Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 112: CHIẾN DỊCH HẺM NÚI KALWANG (1)

Lại nói, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg đang thất vọng trước thái độ của chúng vương công quý tộc, đột nhiên nghĩ đến Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg vốn thông minh tài trí, liền quay sang hỏi ý :

- Chúng ta nên đối phó thế nào đây ?

Frederick I de Brandenburg suy nghĩ hồi lâu, rồi mới nói :

- Chỉ còn cách đưa quân đội đuổi theo đối phương mà thôi.

Công tước Henry XVI de Bavaria lập tức tán thành :

- Phải đó. Đối phương đã rút đi. Chúng ta tiếp tục đóng quân ở đây cũng chẳng ích lợi gì. Nên đưa quân đuổi theo đối phương.

Mọi người đều khen phải, nhất là các vị Công tước của Bavaria, Württemberg và Autriche Intérre (tức Nội Áo, cai quản các vùng Styria và Carinthia), bởi lĩnh địa của bọn họ gần đây nhất, có nguy cơ bị tấn công trước nhất. Không còn cách nào khác hay hơn, Hoàng đế Sigismund de Luxembourg đành truyền lệnh cho mọi người chuẩn bị sẵn sàng, để khi có tin tức về địch quân là lập tức đuổi theo.

Hôm sau, thám tử đưa tin về, phát hiện đối phương hành quân về hướng Styria. Công tước Ernest de Autriche Intérre lập tức dẫn quân đi trước để bảo vệ lĩnh địa của mình. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg thống suất đại quân đuổi theo phía sau. Phía sau Styria chính là Hungary, là lĩnh địa của Sigismund de Luxembourg, nên ông ta thúc quân đuổi theo rất gấp, hy vọng sẽ đuổi kịp trước khi đối phương tiến vào Hungary. Lúc này Hungary hầu như không có quân phòng thủ, nếu để đối phương tiến vào cướp phá, hậu quả sẽ rất nặng nề. Khả năng cướp phá của liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium mọi người đều biết rõ, tấm gương các xứ Genoa và Milano vẫn còn rành rành ra đó. Những nơi nào mà nhắm không thể chiếm giữ được, liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium sẽ cướp phá triệt để, cướp sạch, phá sạch đến độ trở thành vùng trắng, không còn gì cả.

Sigismund de Luxembourg là phu quân của nữ vương Mary de Hungary, là ‘King consort’ của vương quốc Hungary. Như đã giới thiệu ở các chương trước, ‘King consort’ hay ‘Queen consort’ là phu quân hay vương hậu của nữ vương hay quốc vương, và có quyền thừa kế ngôi báu khi nữ vương hay quốc vương qua đời mà không có con trai kế vị. Do Sigismund de Luxembourg từng hại chết mẹ của nữ vương Mary de Hungary nên bị nữ vương thù hận, hai người chỉ là vợ chồng trên danh nghĩa, và sống riêng biệt với nhau. Dù vậy, Sigismund de Luxembourg vẫn là ‘King consort’ của vương quốc Hungary. Do đó, khi nữ vương Mary de Hungary đã qua đời vào năm 1395 trong một tai nạn đáng ngờ, không có con trai kế vị, Sigismund de Luxembourg đã kiêm nhiệm quốc vương Hungary, biến Hungary thành một trong các lĩnh địa của mình. Sigismund de Luxembourg thường xuyên gây chiến tranh bên ngoài, Hungary là một trong các hậu phương quan trọng phục vụ cho việc tham chiến, do vậy mà không thể để mất được. Sigismund de Luxembourg đã mấy lần tăng thuế để có tiền phát động chiến tranh, rồi bị dân chúng trong một số lĩnh địa nổi dậy đánh đuổi, phải dựa vào lực lượng của Hungary để khôi phục. Do đó, trong mắt Sigismund de Luxembourg, Hungary là một lĩnh địa rất quan trọng.



Hẻm núi Kalwang, tây bắc xứ Styria.

Do dãy núi Alps (An-pơ) trải dài từ đông sang tây, từ Áo sang đến tận Pháp, muốn đi từ Salzburg sang Styria, chỉ có thể đi men theo các hẻm núi, các thung lũng nằm giữa dãy núi. Có những hẻm núi rộng hơn chục kilômét, nhưng cũng có những hẻm núi co thắt lại, chỉ rộng vài trăm mét. Hẻm núi Kalwang gần thị trấn Kalwang là một hẻm núi nhỏ như thế. Hẻm núi tuy hẹp nhưng rất dài, là một trong những vị trí phòng ngự lý tưởng.

Hoàng đế Sigismund de Luxembourg thúc đại quân đuổi đến đầu phía tây của hẻm núi Kalwang thì gặp địch quân trở kích. Liên quân Thần Thánh Đế quốc – Latium – Trento để lại đấy 1 vạn quân, dựa vào địa hình thiết lập hào lũy ngăn cản. Quân đội của Sigismund de Luxembourg không thể tiến quân được, làm cho ông ta vô cùng nóng ruột, triệu tập chúng vương công bàn bạc. ‘Đệ nhất trí giả’ là Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg hiến kế :

- Bệ hạ. Mưu đồ của đối phương đã quá rõ ràng, định dùng một lượng nhỏ quân đội ngăn cản chúng ta ở đây, để tiện cho đại quân hành động. Chúng ta chỉ còn cách cường công, sử dụng ưu thế binh lực tấn công, dùng biển người nhấn chìm đối phương. Nếu không, chỉ có thể trơ mắt nhìn Styria, Hungary, thậm chí cả các xứ Áo và Bohemia thất thủ.

Các xứ Styria và Áo thuộc về Công quốc Áo không kể, nhưng Hungary và Bohemia là hai vương quốc, và cũng là hai lĩnh địa lớn nhất của Sigismund de Luxembourg, gần như chiếm đến hơn 90% tổng diện tích các lĩnh địa của ông ta. Phần còn lại chính là Công quốc Luxembourg sát biên giới Pháp Lan Tây, trong hoàn cảnh nước Pháp đang do nhà Anjou khống chế, Sigismund de Luxembourg lại theo phe Anh Cách Lan trong cuộc ‘chiến tranh trăm năm’, hoàn toàn không thể dùng làm hậu phương được.

Thế nên, suy nghĩ giây lát, Sigismund de Luxembourg vỗ bàn quyết định :

- Cường công. Huy động đại quân cường công. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg sẽ đảm nhiệm thống soái chiến trường.

Chúng vương công đồng vâng lệnh. Tuyển hầu Frederick I de Brandenburg thời gian qua đã chứng tỏ được tài trí của mình, mọi người đều kính phục nên không ai có ý kiến phản đối. Sigismund de Luxembourg lại nói thêm :

- Nếu các xứ Áo, Bohemia, Hungary đều thất thủ, đối phương phối hợp với quân Anjou ở Pháp Lan Tây, hai đầu cùng đánh, Đế quốc có khi không còn tồn tại. Mọi người phải cố gắng chiến đấu vì vận mệnh của Đế quốc.

Mọi người cả kinh, đều ứng tiếng hứa sẽ dốc sức chiến đấu. Frederick I de Brandenburg bắt đầu phân phái hoạt động cho các đạo quân. Toàn bộ quân đội của Công quốc Áo, Vương quốc Hungary và Vương quốc Bohemia gồm hơn 150.000 quân là lực lượng chủ công, số quân còn lại là lực lượng dự bị, sẵn sàng chi viện tiền tuyến. Lực lượng chủ công lại chia làm 5 bộ phận, luân phiên thượng trận, bảo đảm việc chiến đấu được liên tục, không để cho đối phương có cơ hội củng cố hào lũy.

Trời tối, trong hẻm núi bóng tối đến sớm hơn bên ngoài. Ở đó chỉ có một dãy doanh trại với 1 vạn quân. Còn phía ngoài hẻm núi, hàng trăm nghìn quân Áo – Hungary - Bohemia lũ lượt tiến tới, biển người hung dũng, quang cảnh náo động, có vẻ như cuồng phong bão tố sắp bùng phát, hay một đợt sóng thần sắp ập vào các hào lũy đang chắn giữ ngay đầu hẻm núi.

Ở nơi khác, Bá tước, Hầu tước đã là đại nhân vật, hùng cứ một phương. Nhưng ở đây, các vị Bá tước và Hầu tước đại nhân chỉ là những tiểu nhân vật, phụng mệnh hành sự, bởi phía trên nữa còn có rất nhiều Tuyển hầu, Vương tử, Công tước đại nhân. Do đó, các vị Bá tước, Hầu tước phải đích thân ra chiến trường suất lĩnh quân đội chiến đấu. Quân đội liên quân đại đa số là nông dân mới bỏ cuốc cày cầm vũ khí, nếu thiếu sự chỉ huy sẽ không thể nào hình thành nên chiến đấu lực.

Tu tu tu …

Một hồi tù và thật dài rúc lên, báo hiệu chiến đấu bắt đầu. Đội quân đầu tiên gồm 3 vạn quân Áo phát động tấn công. Công tước Ernest de Autriche Intérre truyền lệnh :

- Cung thủ chuẩn bị. Tiến đến phía trước hai trăm bước.

Các đội cung thủ theo lệnh tiến tới phía trước. Khi đã đến cách hào lũy của đối phương khoảng một tầm tên, Công tước Ernest de Autriche Intérre lại truyền lệnh :

- Dừng lại.

- Chuẩn bị.

Công tước đại nhân của chúng ta còn chưa kịp ra lệnh ‘bắn’ thì đã thấy từ phía hào lũy của đối phương có rất nhiều mũi tên bắn ra, rải xuống đầu quân đội Áo. Cung thủ trên lũy có ưu thế độ cao nên có tầm bắn xa hơn. Khi quân Áo vừa chuẩn bị bắn thì đối phương đã bắn trước rồi. Một lượt tên rải xuống đầu khiến đội ngũ quân Áo hỗn loạn, nhiều tân binh chẳng kể gì đến mệnh lệnh của tướng lĩnh chỉ huy, chạy loạn khắp nơi tránh né. Đội hình quân Áo ngày càng trở nên hỗn loạn, không thể nào tổ chức phản kích. Đương nhiên, phía đối phương không thể nào bỏ lỡ thời cơ. Từng loạt, từng loạt tên cứ liên tiếp bắn ra, gây cho quân Áo thương vong thảm trọng. Công tước Ernest de Autriche Intérre không còn cách nào khác, đành ra lệnh cho quân đội tạm thời rút lui ra ngoài.

Quân Áo rút chạy ra ngoài hơn dặm mới dám dừng lại chỉnh đốn đội ngũ. Đến lúc này, sau khi kiểm điểm lại mới hay chỉ sau hơn khắc tiếp chiến, quân Áo đã thiệt hại hơn vạn, trong đó có gần 4.000 người tử vong, số còn lại tạm thời mất sức chiến đấu. Chưa chính thức tiếp chiến mà đã thiệt hại khoảng 40% quân số, Công tước Ernest de Autriche Intérre nộ khí trùng trùng, vỗ bàn quát tháo liên hồi. Sở dĩ có thiệt hại lớn như thế, bởi sau các trận chiến ở Tyrol, Salzburg, quân chủ lực của Áo đã thiệt hại gần hết, xuất hiện trên chiến trường chỉ là quân nông dân ô hợp (số tinh nhuệ ít ỏi còn lại được Công tước đại nhân giữ lại bên cạnh hộ vệ mình, nơi chiến trường tên bay đạn lạc, tính mạng quan trọng hơn hết).

Lần đầu chiến đấu lại thảm bại như thế, sĩ khí liên quân giảm sút nghiêm trọng. Hoàng đế Sigismund de Luxembourg và chúng vương công đều hết sức lo âu. Còn Công tước Ernest de Autriche Intérre vì hổ thẹn mà giả vờ bị thương, ở yên trong doanh trướng, không dám ra ngoài gặp ai.