Mùa hạ ở Giang Nam, phong cảnh hoa mỹ, ve kêu, chim hót, nhưng dường như A Tử không thấy, không nghe, nàng chú tâm dọ hỏi tin tức Tiêu Phong. Bữa đó, lúc gần đến thành Vô Tích, A Tử nhớ lại, từng nghe Tiêu Phong kể chuyện ông đã bị người ta phanh phui thân thế nơi rừng cây lê trong thành. Nàng suy luận, có khi Tiêu Phong đã tìm về chốn cũ, nên nàng đã đi một vòng trong, ngoài thành tìm kiếm, những cũng vẫn không tìm ra chính xác khu rừng lê đó ở đâu, cũng như không có được chút manh mối gì của Tiêu Phong.
Ngồi bên bờ Thái Hồ, A Tử nhìn ra mênh mang sóng nước ngoài xa, sóng lòng cũng trào dâng trong nàng. Đời người đã qua bao lần tang điền thương hải, một trăm năm sau, giưã biển người mênh mông, Tiêu Phong không biết lưu lạc chốn nào, rồi lại nghĩ đến tỷ A Châu, sinh trưởng nơi Giang Nam, nhưng kiếp hồng nhan bạc mệnh, đã vùi thân nơi xứ người. Nghĩ tới ngang đó, A Tử vỗ tay, buột miệng kêu lên: "Đúng rồi! Tiểu Kính hồ, tỷ phu nhất định là ở Tiểu Kính hồ."
Nàng phấn khởi, đứng bật dậy, leo lên mình ngựa, ra roi lên đường nhắm hương phủ Tín Dương nơi tỉnh Hà Nam đi một mạch. Nguyên nàng nghĩ đến chỗ A Châu mai táng bên bờ Tiểu Kính hồ, tình nghĩa Tiêu Phong dành cho A Châu sâu rộng tựa biển khơi, nếu ông còn tại thế, thể nào ông cũng đến viếng phần mộ A Châu, cho dù nàng không gặp ông ở đấy, ít ra cũng có thể thăm dò được một chút tin tức.
A Tử ngày đêm gian khổ, rong ruổi trên đường, cũng đến được Tín Dương. Tiểu Kính hồ là một nơi hẻo lánh ít người biết, nhưng A Tử từng trú ngụ ở đấy một thời gian, cho dù cách xa trăm năm rồi, nhưng nàng vẫn có thể nhận ra đường đất. Sau khi giong ngựa quanh co rẽ phải, quẹo trái theo một con đường nhỏ, lúc đến chỗ cây cầu đá xanh lớn, nàng đã không khỏi nhớ đến cái đêm mưa ấy, Tiêu Phong một chưởng đánh chết A Châu, rồi ông ôm tỷ tỷ nàng khóc lóc thảm thiết, nàng nấp xem một bên, nào ngờ từ đó đã đem lòng yêu ông, vĩnh viễn không sao đưa mình ra thoát lưới tình. Thế gian giờ là thế gian của một trăm năm sau, nhưng chiếc cầu đá xanh vẫn y như xưa, có điều người năm ấy giờ không biết đang ở đâu, A Tử đứng ngẩn ngơ bên thành cầu, suy tư miên man.
A Tử buộc ngựa tại thân một cây liễu ven cầu, vượt qua cây cầu gỗ nhỏ bên cạnh thạch kiều, bước lần theo lối mòn, đường mỗi lúc một hẹp, cỏ dại mọc đầy. Đi chừng nửa canh giờ, phía trước đột nhiên khoáng đãng, một mặt hồ sáng như gương soi hiện ra trước mắt. Rừng trúc ken dầy bao bọc hồ, tưởng chừng trăm năm đó, trúc đã lấn lướt mọc phủ kín khắp cả, Gian nhà nhỏ bằng tre trúc không còn nữa, A Tử luần quần hàng nửa ngày mới thấy mộ của tỷ tỷ mình, cũng thật kỳ quái, hơn một trăm năm đã qua, mà ngôi mộ A Châu vẫn không bị mưa gió vùi lấp, vẫn ở nguyên chốn cũ, tưởng chừng đang chờ đợi người thân trở về từ nơi xa. Trước mộ cỏ mọc xanh um, quanh đấy có vài đoá đỗ quyên nở hoa rực màu đỏ như máu.
A Tử dùng tay vạch cỏ hoang trước mộ, lòng thầm nghĩ: "A Châu tỷ tỷ, cuộc đời tỷ cô khổ, nhưng tỷ đã chiếm được trái tim tỷ phu, xem ra tỷ cuộc sống như thế cũng là đầy đủ, phần muội dẫu ngày ngày được kề cận tỷ phu, nhưng huynh ấy không hề để muội trong lòng. Tỷ nói cho muội nghe đi, rốt cuộc muội có chỗ nào không bằng tỷ ...” Nghĩ đến đấy, nàng bỗng kêu “ai da" một tiếng, rồi đứng bật dậy, đôi chân lảo đảo suýt bị ngã. Thì ra nàng vừa nghĩ, nếu Tiêu Phong đã có đến đây, ông đâu để cỏ trước mộ mọc cao như vậy. Từ nàng thọ thương đến giờ đã qua hơn ba tháng, nếu Tiêu Phong còn sống, thế nào ông cũng tìm đến đây trước tiên. Giờ người chưa thấy tới, có lẽ đã không còn tại thế nữa kia?
Nghĩ đến khả năng đó, A Tử run bắn người, nàng ngước nhìn lên cao, bầu trời vẫn xanh thẳm như xưa. Năm đó nàng lần đầu gặp Tiêu Phong cũng là dưới bầu trời xanh thẳm này, bên khoảnh nước hồ trong vắt này, tai A Tử như còn văng vẳng tiếng rầy la của ông. Nàng lầm thầm: "Tỷ phu, tỷ phu, cho muội được nghe huynh rầy la thêm một lần nữa, dẫu phải chết lập tức, muội cũng nguyện ý cam lòng.”
Nước mắt tươm ra, nhạt nhoà hình ảnh Tiêu Phong tựa hồ đang đứng trước mắt, nàng nhổm dậy, bổ nhào ra trước, nhưng chỉ thấy toàn gió thổi lá trúc lay động, nào đâu là bóng dáng Tiêu Phông?
“Muội biết huynh còn sống, muội biết mà.” A Tử tận sức gào lên, nàng lao ra khỏi rừng trúc, nhắm hướng đường mòn chạy tới. Vừa khỏi bệnh xong, thân thể còn yếu ớt, lối mòn lại khó đi, nàng đã vấp ngã không biết bao lần, nhưng A Tử chẳng cảm giác chút đau đớn nào, vượt ngang cây cầu gỗ nhỏ, nàng cởi giây buộc, nhảy lên ngựa, phóng đi ào ào.
Chạy không biết được bao xa, trời đang tối dần, A Tử dừng ngựa, thấy toàn thân đau nhức, người lảo đảo dường muốn ngã. Nàng định thần, nhìn xung quanh, chỉ thấy ruộng đồng khắp chốn, ngựa của mình đang xéo nát một khoảnh đất trồng hoa cải vàng rực. Từ bé, A Tử vốn chẳng mấy biết tiếc của, nàng không có phản ứng gì, vừa định kéo cương cho ngựa đi tiếp thì A Tử bỗng nghe giọng một thiếu niên hét lên: “Hê! Xú a đầu kia, sao dám xéo nát hoa cải của lão tử, còn không mau lăn xuống đây!”
A Tử ngoái trông, thấy một một thiếu niên đầu bù tóc rối đang chạy tới. Trong lòng đang đau xót gần chết, lại bị y hò hét cho một chặp, nàng bèn quay đầu ngựa lại, hừ lạnh, hỏi:
- Ta không xuống đấy, ngươi làm gì được ta nào?
Thiếu niên kia hồng hộc tức giận, chạy đến, mắng:
- Xú a đầu, xéo nát cả cải nhà lão tử! Biết điều thì mau mau bồi thường tiền cho ta, nếu không ... hừ hừ ...
A Tử bĩu môi, bảo:
- Hừ hừ! Khϊếp quá ... Sợ quá, nhưng ta cóc bồi thường đấy, thì làm gì ta nào?
Gã thiếu niên đó giận quá, nhảy ào ra trước đầu ngựa A Tử, mắng ầm ĩ:
- Chớ tưởng lão tử đây không dám đυ.ng vào nữ nhân! Ta lôi cổ ngươi xuống đây, xem ngươi có thường tiền hay không cho biết!
Vừa nói, y vừa vươn tay ra nắm vào chân A Tử.
A Tử quơ roi vụt xuống, thiếu niên kia đau nhói, y vội vàng rụt lại, trên tay đã hiện một vết thương toé máu đỏ tươi. Y vội thụt lui, cả tiếng mắng:
- Xú a đầu, ngươi thật ác độc, để xem bữa nay lão tử ra tay thu thập ngươi như thế nào nhé!
Vừa nói y vừa cúi xuống, bốc một tảng bùn lớn ném vào nàng.
A Tử né mình tránh, nhưng thiếu niên kia vẫn không ngừng ném, bùn đất ào ạt tới như mưa. A Tử vừa khỏi bệnh, lại đường xa vất vả nên nàng mệt mỏi vô cùng, trên mình trúng phải mấy tảng bùn đất, bực tức quá sức, máu huyết dồn nhanh lên óc, rồi nàng ngất xỉu, té ngã xuống mình ngựa. Thiếu niên dừng tay, miệng làu nhàu mắng:
- Xú a đầu! Không biết sống chết là gì, dám đấu với lão tử hả? Hỏi xem xem ngươi đã phục ta chưa?
Miệng nói mạnh mẽ làm vậy, nhưng y không dám đến gần, sợ lãnh thêm một roi nữa.
- Này, mau đứng dậy đi, muốn nằm giả chết ở đấy mãi sao?
Y gọi liền mấy tiếng, vẫn không thấy A Tử trả lời, từ ruộng đồng xung quanh chỉ nghe tiếng chim sẻ chim chíp kêu.
“Chẳng lẽ ả bị mình ném chết rồi?” Thiếu niên kia phát hoảng, y nhảy đến gần A Tử, thấy nàng hai mắt nhắm nghiền, nằm thẳng cẳng trên mặt đất, mặt trắng bệch, y run tay, đưa ra thăm hơi thở nơi mũi nàng: “Đừng có chết đi đấy nhé !” Khi tay y thấy nàng vẫn còn thở, y thở phào nhẹ nhõm, tự vỗ vỗ vào ngực nói: “Làm ta sợ chết khϊếp, cứ tưởng ngươi tiêu rồi chứ!” Nói đoạn lại lườm A Tử, “Trông kia kìa, kiểu đó, còn ra oai được nữa không, giờ ta mà đem bán ngươi đi, ngươi cũng không biết nữa a.”
Bỗng cảm giác đau rát nơi bàn tay, y lại bốc giận, đưa tay nhặt sợi roi lên, tính quất vào A Tử, nhưng chợt nhìn thấy gương mặt tú lệ của nàng, thiếu niên lại không nỡ đánh xuống, y vất cây roi đi, giậm chân, bảo: “Ta hổng thèm lý tới ngươi, thây kệ cho dã cẩu tới ăn thịt ngươi.”
Nói xong, y quay người bước đi, nhưng chỉ được vài bước, đã lại thấy bứt rứt trong lòng, y đành quay trở lại, vừa nhấc A Tử đặt lên mình ngựa, vừa lẩm nhẩm: “Đúng là kiếp trước ta nợ ngươi sao đó, ngươi vừa xéo nát cả rau cải ta, vừa quất ta một roi, mà giờ ta lại còn phải cứu ngươi. Con bà nó, đúng là số kiếp mình bị rủi thật.”
Sau đó, y quay ra chặt mấy nhánh dây mây, đem buộc chặt chẽ A Tử lên mình ngựa, đưa nàng về nhà.
--- Xem tiếp hồi 5 ----