Vô Ảnh Thần Chiêu

Chương 11: Đóa hồng gai

Lã Tuyết Cừu và Phi Quỳnh ra tới giao lộ. Tuyết Cừu nói :

- Tại hạ phải về Thiên Trượng cốc mà chữa bệnh cho Cốc chủ. Ý của tiểu thư thế nào?

Phi Quỳnh nói :

- Đó là việc cần làm trước. Nhưng ta có thể đi với ngươi đến đó được không?

Tuyết Cừu nói :

- Tại hạ đã nghĩ về điểm này rồi. Quỷ Vô Môn Quan là nơi cấm người lạ đến. Chúng ta cứ đến nơi miệng hố, tiểu thư ở đó vài ngày chờ tại hạ. Nếu xin phép được thì tại hạ ra đưa tiểu thư vào. Còn không được, tại hạ sẽ chữa cho bà xong, rồi cùng tiểu thư đi.

Phi Quỳnh trầm ngâm không nói gì.

Dọc đường, họ nghe được nhiều tin cũng đáng chú ý. Có sáu thiếu nữ đẹp như tiên đã đánh chiếm mấy trạm của Nga Mi và giang hồ. Thỉnh thoảng có Tiểu Sát Tinh Lã Tuyết Cừu xuất hiện và yểm trợ cho họ. Họ lập thành những phạn điếm, tửu điếm để bán cho những người lương thiện. Ai đứng về phía Lã Tuyết Cừu thì được họ tiếp đãi tử tế còn khách giang hồ theo Nga Mi hoặc đệ tử của Nga Mi đều bị họ tiêu diệt.

Nga Mi nhiều lần phái các cao thủ đến nhưng không có một ai sống sót trở về. Đường đi đến Nga Mi bây giờ cỏ mọc hoang vu. Dần dần, các cô đó chiêu mộ được một số đông cao thủ giang hồ đứng về phía họ. Cuối cùng, Nga Mi phải mở một lối đi khác.

Các cô dọa :

- Rồi đây Nga Mi sẽ không còn một lối đi nào khác. Cho đến hôm nay quả thật, không còn người giang hồ nào dám qua lại với Nga Mi.

Nghe đâu khoảng mười thiếu nữ trẻ đẹp đã qui tụ về đó, và hơn trăm cao thủ khác chia làm ba trạm đóng trên các trục lộ hướng về phái Nga Mi cách nay chừng ngoài nửa tháng.

Lã Tuyết Cừu nghe những tin như vậy chỉ thở dài lòng tỏ ra phiền muộn chứ không nói gì.

Phi Quỳnh nói :

- Nghe những tin như vậy sao công tử lại thông vui?

Tuyết Cừu nói :

- Vui làm sao được? Đó là cái họa cho võ lâm mà thôi. Bất kỳ một đám đông nào cũng có những kẻ lợi dụng làm việc tư lợi cho mình. Đó là chưa kể họ sẽ phao những tin thất thiệt làm tốn hại huy tín những nhân vật chánh phái.

Phi Quỳnh gật đầu nói :

- Như vậy, sau khi chữa bệnh cho Bạch cốc chủ xong, ta nên trực chỉ đến Nga Mi mà giải quyết việc này.

Tuyết Cừu nói :

- Không được! Theo chỗ tại hạ biết các cô đó hầu hết là có cảm tình với tại hạ mà làm như vậy. Chả lý khi tại hạ đi, họ đi theo, tại hạ không cho thật khó xử? Cứ để họ sống như vậy một thời gian nữa, chắc chắn họ sẽ có đôi có cặp, chừng đó ta sẽ tính sau.

Phi Quỳnh nói :

- Hoặc một ít lâu sau, ta phóng tin Lã Tuyết Cừu chết là xong việc!

Họ vừa đi vừa nói chuyện.

Mãi đến trưa, họ đến một xóm nhà, hai người dừng lại đầu xóm mà ngồi nghỉ dưới một cội cây. Con trẻ lối xóm thấy Phi Quỳnh mặt rỗ chẳng rỗ chịt dễ sợ, ghê tởm, chúng vừa chạy vừa la :

- Ma tử nữ! Ma tử nữ (cô gái mặt rỗ).

Những người trong xóm nghe chúng la lại hiểu theo nghĩa con ma cái, liền cầm gậy chạy ra...

Phi Quỳnh tủi thân vô hạn. Nàng nhớ hồi trước khi đi, Lã Tuyết Cừu đòi cải trang cho nàng, nhưng nàng không chịu. Mục đích cũng là để dò xét tâm lý của chàng. Cho đến mẫu thân nàng cũng không dám nhìn thì còn ai dám nhìn?

Người trong xóm chạy ra thấy hai người. Người thanh niên tuấn tú, còn thiếu nữ mặt mày hung dữ như quỷ, đang ngồi bình tịnh dưới cội cây mà nhìn họ.

Có người đánh bạo đến gần hỏi :

- Công tử và cô nương đi về đâu?

Lã Tuyết Cừu lễ phép mà nói với họ :

- Huynh muội tại hạ đi làm ăn xa, nay trở về quê quán ở Nam Thị.

Một người nào đó nói :

- Vị ma nương (cô gái rỗ) có muốn chữa bệnh không, ta biết một vị lão sư chữa chứng ma chẩn này hay lắm.

Lã Tuyết Cừu đứng lên chắp tay nói :

- Lão bá có thể chỉ cho vãn bối vị lão sư đó không?

Một người nữa đứng ở bên cạnh nói :

- Khó lắm! Vị lão sư ấy ở trên núi Linh Nham, nằm về phía Tây xóm nhà này. Đường lên núi rất khó đi. Người có lòng thành và hiền hậu thì từ đây đến đó mất nửa ngày, còn người hung dữ đi cả đời không đến...

Lã Tuyết Cừu hỏi :

- Phải cần lễ vật gì đến gặp lão sư?

Người kia đáp :

- Lễ vật gặp lão sư là tấm lòng thành, ngoài ra còn một điều quan trọng nữa là bệnh nhân và người đưa bệnh đi không phải là người võ lâm. Đừng tưởng là người võ lâm mà mạo nhận là không thì cũng không qua mắt lão sư ấy được!

Tuyết Cừu và Phi Quỳnh thầm than khổ. Cả hai đều nghĩ rằng là dị nhân chắc chắn phải có một vài nét đặc dị.

Chàng chắp tay xá một cái nói :

- Cảm ơn chư vị lão bá. Bây giờ bọn vãn bối xin phép cáo từ để đến đó.

Các lão gìa nhìn nhau rồi nói :

- Không được đâu, đường đi trăn, rắn, hổ báo rất nhiều, lại nhiều ngõ ngách, phải nhờ người đưa đường mới được.

Phi Quỳnh nói :

- Nhờ chư vị lão bá giúp cho tiểu nữ một người hướng đạo.

Một thanh niên gần đó nói :

- Muốn đi ngay bây giờ, tại hạ xin dẫn lộ cho công tử.

Lã Tuyết Cừu cả mừng móc ngay một đĩnh bạc đưa cho người đó rồi nói :

- Vật mọn, xin huynh đài nhận giùm cho.

Người ấy cầm đĩnh bạc đưa cho người nhà rồi nói :

- Công mọn mà công tử cho nhiều quá!

Ba người từ giã dân làng rồi lên đường. Họ qua khỏi xóm nhà, nhắm hướng núi đi thẳng. Đi đến một bãi trống những nền lâu đài cổ rộng không biết bao nhiêu là dặm vuông.

Tuyết Cừu hỏi :

- Ngày xưa nơi đây chắc là kinh đô hay thủ phủ gì đây.

Người thanh niên nói :

- Nơi đây là phó đô của vua Ngô. Cách đây vài mươi dặm về phía Đông Nam là hồ Động Đình. Trên núi Linh Nham có nhiều di tích lịch sử, nhiều nhất là do vua Ngô Phù Sai kiến tạo cho vương phi Tây Thi.

Và ba người bắt đầu lên núi. Đường đi thật cheo leo hiểm trở. Nếu không có gã thanh niên, thì Tuyết Cừu và Phi Quỳnh đã dùng khinh thuật mà vượt lên núi rồi.

Phi Quỳnh hỏi :

- Sao Ngô vương lại chọn chốn núi cao này là nơi vương phi Tây Thi thưởng cảnh, đường lên xuống khó khăn như vậy?

Tên thôn phu nói :

- Đường lên xuống cho vua và hoàng phi ngự cách đây gần năm dặm. Ta đi đường đó xa xăm. Đi lối này lên giữa chừng núi thì dễ đi hơn, lại có nhiều cảnh ngoạn mục.

Không bao lâu, họ đi đến một khoảnh đất bằng. Thôn phu nói :

- Đến vị trí này là nửa núi. Ở phía, bắc ngay cây Thung nham xa tít mù kia có một ngã lên và đi xiên về phía Nam. Ở phía Nam, ngay tại cây Xuân có một lối đi xiên về phía Bắc. Ngay tại vị trí ta đứng có hai ngã lên. Mỗi ngã theo hình bán nguyệt. Chia làm năm lối đi, đếm từ trái qua phải ta đi lối thứ tư. Đến một hồi, gặp cây Bồ đề, tại đó cũng chia làm năm lối đi đến từ phải qua trái ta đi qua lối thứ tư...

Phi Quỳnh chận nói :

- Rắc rối nhỉ! Nhưng lão sư làm nhiều đường như vậy có mục đích gì?

Gã thôn phu mỉm cười :

- Những ngã ngách như vậy đã có bao nhiêu đời rồi, lão sư chỉ mượn chỗ khúc khuỷu để ít người đến quấy phá.

Theo đường đó đi về hướng Tây nam sẽ gặp Ngoạn Hoa trì. Ao này đầy cả súng và sen, do vua Ngô lập cho Tây Thi vương phi ngắm cảnh.

Phi Quỳnh lại hỏi :

- Trải biết bao tuế nguyệt, chả lẽ ao đó nay vẫn còn?

Thôn phu gật đầu :

- Nơi đó là vùng thạch nham (đá ong), lúc đá còn non thì mềm, lâu rồi đá ong rắn như đá bàn. Ao ấy đến nay vẫn còn nguyên. Chung quanh ao đó, đường đi nhiều hơn mạng nhện. Đầu đường bờ hồ đó vòng qua phía phải đến cụm giả liễu, ngay tại đó có một chùm bảy đường hình rẽ quạt, thì ta đi đường... Cuối cùng. Đường thứ tư là đường vào mê lộ...

Lã Tuyết Cừu ủa một tiếng nói :

- Kỳ quái thay! Ngô vương Phù Sai cũng lập mê lộ sao?

Gã thôn phu nói :

- Công tử đừng quên Tây Thi là một.. Đại giai nhân của thời đó, biết bao nhiêu người toan chiếm trái tim của nàng. Xa thì có Phạm Lãi, gần thì có Ngũ Viên và nhiều người khác. Ngô vương đã nhờ lão đạo sĩ Nam Hưng kiến trúc toàn bộ Linh Nham này. Con đường cuối cùng dẫn đến Ngoạn Nguyệt đài. Nơi đây, Ngô vương cất đền thủy tạ. Đền đã bị phá nhưng nền vẫn còn. Tại đây, một chùm tám đường rẽ quạt xuôi về từ Đông Nam đến Tây Nam. Tới đó, công tử chọn đường nào trực giác với đường này thì đi. Đi được nửa dặm tới cung Quán Khuê. Lão sư ở tại đây.

Tuyết Cừu và Phi Quỳnh nghe gã thôn phu diễn tả tỉ mỉ, lại tỏ ra là người có học, cả hai đều mến và hỏi thăm về y, y nhất mực vẫn nói mình là một thôn phu. Hắn còn nói :

- Xóm Hạ Nham đã thấm nhuần đạo lý của lão sư dạy.

Lã Tuyết Cừu hỏi thăm mọi chi tiết cần thiết.

Gã thôn phu xin phép trở lại. Hắn dặn :

- Nếu đi không đúng lời dặn thì đi hoài không bao giờ tới.

Cả hai cố gắng ghi nhớ. Họ chia tay.

Mặt trời gần lặn. Tuyết Cừu và Phi Quỳnh đi một hồi đã lên đến đầu núi. Họ theo lời dặn của gã hướng đạo, đã lần lượt đi qua cây bồ đề Ngoạn Hoa trì, Ngoạn Nguyệt đài.

Bây giờ trời tối, cả hai sợ lạc lối nên ngồi lại dưỡng thần và để phân biệt phương hướng. Cả hai cùng nhận rất rõ con đường trực giác, nhưng họ chưa đi vội.

Phi Quỳnh nói :

- Chả lý ta đến cầu lão sư về ban đêm?

Tuyết Cừu ngẫm nghĩ một hồi rồi nói :

- Là việc cần thì không ngại giờ giấc. Chúng ta gặp về đêm càng tỏ ra kính trọng hơn.

Hai người theo con đường trực giác mà đi.

Tuyết Cừu nói :

- Những bậc dị nhân chỗ ở của họ cũng có phần khác lạ. Cứ suy từ tiểu thư thì biết.

Phi Quỳnh chép miệng :

- Công tử khen ta, ta cảm thấy hổ thẹn thật. Ta chỉ muốn làm một người bình thường mà không được.

Bỗng Tuyết Cừu nói :

- Có người từ phía trước!

Hai người đi nhanh tới. Không bao lâu đôi bên gặp nhau. Người đứng trước mặt họ là một thiếu nữ.

Tuyết Cừu xá nàng một cái rồi nói :

- Thân muội của tiểu sinh có chứng nan y, nên mới đến đây nhờ lão sư điều trị.

Thiếu nữ lạnh lùng hỏi :

- Sao đến giờ này?

Phi Quỳnh nói :

- Vẫn cố đi sớm, nhưng không kịp!

Thiếu nữ nói :

- Hai người quay trở lại đi!

Tuyết Cừu khẩn khoản :

- Xin tiểu thư đoái tưởng đến những kẻ bạc phúc mà cho tiểu sinh gặp lão sư.

Đột nhiên, thiếu nữ tung ra một chưởng cực mạnh.

Lã Tuyết Cừu có thể tránh né, hoặc chống đỡ nhưng chàng nhớ lời dặn dò của mấy người ở xóm Hạ Nham, nên chàng hưởng trọn chưởng đó bay lăn lóc ra ngoài, ói ra vài búng máu.

Phi Quỳnh chạy tới đỡ Tuyết Cừu dậy, than :

- Vì tiểu muội mà đại ca phải ra nông nỗi này. Ta quay trở lại thôi!

Lã Tuyết Cừu bước tới vòng tay nói :

- Tiểu thư hãy đánh nữa đi!

Thiếu nữ vẫn lạnh lùng :

- Hai ngươi là cao nhân, làm sao qua mắt ta được!

Phi Quỳnh tức mình, xẵng giọng :

- Đối tượng của y học là cứu người. Có thể phân biệt chánh tà mới cứu hay không cứu, làm gì phân biệt có võ công hay không. Ta không cầu khẩn cô nương cứu ta. Ta muốn gặp lão sư mà thôi. Tránh đường!

Thiếu nữ không tránh đường, lại đánh về phía Phi Quỳnh một chưởng cực mạnh. Luồng chưởng đi rất êm.

Phi Quỳnh không đỡ, nàng chỉ tràn người né, luồng chưởng đi qua, cây cối bên ngoài kêu rào rào.

Phi Quỳnh nói :

- Cô nương đã đánh hai chưởng rồi đó nhé!

Thiếu nữ không nói không rằng, tống ra thêm một chưởng nữa.

Phi Quỳnh chớp người lên, nàng từ trên cao đánh xuống theo thế Thái sơn áp đỉnh, chưởng lực thâm hậu không tưởng.

Thiếu nữ kia đưa chưởng ra đỡ...

Nhưng chưởng lực của Phi Quỳnh quá mạnh, nên người đẹp Linh Nham bị đùa lui ra sau.

Phi Quỳnh đáp xuống nói :

- Ta không muốn gây sự, ta chỉ muốn gặp lão sư! Cứu người hay không là quyền của lão sư.

Thiếu nữ nói :

- Lão sư đã tạ thế chưa hết ba ngày. Hai vị nên quay lại!

Hai người nghe nói bất giác sững sờ. Nhưng họ vẫn còn nghi thiếu nữ kia nói không thật.

Phi Quỳnh nói :

- Lão sư là bậc đại hiền. Là ân nhân của bệnh nhân. Nếu lão sư đã cưỡi hạc qui tiên, thì cho bọn tiểu nữ vào chiêm bái vong linh của ngài.

Thiếu nữ cười nhạt nói :

- Ta biết các ngươi không tin. Thôi được, cứ vào thì rõ.

Nàng nói xong dẫn đường đi trước, hai người theo sau.

Ban đêm trời không trăng, họ chẳng thấy gì lạ ngoài cây cối hai bên đường.

Một ngôi nhà thấp lè tè trước mặt, không phải cung điện Quán Khuê như hai người được nghe tả.

Thiếu nữ đưa hai người vào bên trong, thấy linh cữu quàn ở giữa nhà. Một bài vị đề Đại lão y sư Ngô Bách Tùng linh vị.

Hai người đảnh lễ xong, Tuyết Cừu nói :

- Tại hạ nghe nói lão sư ở cung Quán Khuê...

Gương mặt thiếu nữ buồn rười rượi, dù nàng không điểm trang nhưng nhan sắc vẫn đẹp đến thập thành.

Thiếu nữ mỉm cười nói :

- Cung Quán Khuê làm gì còn tới nay. Đây là nền cũ của cung ấy.

Phi Quỳnh ngẫm lại thấy vận số mình đen đúa, rồi nhìn cảnh thê lương, bất giác nàng thở dài nói :

- Cô nương có thể nào cho biết quý danh? Chúng ta tình cờ đến đây, gặp cảnh ngộ này đành phải chia buồn. Xin ở lại đây với cô nương, sáng sớm mai sẽ đi.

Thiếu nữ đáp :

- Ta là Vương Giải Ngữ, đệ tử thứ ba của lão sư. Hai đại đệ tử đầu là sư huynh và sư tỷ bị lão sư trục xuất cách đây năm hôm. Thế nào đêm nay họ cũng lại đây. Ta chỉ yêu cầu quý vị rời khỏi nơi đây ngay bây giờ.

Lã Tuyết Cừu động tâm hỏi :

- Vương tiểu thư! Chẳng hay lệnh huynh và lệnh tỷ đến đây với dụng ý thế nào?

Vương Giải Ngữ nói :

- Hai người này tính tình kín đáo bí hiểm. Đến cuối cuộc đời sư phụ mới nhận ra chân tướng họ. Đêm qua họ đến đây lấy cớ là phúng điếu sư phụ, nhưng thật ra họ muốn lấy sách vở y học và võ học của sư phụ để lại. Dĩ nhiên theo ý sư phụ, ta không đưa cho họ. Họ hẹn đêm nay họ đến. Việc của bản môn, ta muốn chúng ta tự giải quyết lấy. Hơn nữa, họ là những người dùng độc chuyên nghiệp.

Phi Quỳnh nói :

- Vương tiểu thư đã nói vậy thì chúng ta còn can thiệp làm sao?

Hai người đứng lên cáo từ.

Chợt Vương Giải Ngữ nhìn gương mặt Phi Quỳnh một cách chăm chú, rồi nói :

- Có lẽ cô nương đến đây chữa chứng ma tử (rỗ) trên mặt. Đối với y học, chứng này thật nan y. Dấu vết này không phải là bệnh, mà do người ta chủng.

Lã Tuyết Cừu hỏi :

- Tiểu thư đã biết được nguyên ủy chắc là chữa được chứng này?

Vương Giải Ngữ nói :

- Nếu còn lão sư thì chuyện không thành vấn đề. Đối với ta thì khó nhiều mặt. Việc đầu tiên vẫn là di ý của sư phụ không chữa bệnh cho người võ lâm. Một điều nữa, học thuật của ta vẫn còn non nớt, chữa chứng này là cả một sự liều lĩnh. Đó là chưa kể đến đêm nay hung hiểm thế nào.

Lã Tuyết Cừu gợi ý :

- Lệnh sư không chữa bệnh cho người võ lâm chắc là có lý do. Tại hạ nghĩ lệnh sư và tiểu thư đều là người võ lâm. Giả sử tiểu thư bị bịnh gì đó chả lẽ tiểu thư không tự chữa cho mình. Nhưng thôi!

Hai người chào Vương Giải Ngữ rồi bước ra khỏi nhà, lòng lấy làm buồn phiền.

Phi Quỳnh an ủi :

- Ta đành phải chịu vậy, công tử đừng phiền muộn làm gì. Nhưng ta không nên đi, mà hãy ẩn vào đâu đó để giúp cho Giải Ngữ một tay.

Tuyết Cừu nói :

- Tại hạ cũng nghĩ vậy nhưng sợ phật ý Vương tiểu thư mà thôi.

Phi Quỳnh nói :

- Nếu việc không nghiêm trọng thì ta đừng ra mặt.

Hai người giả vờ đi một hồi rồi vòng lại ẩn mình vào khóm hoa trước nhà.

Khoảng đầu giờ Hợi, họ thấy hai bóng đen xuất hiện. Ánh đèn lờ mờ trong nhà hắt ra, họ thấy hai người đó một nam, một nữ. Gã đàn ông trạc tuổi trên dưới bốn mươi, còn nữ nhân kia là một thiếu phụ, tuổi khoảng ba mươi.

Cả hai không vào nhà. Thiếu phụ gọi :

- Vương sư muội! Chúng ta đã đến rồi, sư muội hãy ra đây mà nói chuyện!

Có tiếng Vương Giải Ngữ từ trong nhà nói ra :

- Không có việc gì để đàm phán cả. Hai vị không liên hệ gì với bản môn. Xin đừng làm phiền nhau!

Gã sư huynh nói :

- Vương Giải Ngữ! Nếu sư muội không ra thì ta đốt nhà, đừng trách!

Giải Ngữ nói vọng ra :

- Có xác sư phụ còn quàn đó, hai vị muốn đốt thì đốt đi!

Gã sư huynh tức quá, nói :

- Con liễu đầu kia! Ngươi tưởng chúng ta không dám xông vào nhà sao?

Hắn nói xong rút kiếm nhảy thóc vào. Còn thiếu phụ tiến sát đến bên cửa.

Trong nhà có tiếng giao đấu vọng ra. Phút chốc, có ba bóng đen khác xuất hiện cũng xông vào nhà. Thiếu phụ bây giờ cũng nhập cuộc luôn.

Vương Giải Ngữ một mình chống cự với năm người. Dù nàng có muốn thi thố thủ đoạn gì cũng bất tiện. Hơn nữa, cặp sư huynh muội này võ công cao cường, lại thêm ba tên trợ thủ của chúng cũng lợi hại không kém.

Vương Giải Ngữ lâm nguy.

Gã sư huynh nói :

- Bây giờ con tiện tì ngươi có lạy mà đưa tài liệu ra, ta cũng không tha.

Vương Giải Ngữ vừa đánh vừa nói :

- Đừng nằm mộng. Trước khi ta chết thì các người cũng hết sống.

Mụ sư tỷ đưa ra một ác chiêu, Vương Giải Ngữ hết đường né tránh.

Lúc này Lã Tuyết Cừu bỗng nhiên xuất hiện. Ánh đao chớp lên, ba thanh kiếm gảy răng rắc.

Lã Tuyết Cừu chỉ mặt tên sư huynh nói :

- Các ngươi là một lũ phản sư diệt tổ. Đã vậy mà còn cậy nhiều hϊếp ít, cậy mạnh hϊếp yếu. Gặp ta đây thì hết đường.

Lã Tuyết Cừu đứng uy nghi như một vị thiên thần. Sự xuất hiện của chàng rất bất ngờ, chỉ một chiêu kiếm đưa ra khiến đám gian ác này sợ khϊếp vía.

Gã sư huynh làm gan nói :

- Các hạ là ai lại chen vào việc riêng của chúng ta?

Lã Tuyết Cừu lạnh lùng nói :

- Tiểu Sát Tinh Lã Tuyết Cừu! Đây không phải là vi ác riêng! Các người dám dẫn kẻ lạ mặt tới đây, còn nói ta nỗi gì?

Tên sư huynh nói :

- Tất cả hãy xông vào gϊếŧ hắn!

Nhưng cả bọn năm người chỉ còn có hai thanh kiếm, thì còn ai dám xông vào! Hắn nói nhưng vẫn đứng bất động.

Lã Tuyết Cừu chớp ánh đao lên...

Vương Giải Ngữ la lớn :

- Hãy tha mạng cho chúng!

Lã Tuyết Cừu điểm huyệt hết năm tên. Chàng nói :

- Các người là những đứa vô lương tâm, lý ra ta phải gϊếŧ bỏ cho rồi. Nhưng nghĩ lão sư vừa mới qua đời, nên ta không nỡ gϊếŧ các ngươi. Nếu các ngươi còn manh tâm tới đây tranh giành bất kỳ vật gì thì đừng trách ta.

Lã Tuyết Cừu xuất thủ giải huyệt cho chúng.

Năm tên thất thiểu bước ra.

Lã Tuyết Cừu vòng tay nói với Vương Giải Ngữ :

- Vương tiểu thư sẽ không thể ở đây lâu được. Tại hạ đoán rằng sớm muộn gì chúng cũng lai vãng đến đây. Tiểu thư nên thu xếp mà đi nơi khác. Bây giờ xin cáo từ.

Vương Giải Ngữ đưa tay ngăn chàng lại nói :

- Công tử đã không phiền muộn gì ta, lại cứu ta ơn ấy làm sao ta quên được. Cô nương khi nãy đâu?

Phi Quỳnh bước vào nói :

- Tiểu muội vẫn còn ở đây.

Vương Giải Ngữ đốt thêm nhiều ngọn đèn bạch lạp, rồi nhìn vào mặt Phi Quỳnh nói :

- Đây là một trận đồ án theo Lạc thư nhưng phải dùng Tiên thiên hà đồ mới phá giải được. Hai vị đã nghiên cứu chưa?

Lã Tuyết Cừu và Phi Quỳnh trình bày ý kiến của mình.

Vương Giải Ngữ bổ túc thêm rồi nói :

- Hồi tệ sư còn sinh tiền có nghiên cứu về trận đồ rất kỹ. Chính ngài là người đầu tiên vào mê lộ của núi Linh Nham này. Ngoài ngài ra còn một vị nữa, đó! À Huyết Ma Tử cũng tài hoa không kém.

Tuyết Cừu hỏi :

- Vương tiểu thư có biết trận đồ này lập ra ở đâu không?

Vương Giải Ngữ mở quyển sổ ra chỉ vào trận đồ đã ghi sẵn trong sổ nói :

- Nó đây! Trận này có tên Bán Cực thiên đồ pháp do Đông Hải Thần Quân lập ra và giấu vào nơi tâm trận hai bộ “Đỗ thư” nguyên bổn. Đông Hải Thần Quân thách Huyết Ma Tử vào, nhưng ông ấy không vào. Có lẽ là ông không dám vào. Huyết Ma Tử ngồi như mọc rễ ở chân núi Tung Sơn, ngày nào cũng mở trận đồ ra nghiên cứu.

Tuyết Cừu nói :

- Có lẽ tiểu thư đã nghe lệnh sư nói về việc này. Nhưng trận đồ đó lập ở đâu và nhốt ai trong ấy?

Vương Giải Ngữ nói :

- Ta không biết nhốt vào đó mấy người. Nhưng theo lão sư nói, người đầu tiên bị nhốt vào đó là Phùng Kỵ phu quân của Phi Loan Tiên Tử.

Phi Quỳnh giật mình hỏi :

- Nguyên do làm sao Phùng tiền bối bị nhốt vào đó?

Giải Ngữ nói :

- Phùng Kỵ là một nhân vật tài hoa tuyệt đỉnh. Ông giỏi rất nhiều môn, lại không phục Đông Hải Thần Quân, ông muốn cho thiên hạ biết không hề có bộ đồ thư trong trận này, không ngờ vào đó mà ra không được. Ngót hai mươi năm không ai biết ông còn sống hay đã chết!

Lã Tuyết Cừu hỏi :

- Ngoài Phùng tiền bối ra còn ai nữa?

Vương Giải Ngữ nói :

- Kẻ trước người sau còn bốn cao thủ. Tung Sơn có Ôn Trường Thu, Hoa Sơn có Chân Chân sư thái, Thiếu Lâm có Huyền Vân đại sư, Trường Bạch có Thanh Hoa pháp sư. Vào đó rồi không có vị nào trở về lại nhân gian.

Lã Tuyết Cừu lại hỏi :

- Vương tiểu thư có thể đoán được ai đã vẽ trận đồ trên gương mặt của Phi Quỳnh không?

Vương Giải Ngữ nói :

- Thật khó hiểu cho người này. Nếu là thiện tâm thì vẽ trận đồ ấy trên một tờ giấy cũng đủ. Nếu là ác tâm, thì gương mặt cô nương không phải như vầy. Có ba nhân vật đủ tư cách để vẽ trận đồ một cách chính xác là Ngô lão sư, Lã Huyết Thủ và Huyết Ma Tử. Nhưng tệ sư không bao giờ dính chuyện này. Còn Huyết Ma Tử không bao giờ rời khỏi Tung Sơn. Có thể, trước khi bị giang hồ truy sát, Huyết Thủ có thể vẽ bản đồ này để lại cho Phi Loan Tiên Tử chăng? Đây chỉ qua là nghi vấn của ta mà thôi. Không chắc lắm. Trận đồ này Đông Hải Thần Quân lập ở gò Ma Khâu quận Miên Thủy.

Phi Quỳnh nói :

- Chúng ta nên tìm Huyết Ma Tử mà hỏi nghi án này.

Còn Lã Tuyết Cừu trong bụng chết điếng, khi nghe đến việc có thể phụ thân chàng làm việc này. Trước đây, Lã Tuyết Cừu từng nghe Từ nhũ mẫu nói, Lã Đạo Nghi rất giỏi về trận pháp, nhưng có thể nào ông làm việc ấy? Chàng băn khoăn mãi.

Vương Giải Ngữ nói :

- Trở về vấn đề phục hồi nhân diện, với sức ta cũng thật khó. Một phần vì những vết sẹo này có vết rất sâu và đầy cả mặt.

Lã Tuyết Cừu hỏi :

- Ngoài tiểu thư ra, còn ai có thể làm được việc này?

Vương Giải Ngữ nói :

- Chắc là có, nhưng ta không biết.

Chàng lại hỏi :

- Vương tiểu thư đã vào trong Mê cung kia chưa?

Giải Ngữ nói :

- Lão sư đã vào đó rồi. Ngài cấm các đệ tử không được vào. Lý do nơi ấy có nhiều điều dị hoặc có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Phi Quỳnh mới bước chân vào giang hồ đã gặp những điều thắc mắc lớn, một Mê cung, một trận đồ lại có liên quan đến nhan sắc và tình cảm của mình. Một nghi án về trận đồ. Rồi sự liên hệ tình cảm của nàng với Lã Tuyết Cừu, cũng như của các cô nương khác đối với chàng. Ngoài ra, còn phụ thân nàng đã bị nhốt trong trận ngoài hai mươi năm không biết sống chết ra sao?

Phi Quỳnh nói :

- Vương tỷ tỷ! Theo ý tiểu muội, ngày mai chúng ta vào Mê cung, không chừng có điều liên quan đến võ lâm. Chính vì vậy mà lão sư quyết định không chữa bệnh cho người võ lâm.

Vương Giải Ngữ suy nghĩ thật lâu, nói :

- Không phải ta sợ chết mà không đi! Ngặt tệ sư khi lâm chung có dặn mấy điều, trong đó có hai điều chính là không chữa bệnh cho người võ lâm và không vào Mê cung. Vậy mà ta sắp sửa vi phạm cả hai.

Tuyết Cừu nói :

- Còn không thì để tại hạ vào, nhị vị ở lại ngoài.

Vương Giải Ngữ thở dài :

- Ta vừa nghĩ một việc. Sáng mai ta sẽ đem linh cữu của sư phụ đặt vào Mê cung cho ngài yên nghỉ nơi đó. Không thôi, kẻ gian rình rập, không chừng bọn chúng còn quấy phá linh cữu của ngài. Nhân chỗ yên tịnh ấy, ta nghiên cứu và phục hồi nhan sắc lại cho Phi Quỳnh cô nương.

Hai người nghe nói cả mừng. Cả ba cùng sửa soạn những vật dụng cần thiết đâu vào đó, rồi họ chia nhau ngủ sớm.

Phi Quỳnh và Giải Ngữ là hai thiếu nữ tài hoa nằm tâm sự với nhau. Còn Lã Tuyết Cừu cứ trăn trở mãi không cách nào ngủ được. Mỗi một chuyện ấn tích trên gương mặt của Phi Quỳnh cũng đủ cho chàng mãi tư lự. Lã Tuyết Cừu ngồi dậy đi dạo bên ngoài.

Bây giờ khoảng nửa đêm.

Thình lình có một bóng trắng từ đâu đó xuất hiện lảng vảng trước mặt chàng. Người này có thuật khinh công quái lạ. Dường như chân đi lướt trên ngọn cỏ.

Lã Tuyết Cừu trổ hết thuật khinh công của mình vẫn không đuổi theo kịp người ấy. Khoảng cách giữa hai người chừng mươi bước chân. Chàng vẫn không rõ người ấy là nam hay nữ.

Tuyết Cừu phân tích :

- Nếu ta đuổi theo người này quá xa, hai nàng không thấy ta đâu sẽ đi tìm, kẻ gian đột nhập vào thì sẽ có chuyện không hay. Nhưng nếu không đuổi theo thì liệu có việc gì xảy ra?

Tuy suy nghĩ, nhưng chân chàng vẫn không giảm tốc độ.

Kẻ kia chạy đến con đường Mê lộ rồi vào trong đó.

Lã Tuyết Cừu ngạc nhiên. Chàng tự hỏi :

- Tại sao người ấy lại vào Mê lộ. Mê lộ có bao nhiêu đường bao nhiêu ngõ ngách?

Chàng vẫn bám sát theo người đó. Vì bận chú ý chung quanh Mê lộ, nên khinh công của chàng hơi chậm, nhưng bóng trắng vẫn giữ một khoảng cách với chàng. Lã Tuyết Cừu biết đối phương cố ý dẫn dụ chàng vào đây, tất nhiên hắn có dụng ý.

Khinh công của người kia cao hơn chàng, còn võ công ra sao thì chưa biết. Tuy nhiên, theo thông thường kẻ có võ công cao thì khinh công hẳn cao. Lã Tuyết Cừu rất tự tin bản lĩnh mình. Cứ nghĩ tới chuyện hai nàng nóng lòng, chàng không yên tâm tí nào khi muốn đuổi theo người đó. Tự nãy giờ chàng đã bẻ qua nhiều lần đường, dĩ nhiên là chàng ghi nhớ.

Lã Tuyết Cừu nói lớn :

- Vị cao nhân nào đó xin cho gặp mặt, tại hạ có lời muốn hỏi.

Người kia không nói, tiếp tục chạy về hướng phía trước.

Chàng nhủ thầm :

- Mê lộ và Mê cung không đơn giản. Đi thế này các cô không biết ngõ nào tìm.

Lã Tuyết Cừu quanh trở ra. Chàng quanh qua lộn lại một hồi. Thấy chỗ nào cũng giống nhau, chàng sợ đến đổ mồ hôi. Mỗi con đường đi qua chàng đều có làm dấu, vậy mà chàng cứ quanh quẩn hoài. Chàng tự trách mình thiếu cẩn thận lại khinh suất.

Bỗng nhớ việc gì đó, chàng vội vỗ vào đầu kêu bốp bốp, nói :

- Ta ngu quá! Thì cứ đi về hướng Đông nam là xong.

Chàng an định các vì sao xong liền nhắm hướng Đông mà đi. Khi ra lọt phía ngoài, thì phương Đông cũng vừa hừng sáng.

Chàng chạy một hơi trở lại ngôi nhà lụp xụp kia. Hai cô không còn ở đó nữa. Linh cữu cũng không còn.

Họ đi đâu, hay có việc gì, Lã Tuyết Cừu thốt thành lời. Còn linh cữu của Ngô lão sư đâu? Ai đã khiêng đi rồi?

Chàng bối rối thật sự. Đường sá nơi đây nhiều và chẳng chịt như tơ. Lã Tuyết Cừu không biết đường nào mà đi. Một lần lạc vào Mê lộ khiến chàng đã phải kinh tâm. Nếu không chạy tìm, chả lẻ phải đứng ở nhà để đợi?

Tuyết Cừu để ký hiệu trước cửa, rồi chạy về hướng Nam.

Trời sáng dần. Chàng không thấy dấu hiệu nào của hai cô để lại. Chạy hoài vẫn là con đường trước mặt xa hút, vẫn không thấy tăm dạng gì. Chàng quanh lại, lòng quá đổi giận phiền.

Bây giờ chàng lại chạy về hướng Tây, con đường càng lúc càng đi xuống phía bên kia núi.

Trời sáng hẳn. Con đường này có vẻ quang đãng hơn mọi đường, chứng tỏ rằng từng có nhiều người đi qua lối này.

Lã Tuyết Cừu nghĩ thầm :

- Đây có lẽ là nhóm người khác chứ không phải là đám sư huynh sư tỷ của Giải Ngữ.

Chàng không hiểu họ có quen biết gì với nhau không?

Đi một hồi, chàng thấy lưng chừng núi có một ngôi nhà nhỏ, vách xây và lợp ngói, Lã Tuyết Cừu phi thân đến đó. Tới nơi, thấy cửa khép hờ, Tuyết Cừu đẩy cửa bước vào.

Nhà vắng tanh. Không khí lạnh ngắt ghê rợn, khiến chàng có nhiều chú ý nhận xét kỹ về nhà này nhiều hơn.

Trên bốn vách nhện giăng bụi bám, một vách treo mấy cây đàn cổ, còn vách kia treo bức tranh thiếu nữ đánh đàn, dường như vừa quét lau sạch sẽ. Phía sau còn một tiểu phòng... Chàng bước ra sau đó. Không khí nơi đây về buổi sáng sớm mát rượi. Các cửa đều đóng chặt.

Một thiếu nữ nằm ngủ tỉnh khô, dường như nàng tin rằng, chung quanh nàng là một cảnh thái hòa.

Tuyết Cừu lúng túng, chàng nghĩ rằng ở Linh Nham này là giang san riêng của Ngô lão sư, thì người có mặt ở đây được gọi là “đột nhập gia cư bất hợp pháp”.

Lẽ dễ hiểu, phòng trước có dấu hiệu người mới đến. Do đó, thiếu nữ đang ngủ này được kết là đồng bọn với đám đạo tặc kia.

- “Thế thì có nên đánh thức nàng dậy không?” - Lã Tuyết Cừu tự hỏi.

Dù gì, một thiếu nữ ngủ ở phòng riêng, ta là người đường đường chính chính lại đột nhập vào phòng nữ nhân đó là một cử chỉ không hay. Huống chi nàng đang ngủ với tư thế thật thoải mái và ngon giấc.

Lã Tuyết Cừu ở xa đằng hắng đôi ba lần, vẫn không thấy nàng động đậy. Chàng lấy làm lạ, đánh liều bước tới.

Chàng đưa tay sờ mạch...

Tay chưa chạm vào nàng, bất ngờ thiếu nữ lật tay nắm chặt uyển mạch của chàng và tay kia nàng điểm lẹ vào mấy trọng huyệt.

Chàng không xoay xở vào đâu được đành phó mặc cho số phận.

Thiếu nữ vươn vai ngồi dậy, nhoẻn miệng cười thật tươi, nói :

- Tiểu Sát Tinh! Bây giờ thì.. Ngươi hết cho ngươi là cái thế anh hùng rồi chứ? Làm trai thà chết ở ngoài chiến địa, chứ ai chết bên giường thiếu nữ?

Lã Tuyết Cừu trợn đến rách con mắt vẫn cứ tưởng mình là chiêm bao. Bao nhiêu lời muốn hỏi, nhưng không thể mở miệng bởi vì câu hỏi lớn nhất vẫn chưa giải đáp được đó là câu :

- Làm cách nào ta thoát khỏi hiểm nghèo này?

Chàng đứng im lặng quan sát thiếu nữ. Nàng trạc tuổi với chàng, nhan sắc mặn mà. Gương mặt trái xoan bầu bĩnh. Đôi mắt tuyệt đẹp và xa vắng. Đôi môi chín đỏ. Thiếu nữ không một chút dấu hiệu có ác tính, thì do dâu nàng có hành động thế này?

Suy lại Lã Tuyết Cừu đáng liệt vào mỹ nam tử, ít ra chàng nói chuyện với giai nhân cũng xứng vai vế!

Chàng nhìn thật chậm vào mắt nàng rồi nói :

- Tại hạ không biết cô nương là ai, cũng không oán thù gì với cô nương cả. Xin cô nương cho biết danh tánh!

Thiếu nữ trừng mắt nói :

- Ai nói ngươi không oán cừu với ta? Ta chính là đệ tử của Tiết Thần Thông. Làm con biết báo cừu cho cha, đệ tử không có quyền báo cừu cho thầy sao? Ngươi có nhiều tội đáng chết lắm.

Lã Tuyết Cừu nhắm mắt nói :

- Thế thì mời cô nương ra tay!

Nàng nói :

- Ngươi không chết khỏe vậy đâu. Tội xa của ngươi là gϊếŧ người bừa bãi. Tội gần của ngươi là dám vào phòng thiếu nữ trong lúc đang ngủ, dù ta biết rằng, người đến bên ta có sự chánh tâm, bằng chứng là ngươi có vẻ đắn đo.

Tuyết Cừu lặng thinh. Một niềm hy vọng quá nhỏ nhoi, là Phi Quỳnh và Giải Ngữ theo ký hiệu của chàng mà có thể tìm tới đây để cứu.

Thiếu nữ nói :

- Sao ngươi không hỏi nói gì cả, mà đứng như trời trồng ra thế?

Tuyết Cừu nói :

- Nếu đem ra cửa công mà luận về tội, thì cô nương và đồng bọn là phạm tội chết. Trước nhất, đồng bọn của cô đã đột nhập vào nhà lão sư mà cướp linh cửu. Đó là điều mạ lỵ đạo đức. Sau đó đánh lừa để bắt kẻ vô tội, để thực hiện ý đồ đen tối của mình. Ta không muốn nói chuyện với cô nữa, dù cô có đẹp như tiên nữ.

Chàng đứng nhắm mắt nhằm vận công và khí để chuẩn bị tự giải khai huyệt đạo.

Thiếu nữ nghe chàng nói lời nặng trịch, nàng cười nhẹ, nói :

- Nếu đem ra công luận thì ta vô tội. Linh cữu kia không phải linh cữu, mà là một hòm sách. Chín chữ trên bài vị là nét bút của lão sư. Ngài họ Sầm, tên Sâm. Ba tiếng Ngô Bách Tùng, lấy bộ Mộc về phía trái, ghép thành họ của ngài.

Lã Tuyết Cừu cả kinh. Chuyện sống chết có thể nào đùa được?

Chàng trầm ngâm một hồi rồi hỏi :

- Cô nương có thể nào nói rõ thêm chăng? Chuyện gần như hoang đường?

Thiếu nữ đáp :

- Trước khi chết năm ngày, ông đuổi các đệ tử đi với các lý do các đệ không phải là hiền đồ. Tuy nhiên, đó chẳng qua là cái cớ để họ khỏi biết bí nật của ông. Gia bảo của ông là hòm sách quý đó, chính vì vậy ông không muốn chữa bệnh cho người võ lâm. Chỉ vì ông sợ những người có võ công cao đến đây đoạt sách của ông.

Lã Tuyết Cừu hơi tin, nhưng cũng có phần thắc mắc. Chàng hỏi :

- Có lý nào Vương Giải Ngữ lại nói dối tại hạ, người vừa cứu cô ấy thoát chết? Hơn nữa, tại sao lão sư phải giả chết để tránh chỗ này? Lão sư đi, nhưng đi đâu mới được chứ? Và nàng Giải Ngữ phải làm gì trong chuổi ngày sắp tới? Hòm sách kia nàng phải chôn giấu ở đâu? Và hiện tại hòm sách kia đồng bọn của cô nương khiêng đi đâu rồi?

Cô gái cười nhẹ, nói :

- Ta chỉ một mình chứ không có đồng bọn. Một mình ta lừa người vào Mê lộ, rồi một mình ta điệu hai cô bé kia ra khỏi Quán Khuê trong lúc ngươi còn đang lúng túng trong Mê lộ. Rồi mình ta mang linh cữu đi. Rồi cũng chính ta... Bắt ngươi ở chốn này.

Lã Tuyết Cừu buột miệng :

- Vậy cô nương là.. Sư phụ của Tiết Thần Thông, và là một kim cổ kỳ nhân. Dạm hỏi Sầm lão sư đi đâu? Cô nương đã là cao nhân, có thể nào giải huyệt cho tại hạ để đánh nhau một trận không?

Thiếu nữ đáp :

- Tiết Thần Thông không dạy võ mà dạy ta những môn khác. Ta cũng chả phải là một kim cổ kỳ nhân. Sầm lão sư tức là.. Huyết Ma Tử, người ở chân núi Tung Sơn đó. Ta không điên khùng gì phải giải huyệt cho ngươi, để rồi phải đấm đá với ngươi cho nhọc sức. Có hai điều ngươi tưởng đến thật hoài công. Một là ngươi để những ký hiệu để chờ hai cô bé kia cứu ngươi. Hai là ngươi vận công vận khí để tự giải khai lấy huyệt đạo.

Những lời của nàng nói rất thong thả, rõ ràng không phải là bịa đặt, khiến cho Tuyết Cừu cả sợ. Chàng hỏi :

- Cô nương đã làm gì hai người đó rồi?

Nàng đáp :

- Ta đưa họ vào Mê cung với hòm sách. Họ sẽ chết đói và chết khát nơi ấy.

Lã Tuyết Cừu gầm lên :

- Cô là một.. Đại ma đầu! Nếu hai vị cô nương đó có mệnh hệ gì thì cô phải chết dưới tay Lã Tuyết Cừu này. Cô báo danh đi!

Nàng nói :

- Ngươi lại nghịch ngôn nghịch ngữ rồi! Kẻ chết là ngươi chứ không phải là ta. Ta là Tiểu ma nữ Băng Kiên. Ngươi có biết cũng không sao. Hơn mười con bé chận đường lên Nga Mi chỉ còn có bốn con: Mộc Thúy Hương, Lý Yến Phi, Như Tuyết, Tiểu Kha là trốn thoát. Còn mấy con nhỏ kia hoặc bị gϊếŧ, hoặc bị phế bỏ võ công, cùng với mấy mươi cao thủ giang hồ dại gái mà theo ủng hộ Lã Tuyết Cừu, vốn trước đây bọn chúng muốn gϊếŧ Lã Tuyết Cừu.

Thấy nàng nói thủng thỉnh như chơi mà sắc nét, chàng lạnh xương sống, hỏi :

- Cô nương quá tàn nhẫn! Tại hạ mà sẩy ra được thì sẽ băm vụn vằn xương thịt cô ra. Mấy người kia thù oán gì với cô?

Nàng thản nhiên nói :

- Họ ngăn chận việc làm của ta! Họ lợi dụng uy tín của ngươi mà làm nhiều việc sai trái. Nếu ta không trừ họ, để ngươi rắc rối cả thiên thu.

Lã Tuyết Cừu cười nhạt :

- Cảm ơn tấm lòng tốt của cô nương. Cô nương tốt quá, thiên cổ cũng phải đội mồ mà... Chạy.

Băng Kiên nói :

- Còn ngươi lo chuẩn bị để hầu hạ ta!

Nàng nói xong, giải cho Tuyết Cừu một số huyệt để chàng có thể đi đứng ngắn hạn, và một số cử động vừa phải.

Băng Kiên nói tiếp :

- Ở đây, rau dưa củ trái, ngươi tự bào chế thức ăn. Đến bữa ăn, ta dùng trước, ngươi dùng sau. Khi hết cao hứng ở, ta sẽ gϊếŧ ngươi rồi ta đi.

Lã Tuyết Cừu nói :

- Cô nương đâm ta một nhát không hay hơn sao?

Băng Kiên nói :

- Mọi việc ta làm đều có suy nghĩ kỹ.

Tuyết Cừu nói :

- Vậy tại hạ tự tử cho rồi.

Nàng đứng lên nói :

- Ngươi hãy đi làm bổn phận của ngươi đi. Ta không phải trẻ con, ngươi đừng dọa.

Nàng nói xong, mở cửa sau đi ra...

* * * * *

Lã Tuyết Cừu đứng trên miệng giếng mà lòng xốn xang. Trăm lo ngàn tính, ân thù nặng trĩu, chàng dù, muốn chết cũng không xong. Thấy con chim bay, con cá lội mà lòng thèm khát tự do. Khả đắc tự do bất như thủ đắc, tự do. Con giun con kiến cũng còn thèm khát sự sống, huống chi còn người còn lắm nợ nần.

Chàng lau bàn sạch rồi đặt thức ăn lên, nói :

- Mời tiểu thư dùng bữa!

Không phải chàng thiếu thái độ anh hùng. Làm được những việc thế này mới đáng gọi là một tuyệt đại anh hùng. Vung gươm chém người, quát tháo ầm ĩ, thời nào nơi nào cũng có. Mai một mà chịu đựng trên hành cung cố cung của Ngô vương quả là một ứng sự. Việt vương Câu Tiễn và Tể tướng Phạm Lãi chẳng từng làm nô dịch cho Ngô vương ở đây hay sao?

Lã Tuyết Cừu đứng nhìn nàng ăn, lòng chàng đột nhiên thấy khoái. Bởi vì Tuyết Cừu... Pha một hợp chất đặc biệt trong thức ăn cho có vị.

Băng Kiên ăn rất tự nhiên, có vẻ khoái khẩu nữa. Nàng nói :

- Ngươi làm đầu bếp khéo lắm.

Tuyết Cừu nói :

- Cái gì hay thì ham, chứ làm đầu bếp thì không ham. Tại hạ biết nấu nướng từ hồi chưa biết nói.

Băng Kiên nói :

- Tội nghiệp! Công tử khổ cực đến thế kia. Ăn xong rồi đó, đến lượt công tử.

Tuyết Cừu nói :

- Phận tôi đòi đâu dám ngồi đồng bàn với tiểu thư. Tại hạ sẽ ăn với.. Ông táo.

Chàng nói xong dọn mâm đi.

Hết một buổi trưa, chàng vẫn nghĩ không ra kế hoạch trốn thoát nơi này. Những toan tính trong đầu của chàng, Băng Kiên đều nắm chắc. Dường như nàng có phép đọc tư tưởng người khác.

Giả sử, Tuyết Cừu đả thông được sinh tử huyền quan, thì sự giải huyệt không thành vấn đề. Hoặc giả sử, Băng Kiên không phải là một đại cao thủ thì chàng cũng tự giải khai được huyệt đạo.

Nhưng giữa chàng và nàng đã có mối thù gì? Nàng bắt chàng ở đây bao lâu? Mục đích gì? Lã Tuyết Cừu đứng sau hè mà ngẩn ngơ.

Có tiếng Băng Kiên gọi :

- Tuyết Cừu!

Chàng bước vào nói :

- Cô nương dạy gì?

- Ngươi ngồi xuống đó kể chuyện cho ta nghe.

Chàng nói nhanh :

- Tại hạ không biết chuyện gì để nói, chỉ trừ mỗi chuyện muốn nói là, muốn cô nương hãy ngậm miệng lại.

Băng Kiên nói :

- Quá ngôn là tự hại mình đó! Tôi đòi không được quyền đó. Lấy quạt, quạt cho ta ngủ!

Nàng ném quạt sang cho chàng.

Lã Tuyết Cừu cầm quạt lên nói thầm :

- Mỗi ly nước, mỗi miếng thức ăn ngươi nuốt trong người là có giọt nước... Của ta. Một lúc nào đó cái bụng của ngươi nó cũng sưng lên cho nà xem. Lúc đó ngươi đừng có mở miệng năn nỉ.

Chàng vừa quạt, vừa nói :

- Cô nương à! Cô nằm ngửa ra đó, cho dù tại hạ là một tên tiểu đồng chăng nữa cũng rất khó coi, huống chi tại hạ là một trang hảo hán đã thành danh.

Băng Kiên co lên một chân, nói :

- Ngươi đừng quên ta là một Tiểu ma nữ! Ngươi càng hảo... Hán, ta càng thích. Không ai bảo ngươi nhắm mắt làm gì. Ta ngủ.