Người tới gặp Tề Thiêm Trúc là Trưởng công chúa Trịnh Vi.
Tuy Trịnh Vi là con dâu của Tề Thiêm Trúc, nhưng bởi vì Trịnh Vi là Trưởng công chúa nên thường ngày không ở trong phủ Định Quốc Công mà cùng phò mã Tề Thích Chi sống trong phủ Trưởng công chúa.
Tề Thiêm Trúc không ngờ, lần này Trịnh Vi đến gặp ông cũng là vì quyết định của hoàng thượng đối với Nhạn Tây Vệ.
“Quốc Công gia, hoàng thượng định để Uông Ấn tiếp nhận chức đại tướng quân của Nhạn Tây Vệ, cha nghĩ thế nào về việc này?” Trịnh Vi mở lời.
Tề Thiêm Trúc đáp: “Ta cho rằng quyết định này của hoàng thượng không ổn. Nhạn Tây Vệ quá quan trọng, Uông Ấn lại là hoạn quan, Đại An chưa từng có tiền lệ để cho hoạn quan nắm giữ binh quyền…”
“Quyết định này quá hoang đường. Ta định ngăn cản quyết định này của hoàng thượng. Ta đã gửi thư cho Triệu Phác, mời ông ấy đến để thảo luận.”
Mặc dù Trịnh Vi là con dâu của ông nhưng Trịnh Vi là Trưởng công chúa của Đại An. Khi đối mặt với Trịnh Vi, Tề Thiêm Trúc sẽ không coi Trịnh Vi là bề dưới, cũng không cung kính hành lễ mà dùng thái độ ngang hàng để đối đãi.
Nghe ông nói vậy, Trịnh Vi liền đáp: “Quốc Công gia nói rất có lý. Chỉ là… suy nghĩ của bổn cung không giống với Quốc Công gia. Bổn cung cho rằng, không chỉ không nên ngăn cản quyết định của hoàng thượng, mà còn phải cực lực thúc đẩy quyết định này.”
Tề Thiểm Trúc sửng sốt, lập tức nói: “Tại sao Trưởng công chúa lại nói như thế?”
Trịnh Vi không trả lời thẳng vào câu hỏi của Tề Thiêm Trúc mà hỏi ngược lại: “Quốc Công gia, theo cha thấy, Uông Ấn là người như thế nào?”
Tề Thiêm Trúc khựng lại chốc lát, vô thức vuốt râu: Uông Ấn là người như thế nào?
Uông Ấn xuất thân là binh lính mồ côi trong quân ngũ, lập được công lớn khi cứu hoàng thượng, là đốc chủ Đề Xưởng, là thủ lĩnh của Điện Trung Tỉnh, được hoàng thượng cực kì tín nhiệm. Với vẻ ngoài của hắn, nếu xưng là đứng thứ hai ở Đại An thì sẽ không có ai dám xưng là thứ nhất.
Ngoài ra còn gì nữa?
Đến lúc này, Tề Thiêm Trúc mới phát hiện ra tất cả những ấn tượng của mình về Uông Ấn đều dựa trên chức vụ đốc chủ Đề Xưởng của hắn, quả thật là quá nghèo nàn.
“Quốc Công gia, cha cũng thấy rất khó mà nói ra được Uông Ấn là người như thế nào đúng không? Vậy xin hỏi Quốc Công gia, cha nghĩ thế nào về khả năng huấn luyện binh sĩ của Uông Ấn?” Trịnh Vi tiếp tục hỏi một vấn đề khác.
Tề Thiêm Trúc vuốt râu, đáp một cách khẳng định: “Không có người nào trong quân đội bì kịp khả năng huấn luyện binh sĩ của Uông Ấn.”
Không cần nói gì thêm, chỉ nhìn bản lĩnh của ba nghìn đề kỵ là biết. Mỗi người đều có khả năng lấy một chọi mười. Khí thế oai phong lẫm liệt, cử chỉ uy nghiêm, thực sự hơn xa các binh lính khác trong quân đội.
Quan trọng nhất là võ công, khả năng tình báo, phản ứng cùng các loại năng lực tổng hợp của đề kỵ là điều mà rất nhiều tướng lĩnh trong quân ngũ khó đuổi kịp.
Tuy bọn họ đều là những binh lính tinh nhuệ được chọn từ trong quân đội nhưng trước khi trở thành đề kỵ, bọn họ không có năng lực ấy. Những tiến triển này chỉ có thể là nhờ công lao của Uông đốc chủ.
Những binh lính đó tiếp nhận sự huấn luyện của Uông Ấn, khả năng của bọn họ đã có sự nâng cao nhanh như gió. Hơn nữa sự đoàn kết lạ thường của bọn họ phối hợp rất tốt với khả năng hợp tác, giống như là cùng một trái tim vậy.
Ngoài đề kỵ ra, Tề Thiêm Trúc chưa từng nhìn thấy những binh lính như vậy.
Nếu từ điểm này mà nói, Uông Ấn đúng là vị tướng tài hiếm có.
Trịnh Vi mỉm cười, gật đầu đáp: “Quốc Công gia nói đúng, tài luyện binh và dẫn binh của Uông Ấn không ai sánh bằng. Quốc Công gia thử nghĩ mà xem, nếu một trăm nghìn binh mã của Nhạn Tây Vệ đến tay Uông Ấn, thì có phải bọn họ cũng sẽ có khả năng như đề kỵ không?”
Câu nói này khiến cõi lòng Tề Thiêm Trúc rúng động, dừng cả động tác đang vuốt râu.
Binh lính Nhạn Tây Vệ có bản lĩnh như đề kỵ? Đề kỵ có thể lấy một địch mười, vậy chẳng phải là một trăm nghìn binh lính sẽ có hiệu quả của hàng triệu binh lực sao?
Không nói đến hàng triệu, chỉ với sức mạnh hiện giờ của Nhạn Tây Vệ cũng đủ đáng sợ rồi.
Tề Thiêm Trúc cố gắng làm dịu tâm trạng vui vẻ háo hức của mình. Ông cảm thấy đã chỉ nghĩ đến chỗ tốt trong chuyện này, sau đó bèn nói: “Nhưng Uông Ấn là hoạn quan. Hoạn quan dẫn binh, há chẳng phải là trò cười cho thiên hạ sao? Nếu làm như thế thật thì Đại Ung chắc chắn sẽ chế giễu Đại An chúng ta không còn ai. Sao Uông Ấn có thể trở thành đại tướng quân của Nhạn Tây Vệ được?”
“Sao lại không thể? Chỉ cần Uông Ấn có thể khiến tấm lá chắn Nhạn Tây Vệ càng vững chắc hơn, có thể khiến Đại An vững bền là đủ rồi. Đối với nước nhà mà nói, những chuyện như kiểu trò cười không đau không ngứa này quả thật không là gì cả. Tất nhiên, Đại Ung cũng sẽ không dừng bước chân xâm lược chỉ bởi vì đại tướng quân của Nhạn Tây Vệ là một hoạn quan.” Trịnh Vi đáp.
Tiếp đó, bà nói một câu với vẻ chậm rãi khác thường: “Quốc Công gia, để canh giữ đạo Nhạn Tây, ngăn cản Đại Ung thì là sói tốt hơn, hay là là thỏ tốt hơn?”
Tề Thiêm Trúc không trả lời mà rơi vào trầm tư hồi lâu.
Ý của Trưởng công chúa rất rõ ràng, Uông Ấn chính là sói. Bất kể hắn có phải hoạn quan hay không thì dưới bàn tay của hắn, những binh lính của Nhạn Tây Vệ cũng sẽ biến thành sói dữ chứ không phải thỏ non.
Tề Thiêm Chúc sực nhớ lại chuyện quyển trận đồ trong quân mà Uông Ấn đã dâng tặng vào năm ngoái. Quyển trận đồ này là bảo vật trong quân, đã bắt đầu được thao luyện trong Đề Xưởng và Kinh Kỳ Vệ.
Tuy bắt đầu cùng lúc, nhưng bất luận là từ độ thuần thục hay sức mạnh ép quân địch thoái lui, binh lính Kinh Kỳ Vệ đều thua xa đề kỵ.
Nghe nói Uông Ấn đích thân huấn luyện binh sĩ theo trận đồ này.
Vậy có phải nếu một trăm nghìn binh lính của Nhạn Tây Vệ đến tay Uông Ấn thì cũng sẽ có sức mạnh mà người khác khó có thể đạt tới hay không?
Thật lâu sau, Tề Thiêm Trúc mới nói: “Công chúa, đương nhiên là sói tốt hơn rồi, chí ít có thể cắn kẻ địch, không ai dám phạm phải nó.”
Vốn dĩ ông muốn ngăn cản việc Uông Ấn trở thành đại tướng quân của Nhạn Tây Vệ. Bây giờ xem ra, ông phải thay đổi cách làm rồi.