Vũ Lâm Ký Sự

Chương 33: Hồi 33

Sau cuộc chiến, đoàn chiến thuyền của quan binh lại neo đậu bên bờ sông.

Trên thuyền, trong một gian phòng rộng rãi, bày trí trang nhã, một chàng thiếu niên công tử phong lưu anh tuấn đang ngồi trầm tư. Đứng hầu hai bên là hai văn sĩ nho sinh, một cầm quạt lông, một cầm quyển sách, một người oai nghi, một người thanh nhã, mỗi người mỗi vẻ. Chàng công tử vận y phục rất hoa lệ, hai văn sĩ vận y phục trang nhã. Đó chính là Giang Thừa Phong cùng hai thủ hạ thân tín là Lưu Quốc Hiên và Công Tôn Long.

Không gian yên ắng một lúc lâu, rồi văn sĩ tay cầm quạt lông, tức Lưu Quốc Hiên, chợt lên tiếng :

- Công tử. Vụ việc này, ý công tử thế nào ạ ?

Thiếu niên công tử, tức Giang Thừa Phong, nói :

- Công Tôn huynh đệ. Hãy cho đưa bọn chúng vào đây để ta xem tư chất thế nào. Hy vọng là có thể chấp nhận được.

Công Tôn Long cung kính vâng lệnh, đi ra ngoài. Lát sau lão dẫn vào ba tên đầu đảng của bọn thủy khấu. Cả ba tên rón rén đến trước Giang Thừa Phong, đồng phục xuống vái lạy, kính cẩn nói :

- Bọn tiểu nhân là Trương Vụ Đình, Tống Cảnh, Lý Tuấn xin tham kiến công tử. Cầu ngọc thể vạn an.

Bọn họ nói năng trôi chảy, hành lễ kính cẩn, chắc là đã được Công Tôn Long dặn dò từ trước rồi. Thái độ thuận phục đó khiến Giang Thừa Phong có chút hảo cảm. Chàng khẽ mỉm cười, đưa mắt quan sát cả ba tên thật kỹ, đoạn hỏi :

- Công Tôn huynh đệ nói rằng các ngươi mới ra làm ăn chuyến này là lần đầu. Thế nghĩa là sao ?

Tên đại ca là Trương Vụ Đình cung kính nói :

- Xin thưa thật với công tử, bọn tiểu nhân vốn không phải là thủy khấu, trước nay chỉ sinh sống bằng nghề chài lưới, giăng câu. Mấy hôm trước, nhị đệ từ phương Nam về cho hay bọn Thông Thiên Giáo đã đánh chiếm trang viện của Cái Mạnh Thường Lưu trang chủ ở Nam Xương, thu được không ít tài vật, sắp chuyển vận qua đây. Bọn tiểu nhân chẳng lượng sức mình, đã dại dột chặn đường đánh cướp, nào hay bọn tiểu nhân đã nhận lầm, đó lại là tài vật của Thái Chính Cung, cúi xin công tử đại lượng thứ tha.

Gã nhị đệ là Tống Cảnh tiếp lời :

- Hồi bẩm công tử. Bọn tiểu nhân nghĩ Thông Thiên Giáo là bọn tà ma ngoại đạo, cướp đoạt của bọn chúng cũng là vì chính nghĩa võ lâm, nên mới hành động nông nổi, gây nên đại họa. Chứ không phải bọn tiểu nhân cố tình xúc phạm đến Thái Chính Cung, cầu công tử minh xét.

Giang Thừa Phong trầm ngâm suy nghĩ. Lưu Quốc Hiên thấy chàng lẳng lặng không lên tiếng, liền nhìn bọn Trương Vụ Đình hỏi :

- Vậy các huynh đệ của ngươi đều là …

Trương Vụ Đình nói :

- Dạ. Ngoại trừ một số là tráng đinh trong trang, còn lại tất cả đều là ngư dân trong vùng, chỉ vì đi theo bọn tiểu nhân nên mới gặp phải trường kiếp nạn này.

Giang Thừa Phong vẫn mãi trầm ngâm, chưa lên tiếng. Trương Vụ Đình lại hướng vào chàng, vái lạy, nói :

- Công tử. Bọn tiểu nhân nhất thời lầm lỡ, hối hận cũng đã muộn. Tính mạng của bọn tiểu nhân xin tùy công tử xử trí. Chỉ xin công tử mở lượng hải hà mà dung tha cho các huynh đệ. Bọn họ còn có vợ con phải chăm sóc, có phụ mẫu phải phụng dưỡng.

Lưu Quốc Hiên hỏi :

- Thế các ngươi có vợ con không ?

Trương Vụ Đình ngơ ngác đáp :

- Tiểu nhân đã có vợ con. Còn nhị đệ, tam đệ vẫn chưa lập gia thất, nhưng còn có mẹ già em nhỏ.

Lưu Quốc Hiên lại hỏi :

- Ngươi chết rồi, ai sẽ lo cho vợ con ngươi ?

Trương Vụ Đình buồn rầu nói :

- Tiểu nhân đáng tội chết, không làm sao được. Nếu như tiểu nhân chết đi rồi, các huynh đệ có người nào còn được sống sẽ chăm lo cho vợ con tiểu nhân. Còn như tất cả chết hết thì … đó là số mạng.

Lưu Quốc Hiên hướng về Giang Thừa Phong chắp tay nói :

- Công tử. Bọn họ chỉ vì nhất phen lầm lỡ mà phạm phải lỗi lầm, chứ không phải cố ý mạo phạm bản cung, tình cảnh kể cũng đáng thương. Nếu như có thể tha được thì xin công tử hãy dung tha cho bọn họ, để bọn họ có cơ hội đoái công chuộc tội.

Giang Thừa Phong cau mày nói :

- Huynh đệ đã nói vậy thì ta không thể không dung tha cho bọn họ rồi ?

Lưu Quốc Hiên nói :

- Để cha mẹ vợ con bọn họ không còn nơi nương tựa, trở thành cô nhi quả phụ, kể cũng tội nghiệp.

Giang Thừa Phong hỏi :

- Chỉ vậy thôi ư ?

Lưu Quốc Hiên lại nói :

- Thật ra thì thuộc hạ thấy bọn họ cũng là người có nghĩa khí, có thể thu dụng được. Nếu có thể xin công tử hãy gia ân cho phép bọn họ được gia nhập bản cung, để có cơ hội đoái công chuộc tội.

Ba người bọn Trương Vụ Đình nghe lão nói câu này thì vô cùng mừng rỡ, chẳng khác nào có lệnh đặc xá. Được như thế, không những ba người bọn họ được toàn mạng mà các huynh đệ cũng được dung tha. Hơn nữa, từ nay cả bọn sẽ có một thế lực cực kỳ hùng mạnh để nương tựa. Ở vào thời điểm hỗn loạn này, không có chỗ nương tựa vững chắc thì rất nguy hiểm. Mà nhìn trước ngó sau, Thái Chính Cung vẫn là một chỗ dựa vững chắc, ngay cả đối diện Thông Thiên Giáo cũng không phải sợ.

Thế nhưng, Giang Thừa Phong lại lắc đầu nói :

- Không được.

Lưu Quốc Hiên ngạc nhiên hỏi :

- Công tử. Sao thế ạ ?

Giang Thừa Phong nói :

- Có nghĩa khí thì tốt. Nhưng quá có nghĩa khí thì không tốt chút nào. Bởi nếu ta giao cho bọn họ trông coi các việc kinh doanh tại đây, không chừng khi thấy người gặp khó khăn hoạn nạn, bọn họ dám đem tất cả vốn liếng ra giúp đỡ. Có khi còn bán cả nhà cửa đất đai để lấy tiền chu cấp cho người ta.

Lưu Quốc Hiên gượng cười nói :

- Chắc không đến nỗi vậy đâu.

Giang Thừa Phong nhìn Trương Vụ Đình hỏi :

- Thân quyến của ngươi đâu rồi ? Sao không thấy trong trang ?

Trương Vụ Đình đáp :

- Dạ. Tiểu nhân đã cho đưa gia quyến đi ở nhờ nơi khác, vì trong trang có quá nhiều người, bọn họ ở lại không tiện.

Giang Thừa Phong đưa mắt nhìn Lưu Quốc Hiên khẽ lắc đầu. Lão ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói :

- Công tử. Nếu bỏ qua việc bọn họ nhận lầm bản cung là Thông Thiên Giáo. Thuộc hạ nhận thấy ba huynh đệ bọn họ cũng còn có điểm chấp nhận được. Trong khi những người khác kéo tới Nam Xương tiếp trợ Lưu Thành thì huynh đệ bọn họ lại tổ chức đón đường tập kích tại đây. Điều đó cho thấy bọn họ vừa biết tính toán kỹ lưỡng trước khi hành động, vừa biết tự lượng sức mình.

Trương Vụ Đình nói :

- Dạ. Bọn tiểu nhân không đến Nam Xương chẳng phải vì tham sống sợ chết, mà chỉ vì tự biết công phu bản thân quá thấp kém, sợ rằng sẽ chẳng giúp gì được mà còn làm vướng bận mọi người.

Lưu Quốc Hiên thấy Giang Thừa Phong vẫn trầm tư, liền hỏi :

- Công tử định thế nào ạ ?

Giang Thừa Phong ngẫm nghĩ giây lâu, mới nói :

- Thôi được rồi. Cứ kể như ta sẽ lập thêm ở đây một viện nữa vậy. Hãy cứ tạm gọi là … là Thủy Hương Viện, vị trí ở dưới Lưu Hương Viện một chút. Lưu huynh đệ hãy thay ta lo liệu thu xếp việc này.

Lưu Quốc Hiên cung kính tuân mệnh. Bọn Trương Vụ Đình vô cùng mừng rỡ, vội phục lạy, hành đại lễ ra mắt công tử gia cùng Đại Tổng quản, sau đó quay sang vái chào Lưu Hương Viện chủ, là người đã tiến dẫn.

Lễ nghi tất, Trương Vụ Đình cúi lạy, cung kính nói :

- Số hàng hóa hiện vẫn còn trong trang. Xin được giao nộp lại cho công tử.

Giang Thừa Phong nhìn Lưu Quốc Hiên hỏi :

- Số hàng đó huynh đệ nhận thấy nên xử lý thế nào cho phải ?

Lưu Quốc Hiên nói :

- Số hàng đó đối với bản cung cũng chẳng cần thiết lắm. Theo ý thuộc hạ hay là cứ để lại nơi đây. Thứ nào còn dùng được thì dùng. Thứ nào không cần dùng thì sẽ đem bán. Khỏi phải mất công vận chuyển phiền phức.

Giang Thừa Phong gật đầu nói :

- Như vậy cũng được. Trước đã định đưa về Lưu Hương Viện. Công Tôn huynh đệ cùng Lưu Hương Viện cũng đã góp nhiều công sức trong việc tiễu trừ bọn Thông Thiên Giáo lần này. Vậy hãy chia lấy hai phần giao cho Công Tôn huynh đệ, còn một phần cứ để lại đây, xem như nguồn vốn ban đầu.

Cả bọn cung kính vâng dạ. Chàng lại ngắm nhìn bọn Trương Vụ Đình, sau đó quay sang Lưu Quốc Hiên nói tiếp :

- Những người ở đây công phu còn kém lắm. Lưu huynh đệ hãy nán lại đây huấn luyện bọn họ, đến khi nào đạt yêu cầu mới cho xuất đạo. Môn hạ của bản cung mà công phu kém quá thì còn gì oai danh của bản cung nữa.

Lưu Quốc Hiên cung kính vâng dạ. Chàng lại nói :

- Chúng ta sẽ chia tay tại đây. Ta và Lý cô nương sẽ đến Hán Khẩu, rồi chuyển sang đường bộ vào Xuyên. Lưu huynh đệ tạm ở lại đây cho đến khi thu xếp xong công việc. Còn Công Tôn huynh đệ cứ về Lư Giang.

Cả bọn cung kính vâng mệnh, tiễn Giang Thừa Phong lên đường. Lưu Quốc Hiên cùng bộ thuộc ở lại. Còn Công Tôn Long dẫn thủ hạ trở về Lư Giang. Trình Tiểu Thanh và Hứa Thanh Bình vì là người của Lưu Hương Viện nên buộc phải theo Công Tôn Long về Lư Giang chứ không được đi theo Giang Thừa Phong. Thật ra thì hai người bọn họ chỉ cần được ở cạnh nhau, thì dù có ở đâu cũng vậy thôi.

Sau đó, các chiến thuyền lại nhổ neo, quay mũi giương buồm tiến thẳng về phía Tây, trở về thủy trại Hán Khẩu. Tại đây, Tuần Giang đô đốc Trần Vũ lại tưng bừng mở tiệc nghênh đón vương gia hồi giá, đồng thời luận công ban thưởng cho những tướng sĩ có công trong chuyến đi này. Cả thủy trại lại được thêm một phen náo nhiệt.

Lúc ấy đã muộn, Giang Thừa Phong quyết định ở lại thủy trại thêm một đêm, sáng sớm mai mới lên đường.

Tối hôm đó, chàng triệu Lưu Hương Tam Kiệt đến để khảo sát công phu tuyệt nghệ, để xem võ công bọn họ đã tiến triển đến mức nào rồi.

Suốt thời gian qua, chàng đã truyền thụ cho ba người bọn họ nhiều môn tuyệt kỹ cả về kiếm pháp, thân pháp, chưởng pháp và cả môn ám khí. Bọn họ sở đắc thần công, trong lòng hứng khởi cố gắng luyện tập nên cũng đã đạt được ít nhiều thành tựu. Vì thế mà hôm trước Lưu Đức Huy mới có thể hiển lộ tuyệt kỹ khiến Vệ Thanh Hoa và Thành Thế Kiệt vô cùng khâm phục.

Chàng bảo ba người họ lần lượt biểu diễn võ công.

Lưu Đức Huy vâng mệnh tiến ra biểu diễn trước. Đầu tiên là kiếm pháp. Thanh trường kiếm trong tay y vần vũ múa lượn, tỏa ra muôn nghìn con rắn bạc, trông rất đẹp mắt, có thể dùng mấy chữ : biến ảo, linh diệu, tinh kỳ để chỉ. Lý Nhược Hồng ngồi bên xem cứ luôn miệng nức nở khen hay.

Được Lý Nhược Hồng khen ngợi, Lưu Đức Huy hý hửng múa hết pho kiếm pháp, rồi bỏ kiếm xuống, thi triển quyền chưởng cùng thân pháp, ám khí. Các môn này cũng vậy, cũng biến ảo tinh kỳ. Xong đâu đó, y đứng chắp tay một bên, chờ Giang Thừa Phong bình phẩm. Chàng ngẫm nghĩ giây lát, mới nói :

- Công phu của huynh đệ nhìn rất đẹp mắt, nhưng uy lực chưa đủ, chỉ có thể lấy điểm với giai nhân chứ khó mà đả thương địch thủ. Chiêu thức do huynh đệ đánh ra bao trùm mọi nơi, cùng một lúc nhắm vào nhiều mục tiêu, tuy có thể khiến đối thủ hoang mang, nhưng cũng vì thế mà nội lực bị phân tán, uy thế giảm đi nhiều. Trong khi giao đấu, chỉ cần điểm trúng một mục tiêu là cũng có thể đả thương đối phương được rồi. Về điểm này huynh đệ cần phải rèn luyện thêm.

Nghe chàng nói đúng ngay điểm yếu của mình, Lưu Đức Huy đỏ mặt ngượng ngùng, bẽn lẽn vâng dạ.

Lại đến lượt Phạm Kinh Quốc trổ tài.

Ngày thường Phạm Kinh Quốc lạnh lùng ít nói, xem có vẻ không có gì nổi bật, nhưng công phu tu vi lại rất thâm hậu, chiêu thức đánh ra cực kỳ oai mãnh, chưởng phong kiếm khí rít ào ào, sát cơ rất mạnh. Từng chiêu từng thức nặng nề chậm chạp, nhưng rất có uy lực, trái ngược hẳn với Lưu Đức Huy. Lý Nhược Hồng xem y thi triển công phu, thấy sát khí quá mạnh, bất giác rùng mình.

Đánh xong chiêu cuối cùng, Phạm Kinh Quốc lại đứng sang một bên, chắp tay chờ đợi Giang Thừa Phong bình phẩm.

Nhưng Giang Thừa Phong chưa vội lên tiếng. Chàng ngắm nhìn y một lượt, ngẫm nghĩ một lúc, rồi mới hỏi :

- Trông tâm trạng huynh đệ có vẻ nặng nề u uất, nên trong kiếm chiêu mới ẩn chứa nhiều sát cơ như vậy. Phải chăng trong lòng huynh đệ còn vướng mắc một mối oán thù nào đó chưa được giải tỏa.

Phạm Kinh Quốc cúi đầu nói :

- Công tử thần nhãn anh minh đã soi thấu tâm can thuộc hạ. Thuộc hạ quê ở Hình Châu, Hà Bắc. Thân phụ bị người biểu đệ ám hại để cướp đoạt gia sản. Mấy năm nay, thuộc hạ đã năm lần báo phục mà vẫn không thành. Thuộc hạ đành đi khắp nơi, mong tìm gặp minh sư cầu giáo, may mà được gặp công tử.

Giang Thừa Phong khẽ thở dài, nói :

- Phụ thù tất phải báo. Nhưng cũng không nên quá bất cận nhân tình. Kẻ kia dù gì cũng là biểu thúc của huynh đệ. Việc này có lẽ cũng cần nên tra rõ chân tướng sự việc xem thử thế nào. Nếu quả là kẻ kia vì tham mê tiền tài mà ám hại lệnh tôn thì không việc gì phải nói. Bằng như có uẩn khúc gì thì … cũng cần nên xem lại.

Phạm Kinh Quốc cúi đầu nói :

- Dạ. Thuộc hạ xin vâng theo lời dạy của công tử.

Giang Thừa Phong lại nói :

- Từ ngày mai, các vị huynh đệ không cần phải theo ta nữa, cứ đi hành đạo giang hồ để giải quyết những chuyện riêng và thu thập thêm kinh nghiệm. Khi nào cần, ta sẽ cho người đến triệu.

Cả ba người đồng vâng dạ. Chàng lại nhìn Phương Nhân Kiệt, nói :

- Đến phiên huynh đệ rồi đó.

Phương Nhân Kiệt vâng dạ, cắp kiếm bước ra. Đầu tiên là biểu diễn kiếm thuật, rồi đến chưởng pháp, thân pháp, các môn khác. Võ công của y không linh diệu biến ảo như của Lưu Đức Huy, cũng không có uy lực như của Phạm Kinh Quốc, nhưng đã khiến Giang Thừa Phong rất hài lòng. Chàng nói :

- Chiêu thế của huynh đệ bình hòa trung chính, không ẩn chứa sát cơ, đó mới là phong độ của người quân tử.

Sáng hôm sau, mọi người chia tay nhau. Ba người bọn Lưu Đức Huy cùng đi về phương bắc. Lưu Đức Huy và Phương Nhân Kiệt vốn chỉ ngao du giang hồ, không có việc gì nên định đi theo giúp Phạm Kinh Quốc trả mối gia thù.

Trong khi đó, Giang Thừa Phong cùng Lý Nhược Hồng đi về phía tây, thẳng đường vào đất Thục.

Tứ Xuyên chính là đất Thục.

Đất Thục nổi tiếng khắp thiên hạ bởi đường sá gập ghềnh hiểm trở, đèo cao dốc dựng cùng với cái nắng kinh người.

Đất Thục hiểm trở, dễ thủ khó công, nên nhiều bậc vương đế đã dựa vào đó để tranh thiên hạ hoặc cố giữ lấy cơ nghiệp đế vương. Thời Sơ Hán, Hán Bình Đế tránh loạn Vương Mãng đã chạy vào đất Thục, đắp thành Bạch Đế để chống cự. Và Đường Minh Hoàng khi tránh loạn An Lộc Sơn cũng đã chạy vào đất Thục.

Đất Thục có nhiều danh lam thắng tích, như miếu Vũ Hầu, thành Bạch Đế, sông Gia Lăng, … đã để lại dấu ấn trong nhiều thi phẩm cổ kim.

Trên đường vào Xuyên có hai nhân vật mỹ mạo xinh đẹp đang ung dung cưỡi ngựa sánh bước, vừa đi vừa thưởng thức cảnh vật hai bên đường.

Nhân vật bên trái là một thiếu niên công tử, dung mạo phương phi anh tuấn, vận y phục rất hoa lệ, mặc dù hai tay chàng bị trói chặt bởi một mảnh lụa trắng, nhưng vẻ mặt lại luôn hớn hở tươi cười. Còn người bên phải là một thiếu nữ vận áo màu lục, trông cũng rất xinh đẹp, nhưng sắc diện lại hơi có vẻ lạnh lùng. Hai người chính là Giang Thừa Phong và Lý Nhược Hồng.

Rời Hán Khẩu, hai người đi men theo dòng Trường Giang. Từ Sở vào Xuyên đường xá gập ghềnh hiểm trở, hai người lại đi một cách thong thả ung dung nên cuộc hành trình rất là chậm chạp.

Một buổi chiều nọ, hai người đi đến một vùng núi non hùng vĩ, tùng bách ngút ngàn, xa xa thấy ẩn hiện một tòa thành quách.

()

Lý Nhược Hồng dừng ngựa, đưa mắt ngắm nhìn khắp xung quanh, đoạn quay sang Giang Thừa Phong hỏi :

- Đây là nơi nào ? Sao lại có thành quách giữa nơi rừng núi hoang vu thế này ?

Giang Thừa Phong khẽ mỉm cười, ngâm nga :

“Triêu từ Bạch Đế thái vân gian,

Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn,

Lưỡng ngạn viên thanh đề bất trụ,

Khinh chu dĩ quá vạn trùng san.”

Lý Nhược Hồng nói :

- Hóa ra nơi đây chính là thành Bạch Đế. Ngươi đã từng đi qua đây rồi ư ?

Giang Thừa Phong khẽ lắc đầu. Nàng lại hỏi :

- Chúng ta có nên đến đó nghỉ qua đêm hay không ?

Giang Thừa Phong nói :

- Tiểu sinh cũng không rõ. Danh sơn thắng tích thường có các ẩn sĩ cư ngụ. Chúng ta đến chẳng biết có được hoan nghênh hay không nữa ?

Trong một cánh rừng cạnh đó đột nhiên vang lên một giọng cười trong trẻo, thanh âm của thiếu nữ :

- Được đón tiếp bậc danh sĩ là điều hân hạnh cho bọn tiểu nữ.

Lý Nhược Hồng giật mình, vội ngoảnh mặt lại nhình. Còn Giang Thừa Phong thì chỉ khẽ mỉm cười. Chàng cũng từ từ quay lại.

Một thiếu nữ mình mặc áo lụa hồng, vóc người thanh tú kiều diễm, đang đứng dưới cội tùng già. Đôi mắt trong veo và đen láy của nàng đang chăm chú ngắm nhìn Giang Thừa Phong, tựa hồ như đã bị tư thái phong lưu, khí chất hào hoa, cùng dung mạo anh tuấn của chàng hấp dẫn.

Thiếu nữ có khuôn mặt trái xoan, vành môi anh đào, tóc buông rũ vai, mũi cao mắt sáng, so với Lý Nhược Hồng thì quả là mỗi người mỗi vẻ khó phân hơn kém. Giang Thừa Phong nhìn nàng khẽ mỉm cười. Nàng bị nụ cười ấm dịu của chàng thu hút, đứng ngây người, chẳng thốt nên lời.