Nói kĩ ra thì Ngu Đản Chi tiếp xúc khá nhiều với Uông Ấn, đương nhiên cũng có phán đoán của riêng mình về con người này.
Người bên ngoài đồn đại Uông đốc chủ thủ đoạn độc ác, hai tay nhuốm đầy máu, nhưng quan sát cách sống và làm việc của hắn thì Ngu Đản Chi thấy hắn rất kiên định vững vàng.
Chẳng hạn như chuyện tại thung lũng hiện giờ, nếu là trước kia, ông ta sẽ đánh giá rất cao thái độ ung dung không sợ hãi, lâm nguy mà không hoảng loạn của Uông Ấn, sẽ cho rằng đây là một người trẻ tuổi có chí khí.
Đáng tiếc, người trẻ tuổi mà ông ta tán thưởng lại đang đứng ở vị trí đối lập và lấy uy thế để chống đối lại ông ta.
Ngu Đản Chi bèn cười khẩy và nói: “Uông đốc chủ, kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt, lão phu hiện còn dẫn theo bảy trăm binh sĩ riêng đấy…”
Lời nói lộ rõ sự uy hiếp, không cần nghi ngờ gì nữa.
Thật ra uy hϊếp thực sự không nằm ở lời dọa dẫm mà ở thực lực.
Đứng trước thực lực thật sự, bất cứ lời nói đe dọa nào cũng chỉ là hổ giấy mà thôi.
Chẳng lẽ người như Uông đốc chủ lại không rõ tình huống trước mắt là như thế nào?
Nghe vậy, Uông Ấn bỗng bật cười ha hả. Giọng cười vang vọng trong thung lũng, cảm giác sảng khoái dễ chịu không phù hợp với tình huống hiện tại.
Hắn vừa cười vừa hỏi: “Thật sao? Bảy trăm binh sĩ riêng đúng là quá đông so với một trăm đề kỵ…”
Không nghe ra được một chút sợ hãi nào trong lời nói và tiếng cười của hắn, thay vào đó là cảm giác chống đối rất rõ ràng.
Trong lòng Ngu Đản Chi dâng lên dự cảm xấu: Uông Ấn quá điềm tĩnh, như thể mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát.
Tại sao Uông Ấn lại thế này?
Là bởi Uông Ấn và đề kỵ thật sự dũng mãnh đến độ không sợ số lượng quân địch nhiều hơn gấp bảy lần?
Hay Uông Ấn đã sớm đoán được động thái của ông ta và sắp xếp để đối phó?
Không thể nào, việc ông ta dẫn bảy trăm binh sĩ riêng tới đây là quyết định bất chợt, Uông Ấn đâu thể biết trước được.
Những lời Uông Ấn nói ngay sau đó đã khiến vị đại tướng quân uy nghiêm thay đổi sắc mặt.
Hắn ngưng cười, hỏi đề kỵ: “Quan tướng quân sắp đến rồi phải không?”
“Bẩm xưởng công, hẳn là đã đến rồi.” Đề kỵ lập tức trả lời với giọng điệu bình tĩnh.
Nghe thấy mấy chữ “Quan tướng quân”, Ngu Đản Chi không khỏi cau mày.
Quan tướng quân tất nhiên chính là Đại tướng quân Quan Hàn Tùng của Lĩnh Nam Vệ.
Tuy Ngu Đản Chi tin chắc Quan Hàn Tùng sẽ không xuất hiện ở đây vào lúc này, nhưng Uông Ấn và đề kỵ hỏi đáp quá bình tĩnh, ông ta không khỏi băn khoăn.
Lẽ nào Quan Hàn Tùng sẽ xuất hiện thật sao?
Gần như không để Ngu Đản Chi phải chờ đợi, nỗi nghi ngờ của ông ta ngay lập tức được giải đáp.
Âm thanh đều đặn của tiếng bước chân, tiếng vó ngựa vang lên trên đỉnh núi phía Nam, đối diện với đỉnh núi phía Bắc mà binh sĩ riêng của phủ Trấn Quốc Công xuất hiện.
Ngu Đản Chi nhìn thấy từng đội binh lính mặc áo giáp, cầm trường đao, khí thế trang nghiêm trên người không thua kém binh sĩ riêng của ông ta là bao. Người dẫn đầu để râu quai nón, mặc bộ áo giáp bạc sáng bóng, tôn lên vóc dáng cao lớn, đứng thẳng ở đó giống như một cây tùng thẳng tắp.
Đây chính là Đại tướng quân Lĩnh Nam Vệ - Quan Hàn Tùng.
Sau khi nhìn thấy đại tướng quân Lĩnh Nam Vệ xuất hiện, đám quan viên như Phương Diễn và Đổng Khôn không biết nên phản ứng thế nào.
Đầu tiên là đề kỵ của Đề Xưởng, tiếp đến là binh sĩ riêng của phủ Trấn Quốc Công, sau đó nữa chính là binh lính của Lĩnh Nam Vệ.
Những người trước kia hiếm khi thấy, giờ liên tiếp xuất hiện tại thung lũng gần như ngăn cách với thế giới bên ngoài này.
Nếu không phải biết mức độ nghiêm trọng của sự việc thì đám người Phương Diễn cảm thấy những binh lính đó giống như đang họp chợ, đến Nam Khố cho náo nhiệt.
Đám quan viên còn như vậy, nói gì đến những người dân sống ở thung lũng này. Họ trợn mắt, há hốc mồm ngạc nhiên, rồi chỉ biết im lặng.
Nam Khố được xây dựng ở nơi rừng hoang núi thẳm, ngày thường ngăn cách với bên ngoài, rất ít khi thấy người bên ngoài tới đây. Bây giờ chẳng những thấy mà còn một lúc nhiều người thế này. Đây thật là… đông vui khôn tả.
Quan Hàn Tùng đứng bên ngựa, cất cao giọng nói: “Lão tướng quân, Uông đốc chủ, bản tướng nghe nói Nam Khố có biến, liền dẫn hai nghìn binh mã tới, không biết có chỗ cần dùng không?”
Quan Hàn Tùng vừa dứt lời, Phương Diễn và Đổng Khôn bỗng thấy hơi mù mờ.
Quan đại tướng quân gọi lão tướng quân trước, rồi mới nhắc đến Uông đốc chủ, rõ ràng là đến không vì nghe lệnh Uông Ấn mà là ở thế trung lập.
Như thế xem ra, tình thế vẫn có lợi cho phe Quốc Công gia thì phải?
Họ nhìn về phía Quốc Công gia và Uông Ấn với ánh mắt ngập tràn hi vọng, nhưng lại phát hiện tình hình có phần khác với tưởng tượng.
Uông đốc chủ vẫn mỉm cười, còn Quốc Công gia lại hơi cúi người xuống như thể đang suy sụp.
Chẳng lẽ đã có chuyện gì xảy mà họ không hay biết?
Bấy giờ, trong lòng Ngu Đản Chi dâng lên nỗi chán nản khó bề diễn tả. Khi nghe Quan Hàn Tùng nói, ông ta thậm chí còn hơi lảo đảo, may mà cố hết sức che giấu mới không để ai phát hiện ra.
Tuy nhiên, Uông Ấn đứng đối diện với Ngu Đản Chi nên đã nhìn thấy hết mọi hành động đó. Hắn lên tiếng: “Nếu binh lính của Lĩnh Nam Vệ đã đến thì chắc hẳn không cần dùng tới bảy trăm binh sĩ tinh nhuệ của Ngu tổng quản nữa. Người đâu, mời Quan đại tướng quân xuống, bảo vệ cho các quan viên và thợ thủ công của Tư Luyện Kim.”