Đông Phương Thần Thánh Đế Quốc

Chương 30: LONG SƠN HUYỆN

Long Sơn huyện.

Có thể mọi người còn chưa quen với tên gọi này, nhưng nếu nói đến Vũng Tàu, có lẽ nhiều người rất quen. Đó là một thành phố được xây dựng trên địa giới 3 làng Tam Thắng thời Nguyễn. Di tích pháo đài Phước Thắng vẫn còn, chính là Bạch Dinh ngày nay. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã cho xây dựng Bạch Dinh (Villa Blanche) trên nền pháo đài Phước Thắng từng khai hỏa bắn vào tàu chiến Pháp 50 năm trước đó. Tại đây hiện vẫn còn lưu giữ 19 khẩu thần công của pháo đài Phước Thắng xưa.

Năm 1876, Vũng Tàu thuộc tiểu khu Bà Rịa, nằm trong khu vực (circonscription) Sài Gòn, theo nghị định phân chia hành chính của chính quyền Pháp thuộc. Ngày 1 tháng 5 năm 1895, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định tách thị xã Cap Saint Jacques ra khỏi tiểu khu Bà Rịa để lập thành phố tự trị (commune autonome) Cap Saint Jacques. Đến ngày 20 tháng 1 năm 1898, Cap Saint Jacques hợp nhất trở lại với tiểu khu Bà Rịa thành khu Cap Saint Jacques cho đến năm 1899 lại tách ra thành hai đơn vị hành chính độc lập. Ngày 14 tháng 1 năm 1899 khu Cap Saint Jacques thành lập tổng Vũng Tàu gồm 7 làng. Theo phân cấp hành chính của Pháp, Thành phố / Thị trấn / Làng (commune) là cấp đơn vị hành chính địa phương thấp nhất của Cộng hòa Pháp. Cấp hành chính trêmune là tổng (canton). Do đó, từ thành phố (commune) nâng cấp lên thành tổng là hợp lý. Hiện tại nước Pháp có 22 vùng (région), 96 tỉnh (département, trước cách mạng Pháp 1789 gọi là province), 329 quận (arrondissement), 3.883 tổng (canton) và 36.783 Thành phố / Thị trấn / Làng (commune).

Năm 1901, dân số Vũng Tàu là 5.690 người, trong đó có gần 2.000 người di cư từ miền Bắc vào, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Ngày 1 tháng 4 năm 1905 theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Cap Saint Jacques không còn là thành phố tự trị mà trở thành đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa. Năm 1929 Cap Saint Jacques trở thành tỉnh riêng, rồi đến năm 1934 tỉnh Cap Saint Jacques lại hạ cấp xuống thành thành phố (commune). Giờ đây là thành phố thủ phủ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Một điều đáng lưu ý là nước ngọt sử dụng ở Vũng Tàu được bơm theo đường ống dẫn từ Bà Rịa ra.

Sau khi ổn định được tỉnh Gia Định rồi, Giang Phong đã cho xây dựng một khu định cư mới tại vùng đất thuộc Vũng Tàu ngày nay. Theo truyền thống đặt tên bằng Hán Việt thời bấy giờ, Giang Phong đã lấy tên Long Sơn, một hòn đảo khá nổi tiếng thuộc Vũng Tàu, làm tên huyện, và cũng để phù hợp với Long Hải huyện cũng ở bên cạnh. Cả Long Sơn huyện và Long Hải huyện đều thuộc Gia Định quận. Giang Phong không quy nó về Biên Hòa quận, bởi thời bấy giờ, chưa có đường lớn đi từ Long Sơn về Biên Hòa. Theo sông Gia Định (tức sông Đồng Nai), từ Long Sơn huyện đi về Gia Định Thành trước, rồi mới đến Biên Hòa quận sau.

Long Sơn huyện lúc này là một khu dân cư đặc biệt. Cư dân đều là gia đình những người làm việc trong Xưởng đóng thuyền của Giang Phong, phụ trách nghiên cứu, đóng mới thuyền hạm và cải trang, sửa chữa những thuyền hạm chiến lợi phẩm. Xưởng đóng thuyền này ban đầu được xây dựng ở đảo Hải Tân, sau đó di dời sang An Phú Thành, và lúc này lại di dời đến đây.

Hôm nay, Giang Phong ra thị sát Xưởng đóng thuyền ở Long Sơn, tháp tùng có lão Quảng Tế Pháp sư và Hải quân bộ bộ trưởng Đinh An Bình. Tổng quản Công xưởng là Phạm Phú Chính, một nghệ nhân đóng thuyền giỏi của Đại Việt đã từng theo Giang Phong từ thời ở Hải Tân, đưa Giang Phong ra thị sát các khu vực đóng thuyền hạm. Ở đó lúc này có hàng trăm người đang hì hục làm việc. Trong khu vịnh sát công xưởng hiện đang neo đậu hàng trăm thuyền hạm. Phạm Phú Chính đưa tay chỉ ra vịnh nói :

- Đại nhân. Đó chính là số thuyền hạm chiến lợi phẩm mà Đại nhân đã cho đưa đến hôm trước.

Hơn ba trăm chiến hạm cỡ lớn neo đậu san sát trong vịnh, quang cảnh tráng quán vô cùng. Nhưng Giang Phong chỉ nhìn qua một lượt, rồi nói với vẻ không hài lòng :

- Chẳng phải nói có hơn 60 bảo thuyền rất lớn hay sao. Sao giờ không thấy chiếc nào cả ?

Theo báo cáo trước đây, đoàn thuyền của Trịnh Hòa có 63 chiếc bảo thuyền, lớn hơn mã thuyền rất nhiều. Nhưng Giang Phong chẳng thấy có chiếc thuyền nào đặc biệt lớn so với mã thuyền cả. Theo ‘Doanh nhai thắng lãm’ (viết năm 1451), Trịnh Hòa hàng hải bảo thuyền có 63 chiếc, là loại thuyền lớn nhất thời bấy giờ, tính ra dài 151,18 mét, rộng khoảng 61,6 đến 75 mét. Trên thuyền có 9 cột buồm, treo 12 buồm mành. Mỏ neo nặng mấy nghìn cân. Cần sử dụng 200 thủy thủ mới có thể hoạt động, có thể chở nghìn người.

Quảng Tế Pháp sư nói :

- Hồi bẩm Đại nhân. Bảo thuyền được mô tả trong báo cáo trước đây là loại thuyền mà Minh triều sử dụng trong lễ khởi hàng của Trịnh Hòa. Theo thông tin mới nhất, loại thuyền đó tuy lớn, nhưng không chịu được sóng gió, chỉ có thể sử dụng trong sông hồ chứ không ra biển được. Minh triều chỉ mang ra lòe người mà thôi. Bảo thuyền ở đây cũng có 9 cột buồm, 12 buồm, nhưng chỉ lớn hơn mã thuyền chút ít.

(chú : các tư liệu của Tàu mô tả bảo thuyền như sau : “Bảo thuyền tòng Long Giang quan xuất thủy, cư cân tùy Trịnh Hòa hạ tây dương đích phiên dịch quan Mã Hoan sở trứ ‘Doanh nhai thắng lãm’ (1451 niên định cảo ) ký lục : Trịnh Hòa hàng hải bảo thuyền cộng 63 tao, tối đại đích trường 44 trượng 4 xích, khoan 18 trượng, thị đương thì thế giới thượng tối đại đích hải thuyền, chiết hợp hiện kim trường độ vi 151,18 mễ, khoan 61,6 mễ, khoan 75 mễ; thuyền thượng 9 ngôi khả quải 12 trương phàm, miêu trọng hữu kỉ thiên cân, yếu động dụng nhị bách nhân tài năng khải hàng, nhất tao thuyền khả dung nạp hữu thiên nhân”. Luận thuyết bảo thuyền này không thể xuất hải cũng là do một số nhà nghiên cứu người Tàu thời hiện đại đưa ra, được các nhà nghiên cứu Âu Mỹ ủng hộ, bởi theo bản vẽ thiết kế còn lưu lại, sườn thuyền bằng gỗ nếu đóng lớn như thế sẽ không đủ vững chắc để chịu đựng sóng gió khi đi biển).

Giang Phong quan sát một lúc, cũng đã nhìn thấy bảo thuyền mà Quảng Tế Pháp sư nói đến. Nếu như nó không neo đậu gần mã thuyền, Giang Phong thật sự không phát hiện nó lớn hơn mã thuyền chút nào, tuy có lớn hơn thật, nhưng chỉ lớn hơn có chút ít. Giang Phong lắc đầu thất vọng, quay sang hỏi Phạm Phú Chính :

- Cải trang hết toàn bộ mất khoảng bao lâu ?

Phạm Phú Chính cung kính đáp :

- Hồi bẩm Đại nhân. Nếu không để ảnh hưởng đến các kế hoạch hiện tại của công xưởng, thì phải mất khoảng từ 6 đến 8 tháng mới có thể cải trang hoàn tất.

Giang Phong gật đầu nói :

- Như thế cũng được. Dù sao thì 2 vạn tân binh mới tuyển cũng chưa huấn luyện xong.

Trong số những người ở đây, chỉ có Hải quân bộ bộ trưởng Đinh An Bình là hứng khởi hơn cả. Nhìn mấy trăm chiến hạm trong vịnh, gã cười mãi không ngậm miệng lại được. Gã nghe nhắc đến tân binh, buộc miệng hỏi :

- Đại nhân. Số chiến hạm này sẽ giao hết cho các Hạm đội ?

Giang Phong mỉm cười hỏi lại :

- Sao ? Ngươi không muốn nhận ư ?

Đinh An Bình vội lắc đầu lia lịa, nói :

- Không … không … Đương nhiên là phải nhận chứ.

Giang Phong nói :

- Số chiến hạm này sẽ giao cho Hải quân bộ. Đến lúc đó các Hạm đội cũng phải tổ chức lại. Tạm thời thành lập 3 Hạm đội. Nam Dương Hạm đội, gồm khoảng 50 chiến hạm, 1 vạn quân, phụ trách kiểm soát hải phận Nam Dương. Tây Dương Hạm đội, gồm khoảng 100 chiến hạm, 1 vạn rưỡi quân, phụ trách khu vực hải phận nam Thiên Trúc. Bắc Dương Hạm đội, gồm số chiến hạm và số quân còn lại, phụ trách khu vực hải phận bắc Lã Tống.

Đinh An Bình cung kính vâng dạ. Có được số chiến hạm này, thực lực của các Hạm đội sẽ tăng rất nhiều. Xem xét một lúc nữa, Phạm Phú Chính lại đưa bọn Giang Phong đi tham quan nơi đóng thuyền hạm. Nhìn chiến hạm đã được đóng xong, đang nằm trong âu thuyền chờ trang hoàng nội thất và bố trí vũ khí, Đinh An Bình trợn tròn mắt, kinh hãi không sao kể siết, lắp bắp nói :

- Đây … đây là chiến hạm mới hay sao ?

Phạm Phú Chính cười nói :

- Đương nhiên là chiến hạm mới rồi. Đóng theo mệnh lệnh của Đại nhân đấy.

Đinh An Bình lo lắng hỏi :

- Nó có thể đi trên biển được không ?

Gã lo lắng như vậy cũng không phải là vô lý. Tấm gương bảo thuyền vẫn còn rành rành ra đó. Mà chiến hạm mới này còn lớn hơn nữa, dài 50 trượng (tức 200 mét), rộng 18 trượng (tức 72 mét), so với bảo thuyền còn lớn hơn nhiều. Phạm Phú Chính cười nói :

- Đương nhiên không vấn đề. Chiến hạm này được đóng gần một năm mới xong, sườn thuyền bằng gỗ, có dùng thép gia cố thêm, đã từng đi thử từ đây đến An Phú, rất vững chãi.

Đinh An Bình cả mừng hỏi :

- Chiến hạm này khi nào mới sử dụng được ? Và khi nào mới có thể đại quy mô trang bị cho các Hạm đội ?

Phạm Phú Chính nói :

- Giờ chỉ còn chờ Xưởng quân khí chuyển thần công đại pháo sang nữa là xong. Còn khi nào mới có thể đại quy mô trang bị cho các Hạm đội, còn chờ thánh ý của Đại nhân. Nhưng hiện tại năng lực của công xưởng cũng chỉ có thể đóng được 4 chiến hạm loại này mỗi năm.

Đinh An Bình lập tức nhìn Giang Phong đầy kỳ vọng. Giang Phong khẽ cau mày, suy nghĩ.