Giang Nam tháng hai, gió dịu nắng ấm, núi như bích ngọc, suối như lụa trắng, bát ngát một màu xanh thắm.
Bình minh, mặt trời từ từ ló dạng ở phương đông, phát ra hàng vạn tia sáng vàng phủ trùm khắp mặt đất.
Thốt nhiên, một tiếng huýt dài vang lên cao vυ't tận trời xanh, phát ra từ trên đỉnh Ma Thiên phong Đới Vân sơn, rồi thì một bóng xanh xuất hiện trên Ma Thiên phong, phóng đi xuống núi nhanh như tia chớp, thoáng chốc đã đến lưng núi, bóng xanh cũng to lớn dần, thì ra là một con người.
Điều lạ lùng là người này từ trên đỉnh núi cao ngút mây phóng xuống mà không hề dừng lại nghỉ chân, lúc này tuy còn cách chân núi không xa, nhưng y vẫn phóng đi nhanh đến mức không sao nhìn rõ được mặt mũi.
Phía trước là một khu rừng, chỉ nhìn thấy bóng xanh loáng cái đã mất dạng, Ma Thiên phong lại trở về với sự tĩnh lặng, không một bóng người.
Ánh nắng dần từ vàng trở nên trắng, mặt đất cũng theo đó đổi thay.
Dưới chân Ma Thiên phong, dưới tán một ngọn cổ tùng cao to rậm rạp có một thiếu niên áo xanh tuổi chừng mười tám, mười chín, mắt phụng mày kiếm, mặt trắng như ngọc, anh tuấn tuyệt luân.
Mỹ thiếu niên đứng dưới ngọn cổ tùng, ngước nhìn lên trên đỉnh Ma Thiên phong đầy mây trắng, mặt lộ vẻ hết sức quyến luyến.
Bỗng, chàng từ bên lưng rút ra một ngọn tiêu dài lấp lánh ánh bạc, đưa lên miệng thổi, tiếng tiêu du dương đầy vẻ bịn rịn.
Bỗng chàng nhớ đến trọng nhiệm sắp tới, tiếng tiêu cũng liền biến đổi, trở nên như muôn ngàn tiếng rền vang, ngập đầy vẻ sát phạt.
Ánh nắng nóng dần, sương đọng trên lá cây rơi xuống, trúng vào mặt thiếu niên, khiến chàng giật mình quay về thực tại, liền ngưng thổi tấu, giắt tiêu bạc vào bên lưng nhắm mắt buông tiếng thở dài.
Hồi lâu, chàng lại cất tiếng huýt dài, vẻ mặt trở nên cương quyết kiên cường, quay người cất bước bỏ đi.
Mỹ thiếu niên vừa ra khỏi vùng núi Đới Vân, liền theo quan đạo tiến bước, bước trông như rất chậm, nhưng thật ra nhanh khôn tả, dường như mục đích đến là Đại Điền.
Nhân lúc mỹ thiếu niên trên đường đến Đại Điền, tác giả xin giới thiệu lai lịch và thân thế của chàng, kẻo độc giả thắc mắc.
Võ lâm hiện nay có rất nhiều nhân tài, hồi ba bốn mươi năm trước đã có hai câu thất ngôn tuyệt cú xưng tụng mười bốn vị kỳ nhân hai giới hắc bạch, nhưng hầu hết đều đã quy ẩn, không màng đến chuyện giang hồ nữa, do đó trên giang hồ đã xuất hiện sát kiếp, vì giới hiệp nghĩa khó tìm truyền nhân, nhiều tuyệt học đã bị mai một, nên tuyệt kỹ võ lâm ngày một suy kém, thật là một điều đáng buồn cho giới bạch đạo.
Càng đáng buồn hơn nữa là bọn ác đồ trên giang hồ đã lợi dụng thời gian này ngang nhiên gϊếŧ người phóng hỏa, cướp bóc hoành hành, gió tanh mưa máu lan tràn khắp mọi nơi.
Đến lúc ấy giới hiệp nghĩa mới bắt đầu lo sợ cảnh giác, nhiều người lui ẩn vội tìm kiếm nhân tài, mở cửa thu nhận đồ đệ hầu ứng phó với trận đại kiếp sắp tới.
Mỹ thiếu niên này chính là đệ tử của Tùng Vân đạo nhân, một trong Nhị kỳ trong “Nhất Thánh Nhị Kỳ Tứ Hiệp, Ác Ma Tam Hung Độc Âm Bà” mười bốn vị kỳ nhân tiên bối chính tà, tên là Diêu Yến Huy.
Diêu Yến Huy nhà ở Diêu gia bảo ở ngoài Huệ An trấn ven biển Phúc Kiến, gia đình giàu có nhất vùng, cha là Diêu Vạn Thọ, một nhà đại từ thiện luôn trợ giúp người nghèo khó, được mọi người tôn xưng là Mạnh Thường Quân.
Mẹ là Tiêu Xuân Mai, xuất thân danh môn khuê tú, cũng là một nội trợ đảm đang hiền thục, kết hôn với Diêu Vạn Thọ hai mươi năm, sinh ra được nhiều anh em, Diêu Yến Huy là kết tinh lúc tuổi già.
Diêu gia sống rất mỹ mãn, Diêu Yến Huy là con út trong gia đình, rất trắng trẻo và anh tuấn, nên được cả nhà hết sức thương yêu, thậm chí tất cả mọi người trong bảo đều mến thương, nhưng thể trạng của chàng rất yếu, bệnh hoạn liên miên.
Lúc Diêu Yến Huy mười tuổi đã mắc phải một chứng bệnh quái lạ, bao danh y xa gần thảy đều bó tay. Đang khi mọi người lo âu vô kế khả thi, may thay Tùng Vân đạo trưởng vân du ngang qua hay được, bèn tự ý đến Diêu gia chữa trị cho Diêu Yên Huy.
Mấy ngày sau, Diêu Yến Huy quả nhiên khỏi bệnh, cả nhà vui mừng khôn xiết.
Nhưng Tùng Vân đạo nhân bảo là Diêu Yến Huy cần phải luyện võ bồi nguyên, nếu không, nội trong mười năm bệnh cũ tái phát, lúc ấy ngay cả Hoa Đà tái thế cũng vô phương cứu chữa.
Diêu Vạn Thọ tuy không phải người trong võ lâm nhưng Nhị kỳ vang danh thiên hạ, ông lẽ nào không biết, bèn bảo Diêu Yến Huy bái Tùng Vân đạo nhân làm sư phụ, học luyện võ nghệ.
Tùng Vân đạo nhân thấy Diêu Yến Huy thiên tư rất tốt, quả là kỳ tài hiếm có bèn hứa ba năm sau sẽ đưa Diêu Yến Huy về nhà đoàn tụ vài hôm, rồi đưa về đỉnh Ma Thiên phong trên Đới Vân sơn, suốt ngày dạy chàng tịnh tọa và cho uống linh đơn kỳ dược bồi bổ nguyên khí.
Quả nhiên ba năm sau, lúc Diêu Yên Huy được Tùng Vân đạo nhân đưa về Diêu gia bảo đã khác hẳn trước kia, chỉ thấy chàng thân thể cường tráng, tinh thần sung mãn, vợ chồng Diêu Vạn Thọ vui mừng khôn xiết, vội bái tạ Tùng Vân đạo nhân và tiếp đãi hết sức trọng hậu.
Sau khi đưa Diêu Yến Huy trở về Ma Thiên phong, đã thay đổi phương pháp truyền dạy, lúc truyền chưởng pháp, lúc luyện khinh công, lúc luyện nội công luân phiên nhau không ngừng.
Nhưng điều lạ lùng là Tùng Vân đạo nhân vốn sở trường kiếm thuật, mà lại bảo Diêu Yến Huy học luyện tiêu pháp và nói có lý do sâu xa, bảo Diêu Yến Huy đừng nên thắc mắc.
Diêu Yến Huy thông minh tuyệt đỉnh, học một biết mười, bất luận Tùng Vân đạo nhân truyền dạy chiêu thức gì, học là biết ngay, và rất siêng năng luyện tập, hễ gặp chiêu thức ảo diệu chưa lĩnh ngộ được, chàng luôn luyện tập không ngừng nghỉ, đến khi lĩnh ngộ triệt để mới thôi.
Tùng Vân đạo nhân sợ chàng quá lao lực tổn hại sức khỏe, nên đã khuyên ngăn nhưng chàng nhất quyết không nghe, ông cũng đành để mặc cho chàng tự do phát triển, nhưng lòng hết sức vui mừng, bởi như vậy là có người kế thừa võ học của ông rồi.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, Diêu Yến Huy ở trên Ma Thiên phong thấm thoát đã tám năm, Tùng Vân đạo nhân đã truyền thụ hết tuyệt học cho chàng, và Diêu Yến Huy cũng đã luyện đến mức đăng đường nhập thất.
Về Càn Thiên cương khí, do Diêu Yến Huy luyện từ lúc bé nên đạt được sáu thành hỏa hầu, về môn khinh công tuyệt thế Súc Địa Phi Hành và bảy mươi hai chiêu Tùng Liễu chưởng pháp đều có thành tựu tương đối, nhất là một trăm lẻ tám chiêu Lưu Vân kiếm pháp và Ngân Tiêu thập nhị thức do Tùng Vân đạo nhân sáng chế lại càng thập phần biến hóa, ngay Tùng Vân đạo nhân cũng nhận thấy chàng còn hơn mình khi xưa.
Diêu Yến Huy hiếu học không mệt mỏi, trong tám năm qua, lúc Nam Nho và Tây Phong trong mười bốn kỳ nhân võ lâm đến viếng thăm Tùng Vân đạo nhân, chàng nhất định thọ giáo lễ diện kiến, khiến hai vị kỳ nhân vô phương, đồng thời cũng có lòng yêu mến, lần nào cũng truyền cho chàng vài chiêu tuyệt học.
Diêu Yến Huy rất có chí cầu tiến, định tự sáng chế một môn chưởng pháp tuyệt thế, nhưng ngặt nỗi võ học chàng chưa đạt đến trình độ lư hỏa thuần thanh, nên còn rất nhiều chỗ chưa được như ý, đành từ từ nghiên cứu sửa chữa.
Tùng Vân đạo nhân thấy chàng đã có được thành tụ tương đối, lúc này bọn ác đồ đang hoành hành, rất cần người hiệp nghĩa đứng ra tảo trừ, bèn gọi Diêu Yến Huy đến báo chàng hạ sơn lịch luyện và trừ gian diệt ác.
Diêu Yến Huy tám năm luyện võ công, với Tùng Vân đạo nhân tình như phụ tử, giờ sắp phải xa nhau, không khỏi rơi lệ quyến luyến, nhưng chàng thấu rõ đại nghĩa, nghĩ đến trọng nhiệm sắp tới, chàng đã kiên quyết từ biệt ân sư ra đi vào sáng hôm sau.
Hãy nói về Diêu Yến Huy đang cúi đầu lầm lũi bước đi, bỗng nghe phía sau tiếng lạc reo vang và tiếng vó câu dồn dập, bèn vội tránh vào bên lề đường.
Chỉ thấy cát bụi mịt mù, bảy con tuấn mã lao vυ't qua, trên yên toàn là đại hán võ phục, vừa phi ngựa vừa lớn tiếng cười nói.
Chỉ nghe một người lớn tiếng nói :
- Đại ca, Độc Tú phong phen này quần hùng quy tụ, hẳn là có náo nhiệt để xem, bảy huynh đệ chúng ta tuy võ công không xuất chúng, nhưng cũng có thể thử thời vận...
Người ấy chưa dứt lời đã bị người như là đại ca cười khẩy ngắt lời :
- Tam đệ chớ đề cao người mà tự hạ thấp mình, Trúc Cát thất thử chúng ta sợ ai bao giờ? Hơn nữa...
Vì họ đã cách quá xa, Diêu Yến Huy không còn nghe rõ nữa.
Chàng chợt động tâm thầm nhủ :
- “Trúc Cát thất thử nói là quần hùng quy tụ ở Độc Tú phong, dường như vì bảo vật gì đó...”
Chàng thầm nghĩ một hồi, sau cùng đã quyết định đến Độc Tú phong xem náo nhiệt một phen, đằng nào chàng cũng không có mục đích nhất định, hơn nữa bảo vật tuy chưa biết là gì và cũng không có lòng tranh đoạt, nhưng nếu lọt vào tay nhân vật nghĩa hiệp thì không nói làm gì, vạn nhất lọt vào tay bọn ác đồ thì khác nào như hổ thêm cánh, giang hồ lại càng bi thảm hơn nữa.
Thế là, chàng liền thi triển khinh công phóng đi về phía Đại Điền.
Đại Điền cách Đới Vân sơn hơn trăm dặm, Diêu Yến Huy tuy khinh công trác tuyệt, nhưng ban ngày ban mặt không thể thi triển, chỉ đi nhanh hơn người thường gấp ba bốn lần, nên vào lúc chiều tối mới đến nơi.
Chàng tìm vào một khách điếm, có lẽ đi đường mệt mỏi, ăn uống xong liền ngủ ngay, hôm sau mặt trời lên cao ba sào chàng mới thức giấc.
Chàng không khỏi thầm tự trách, không ngờ mình mới rời khỏi sư môn chỉ một tháng mà đã khinh suất thế này, nếu bị bọn ác đồ ám toán cũng chẳng hay biết.
Chàng nghĩ đến đó bất giác toát mồ hôi lạnh. Thật ra chàng tuy thân hoài tuyệt kỹ, nhưng được thương yêu chiều chuộng từ thuở bé, chưa từng một mình rời xa nhà, và hơn nữa con người dẫu sao cũng bằng xương bằng thịt, chàng đi đường vội vã cả ngày trời, quá ư mệt mỏi, đương nhiên là phải ngủ say sưa rồi.
Diêu Yến Huy ngày đi đêm nghỉ, hai mười mấy ngày sau đã đến Phong Lĩnh quan. Phong Lĩnh quan nằm trong vùng núi Tiên Hà lĩnh là quan ải từ Phúc Kiến qua Giang Tây và Chiết Giang, nên cũng khá sầm uất.
Lúc này trời đã tối. Diêu Yến Huy chọn một quán ăn lớn nhất đi vào, quét mắt nhìn, bất giác giật mình sửng sốt.
Thì ra đây có tên là Nhã Hứng lầu, quán ăn lớn nhất Phong Lĩnh quan, đương nhiên có nhiều thực khách, điều ấy không làm cho Diêu Yến Huy kinh ngạc, điều khiến chàng sửng sốt là thực khách lúc này hầu hết đều mặt đầy gió bụi, không phải người bản địa, hiển nhiên họ đã đến đây vì bảo vật ở Độc Tú phong.
Diêu Yến Huy được phổ kỵ hướng dẫn lên trên lầu, ngồi xuống chiếc bàn bên cửa sổ, gọi lấy rượu và mấy món ưa thích, sau đó quét mắt nhìn, lại bất giác giật mình sửng sốt.
Thì ra bên chiếc bàn cách chàng hơn trượng có một thiếu niên thư sinh rất anh tuấn phong nhã, Diêu Yến Huy đưa mắt nhìn, đã chạm nhau với ánh mắt sáng ngời đượm đầy kinh ngạc và vui mừng của mỹ thư sinh ấy.
Qua ánh mắt của mỹ thư sinh, Diêu Yến Huy biết y cũng là cao thủ thân hoài tuyệt kỹ, diện mạo y so ra còn anh tuấn hơn Diêu Yến Huy, nhưng có điều là vẻ đẹp có phần ủy mị như phái nữ.
Diêu Yến Huy vừa lúc kinh ngạc, mỹ thư sinh đã gật đầu hé môi cười với chàng, lộ ra hàm răng trắng nuột, nhưng liền cúi xuống tiếp tục ăn uống.
Diêu Yến Huy thấy mỹ thư sinh cười với mình, bất giác sinh lòng cảm mến, vừa lúc mỹ thư sinh lại ngẩng lên nhìn chàng, chàng liền cười đáp lại.
Mỹ thư sinh bỗng đỏ mặt, vội cúi xuống tiếp tục ăn.
Diêu Yến Huy hết sức thắc mắc thầm nhủ :
- “Thiếu niên này sao mà giống con gái thế nhỉ?”
Chàng vốn định đến làm quen với mỹ thư sinh, nhưng rồi nghĩ vậy lại từ bỏ ý định ấy.
Ngay khi ấy, thang lầu có tiếng bước chân vang lên, lại có ba đại hán đi lên, đi đầu là một lão nhân tuổi trạc thất tuần, dáng người cao to, mặt đầy thịt ngang, hai mắt xanh rờn, hai huyệt thái dương thoáng nhô lên, thoạt nhìn cũng biết là một cao thủ nội gia.
Người thứ nhì vóc dáng cao gầy, có gương mặt trắng trẻo, hai vai nhô cao, mặt đầy gian xảo, một đôi Phán Quan bút giắt ngay trước ngực, người thứ ba vóc dáng béo lùn, mày rậm mắt tròn, râu ria xồm xoàm, tuổi tác nhỏ nhất, nhưng cũng ngoài sáu mươi, lưng giắt một ngọn Nhất Tự Chử (chày), dáng vẻ rất lạnh lùng và ngạo mạn.
Ba người ấy ngồi xuống, gọi lấy thức ăn rồi thấp giọng chuyện trò.
Diêu Yến Huy hết sức căm ghét ba người ấy, quay sang mỹ thư sinh, thấy y đang cắm cúi ăn, nhưng thật ra đang ngưng thần lắng nghe ba người chuyện trò.
Chàng hết sức lấy làm lạ, bèn cũng ngưng thần tĩnh khí, chú ý cuộc đối thoại giữa ba người.
Chỉ nghe lão nhân béo lùn nói
- Quái lạ, mấy lão bất tử tự phụ nhân vật hiệp nghĩa ấy, sao trên đường chúng ta chẳng thấy bóng người nào thế nhỉ? Chả lẽ họ chưa hay biết hay sao?
Lão nhân cao gầy cười khảy :
- Mấy lão bất tử ấy rất là tinh ranh, chuyện này chấn động cả võ lâm, lẽ nào họ không hay biết, có lẽ họ đến từ hướng bắc, đương nhiên chúng ta không thể gặp được tại đây rồi.
Lão nhân béo lùn lo lắng hỏi :
- Lão nhị, nếu mấy lão bất tử ấy đến từ hướng bắc, vậy họ đến trước chúng ta còn gì?
Lão nhị lạnh lung :
- Lão tam lo gì, cho dù họ đã đến Độc Tú phong thì sao nào? Nếu không đến lúc trăng tròn, dù họ tinh ranh đến mấy thì cũng táng mạng thôi. Hơn nữa, bọn họ không đến thì thôi, nếu đến, để cho bọn họ nếm thử mùi lợi hại của môn thần công vừa mới luyện thành của Phú Lĩnh tam hung chúng ta.
Lão nhân cao to lớn tuổi hơn hết tự nãy giờ lặng thinh, lúc này bỗng hừ lên một tiếng lạnh lùng, hai người kia liền nín lặng ngay.
Diêu Yến Huy nghe tự nãy giờ vẫn chưa biết món bảo vật được giới võ lâm xem trọng đó là gì, đang khi thắc mắc, bỗng nghe họ là Phú Lĩnh tam hung trong Võ Lâm thập tứ kỳ, bất giác giật mình kinh hãi, thầm lo cho những người hiệp nghĩa đã tham dự vào cuộc tranh đoạt bảo vật này.
Diêu Yến Huy nghĩ đến đó, đưa mắt nhìn mỹ thư sinh, thấy y đang cúi đầu trầm tư, mày tú thoáng chau, hiển nhiên cũng đang lo lắng bởi sự có mặt của Phú Lĩnh tam hung, bèn quyết định nếu cần sẽ ra tay trợ giúp mỹ thư sinh.
Phổ kỵ lúc này đã mang rượu và thức ăn đến, Diêu Yến Huy bèn cũng cúi đầu lẳng lặng ăn uống.
Lát sau, bỗng nghe tiếng nói lạ vang lên, Diêu Yến Huy bèn dừng đũa lắng nghe.
Thì ra lão nhân cao to nói :
- Lão nhị, lão tam, chúng ta bao năm khổ luyện thần công, mấy lão bất tử ấy chẳng còn đáng kể nữa, nhưng tình hình hiện nay khác, một là chúng ta đến đây vì Bách Hội chân kinh đã chấn động toàn võ lâm, mọi người đều muốn giành lấy, nên chúng ta cần phải tính toán thật kỹ đề phòng đến lúc ấy bị thất sách.
Đoạn hạ giọng thật thấp, như bàn tính quỷ kế gì đó.
Diêu Yến Huy nghe nói bảo vật là Bách Hội chân kinh, bất giác rúng động cõi lòng, nhớ lại ân sư từng nói :
- Bách Hội chân kinh là một kỳ thư võ lâm, người có được chỉ cần miệt mài khổ luyện ba năm, ngoại trừ vài vị cao nhân tiền bối, trên đời không còn địch thủ.
Lúc bấy giờ chàng đã hỏi mấy vị cao nhân tiền bối ấy là ai, ân sư chỉ nói một người là Nhất Thánh trong Võ Lâm thập tứ kỳ và còn nói là Bách Hội chân kinh có quan hệ sâu xa với bà ấy, rồi chỉ cười nói là mai kia sẽ rõ.
Thật không ngờ mình vừa mới hạ sơn đã gặp phải chuyện này, phen này chắc là phải ra tay đoạt lấy chân kinh, mang trả lại cho Từ Bi thánh ni lão tiền bối.
Diêu Yến Huy nghĩ vậy, bất giác lại liếc mắt nhìn mỹ thư sinh, chỉ thấy y đang chau mày lo âu, với ánh mắt não nề nhìn mình, chàng bất giác nghe lòng áy náy, bèn mỉm cười gật đầu với mỹ thư sinh.
Mỹ thư sinh cũng mỉm cười đáp lại, nhưng nụ cười rất miễn cưỡng và đượm vẻ thê lương.
Trong khi ấy Phú Lĩnh tam hung đã vội vàng ăn xong, lão nhị ném một miếng bạc vụn lên bàn, cùng liếc Diêu Yến Huy rồi đi nhanh xuống lầu.
Diêu Yến Huy vội thò tay vào lòng, định lấy bạc trả tiền ăn rồi theo dõi Phú Lĩnh tam hung, bỗng thấy nữ thư sinh đứng lên đi về phía mình, vẻ lo âu trên mặt hoàn toàn tan biến, miệng cười thật tươi và tay cầm chung rượu chậm rãi đi đến.
Diêu Yến Huy vốn đã ngưỡng mộ phong thái tuyệt thế của mỹ thư sinh, lúc này thấy y tươi cười càng thêm anh tuấn tuyệt luân, so với khi nãy như thể hai người, chàng bất giác ngây ngẩn, quên cả đứng lên đáp lễ khách.
Nhưng mỹ thư sinh không trách, đi đến trước mặt Diêu Yến Huy, nhoẻn cười nói :
- Vị huynh đài này sao vậy? Không bằng lòng tiểu sinh đã mạo muội ư?
Tiếng nói thật lảnh lót, chẳng giống đàn ông chút nào, thậm chí con gái cũng chưa chắc được vậy.
Diêu Yến Huy nghe mỹ thư sinh cất tiếng nói mới bừng tỉnh, phát giác mình đã thất thái, bất giác mặt nóng bừng, ngượng ngùng nói :
- Huynh đài đừng nói vậy, tiểu đệ thật ra là bị...
Thì ra Diêu Yến Huy tính bộc trực đôn hậu, không quen nói dối, vốn định nói là bị phong thái tuyệt thế của đối phương làm cho mê mẩn, nhưng rồi thấy không ổn, nhất thời cứng họng, không biết nói sao mới phải, thuỗn mặt ra tại chỗ.
Mỹ thư sinh thấy vậy thầm gật đầu, mỉm cười nói :
- Nếu huynh đài không chê, tiểu đệ ngồi xuống nói chuyện chốc lát được không?
Diêu Yến Huy lúc này lòng đã bình tĩnh trở lại phần nào, nghe vậy liền chìa tay mời đối phương ngồi.
Mỹ thư sinh ngồi xuống đối diện rồi hỏi :
- Xin hỏi huynh đài cao tánh đại danh?
Diêu Yến Huy cười :
- Tiểu đệ tiện danh Diêu Yến Huy, còn huynh đài?
Mỹ thư sinh mỉm cười :
- Ra là Diêu huynh! Tiểu đệ Tư Đồ Sơn, rất mong được huynh đài chỉ giáo nhiều cho!
Hai người chuyện vãn một hồi, mỗi lúc càng thấy tâm đầu ý hợp, nên chẳng giấu diếm nhau điều gì, nhưng chỉ không đề cập đến Bách Hội chân kinh và võ công tuyệt học.
Tư Đồ Sơn sau cùng không dằn lòng được nữa, bèn nói :
- Diêu huynh, chúng ta mới gặp mà như đã quen nhau từ lâu, tiểu đệ có một điều thỉnh cầu, chẳng hay Diêu huynh...
Diêu Yến Huy hiểu ý, trong khi chàng cũng mong hai người thẳng thắn nói chuyện với nhau, không chừng còn có thể thương lượng, kẻo mai kia trở mặt thành thù thì thật tệ hại, bèn gật đầu cười nói :
- Tư Đồ huynh sao khách sáo thế này? Có gì xin cứ nói ra, nếu tiểu đệ đủ khả năng quyết không từ chối!
Tư Đồ Sơn nghiêm giọng :
- Theo tiểu đệ nhận xét, dường như Diêu huynh cũng đến đây vì Bách Hội chân kinh, chẳng hay có đúng vậy không?
Diêu Yến Huy mỉm cười :
- Tiểu đệ đến đây vốn không phải vì chuyện ấy, nhưng vừa rồi nghe Phú Lĩnh tam hung nói, mới biết quần hung tụ tập là định tìm kiếm Bách Hội chân kinh tại Độc Tú phong. Tiểu đệ biết Bách Hội chân kinh liên quan đến hào kiếp võ lâm, nên cũng định thử thời vận một phen... Tư Đồ huynh cũng đến đây vì Bách Hội chân kinh phải không?
Chàng dứt lời, hai mắt nhìn chốt vào mặt Tư Đồ Sơn.
Tư Đồ Sơn biến sắc mặt, lại hỏi :
- Vậy là Diêu huynh định xem náo nhiệt phải không?
Diêu Yến Huy lắc đầu :
- Cũng có thể nói như vậy! Nhưng Bách Hội chân kinh là kỳ thư võ lâm, và cũng có chút quan hệ với tiểu đệ, hơn nữa nếu bị bọn ác đồ lấy được thì giang hồ càng thêm nguy ngập, nên chẳng giấu gì Tư Đồ huynh, tiểu đệ liều chết cũng phải lấy cho bằng được Bách Hội chân kinh để trao trả cho một vị lão tiền bối.
Tư Đồ Sơn lòng thầm rúng động, tuy hết sức bội phục tấm lòng cao cả của Diêu Yến Huy, lẽ ra phải giúp chàng một tay mới đúng, nhưng ngặt nỗi Bách Hội chân kinh là vật của sư môn, đâu thể để kẻ khác đoạt lấy, bèn vội nói :
- Tiểu đệ tuy đến đây vì Bách Hội chân kinh, nhưng bởi đó là vật của tệ sư môn, chẳng thể không đoạt lại, chẳng hay vị lão tiền bối mà Diêu huynh vừa nói đó là ai vậy?
Trong khi nói y ra chiều hết sức nôn nóng, trông chờ Diêu Yến Huy trả lời.
Diêu Yến Huy quét mắt nhìn quanh, thấy không có nhân vật võ lâm, bèn thấp giọng nói :
- Chính là Từ Bi thánh ni lão tiền bối!
Tư Đồ Sơn nghe như uống vào một chén trà mát rượi, vẻ lo âu trên mặt liền tan biến, thay vào đó là nụ cười hết sức tươi vui.
Diêu Yến Huy thấy vậy hết sức thắc mắc, không hiểu vì sao Tư Đồ Sơn lại thay đổi nhanh chóng như vậy.
Tư Đồ Sơn như hiểu ý Diêu Yến Huy, mỉm cười nói :
- Diêu huynh, nơi này tai mắt quá nhiều, chúng ta hãy đổi chỗ khác rồi hẵng nói rõ hơn!
Ngưng chốc lát, bỗng hỏi :
- Chẳng hay Diêu huynh đã thuê phòng trọ chưa vậy?
Diêu Yến Huy lắc đầu. Tư Đồ Sơn cười nói tiếp :
- Vậy thì hãy đến khách điếm Hiệp Hưng, tiểu đệ cũng trọ ở đó!
Đoạn liền lấy bạc ra giành trả tiền ăn, nắm tay Diêu Yến Huy ra khỏi quán.
Khách điếm Hiệp Hưng cách Nhã Hứng lầu chỉ hơn trăm thước, chốc lát đã đến. Tư Đồ Sơn đưa Diêu Yến Huy đến phòng mình, và lại bảo phổ kỵ mang rượu và thức ăn đến.
Diêu Yến Huy đảo mắt nhìn, chỉ thấy gian phòng này hết sức sạch sẽ tươm tất, và thoang thoảng hương thơm như lan như xạ, khiến chàng hết sức ngạc nhiên, nhưng thầm nhủ :
- “Có lẽ là công tử nhà giàu thích vậy đó thôi!”
Thế là chàng cũng chẳng thắc mắc hoài nghi, chỉ thầm cười Tư Đồ Sơn quá có vẻ nữ tính mà thôi.
Diêu Yến Huy thoáng quan sát xong bèn hỏi :
- Tư Đồ huynh, xin thứ cho tiểu đệ mạo muội, dám hỏi lệnh sư là vị lão tiền bối nào, với Phú Lĩnh tam hung...
Bỗng nghe Tư Đồ Sơn kêu lên một tiếng hoảng hốt, tung mình lao lên giường.
Diêu Yến Huy giật mình, tưởng là Tư Đồ Sơn phát giác có kẻ nghe trộm, vội quay đầu nhìn, chỉ thấy Tư Đồ Sơn tay cầm một vật, vội vàng nhét xuống dưới chăn bong, nhưng không nhìn rõ đó là gì.
Tư Đồ Sơn thấy Diêu Yến Huy ra chiều ngơ ngẩn, biết là chiếc áo ngủ chưa bị chàng nhìn thấy, bèn yên tâm vì chân tướng chưa bại lộ, nhưng vẫn thoáng đỏ mặt, trở lại ghế ngồi xuống, ái ngại nói :
- Đó là một đồ vật rất đáng ghét, sợ Diêu huynh gai mắt nên tiểu đệ đậy lại, có gì thất lễ xin Diêu huynh lượng thứ cho!
Diêu Yến Huy ngạc nhiên thầm nhủ :
- “Đâu có vật gì gai mắt, mà vừa rồi mình cũng đâu có trông thấy gì!”
Chàng tuy nghĩ vậy, nhưng cũng ngỡ là đối phương có điều khó xử, nên bèn cười rồi bỏ qua, quay sang hỏi về thân thế và sư thừa của Tư Đồ Sơn.
Thì ra Tư Đồ Sơn chính là đồ đệ của Từ Bi thánh ni, tên thật là Tư Đồ San, cũng là một cô gái mồ côi bị kẻ thù sát hại, đang lúc lâm nguy đã được Từ Bi thánh ni cứu giúp, vì nghĩa cả và lòng thương hại, Thánh ni đã đưa nàng về Lư Sơn truyền dạy võ công.
Tư Đồ San một là nhờ thiên tư thông minh, hai nữa lòng mang nặng huyết hải thâm thù, chuyên tâm miệt mài khổ luyện, và lại được vị kỳ nhân đệ nhất võ lâm Từ Bi thánh ni đích thân chỉ dạy, nên sau mười năm Tư Đồ San đã luyện thành toàn bộ tuyệt học của Từ Bi thánh ni, chỉ còn kém về hỏa hầu mà thôi.
Từ Bi thánh ni thấy đồ đệ đã có thành tựu, bèn bảo nàng hạ sơn báo đáp đạo làm con và cẩn thận dò la Bách Hội chân kinh, bí học sư môn mất tích đã trăm năm.
Sau khi Tư Đồ San hạ sơn, hành hiệp trượng nghĩa trong hai năm đã giành được mỹ hiệu Vân Thường (áo mây) Tiên Tử, tuy nàng đã hết sức dò la kẻ thù, nhưng vì không biết danh tánh và chỗ ở nên trong hai năm qua không hề có được chút kết quả nào.
Về sau, nàng bỗng nảy ý cải dạng nam trang, thế là nàng đã cải trang thư sinh đi lại trên giang hồ, so với trước tiện lợi hơn rất nhiều, lòng vui mừng khôn xiết.
Không bao lâu sau, nàng bỗng nghe được tin về Bách Hội chân kinh, liền tức tốc lên đường đến Phong Lĩnh quan, thấy có quá nhiều nhân vật võ lâm hiện diện, khó thể đoạt lại chân kinh, bèn định tìm kiếm trợ thủ, nhưng không thấy có mặt các cao nhân hiệp nghĩa, có lẽ vì nàng không quen biết, chẳng ngờ lại tình cờ gặp Diêu Yến Huy ở Nhã Hứng lầu, lập tức bị phong thái anh tuấn siêu phàm của chàng mê hoặc.
Về sau nhận thấy mục đích của Diêu Yến Huy cũng là vì Bách Hội chân kinh, nàng hết sức lo lắng, nhưng đồng thời cũng nhận thấy Diêu Yến Huy là một chính nhân quân tử, chỉ cần mình nói rõ nguyên do, hẳn là Diêu Yến Huy sẽ cảm thông, không chừng còn ra tay trợ giúp mình cũng nên, thế là nàng đã chủ động làm quen.
Quả nhiên đúng như nàng dự đoán, và thậm chí còn có kế quả bất ngờ, nàng vui mừng khôn xiết, bất giác đã trao trọn trái tim cho Diêu Yến Huy mà chính bản thân nàng cũng không hay biết.
Tuy nhiên, Tư Đồ Sơn chỉ kể về thân thế lai lịch và sư môn, chứ không tiết lộ mình là nữ cải nam trang và đã đem lòng si yêu Diêu Yến Huy.
Nghe xong, Diêu Yến Huy mừng rỡ nói :
- Thì ra Tư Đồ huynh là cao đồ của Từ Bi thánh ni lão tiền bối, tiểu đệ thật thất kính, vậy là Bách Hội chân kinh không thành vấn đề nữa, tiểu đệ sẵn sàng liều mạng trợ giúp. Còn về tướng mạo kẻ thù của Tư Đồ huynh chẳng rõ thế này, xin hãy cho biết, tiểu đệ cũng sẽ lưu ý dò la.
Tư Đồ San thấy Diêu Yến Huy thành khẩn như vậy, hết sức cảm động, liền vội cảm tạ, lại miêu tả diện mạo của kẻ thù mà ân sư đã nhìn thấy, sau đó nàng hỏi Diêu Yến Huy về thân thế sư môn.
Diêu Yến Huy nhận thấy mình với Tư Đồ Sơn tâm đầu ý hợp, nói ra cũng không hề gì, bèn thành thật cho biết.
Tư Đồ Sơn bởi chưa tiết lộ thân phận nên tạm thời sử dụng tên giả, nghe Diêu Yến Huy là đồ đệ của Tùng Vân đạo nhân. Lòng càng thêm vui mừng, mỉm cười nói :
- Thì ra Diêu huynh là cao đồ của Tùng Vân sư thúc, vậy chúng ta là người một nhà rồi!
Diêu Yến Huy gật đầu cười :
- Lệnh sư Từ Bi thánh ni với gia sư tuy không phải đồng môn, nhưng quen biết nhau đã nhiều năm, nếu Tư Đồ huynh không khinh chê tiểu đệ, xin hãy dẹp bỏ hai tiếng Diêu huynh, cứ gọi là Diêu Yến Huy hay là sư đệ cũng được.
Tư Đồ San nhoẻn cười :
- Thế thì gọi là sư đệ vậy.
Đoạn nàng chằm chặp nhìn Diêu Yến Huy, bỗng đỏ mặt ngượng ngùng nói :
- Được sư đệ vì nghĩa khí khẳng khái hứa trợ giúp, ngu huynh vô vàn cảm kích, từ nay khi nào sư đệ cần đến ngu huynh, ngu huynh muôn thác không từ!
Diêu Yến Huy vội đứng lên cảm tạ, lúc này phổ kỵ đã mang rượu và thưc ăn đến.
Tư Đồ San mời Diêu Yến Huy ngồi vào bàn và rót cho chàng một chung rượu, rồi cũng tự rót cho mình một chung, sau đó nâng chung lên cười nói :
- Sư đệ, chúng ta uống cạn chung rượu này, ngu huynh có một điều thỉnh cầu, mong là sư đệ không chê, vui lòng nhận lời!
Diêu Yến Huy ngạc nhiên, đoạn liền uống cạn chung rượu, cười nói :
- Hai ta vừa mới gặp đã như cố tri, sư huynh hà tất khách sáo, có gì xin cứ dạy bảo, nếu tiểu đệ đủ khả năng...
Tư Đồ San thấy Diêu Yến Huy đã uống cạn chung rượu, nàng cũng liền uống cạn rồi ngắt lời :
- Ngu huynh từ bé đã gặp thảm biến, còn lại một mình đơn côi, hôm nay cùng sư đệ bình thủy tương phùng, ngu huynh muốn kết nghĩa kim lan, chẳng hay ý sư đệ thế nào?
Diêu Yến Huy lẽ nào lại không thích, chàng sớm đã có kết giao với Tư Đồ San, giờ nghe vậy mừng đến đứng phắt dậy, chồm tới nắm lấy hai tay Tư Đồ San, hớn hở nói :
- Sư huynh nói thật chứ?
Tư Đồ San theo phản ứng tự nhiên rụt tay về, nhưng không vùng khỏi, đành để mặc cho chàng nắm lấy, bất giác đỏ mặt, may nhờ vừa mới uống rượu khỏa lấp, nhưng tim đập dữ dội, cố giữ bình tĩnh cười nói :
- Ngu huynh năm nay mười chín, còn sư đệ...
Diêu Yến Huy lúc này đã phần nào bình tĩnh lại, chỉ cầm hai bàn tay đang nắm hết sức mềm mại và mịn màng, bất giác thầm nhủ :
- “Đôi tay của sư huynh thật mềm mại như là con gái vậy!”
Chàng nghĩ vậy, bất giác đưa mắt nhìn xuống, chỉ thấy đôi tay thon thả, trắng nuột, đẹp như con gái, nhất thời quên cả buông ra, đồng thời mắt đăm đăm nhìn vào mặt Tư Đồ San.
Tư Đồ San lòng bồi hồi xao xuyến, mặt hoa nóng bừng, vùng tay ra, phụng phịu nói :
- Sao cứ nhìn ngu huynh thế này? Trên mặt ngu huynh đâu có hoa!
Diêu Yến Huy thấy Tư Đồ San giận dỗi, lúc này mới nhận thấy mình đã thất thái, bất giác đỏ mặt, ngượng ngùng nói :
- Tiểu đệ nhất thời thất thái, đã bị phong thái tuyệt thế của sư huynh...
Tư Đồ San cười khúc khích ngắt lời :
- Thôi đừng có vớ vẩn, người nhà với nhau hà tất khách sáo? Hơn nữa sư đệ còn chưa trả lời câu hỏi của ngu huynh kia mà!
Diêu Yến Huy lại đỏ mặt, nhếch môi nói :
- Sư đệ hãy cạn chung rượu này kể như là lễ kết nghĩa kim lan của chúng ta được không?
Dứt lời liền đưa chung rượu lên môi, một hơi uống cạn.
Tư Đồ San biết giới võ lâm không thích tục lễ, mọi sự đều giản tiện, cũng vội nâng chung lên uống cạn.
Hai người vốn không quen uống rượu, hai chung vào bụng mặt đã đỏ gay, bốn mắt nhìn nhau, đôi bên đều say mê phong thái nghi dung của đối phương, có điều là ý nghĩ trong lòng khác nhau mà thôi.
Diêu Yến Huy nhận thấy vị nghĩa huynh này khí chất cao quý, nhất là đôi mắt thâm sâu như biển cả, ngập đầy uy nghi và sức lôi cuốn khôn cùng, khiến người tiếp xúc cảm thấy mình bé nhỏ, cam tâm khuất phục và sẵn sàng nghe theo sự sai khiến.
Tư Đồ San nhận thấy ánh mắt Diêu Yến Huy phảng phất vẻ ưu oán bâng khuâng, xao xuyến lòng người, nàng vội ổn định tâm thần nói :
- Huy đệ, thời gian không còn sớm nữa, chúng ta hãy ngơi nghỉ, ngày mai hẵng chuyện vãn tiếp!
Đoạn liếc mắt nhìn Diêu Yến Huy trầm ngâm một hồi, nói tiếp :
- Ngu huynh có một cá tính quái lạ, từ bé đã ngủ quen một mình, xin Huy đệ lượng thứ cho!
Diêu Yến Huy ngạc nhiên thầm nhủ :
- “Nghĩa huynh sao thế này? Mặt nào cũng khác đàn ông, lẽ ra mới kết nghĩa kim lan là phải cùng giường chuyện vãn đến sáng mới đúng”.
Nhưng lại nghĩ, có lẽ đó là thói quen của công tử nhà giàu cũng nên, bèn gật đầu nói :
- Ca ca đã không quen ngủ cùng giường với người khác, vậy xin cứ tự tiện, không cần khách sáo với tiểu đệ!
Tư Đồ San nghe vậy hai mắt ửng đỏ, định nói lại thôi, sau cùng cắn răng gọi phổ kỵ đến dọn dẹp rồi đưa Diêu Yến Huy sang phòng khác ngơi nghỉ.
Đêm ấy, Diêu Yến Huy có lẽ vì đã uống mấy chung rượu, tâm thần bứt rứt, nhưng cũng vui mừng vì lần đầu tiên hạ sơn đã kết giao được một người khí chất bất phàm và lại là cao đồ của vị kỳ nhân đệ nhất võ lâm nên đã thao thức suốt cả đêm.
Tư Đồ San cũng cả đêm không ngủ, mắt trằn trọc nhìn lên trần nhà, vẻ mặt lúc vui lúc buồn, lúc lại khẽ buông tiếng thở dài, chẳng rõ nàng có tâm sự trọng đại gì?
Hôm sau, trời vừa sáng hai người đã thức dậy, lúc gặp nhau đều sửng sốt thầm nhủ :
- “Chả lẽ y cũng mất ngủ hay sao?”
Nhưng không ai hỏi ai, chỉ nhìn nhau cười rồi cùng ra sảnh đường ăn sáng.
Ăn xong, Tư Đồ San giành trả tiền, hai người rời khỏi khách điếm, thẳng đường đến Tiên Hà lĩnh.