởng môn phái Tuyết Sơn ta cao hơn hết".
Ai cũng nhận thấy thái độ sư phụ so với trước kia thực khác nhau xa.
Có lúc người lại hỏi: "Võ công của ta cao ở chỗ nào?".
Thì mọi người lại trả lời: "Thưa Chưởng môn ! Từ xưa tới nay, nội lực sư phụ đã độc đáo nhất thiên hạ, kiếm pháp lại càng thế gian vô địch".
Thực ra Chưởng Môn không cần phải dùng kiếm, chỉ tay cũng đủ đả bại hết thiên hạ, không ai địch nổi rồi. Sư phụ thấy bọn đệ tử trả lời như vậy thì chỉ nhăn mặt mà cười chứ không lên tiếng. Hiển nhiên người rất vừa lòng.
Không ngờ hôm ấy sư phụ ở trong viện gặp Lục sư đệ liền hỏi: "Võ công ta so với chưởng môn phái Thiếu Lâm là Phổ Pháp đại sư thì ai cao hơn ?".
Lục sư đệ trả lời thế nào bọn đệ tử đều không nghe rõ. Sau thấy đầu ốc gã bị sư phụ phóng chưởng đánh tan nát chết ngay lập tức .