Uông Xưởng Công

Chương 398: Chương 398MAI QUAN*

Mai Quan: Là tên quan ải thời xưa, tọa lạc trên dãy Dữu Sơn, phân chia ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Đông và Giang Tây.

Uông Ấn dẫn đề kỵ thúc ngựa phi nước đại gần như không ngừng nghỉ băng qua đạo Hà Nội, đạo Sơn Đông, đạo Giang Nam.

Sau năm ngày, cuối cùng họ cũng đã tới địa giới của đạo Lĩnh Nam.

Đạo Lĩnh Nam nằm ở cực Nam của Đại An, khí hậu nơi này khác nhiều so với Kinh Triệu, nhiệt độ rất cao, ngay cả mùa đông cũng vô cùng ấm áp, nhưng điều đó không có nghĩa là ở đây sẽ không có tuyết rơi.

Khi đoàn người Uông Ấn đến đạo Lĩnh Nam, đúng lúc trời đang đổ một trận tuyết lớn, trên con đường mòn nối giữa đạo Lĩnh Nam và đạo Giang Nam phủ kín bởi tuyết trắng.

Lớp tuyết này tất nhiên không thể so với tuyết ở Kinh Triệu, lại càng không thể so thể so được với tuyết được tích tụ trên đỉnh Xu Vân.

Tuy nhiên, lớp tuyết trắng điểm xuyết những đóa hồng mai, những cây tùng xanh ngắt khiến cho cảnh tượng trước mắt hết sức tươi đẹp, làm cho lữ khách đi đường cảm thấy được an ủi.

Thảo nào con đường mòn Mai Quan này lưu lại nhiều câu nói hay của danh nhân đến thế. Xưa nay, nó thường được ca tụng là “Từ biệt Mai Quan, hoài niệm ngàn năm”.

Đây quả thực là nơi khơi gợi những ưu tư hoài cổ, khiến người ta tức cảnh sinh tình, dâng trào ý thơ.

Lúc này, nơi gần với đạo Giang Nam nhất trên đường mòn có một trạm dịch nhỏ đến đáng thương, có lẽ không thể coi là trạm dịch mà chỉ là một cái đình nghỉ chân mà thôi.

Trong đình kê vài chiếc ghế làm bằng đá, mấy người đi đường đang ngồi nghỉ và ngắm cảnh đẹp của quan ải.

Bấy giờ, có một nhóm người xuất hiện trên con đường mòn rồi dừng lại bên cạnh trạm dịch. Bọn họ không vào trong đình, nhưng những người vốn đang ngồi bên trong đều cảm thấy không được tự nhiên, cứ có cảm giác áp lực khó diễn tả, giống như có thứ gì đó đang đè nén, khiến họ kinh sợ lạ lùng, không thể ở lại.

Một người to gan trong số đó lén đưa ánh mắt nhìn về phía nhóm người kia, muốn xem thử bọn họ là ai, chỉ nhìn thấy những con tuấn mã cao lớn khỏe mạnh và một vài hộ vệ oai nghiêm, còn người dẫn đầu...

Vừa nhìn thấy người dẫn đầu, y không nén nổi mà hít vào một hơi, gần như ngã xuống khỏi ghế đá.

Người nọ có làn da trắng như tuyết, vẻ ngoài tuấn tú, nhưng... nói sao đây?

Quanh thân người nọ tỏa ra bầu không khí khiến người ta cảm thấy vô cùng sợ hãi.

Đám người ngồi trong đình bỗng thấy hoảng sợ, không kịp nghĩ ngợi đã vội vàng rời khỏi đình nghỉ chân, mặc dù bọn họ đã mệt đến mức không muốn cử động, nhưng tiếp tục lên đường vẫn tốt hơn là ở lại đây.

Đáng sợ, thật quá đáng sợ!

Trong đình tức thì vắng tanh.

Một thị vệ nói với người dẫn đầu: “Xưởng công, mời xưởng công vào đình nghỉ tạm!”

Uông Ấn khoát tay, ý bảo mấy người Đường Ngọc vào trong đình, nhưng hắn lại vẫn đứng im bên con đường mòn, lặng lẽ nhìn núi non hiểm trở phía xa, hình như đang chờ đợi điều gì đó.

Khuôn mặt hắn tuấn tú vô ngần, vẻ mặt vẫn hết sức lãnh đạm, ánh mắt hờ hững như thường, tuy nhiên cả người lại mang theo không ít dấu vết phong sương.

Hắn không di chuyển nên mấy người Đường Ngọc đương nhiên cũng không xê dịch, vẫn đứng trong tư thế bảo vệ ở phía sau lưng hắn.

Trong nhóm người có một chàng trai trẻ cử động. Chàng trai nhọc nhằn trượt từ trên lưng ngựa xuống, gần như nửa đi nửa lết vào trong đình, sau đó nằm bò ra bàn, không nhúc nhích.

Đường Ngọc khẽ liếc nhìn chàng trai, ánh mắt chẳng những không trách móc mà còn ẩn chứa thoáng chút cảm thông.

Phi ngựa mấy ngày liền không nghỉ, khiến thể lực và tinh thần của bọn họ đều đã rệu rã đến cực điểm, ngay cả những đề kỵ như Đường Ngọc cũng chỉ mong sao tìm được một chỗ để nằm ngay lập tức, chứ đừng nói đến chàng trai kia.

Chàng trai đó chỉ là một sĩ tử của Quốc Tử Giám, không bị bệnh mà chết giữa đường đã xem như là mạng lớn rồi.

Nhóm người Uông Ấn chờ không lâu lắm thì có mấy người cưỡi ngựa phóng như bay từ hướng Lĩnh Nam tới, sau đó dừng lại trước trạm dịch.

Một vị võ tướng trung niên nhảy xuống khỏi yên ngựa, chắp tay chào Uông Ấn: “Bổn tướng không biết đốc chủ đến nên không kịp thời nghênh đón, thật lấy làm hổ thẹn!”

“Không sao, Quan tướng quân không cần đa lễ, bổn tọa cũng vừa mới tới chưa lâu.” Uông Ấn cũng chắp tay, thản nhiên đáp lại.

Vị võ tướng với tướng mạo oai phong dũng mãnh, cao hơn Uông Ấn nửa cái đầu, để râu quai nón, phía bên trái trán có một vết sẹo trông giống như nửa thanh đại đao.

Người này chính là Đại tướng quân của Lĩnh Nam Vệ - Quan Hàn Tùng, biệt hiệu Bán Đao.

Uông Ấn đến đạo Lĩnh Nam, bề ngoài là để dẹp loạn bách bộ, nhưng thực tế là vì Nam khố.

Mục đích tới của hắn được giữ bí mật, nhưng Quan sát sứ Trương Hào Đoan của đạo Lĩnh Nam và Đại tướng quân Quan Hàn Tùng của Lĩnh Nam Vệ lại biết rõ nội tình.

Vốn dĩ hai vị Trương, Quan đã bàn bạc rằng sẽ đợi Uông Ấn trên con đường mòn Mai Quan từ sớm để thể hiện sự coi trọng của quân đội và chính quyền nơi đây với Uông Ấn.

Tuy nhiên hai người họ hoàn toàn không ngờ Uông Ấn lại đến sớm như vậy.

Lúc nhận được bẩm báo của dịch sứ, Trương Hào Đoan và Quan Hàn Tùng đều giật mình, thế là lập tức thúc ngựa chạy tới đây.

Quan Hàn Tùng là đại tướng quân của một vệ nên khả năng phi ngựa đương nhiên rất giỏi, cưỡi ngựa dẫn đầu bỏ xa đám người phía sau, Trương Hào Đoan bây giờ còn đang dốc sức đuổi theo.

Nghe vậy, Quan Hàn Tùng không hàn huyên khách sáo mà hào sảng nói: “Vậy thì xin xưởng công nghỉ ngơi một lát rồi chúng ra lại lên đường.”

Uông Ấn lắc đầu đầu, đáp: “Lên đường luôn đi, bổn tọa muốn biết tình hình bách hộ náo loạn càng sớm càng tốt.”

“Thế này thì vất vả cho đốc chủ.” Quan Hàn Tùng nói, thuận theo ý của Uông Ấn.

Ông ta lẳng lặng quan sát vị đốc chủ Đề Xưởng quyền thế ngập trời, trong lòng khâm phục và kinh ngạc sâu sắc.

Binh lính trong quân ngũ cưỡi khoái mã chuyển báo cáo khẩn cấp từ Kinh Triệu đến đạo Lĩnh Nam, cho dù không hề ngừng nghỉ thì nhanh nhất cũng phải mất bảy, tám ngày.

Thế mà nhóm người Uông Ấn chỉ mất có năm ngày.

Năm ngày, đúng là một con số khủng khϊếp.

Quan Hàn Tùng không thể tưởng tượng được nhóm người Uông Ấn đi đường kiểu gì.

Ông ta vô thức nghĩ đến mình, bèn phát hiện ra bản thân không đạt được tốc độ như họ.

Quan trọng hơn là dù đám người Uông Ấn mệt mỏi như vậy mà tinh thần vẫn sáng láng, giữ nguyên sự tháo vát uy nghiêm, đủ thấy được ngày thường họ được huấn luyện nghiêm khắc đến đâu.

Là tướng lĩnh dẫn binh, Quan Hàn Tùng biết rất rõ: Lúc càng khó khăn thì càng thể hiện được bản lĩnh của đội ngũ.

Hoàng thượng coi trọng Đề Xưởng và Uông Ấn không phải là không có lý.

Khoan đã!

Sao chàng trai đờ người trên ghế đá trong đình giống như thể không cử động nổi, cũng trầy trật trèo lên ngựa, đi theo sau nhóm người Uông Ấn?

Uông Ấn không bận tâm đến sự kinh ngạc của Quan Hàn Tùng, lạnh nhạt nói ra hai chữ “Đi thôi!”, sau đó liền thúc ngựa, phóng nhanh về hướng phủ nha của đạo Lĩnh Nam.