Tiếu Ngạo Trung Hoa

Chương 22: Thiết tâm tiết phụ ma nan khuất - Trúc mã thanh mai khấp cố nhân

Chiều hai mươi lăm tháng chạp, bốn người về đến Cảnh Đức trấn.

Người mở cửa là Lộc nhi. Cô bé hét toáng lên và ôm lấy đại ca!

Nam Cung Giao bồng em lên, sải bước vào trong, bốn người kia rụt rè theo sau.

Nam Cung Bột và Trinh Tâm đang ngồi uống trà, trò chuyện, còn Tử Phượng và Sở Nhu vì mới sanh nên không ra được.

Nam Cung Giao quì xuống! Chưa kịp thỉnh an song thân thì đã thấy cha há hốc mệng mắt trợn tròn chỉ Sở Mai, mà nói lắp bắp :

- Giao nhi! Chẳng lẽ.. ngươi lại lôi cả con heo kia về.. làm dâu nhà này?

Nam Cung Giao định gật đầu để đùa giỡn, nhưng sợ cha già lăn ra chết tại chỗ, nên đành thôi!

Chàng lắc đầu lia lịa :

- Không phải đâu! Xin phụ thân cứ bình tâm! Sở Mai chỉ là tỳ nữ mà thôi.

Sở Mai mau mắn quì xuống lạy, nói bằng tiếng An Nam :

- Tiểu tỳ bái kiến nhị vị lão nhân.

Ngôn ngữ quê hương khiến Trinh Tâm rùng mình vì xúc động, bà bước đến đỡ Sở Mai lên, và bảo Lộc nhi đưa ả béo vào hậu sảnh!

Nam Cung Bột cười ha hả :

- Té ra lần này Giao nhi không đưa thêm vợ về, lúc nãy ngươi làm lão phu hết cả hồn!

Nam Cung Giao quì lạy và ba người kia cũng làm theo. Chàng thò tay ra phía sau, kéo Mộc Kính Thanh ngang với mình rồi vui vẻ nói :

- Bẩm song thân. Đây là Lâm Bảo Thoa con dâu thứ năm của họ Nam Cung.

Nam Cung Bột ngơ ngác dụi mắt, đang định chửi mắng con trai thì nghe bà vợ thông thái của mình lên tiếng :

- Thoa nhi hãy tháo mặt nạ ra để lão thân xem thử?

Mộc Kính Thanh nãy giờ chết điếng vì hổ thẹn và choáng váng trước đòn trời giáng của Nam Cung Giao, chẳng biết phải làm sao. Giờ nghe Trinh Tâm nhắc nhở, gã vội lột mặt nạ, dập đầu run giọng :

- Tức nữ bái kiến lão gia và Nải nương.

Trinh Tâm mỉm cười :

- Con tưởng Giao nhi ngu đến mức không nhận ra con là gái giả trai hay sao? Nó đã nói cho ta nghe từ lâu rồi!

Trịnh Mãng nhăn nhó lẩm bẩm :

- Mình đúng là con lừa mới tin vào chuyện gã bị vỡ ngọc hành nên mông vυ' nở ra!

Cả nhà phá lên cười nắc nẻ, trong lúc Lâm Bảo Thoa thẹn đến nỗi úp mặt xuống đất, chẳng dám ngẩng lên! Và nàng xém ngất xỉu khi nghe giọng trong trẻo, ngây thơ của cô bé Hà nhi :

- Đại ca! Ngũ đại tẩu đây là đàn bà mà sao có ngọc hành còn tiểu muội thì không?

Nam Cung Bột cười vui đến nỗi tuột khỏi ghế, lăn đùng xuông nền nhà!

Trinh Tâm ôm bụng bỏ chạy vào trong, úp mặt xuống gối mà cười cho thỏa thích.

Lâm Bảo Thoa trở lại làm nhi nữ, hết lòng bầu bạn với Tử Phượng và Sở Nhu.

Nàng là người tinh ranh, lém lỉnh, khéo bông đùa nên nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười!

Nam Cung Bột rất hài lòng với cô con dâu thứ năm vì hợp tính nết. Hai ả bụng to kia hiền như bụt, cười cũng chẳng dám cười lớn, thật là chán ngắt.

Mấy hôm sau, Bảo Thoa có dịp ngồi riêng với Nam Cung Giao liền dò hỏi :

- Tướng công nhận ra thϊếp cải trang từ lúc nào?

Nam Cung Giao cười khà khà :

- Sau khi vỗ mông nàng lần đầu tiên là ta đã sinh nghi, để ý rình rập, và khám phá ra ngay.

Bảo Thoa vừa thẹn vừa tức giận, đấm lên hồi vào ngực trượng phu.

Chàng liền kéo nàng vào lòng mà hôn hít mãi không thôi!

Bảo Thoa cố xô ra rồi nghiêm giọng :

- Tướng công! Thϊếp đã phát hiện cái bướu trên trán Sở Nhu là giả. Phải chăng ngay vị trí ấy có dấu vết gì cần phải che đậy?

Nam Cung Giao chẳng hề ngạc nhiên nhưng ánh mắt nặng trĩu ưu tư :

- Không phải là dấu vết mà là con mắt thứ ba! Sở Nhu đã cho ta và gia mẫu xem!

Bảo Thoa giật mình kinh hãi, lắp bắp nói :

- Té ra Sở Nhu chính là Thánh Nữ của Thiên Nhãn giáo đất Cách Nhĩ Mộc tỉnh Thanh Hải! Hơn hai chục năm nay, họ ráo riết truy tìm một bé gái có ba con mắt, người được chọn làm Giáo chủ đời sau của Thiên Nhãn giáo!

Nam Cung Giao gật đầu :

- Đúng vậy! Mẹ của Sở Như đã mang con chạy trốn về Trung Nguyên, đến bờ sông Gia Lăng trên đất Tứ Xuyên thì lâm trọng bệnh và qua đời. May thay, Xảo Xảo thư sinh Sở Nam Vu đi ngang qua, đem đứa bé gái quái dị kia về nuôi dưỡng.

Bảo Thoa ứa lệ than :

- Thật tội nghiệp cho Sở thư! Nếu ở lại Thanh Hải thì đến năm ba mươi tuổi cũng bị thiêu sống để tế thần!

Nam Cung Giao an ủi :

- Chỉ còn vài năm nữa là Sở Nhu qua tuổi tam thập, chẳng còn sợ ai truy bắt nữa.

Bảo Thoa chợt nhớ ra, ngập ngừng hỏi :

- Tướng công! Nếu lần sau Sở thư sanh con gái và cũng có dị tướng như nàng thì sao?

Nam Cung Giao phì cười :

- Dị tướng kia nào phải dễ có, trong mấy ngàn năm mới xuất hiện một lần. Đâu phải mẹ ba mắt là con cũng thế?

Tuy nói cứng vậy nhưng trong lòng chàng cũng không tự tin lắm.

Chàng không sợ Thiên Nhãn giáo mà chỉ sợ con gái mình sẽ ế chồng! Trừ chàng ra, liệu trên đời còn có ai dám lấy một người vợ quái dị đến thế hay không! Nếu mang bướu để che thì cũng chẳng khá hơn.

* * * * *

Hồi giữa tháng chạp, Sở Nhu đã hạ sanh một nam hài, hai mắt bình thường. Và trước đó nửa tháng, Tử Phượng cũng đã lâm bồn, cho ra một bé gái xinh đẹp kháu khỉnh.

Sau Tết Nguyên Đán, Nam Cung Giao cùng mẫu thân nghiên cứu Trường Hồng kiếm kinh, bổ khuyết cho Lạc Điểu kiếm pháp, nhưng cố không làm mất đặc tính riêng của nó.

Hai mẹ con bàn luận, cân nhắc, so sánh từng thế thức, tìm ra phương thức tối ưu.

Mặt khác, Nam Cung Giao tìm hiểu Câu Trần chân kinh của Hồ Ly song tiên. Chọn ra tám chiêu lợi hại dạy cho bọn họ Trịnh, họ Sở và các đao thủ Thế Thiên hội.

Sở Mai cũng tham gia vì chàng trai to béo họ Ngô.

Nam Cung Giao đã giữ lời hứa, se duyên cho họ.

Nam Cung Giao định ở nhà cho đến cuối tháng hai để an ủi hai bà vợ vừa vượt biển, và gần gũi con thơ.

Nhưng chỉ mới đầu tháng hai, thì dịch tốt đến trao thư hỏa tốc của Mã thượng thư.

Tin thứ nhất là việc Tổng Trấn Quân Vụ Tích Giang, tức Minh chủ võ lâm Vương Trung Hưng, đã bị gϊếŧ ngay trong đêm mùng sáu tháng giêng!

Hung thủ bịt kín mặt, kiếm thuật rất cao siêu, chỉ sau vài chiêu đã đâm thủng ngực Vương tổng trấn.

Thích khách phá vây thoát đi rất dễ dàng sau khi gϊếŧ ba mươi mấy quân sĩ triều đình.

Tin thứ hai là việc Lưu tổng bộ đầu đã phát hiện sào huyệt Tứ Hải hội ở núi Võ Di Sơn, phía Bắc huyện Tam Bình, thuộc tỉnh Phúc Kiến!

Dãy Võ Di Sơn là danh thắng nổi tiếng Trung Hoa, gồm ba mươi sáu đỉnh núi có rất nhiều hang động. Tứ Hải hội đã chiếm cứ ngọn Tùng Vân ở phía Đông.

Ngọn núi này thấp, nhỏ nhưng hiểm trở có rừng rậm bao quanh nên ít người lui tới! Quan quân Phúc Kiến gần ba ngàn người, đã vây chặt núi Tùng Vân, tiêu diệt được hầu hết bọn thủ hạ Tứ Hải hội, nhưng lại để sổng gã Hội chủ và hai lão già nữa. Cả ba kẻ ấy đều bịt khăn ngang mặt nên không thể xác định có phải là Ngọc Diện Thần Kiếm và Địa Thượng Song Lôi hay không?

Tổng cộng hơn năm trăm gã cường đạo Tứ Hải hội đã chết. Chẳng một ai sống sót để khai báo, vì những tên bị thương hay bị bắt đều cắn vỡ thuốc độc trong miệng mà tự sát!

Trong số những tang vật thu được có cả sơ đồ và vị trí phòng ốc trong Hành cung Nam Kinh, phủ Hình Bộ Thương Thư và doanh trại của Vương tổng trấn.

Như vậy, có thể suy ra rằng kẻ gϊếŧ Vương Trung Hưng chính là Trương Sĩ Hạo, và gã còn định hành thích cả Thất vương gia lẫn Mã thượng thư.

Do vậy, Mã Xuân Trác vô cùng lo ngại, yêu cầu chàng rể tài ba trở về Nam Kinh gấp.

Nam Cung Giao cấp tốc lên đường, chỉ đem theo Lâm Bảo Thoa và anh em họ Trịnh.

Chàng dùng Ngân bài Đô Sát viện, bắt các dịch trạm dọc đường thay ngựa tốt nên chỉ sau bốn hôm kiên trình đã đến Nam Kinh, vào chiều ngày mùng chín tháng hai.

* * * * *

Cố đô của nhà Minh giờ đây được canh gác cẩn mật, quân tuần tiễu qua lại nườm nượp trên đường phố.

Bọn khách giang hồ qua cửa thành bị xét hỏi gắt gao, và phải gởi vũ khí lại mới được vào.

Đám công sai kiểm tra từng quán trọ, bắt ngay những kẻ không có thẻ đinh.

Tối đến, mới đầu canh một là bốn cửa thành đã đóng chặt và chỉ mở ra lúc cuối canh năm!

Các cơ quan đầu não trong thành, nhất là Hành cung và dinh Hình Bộ được phòng vệ nghiêm mật, không khí nặng trĩu âu lo.

Sự xuất hiện của Nam Cung Giao đã đem lại sinh khí cho nhà họ Mã.

Chàng là chỗ dựa vững chắc, là dũng sĩ bất bại trước mọi khó khăn, với nụ cười luôn nở trên môi!

Lâm Bảo Thoa thẹn thùng ra mắt các trưởng bối và hai người chị chung thuyền là Hoàn Cơ và Vân Mi. Khi biết nàng chính là Mộc Kính Thanh, mọi người phá lên cười ngất!

Tiệc tẩy trần được dọn ngay, có cả Tiền phu nhân tham dự. Bà đã hồi phục hoàn toàn, nhìn con rể bằng ánh mắt yêu thương.

Không có Nam Cung Giao thì bà sẽ phải chết âm thầm, hay sống lê lết trong cảnh bại liệt và đau đớn vì sự tra khảo của kẻ thù.

Sáng hôm sau, Nam Cung Giao theo nhạc phụ sang Hành cung bái kiến Thất vương gia. Các đại thần cũng tề tựu đông đủ.

Chu Nghiêm cười ha hả :

- Thấy mặt Nam Cung hiền khanh là bổn Vương nhẹ cả người! Hãy mau ngồi xuống rồi trình bày diệu kế của mình!

Nam Cung gao vui vẻ đáp :

- Thảo dân chỉ là kẻ võ biền thô lỗ, binh pháp không biết một chữ, làm gì có kế mưu gì! Xin các vị đại nhân cứ dạy bảo, Giao này sẽ tận lực thi hành!

Các quan có vẻ hài lòng trước sự khiêm tốn của chàng.

Phạm tổng binh hắng giọng trình bày nội dung và qui mô của cuộc phòng thủ Nam Kinh.

Rồi đến Tổng bộ đầu Lưu Cát báo cáo sơ tình hình trị an.

Thất vương phi thấy Nam Cung Giao mỉm cười, liền cau mày phán :

- Sao Nam Cung hiền khanh lại cười?

Nam Cung Giao nhoẻn miệng cười tươi hơn, vòng tay nói :

- Khải bẩm Vương phi! Thảo dân đang thử tính xem nếu sau một năm nữa mà thích khách vẫn chưa xuất hiện thì bá quan và sĩ tốt thành Nam Kinh sẽ xực mất mấy ngàn cân thịt và mỡ? Không chừng chúng ta chỉ còn lại những bộ xương biết đi!

Mã Kim Khu phá lên cười hô hố :

- Không sao! Không sao! Phần lớn các quan Nam Kinh đều rất nặng cân, nếu ốm đi một chút cũng tốt thôi!

Thất vương gia tủm tỉm hỏi :

- Khanh nói cũng có lý, nhưng đâu còn cách nào khác? Hay là khanh đã có chủ ý hay hơn?

Nam Cung Giao gật đầu đáp :

- Theo thiển ý của thảo dân, ngay ngày mai chúng ta sẽ khôi phục sự sinh hoạt trong thành như không hề có chuyện gì. Rút hết cấm quân, công sai về, cho mặc thường phục, làm công việc trinh sát là chính! Bẫy có mở thì ác thú mới dám vào!

Lưu tổng bộ đầu băn khoăn :

- Nhưng nếu không phòng vệ nghiêm mật thì hung thủ sẽ vào được thành, và với bản lãnh cao siêu ấy, cấm quân làm sao ngăn nổi? Vụ án Vương tổng trấn đã chứng minh điều này!

Các quan đều tán thành ý của họ Lưu!

Nam Cung Giao thản nhiên nhắp hớp trà rồi hỏi lại :

- Nếu Lưu đại nhân là hung thủ, khi vào trong thành Nam Kinh và phát hiện ra rằng có đến năm sáu vị Thất vương gia, hoặc Hình bộ Thượng thư ung dung đi lại thì liệu đại nhân có dám ra tay không?

Thất vương phi tỏ ra thông minh hơn hết, sảng khoái vỗ đùi, giơ ngón cái khen liền :

- Hảo diệu kế! Nam Cung hiền khanh quả có tài thần cơ diệu toán!

Chu Nghiêm và các quan giờ mới hiểu ra, hết lới tán dương Nam Cung Giao!

Lưu Cát đứng lên vòng tay vái :

- Cảm tạ công tử đã cất hộ gánh nặng trong lòng lão phu nửa tháng nay, Lưu mỗ thức trắng vì lòng lo ngay ngáy!

Hôm sau, cáo thị dán đầy cửa thành và chợ búa, thông báo sự việc khôi phục giờ mở cửa thành như cũ, trấn an bách tính cứ yên chí làm ăn.

Quân tuần tra, hoặc xét hỏi ở cửa thành cũng biến mất. Nhưng thay vào đó mỗi quán trọ, tửu điếm, đổ trường, nhà thổ đều có thám tử túc trực.

Công việc này rất nhàn hạ nên ai cũng xung phong làm! Hạnh phúc nhất là được trà trộn vào kỹ viện, vừa trọn việc công, vừa sướиɠ thân còm mà không mất xu nào!

Người vô tâm thì không thấy, song kẻ hữu ý sẽ nhận ra quái sự, là trong thành giờ đây có đến sáu Thất vương gia, bốn Hình bộ Thượng thư, nghi vệ giống nhau, xuất hiện khắp nơi!

Lưu tổng bộ đầu đã ngủ yên giấc để ban ngày điều động guồng máy trinh sát. Nhờ không phải lo lắng cho an nguy của Thất vương gia, nên họ Lưu đủ minh mẫn và sức lực để hành sự, cuối cùng đã có kết quả.

Tối mười sáu tháng hai, Lưu Cát đến phủ Hình Bộ, hồ hởi báo cáo :

- Bẩm đại nhân, các thám tử đã phát hiện có người đi vào tháp Đại Báo Ân tự, và không thấy trở ra. Tuy mặt đối phương bị nón che, khó nhận dạng, nhưng dáng vóc thì rất giống Trương Sĩ Hạo. Ty chức đã cho hơn trăm công sai vây chặt ngôi chùa ấy rồi!

* * * * *

Tháp Đại Báo Ân tự là một trong những ngọn tháp đẹp nhất Trung Hoa, mới được xây dựng xong vào năm Tuyên Đức thứ sáu, đời vua Minh Tuyên Tông.

Tháp này cao độ mười trượng, gồm chín tầng, năm mặt đều có kính pha lê, treo một trăm hai mươi quả chuông đồng đủ loại. Trong tháp còn có tượng Phật Như Lai rất lớn.

Mã thượng thư mừng rỡ, ra lệnh cho Phạm tổng binh điều ngay ngàn quân đến chùa Đại báo ân.

Các cao thủ võ lâm như Nam Cung Giao, Bảo Thoa, Cẩn Nhục Đầu Đà, Hoàn Cơ, Cuồng Vũ Đao, anh em họ Trịnh và bảy lão già họ Mộc cũng đi theo quan Thượng thư, quyết diệt trừ tai họa cho Nam Kinh.

Quan quân lặng lẽ xiết chặt vòng vây, ẩn mình dưới rặng cây. Cách tường chùa Đại Báo Ân năm sáu trượng, chờ lệnh mới hành động.

Nam Cung Giao và anh em họ Trịnh vào trước để do thám. Họ phải biết chắc đối phương là ai, để khỏi làm trò cười cho thiên hạ.

Ba người chia nhau vượt tường ở ba hướng Bắc, Tây, Đông vì hướng Nam là cổng Tam Quan, không có tăng xá.

Trăng mười sáu vằng vặc đằng Đông, soi rọi dáng vóc uy nghi, diễm lệ của tòa tháp, được những cánh cửa pha lê của chín tầng tháp phản chiếu, lấp loáng như dát bạc.

Trong chùa có đến hơn trăm tăng lữ, sư trụ trì là Thanh Hoa đại sư, theo phái Thiên Thai Tông, giống như Phổ Đà tự vậy!

Phật Giáo Trung Hoa có tám tông phái chính, đều thuộc hệ Đại Thừa gồm: Tam Luận Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Pháp Tướng Tông, Luật Tông, Tĩnh Thổ Tông, Mật Tông và Thiền Tông.

Thiên Thai Tông do hòa thượng Trí Khải đời Tùy lập ra. Cuối đời, ngài sống trên núi Thiên Thai, Chiết Giang, viết sách hoàn thiện học thuyết của mình. Do vậy ngài được gọi là : Thiên Thai đại sư.

Thiên Thai Tông dựa vào kinh Pháp Hoa nên còn tên là Pháp Hoa tông, phát triển rất rộng rãi, được truyền bá sang cả những nước phía Đông như Nhật Bản, Triều Tiên.

Còn Thiền Tông xuất xứ từ ngài Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư Thiếu Lâm tự.

Nghĩa là, chùa Đại Báo Ân chẳng dính dáng gì đến chùa Thiếu Lâm cả!

Ngọc Diện Thần Kiếm Trương Sĩ Hạo không biết gã Sư Điên Vô Dụng là Nam Cung Giao, vì cũng chẳng ngờ chàng đã khám phá ra vai trò Hội chủ Tứ Hải hội của mình, nên mới đến tá túc ở chùa đại Báo Ân này!

Chính Nam Cung Giao đã nhắc nhở Lưu tổng bộ đầu giám sát các chùa chiền trong thành Nam Kinh, nên đã phát hiện ra kẻ khả nghi!

Trống sang canh ba đã điểm mà tăng xá của phương trượng Thanh Hoa vẫn còn sáng đèn, trong khi các phòng khác đều tối tăm.

Nam Cung Giao lẻn đến cửa sổ phía sau, ghé mắt nhìn qua khe, nhận ra Trương Sĩ Hạo đang uống trà, đàm đạo với một lão hòa thượng râu bạc, pháp tướng trang nghiêm, có lẽ là Thanh Hoa đại sư.

Trịnh Tháo không tìm được gì nên lần đến với chàng.

Nam Cung Giao hạ giọng dặn dò gã, và họ Trịnh ra ngoài, thông báo cho Mã thượng thư và Lưu tổng bộ đầu biết.

Trịnh Tháo trở lại ngay, và lát sau, ngoài cổng chùa có tiếng người.

Lưu Cát và mười gã công sai cầm đuốc đến gọi cửa rất lớn :

- Bổn chức là Lưu Cát, Tổng bộ đầu Nam Kinh có việc muốn bái kiến Phương trượng!

Trong đêm thanh vắng, giọng của lão rõ mồn một, vọng vào đến tận phòng của Thanh Hoa đại sư.

Nam Cung Giao nhận ra Sĩ Hạo vẫn bình thản, lòng rất khâm phục.

Thanh Hoa đại sư chắc không biết gì về lai lịch cũng như mục đích của Sĩ Hạo nên hiền hòa bảo gã :

- Trương sư điệt cứ ngồi lại đây dùng trà, lão nạp ra xem có việc gì? Lưu thí chủ cũng là chỗ quen biết. Chắc sẽ bỏ qua việc ngươi đến bổn tự mà không khai báo! Gần đây, trong thành truy bắt đạo tặc nến mới có những cuộc kiểm tra đột ngột thế này!

Sĩ Hạo mỉm cười :

- Sư thúc cứ bảo họ rằng có cháu của Đông Hải thần tăng đến làm khách vài hôm!

Thanh Hoa đại sư gật đầu, bước ra ngoài.

Lúc này, cổng chùa đã được một tiểu tăng mở ra, và bọn Lưu Cát đã vào đến sân gạch phía trước bảo tháp.

Lưu Cát vái thật sâu, nói với Thanh Hoa :

- Mong Thần tăng lượng thứ cho! Ty chức vì công vụ nên phải mạo muội đến quấy nhiễu đất Phật! Nghe nói quý tự có tiếp một vị khách lạ?

Thanh Hoa đại sư thật thà đáp :

- A Di Đà Phật! Quả đúng là có. Người khách ấy là sư điệt của lão nạp. Tên gọi Trương Sĩ Hạo, ở chùa Phổ Đà đến thăm. Y có lai lịch rất tốt vì là cháu ruột của Đông Hải thần tăng.

Lưu Cát vui vẻ nói :

- Nếu thế thì không sao! Nhưng để cho đúng thủ tục, phiền Thần tăng mời Trương thiếu hiệp ra cho ty chức diện kiến. Từ lâu, ty chức vẫn ngưỡng mộ uy danh của Ngọc Diện Thần Kiếm.

Thanh Hoa đại sư gật đầu, bảo gã tiểu tăng đứng sau lưng :

- Con mau vào phòng ta, mời Trương thí chủ ra đây!

Tiểu tăng rảo bước đi ngay.

Nam Cung Giao và anh em họ Trịnh vì rình sau phòng Phương trượng, chứng kiến cảnh nhà sư trẻ bước vào.

Sĩ Hạo nghe nói mình được mời ra, cau mày hỏi :

- Toán công sai có đông không?

Tiểu Tăng không hiểu ý, nhưng vẫn đáp :

- Bẩm thí chủ!! Chỉ độ mười người!

Trương Sĩ Hạo suy nghĩ một lúc, đứng lên đi ra. Hông gã lủng lắng thanh trường kiếm thiết thân.

Là kiếm sĩ thượng thừa. Họ Trương yêu kiếm đến nỗi đi ngủ cũng chẳng rời!

Lúc này, Nam Cung Giao mới nhận ra bàn tay tả của gã mang một bao da đen bóng, đầy đủ năm ngón.

Song các ngón và cả bàn tay có vẻ dầy, lớn hơn bình thường.

Trịnh Tháo cũng thấy thế, thì thầm vào tai chàng :

- Công tử nên lưu ý! Thuộc hạ cho rằng gã họ Trương kia đã tháp thêm những ngón tay thép vào chỗ bị cụt!

Nam Cung Gian gật đầu, kéo hai thủ hạ phi thân lên nóc tăng xá, chuyền sang sân trước, bám theo sau Trương Sĩ Hạo.

Họ Trương không hề hay biết, vẫn ung dung nện gót, chậm rãi tiến vế phía sân gạch rộng rãi trước mặt tòa bảo thấp. Gã có dáng đi rất đẹp, độ dài mỗi bước chân đều như nhau chẳng hề sai lệch dù chỉ một ly!

Lúc Trương Sĩ Hạo còn cách hai trượng, Lưu Cát bỗng quát vang!

- Tiến vào!

Thế là từ ngoài, bọn công sai ùa qua cổng, nhảy qua tường, vây lấy con mồi.

Và rồi ngoài kia hàng ngàn ngọn đuốc được đốt lên sáng rực, át cả ánh trăng.

Có hơn trăm quân sĩ cầm giáo và đuốc chạy vào, tạo thành vòng vây thứ hai.

Thanh Hoa đại sư kinh hãi hỏi :

- Lưu thí thủ! Thế này là thế nào?

Lưu Cát cười nhạt :

- Trương Sĩ Hạo chính là Hội chủ Tứ Hải hội, trọng phạm số một đang bị triều đình truy nã! Đại sư đừng đến gần gã mà mang họa!

Họ Trương ngửa cổ cười khanh khách :

- Các ngươi lấy bằng cớ đâu mà dám vu oan giá họa cho ta?

Lưu Cát cao giọng :

- Trong số tang vật tịch thu được ở Võ Di sơn, có đầy đủ y phục và bút tích của ngươi! Phường may Xảo Tú Châu ở Hàng Châu xác nhận đã may thêu số quần áo đó cho ngươi! Còn bút tích thì chẳng sai với nét chữ của bài thơ mà ngươi đã viết trên vách Hoàng Hạc lâu!

Sĩ Hạo cau mày :

- Nhưng sao lão lại dám khẳng định ta có lưu một bài thơ trên lầu Hoàng Hạc?

Lưu Cát cười khẩy :

- Tên chữ của ngươi là Mạnh Đức, ý học theo thói gian hùng của Tào Tháo. Do vậy, dưới bài thơ ấy thự danh Trương Mạnh Đức! Xui xẻo cho ngươi là có người biết được bí mật này!

Trương Sĩ Hạo không ngờ mình chỉ sơ suất một chút mà sự nghiệp tan tành. Nhưng còn nước còn tát, gã sẽ thoát khỏi nơi này trước đã rồi sẽ tính sau. Gã còn trẻ, lo gì không dựng lại được cơ đồ?

Họ Trương lạnh lùng nói :

- Phế ngôn! Ai bảo lão rằng tên chữ của ta là Mạnh Đức?

Từ ngoài vọng vào tiếng thánh thót và trong trẻo :

- Ta nói đấy!

Vòng vây phía ấy dãn ra, nhường chỗ cho một lão tướng giáp trụ oai phong và ba nàng hiệp nữ sắc nước hương trời!

Sĩ Hạo nhận ra một trong ba nữ nhân ấy, choáng váng thét lên :

- Lâm hiền muội!

Bảo Thoa cười nhạt :

- Ta đã nói thì chắc các hạ không thể chối được rồi!

Sĩ Hạo quắc mắt :

- Năm xưa, lệnh tôn đã hứa với ta rằng suốt đời sẽ bắt nàng mang bộ mặt xấu xí, cho đến lúc tìm được người chồng có bản lãnh cao hơn ta! Nay vì sao nàng lại dám vi phạm điều ước ấy?

Bảo Thoa tủm tỉm hỏi lại :

- Thế bốn ngón tay của Trương các hạ là do bị kẻ nào chặt vậy?

Sĩ Hạo hổ thẹn quát :

- Nói láo! Ta không tin gã sư điên ấy là chồng của nàng!

Nhưng từ trong đám quân vây sau lưng gã có tiếng cười khanh khách, và rồi vang lên giọng ồm ồm :

- Sao lại không phải! Bộ ngươi tưởng rằng Sa Di Vô Dụng ta không lấy được vợ đẹp hay sao? Chẳng những là Bảo Thoa mà cả hai ả tiên nữ kia nữa đấy!

Sĩ Hạo kinh hãi quay lại, thấy một chàng trai áo lam sậm, dáng vóc lớn như Vô Dụng, tay cầm thanh kiếm dài quá khổ!

Họ Trương đã ngờ ngợ hiểu ra, cay đắng nói :

- Phải chăng ngươi là Nam Cung Giao, kẻ mới nổi tiếng mấy năm nay?

Nam Cung Giao gật gù :

- Đúng thế! Để ngươi khỏi phải chối cãi mà thêm nhục chí trượng phu, ta bảo cho biết rằng chính Địa Thượng Song Lôi đã vô tình tiết lộ lai lịch Tứ Hải hội chủ của người đấy!

Trương Sĩ Hạo giận run, song cố trấn tĩnh tìm cách bảo toàn sinh mạng.

Gã tự nhủ rằng, với bàn tay tả bọc thép, may ra sẽ bất ngờ đả bại và khống chế được Nam Cung Giao, dùng làm mộc thoát thân. Thắng trận đấu năm ngoái, họ Trương biết rõ công lực đối phương kém xa mình, chỉ thắng nhờ bộ pháp ảo diệu.

Sĩ Hạo ngạo nghễ nói :

- Chuyện Tứ Hải hội ta chẳng chối làm gì, nhưng nếu ngươi có dám cùng ta tái đấu hay không? Ngày ấy, ngươi dùng quỷ kế nên ngươi mới chiếm được thượng phong, chứ thực ra bản lãnh còn kém ta vài bậc!

Nam Cung Giao nghiêm giọng :

- Ta vốn luyến tiếc cho một kẻ tài hoa xuất chúng, nhưng ngươi lại nhẫn tâm gϊếŧ hại cả cột trụ của giang sơn là Tổng Trấn Quân Vụ Vương Trung Hưng. Vì vậy, đêm nay ta quyết lấy đầu của ngươi đấy.

Nói xong, chàng rút kiếm, lướt đến tấn công ngay.

Sau hơn tháng cùng mẫu thân hợp lực nghiên cứu Trường Hồng kiếm kinh, kiếm pháp của Nam Cung Giao đã tinh thục hơn trước bội phần.

Hai mẹ con đều thông minh hơn người, dung hòa cả hai pho Trường Hồng, Lạc Điểu làm một, mỗi chiêu đều giữ nguyên hình thức, kiếm ý, song hoàn mỹ hơn trước.

Giờ đây, Nam Cung Giao thi triển chiêu Bách Điểu Tranh Thanh trong Lạc Điểu kiếm pháp, kiếm kình rít gió tựa ngàn tiếng chim, và kiếm ảnh lấp loáng dưới ánh trăng, thập thò những mống cầu vồng sáng bạc.

Trương Sĩ Hạo cũng dồn toàn lực vào chiêu Bạch Liên Toàn Tiếu, y phục trắng muốt hòa với kiếm thành đóa sen nở rộng, đổi đòn với đối thủ.

Đà tiến của chiêu Ngự Kiếm này rất mãnh liệt, nếu Nam Cung Giao dùng Hư Ảnh Thần bộ mà né tránh, thì gã đã lướt xa, thoát khỏi chiêu thứ hai của chàng.

Nhưng lần này Nam Cung Giao ngang nhiên chống cự. Tiếng thép chạm nhau gay gắt, và Sĩ Hạo rú lên đau đớn vì chót mũi và gò má phải bị hớt đứt!

Nếu không có bàn tay tả bọc thép che chắn tâm thất thì ngực gã cũng thủng rồi!

Sau chiêu đầu, họ Trương đã nhận ra công lực đối phương còn cao hơn mình, lòng vô cùng khϊếp sợ. Nhưng dung mạo bị tàn phá, gã không còn thiết sống nữa, điên cuồng xông vào đổi mạng.

Gã yêu quí, say mê vẻ anh tuấn thần thánh của mình, nên giờ đây hoàn toàn sụp đổ.

Dũng khí của kẻ liều mạng thật đáng sợ, nhất là khi kẻ ấy là một kiếm thủ thượng thừa như Sĩ Hạo!

Gã bất cần thân thể, công nhiều hơn thủ, khí thế cực kỳ hung hãn và ác liệt.

Nhưng giờ dây, bản lãnh Nam Cung Giao đã cao hơn đối phương đến vài bậc, cả về công lực lẫn kiếm thuật.

Chàng ung dung giải phá những chiêu kiếm vũ bão của họ Trương, mỗi lần phản kích đều lưu lại vết thương trên người Sĩ Hạo.

Đối phương dùng bàn tay thép bảo vệ mặt cổ, ngực, bụng rất chắc chắn nên khó thọ trọng thương. Những thương tích ở cánh tay và đùi thường không đáng kể.

Nhưng vấn đề ở chỗ là máu chảy ra rất nhiều và mang theo sức lực.

Sĩ Hạo tấn liền hơn trăm chiêu mà không chạm được đến khéo áo đối thủ, ngược lại còn bị trúng đến tám chiêu kiếm, lòng vô cùng chán nản!

Trong hoàn cảnh tuyệt vọng này, họ Trương chẳng cam tâm chịu chết, bất ngờ bỏ cuộc, lao ngược về phía Lưu Cát và Thanh Hoa đại sư

Trụ trì chùa Đại Báo Ân đạo hạnh cao thâm, kinh kệ làu thông, nhưng chỉ biết có vài đường quyền dưỡng sinh.

Còn bản lãnh của Lưu Cát thì cũng khá, song không thể đỡ nổi chiêu kiếm quyết tử của họ Trương.

Lưu tổng bộ đầu vội cử đao, hợp lực cùng bốn gã công sai đứng bên, xông ra chặn đường Sĩ Hạo, bảo vệ Thanh Hoa đại sư.

Nếu để Sĩ Hạo kê kiếm vào cổ Thanh Hoa, bắt làm con tin thì nguy to!

Nhưng Lưu Cát lại quên rằng mình cũng là một con tin rất đáng giá.

Năm thanh đao vừa chạm vào luồng kiếm quang dầy đặc quanh người họ Trương, lập tức bị dạt ra, và Sĩ Hạo xấn tới đưa tay tả khóa chặt lưỡi đao của Lưu tổng bộ đầu, thọc mũi kiếm vào ngực lão

Lưu Cát rụng rời chân tay trước diễn biến bất ngờ này, và mọi người cũng vậy.

Nhưng chưa ai kịp hô hoán hay than trời thì Sĩ Hạo bỗng lảo đảo, quỵ xuống vì trên lưng cắm sâu một thanh trường kiếm!

Gã nhanh, song Nam Cung Giao còn nhanh hơn. Chàng đã kịp thi triển thủ pháp Xuyên Vân Phi Kiếm trong Lạc Điểu kiếm pháp, phóng kiếm vào lưng Sĩ Hạo, từ khoảng cách hơn hai trượng.

Với tu vi năm chục năm chân khí, thanh Lạc Điểu kiếm hóa thành mũi tên thép, và có tốc độ nhanh hơn trường tiễn rời dây cung!

Tiếng reo hò mừng rỡ của quan quân làm chấn động cả một góc trời, khiến lê thứ gần đây phải thức giấc!

Nam Cung Giao bước đến thu hồi vũ khí.

Lưu Cát vòng tay vái dài :

- Ơn cứu mạng suốt đời Lưu mỗ chẳng dám quên!

Lão không biết rằng Sĩ Hạo chỉ muốn bắt sống mình!

Nam Cung Giao cũng không biết nên cười xòa :

- Chúng ta là người nhà cả, hà tất Lưu đại nhân lại phải nói những lời ân nghĩa.

Lâm Bảo Thoa với Sĩ Hạo là bạn thanh mai trút mã, quen biết nhau từ thuở ấu thơ. Khi lớn lên, do cá tính khác nhau nên nàng đã từ chối Iấy họ Trương. Bảo Thoa còn căm hận gã vì việc bắt nàng phải suốt đời hóa trang xấu xí. Nhưng nay, nàng đã tìm được hạnh phúc, lửa giận cũng nguội đi.

Thấy gã chết thảm, Bảo Thoa vì những kỷ niệm xưa mà rất thương tâm.

Nàng đến quì bên xác Trương Sĩ Hạo khóc ròng.

Nam Cung Giao hiểu rõ tâm sự ái thê, để mặc nàng khóc cho thỏa, không hề ngăn cản.

Mọi người cũng đứng yên, tôn trọng nỗi khổ đau của Bảo Thoa.

Lát sau, gã phổi bò Trịnh Mãng chịu hết nổi, hoặc nóng mũi giùm chủ nhân, liền nói oang oang :

- Xin phu nhân đừng khóc nữa, kẻo người ngoài hiểu lầm rằng ngày xưa phu nhân và Trương Sĩ Hạo tình nghĩa mặn nồng, từng thề non hẹn biển!

Trịnh Tháo giáng thêm một đòn :

- Chắc là Lâm phu nhân đang nhớ đến kỷ niệm tắm trăng trên bờ biển!

Bảo Thoa thẹn chín người và nổi lôi đình, đứng phắt lên, lao về phía anh em họ Trịnh.

Hai gã đã khôn hồn co giò bỏ chạy và cười hô hố. Hoạt cảnh này đã khiến mọi người cười theo.

* * * * *

Ba hôm sau, một chiến thuyền chở quan tài của Trương Sĩ Hạo về Chiết Giang.

Thanh Hoa đại sư và hai chục tăng lữ chùa Đại Báo Ân đi theo phụ trách việc này.

Chiếu vương pháp triều Minh thì đầu của Sĩ Hạo phải được treo giữa chợ để làm gương. Nhưng vì nể mặt Phổ Đà tự nên Thất vương gia đã cho họ Trương được toàn thây trở về cố thổ là đảo Chu Sơn.

Đồng thời tấu chương cũng được gởi ngay về Bắc Kinh, báo cáo việc tiêu diệt hoàn toàn Tứ Hải hội!!

Trọng án văn kèm theo có cả lời chứng của Thanh Hoa đại sư và một số tăng lữ chùa Đại Báo Ân. Họ đã tận tai nghe Trương Sĩ Hạo thú nhận mình là Hội chủ.

Mã thượng thư đã tính toán rất kỹ nên mới cho đưa xác Trương sĩ Hạo về đảo Chu Sơn bằng đường sông và biển.

Thuyền tang xuôi dòng Trường Giang, ra đến Đông Hải, rẽ phải, dọc theo bờ biển để về Chu Sơn. Thời gian của hành trình này mất gần tháng.

Tại sao họ Mã lại làm như thế?

Vì lão lo cho rể quí của mình!

Mã thượng thư biết Nam Cung Giao phải thay mặt Thiếu Lâm tự phó ước với Đông Hải thần tăng. Nếu lão sư già lợi hại kia biết Nam Cung Giao là nhà sư điên Vô Dụng, và đã gϊếŧ Sĩ Hạo, thì chắc chắn lão sẽ chẳng nương tay!

Thuyền đang đi đường thủy, Thần tăng đi đường bộ, chẳng thể gặp nhau được!

Nhưng người tính không bằng trời tính, ngay chiều hai mươi, Lưu Cát đến tìm Nam Cung Giao, rủ chàng sang nhà uống rượu.

Trong bữa tiệc, vẻ gượng gạo của lão không qua được mắt Nam Cung Giao.

Chàng cười hỏi :

- Phải chăng Lưu đại nhân có tâm sự khó nói ra?

Lưu Cát rầu rĩ đáp :

- Đúng thế! Lão phu mới được nghe bọn thám tử báo rằng đã tìm thấy dấu vết của Địa Thượng Song Lôi, ở một quán trọ ngoài cửa Đông Thành.

Họ đã rời nơi ấy hai ngày sau trận Đại Báo Ân tự. Như vậy, chắc chắn Đông Hải thần tăng sẽ biết công tử là nhà sư Vô Dụng và đã gϊếŧ Sĩ Hạo vì con trai của lão chủ quán trọ ấy làm đầu bếp trong chùa, về kể lại cho Song Lôi nghe không sót một chi tiết!

Nam Cung Giao hỏi lại :

- Chẳng hay Lưu đại nhân đã báo việc này cho gia nhạc phụ nghe chưa?

Lưu Cát lắc đầu :

- Chưa! Lão phu muốn công tử tự quyết định rằng có đi Thiếu Lâm tự hay không?

Nam Cung Giao mỉm cười :

- Đại nhân sợ tại hạ vì thể diện với bên vợ, liều mạng đi phó hội chứ gì?

Giao tôi chỉ thuận lương tâm mà hành động, ai chê cười cũng mặc! Có điều lần này không đi không được! Nhưng mong Lưu đại nhân giữ kín việc phát hiện Địa Thượng Song Lôi, để mọi người khỏi lo lắng vô ích!

Lưu Cát cười khổ :

- Lão phu biết ngay công tử chẳng hề chùn bước? Nhưng việc tử sinh xin hãy suy nghĩ cho kỹ!

Sự quan hoài, lo lắng của lão khiến Nam Cung Giao cảm động, buột miệng trấn an :

- Lưu lão ca cứ yên tâm, tiểu đệ đánh không lại thì bỏ chạy, nấp vào sau lưng các nhà sư Thiếu Lâm! Chẳng lẽ họ lại để tiểu đệ chết?

Lưu Cát gật đầu lia lịa và run giọng :

- Công tử đã lỡ gọi lão phu là anh sao không biến việc ấy thành sự thực?

Nam Cung Giao vòng tay đáp :

- Nếu lão ca không chê thì tiểu đệ xin mạn phép với cao vậy.

Lưu Cát hoan hỉ phi thường, cười ha hả, sai gia nhân sắp nhang đèn ngoài vườn, cùng Nam Cung Giao kết nghĩa anh em.

Lão gọi cả thê tử ra giới thiệu với chàng.

Sau đó, hai người thù tạc đến tận lúc Mã thượng thư cho lính đi tìm.

Sau này, Nam Cung Giao mới hiểu hết tầm quan trọng của việc kết nghĩa đệ huynh với Lưu Cát.

Giờ đây, chàng chỉ vì lòng yêu mến của đối phương, thuận duyên mà nhận lời chứ chẳng hề tính toán gì cả.

Tuy Lưu tổng bộ đầu chỉ thuộc hàng quan lại Tam Phẩm, nhưng do chức trách, lão có quyền hạn rất lớn.

Trong khi hành sự, Lưu Cát trực tiếp tra án, tùy ý đổi trắng thay đen, sau mới trình lên Bộ Hình. Họ Lưu thu được rất nhiều tang vật quí giá, giữ làm của riêng mà thượng cấp không hề hay biết. Có nghĩa là lão rất giàu, dù bề ngoài thanh bạch!

Hai là, Lưu Cát quen biết, hoặc nắm gáy hầu hết những tay đạo chích, đạo tặc ở các phủ phía Nam Trường Giang.

Chính bọn này là tai mắt và tay sai của Lưu Cát. Nhờ vậy, họ Lưu phá án rất nhanh chóng!

Về một phương diện nào đó, Lưu Cát cũng là thủ lãnh của giới Hắc đạo, dưới trướng có cả ngàn thủ hạ, chưa kể đến lực lượng công sai đông đảo và trung thành.

Trong tương lai, Lưu Cát đóng vai trò rất lớn trong cuộc đời Nam Cung Giao. Nhưng đó là chuyện về sau, giờ chúng ta quay lại phủ Thượng thư họ Mã.

Nam Cung Giao vẫn thản nhiên cười nói, luyện võ qua loa, chủ yếu vui đùa với ba cô vợ đẹp.

Cách sử sự này khiến mọi người rất an tâm, không xem trọng cuộc so tài với Đông Hải thần tăng, trên núi Thiếu Thất vào ngày rằm tháng ba tới.

Tối hai mươi bốn là tiệc tống hành, sáng hai mươi lăm thì Nam Cung Giao lên đường. Chàng chỉ đem theo có anh em họ Trịnh và từ chối sự tháp tùng của các mỹ nhân!

Gió xuân l*иg lộng thổi ba vạt áo choàng của kẻ dấn thân vào hiểm địa, không chắc sẽ trở về. Nhưng chẳng ai ngờ đến mà nhỏ giòng lệ biệt ly!

Phía trước Nam Cung Giao còn không ít kẻ thù lợi hại: Đông Hải, Long Giác, Hồ bang, Tùy Hải chân nhân, và có thể là cả Thiên Nhãn giáo nữa.