Chỉ thấy Y Mộng Lăng bỗng tròn xoe cặp mắt kinh dị, không phải chàng kinh dị về con lừa đốm lông, mà chàng kinh dị về nhân vật trên lưng con lừa.
Người cưỡi lừa là một lão nhân râu dê bó cằm nằm ngửa gối đầu lên sọ lừa trên lưng con lừa không yên, úp mặt bằng một mê nón rách, hai chân bắt chéo đầu gối nhịp nhịp với điệu bộ hết sức nhàn hạ.
Thế cũng chưa quái dị bằng một cái bồn thủy tinh đeo bên hông con lừa, trong bồn có nước lại có cả cá. Trên đầu con lừa cột một cần câu nhỏ với sợi dây câu buông trong bồn cá. Một lối câu cá kỳ lạ nhất trên đời.
Đột nhiên lão già nằm trên lưng lừa bỗng hất bỏ mê nón che mặt ngồi phắt dậy cất tiếng cười hì hì :
- Chà! Cá cắn câu rồi....
Vừa nói lão vừa cầm cần câu kéo lên quả nhiên một con cá chép vàng bị nhấc bổng lên không giẫy lạch đạch.
Lão già hạ cần câu gỡ con cá thả lại vào bồn lắc lư cái đầu lẩm bẩm :
- Cá ơi! Sao mi dở thế, lưỡi câu của ta thẳng tuột mà mi cũng vướng....
- Lưỡi câu thẳng?
Y Mộng Lăng tròn xoe cặp mắt ngạc nhiên. Quả là chuyện thiên kỳ văn.
Lão già cười lừa lại thả câu xuống bồn cá, tiếp tục lẩm bẩm :
- “Việc nhân gian cũng chẳng biết. Vạn vật trời đất ta có cá. Có cá có dư, ha, ha, ha, có dư có cá!....” Có cá có dư. Có dư có....
Y Mộng Lăng bất giác buộc miệng :
- Hữu Dư tiên sinh!
Bụng chàng không ngừng nghĩ thầm :
“Chẳng lẽ người này đúng là Hữu Dư tiên sinh một nhân vật kỳ ẩn hiện phiêu hốt đã nổi danh giang hồ từ ba mươi năm nay?
Lão già trên lưng lừa đã nằm xuống lại đột nhiên ngồi bật dậy hỏi :
- Ai gọi ta thế?
Y Mộng Lăng giật mình :
“Ồ! Quả nhiên ông ta là Hữu Dư tiên sinh”.
Không nghe trả lời lão gia cau mày hỏi tiếp :
- Ta nghe hình như là một thằng người thì phải?
Câu này của lão nghe thật kỳ quái chối tai.
Y Mộng Lăng cũng chẳng phải tay vừa. Chàng nhún vai trả miếng :
- Mặc dù lúc này tại hạ trông tiều tụy nhưng nếu là người còn sáng mắt thì cũng có thể nhận được ra tại hạ là một thằng người.
- À! Thế ra mi là người thật hả?
Hữu Dư tiên sinh hấp háy cặp mắt nói tiếp :
- Gặp những người như nhà ngươi, chỉ tổ thêm bận chân bận tay chớ chẳng ích gì, trách nào mà vừa rồi lưỡi câu thẳng cũng móc được cá.
Y Mộng Lăng trả miếng :
- Chưa chắc....
- Hừ! Còn chua chắc.... Nếu ta không còn đoái nhìn bỏ mặt nhà ngươi thì kể như một giò của nhà ngươi chặt bỏ hết xài....
Nghe nói Y Mộng Lăng giật mình kinh hãi thầm. Thật vậy vết thương nơi gót chân chàng quả khá nặng hơn nữa sau khi bị thưong lại tiếp tục vận công phấn đấu chàng chưa có dịp xem xét băng bó để máu chảy quá nhiều. Tuy nhiên chàng vẫn tỏ ra thản nhiên nói chuyện lảng :
- Hữu Dư tiên sinh đại danh của lão nhân gia vãn bối kính ngưỡng từ lâu, hôm nay được diện kiến thật vô cùng vinh hạnh.
Hữu Dư tiên sinh ngưỡng bụng trề môi :
- Ma Diện công tử Y Mộng Lăng danh tiếng và việc làm của nhà ngươi ta đều nghe rõ hết. Hôm nay chúng ta gặp nhau kể ra cũng là hữu duyên và cũng là thiện ý.
Dứt lời ông ta rảo bước đến cạnh Y Mộng Lăng cầm cái chân bị thương của chàng xách ngược lên như con gà.
Trông điệu bộ ông ta lùn thấp lạch bạch như thế nhưng lối xuất thủ của ông ta lại linh hoạt vô cùng. Y Mộng Lăng có muốn tránh né cũng không kịp.
Hữu Dư tiên sinh một tay xách ngược một bên chân của Y Mộng Lăng còn một tay khác lẹ như chớp xé tuột bên ống quần chàng ta một tiếng soạt.
Y Mộng Lăng lắp bắp kêu lên :
- Hữu.... Dư tiên sinh.... Ông định làm....
Hữu Dư tiên sinh trợn mắt nạt ngang :
- Câm họng đừng láp nháp....
Vừa nói ông ta vừa xách Y Mộng Lăng lại cạnh con lừa, thò tay vào bồn đựng cá đeo bên hông lừa vốc nước rửa vết thương của chàng.
Tất cả mọi hành động của ông ta hoàn toàn là cưỡng bức không cần biết đến ý của đối phương.
Thực ra đối với những người ngang nghạnh như Y Mộng Lăng cũng chỉ có phương pháp ấy là tốt nhất.
Nước trong bồn đựng cá rửa vào vết thương của Y Mộng Lăng làm chàng đau rát một cách cùng cực, toàn thân run lên bần bật mồ hôi trán nhỏ giọt không thể ngăn được tiếng rên la.
Hữu Dư tiên sinh trợn mắt phát mạnh vào mông chàng ta một cái “đét” nạt :
- Rên la cái gì? Bộ muốn chặt bỏ giò đi làm tên độc cước hay sao?
Y Mộng Lăng cảm thấy đau đớn nhục nhã khôn tả, chàng vùng giẫy giụa lớn tiếng la hét :
- Hãy buông tôi ra.
- Đương nhiên là phải buông ngươi ra nếu không làm sao ta có thể rắc thuốc vào vết thương.
Dứt lời ông ta cất tiếng cười hề hề rồi liệng mạnh thân hình Y Mộng Lăng xuống đất một tiếng “phịch” Rồi không đợi chàng ta kịp ngồi dậy ông ta đã nhảy thót lên ngồi chận lên lưng.
Lần này Y Mộng Lăng tức giận như muốn rổ ruột, chân chàng vùng đạp lung tung còn miệng thì la thét ầm ĩ.
Hữu Dư tiên sinh liền dùng tay dằn mạnh đầu chàng cho úp mặt sát đất không còn kêu la được nữa, rồi nhích bàn tọa ngồi chận lên mạch Tam Tiêu Âm Lạc của chàng, kế đó ông ta mới ngay lưng lên lắc lư cái đầu miệng ư ử khẽ hát khúc ca quen thuộc :
- “Sự đời ta chẳng có duyên, trời đất vạn vật ta có cá, có cá có dư, ha ha ha, có dư có cá....”
Mấy câu ca nghe cũng chẳng có nghĩa gì nhưng bộ điệu cũng như cái giọng rè rè như ốc nướng của ông ta đủ làm cho người nghe phải tức cười vỡ bụng.
Vừa hát ông ta vừa lấy trong bọc ra hai lọ thuốc tán, cầm hai tay vung vẫy mấy cái, thuốc bột trong lọ tung ra nhưng kỳ diệu là hai thứ thứ bột thuốc màu vàng và màu trắng bay quyện trong không khí đã lộn lẫn với nhau thật đều rồi rải xuống vết thương không xảy ra ngoài một hạt bụi nào.
Tiếp theo đó soạt soạt.... cả mảnh áo dài và chiếc áσ ɭóŧ của Y Mộng Lăng đều bị ông ta xé tan từng mảnh băng buộc vết thương. Xong ông ta buông tiếng thở ra nhẹ nhõm đứng dậy khẽ đá vào mông chàng một cái :
- Đó xong rồi, có thể ngồi lên được rồi.
Tam Tiêu Âm Lạc mạch được giải khai, Y Mộng Lăng từ từ ngồi dậy nhìn Hữu Dư tiên sinh :
- Cảm ơn lão tiền bối làm thật là quá lắm.
Ông ta ngửa cổ cất tiếng cười sằng sặc rung rinh cả cái bụng phệ rồi thò tay dưới bụng con lừa đứng kế bên rút ra một cái hộp gỗ vuông dài cỡ một thước, miệng nói :
- Đây chú mình coi.
Vừa nói ông ta vừa lẹ tay xếp qua lật lại cái hộp chỉ trong một thoáng đã có một cái bàn vuông rộng chừng hai thước trên bàn đầy dụng cụ đoạn ông ta nhìn chàng nói tiếp :
- Nào chúng ta ngồi xuống đây chơi được chưa?
Y Mộng Lăng đưa mắt nhìn cái bàn bạt chược rồi nhìn lên mặt Hữu Dư tiên sinh hỏi :
- Chỉ có lão tiền bối với tại hạ hai người....
Giọng nói của chàng đượm vẻ trầm buồn. Thật vậy mẫu người như Y Mộng Lăng một khi phải nhận ân huệ của kẻ khác thì nội tâm vô cùng nặng nề thắc mắc. Thế nhưng chàng còn biết nói gì đây bây giờ.
Hữu Dư tiên sinh trợn mắt ngó chàng nhắc lại câu nói :
- Quá lắm hả? Chữa chưa xong đâu.
Vừa nói ông ta vừa nhếch mép cười thần bí.
Y Mộng Lăng tỏ vẻ kinh dị nghi hoặc không hiểu ông ta còn giở trò gì nữa đây.
Giọng Hữu Dư tiên sinh tiếp tục :
- Nghe nói chú mình giỏi về môn đổ bác lắm phải không? Lão phu cũng là tay tổ trong nghề đó nhất là môn mạt chược.
- Mạt chược!
Y Mộng Lăng tỏ ra hết sức kinh dị chàng không ngờ chuyện chưa xong mà Hữu Dư tiên sinh nói đây lại là chuyện đánh mạt chược. Chàng nhếch cười kỳ dị khẽ hỏi :
- Phải lão tiền bối rủ tại hạ đánh mạt chược ở đây?
- Có phải chú mình ngại không có người xem chứ gì? Hà hà hà....
Hữu Dư tiên sinh tiếp lời :
- Ấy còn con lừa của lão nữa.
- Con lừa?
Nét tươi cười trên mặt Y Mộng Lăng như bị làn tuyết làm ngưng đọng chàng không dám tin lỗ tai mình. Lừa biết đánh mạt chược thật là chuyện thiên cổ kỳ văn chưa bao giờ nghe nói. Hữu Dư tiên sinh khẽ hừ một tiếng nói :
- Này chú mình đừng có coi thường, chưa chắc chú mình đã ăn nổi nó đâu, vì nó đã được lão phu huấn luyện kỹ lưỡng. Nếu không, làm gì lão có được cái tiếng có cá có dư.
Y Mộng Lăng khẽ bĩu môi nhún vai, không biểu lộ ý kiến gì nữa. Hữu Dư tiên sinh liền quay sang phía con lừa đốm lông :
- Kim Sư con, hãy lại đây chơi mạt chược đi.
Trông con lừa ốm yếu, chẳng có vẻ gì đặc biệt mà Hữu Dư tiên sinh lại đặt cho nó một cái tên rất kêu là “Kim Sư” khiến Y Mộng Lăng không nhịn được súyt bật cười.
Con Kim Sư trừng mắt ngó Y Mộng Lăng một cái gục gặt cái đầu hí một tiếng dài, rồi chạy lại nằm phục xuống bên cạnh bàn mạt chược. Hữu Dư tiên sinh cất tiếng cười hề hề ngồi xuống, thò tay xoa lên một hồi lách chách. Rồi đột nhiên ông ta lại cất tiếng :
- À! mới có ba, còn thiếu một chân nữa mới đủ chơi để ta phải đi kiếm mới được.
Đúng vậy, mặc dù đã có thêm con lừa đốm lông Kim Sư, cũng mới chỉ có ba, nhưng kiếm đâu ra một người nữa bây giờ, chẳng lẽ bắt một con cá trong bồn ra cho nó chơi ư? Hữu Dư tiên sinh dù được nổi danh là một kỳ nhân khắp tam sơn tứ hải trong mấy chục năm nay, quả nhiên mỗi hành động cử chỉ đều có tính chất kỳ bí.
Y Mộng Lăng khẽ nhún vai không nói gì nhưng thâm tâm chàng thầm suy nghĩ về ngôn ngữ hành động của đối phương.
Trong khi đó Hữu Dư tiên sinh vẫn lẩm bẩm như nói chuyện với một người nào đó :
- Đã chơi ăn thua đủ, thì kẻ được muốn cái gì kẻ thua cũng phải đưa cái nấy như thế mới là chơi không ai ép buộc ai, cũng như đi câu, muốn thì cắn vô.
Trong khi miệng nói lảm nhảm tay ông ta cầm cần câu kéo dài thêm sợi dây câu, miệng vẫn không ngừng :
- “Người ta thường nói thả dây dài, câu cá lớn” nhất là câu một chân đánh mạt chược, nếu không câu được con phi mập, thì khi được, ăn cái giải gì.
Tới đây, ông ta lại quay sang phía Y Mộng Lăng cười hì hì, hỏi :
- Có phải thế không chú bạn nhỏ?
Y Mộng Lăng lại chỉ nhướng mày không nói gì, vì từ ban nãy tới giờ, Hữu Dư tiên sinh đã nói liên tục, chàng ta còn chỗ nào đâu mà xen vô. Chàng hết sức kinh kỳ, không hiểu ông ta lại sắp giở trò quỷ quái gì. Chỉ thấy ông ta vừa dứt lời đã lẹ tay như một ánh chớp vυ't cần câu quất sợi dây bay ra xa.
Ối!....
Ồ! - Ánh mắt của Y Mộng Lăng nhìn theo hướng đi của sợi dây câu, và bất giác thốt tiếng kêu kinh ngạc. Hữu Dư tiên sinh vùng cất tiếng cười ha hả :
- Chà! Hôm nay thật là hên quá, mới xuất thủ là đã thu hoạch ngay, tuyệt quá!
Đúng tuyệt thật. Rõ ràng tất cả mọi sự xảy ra đều nằm trong sự toan tính của Hữu Dư tiên sinh nhưng ông ta lại cố ý tạo vẻ bất....
Chỉ thấy ông ta khẽ trầm cổ tay thu sợi dây câu về....
“Bịch!” Một thiếu niên trạc hai mươi tuổi mặt mũi phương phi từ trên ngọn cây kế cận rớt xuống đúng chỗ còn thiếu một chân bên bàn mạt chược. Gã lóp góp bò dậy! Không, phải nói gã bị sợi dây câu dựng dậy mới đúng. Lưỡi câu thẳng xuyên qua ngang sống mũi như con trâu bị xỏ xẹo, trông thật thảm hại, chỉ thấy gã nhăn mặt đau đớn nói :
- Lão tiền bối tại hạ là....
- Không cần nói nhiều ta đã biết rõ chú mình là ai rồi.
Dứt tiếng ông ta lại khẽ giật sợi dây câu một cái làm thiếu niên thốt tiếng kêu đau đớn nhổm dậy và lật đật đưa tay níu lấy sợi dây. Thảm trạng của thiếu niên so với cái cảnh không quần không áo của Y Mộng Lăng còn đáng thương hơn nhiều. Nhưng thanh danh của Hữu Dư tiên sinh ai mà dám coi thường, nguyên một thủ pháp công phu ông ta thi triển vừa rồi cũng đủ chấn nhϊếp võ lâm...