Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 46: HỒNG LONG PHÂN HẠM ĐỘI

Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.515 (Quý Tỵ, 1413), mùa xuân.

Cát Ti quả nhiên không thể ngồi yên được, luôn luôn tìm cách mở rộng vùng kiểm soát của Đế quốc để tiện cho việc thương mại. Sau vụ Tích Lan, Cát Ti lại báo cáo việc Vương quốc Hồi giáo Mamluk ở Cairo kỳ thị thương nhân nước ngoài, gây khó khăn cho việc thương mại của Đế quốc (thật ra phần lớn là của Giang Phong, bởi chỉ có Giang Phong mới có những thương thuyền cỡ lớn đi đến tận các xứ A Lạp Bá, một số ít thuộc về các quan trong triều). Sự thật thì việc kỳ thị thương nhân nước ngoài của các Vương quốc Hồi giáo cũng không phải mới xảy ra gần đây, từ lâu bọn họ đã đặt ra mức thuế rất cao đánh vào thương nhân nước ngoài, thậm chí đối với nhiều vương quốc, đó còn là nguồn thu chính của bọn họ. Chỉ có điều, Cát Ti không cam tâm đóng khoản thuế cao ngất như thế, theo cách nói của Cát Ti thì : bọn họ lấy tiền của Thánh hoàng một cách trơ tráo, không thể chấp nhận được. Cát Ti đã nhiều lần phái sứ giả thương lượng với bọn họ, nhưng đều không thành.

Tiền của Thánh hoàng bị lấy đi một cách trơ tráo (thật ra thì cũng có một bộ phận tiền của các quan trong đó). Đó là đại sự. Toàn thể triều đình đều phẫn nộ, và Giang Phong đã phái một phân hạm đội của Tây Dương Hạm đội đến bán đảo A Lạp Bá (Arab). Các xứ Tích Lan được lệnh phải hỗ trợ phân hạm đội này.

Phân hạm đội được đặt tên là Hồng Long phân hạm đội, gồm 3 chiếc Thất Tinh cấp chiến hạm, 10 chiếc Tuần Dương hạm và hơn 50 chiến thuyền lớn nhỏ, về quy mô đã tương đương với Nam Dương Hạm đội. Phân hạm đội do Đô Đốc Tôn Lương chỉ huy, còn chở theo 1 sư của Thần Sách quân đang trú đóng ở Tích Lan, cùng rất nhiều lương thực vật tư.

Phân hạm đội từ Tích Lan xuất phát, đi ngang qua mũi đất phía nam của lục địa Ấn Độ, tiếp tục đi thẳng về phía tây. Tuyến đường này, các thương thuyền dưới quyền Cát Ti đã qua lại rất nhiều lần, hải đồ đã hoàn thiện, lại có thêm sự hướng dẫn của hướng đạo đoàn, nên phân hạm đội không gặp phải khó khăn gì đáng kể.

Đi về phía tây, đến lục địa Phi châu, phân hạm đội quay mũi dọc theo bờ biển mà đi về phương bắc. Đó là hải tuyến đơn giản nhất mà bọn Cát Ti vẫn sử dụng : từ Tích Lan đi thẳng về phía tây, gặp lục địa thì chuyển về hướng bắc sẽ đến được các xứ A Lạp Bá. Phần đất lục địa đó chính là lãnh thổ của nước Somali thời hiện đại, lúc này vẫn chỉ là những bộ lạc sơ khai, tiếng Anh gọi chung những xứ đó là ‘Ethiopic and Somali Tribes’.

Tháng 4, đến được mũi đất tiến vào Hồng Hải, phân hạm đội dừng lại. Đô đốc Tôn Lương cho quân đổ bộ lên chiếm lĩnh hai mũi đất đó, để tiện khống chế hải tuyến. Do eo biển giữa hai mũi đất quá hẹp, nếu bị địch quân khống chế sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho Hải quân Đế quốc nếu muốn ra vào Hồng Hải.

Hai mũi đất đó lúc này chẳng có quân đội trú đóng, quân đội Đế quốc chỉ cần đổ bộ lên cắm trại ở đó, rồi khẩn cấp xây dựng pháo đài. Mất gần nửa tháng mới xây xong vòng tường bên ngoài của pháo đài và vài kiến trúc quan trọng cho việc phòng thủ. Đô đốc Tôn Lương cho đặt trên mỗi pháo đài 50 khẩu thần công. Cùng với bức tường cao 2 trượng và 500 quân trú phòng, nếu bị đại đội địch quân tấn công, pháo đài vẫn có thể đứng vững cho đến khi viện binh đến cứu. Còn nếu địch quân dưới 1 vạn, tấn công pháo đài chỉ hao binh tổn tướng mà thôi.

Trong lúc pháo đài đang xây dựng, Đô đốc Tôn Lương phái sứ giả đến triều đình Adal ở bờ phía nam và triều đình Rasulid ở bờ phía bắc, đồng thời thông báo về Tích Lan để đội thuyền thứ hai lên đường chở vật tư đến bổ sung.

Trên vùng đất bờ nam Hồng Hải lúc này có hai vùng riêng biệt : vùng phía bắc là các triều đại bản địa và vùng phía nam cũng là triều đại bản địa, nhưng chịu ảnh hưởng của Hồi giáo, hình thành dần những tiểu quốc Hồi giáo.

Vùng phía bắc gồm nhiều tiểu quốc chư hầu của Vương triều Solomonic, là một triều đại được thành lập trên vùng cao nguyên Abyssinian (ở xứ Ethiopia). Vương triều Solomonic là sự nối tiếp vương triều Zagwe, các quốc vương tự nhận mình là hậu duệ của quốc vương Asumite triều Solomonic, nên cũng gọi vương triều của mình là Solomonic. Vị quốc vương đầu tiên là Yekuno Amlak, người đã lật đổ vị quốc vương cuối cùng của vương triều Zagwe và kết hôn với con gái của họ.

Vùng phía nam sau khi Hồi giáo truyền vào đã hình thành nhiều tiểu quốc, dưới sự thống lĩnh của Vương quốc Hồi giáo Adal. Do khác biệt tôn giáo, do ảnh hưởng của Hồi giáo, chiến tranh giữa Solomonic và Adal diễn ra liên tục. Xứ Adal trước khi Hồi giáo truyền vào là chư hầu của Solomonic. Từ năm 1288, các tiểu vương xứ này theo Hồi giáo và không triều cống cho Vương triều Solomonic nữa, thế là chiến tranh bùng nổ, kéo dài đến tận lúc này. Đến năm 1332 các tiểu quốc cùng thống nhất chống lại Solomonic, Adal được xem như thành lập. Quân Solomonic thường chiếm được ưu thế, nhiều vị quốc vương của Adal bị bắt, bị gϊếŧ, nhưng cuộc phản kháng vẫn cứ tiếp diễn đến giờ. Đến năm 1403, quốc vương của Adal là Sa’ad Din II đã chiến thắng quân Solomonic nhiều trận nhỏ, củng cố được vị thế của Adal. Theo lịch sử, đến năm 1415, quân Adal giành được ưu thế trong chiến tranh, Vương quốc Hồi giáo Adal được chính thức thừa nhận, và tồn tại đến năm 1555 thì tan rã thành nhiều tiểu quốc nhỏ.

Còn các vương triều của xứ Ethiopia trong lịch sử, tuy trên danh nghĩa có lãnh thổ rộng lớn, nhưng cứ phải thường xuyên đối phó các cuộc phản kháng ở các địa phương. Điều đó chứng tỏ bọn họ ít được lòng dân. Và nước Ethiopia hiện đại hoàn toàn là một quốc gia nội lục, không giáp biển, thường xuyên có chiến tranh với lân quốc để mở đường ra biển. Thậm chí vào năm 1998 đã nổ ra chiến tranh giữa Ethiopia với Eritrea để tranh giành một vùng đất giáp biển, kéo dài đến năm 2000, với kết quả là 123.000 người Ehiopia và 19.000 người Eritrea thiệt mạng. Quân Ethiopia ban đầu chiếm giữ được khoảng 20% lãnh thổ Eritrea nhưng sau đó đã bị đánh lui.

Sứ giả của Đô đốc Tôn Lương đến nơi, đã được triều đình Adal tiếp đãi trọng hậu. Quốc vương Sa’ad Din II đồng ý nhượng mũi đất đó cho Đế quốc, đổi lại, Đế quốc giúp Adal chống lại quân Solomonic. Dù sao thì Adal chưa kiểm soát được hoàn toàn vùng này, mũi đất đó chỉ trực thuộc Adal trên danh nghĩa, và giờ đây đã do bọn Tôn Lương kiểm soát. Trong tình thế bị quân Solomonic uy hϊếp, hiệp ước này xem ra có lợi cho Adal nhiều hơn.

Còn sứ giả đến Rasulid thì bị triều đình ở đó đuổi về. Không những thế, quân đội Rasulid tập kết ở Ta’izz, kinh đô thứ hai của vương quốc, rồi tiến xuống Moka, theo đó tấn công mũi đất. Đại quân Rasulid đông đến 5 vạn người, trong đó có 1 vạn kỵ binh. Hồng Long phân hạm đội chỉ có 1 vạn Hải quân, cùng với 1 vạn lục quân của Thần Sách quân, nên Đô đốc Tôn Lương quyết định phòng thủ, tiêu hao sinh lực địch quân.

Khi quân đội Rasulid tiến xuống thì pháo đài đã xây dựng xong các kiến trúc phòng thủ. Đô đốc Tôn Lương phái 1.000 quân trú đóng trong pháo đài, còn lại đều đóng ở bờ biển phía nam. Các chiến hạm, chiến thuyền dàn ra dọc theo bờ biển. Pháo đài nằm gần biển, nên có thể cùng Hải quân hiệp đồng tác chiến.

Tháng 6, quân đội song phương giao chiến bên ngoài pháo đài. Do quân số ít hơn, lại ở xa hậu phương, khó bổ sung binh lực nên Đô đốc Tôn Lương không cho quân trực tiếp giao chiến. Ban ngày, các khẩu thần công trên pháo đài và trên các hạm thuyền luân phiên nhả đạn về phía quân Rasulid. Ban đêm, quân Đế quốc được chia thành những toán nhỏ khoảng 1.000 người, quấy nhiễu, tập kích quân Rasulid, chủ yếu tiêu hao sinh lực địch quân.

Giữa tháng 6, do thám được vị trí trại lương của quân Rasulid, Đô đốc Tôn Lương sai quân tập kích, dùng hỏa dược dẫn hỏa thiêu rụi trại lương, đồng thời còn thường xuyên cho tấn công cắt đứt các đường tiếp tế. Cuối tháng 6, thành Moka nằm bên cạnh bờ biển phía tây bắc mũi đất bị chiếm. Quân Rasulid thiếu lương, rơi vào tình thế khó khăn.

Tháng 7, quân Rasulid hết lương, phải rút lui. Quân Đế quốc truy đuổi, bắt được hơn 5.000 tù binh. Do quá xa, để khỏi tốn công vận chuyển, Đô đốc Tôn Lương tỏ ra rộng rãi, chuyển giao toàn bộ tù binh cho Adal để sung vào quân đội của họ. Quốc vương Adal tặng lại nhiều châu báu để cảm tạ.

Suốt tháng 7, Hồng Long phân hạm đội chia nhau đi cướp phá các thành trấn duyên hải thuộc Vương triều Rasulid. Một số bộ lạc du mục trên bán đảo A Lạp Bá quy phục. Đô đốc Tôn Lương chia phần đất duyên hải nằm trong tầm uy hϊếp của Hải quân thành nhiều phần, giao cho bọn họ quản lý. Bọn họ có toàn quyền trên các khu vực đó và nộp thuế cho Đế quốc. Do được xem là lương dân nên mức thuế không cao. Nếu sau này bọn họ trở thành thuận dân thì mức thuế sẽ càng thấp hơn nữa.