Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 76: SỨ GIẢ CỦA NAPOLI

Ngoài các vụ trên, kỳ này lại còn xảy ra nhiều việc khác. Quảng Tế Pháp sư tiếp tục bẩm tấu :

- Khải tấu Thánh hoàng. Các tướng quân Hồi giáo ở Syria, phía bắc Jerusalem, xứ A Lạp Bá, dâng biểu xin thần phục bản triều và xin thành lập các tiểu quốc Hồi giáo. Thỉnh Thánh hoàng định đoạt.

Trước đây các xứ Syria (thời trước thế kỷ 20 gồm cả Lebanon), Jerusalem (gồm cả Israel, Jordan, Palestine) đều thuộc về vương quốc Hồi giáo Mamluk ở Cairo. Nhưng sau khi Đế quốc chiếm giữ bán đảo Sinai và Jerusalem thì vương quốc Hồi giáo Mamluk bị chia thành 3 phần : phần Cairo và Thượng Ai Cập thuộc quyền kiểm soát của Al Muayyad Sayf Ad Din Tatar, quốc vương hiện tại của vương triều Mamluk; khu vực Alexandria và vùng tây bắc Ai Cập thuộc quyền kiểm soát của Al Adil Al Musta" in Billah, quốc vương bị lật đổ năm Nhâm Thìn (1412), chạy thoát đến Alexandria; và đất Syria (bị tách rời khỏi Ai Cập bởi bán đảo Sinai và Jerusalem) do các tướng lĩnh Mamluk tự cai quản, có khuynh hướng chuyển đổi thành các tiểu quốc Hồi giáo giống các xứ Somali và Yemen gần đó. Sau một thời gian chuẩn bị, đến lúc này, các tướng quân ở Syria đã dâng biểu cầu phong, mong muốn trở thành tiểu vương Hồi giáo.

Giang Phong ngẫm nghĩ giây lát, rồi phán :

- Cắt phần Tripoli khỏi Jerusalem, thành lập tỉnh Tripoli, gồm cả các xứ Syria.

Quảng Tế Pháp sư cung kính lĩnh chỉ. Điều đó có nghĩa là các khu vực thuộc Syria trở thành một tỉnh riêng, với vùng ven biển, gồm Tripoli (nay thuộc Lebanon, trước đó có thời gian là tiểu quốc Tripoli của các Hiệp sĩ Thập tự chinh cho đến khi bị người Ai Cập chiếm giữ) và các vùng lân cận do Đế quốc kiểm soát; khoảng 90% diện tích còn lại sẽ do các tướng lĩnh Mamluk tự cai quản với các tiểu quốc Hồi giáo của mình. Thể chế ở đây sẽ giống với 2 tỉnh Somali và Yemen ở gần đó.

Tiếp đó, Quảng Tế Pháp sư lại tâu :

- Khải tấu Thánh hoàng. Việc tuyển mỹ nữ nhập cung nên xử lý thế nào ạ ?

Trong cung quá trống vắng không có lợi cho quốc vận, các vị văn võ đại thần đều nghĩ vậy, nên cuối cùng Giang Phong cũng đã chấp thuận tuyển mỹ nữ nhập cung. Có điều tuyển thế nào, quy mô ra sao, phạm vi tuyển, … còn chờ định đoạt. Giang Phong hỏi :

- Ý quần thần thế nào ?

Quảng Tế Pháp sư tâu :

- Khải tấu Thánh hoàng. Để cho công bằng, chúng thần nghĩ nên tuyển trong phạm vi toàn quốc, chia đều cơ hội cho các tỉnh. Hơn nữa, để khỏi mang tiếng kỳ thị, mọi dân tộc đều tuyển. Nếu như có ai không hợp thánh ý thì vẫn có thể cho làm phổ thông cung nhân, hoặc ban cho những ai có công. Dù sao thì cũng đều là mỹ nữ cả.

Giang Phong trầm ngâm giây lát, đoạn phán :

- Tuyển mỗi tỉnh một người. Các nước chư hầu vẫn có thể tham gia. Không giới hạn dân tộc.

Quảng Tế Pháp sư tâu :

- Hiện tại bản triều có 95 tỉnh; cộng thêm các xứ Đông Doanh, Mông Cổ xin lấy thêm 5 người nữa cho đủ 100.

Giang Phong bằng lòng. Tuyển chẵn 100 cho may mắn. Số 100 xưa nay vẫn là số hên. Nhân sinh bách tuế, bách niên giai lão, bách quan, bách tính, Bách Việt, … Nghe nói cả nước có đến 95 tỉnh, Giang Phong cũng không ngờ, liền lấy sổ sách ra xem lại. Bọn Quảng Tế Pháp sư chia tỉnh tùy theo khu vực, lớn nhỏ khác nhau. Lớn nhất là Minh Châu (Úc), nhỏ nhất là Đài Loan (gồm cả Lưu Cầu). Tổng cộng 95 tỉnh, kể luôn Tripoli.

Xong việc tuyển mỹ, Quảng Tế Pháp sư lại tâu :

- Khải tấu Thánh hoàng. Hôm qua thần nhận được tin báo của Hồng Long Phân hạm đội Đô đốc Tôn Lương. Tôn Đô đốc bảo rằng sắp tới có Louis Đệ Tam của Napoli theo vận thuyền của phân hạm đội đến Gia Định, có việc muốn thương lượng với bản triều.

Giang Phong ngạc nhiên hỏi :

- Y đến có việc gì ?

Quảng Tế Pháp sư tâu :

- Khải tấu Thánh hoàng. Theo tin tức thu được, vị Louis Đệ Tam đó trên danh nghĩa là Quốc vương của Napoli, nhưng ngôi vua đã bị người khác chiếm mất. Bắt đầu từ khoảng 40 năm trước đến giờ, ngôi vua của xứ Napoli này rất hỗn loạn và phiền nhiễu. Khi đó, nữ vương John Đệ Nhất không có con, đầu tiên chọn em họ của mình là Charles của Durazzo làm người thừa kế. Nhưng sau đó, giữa hai người nảy sinh xích mích, xem nhau như kẻ thù, nên John Đệ Nhất đã chọn Louis Đệ Nhất làm người thừa kế. Có điều chẳng bao lâu sau, Charles đem quân tấn công, bắt giam John, tự lên ngôi vua của Napoli và sau đó gϊếŧ chết John trong tù. Louis Đệ Nhất đã mấy lần dẫn quân về giành lại ngôi vua, nhưng đều không thành công. Khi Charles qua đời thì con là Ladislas lên kế vị, nhưng vì còn nhỏ nên mất ngôi, bị trục xuất. Con trai của Louis Đệ Nhất là Louis Đệ Nhị lên kế vị, cũng chỉ được 3 năm thì bị Ladislas lật đổ. Khoảng 5 năm trước, Louis Đệ Nhị lại đem quân về giành lại ngôi vua, nhưng thất bại. Ladislas vừa mới mất năm nay, ngôi vua truyền cho chị của y là John Đệ Nhị. Louis Đệ Nhị không cam tâm nên mới phái trưởng tử là Louis Đệ Tam đi sứ sang bản triều. Bọn họ muốn tìm ngoại viện. Louis Đệ Tam hiện tại mới 11 tuổi. Khi tin tức truyền về triều, có lẽ bọn họ đã đến Tích Lan.

Giang Phong hỏi :

- Tình thế xứ đó thế nào ?

Quảng Tế Pháp sư tra duyệt tư liệu một hồi lâu, rồi mới chỉ lên trên địa đồ, tâu :

- Khải tấu Thánh hoàng. Phía tây các xứ A Lạp Bá là Địa Trung Hải. Bán đảo La Mã nằm ngay giữa Địa Trung Hải, một đầu nối vào bờ phía bắc. Ở trung tâm bán đảo có thành La Mã, là lãnh địa của vị giáo chủ Cơ Đốc giáo La Mã. Phía nam bán đảo là vương quốc Napoli. Phía dưới vương quốc Napoli có một hòn đảo lớn, là Sicily, trước kia cũng là một vương quốc độc lập, nhưng giờ đây là thuộc địa của vương quốc Aragon ở bờ tây bắc Địa Trung Hải. Ngoài ra trên bán đảo còn có rất nhiều công quốc, lãnh địa lớn nhỏ khác như Florence, Genoa, Venice, … Chiến tranh xảy ra liên miên. Thậm chí hiện tại Cơ Đốc giáo La Mã còn có đến 3 vị giáo chủ ở Avignon, Bolonia và La Mã. Cả 3 đều tuyên bố là chính thống.

Giáo Hoàng là cách dịch sai của người Tàu, rồi người Việt lấy dùng. Người Tàu biết đến Thiên Chúa rộng rãi nhất có lẽ là thời kỳ Thái Bình Thiên Quốc. Hồng Tú Toàn tự xưng là người đại diện của Thiên Chúa ở nhân gian, rồi xưng Thiên Vương. Có lẽ người Tàu cho rằng Đức Cha ở La Mã phải có địa vị tôn quý hơn, nên phải gọi là Giáo Hoàng. Thật ra ở châu Âu chưa bao giờ sử dụng danh hiệu có nghĩa là Giáo Hoàng. Danh hiệu chính thức của Ngài là Giám mục La Mã, mục tử đoàn chiên chúa, và được gọi một cách tôn kính là Papal hay Pope, dịch đúng nghĩa phải là Đức Cha, người Việt còn gọi là Đức Thánh Cha (thời kỳ Trung Cổ, ở miền trung nước Ý có Papal States – nước của Đức Cha). Vào khoảng đầu thế kỷ 15 này, ngay cả ở Trung Hoa cũng chưa có cách gọi ‘Giáo Hoàng’. Người Hán, người Việt thường gọi người đứng đầu các giáo phái là ‘giáo chủ’ : giáo chủ Bạch Liên giáo (Minh giáo hay Hỏa giáo), giáo chủ Thiên Sư giáo (Đạo giáo), … Do đó trong truyện sẽ sử dụng từ ‘giáo chủ’ cho phù hợp với hoàn cảnh. Khi nói đến ‘giáo chủ của Cơ Đốc giáo La Mã’ tức là nói đến ‘Giáo Hoàng’, còn ‘giáo chủ của Cơ Đốc giáo Phương Đông’ tức là chỉ ‘Thượng phụ giáo chủ của Chính Thống giáo’.

Giang Phong ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi phán :

- Napoli cũng chỉ là một tiểu quốc, khi tiếp đãi chỉ cần sử dụng lễ tiết như với các phiên chủ của Đông Doanh, tộc trưởng của Mông Cổ hay tiểu vương Hồi giáo, tương đương hầu tước của bản triều.

Ý bản thân chưa phải là một nước lớn (chỉ tính phần bán đảo), đằng này Napoli chỉ là phần phía nam của Ý, dù xưng là vương quốc thì đối với Đế quốc cũng chỉ là tiểu vương. Hơn nữa, cha con Louis nhà Valois chỉ là vua của Napoli trên danh nghĩa, ngai vàng đã bị cướp mất hơn 20 năm nay.



Những người mà bọn Giang Phong nói đến lúc này đã đến được Tân Thành, một thành thị nằm trên một hòn đảo ở ngay mũi đất cực nam của Mã Lai bán đảo. Louis Đệ Tam do còn nhỏ nên có một vị lão thần là Ferdinand Caracciolo đi cùng, với một số cận vệ. Bọn họ chỉ đi nhờ vận thuyền của Hồng Long phân hạm đội đến Tích Lan, rồi theo thương thuyền để đến Gia Định. Hôm nay, thương thuyền ghé lại Tân Thành, và bọn họ quyết định tiến thành tham quan.

Bọn họ đầu tiên đi dạo một vòng thành thị, để Louis Đệ Tam và Ferdinand Caracciolo tìm hiểu phong tục của Thần Thánh Đế quốc. Tân Thành, có thể nhiều người không nhớ được tên này, nó chính là hòn đảo Singapore nằm trong eo biển Malacca, và cũng là đất nước Singapore (Tân Gia Ba). Tân Thành không có tài nguyên để phát triển, nhưng nằm ngay trên Hoàng kim hải đạo, là căn cứ hậu cần của những tàu thuyền đi trên tuyến hải vận Đông – Tây, nhờ vậy mà kinh tế rất phát triển, nhất là thương mại, đặc biệt phồn vinh. Nhiều thương thuyền đến từ A Lạp Bá, để tiết kiệm thời gian đi lại, chỉ đi đến đây, bán hàng hóa của phương tây, rồi mua đặc sản của phương đông chở về.