Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 72: BẮC PHƯƠNG ĐẠI LOẠN

Lại nói, Triều Tiên dâng biểu sang Minh triều cáo cấp, xin viện binh. Nhưng Minh triều tự thân còn chưa lo xong, sao có thể lo đến việc ở Triều Tiên. Không có được viện binh, thế lực của Triều Tiên vương triều ngày càng suy yếu. Trong nước bắt đầu xuất hiện loạn lạc.

Tháng 4, giới quý tộc Quyền môn (Gwonmun) lại nổi dậy, phục ngôi cho Cung Nhượng Vương. Trước đây, vào năm 1388, Lý Thành Quế lật đổ U Vương của Cao Ly vương triều, tôn Dương Vương lên ngôi. Nhưng sau đó y lại gϊếŧ cả U Vương và Dương Vương, đưa một người thuộc vương tộc là Vương Dao lên kế vị, hiệu xưng Cung Nhượng Vương. Đến năm 1392, Lý Thành Quế lại lật đổ Cung Nhượng Vương, giam lỏng ở Nguyên Châu, và tự đăng cơ xưng vương, lập nên nhà Triều Tiên, dời đô đến Hán Thành. Trong thời gian trị vì của Lý Thành Quế, giới quý tộc Quyền môn nhiều lần nổi dậy định phục ngôi cho họ Vương, nhưng đều bị đàn áp. Lần này, nhân cơ hội Triều Tiên vương triều suy yếu, bọn họ lại nổi dậy, thành công phục ngôi cho Cung Nhượng Vương, khôi phục quốc hiệu Cao Ly, đóng đô ở Toàn Châu, lãnh thổ bao gồm 3 đạo phương nam là Toàn La (Toàn Châu phủ, La Châu mục), Khánh Thượng (Khánh Châu phủ, Thượng Châu mục, Tấn Châu mục), và Trung Thanh (Trung Châu mục, Thanh Châu mục, Công Châu mục).

Tháng sau, một viên biên tướng trấn thủ Bình An đạo của Triều Tiên là Kim Thế Nam đã cất quân đánh chiếm Hàm Kính đạo ở phía đông, sau đó tự xưng Kim Chiêu Vương, quốc hiệu Kim, đóng đô ở Bình Nhưỡng, lãnh thổ bao gồm 2 đạo phương bắc là Bình An (Bình Nhưỡng phủ, Trữ Biên đại đô hộ phủ, Nghĩa Châu mục) và Hàm Kính (Hàm Hưng phủ, Kính Thành đô hộ phủ, Bắc Thanh đô hộ phủ). Triều Tiên vương triều chỉ còn lại 3 đạo ở giữa là Kinh Kỳ (Hán Thành phủ, Khai Thành phủ), Hoàng Hải (Hoàng Châu mục, Hải Châu mục) và Giang Nguyên (Giang Lăng đại đô hộ phủ, Nguyên Châu mục).

Cả hai nước Cao Ly và Kim đều sai sứ đến Gia Định cầu phong, đồng thời liên minh với nhau uy hϊếp Triều Tiên quốc.

Còn ở Minh triều, tình hình cũng hỗn loạn không kém.

Đầu tháng 5, do Kỷ Cương chinh binh chinh lương ở Hà Nam một cách quá tàn bạo, hễ gặp tráng đinh là bắt, hễ gặp lương thực là thu, khiến dân chúng căm phẫn, lần lượt nổi dậy khởi nghĩa. Khắp các phủ Trần Châu, Hứa Châu, Trịnh Châu, Vũ Châu, Đặng Châu, Nam Dương, Quy Đức, Chương Đức đều có quân khởi nghĩa. Do quan quân không còn, các quan viên Minh triều ở Hà Nam không thể nào đàn áp quân khởi nghĩa nổi. Nghĩa quân tràn ra khắp nơi, công thành lược địa. Kỷ Cương bị đuổi chạy về Sơn Đông.

Sau một thời gian công thành lược địa, một đạo nghĩa quân lớn chiếm được Nam Dương phủ làm đại bản doanh. Do có tiền lương, có địa bàn, nghĩa quân ở Nam Dương dần dần thu phục được các đạo nghĩa quân nhỏ hơn, lại nhận được viện trợ từ phương nam nên ngày càng phát triển hùng mạnh. Thủ lĩnh của bọn họ là Lưu Khánh tự nhận là hậu duệ của Hán Quang Vũ đế, tuyên bố kế nghiệp tổ tiên, khôi phục Hán triều. Ngày 3 tháng 6, Hán quân tụ họp được 20 vạn người, kéo về bao vây Lạc Dương. Sau 5 ngày vây hãm, Lạc Dương thất thủ. Ngày 15 tháng 6, Lưu Khánh đăng cơ xưng đế, xưng hiệu là Uy Vũ đế, quốc hiệu Đại Hán, đóng đô Lạc Dương. Đến đầu tháng 7, trong số 20 châu phủ, 96 huyện của Hà Nam hành tỉnh thì đã có 17 châu phủ, 72 huyện thuộc quyền kiểm soát của Hán quân. Chỉ còn lại 3 châu phủ nằm sát Sơn Đông thì vẫn còn thuộc quyền kiểm soát của Minh triều.

Hán quân hưng khởi thúc đẩy hào cường vọng tộc các xứ lần lượt học theo. Ai lại không muốn kiến quốc xưng đế, không những có thể quang tôn diệu tổ, mà còn có thể hưởng tận vinh hoa phú quý.

Ngày 15 tháng 7, Lý Thiếu Hoa xưng đế ở Trường An, xưng hiệu Thánh Đức, quốc hiệu Đại Đường, lãnh thổ gồm 18 châu phủ, 68 huyện ở trung bộ Thiểm Tây (trừ 12 châu phủ, 27 huyện vùng Hán Trung và Lan Châu). Ngày 20 tháng 7, Minh Ngọc Toàn xưng vương ở Thành Đô, xưng hiệu Đức Vương, quốc hiệu Hạ. Minh Ngọc Toàn là em của Hạ vương Minh Ngọc Trân của nước Hạ ở vùng Tứ Xuyên trước đây. Nhờ dư oai của Minh Ngọc Trân, Hạ Đức Vương Minh Ngọc Toàn chiếm lĩnh được 35 châu phủ, 111 huyện của Tứ Xuyên hành tỉnh và 4 châu phủ, 11 huyện vùng Hán Trung của Thiểm Tây hành tỉnh; lãnh thổ rộng hơn 2 nước Đại Hán và Đại Đường nhiều.

Tháng 8, một phú hào của tiền trang Sơn Tây là Tiền Khải dốc hết tài sản ra mộ quân, tụ họp được hơn 20 vạn người, chiếm lấy cả 23 châu phủ, 79 huyện đất Sơn Tây. Ngày 15 tháng 9, Tiền Khải đăng cơ xưng đế, xưng hiệu Long Khánh đế, quốc hiệu Tấn, đóng đô ở Thái Nguyên. Ngoài ra còn có 8 châu phủ và 16 huyện vùng Lan Châu bị quý tộc Mông Cổ chiếm giữ, xưng vương và tuyên bố kế tục nhà Nguyên (sau khi chạy khỏi Bắc Kinh, dòng dõi nhà Nguyên vẫn tiếp tục xưng đế trên thảo nguyên Mông Cổ, sử gọi là Bắc Nguyên, nhưng không có quyền lực gì đáng kể).

Tóm lại, đến mùa thu, Minh triều chỉ còn lại vùng Hà Bắc và Sơn Đông. Các tỉnh Hà Nam, Thiểm Tây, Sơn Tây, Tứ Xuyên lần lượt hình thành các nước Đại Hán, Đại Đường, Tấn, Hạ và phiên vương Mông Cổ ở Lan Châu. Còn vùng Hồ Bắc, Huy Châu, Dương Châu, trên danh nghĩa được Thần Thánh Đế quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình (biên giới phía bắc là Hoài Thủy), nhưng thực tế đã bị biến thành vùng đất trống, không một bóng người, trở thành vùng đệm giữa các nước Hán tộc ở phía bắc với Thần Thánh Đế quốc. Hơn nữa, vùng Hoài Thủy vừa xảy ra ôn dịch, dân chúng cũng không dám đến đấy sinh sống.



Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.517 (Ất Mùi, 1415). Mùa thu, tháng 8. Sùng Minh đảo. Trường Hưng Thành.

Triệu Phong mấy tháng nay rảnh rỗi không có việc gì làm, hết tắm biển rồi lại câu cá, đánh cờ giải khuây. Minh triều quốc lực suy kiệt, không còn đủ khả năng phát động chiến tranh nữa, cuộc bắc phạt đã kết thúc, các đạo quân đã lần lượt rút về phương nam. Giờ chỉ còn lại Định Hải quân ở Liêu Đông, Thần Long quân ở Kim Lăng, Thần Vũ quân ở Trường Sa và Thần Uy quân ở Quảng Châu; cùng với Bắc Dương Hạm đội đóng đại bản doanh ở Đài Loan. Các tướng lĩnh cũng chỉ còn lại Triệu Phong, và Mã Tân là còn ở lại phương bắc cho đến khi cục diện ổn định. Trong khi đó thì Lý Ngân lại suất lĩnh các đạo quân Uy Vũ, Uy Nghĩa, Uy Đức, Trấn Biên theo đường cũ qua Vân Nam quay về xứ Thái.

Hôm nay, Triệu Phong đang ngồi câu cá giải khuây thì có thân binh đến bẩm báo :

- Đại nhân. Có Triệu Anh Triệu đại nhân từ Gia Định đến.

Triệu Phong nghe báo mà giật mình. Triệu Anh là thân đệ của Triệu Phong, trước đây được Giang Phong chọn vào giúp việc ở Tử Tiêu Điện, có thể xem là cận thần của Giang Phong. Nay gã được phái đến đây, hẳn phải có đại sự gì quan trọng.

Triệu Phong liền trở về Soái phủ, tiếp kiến thân đệ. Triệu Anh thần thái hưng phấn, vừa bước vào đã nói ngay :

- Đại ca. Chúc mừng đại ca nha !

Triệu Phong cau mày hỏi :

- Đệ. Có việc gì cũng nên nói cho rõ ràng ! Không nên nhanh nhảu như vậy ! Chúc mừng điều gì thế ?

Triệu Anh hớn hở nói :

- Có thánh chỉ cho đại ca đây.

Triệu Phong giật mình, vội sai sắp bàn hương án, tiếp chỉ. Lễ tiết đầy đủ, Triệu Anh giở chiếu chỉ ra tuyên đọc :

“Thụ mệnh vu thiên, Thánh hoàng chiếu viết :

Trẫm duy lập chính dụng nhân, nghi cử khảo công chi điển. Lường tài định vị, dụng tinh trị sự chi năng. Tư nhĩ Quân bộ Các thần, Lục quân bộ bộ trưởng Triệu Phong, thần uy vũ dũng, văn vũ kiêm thông, chinh nam phạt bắc, chiến tích huy hoàng. Tư đặc thăng thụ Ngự tiền hộ giá đại thần, Chiêu Vũ Vương, gia cửu tích.

Tứ chi sắc mệnh, miễn hàm cần ư xu sự. Thức khâm thành mệnh, vĩnh vô dịch ư thừa hưu. Khâm thử.”

Tạm dịch :

“Thể theo mệnh trời, Thánh hoàng chiếu rằng :

Trẫm nghĩ việc trị nước dùng người, nên xem xét theo phép công. Lường tài mà phong chức, dựa theo năng lực làm việc. Nay Quân bộ Các thần, Lục quân bộ bộ trưởng Triệu Phong, thần oai võ dũng, văn võ kiêm thông, chinh nam phạt bắc, chiến tích huy hoàng. Nay đặc biệt gia phong cho làm Ngự tiền hộ giá đại thần, Chiêu Vũ Vương, gia cửu tích.

Ban cho sắc mệnh, phải cố siêng năng làm việc. Sứ mệnh vua giao, luôn làm không chán không nghỉ. Khâm thử.”

Triệu Phong nghe nói mà kinh ngạc ngẩn người. Phong vương, gia cửu tích. Cửu tích là dấu hiệu của Thiên tử, được sử dụng xa mã, vận cổn miện theo nghi vệ cao nhất (của nho gia). Trước đây có Tào Tháo, Tư Mã Ý, Lý Thế Dân đều được gia cửu tích. Triệu Phong kinh hãi lắp bắp :

- Đệ. Chuyện này …

Gia cửu tích là chuyện không tầm thường, không khéo có thể mang lại họa sát thân. Vì thế mà Triệu Phong rất lo lắng. Quả thật là Triệu Phong công lao quá lớn. Triệu Anh cười nói :

- Đại ca nên nhớ rằng Thánh hoàng không phải là phàm nhân. Thánh hoàng cộng trị cả thiên địa.

Triệu Phong ngẫm nghĩ giây lát, rồi tung hô vạn tuế và tiếp chỉ.